NGÀI DẪN GIẢI CHO HỌ CÁC ĐIỀU ĐÃ VIẾT VỀ NGÀI (24,27)



Đức Giêsu đã tiến lại gần bên mà đi với hai người trên đường Emmau. Ngài đã kín đáo nhập đoàn, rồi đã nhẹ nhàng bắt chuyện. Ngài làm cho họ nói hết tất cả nỗi niềm chua chát trong lòng họ. Và giờ đây, Ngài bắt đầu nhiệm vụ cứu chuộc.

Luca viết: "Ngài đã dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài". Đó là công việc lớn, chiếm hết đoạn đường Ngài đi với họ; và như vậy phải là công việc chính yếu người tông đồ trong suốt cuộc hành trình đi với con người. Nội dung việc mục vụ của Hội Thánh và của chúng ta là dẫn giải, làm chứng cho người ta về Chúa Giêsu, để họ nhận biết Cha là Đấng Kitô Ngài sai đến mà được sống (Ga 17,3). Thế nên chúng ta cần xem xét kỹ công việc này.

Trước hết đối tượng của việc tông đồ mục vụ là chính Đức Kitô, Đấng đã được Chúa Cha sai đến để nhân loại được sống và được sống dồi dào. Ngài chính là ơn Cứu độ loài người. Ngài phải được loan báo cho đến mút cùng thế giới. Và loan báo về Ngài không phải chỉ là nói về Ngài, nhưng còn phải dẫn giải để người ta biết, với nghĩa mạnh của từ ngữ Thánh Kinh này là đưa người ta đến kết hiệp mật thiết với Ngài để làm nên một thân thể. Và việc này có thể được vì Ngài không còn là một nhân vật lịch sử, thuộc quá khứ, xa lạ với chúng ta; nhưng Ngài đang sống vì đã kinh qua đau khổ để đạt tới vinh quang. Đó chính là điều Đức Giêsu đã dẫn giải cho hai người trên đường Em mau và làm cho lời loan báo của Ngài là: "Le Kéryme Complet" Các điều Cléophas nói trước đây về Đức Kitô Chỉ là một mớ những dữ kiện rời rạc. Đức Giêsu đã dẫn giải cho hai người thấy cái lý trước sau, thánh ý cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tất cả những sự việc trên, làm cho họ nhận ra khuôn mặt toàn vẹn của Đức Kitô. Như vậy, Phaolô thật có lý khi viết: Tôi chỉ muốn giảng một Đức Kitô mà thôi và chính là Đức Kitô chịu đóng đinh (1Cr 1,23).

Lời nói của Phaolô khiến ta phải đặt vấn đề: Có phải lúc nào lời giảng và mục vụ của các tông đồ chúng ta cũng quy về Đức Kitô không? Tôi có hay giảng về mình, về một học thuyết, về một chương trình tổ chức hoặc xây cất không? Không nên lạm dụng toà giảng, càng không được phép lợi dụng các lời tiên tri cho một ý đồ và mục tiêu nào không phải là để dẫn giải về Chúa Kitô. Câu Luca mà chúng ta đang khai chuyển không cho phép ai làm như thế. Và để cho lời Thánh Kinh này trở thành khuôn vàng thước ngọc, chúng ta lui lại một chút để học thêm với Đức Giêsu về việc làm tông đồ.

Sau khi nghe hai người nói, và trước khi dẫn giải cho họ, Ngài đã bảo họ: "Hỡi những người kém tin, những tâm hồn chậm tin". Trước đây, khi còn ra vào giữa họ, nhiều lần Ngài đã khiển trách họ như thế. Dường như họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, bởi vì giác quan của họ chưa biết bắt gặp những sự về Thiên Chúa. Trường hợp của Nicôđêmô cũng vậy. Họ đã nghe đã thấy gì đó - và có khi nhiều nữa - nhưng họ không hiểu. Nhiệm vụ của người dẫn giải là đi từ các dữ kiện này để mở mắt mở lòng người ta hiểu biết. Như vậy, đừng người tông đồ nào vênh vang như được khởi sự từ con số không. Ngược lại việc mục vụ chân thật phải biết đi từ những dữ kiện sẵn có, là các ơn của Chúa đã âm thầm làm việc nơi người ta từ lâu rồi. Nhiều khi chúng ta chỉ là người gặt, chứ không phải là người gieo. Và dù có đi gieo chăng nữa, ruộng đất và hạt giống không phải là của ta. Chính Chúa đã dọn sẵn tất cả qua sự xếp đặt kỳ diệu của Ngài và nhờ nhiều người đi trước. Chúng ta quý trọng các nhân tố quan phòng đó và khiêm nhường để khởi sự cho thích hợp.

Và kìa xem, trước khi dẫn giải, Đức Giêsu đã nắm vững chủ đề, Ngài nói: "Há Đấng Kitô không phải chịu đau khổ như thế rồi mới được vinh quang sao?". Ngài là Chúa mà không coi thường phương pháp làm việc. Chúng ta còn phải học hỏi với Ngài nhiều lắm.

Mà quả thực ở đây cần có một chút khiêm nhường: Muốn "dẫn giải", phải biết. Nhưng chúng ta đã biết về Chúa Giêsu chưa để loan báo Ngài? Tôi không muốn xúc phạm đến các cha giáo sư Kinh Thánh và nền giáo dục chủng viện. Sau này sẽ có dịp chúng ta nói đến việc Chúa đào tạo các tông đồ. Suốt thời gian ở với họ, Ngài đã gặt hái những gì? Nếu nhiều, thì làm gì hôm nay Ngài còn phải trách họ kém tin và chậm hiểu. Mầu nhiệm Đức Kitô không chỉ nằm trong sách vở và không phải chỉ dùng trí mà hiểu được. Đó là mầu nhiệm sống, bao la sâu thẳm như đại đương. Thánh Gioan nói: Ai bảo mình biết Chúa mà không giữ giới răn của Ngài, thì chỉ là người nói láo (1Ga 2,4). Do đó chúng ta phải tự nhủ: Mình chưa biết Chúa, chưa biết bao nhiêu; và như vậy suốt đời còn phải tìm hiểu.

Biết mình chưa biết là điều kiện tiên quyết để có thể biết hơn. Biết người còn khó hơn nữa, vì chỉ cần mất tình thân mật của họ là trở về ngu muội đối với họ. Do đó không phải việc đọc sách, kể cả sách Thánh, cho chúng ta biết về Đức Giêsu, nhưng là đời sống kết hiệp với Ngài. Rao giảng Chúa mà không sống thân mật với Ngài thì rao giảng gì? Cùng lắm là một Đức Giêsu đã chết, như lời ông Cléôphas nói thao thao bất tuyệt. Còn nếu muốn loan báo một Chúa Giêsu đang sống, lòng phải bừng bừng bốc cháy khi nói về Ngài.

Tuy nhiên việc đọc sách thánh vẫn chủ yếu trong việc hiểu biết về Chúa Giêsu, đối tượng mục vụ của chúng ta. Hãy nhìn xem phong trào Thánh Kinh nơi anh em Tin lành, và gần hơn nơi Tu sĩ và Giáo dân trẻ của các giáo xứ, để mà gắng lên. Và nhất là hôm nay hãy học với chính Chúa Giêsu trên con đường Emmau. Ngài khởi sự từ Môsê và các Tiên tri để dẫn giải toàn bộ Thánh Kinh cho hai môn đệ. Chắc chắn con đường đi Emmau chẳng dài đủ và thời gian cũng chẳng cho phép làm công việc này. Nhưng Luca vẫn viết như vậy, để cho các thế hệ tông đồ biết phải nắm vững toàn bộ kho tàng lời Chúa và dẫn giải có phương pháp cho người ta nhận biết Đức Giêsu Kitô Cứu Thế.

Biết rõ công việc phải làm và cách thức làm công việc ấy, người tông đồ còn phải học với Chúa Giêsu mà bắt đầu cho thật đúng. Các sách Tin Mừng hay viết: Đức Giêsu bắt đầu làm, bắt đầu nói... Ngài chọn lúc, Ngài chọn sách để khởi sự. Trong đoạn văn này, Ngài đã khởi sự đến gần bên hai người mà đi với họ. Ngài luôn sống đúng với nhân tính của mình là Đấng phải đến, đã đến và sẽ đến. Thiên Chúa đã hứa ban Ngài đến với chúng ta; các ngôn sứ nhắc nhủ dân trông chờ Đấng phải đến; và khi đến, Ngài kêu gọi những người lầm than vất vả đến với Ngài. Và Ngài loan báo cho môn đệ biết phải chờ Ngài lại đến trong vinh quang. Hôm nay Ngài đến với hai người mà họ chưa nhận ra. Đợi đến lúc thuận lợi nhất, Ngài đã can thiệp.

Các môn đệ đầu tiên đã biết bắt chước Ngài. Như Ngài đã đến trong thế gian và đã đến gọi họ, họ cũng theo lệnh Ngài mà đi ra khỏi nhà, đến với người ta trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,14), khởi sự việc đến với muôn dân cho đến mút cùng trái đất. Và theo gương Ngài, Phêrô đã biết bắt đầu thật đúng lúc, đúng chỗ. Thấy người ta đang bàn tán: "họ bứ rượu rồi", ông lên tiếng nói: "Những người này không bứ rượu như anh chị em nghĩ đâu...", rồi ông bắt đầu giảng bài đầu tiên (Cv 2,14-15). Sang đến bài thứ hai, khi thấy người ta kinh ngạc chạy đến nhìn mình cùng với Gioan, Phêrô nói với dân chúng rằng: Sao anh chị em cứ chăm chú nhìn xem chúng tôi... (Cv 3,11-12). Và khi ra trước toà, Phêrô một lần nữa lại vào thẳng vấn đề: Hôm nay toà tra hỏi chúng tôi về việc chúng tôi làm ơn cho một người tàn tật... thì xin toàn dân nhận rõ rằng: Chính nhân danh Đức Giêsu... mà người ấy được lành mạnh (Cv 4,10). Rồi vừa vào nhà Corneliô, Phêrô đã nói thẳng: Cấm chỉ người Do Thái không được làm thân hay đi gặp người biệt chủng, nhưng Thiên Chúa đã tỏ cho tôi biết không được gọi ai là tục hay là nhơ... (10, 28) và ông xin Corneliô nói cho biết mời ông đến đây để làm gì... hầu từ đó, ông bắt đầu rao giảng Đức Giêsu.

oo0oo

Các môn đệ đầu tiên của Chúa đã hoàn toàn bắt chước Chúa để rao giảng về Ngài, còn chúng ta?

Chúng ta cần xem lại nội dung rao giảng của chúng ta có nói về Chúa nhiều không và mục vụ của chúng ta có dẫn người ta thật sự đến với Chúa không? Chúng ta dùng những phương pháp nào để làm những công việc ấy? Và vai trò của Thánh Kinh trong cách chúng ta chăm sóc các linh hồn như thế nào? Chúng ta làm mục vụ với uy tín của thế gian hay tựa vào sức mạnh của Thánh giá Chúa Giêsu? Và khởi sự, chúng ta có đến như Ngài và như Ngài đã sai chúng ta đến không?

Dường như từ ngày chúng ta quen hỏi nhau: "ngồi" ở họ nào, chân người tông đồ không còn đẹp nữa vì không còn đến với mọi người theo như lời Chúa dạy (Mc 14,15). Đi làm tông đồ chứ không phải chạy lung tung. Linh mục phải cho người ta biết giờ mình ngồi để đón họ, để làm việc. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng còn thấy căng các biểu ngữ: "Hoan hô Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến". Nhưng đến được bao lâu? Một giờ lễ với hai giờ ăn, rồi về mất! Nhất là trong thời gian người tông đồ ở giữa người ta, họ có thấy hình ảnh một Đấng Cứu Thế trở nên mọi sự cho mọi người không? Hay họ chỉ thấy xuất hiện một vị tiên tri quyền năng trong phẩm phục thiêng thánh, có thái độ tách biệt. Cách riêng khi giảng huấn và gặp gỡ, thứ giáo lý và ngôn ngữ nào vậy? Chúng ta đang sống ở cuối thế kỷ XX hay còn ở thời trung cổ? Chúng ta đang đứng ở chỗ nào trên mặt địa cầu? Do đó không nên ngạc nhiên khi thấy nhiều thanh niên ngồi cuối nhà thờ, xoay lưng vào toà giảng, hoặc đứng nói chuyện hút thuốc, nếu không muốn nói còn rủ nhau đi ăn phở, vì linh mục có tiếng giảng dài, nói lung tung hoặc xa xôi, chẳng ăn nhằm, ăn khớp gì với đời sống và các vấn đề của người nghe.

Dĩ nhiên nhập thể, nhập cuộc, thích nghi, hội nhập văn hoá là những việc khó. Cần phải suy nghĩ, trao đổi, dè dặt, kiểm tra và được nâng đỡ, nhưng phải làm theo lệnh Chúa và trong truyền thống của Hội Thánh. Có lẽ tôi không nên dùng những từ lớn lao và thông thái như thế, kẻo có thể tưởng đây là vấn đề mới mẻ của thời đại chúng ta. Chỉ cần xem thái độ của Đức Giêsu và cách thức Ngài đào tạo các môn đệ, để thấy đây chỉ là vấn đề phục vụ con người, vì Ngài - và chúng ta - đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ. Thái độ đến gần của Ngài, chúng ta đã thấy rồi. Bây giờ theo Luca chúng ta hãy xem cách Ngài chuẩn bị các tông đồ.

Trước khi quyết định chọn họ, Ngài cho họ tiếp cận với quần chúng mang đủ mọi thứ bệnh tật và khổ đau, để họ nhìn thấy các Ngài chăm sóc họ. Rồi đưa họ lên núi, Ngài cầu nguyện suốt đêm, đến sáng mới đặt họ làm tông đồ. Ngài dẫn họ xuống núi, gặp lại quần chúng, vẫn một quần chúng nhiều khổ đau và bệnh tật (Lc 6,12-19). Ngài sai họ đi rao giảng và chữa lành. Có thể Luca là y sĩ, ông lặng lẽ muốn đồng hoá cứu độ và chữa lành (Lc 9,1). Chữa lành biểu lộ ơn cứu độ, nhưng đồng thời muốn cứu độ cũng phải làm như việc chữa lành. Muốn chữa lành phải biết bệnh và cho đúng thuốc. Người tông đồ phải hiểu và đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người.

Do đó thật quá giản đơn khi nghĩ bộ râu, bộ tóc, hoặc chiếc áo, chiếc quần, điếu thuốc hay lon bia có thể làm ra một Đức Giêsu của ngày hôm nay. Nhập thể mà dễ như vậy, thì chắc đã không có mấy ngàn năm cho việc Chúa vào đời và cũng không cần bao nhiêu ngàn năm nữa để Ngài có thể lại đến. Người ta có thể chạy theo "model" để làm gì, chứ không để "dẫn giải mọi điều đã viết về Ngài" đâu.

Muốn đạt được kết quả này có lẽ phải nhớ lại câu của Gioan Tẩy Giả: Oportet me minui, ille autem crescere (tôi phải nhỏ đi, để Ngài phải lớn lên Ga 3,20). Hoặc phải lấy lại tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ (Lc 1,37) và của chính Chúa Cứu Thế khi vào đời (Hp 10, 7-9). Thật vậy, chúng ta đều được sai đi không phải để muốn làm gì thì làm, nhưng để làm theo ý Đấng sai chúng ta. Mà Ngài muốn anh em được thánh hoá. Ngài ban Thần Khí thánh hoá cho những người lãnh chức linh mục. Họ hãy thử thi hành 3 chức năng chính yếu của Linh mục trong tinh thần trên.

Khi rao giảng, linh mục hãy cố gắng bé cái tôi đi, để Đức Kitô lớn lên trước mắt và trong lòng mọi người. Linh mục không giảng mình, không giảng công việc mình muốn làm, không thanh minh thanh nga để rửa mặt mình, cũng không kể lể công lao của mình... nhưng giảng Chúa, giảng công việc của Chúa, làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa và công lao của Ngài. Tất cả đã được mạc khải trong Lời linh ứng. Và trong câu chuyện trên đường Emmau, chính Chúa cũng đã khởi sự từ Môsê và các tiên tri để diễn giải về Đấng Kitô phải chết và sống lại.

Lúc cử hành các mầu nhiệm thánh, tinh thần bỏ mình để Chúa lớn lên có thể được diễn tả trong thái độ ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa và cung kính cử hành đúng phụng vụ. Đây là lúc Chúa đến thật, thế nên không được làm chia trí cộng đoàn với những thái độ, lời văn, điệu múa... ăn khách.

Và khi chăm sóc đoàn chiên, làm sao phổ biến được bác ái huynh đệ là giới răn mới, giới răn duy nhất, giới răn xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó chỉ có Ngài là thủ lãnh, là đầu, là Thầy, là Cha, và tất cả chúng ta chỉ là môn đệ, là anh em và là chi thể.

Đức Kitô phải lớn lên. Chúng ta phải vươn lên đến tầm vóc viên mãn của Ngài. Hôm nay trong thái độ và cung cách dẫn giải cho hai người trên đường Emmau, Ngài đã trở thành gương mẫu cho chúng ta khi làm mục vụ... nhưng chỉ mới khởi sự thôi. Còn phải quan sát và học hỏi với Ngài nhiều nữa trong các bài sau.