BÀI 10: ĐỔI MỚI THẦN TƯỢNG

LINH MỤC LÀ NGƯỜI ĐI THEO ĐỨC GIÊSU KITÔ

Chúng ta hãy dùng những lời Kinh Thánh sau đây để mở đầu cho bài cuối cùng trong tuần tĩnh tâm này, mà chúng ta đã dùng để suy nghĩ và đổi mới thừa tác vụ linh mục của chúng ta. Đó là mấy lời trong thư gửi người Do thái:

“Hỡi anh em chư thánh, những người đã được thông chia thánh triệu bởi trời, anh em hãy nhìn ngắm Vị Sứ giả, Vị Thượng Tế trong tín điều (=đạo) của ta, Đức Giêsu, Ngài trung tín với Đấng đã đặt Ngài – cũng một thể như Môsê - trên toàn bộ nhà Người” (3,1-2)

Phải, những bài trước đây còn quá sơ sài và có nhiều khuyết điểm. Chỉ có thể bù đắp được phần nào, nếu trước khi bỏ tuần tĩnh tâm này ra về, chúng ta mang theo hình ảnh Vị Thượng Tế duy nhất của đạo ta, để chiêm ngưỡng mỗi ngày, hầu dần dần chúng ta nhận ra được chân dung vị Linh mục lý tưởng, thay cho những thần tượng linh mục mà có lần nào đó chúng ta như bị thu hút và tưởng đó là mẫu gương đích thực. Thật khó mà tưởng tượng nổi, sau khi đã thấy nỗ lực của Cựu ước vất vả đập tan mọi ngẫu tượng để đi vào Tân ước, giới thiệu cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nay sau 2.000 năm chịu ảnh hưởng của Ngài, có người lại mơ ước chọn mẫu người khác làm “đường đi, làm sự thật và làm sự sống”. Chúng ta cương quyết tiếp tục đường lối tông truyền không công nhận có một Tin mừng cứu độ nào khác ngoài Tin mừng chúng ta đã tin theo ngay từ buổi đầu, cho dù có những thiên thần đến nói với chúng ta. Chúng ta cũng sẽ chẳng đề cao linh mục nào như là lý tưởng tuyệt vời và quan niệm tư tế nào như là tuyệt hảo. Tất cả đều có giới hạn. Thần tượng duy nhất của chúng ta vẫn chỉ là Đức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế muôn đời mà Kinh Thánh đã cho chúng ta biết, nhưng đòi chúng ta phải chiêm ngưỡng hàng ngày để luôn luôn thấy Người hằng sống và đang chỉ dẫn cho chúng ta những con đường mới mẻ để chúng ta biết thi hành chức năng linh mục phù hợp với thế giới hiện nay.

Thật ra, trong suốt cuộc đời ở trần gian, xem ra Đức Giêsu không bao giờ xưng mình là tư tế, thi hành những chức năng tư tế và sống như một tư tế. Ngược lại là khác. Người đã xuất thân trong chi họ Giuđa, không nhập cuộc với chi họ Lêvi độc quyền tư tế thời bấy giờ. Hơn thế nữa, dần dần hàng tư tế thời đó đã bắt đầu nghi ngờ Người, quan sát để bắt bẻ Người và cuối cùng đã đồng tình với mọi thế lực khác, đem treo Người lên cây thập giá. Nhưng Người đã chuyển bại thành thắng, sự sống lại của Người đã vật ngã thần chết, biến hành động của hàng tư tế xưa thành một thảm bại, đến nỗi chức tư tế cũ đã bị xóa bỏ hoàn toàn và được thay thế bằng chức tư tế hoàng vương của đạo mới. Và bây giờ Đức Giêsu Kitô đã trở thành Vị Thượng tế đời đời để kiện toàn chức tư tế cũ và thông ban chức tư tế mới cho những ai tin vào Người. Đặc biệt, Người cho một số người được chia sẻ chức tư tế thừa tác để xây dựng một dân tư tế, một dân ngôn sứ và một dân vương đế. Chúng ta được thông ban chức tư tế thừa tác ấy, nên chúng ta không được chểnh mảng việc ngắm nhìn vị Thượng Tế độc đáo hằng thương yêu chúng ta.

Người đã không tỏ mình là tư tế trong suốt cuộc đời trần gian, nên chúng ta không thể nhìn thấy sinh hoạt tư tế của Người trong các sách Tin Mừng. Chúng ta phải đợi ngày Người bước lên cây thập giá, dâng lễ vật hy sinh đền tội, mới có thể nhận ra Người là Tư Tế. Hai tác phẩm có thể giúp ta hiểu tư cách tư tế của Người chính là sách Khải huyền và nhất là thư gửi người Do thái. Trong cuốn sách trước chúng ta thấy có những hình ảnh rõ rệt nhưng quá chói sáng, vì được đặt ở trên trời cao quang. Thư gửi người Do thái hầu như chỉ nói về Đức Giêsu Kitô là Thượng Tế, nên cần được nghiên cứu hơn cả. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra đó cũng là niềm tin ngay từ đầu của Hội thánh và vì thế khi đọc lại các sách Tin mừng chúng ta sẽ thấy chính những sách này cũng đã không hoàn toàn im lặng về chức tư tế của Người.

Tuy nhiên chính kiểu nói “Thư gửi người Do-thái” cũng không được chỉnh lắm. Trừ chương cuối cùng, cả tác phẩm là một bài giảng chứ không phải là một thư. Không có lời mở thư như những thư khác. Và đang khi 13 thư Phaolô khác được xếp thứ tự theo dài ngắn (Rô Cô Cô, Ga Ê Phi, Cô Tê Tê, Ti Ti Ti, Phi Hê), thì bức thư thứ 14 này, dài chỉ kém thư Rôma thôi, lại bị xếp hàng cuối cùng. Còn xét về lời văn, nó cũng khác 13 thư trước, nên nếu không có một vài câu cuối cùng và nhất là nếu không có nội dung phản ánh tư tưởng của Phaolô, thì thật cũng khó tìm ra lý do để coi người là tác giả. Giả thiết hay nhất và được nhiều người tán thành, nghĩ rằng đây là tác phẩm của một môn đệ Phaolô, rất hiểu tư tưởng của thầy mình, đã soạn ra, đưa cho thầy xem lại, và được sự đồng ý của thầy, đã xin thầy viết một vài câu cuối cùng để bản văn được uy tín trước khi gửi đi cho độc giả.

Nhưng người này là ai? Chắc chắn không phải là những người “Hy lạp”, vì họ biết gì mấy về đền thờ và phụng vụ cũ. Nhưng cũng không phải là những người Do thái chưa gia nhập Hội thánh mới, vì rõ ràng tác giả nói với những người có đức tin sâu sắc. Vậy chỉ có thể là những người Do thái đã tòng giáo từ lâu mà không nhất thiết phải là những thầy tư tế trong đạo cũ đã trở lại, vì các lời khuyên nhủ thích hợp cho mọi tín hữu. Những tín hữu gốc Do thái, hoặc đã chịu ảnh hưởng của Do thái giáo đang có những vấn đề gì mà tác giả phải quan tâm dọn một bài giảng chu đáo như vậy? Chắc chắn họ đang bị thử thách nặng nề và hơi có vẻ nản chí, có lẽ vì sợ bị bắt bớ; nhất là không thấy đạo mới có đền thờ nguy nga và phụng vụ long trọng như trong đạo cũ tại Giêrusalem; và có lẽ từ đây người Do thái không cho phép các tín hữu được ra vào đền thờ như trước nữa. Những bối cảnh trên có thể đã khiến tác giả suy nghĩ về ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến. Người đem trình bày dưới góc cạnh phụng vụ và tư tế để giải tỏa những tâm tư trên. Ấy là chưa kể, vì thấy Giáo hội bị bắt bớ và như bất lực trước thử thách, người ta bị cám dỗ mơ ước được một ơn cứu độ siêu phàm, phải do các thiên thần mang đến, hầu mới có thể ra khỏi tình trạng hiện nay. Sự so sánh ngay từ đầu giữa Đức Giêsu Kitô và các thiên thần cho phép chúng ta nghĩ như vậy trong bối cảnh của thời bấy giờ. Và như vậy cũng có ích cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại. Nhiều người không đang khao khát một ơn cứu độ sao? Giáo Hội hiểu như thế, nên Công đồng Vatican II đã muốn trình bày Hội thánh như là “ánh sáng của muôn dân”. Nhưng muốn cho người ta thấy ơn cứu độ ở trong Hội thánh, Công đồng đặt tin tưởng vào hàng linh mục. Nếu chúng ta làm sáng tỏ được sứ mạng của các linh mục đã được đặt làm tông đồ muôn dân, thì Công đồng sẽ có cơ may đạt được mục đích. Do đó tìm hiểu chức tư tế nơi Đức Giêsu để bắt chước Người mà thi hành thừa tác vụ linh mục đã được ủy thác cho chúng ta là việc rất bổ ích không những cho bản thân chúng ta mà còn cho nhiều người khác nữa.

Nhưng làm sao có thể vắn gọn trình bày về Vị Thượng Tế muôn đời trong một thời gian vắn vỏi và nhất là vào những phút chót của tuần tĩnh tâm đã kéo dài? Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một vài tư tưởng, giúp mỗi người có đà suy nghĩ thêm để được an tâm và phấn khởi thi hành chức năng của mình trong hoàn cảnh hiện tại.

Chính tác giả bức thư cũng đã viết: ”Cả ta nữa, hãy liệng đi mọi thứ quả tạ và tội lỗi bịn rịn, nắm lấy kiên nhẫn mà chạy vào trận tuyến chờ ta, đăm nhìn lên Đấng khơi nguồn và viên thành đức tin, Đức Giêsu, Đấng thay vì vui sướng chờ Ngài, đã kiên chịu khổ hình thập giá, không quản thẹn thùng xấu hổ, và đã lên ngự bên hữu ngai của Thiên Chúa” (12,1-2). Nói cách khác, để không mặc cảm tội lỗi và sợ hãi thi hành chức năng linh mục trong những điều kiện hiện nay, chúng ta hãy đăm nhìn lên Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi ta thì cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp thừa tác vụ mà Người đã thương cho chúng ta được tham dự.

Nhìn lên Người, chúng ta dễ dàng thấy Người trổi vượt hẳn mọi nhân vật của Cựu ước. Sánh với các tiên tri thì đã quá rõ ràng rồi, vì “đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nơi các tiên tri… nhưng vào thời sau hết, Ngài đã nói với chúng ta nơi một người Con mà Người đã dặt làm thừa tự tất cả mọi sự” (1,1-2). Và như vậy Đức Giêsu cũng hơn cả Abraham và nhất là Môsê. Những vị này chỉ nhận được lời Hứa, chứ không nắm được thực tại. Abraham còn phải nộp thuế thập phân và cúi lãnh phép lành của Menkisêđê là hình ảnh của Vị Thượng Tế của đạo mới (7,1). Còn Môsê được vinh dự gắn liền tên tuổi vào giao ước cũ; nhưng nay cái mới đã đến thay, khiến vinh quang cũng trở nên phai nhoà trước vinh quang của những người phục vụ giao ước mới (3,1). Riêng các thiên thần là gì? “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ sẽ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?" (1,14). Thế nên chúng ta hãy nhận biết vinh dự của mình và hãy tạ ơn Thiên Chúa và Đức Kitô. Nhưng đồng thời cũng phải ở lại trong Con Một Thiên Chúa mới bảo tồn được vinh dự ấy. Và trước tiên phải biết vinh dự ấy bắt nguồn từ đâu.

Dĩ nhiên là từ Đức Giêsu rồi. “Ngài là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản tính Thiên Chúa... Sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi, Ngài đã lên ngự bên hữu Đấng oai nghi chốn cửu trùng.... và đã thừa hưởng một Danh khôn ví” (1,3-4). Như vậy Đức Giêsu không những là Con Thiên Chúa và với tư cách này, Ngài chưa ra khỏi cung lòng Thiên Chúa; nhưng Ngài còn thanh tẩy được tội lỗi, tức là đã thi hành được ơn cứu độ mà mọi thế hệ loài người hằng tha thiết cầu mong. Trước đây và bây giờ, tôn giáo nào cũng nhấn mạnh đến chỗ bất hoà giữa Thiên Chúa và con người vì vấn đề tội lỗi. Và tôn giáo nào cũng tìm cách xoá bỏ sự bất hoà này, đặc biệt trong Cựu ước. Nhưng lấy lại lòng Thiên Chúa bằng lễ dâng không đủ, vì lễ dâng không thanh tẩy được tâm hồn. Người ta nhờ đến các hy tế và bao quanh hy tế bằng bao hình thức thanh tẩy, trong cách chọn tế vật và trong việc đặc cách một vị thượng tế. Nhưng tế vật trong sạch đến mấy vẫn ở ngoài con người, không thanh tẩy được họ. Cho dù con người có muốn là tế vật đi nữa, tế vật này vẫn là một con người có tội, chẳng cứu được mình huống nữa là người khác. Mà tế vật đã không trong sạch thì thanh tẩy người dâng đến mấy cũng vô ích. Thầy thượng tế đạo cũ được chuẩn bị chu đáo lắm: lựa chọn kỹ càng, tắm rửa theo nghi thức, bận lễ phục đặc biệt, được xức dầu thơm và bôi máu tế vật, tránh xa những vật dơ, ngay cả xác thân phụ mình, không nương tay với kẻ có tội… để chứng tỏ đã được tách lìa. Nhưng sự thật, tách lìa đâu đã phải không còn là tội nhân và các lễ nghi thanh tẩy kia cùng lắm cũng chỉ có giá trị bên ngoài. Đã không thanh tẩy được tâm hồn thì cũng chẳng xoá tội được cho mình, huống nữa là cho người khác. Phụng vụ Cựu ước cũng ý thức như vậy; cho nên dù mỗi năm thầy thượng tế chỉ được vào nơi cực thánh một lần, long trọng làm các lễ nghi thanh tẩy, nhưng xong rồi, cửa nơi cực thánh vẫn cứ đóng lại và mọi người vẫn đứng ngoài, kể cả thầy thượng tế, chứng tỏ chưa thi hành được ơn giảng hoà, nghĩa là Thiên Chúa và con người vẫn còn cách nhau.

Nhưng mọi sự đã hoàn toàn mới hẳn nơi Đức Giêsu. Là Con Chiên Thiên Chúa, Ngài vô tội. Ngài gánh tội trần gian khi nhập thể nhận lấy thân phận y hệt chúng ta ngoại trừ tội lỗi; Ngài ngang qua thống khổ tử nạn (2,9) thiết lập giao ước mới trong máu Ngài vì máu không đổ thì tội vạ không được tha (9,22). Và lễ tế của Ngài được chấp nhận vì không những không diễn ra trong đền thờ do tay loài người xây cất, nhưng vượt qua sự chết, Ngài đã lên ngôi bên hữu Thiên Chúa trong sự phục sinh, mở đường cho những ai tin đều có thể dạn dĩ tiến lại gần ngai Ân sủng. Đức Giêsu Kitô đã trở thành Vị Thượng Tế của đạo mới, mà thân thể phục sinh của Ngài là Đền thờ mới và chính Ngài là hy tế mới. Chúng ta được Ngài ban cho làm tư tế để đại diện Ngài mà làm việc Ngài đã làm cho mọi loài được ơn cứu độ. Chúng ta hãy luôn đưa mắt chăm nhìn Ngài để cố gắng bắt chước Ngài mà kết hiệp với Ngài, hầu tuy còn sống trong thân xác, nhưng chúng ta không còn sống nữa mà là chính Chúa Kitô sống trong chúng ta. Đặc biệt khi chúng ta thi hành các nhiệm vụ mà Ngài đã trao phó. Đó là rao giảng Lời Chúa, cử hành các mầu nhiệm và dẫn dắt dân Chúa. Những việc ấy chỉ nhằm mục đích xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, không phải bằng những lời lẽ thông thái của thế gian hoặc bằng những nghi lễ làm theo thói quen hay bằng cách thống trị người khác, nhưng bằng tinh thần kết hiệp với Chúa Kitô trong mầu nhiệm cứu thế, thể hiện sự từ bỏ đến mạng sống mình để sống cho Thiên Chúa trong khi thi hành mọi nhiệm vụ trên. Như vậy mới là thi hành chức tư tế của đạo mới, vì những lễ tế như thế Thiên Chúa mới vui lòng chiếu nhận (13,16). Xin Mẹ Maria đứng gần thập giá Đức Giêsu nhận lấy tất cả chúng ta để giúp chúng ta luôn biết noi gương Con Người mà thi hành chức năng tư tế. Xin các thánh linh mục tử đạo Việt Nam phù trợ hàng linh mục của Giáo hội này để công trình xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô của các Ngài được tiếp tục càng ngày càng thêm vinh quang.

Để kết luận, tôi muốn ghi lại đây một nét trên khuôn mặt của vị linh mục Việt nam tử đạo đầu tiên, cha Vinh Sơn Liêm dòng Đaminh. Cha là tác giả cuốn “Hội đồng tứ giáo” được tái bản 14 lần tại Sài gòn. Cha bị bắt và bị tù với cha Gia, một linh mục Đaminh người Tây ban nha. Khi một viên quan lên tiếng tâu vua : “Hoa lang đạo bị nghiêm cấm nhưng cho đến nay chưa người dân Việt nam nào bị xử tử vì đạo này, nên xin vua đại xá cho tên Liêm”. Cha Liêm vội lên tiếng thưa : “Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì, thì cũng phải lên án trảm quyết tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi thì càng không được kết án cha Gia. Vì tôi là công dân nước Việt, lẽ ra tôi phải giữ luật nước hơn ngài. Nhưng nếu giết cha Gia mà tha tôi, thì án của nhà vua không công minh. Yêu cầu tha thì tha cả hai, giết thì giết cả hai, thế mới là án công bình”.

Lời nói đầy tình nghĩa anh em: muốn cứu anh em? muốn đồng phận với anh em? Đúng hơn đó là lời nói muốn kết thúc cuộc đời linh mục đã rao giảng, đã làm các bí tích, đã coi sóc đàn chiên, bây giờ muốn đồng hoá với mầu nhiệm thánh giá để ơn cứu độ được trải rộng trên giang sơn Việt Nam từ nay đến mút cùng trái đất.

Vinh dự thay cho hàng linh mục Việt nam có một bậc đàn anh như vậy! Và con đường chúng ta ngày nay phải đi là tiếp nối đường lối của bậc đàn anh: duy nhất với nhau khi thi hành chức năng linh mục để chung lưng xây dựng một Giáo hội, và nhất là gắn bó với nhau trong hoàn cảnh khó khăn, để hằng ngày theo gương Vị Linh Mục Thượng Phẩm, Vị Linh Mục lý tưởng, Vị Linh Mục thần tượng, dâng lễ tế cứu độ được muôn dân.