BÀI 8: ĐỔI MỚI NHIỆM SỞ



LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI

Cha Yves Congar có một cuốn sách nhỏ trong loại Foivivante. Đó là cuốn "Vaste monde, ma paroisse", thế giới mêng mông là giáo xứ của tôi. Người không viết riêng cho linh mục, nhưng cho mọi tín hữu. Nhưng chính vì vậy mà linh mục cũng cần đọc để hướng dẫn tín hữu. Tất nhiên không phải ai cũng có cuốn sách ấy và không phải ai có cũng đều đã đọc, nhất là đọc tất cả. Tuy nhiên chỉ một cái nhìn thoáng qua mục lục, cũng có thể hiểu ý của tác giả. Người muốn lay động ý thức tín hữu, không muốn họ sống trong pháo đài, chẳng chịu bước ra khỏi lũy tre xanh, ngay đến hàng rào của gia đình và tệ hơn nữa chẳng bao giờ để mắt nhìn sang người bên cạnh để trở thành một người Samaritanô nhân hậu. Tác giả kêu gọi các tín hữu của Chúa phải thi hành lệnh truyền: Đi tới muôn dân thu nạp môn đồ cho Chúa ở khắp nơi. Họ phải sống bác ái: lấy những vui mừng và hy vọng của người khác làm của mình, sống xứng đáng với đức tin công giáo. Và khi làm như vậy, mọi tín hữu sẽ nhận thấy ngay rằng: Thế giới ngày nay đang đặt ra cho mình vô vàn vấn đề, không phải ở xa chúng ta nhưng rất tiếp cận chúng ta. Và tác giả muốn giúp đỡ các tín hữu giải quyết các vấn đề ấy.

Tôi không muốn và không thể toát lược cuốn sách của tác giả. Nhưng dựa vào thao thức của một nhà thần học nổi tiếng có tinh thần mục vụ, bài này cũng muốn nói chúng ta phải đổi mới quan niệm về nhiệm sở, để xứng đáng hơn với ơn gọi là tông đồ muôn dân.

Cha Congar nói đúng lắm: Thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi, nghĩa là của mọi người đã được chia sẽ chức tư tế sung mãn của Đức Kitô, đặc biệt là hàng tư tế thừa tác viên trong Hội thánh. Không ai dám nói chúng ta không ý thức và thi hành "nhiệm vụ quốc tế" này, bởi vì mỗi khi linh mục đọc các giờ kinh phụng vụ và nhất là dâng thánh lễ, người thật sự là tiếng nói của tất cả tạo vật đến trao đổi với Thiên Chúa và là thừa tác viên của mầu nhiệm cứu độ vì phần rỗi của tất cả thế gian. Chỉ cần phải mong muốn người cử hành tất cả những việc phụng thờ ấy trong "Tinh thần và chân lý" (Ga 4,24), trong Thần khí và sự thật, trong Thánh Thần và Đức Kitô, trong tinh thần của Nhiệm thể bao la, với lòng nhiệt thành thiết tha với phần rỗi của hết thảy mọi thế hệ loài người, chết cũng như sống.

Ngày nay với những phương tiện truyền thông rất khoa học và hiện đại, linh mục có nhiều dịp để tiếp xúc với tất cả thế giới. Người có thể chia sẽ tất cả mọi nỗi vui mừng và hy vọng với tất cả loài người trong tinh thần cứu độ và để thi hành nghĩa vụ tông đồ muôn dân, nếu người đưa mọi nỗi ưu sầu và lo lắng, vui mừng và hy vọng ấy vào trái tim để cầu nguyện và dâng lễ. Đức Gioan XXIII có lần xem tivi thấy đua xe hơi ngộ nạn, người đóng lại, đi cầu nguyện... Đức Gioan Phaolô II khi dâng lễ nhớ đến bao lời khẩn xin của cả thế giới. Nhất là nếu người lại biến những tin tức nhận được ấy thành thao thức tông đồ, muốn hiệp thông với hàng giám mục ở mọi nơi tìm những giải đáp thích hợp và suy nghĩ áp dụng phần nào cho mục vụ nơi nhiệm sở của mình. Như vậy người sẽ là cha xứ của cả thế giới và người nhìn thấy cả thế giới ngay tại giáo xứ của mình. Người đáp ứng đúng mục đích của cuốn sách chúng ta vừa nêu trên, vì tác giả, cha Yves Congar, chỉ muốn bất cứ tín hữu nào và cách riêng các linh mục, hãy sống xứng đáng với ơn tư tế mà Đức Kitô đã thông ban cho chúng ta để biến đổi tất cả nên lễ vật thánh, một của lễ được dâng từ đông sang tây.

Ngoài việc hàng ngày cầu nguyện và dâng lễ với cả thế giới và cho tất cả loài người, ngoài việc theo dõi tin tức thế giới với tâm hồn tông đồ, linh mục cũng như toàn thể dân Chúa còn được kêu gọi chu toàn sứ mệnh cứu chuộc nhân loại một cách đặc biệt trong ngày Khánh nhật truyền giáo mỗi năm và ngày Hoà bình thế giới. Đó là những dịp để chúng ta mở rộng tầm mắt và tâm hồn chia sẻ mục vụ của Giáo hội toàn cầu. Ngày nay những chuyến công du mục vụ của Đức Thánh Cha đến mọi nơi trên thế giới cũng là những cơ hội quý báu nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ phải đến mọi tạo vật, kết nạp môn đồ cho Chúa ở khắp nơi. Vinh dự cho chúng ta đó khi được hiệp thông với Đức Thánh Cha trong những dịp như thế, bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh, bằng cách chia sẽ các tư tưởng của Người, khiến tất cả chúng ta cùng với Người thi hành tông đồ vụ cho tất cả thế giới.

Có thể đôi khi mở rộng tâm hồn đến mọi chân trời như thế, chúng ta thấy thế giới phức tạp quá, nhiều vấn đề quá, nhất là nhiều tội lỗi và tối tăm quá, đang khi Giáo hội thật chỉ là một đàn chiên nhỏ và có khi càng ngày càng nhỏ. Chúng ta đặt nghi vấn về tương lai của nhân loại, về giá trị cứu độ của Hội thánh. Nhưng đó chính là lúc chúng ta phải sống đức tin và gia tăng lòng nhiệt thành tông đồ. Há Chúa đã chẳng nói: Hỡi đàn chiên nhỏ của Ta, các con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33); hãy tin vào Thầy, vào Hội thánh, và việc quyền năng của Thiên Chúa càng để tỏ hiện nơi sự yếu đuối của con người (x. 2Cr 4,7; 12,10).

Thánh Luca lạc quan khác thường trong phần cuối sách Công vụ Tông đồ, khi nhìn thấy việc truyền giáo của Thánh Phaolô sắp kết thúc với việc Người tử đạo. Hạt miến sắp rơi xuống đất và thối đi. Nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt. Các thánh Tử đạo Việt-nam vừa đi vừa hát khi ra pháp trường, vì tin chắc máu tử đạo là hạt giống sinh ra người có đạo. Gần đây Công đồng đã nói với chúng ta: "Thế giới ngày nay được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị chủ chăn trong Giáo hội là thế giới mà Thiên Chúa hết sức yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài. Thực ra tuy bị nhiều tội lỗi chế ngự, thế giới này vẫn có những khả năng lớn lao để hiến cho Giáo hội những viên đá sống động hầu cùng nhau xây dựng đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo hội mở những con đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và khuyến khích những cải tổ thích hợp cho chức vụ linh mục " (LM 22/832).

Với câu nói cuối cùng này, Công đồng đã gợi ý cho chúng ta phải đổi mới cho phù hợp với những đòi hỏi của mục vụ thế giới ngày nay. Chúng ta hãy tập nhìn thấy tất cả thế giới ngay trong nhiệm sở của chúng ta, vì tuy khác nhau về rất nhiều phương diện, ở miền nào cũng có những con người ngày nay với những vấn đề về tôn giáo của thời đại này. Do đó, thay vì nói thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi, người ta cũng có thể đổi lại: Giáo xứ của tôi là cả một thế giới mênh mông. Và đó cũng chính là điều mà cha Y. Congar muốn cho mọi tín hữu hiểu. Người muốn mọi người Kitô, nhất là mọi linh mục biết đáp ứng các yêu cầu tôn giáo của thế giới ngày nay, hiện thân nơi chính những con người đang sống tại giáo xứ chúng ta. Tại đây, trong nhiệm sở nhỏ bé này, cũng có vấn đề giàu và nghèo, phát triển và nợ nần, ma tuý và bệnh tật, hữu thần và vô thần, dân số và gia đình, ngừa thai và phá thai, tuổi già và tuổi trẻ, khoa học và thất nghiệp, v.v... Chúng ta không thấy ư ? Chúng ta chưa cho là đáng kể? Chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau một gia sản như thế nào, nếu bây giờ chúng ta cứ theo khuôn mẫu của tổ chức giáo xứ ngày xửa ngày xưa ? Có lẽ chúng ta quen sống với 99 con chiên lành mà không để ý đến con chiên lạc, tệ hơn, có thể chúng ta bằng lòng có vài con chiên giúp việc và bỏ rơi mọi con chiên khác. Thế mà bao bài dụ ngôn trong các sách Tim Mừng hợp ý đồng tình khẳng định phải đi tìm con chiên lạc ấy. Vì nó quý ư? Đúng, nhưng cũng đừng loại viễn tượng nó có thể lôi kéo nhiều con chiên khác. Hơn nữa chắc gì chúng ta đã có 99 con chiên lành! Thử đếm lại xem, thử tìm hiểu xem, đã được mấy con sống đạo xứng đáng trưởng thành, biết sống hiệp thông và bác ái, biết xây dựng Hội thánh và nên thánh giữa đời và bằng các công việc đời. Không ý tứ cái nhìn hời hợt dễ đưa chúng ta vào sự tự mãn đến nỗi thấy không cần cố gắng thêm gì nữa. Thái độ này dễ dẫn đến nếp sống nhàn vi cư bất thiện, hoặc ít nhất cũng dễ làm cho người ta có cảm tưởng linh mục sống nhàn quá! Ít ra nếp sống như vậy chưa mở cửa ra đủ, để như lời Đức Gioan XXIII đã nói, "Khí mát của ơn Thánh Thần có thề lùa vào đem lại sức sống mạnh hơn cho những người sống ở trong nhà". Ngược lại, ở một vài nhiệm sở, không cần mở cửa, linh mục cũng đã nhìn thấy quá nhiều vấn đề vô phương đáp ứng, đến nỗi cũng chỉ muốn đóng ngay cửa lại, khoanh tay chẳng muốn làm gì, ước chi được rơi vào những xứ "béo hơn" hoặc tưởng hay là hưu non trước cho rồi.

Dĩ nhiên đó chỉ là cám dỗ, tự nhiên, nhất thời. Ở đâu cũng phải làm việc, và đã làm việc là phải chịu vất vả suốt ngày dưới nắng gắt (x. Dụ ngôn những người thợ, Mt 20,1-16). Nhưng cụ thể chúng ta có thể làm gì cho cái thế giới bao la của xứ chúng ta? Ở trên chúng ta đã nói cần phải chia sẻ gánh nặng mục vụ của Đức Thánh Cha đối với cả thế giới: Người luôn luôn nói đến năm 2.000; Người bình tĩnh hơn các Giám mục Canada hoặc Hòa Lan: "Chỉ 10 phút đầu là đáng kể"; Người lạc quan hơn các giám mục châu Âu "Chỉ cần khơi dậy ơn rửa tội cho nước Pháp''; Người yêu giới trẻ nhưng nói tình yêu rất đòi hỏi.

Ở đây có lẽ trước hết nên lập lại điều Công đồng đã viết và chúng ta đã nhắc đến nhiều lần: "Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nổi lo lắng của giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy. Dưới quyền Giám mục, linh mục thánh hoá và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa giao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo hội phổ quát ngay tại địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô" (GH 28/225). Tinh thần chia sẻ thứ mục vụ của giáo phận này đã được trau dồi cho chúng ta ngay khi còn ở chủng viện, như Sắc lệnh về Đào tạo chủng sinh viết: "Chủng sinh phải thấm nhuần mầu nhiệm Hội thánh đã được Thánh Công đồng này đặc biệt khai sáng, để có thể làm chứng sự hiệp nhất đang thu hút mọi người về với Chúa Kitô, bằng cách thảo hiếu và khiêm tốn hiệp nhất với Vị Đại diện Chúa Kitô; và một khi đã lãnh nhận chức linh mục, họ luôn liên kết với giám mục của mình như những cộng tác viên tín cẩn, và tiếp tay cộng tác với các anh em linh mục khác. Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn, tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo hội, như lời thánh Augustinô: 'Kẻ nào càng yêu mến Giáo hội, càng có Chúa Thánh Thần'" (ĐT 9/485).

Do đó chính thái độ muốn duy nhất với giám mục và anh em linh mục trong khi thi hành mục vụ, đã là dấu chỉ nếp sống và các công việc của chúng ta có tính Hội thánh phổ quát. Nó đòi sự gặp gỡ, trao đổi, nhường nhịn nhau để giáo phận, giáo hạt và các giáo xứ gần nhau có một mục vụ chung. Chúng ta không sợ không thể đi đến một thứ mục vụ chung như vậy, vì chúng ta đã có tiêu chuẩn phải biểu thị khuôn mặt của Hội Thánh Đức Giêsu Kitô ngay tại địa phương của mình, Hội Thánh trước hết có tính duy nhất, không những trong đức tin, đức mến, đức cậy mà còn trong phẩm trật, trong phụng vụ, trong chia sẻ. Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ có các tử đạo chắc chắn đã có sự duy nhất hơn chúng ta trong vụ phong thánh vừa qua. Nay chúng ta đã có các vị hiển thánh, Giáo Hội Việt Nam phải có những nỗ lực mới biểu dương tính thánh thiện của Hội thánh, làm sao để xoá bỏ được bao thành kiến sai lầm. Gần đây có người hỏi tại sao lúc này ở những địa phương Công giáo cũng nhan nhản những vụ tai tiếng về phong hóa? Những biện pháp thích hợp đã chẳng được viết trong Ep 6,10-20 sao? Rồi tính Công giáo của Hội thánh thì thế nào trong giáo phận chúng ta? Chúng có quá đóng kín, bảo thủ không? Giáo dân chúng ta biết nhìn sang người khác và xã hội để tích cực sống tình đồng bào và chia sẻ vui mừng và hy vọng với xã hội chưa? Có nên quan tâm nâng cao hệ thống giáo dục xã hội hiện nay lên không? Có thể bảo giáo dân, trẻ em gìn giữ các cơ ngơi công cộng không? Còn tính tông truyền của Hội thánh không lẽ chỉ có thể biểu thị bằng cách một lòng một ý đọc hoặc hát kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ và thi hành các chỉ thị của Rôma? Thiết nghĩ hơn nữa, còn phải đi sâu vào tâm hồn các tông đồ. Chia sẻ kho tàng tình yêu vô tận của Thiên Chúa mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đã đặt trong lòng các ngài. Thời ấy chắc chắn tinh thần các ngài chỉ tràn ngập một ý trí: là rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại cho hết mọi tạo vật, để biến đổi mọi người trở nên Kitô mới. Đặt vào miệng các ngài câu: Vaste monde, ma paroisse, thì thật đúng. Và nhờ Thánh Thần quả thật tiếng các ngài đã vang đến tận cùng thế giới và có thể nói đến tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Mục vụ của các ngài vừa có chiều rộng và chiều sâu. Nó đã phải có những sáng kiến táo bạo, nhưng vẫn được thông qua trong cộng đồng anh em. Nhất là nó đã phải có một sức can đảm phi thường để rao truyền mầu nhiệm thập giá, là trò hề cho người Hy Lạp và là ô nhục cho người Do Thái (1Cr l,23). Nhưng tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, các ngài đã thành công.

Tiếp nối ơn gọi và sứ mạng của các ngài, hàng tư tế chúng ta ngày nay phải có tầm mắt và tâm hồn xa hơn, rộng hơn khuôn viên nhà thờ của mình. Chúng ta cần đọc lại nhiều lần đoạn kết Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của chúng ta (LM 22/832-833) mà mấy câu chính là: "Các linh mục phải nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi khi thi hành bổn phận... các anh em trong chức linh mục và ngay cả những tín hữu trên toàn thế giới là bạn hữu của mình... mọi linh mục đều cộng tác để chu toàn ý định cứu rỗi toàn thế tạo của Thiên Chúa trong Đức Kitô... Tất cả những điều đó, vì được giấu kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa, nên phải nhờ đức tin mới có thể nhận biết rõ ràng. Do đó các vị lãnh đạo Dân Chúa phải bước đi trong đức tin theo gương Abraham trung thành... và người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng mà Chúa đã nói 'người ấy ngủ hay thức, đêm cũng như ngày, hạt giống nảy mầm và lớn lên trong khi người ấy chẳng biết gì'. (Mc 4,27)".

Đúng, nhiệm sở của chúng ta không nhỏ, phận sự chúng ta rất khó, nhưng chúng ta cứ vững niềm tin mà hành động theo gương Cha xứ hiện nay của cả thế giới. Sau 10 năm làm việc, đang khi bao người cố gắng liệt kê các thành tích của Người, chính Người đã khiêm nhường nói: dù sao tôi cũng chỉ là tôi tớ vô dụng. Làm việc như Người mà còn nói lên câu ấy, đang khi chúng ta ở một xứ nhỏ thôi mà có khi vẫn tưởng mình đã chu toàn sứ mạng tông đồ bao la mà Hội Thánh đã trao ban cho chúng ta.