BÀI 9: ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG

LINH MỤC LÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC HIẾN THÁNH

Càng suy nghĩ về ơn gọi và nhiệm vụ của linh mục, chúng ta càng cảm thấy phải đổi mới đời sống hiện nay của chúng ta. Không thể an tâm trước những đòi hỏi của chức linh mục được. Nỗi lo lắng này có thể không khiến chúng ta mất ăn, mất ngủ và hồi hộp hoảng hốt như khi đứng trước những chuyện bất ngờ xảy đến về mặt xã hội, nhưng nó lại âm thầm, dai dẳng, đục khoét sự bình an sâu xa của tâm hồn. Không cần ai lên án chúng ta cả. Chính lương tâm của mình. Chính Lời Chúa mà chúng ta đã gặp nhiều lần: "Ta bảo các ngươi là bạn hữu của Ta: Đừng sợ những kẻ giết được thân xác, và sau đó không còn có thể làm gì hơn nữa... hãy sợ Đấng cho chết rồi, lại có quyền tống vào hoả ngục. Phải, Ta bảo các ngươi, hãy sợ Đấng ấy!"(Lc 12,4-5). Và Đấng ấy, chúng ta biết, nay đã đến rồi (Ga 9,39). Mặc dầu Người nói: Thiên Chúa không sai con đến trong thế gian để xét xử thế gian (Ga 3,17), nhưng "kẻ không tin thì đã bị án xử rồi" (Ga 3,18). Và đã thiếu gì lần có thể áp dụng vào cho chính chúng ta, lời sau đây: "Ta xử ngươi theo miệng ngươi nói" ( Lc 19,22) và "bởi lời ngươi nói, ngươi sẽ bị kết án" (Mt 12,37). Quả thật, miệng lưỡi chúng ta không ngớt rao giảng sự thánh thiện, mà lòng chúng ta vẫn không hối cải! Chúng ta trao ban bao nhiêu mầu nhiệm thánh, mà đời sống chúng ta vẫn chẳng nên thánh thiện! Chúng ta ra việc đền tội cho người ta, mà chính mình chẳng nghĩ đến sự thống hối! Một thánh Phaolô còn sợ rằng sau khi tận tụy vất vả lo cho phần rỗi anh em, thân mình sẽ ra như thế nào (1Cr 9,27)? Huống nữa là chúng ta! Thế nên chúng ta "hãy đi đứng sao cho xứng đáng với ơn thiên triệu" (Ep 4,1).

Không phải chúng ta có ơn gọi phải nên thánh hơn những người khác. Lời sách Lêvi (20,26) áp dụng cho mọi người: "Các ngươi sẽ là chư thánh của Ta, vì Ta là thánh. Ta là Giavê, Ta đã tách rời các ngươi ra khỏi muôn dân, để được thuộc về Ta". Cũng như lời Đức Giêsu đã nói với tất cả mọi người: "Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện" (Mt 5,48). Và công đồng nói rõ: "Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của đức Ái" (GH 39/247). Đó là đòi hỏi tất nhiên của bí tích Rửa tội. Nó không ru ngủ chúng ta đâu; ngược lại nó thúc đẩy chúng ta làm mục vụ cho đến nơi đến chốn, tức là phải làm cho giáo dân đạt tới sự thánh thiện thật sự. Nó chỉ cấm chúng ta được coi mình như đã ở bậc thánh thiện cao hơn những người khác. Tu phục không làm nên thầy tu. Nó chỉ nhắc nhở thầy tu phải nỗ lực tu tĩnh luôn luôn, vì có thể Satan sẵn sàng sàng chúng ta nhiều hơn (Lc 22,31) và vì một lý do rất dễ hiểu là chúng ta có nghĩa vụ phải trở nên mô phạm cho người khác. Các thánh Tông đồ xưa vẫn thường nhắc đi nhắc lại: anh em hãy bắt chước chúng tôi vì chúng tôi bắt chước Chúa (1Cr 11,1).

Dù sao, có một vấn đề rất cụ thể khiến giáo dân thường thắc mắc và chúng ta cũng khó ăn khó nói: Không phải Linh mục nào và lúc nào cũng đi đứng xứng với ơn thiên triệu, thậm chí còn gây gương mù gương xấu nữa. Tuy có lời Chúa đã nói: "Hãy nghe lời chúng giảng nhưng đừng theo việc chúng làm" (Mt 23,3), người ta vẫn không hết thắc mắc và chúng ta cũng vẫn thấy mở miệng là mắc quai. Thật ra, ở đây chỉ có đức tin mới giải quyết nổi. Người ta phải tin rằng Apollô cũng chẳng là gì và Phaolô cũng chỉ như thế thôi. Toàn là những tôi tớ của Thiên Chúa để anh em được đức tin và ơn của Thiên Chúa (1Cr 3,5). Hơn nữa, "ở đâu có tội, ở đó ân sủng càng sung mãn" (Rm 5,20). Ơn Chúa không những hoạt động vượt xa khả năng của phương tiện, mà còn bất kể sự bất xứng và tội lỗi của thừa tác viên. Chính chúng ta là những người có kinh nghiệm nhiều nhất, khiến chúng ta càng phải có tinh thần và thái độ khiêm nhường khi thi hành các nhiệm vụ được trao phó. Và sự khiêm nhường này có lẽ là câu trả lời cụ thể có hiệu lực nhất cho những thắc mắc của người ta. Thái độ của người biệt phái đứng trong đền thờ khiến người ta khó chịu; còn thái độ của người thu thuế thật dễ lấy được cảm tình (Lc 18,10-14).

Do đó nhân đức đầu tiên mà chúng ta phải quan tâm học và hành là, như Lời Chúa dạy, phải hiền lành và khiêm nhường, phải nhận thấy thân phận yếu đuối, bất lực của mình trước đòi hỏi nên thánh và trước các phận sự cao cả đã được trao phó cho mình. Hãy theo gương Phaolô, đừng có ý tưởng tự phụ về bất cứ điều gì, ngoại trừ về những việc Chúa đoái làm nơi sự yếu đuối và bất xứng của mình (2Cr 12,9-10). Một ý thức như vậy cũng thúc giục chúng ta năng tỏ mình là hối nhân, siêng năng đến với toà giải tội, thành thật thú nhận với anh em, vì anh em lúc đó chính là hiện thân của Vị Thượng Tế vừa có quyền tha tội vừa sẵn sàng tha thứ vì đã thông cảm và kinh nghiệm mọi sự yếu đuối của chúng ta (Dt 4,15; 5,2). Thái độ đó mà được kéo dài trong mọi lúc của đời sống, thì có lẽ chúng ta sẽ không ngớt rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh, bằng chính sự yên lặng mà không cần đến lời nói, và lời rao giảng đó chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả vững bền.

Nhưng mặc dù có những lời khẳng định trên đây, Công đồng vẫn nhắc nhở chúng ta biết rằng: "Khi lãnh nhận bí tích Truyền chức, linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa một cách mới mẻ để trở nên dụng cụ sống động của Chúa Kitô Linh mục đời đời... Do đo, khi đóng vai trò của chính Chúa Kitô theo cách của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài và phục vụ toàn thể Dân Chúa, linh mục có thể theo đuổi dễ dàng sự hoàn thiện của đời sống của Đấng mà mình đóng vai, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên linh mục thượng phẩm 'thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội'(Dt 7,26)" (LM 12/810-811).

Như vậy, do phép rửa, linh mục được kêu gọi nên trọn lành như mọi người; nhưng do bí tích Truyền chức, linh mục lại được thêm ơn riêng để nên thánh theo ơn gọi của mình mà đại diện cho Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm. Không có đòi hỏi hơn, nhưng có đòi hỏi mới và tất nhiên cũng có những khó khăn mới. Có người nghĩ như vậy mà run sợ; Tuy nhiên chính Chúa đã nói với Phaolô để người truyền lại cho chúng ta: "Ơn Ta là đủ cho ngươi" (2Cr 12,9). Phải, nếu chúng ta trung thành phát huy ơn bí tích Truyền chức, không những công việc phục vụ của chúng ta không sợ bị đàm tiếu (2Cr 6,3) mà Thiên Chúa còn làm bật sáng nơi lòng chúng ta, để chúng ta làm cho thiên hạ nhìn biết trong ánh sáng ấy vinh quang của Thiên Chúa chói lòa nơi nhan thánh Đức Kitô (2Cr 4,6). Hơn ai hết, Phaolô rất ý thức về sự bất xứng của mình đối với ơn Chúa kêu gọi (Ga 1,13-15). Người còn biết tội lớn lao của mình đối với Chúa Kitô là khác, khi giận ghét Ngài mà đi truy nã Giáo hội của Ngài. Và một khi đã biết Chúa thương xót mình rồi và đã được trao ban cho nhiệm vụ đặc biệt tương đương với cương vị của Phêrô (Ga 2,7), vị Tông đồ dân ngoại vẫn không quên sự yếu đuối của xác thịt và ngay cả những trở ngại tự nhiên về thân thể cũng như về lời ăn tiếng nói (1Cr 2,3; Rm 7,14t). Tuy nhiên người vẫn mạnh tin ở sự lựa chọn của Thiên Chúa và luôn luôn tạ ơn Chúa đã dùng người "làm hương thơm của Đức Kitô, dâng kính Thiên Chúa, xông ra giữa những người được cứu rỗi và những kẻ hư đi, kẻ thì ngửi lấy như hương tử khí làm chết người, kẻ lại ngửi lấy như hương tác sinh cứu sống"(2Cr 2,15t). Và Phaolô nói tiếp: "Không phải là tự mình chúng tôi có sức cáng đáng nổi, hầu dám kể một điều gì như của mình nhưng sức cáng đáng của chúng tôi là do tự Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi sức cáng đáng làm kẻ phục vụ Giao ước mới" (2Cr 3,5-6).

Người ta hay dùng chữ "grâce d'état" (ơn riêng của chức vụ), nhưng không chắc có hiểu đúng và hiểu hết không. Hay là người ta chỉ áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, như khi biết trả lời khéo léo để tránh được nguy hiểm. Thiết tưởng phải hiểu rộng hơn nhiều, bao quát tất cả đời sống con người khi thi hành các nhiệm vụ đã được trao phó, như chúng ta có thể đọc thấy trong Ep 4,11-13: Chúa đã ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ xây dựng Thân thể Đức Kitô, thì khi làm việc đã giao, ai ai cũng có thể nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô. "Bởi đó, khi thi hành thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính (x. 2Cr 3,8-9), các linh mục được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là các ngài ngoan ngoãn theo Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và dẫn dắt các Ngài" (LM 12/811). Nói vắn tắt hơn, linh mục không cần phải tìm những phương thế để nên thánh nào khác ở ngoài việc chu toàn tốt các nhiệm vụ được trao phó.

Việc rao giảng Lời Chúa đòi linh mục phải đọc, phải nghe, phải suy niệm và tìm cách thông đạt. Làm những việc này vì mến Chúa và phần rỗi các linh hồn thì không thể nào không chóng trở nên người môn đệ biết lắng nghe và thưởng thức kho tàng khôn ngoan vô tận của Thiên Chúa. Và khi cử hành các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể, linh mục nhắc lại mầu nhiệm Chúa chết và sống lại, lẽ nào linh mục không được thêm ơn cứu độ, nếu người biết cử hành với lòng tin cậy mến? Rồi khi dẫn dắt và chăn dắt đàn chiên, linh mục cố gắng theo gương Đấng Mục Tử đích thực, thì không những không thể bị mang tiếng vì tình và tiền, mà còn được công nhận là có tinh thần phục vụ hy sinh. Đúng, không cần tập nhân đức ở đâu khác, ngoài chính trong các phận sự của mình. Làm như vậy, không những chúng ta cứu vớt được linh hồn mình, mà còn cứu vớt được linh hồn anh em một cách hữu hiệu. "Thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng (ex opere operato), nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng nghe theo sự thúc giục và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hơn, bằng kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện (ex opere operantis)" (LM 12/812).

Tinh thần thì như vậy đó, nhưng xác thịt thì vẫn yếu đuối (Mt 26,41). Do đó chúng ta luôn luôn phải ý thức, việc nên thánh không thể cậy vào sức mình. Phải tựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Phải trung thành với việc cầu nguyện (Mc 9,29) và xét mình. Cha Vianey đã nói: "Điều ngăn cản linh mục chúng ta nên thánh, đó là thiếu suy niệm. Người ta không hồi tâm, không biết mình làm gì. Chúng ta phải suy niệm, nguyện ngắm và kết hợp với Chúa: đó là điều chúng ta phải làm". Nhưng có khi những cố gắng ấy vẫn chưa giúp chúng ta thắng nỗi một tật xấu. Trong trường hợp như vậy, Chúa bảo chúng ta phải ăn chay (Mt 17,21). Ước gì phương pháp này được nhiều người năng dùng lại. Nó là một cách cụ thể để chúng ta đóng đinh xác thịt vào thập giá để nó được thần hoá. Riêng đối với linh mục, việc tiến bộ về mặt thiêng liêng dễ gặp phải hai địch thù rất khác nhau và xung khắc nhau: đó là sự thành công và thất bại trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhiều nhà giảng thuyết thời danh đã hư đi vì nổi tiếng; nhưng cũng có khá nhiều linh mục buông xuôi vì thất bại. Thánh Phaolô là gương mẫu cho chúng ta cả hai trường hợp. Người nói: "Phần tôi, tôi không mảy may bận tâm về việc anh em hay phiên tòa nhân loại nào xét xử; mà ngay tôi, tôi cũng không xét xử mình nữa… Đấng xét xử tôi chính là Chúa (1Cr 4,3-4). Dĩ nhiên phải đã có một sự trưởng thành nào đó mới có thể ít nhạy cảm trước dư luận. Trong trường hợp chưa chữa được sự nhạy cảm tự nhiên ấy, có lẽ chỉ còn cách bắt chước Chúa đi ẩn trốn khi thấy người ta muốn cung kính, và cầu xin được sức uống chén đắng khi không thể tránh được.

Riêng khi rơi vào trường hợp đau khổ sau, ước gì lúc đó linh mục có đủ đức tin để nhìn thấy tiếng Chúa đang gọi bước lên cây thập giá để dâng mình làm hy tế cho phần rỗi thế gian. Đó là thái độ của các Thánh Tử đạo Việt Nam mà chúng ta cần bắt chước. Ít ra, chúng ta cũng hãy đến dưới chân thánh giá, để trong cảnh đau thương, được nghe lại lời trối của Thầy Chí Thánh: ”Này là Mẹ con”. Phúc cho ai biết bắt chước người môn đệ thương mến lĩnh lấy Đức Mẹ về về nhà mình! Người sẽ an ủi và cho nhìn thấy ơn cứu độ đang chảy ra từ cạnh sườn Chúa; Người sẽ dẫn chúng ta đến với anh em, vì chỉ linh mục mới hiểu được những đau khổ của linh mục. Và trong cuộc trao đổi đau khổ ấy, biết đâu lại không diễn ra câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus ngày trước (Lc 24,13-35), nhất là khi chúng ta biết dùng lời lẽ đức tin để an ủi nhau (1Tx 4,18) và cùng nhau đến cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngày sinh của linh mục chính là ngày thứ Năm Tuần Thánh. Sự sống với tất cả khả năng phát triển sau này đã được cấy trong cơ thể ngay từ ngày sinh. Trở về với ơn của bí tích Truyền chức là cách hay nhất để múc thêm được sức sống cho việc phát triển ơn gọi. Chúng ta có lý để kỷ niệm ngày hồng phúc ấy. Nhưng ước gì sự kỷ niệm này không chỉ được nhắc lại với những lon bia, nhưng nhất là với chén cứu độ mà ngày hôm ấy chúng ta hãy dâng để nhớ đến Thầy, Đấng đã gọi chúng ta và chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Hết thảy các linh mục tử đạo Việt nam đều có thể nêu gương cho chúng ta. Ở đây chỉ kể đến cha thánh Gioan Đạt (sinh 1765, chịu chức 1798, tử đạo 1798).

Nghe bị lùng bắt, vào ẩn trong núi. Thấy yên, ngài ra làm lễ ban đêm tại nhà ông trùm. Lễ vừa xong, bị vây hãm. Giáo dân giục ngài ẩn đi. Ngài nói: Nếu tôi trốn, cả làng sẽ phải khổ. Bị bắt, bị tra, không hề nói đến người khác; lợi dụng mọi cơ hội để giảng đạo và giải tội. Được tin bản án tử hình, ngài vui mừng, chỉ tiếc không có ai giải tội cho mình : 'Chúa quan phòng cho tôi đến đây để anh em có dịp xưng tội nhiều lần. Nhưng riêng tôi lo lắng vì mới được chịu chức, tôi còn nhiều tội, mà không có cha nào để xưng'. Chúa cho Ngài được ơn đó : giáo dân xin cho ngài được phép ra khỏi khu bị giam một lúc, bố trí để ngài gặp và xưng tội với cha Huân. Sau đó, cám ơn các quan, và xin 'quan thương đến giáo dân trong tỉnh và bênh vực đạo để được thêm công đức đời này hoặc đời sau'. Và ngài dặn giáo dân: Nếu anh em được tha về, xin cho tôi được gửi lời kính thăm các cha và tha thiết xin các cha ẩn trốn cẩn thận, kẻo trong thời buổi khó khăn này mà không có người khích lệ, giáo dân làm sao đứng vững được trước sóng gió. Cha Đạt thức suốt đêm để cầu nguyện. Trước khi chết còn khuyên giáo dân bị tù khi quan truyền cho họ phải bỏ đạo: ”Anh em hãy suy nghĩ chín chắn. Hãy vâng lời Thiên Chúa trước; sau đó vâng lời vua quan trong những điều hợp lý và công bằng”. Đức cha Leroy viết về cha Đạt: ”Cha có tinh thần khó nghèo, tính tình đơn giản, thận trọng, thích thầm lặng, rất khiêm tốn, sống thanh đạm, ham đọc sách, không bao giờ nói xấu ai, đầy nhiệt tình với công việc, vâng lời, ít than phiền mặc dầu sức khỏe yếu. Đức cha Castorie coi cha như một vị thánh. Riêng tôi rất quý trọng ngài. Khi giảng cho giáo hữu, ngài rất hùng hồn, ít thấy có như thế nơi người Bắc kỳ”.