II. ĐỨC GIÊSU TIẾN LẠI GẦN BÊN MÀ ĐI VỚI HỌ (Lc 24,15)

Luca viết: “ Xảy ra là đang lúc họ chuyện vãn và bàn tính với nhau thì chính Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ. Nhưng mắt họ bị ngăn ngừa sao, làm họ không nhận ra được Ngài” (24,15-16). Có thể vì đang trao đổi ráo riết và bàn cãi say sưa, họ không chú ý đến sự hiện diện của một người thứ ba vừa đến nhập cuộc. Đúng hơn, tựa vào kiểu nói của Luca và cũng là kiểu nói rất hay gặp trong Thánh kinh, mắt họ bị ngăn trở sao đó, làm họ không nhận ra được Ngài.

Chúng ta cũng biết câu của Gioan: Ngài đã đến trong nhà, mà gia nhân không đón nhận (Ga 1,11). Và rất nhiều lần khác, Ngài nói rõ ràng mà môn đệ vẫn không hiểu, Ngài làm nhiều dấu lạ mà người ta vẫn không thấy quyền năng của Thiên Chúa. Người sẵn sàng đón nhận các cuộc hiển linh như trong Cựu ước, sấp mình thờ lạy khi thấy sấm chớp. Nhưng một Marcion đã nói khi nhìn thấy máng cỏ: Hãy liệng các khăn, các tả và cả máng cỏ này đi… tất cả đều không xứng đáng với một Thiên Chúa quyền uy. Ông đã quên những lời của Chúa, “cho đến Gioan Tẩy giả, phải dùng sức mạnh mà vào Nước Trời”, nhưng nay đã có rượu mới, tại sao con người cứ còn là bầu da cũ? (Mt 9,16-17). Với việc Thiên Chúa Giáng sinh làm người, quyền uy vinh quang đã đội lốt người phàm là xác thịt yếu đuối; và Thiên Chúa muốn từ nay dùng cái không - không để khắc phục cái tự đắc. Người Do thái đã chờ Đấng Cứu Thế đến trong sức mạnh, thì Ngài đã đến trong thân thể một hài nhi. Hai người trên đường Emmau cũng vậy. Như các đồng nghiệp của mình đã không hiểu gì về các lời Đức Giêsu tiên báo cuộc Tử nạn của Ngài (Lc 18,34), họ cũng không thể đoán trước được Ngài có thể sống lại một cách nhẹ nhàng không ai biết. Họ cứ nghĩ là nếu có sự Phục sinh, thì việc này sẽ xảy ra cực kỳ hùng mạnh. Do đó, họ không thể nào nhận ra được Ngài, khi Ngài tiến lại gần bên mà đi với họ.

Nhưng sự thật là chính Ngài đã nhẹ nhàng đến nhập đoàn với họ, nghe họ nói, hiểu rõ tâm trạng của họ mà họ vẫn không hay biết. Cũng như bây giờ Ngài vẫn ở bên chúng ta, muốn chia sẻ vui buồn hằng ngày của chúng ta, mà chúng ta vẫn không nhận ra sự hiện diện của Ngài, luôn luôn Ngài là người cứ bị đứng ở ngoài cửa (Dc 2,9-10). Kiên trì, nhẹ nhàng Ngài vẫn gõ và làm hiệu, mong được nhận cái nhìn nhận biết của chúng ta. Nhưng con người cứ tưởng Ngài đã chết và thuộc về dĩ vãng, y như hai người trên đường Emmau.

Đức Giêsu phải lên tiếng trước; Ngài hỏi: “Chuyện gì làm đề cho các ông đi đàng cùng nhau trao đổi ?” (24,17). Câu hỏi nhập cuộc hết sức và rất tự nhiên. Dường như Ngài đã phải kiên nhẫn đợi đến lúc thuận lợi hơn cả để xen vào, và nói đúng hơn, để giúp đỡ gỡ rối vấn đề cho họ. Nhưng câu trả lời lại không được như thế. Nó sổ sàng như muốn đánh bốp vào mặt người ta. Cléôphas nói: “Duy chỉ có ông ngụ tại Giêrusalem mà đã không biết các việc xẩy ra ở đó mấy ngày nay” (24,18). Sao ông có thể nói vậy? Tựa vào đâu ông có thể bảo ông khách ngụ tại Giêrusalem? Và mọi người ở Giêrusalem phải biết các việc xẩy ra ở đó như các ông sao? Giọng điệu trách móc của Clêôphas làm chứng các ông rất thiết thân với các việc ấy; nhưng bắt bất cứ ai cũng phải tham dự, chia sẻ như chính bản thân mình, chẳng phải là lấy mình làm thước đo mọi người sao?

Chúng ta dễ gặp những con người như vậy, và chính chúng ta thường khi vẫn có thái độ như thế. Một hôm có người sồng sộc đến bảo tôi: Đây này, người ta đua nhau học Hán nôm, mà chẳng thấy có tên một linh mục, tu sĩ nào. Cứ cắm đầu đi học Anh văn cả lũ, cả rừng sách Hán nôm Công giáo cho mối mọt ăn. Thật rõ chán!

Và năm ngoái, tôi qua Mỹ. Đến cộng đoàn Công giáo Việt nam nào tôi cũng bị chất vấn: tại sao ở bên nhà các cha thích làm nhà thờ thế? Chỗ nào, chỗ nào cũng xin tiền sửa chữa. Nghe nói có nhiều nơi xây cất lãng phí. Các Đức cha không có kế hoạch gì sao? Phải đặt ban kiến thiết. .v..v..

Chúng ta nghe nói quá nhiều các nhận xét đó rồi. Ước gì trong những trường hợp như thế, chúng ta nhớ đến Đức Giêsu trong câu chuyện hôm nay. Ngài khoan thai nhẹ nhàng nhập cuộc. Ngài nhẫn nhục lắng nghe tất cả. Tôi không như vậy. Tôi đã biết gì mấy đâu? Thật vậy, có biết bao tâm tư của linh mục mà giám mục không biết; có biết bao nhiêu trăn trở của giáo dân mà linh mục không hay; có trăm ngìn thành kiến của đồng bào mà người Công giáo không thể ngờ được. Đạo nhập thế, nhưng tín đồ, nhất là tông đồ của đạo lại xuất thế! Tôi có ý nói, chúng ta làm mục vụ mà nhiều khi chẳng hiểu môi trường và tình trạng của đoàn chiên. Chúng ta phải đào tạo con chiên để họ nên thánh giữa đời và bằng nếp sống cụ thể của họ, nhưng chúng ta đâu đã biết đủ về cảnh họ sinh sống. Mặc nhiên chúng ta cứ nghĩ “Cụ” là đủ, và “Thầy” là hơn người ta những ba lần, rồi cứ “phán” như những người có uy quyền mà không ai được “cãi” lại.

Công đồng Vaticanô II dạy phải đối thoại. Ai cũng mong Bề trên thi hành. Nhưng ai cũng muốn chỉ độc thoại với người dưới. Dường như làm Bề trên rồi thì nhiệm vụ chỉ còn phải “giảng”, chứ không còn phải “nghe” nữa. Nhưng nếu không tập trung nghe - ít là lời Chúa - thì sẽ giảng gì? Dĩ nhiên sẽ dần dần giảng mình, giảng ý kiến của mình, giảng ngoài Phúc âm và không giống như Phúc âm.

Đoạn Phúc âm hôm nay cho thấy rõ Đức Giêsu không những lắng nghe, mà còn gợi ý cho hai người nói. Vì sau lời trách móc chua chát của Cléôphas, Ngài đã thản nhiên hỏi thêm: “Những việc gì vậy ?” (24,19). Giá như tôi biết bắt chước Ngài, đừng vội nóng tai, đỏ mặt, cắt ngang lời người khác. Để cho người ta nói, đã là mở đường cứu độ cho họ rồi! Ngược lại khiến họ không nói nữa, thì trước sau, sẽ rơi vào cảnh Chúa Chiên chẳng biết chiên và chiên cũng chẳng nghe tiếng Chúa Chiên. Không, càng sống lâu trong chức Linh mục tôi càng lớn tuổi, dần nặng tai và mắt cũng mờ. Tôi còn nghe biết và hiểu gì về giới trẻ nữa không? Thế mà thế giới này, cách riêng thế giới Á Châu lại đang xây dựng cho giới trẻ và gồm đa số là người trẻ. Tôi có muốn có Cha phó trẻ và các người cộng tác trẻ không? Chương trình giáo dục học đường ở Nhật đã hướng về thế kỷ XXI lâu rồi, tôi chăm sóc các em rước lễ Bao đồng để sống đạo ở thế kỷ bao nhiêu? Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là Đấng “nghe” lời chúng ta. Hơn nữa, Ngài luôn luôn là Chúa “muốn” nghe lời con cái kêu xin, như trong câu chuyện này, Ngài gợi cho hai người nói.

Và thái độ đối thoại của Ngài rất công hiệu. Họ đã nói ngay, nói hết, nói rất thật. Nghe họ tôi có cảm tưởng như nghe những người bổn đạo dòng Bùi Chu, Bắc ninh hoặc Thái bình khi trả lời lẽ bổn. Phêrô sau này, tại bài giảng đầu tiên cho quần chúng trong ngày lễ ngũ tuần cũng sẽ tóm tắt các sự việc như Cléôphas hôm nay (Cv2,22). Họ đã không bỏ sót cả những gì đã nghe biết sáng hôm ấy. Nghĩa là các dữ kiện thì có hết, chỉ thiếu hồn thôi. Hồng Y Martini gọi đoạn văn này là “le kéryme incomlet”= một lời loan báo chưa hoàn toàn. Người ta biết hết các việc xẩy ra trong cuộc Tử Nạn - Phục sinh, nhưng họ không nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa trong các sự việc này. Họ không hiểu sao Đức Giêsu lại để cho cừu địch bắt, xử, đập đánh, đóng đinh. Họ cũng chẳng biết tại sao các Thượng tế lại làm như vậy. Họ không bắt được ý nghĩa của mồ trống và lời các chứng nhân thuật lại. Chưa tìm ra manh mối, họ chưa lý giải được. Tất cả còn như một đống xương khô (Ez 37), chưa có Thần khí thổi vào để ráp lại với nhau mà sống lại. Le kéryme incomlet chỉ ghi nhận sự kiện mà không giải thích được, nên để người ta lại trong ngu độn và chậm tin; hơn nữa còn khiến người ta bỏ cuộc, ôm sầu và phân tán, vì nó dẫn đến bế tắc. Ngược lại sau này ta sẽ thấy, khi Đức Giêsu giải thích xong, lời loan báo các sự việc kia sẽ trở nên hoàn toàn vì mở mắt, mở lòng cho người ta và dẫn họ đến dấn thân, chia sẻ và đoàn tụ. Nó đem sự sống vào các dữ kiện khiến người ta được cứu độ.

Như vậy, mỗi lần lời rao giảng của chúng ta không làm cho người ta được sống dồi dào hơn, thì rõ ràng nó cũng chỉ là một “Kéryme incomlet”, dù chúng ta đã nói hùng hồn và muốn thuyết phục. Các lời chửi mắng chẳng hạn, không hùng hồn sao? Nhưng chính vì vậy mà chúng ta có khả năng giết người và bót nghẹt sự sống. Những lời đe doạ cũng vậy, chỉ sinh ra sợ hãi chứ không triển nở con người. Diễn từ của Cléôphas ở đây đã chấm dứt ở câu: Nhưng với ngàn ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi (24,21), nghĩa là chưa có hy vọng gì, nếu chưa muốn nói là đã hết hy vọng rồi!

Còn nhận xét về lời dẫn giải của Chúa Giêsu, chính hai người đã phải thú nhận: “Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với ta….đó sao?" (32). Ngài đã biết loan báo. Ngài là người rao giảng gương mẫu. Luca sẽ còn dọi nhiều pha đèn vào con người của Ngài để các thế hệ tông đồ nhìn xem và học hỏi. Hôm nay ông mới giới thiệu qua: Ngài là con người muốn đến tiếp cận cùng ai thiết thân với công việc của Ngài là xây dựng Nước Trời. Ngài đồng hành với họ và tế nhị can thiệp đúng lúc. Ngài không nỡ làm tắt tim đèn còn sáng (Gs 42,3), lại còn khêu lên để nó được sáng hơn. Ngài chịu nghe người ta kể lể, dù đã thấu tỏ được tâm tư nguyện vọng của họ. Và cuối cùng, Ngài đã đem được niềm tin lại cho con người để họ được cứu độ và được sống.

Dịp tĩnh tâm, Chúa Giêsu rất muốn cho các tông đồ của Ngài được sống và sống dồi dào. Ngài ao ước đến gần bên mà đi với chúng ta để biến đổi chúng ta nên tông đồ nhiệt thành hơn. Chúng ta gặp Ngài trong thinh lặng của tâm hồn, nơi nhà nguyện, khi nghe lời Chúa và cả khi đàm đạo với anh em. Nhất là Ngài ao ước được nghe chúng ta nói. Không phải Ngài không rõ tâm tư và các vấn đề của ta. Nhưng chúng ta cần phải nói ra, nói hết, để tạo cho Ngài thuận lợi gặp gỡ trao đổi với chúng ta. Lúc này, lúc khác, Ngài sẽ cố gắng gợi ý để ta nói, nhưng bao lâu ta chưa mở miệng, dường như Ngài chưa tìm được chỗ đúng để đáp vào. Dĩ nhiên nói ở đây không cần phải phát ngôn, mà chỉ là nghĩ đến, không phải là nghĩ đến những chuyện thế gian, nhưng là nhìn vào và suy niệm những chuyện thiết thân với phần rỗi và đời sống phục vụ ta đang làm. Ít nhiều, ai cũng đang làm công việc này, mà hôm nay ta vẫn gọi là xét mình hoặc kiểm điểm đời sống.

Có người coi đây là công việc chính yếu của tĩnh tâm, và quan niệm tĩnh tâm là dịp để làm một cuộc xưng tội khác thường. Coi đi như vậy, chúng ta cũng cần phải biết làm công việc này.

Chúng ta vẫn gọi xưng tội là Confessio. Nhưng nguyên tự của từ này thường có nghĩa khác. Theo Augustino, có thể có 3 ý nghĩa: Confessio laudis (tuyên dương), Confessio vitae (tuyên xưng) và Confessio fidei (tuyên tín). Người ta chỉ biết tuyên xưng ( = xưng tội) nếu biết làm hai việc tuyên dương và tuyên tín. Hối nhân kiểm điểm đời sống, tuyên xưng tình trạng của cuộc đời, sau khi nhận thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa làm những việc kỳ diệu trong lịch sử cứu độ loài người, và với niềm tin chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cứu độ này cho mình làm lại cuộc đời. Do đó, không nên đâm đầu ngay vào việc lục soát tội lỗi. Hãy khám phá ra tình thương vô biên của Chúa đã. Hãy bắt đầu tuyên dương lòng nhân ái của Thiên Chúa. Có thâm tín Chúa là Cha nhân lành nắm giữ trọn vẹn vận mạng hạnh phúc của con người, người ta mới được thúc đẩy một cách chân thực trở về với Chúa. Đứa con phung phá không trở về nhà Cha nếu nó không thấy rõ là nơi cứu độ mình (Lc 15,11-32). Việc tán tụng, tuyên dương Thiên Chúa là sức đẩy con người đến với Chúa. Họ càng mau mắn hết mình đến với Ngài, khi mặt khác họ ý thức rõ rệt về tình trạng hiện nay của mình. Confessio vitae càng sâu sắc càng hiệu nghiệm. Phải như hai người trên đường Emmau nói hết, nói cả nỗi chua chát của lòng mình.

Ở đây, dĩ nhiên ai cũng muốn gặp được một người tri kỷ biết lắng nghe, như Chúa Giêsu trên đường Emmau. Các Cha giải tội hãy là hiện thân của lòng Chúa thương xót. Hãy đọc lại dụ ngôn của Luca để thấy thái độ của người Cha lúc đứa con trở về. Hãy sung sướng đóng vai đại diện Thiên Chúa (Lc 5,21) và thi hành chân lý: đã nhận nhưng - không thì hãy cho nhưng - không (Mt 10,8). Hơn nữa như lời thư Hipri, đây là vị Thượng Tế không phải đã không kinh qua những sự yếu đuối (5,2). Linh mục hãy thương hối nhân, nhất là hối nhân linh mục. Hãy củng cố anh em để nhiều anh em khác được củng cố.

Và hiểu như vậy, hối nhân linh mục sẽ thấy Confessio vitae cũng là Confessio fidei. Augustino khi tự thuật tuyên xưng, đã tuyên tín niềm tin sâu sắc của mình vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, đến nỗi đã có thể ca lên: "Ôi tội có phúc", trong đêm Vọng phục sinh cũng là đêm ngài lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.

Ai cũng biết mối quan hệ giữa bí tích Cáo giải và bí tích Thánh Tẩy. Thế mà sao người ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong hân hoan, và thiếu khởi sắc khi cử hành bí tích Cáo giải? Chúa Giêsu chẳng có nhiều lời nói đến sự phấn khởi khi có hối nhân trở về sao? (Lc 15,4-32). Có lẽ mục vụ của chúng ta cần phải xem lại vấn đề. Ảnh hưởng của các buổi thống hối cộng đồng chưa lan tới những lần xưng tội riêng. Hay vì bầu khí kín đáo bao trùm công việc này đã tách nó ra khỏi cuộc sống. Đối với các Thánh thì không phải như vậy; không những các ngài năng xưng tội mà thường chỉ xưng tội với cha linh hướng của mình. Chúng ta thường vĩnh biệt cha linh hướng khi ra khỏi Chủng viện, nên trên đường đời không có phúc như hai môn đệ trên đường Emmau, có người nhẹ nhàng đến đi với mình. Và cũng có thể vì mình thường ở bên những anh em linh mục không kín miệng đủ và nhất là không thông cảm đủ với anh em linh mục.

Lạy Chúa, vì đường đời Linh mục chúng con rất khổ sở khi cô đơn, xin gửi đến cho chúng con những người bạn đường như Chúa đã làm cho hai môn đệ trên đường Emmau để chúng con biết tuyên dương, tuyên xưng và tuyên tín Chúa. Amen.