BÀI 7 : ĐỔI MỚI LÃNH ĐẠO



LINH MỤC LÀ CHỦ CHĂN

Nói về thừa tác vụ linh mục, Vatican II có vẻ chưa đổi mới vì vẫn còn theo khuôn khổ cũ, liệt kê ba nhiệm vụ của linh mục là rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo. Vẫn là ba chức năng ngôn sứ, tư tế và vương đế, ba vinh dự của con người được xức dầu, hoàn bị nơi Đức Kitô và được thông ban cho toàn thể Hội thánh để mọi thành phần đều được tham gia. Tuy nhiên tất cả những chân lý ấy đã được Vatican II trình bày một cách mới mẻ và sâu rộng, khiến chúng ta phải đón nhận những ánh sáng mới ấy để tìm hiểu và thi hành nhiệm vụ thứ ba của thừa tác vụ linh mục, nhiệm vụ cai trị hoặc lãnh đạo, một cách mới mẻ. Đó là chức năng tập họp dân Chúa tổ chức cộng đoàn, dẫn dắt đoàn chiên, quản lý một phần dân Chúa được trao phó cho chúng ta. Và chúng ta phải hiểu tất cả những phận sự ấy theo quan niệm mà truyền thống gọi là quyền vương đế hoặc cai trị (regere).

Thực ra, nơi giáo dân tư cách vương đế này hãy còn ít được giải thích và cũng khó được đón nhận. Nói đến vương đế, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến vương tước, vương hầu, vương tôn, vương giả, sặc mùi quân chủ, phong kiến, triều đình, chính trị, giàu sang, thế lực. Đầu óc người dân mới cũng không khác gì não trạng người dân cũ trong vấn đề này. Và chúng ta biết Đức Giêsu đã quyết liệt muốn đổi mới hoàn toàn não trạng ấy. Người không chịu để cho ai khoác vào cho Người những màu mè thế gian đó. Không những Người sinh sống khó nghèo và khẳng định giáo lý của Người chỉ người nghèo mới đón nhận được (x.Lc 18,18-30), mà khi thấy người ta đứng trước các phép lạ Người làm muốn tôn Người làm vua, Người đã vội lẩn trốn đi cầu nguyện nơi sa mạc (Ga 6,15). Ngay khi Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Thiên Sai, Người cũng răn cấm ông và các môn đệ không được nói với ai điều ấy (Mc 8,30; Mt 16,20) vì đầu óc người ta bấy giờ thường chỉ quan niệm Đấng Thiên sai theo hình ảnh một vị hoàng đế đầy quyền uy, đến nỗi Hêrôđê đã phải nhúng tay vào máu giết nhiều trẻ thơ vô tội khi nghe Vua Do thái ra đời (Mt 2,16-18). Phải đợi đến khi trở thành tù nhân, bị trói đứng trước mặt Philatô đại diện chính quyền của đế quốc Rôma, Đức Giêsu mới minh định Người là Vua (Ga 18,37). Lạ thay lời ấy có sức mạnh đến nỗi viên trấn thủ đầy quyền lực đã phải ghi vào bảng án đóng trên cây thập tự của Người. Các kỳ mục Do thái xin ông sửa lại một chút thôi, ông vẫn không chịu và đáp lại vắn gọn: Quod scripsi, scripsi. Điều ta đã viết là đã viết! (Ga 19,22). Và từ ngày đó càng ngày danh hiệu Vương đế của Đức Kitô càng được biết tới và công nhận.

Chúng ta phải trở về những đoạn Kinh Thánh trên để hiểu về vinh dự và chức năng vương đế trong Kitô giáo và về quyền lãnh đạo trong dân Chúa. Đức Giêsu đã khước từ quyết liệt mọi cái thuộc về hoàng đế theo kiểu thế gian, vì Nước Người không thuộc về thế gian (Ga 18,35). Người thật sự là Vua trong Nước của Chân lý và sự sống, trong Nước Thánh thiện và ân sủng, trong nước Công bình và huynh đệ, trong Nước tình thương và bình an, trong Nước ánh sáng huyền diệu của những người đã được giải thoát khỏi tối tăm và tội lỗi, được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa (Rm 8,21). Chính vì vậy Đức Giêsu chỉ công nhận và khởi sự làm vua thật sự để khai mạc triều đại của Người khi bước vào mầu nhiệm tử nạn: khởi sự một cách cụ thể từ khi vào Giêrusalem để đi nộp mình và đạt tới đỉnh cao khi bị treo trên thập giá; tất cả những gì là nô lệ đã bị đóng đinh với nguyên do cuối cùng của chúng là tội lỗi; và một sự sống tự do vương đế được thông ban cho những ai chấp nhận bị đóng đinh nơi Đức Giêsu.

Do đó, người tín hữu được chia sẻ quyền vương đế khi họ nhờ phép rửa, chết đi cho con người cũ và sống theo con người mới. Họ càng tự do đối với tội lỗi bao nhiêu, họ càng thống trị được dục vọng, cai trị được xác thịt lăng loàn và làm chủ được bản thân. Họ còn phải thi hành chức năng vương đế ấy trong tổ chức gia đình thánh thiện và khi góp phần lành mạnh hóa xã hội, tiêu diệt những cái xấu và thiết lập những cái tốt (x. GH 36/239-240). Và quả thật, thế giới đã, đang và sẽ tôn vinh mãi những con người như thế trong mọi lãnh vực, đang khi các công hầu, vương tôn theo kiểu thế gian đã bị truất phế, lên án, khi thay vì có tinh thần phục vụ chân lý và công bình, họ tựa vào quyền lực mà gây nên tội ác và chiến tranh.

Nắm vững được những giáo lý trên, chúng ta mới hiểu được chức năng lãnh đạo trong chức linh mục. Khi đặt nhóm Mười hai, Đức Giêsu đã cho họ được quyền ngay cả trên các thần ô uế (Mc 3,14; 6,7; Mt 10,1); nhưng Người vẫn ra lệnh cho các môn đệ rằng : “Các ngươi biết: các kẻ được coi là thủ lãnh các dân tộc thì làm chúa trên họ, và những người làm lớn nơi họ thì bắt họ phục quyền. Nơi các ngươi thì không như thế! Ai muốn làm lớn trong các ngươi thì hãy hầu hạ các ngươi, và ai muốn cầm đầu giữa các ngươi, thì hãy làm tôi tớ mọi người” (Mc 10,42-44; Mt 20,24-28; Lc 22,24-27). Chúng ta muốn hiểu hết sức mạnh của những lời rõ ràng ấy, hãy đặt chúng vào mạch văn. Đức Giêsu khẳng định như vậy để kết thúc câu chuyện con cái ông Dêbêđê xin ngồi bên tả hữu ở trong Nước Người, khiến mười người kia phẫn uất (Mc 10,35-41). Người còn lấy chính đời sống của Người ra làm mẫu mực : “Vì chưng con người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho mọi người” (Mc 10,45). Cuối cùng câu Người nói: ”Ai muốn cầm đầu giữa các ngươi, thì hãy làm tôi tớ mọi người” phải được hiểu với hết sức mạnh cụ thể của nó chứ đừng hiểu theo nghĩa bóng bảy. Đức Giêsu muốn nói đến thân phận người tôi tớ, tức là nô lệ thời bấy giờ. Nó như thế nào, phim QUO VADIS chẳng hạn, đã cho chúng ta hiểu được một chút. Hơn nữa, Người còn muốn gợi đến hình ảnh người tôi tớ trong sách Isaia 53 mà Người đã áp dụng vào cho mình và sống theo lời sách ấy. Rõ ràng, Người đã đóng vai trò tôi tớ trong câu chuyện rửa chân cho môn đệ (Ga 13,1-15) để ra lệnh cho chúng ta: ”Ta bảo các ngươi, tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai nó” (Ga 13,16).

Ai trong Giáo hội dám có ý tưởng lớn hơn Chúa? Nhưng sống như Chúa, có lẽ bản tính xác thịt cũng ngại lắm. Phải chăng vì vậy mà từ “tôi tớ” (doulos) dần dần được dùng ít hơn, để nhường chỗ cho từ “phục vụ” (diakonos)? và mọi hoạt động trong tông đồ vụ đều được gọi là phục dịch: phục vụ lời, phục vụ anh em, phục vụ bàn thờ, bàn ăn…. Rồi chữ thừa tác vụ (ministre) cũng phát xuất từ đó. Tuy nhiên từ ngữ có khác, nhưng nội dung vẫn không thay đổi. Vì tất cả – kể cả từ tôi tớ – trước hết vẫn phải hướng tư tưởng về Chúa: người ta là tôi tớ Chúa, phải phục vụ Chúa, là thừa tác viên của Chúa; rồi sau đó mới hướng tới anh em. Thành ra những từ trên không được hiểu ở bình diện xã hội thế tục: Chúa chẳng muốn ai sống kiếp nô lệ đâu, một muốn giải phóng mọi người khỏi nếp sống đó từ cội rễ. Tất cả đều phải hiểu ở bình diện thiêng liêng của Nước Trời mà luật duy nhất là bác ái. Dù lãnh đạo hay phục vụ, dù là tôi tớ hay là thừa tác viên, luôn luôn vẫn phải đối xử với anh em như Chúa đã đối xử với chúng ta và như ý Người muốn. Người không muốn xây dựng một xã hội trần thế, nhưng muốn hội thánh của Người là cộng đoàn bác ái, cộng đoàn huynh đệ, làm chứng cho ơn cứu độ của Đức Kitô đã đem xuống trần gian, là thu nạp con cái Thiên Chúa tản mác bốn phương về lại làm một (Ga 11, 52) mà sau ngày sống lại, Đức Giêsu đã trao cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,15-17).

Ở đây chúng ta lại gặp một từ mới. Chúa đã đặt những vị chủ chăn ở trong Hội Thánh và chúng ta cũng được chia sẻ nhiệm vụ này để chăn giữ linh hồn anh em (Dt 13,17; 1Pr 5,2-5). Thật ra trong Cựu ước không bao giờ Chúa xưng mình là mục tử, nhưng dân được coi như chiên cừu của Ngài thì nhiều (Tv 95,7; 78,52; Gs 40,11; Hs 4,16). Chức vụ mục tử, thường dành cho những người đại diện Chúa, như Môsê (Tv 77,21), Giôsua (Ds 27,15-20), các Thẩm phán (2Sm 7,7), các kỳ mục (Gr 2,8) và nhất là cho Đấng sẽ phải đến (Ez 34). Tuy nhiên tất cả đã chuẩn bị để Đức Giêsu có thể công khai tuyên bố : "Người chăn chiên tốt, chính là Ta" (Ga 10,10.14); và Người trao danh xưng và nhiệm vụ ấy lại cho các tông đồ trong Hội thánh. Đọc kỹ Gioan chương 10, chúng ta thấy quả thật chỉ có Đức Giêsu mới có thể là mục tử tốt, vì quá nhiều tư cách mà các môn đệ không thể nào có được, đặc biệt vì Người thí mạng sống vì chiên và vì Người biết chiên cũng như chiên biết Người. Cái chết của Người và cái biết của Người hết sức đặc biệt. Không có tính Thiên Chúa, không có cái chết và cái biết nào được như vậy. Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn đầy lòng ưu ái đặt lên trong Hội thánh những mục tử để chăn dắt đàn chiên của Người và theo cách thức của Người, "đừng như thể làm Chúa trên phần cơ nghiệp đã lĩnh, nhưng là gương mẫu cho đàn chiên" (1Pr 5,3). Nguyên một lời nhắn nhủ đó thôi đã khiến chúng ta phải có quan niệm thiêng liêng đạo đức như thế nào về nhiệm vụ chăn giữ linh hồn anh em.

Và với những từ diễn tả quyền lãnh đạo như trên, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta phải trả cho César những cái của César, bắt chước Đức Yêsu khi tuyên bố mình là Vua, đồng thời đã công nhận quyền xét xử của Philatô (Ga 19,11). Hết rồi những thời đại áp dụng học thuyết Platon vào mục vụ, coi thế giới hữu hình là phóng ảnh lờ mờ của thế giới thần tượng và do đó hồn phải trị xác như con ngựa bất kham để quyền đạo cũng phải ở trên quyền đời. Giáo hội ngày nay vẫn không chối bỏ và nhượng bộ một mảy may trong phạm vi quyền thiêng liêng; nhưng đồng thời muốn tỏ ra rất khiêm tốn và muốn là một Giáo hội nghèo, tức là không có uy quyền thế tục, trong thế giới hiện tại. Lựa chọn thái độ này để trở về với Phúc âm, Giáo hội biết rõ phải đổi mới như thế nào, không những đối với các chính quyền xã hội mà ngay cả trong dân Chúa. Thái độ và những lời phát biểu của Đức Phaolô VI trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng không khác gì quyết định của người bỏ mũ ba tầng, bỏ kiệu song loan và muốn cỗ quan của mình nằm thấp trên mặt đất. Từ những ngày đó, uy quyền lãnh đạo của các Đức giáo hoàng đâu có suy yếu mà chỉ tăng thêm. Lý do là khi gạt bỏ được những lá bùa và dù che của thế quyền, uy quyền của Thiên Chúa lại càng dễ tỏ hiện nơi sự yếu đuối của con người.

Chúng ta thử nói trực tiếp và cụ thể hơn. Hãy đơn giản hoá lễ nghi đón tiếp giám mục theo kiểu ngày xưa. Cuộc rước mở đầu Thánh lễ như phụng vụ chỉ dẫn đã quá đủ rồi. Những sáo ngữ giới thiệu mũ ngọc gậy vàng không đúng với sự thật để nói về cái mũ và cây gậy của người chăn chiên. Các bài chào mừng với những kiểu nói: Đức cha bớt thì giờ vàng ngọc, không quản đường xa trắc trở đến thăm giáo xứ chúng con, cũng nên dẹp đi cho việc tiếp xúc được chân thật và hợp lý. Ngay cả kiểu nói "Đại diện Thiên Chúa và Đức Kitô" cũng chỉ nên tin khi giám mục, linh mục cử hành những hành vi cứu độ mà Chúa Cứu Thế đã thiết lập, hơn là nhắc đi nói lại trong những bài chào mừng theo nghi thức. Vì chúng ta phải đổi mới vai trò lãnh đạo đã được trao cho chúng ta...

Đó vẫn là quyền vương đế. Nhưng khi đã quan niệm Giáo hội theo góc độ thiêng liêng nhiều hơn thì quyền lãnh đạo cũng phải đạo đức hơn là xã hội. Đức Giêsu dạy chúng ta phải học với Người và ở "hiền lành khiêm nhường" (Mt 11,29). Thánh Phêrô khuyên chúng ta phải "nên gương mẫu cho đàn chiên" (1Pr 5,3), tức là phải đạo đức để con chiên nên đạo đức, phải bắt chước Chúa để con chiên bắt chước mình. Thi hành những điều ấy thật không dễ; nhưng có thể được nếu chúng ta ý thức vai trò lãnh đạo được trao phó là để xây dựng Giáo hội nên thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô. Những việc chính yếu phải làm để cai trị không còn phải là những tổ chức trật tự trị an trong giáo xứ, bắt bài bắt bạc hoặc chỉ trích nặng lời những tệ đoan xã hội, nhưng là những việc rao giảng Tin mừng, cử hành các bí tích, thi hành lòng bác ái để chính ơn Chúa đến cứu độ con người. Vì chỉ có Chúa Cha mới lôi kéo được người ta đến với Đức Kitô và chỉ có Chúa Thánh Thần mới thay đổi được mặt địa cầu này, nên bắt chước Gioan Vianney thì tốt hơn: Người đã khóc lóc cầu nguyện, ăn chay hãm mình cho con chiên để dọn cho Chúa một dân tốt lành. Nói tắt, phải thiết lập uy quyền thiêng liêng trên những phương tiện và phương diện thiêng liêng. Khi làm cho giáo dân trưởng thành được về đức tin để xây dựng gia đình gương mẫu, biết góp phần làm cho giáo xứ sốt sắng hơn và xã hội công bình bác ái hơn, thì việc thi hành chức năng lãnh đạo của linh mục mới đạt được kết quả, vì như công đồng nói: "Là sứ giả của Tin mừng và là mục tử trong Hội thánh, linh mục phải cống hiến sức lực để làm cho cơ thể Đức Kitô tăng trưởng về mặt thiêng liêng" (LM 6/795-796). Đó là công việc các Tông đồ đầu tiên trong Hội thánh đã làm và các thánh linh mục tử đạo Việt Nam cũng đã ganh đua như thế, hầu để gương lại cho chúng ta, để chúng ta bắt chước hầu trở nên gương mẫu cho đàn chiên.

Cha Thánh Phêrô Tự đã có những tư tưởng rất rõ về quyền bính. Ngài nói: "Thưa quan, tôi kính Thiên Chúa như thượng phụ, kính vua như trung phụ, kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, không thể vì vua mà phạm đến thượng phụ là Thiên Chúa được!".

Và Thánh Ven khi được hỏi: "Ai sai anh đến đây?" Người đáp: - Không phải vua quan đất Pháp gởi tôi đi; tôi muốn đi rao giảng Đạo lành cho mọi người, và các bề trên trong đạo gởi tôi đi.

Và khi quan muốn gán cho cha tội xâm lược, cha khảng khái nói : - Không bao giờ chúng tôi ủng hộ quân viễn chinh đâu! Nếu không tin, xin cứ để tôi đến gặp họ. Tôi sẽ khiển trách việc họ đến gây chiến. Nếu tôi thất bại, xin tình nguyện về đây nộp mạng.

Đó là tiếng nói của những người không muốn cai trị, nhưng chỉ muốn phục vụ; không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ. Đó là tiếng nói của những người rất ý thức về sứ mạng của mình và muốn theo gương Thầy Chí Thánh để làm trọn sứ mạng ấy, để xây nên Giáo hội này và để đi trước nêu gương cho chúng ta.