I. ĐANG LÚC HỌ CHUYỆN VÃN VỚI NHAU



(Lc 24,15)

Một mình Luca đã thuật lại câu chuyện này. Ông là tác giả linh ứng về truyền giáo. Ông đã kể lại việc làm chứng của Đức Kitô và của các tông đồ để xây dựng Hội Thánh phục vụ ơn cứu độ loài người. Sách Tin Mừng thứ ba viết cho Thêôphilê, một người ngoại mới tòng giáo, để ông nắm vững Tin mừng đã được loan báo cho ông. Còn sách Công Vụ các Tông đồ không trọn vẹn dành cho việc truyền giáo sao ? Luca cũng là tác giả duy nhất nói đến con số 72 môn đệ đã được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin mừng như nhóm 12 Tông đồ (10,1-20). Có lẽ ông muốn gợi lại con số 70 hoặc 72 (tuỳ bản văn) dân ngoại kể trong sách Khởi nguyên chương 10. Đơn sơ hơn nữa, ta có thể hiểu, ông muốn nói đến một số tông đồ rất đông đang làm việc truyền giáo ở thời ông. Và các tác phẩm của ông đều phản ảnh sinh hoạt của những người tông đồ này. Do đó, ông là tác giả đáng được chúng ta quan tâm trong đời sống mục vụ của chúng ta.

Luca mở đầu câu chuyện như sau :

“Và này, cũng ngày hôm ấy, vào lúc trời đã xế chiều, hai người trong nhóm họ đang đi tới một làng kia…tên là Emmau”.

Luca đúng là nhà viết sử. Ông xác định: “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần lễ, sau ngày Sabát hưu lễ của người Do thái, ngày Đức Giêsu đã sống lại như lời Thánh Kinh. Vào lúc trời đã xế chiều, hai người đang đi tới làng Emmau.

Họ là ai? Sau này Luca sẽ bảo một trong hai có tên là Cléophas. Cái tên lạ hoắc, không có trong nhóm Mười hai, cũng chẳng nằm trong danh sách các Phó tế (Cv 6,5). Có thể là một trong số 72 môn đệ không? Còn người kia tên là gì? Luca dường như muốn dấu danh tánh, vì ông vốn là một người có văn hoá Hy lạp rất tinh tế và là một y sĩ rất tế nhị. Tuy nhiên lời ông giới thiệu họ cũng đầy đủ lắm.

Đó là hai người trong “Nhóm họ”. Nhóm 12? Nhóm 72? Maccô có mười chỗ nói đến nhóm trước (3,14; 4,1; 6,17; 9,36; 10,32; 11,11; 1,16-20; 8,27-30; 16,7) và Hồng y Martini đã căn cứ vào đó để viết ra cuốn sách “Cuộc hành trình thiêng liêng” của nhóm Mười Hai. Luca, như ta biết, muốn nhân nhóm này lên rất nhiều thành 72 và đông đảo hơn nữa. Nói tắt, đó là nhóm người đã được Đức Giêsu gọi và chọn, cho ở với Ngài; Ngài ra vào ở giữa họ để họ thấy và nghe hết về Ngài, được Ngài chia sẻ các mầu nhiệm về Nước trời một cách rõ ràng, chứ không như quần chúng chỉ được nghe qua các dụ ngôn, đến nỗi sau này Phêrô có thể nói: “Vậy trong hàng ngũ những người đi với chúng tôi……phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Ngài" (Cv 1,22). Như vậy hai người đi đến Emmau ít nhất cũng thuộc nhóm quan hệ mật thiết với các tông đồ và với Chúa Giêsu. Họ là tiền thân của chúng ta, những người thân cận nhất của hàng Giám mục kế vị các tông đồ và chăm lo việc của Chúa.

Hai người trên đường đến Emmau vừa đi vừa chuyện vãn… và hơn nữa còn bàn cãi với nhau. Từ bàn cãi này, Luca sẽ dùng lại một lần nữa trong sách Công vụ để nói về cuộc tranh luận tại Công Đồng Giêrusalem: Giáo hội cần phải quyết định có nên bắt dân ngoại phải cắt bì và giữ luật Maisen không (Cv 15,6). Và như vậy, câu chuyện hai người đang còn bàn có tầm mức quan trọng như động đến tiền đồ của Hội Thánh. Thật vậy, Luca viết: Họ chuyện vãn với nhau về mọi chuyện mới xảy ra đó. Việc gì? Việc về Đức Giêsu người thành Nadarét; việc mới xảy ra cho Ngài là bị bắt, bị xử, bị kết án, bị đóng đinh và chết trên thập giá. Những việc ấy thiết thân với hai người, vì như trên đã nói, họ thuộc nhóm của Ngài. Họ đã cá cuộc đời của họ vào hoạt động của Ngài. Nhưng việc mới xảy ra cho Ngài là thảm kịch, không của riêng Ngài, nhưng cũng là của chính bản thân họ. Một trong hai người tên là Clêôphas, đã nói: “Phần chúng tôi đã hy vọng rằng chính Ngài sẽ là Đấng phải giải thoát Israel. Nhưng ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi".

Với cái giọng chua chát này, Luca đã nhìn thấy bộ mặt ảo não của hai người. Tuy nhiên câu than thở trên cũng kín đáo bộc lộ một tâm trạng chưa hết niềm tin. Đúng vậy, họ chưa hiểu được tại sao một nhà tiên tri quyền năng như vậy lại có thể chết như thế? Tại sao các Thượng tế lại nộp Ngài và người ta đã đóng đinh Ngài vào Thập giá? Nhưng họ nhớ rõ: Ngài đã tiên báo những sự việc ấy. Và Ngài đã muốn như vậy, để như lời Ngài, Con Người đi vào vinh quang. Ngài nói: Ngày thứ ba, Ngài sẽ từ cõi chết sống lại. Tuy nhiên, nay đã ba ngày rồi. Nói cho đúng vẫn chưa hết ba ngày mà! Và đàng khác, sáng sớm hôm nay các phụ nữ đã không khiến mọi người hoảng hốt sao? Họ ra mồ thật sớm, không thấy xác Ngài nữa và người ta bảo Ngài đã sống lại. Nghe vậy, mấy anh em đã vội chạy ra mồ, cũng thấy mồ trống, nhưng không thấy Ngài…Tất cả những việc ấy chưa rõ rệt, y như cảnh chiều tà ở chung quanh hai người. Họ còn phải chuyện vãn và bàn cãi với nhau. Họ đang lý giải vấn đề. Họ chưa phải là những con gà rù, nhưng là những con gà chọi đang nghĩ nước.

Thế nên người ta có lẽ thường nghĩ quá về họ khi coi hai người như những môn đệ thất vọng, thất thểu đi về Emmau như để về “làng cũ học cày cho xong”. Vẫn biết Luca diễn đạt bộ mặt họ ảo não. Nhưng ông đã không chú trọng trước đến câu chuyện của họ sao? Chúng ta có thể coi họ như những người đã rơi xuống vực thẳm, để đề cao quyền năng của Chúa Phục sinh sẽ cứu họ lên. Nhưng bảo họ như đã mất tin tưởng, có lẽ không nên võ đoán sớm. Họ là những con người rất dấn thân, thấy thành công đã ở trong tầm tay khi thầy trò đi vào Giêrusalem, rồi đột nhiên diễn biến đổi chiều, không còn gì nữa. Đang ở tuổi trưởng thành, chí khí đang như lửa nóng, những con người dấn thân cách đam mê, dễ gì có thể buông tay cách vĩnh viễn! Sau những phút bàng hoàng, người ta có thể hồi tỉnh, tìm chỗ yên lăng và khuất bóng, như trên con đường Emmau vào lúc xế chiều, để nhìn lại sự cố và lý giải vấn đề. Dường như Luca đã muốn chúng ta hiểu về hai người như vậy để viết tiếp câu sau đây: Chính lúc họ đang còn chuyện vãn và bàn cãi, thì Ngài tiến lại gần bên mà nói với họ...

Bề ngoài, chúng ta hôm nay rõ ràng không giống hai người trên đường Emmau. Gặp nhau chúng ta tay bắt mặt mừng, nói với nhau những tin mới nhất, một cách thật sôi nổi. Nhưng rồi đây, bầu khí tĩnh tâm bó buộc chúng ta phải hạ giọng xuống. Hơn nữa, lý tưởng tĩnh tâm còn bảo chúng ta phải thinh lặng, phải thinh lặng hoàn toàn, nếu được. Dĩ nhiên chúng ta phải cố gắng, nhưng đừng giả dối. Thinh lặng bề ngoài có thể được. Nhưng thinh lặng bên trong, kỷ luật nào kiểm soát nổi? Trong khi ngủ, nhiều người vẫn còn nói mơ được. Và theo Têrêxa Hài đồng Giêsu, trái tim con người không ngớt ngân nga; do đó chị Thánh chỉ ao ước một điều: khi Chúa đến, ước chi Ngài thấy chị đang ngâm nga bài ca tình ái dâng kính Ngài.

Như vậy, không nên giả hình: bề ngoài thinh lặng, mà trong trí ngổn ngang toàn chuyện gạch cát, xi măng và cốt sắt. Hãy thanh tẩy đền thờ tâm hồn bằng cách theo gương Chúa Giêsu liệng hết các bàn đổi tiền qua cửa sổ (Ga 2,12-22). Nhưng cũng nhớ lời Chúa, đừng quét dọn xong rồi để nhà không ai ở, kẻo Satan lại đi rủ thêm quỷ dữ hơn và tái chiếm (Lc 11,24-26). Lo lắng về tiền bạc đã không tốt, suy nghĩ những chuyện khác có khi còn tệ hơn. Phải thay thế các tư tưởng thế tục bằng các suy nghĩ về Nước trời.

Có nghĩa là, nếu muốn được Chúa lại gần bên và đi với chúng ta trong những ngày tĩnh tâm, hãy có những tư tưởng như hai môn đệ trên đường Emmau. Chúa chỉ đợi điều này. Ngài đợi bầu khí tĩnh tâm để đến chia sẻ với các môn đệ thân yêu của Ngài về các việc mới xảy đến cho Ngài, cho Hội Thánh của Ngài, cho chúng ta. Trái tim Cứu thế của Ngài chỉ có những tâm tư đó thôi, và cũng chính là những điều thiết thân với chúng ta.

Rất tiếc là thường khi chúng ta ít suy nghĩ những điều ấy, nên đầu óc chúng ta đã hoá ra thế tục. Có thay đổi tư tưởng, mới đổi mới được não trạng và đời sống. Không mang nặng các ưu tư về các giáo đoàn và Giáo hội, không thể có đời sống mục vụ. Thế nên không riêng gì những ngày tĩnh tâm, nhưng hằng ngày phải có trăn trở về Nước trời để còn đi trong đường lối của Chúa.

Chúng ta đang ưu tư về tương lai Giáo hội, thấy tại các nước Công nghiệp lớn, người ta ít thực hành đạo, và tại các nơi đi vào kinh tế thị trường, con người chỉ nghĩ tới lợi nhuận và tiền bạc. Chúng ta có lý do để ái ngại cho đời sống đạo mai ngày ở giữa chúng ta, đặc biệt nơi giới trẻ. Chúng ta sẽ chỉ làm cho cuộc “suy thoái” tinh thần này chạy nhanh, khi đầu óc chúng ta cũng chỉ mơ tưởng phồn vinh và tiện nghi. Các Mục tử tốt phải biết chuyện vãn với nhau và bàn cãi về nghiệp vụ chăm sóc đời sống tinh thần, đạo đức của đoàn chiên.

Ngay cả trong những ngày tĩnh tâm- hơn nữa phải nói: Nhất là tại những dịp như thế này, các ưu tư trăn trở về Nước trời càng phải được đào sâu. Chúng ta làm linh mục cho người khác. Làm sao có thể cải thiện đời sống linh mục mà không xét đến các tương quan của linh mục đối với vị Mục tử duy nhất tốt lành là Đức Giêsu Kitô, đối với hàng giám mục mà các linh mục là các cộng sự viên trung tín, đối với linh mục đoàn mà mình phải là thành viên hài hoà, đối với mọi thành phần của đoàn chiên mà linh mục phải đi tìm ngay cả con chiên thứ một trăm lạc đàn… Linh mục không thể nên thánh một mình, và do đó không thể tĩnh tâm có kết quả nếu không ra phòng với những quyết tâm đổi mới những quan hệ trên. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của chúng ta, các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, các Bề trên và anh em đồng nghiệp, cũng như toàn thể dân Chúa đang cầu mong có được đổi mới này. Ơn trên sẽ đến giúp đỡ chúng ta một cách đắc lực, nếu chúng ta nên giống hai người trên đường Emmau, vừa đi vừa chuyện vãn và bàn cãi về các việc ấy….