IV. VÀ HỌ NHẬN BIẾT NGÀI (24,31)

Đức Giêsu còn đang dẫn giải cho hai người về Đấng Kitô, thì đã tới làng họ định đến. Emmau cách Giêrusalem 60 dặm, tương đương với 12 cây số, hay là 160 dặm tương đương với 30 cây số? Sách Tob nói con đường ấy phải đi mất 2 giờ. Như vậy rõ ràng chẳng ai xác định được Emmau nằm đúng ở chỗ nào. Chỉ biết đó là nơi hai người định đến. Nhưng Đức Giêsu làm ra vẻ còn muốn đi xa hơn. họ nài Ngài ở lại. Và khi ngồi ăn, Ngài cầm bánh, làm phép, bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận biết Ngài.

Mặc dầu chúng ta sẽ dừng lại ở câu văn này, nhưng chúng ta nên trở lui một chút để xác định những yếu tố nào đã làm cho hai người nhận biết Chúa. Từ lúc Ngài tiến đến gần bên mà đi với họ, hỏi biết vấn đề của họ, rồi dùng Thánh Kinh dẫn giải cho họ hiểu ý nghĩa các sự việc, bề ngoài không có yếu tố nào khác. Nhưng thật sự đã có một hiện tượng khá quyết định mà sau này hai người mới nói ra: Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngõ lời với chúng ta và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao? (24,32)

Như vậy, không chỉ phải có lời dẫn giải Thánh Kinh, mà ngay từ đầu, từ lúc Ngài ngỏ lời, và suốt dọc đường, đã có lòng cháy bừng bừng nơi hai người lắng nghe. Chúa Thánh Thần đã cùng làm việc với Đức Giêsu. Hoặc Lời của Chúa đã như lửa làm lòng hai người cháy lên bừng bừng. Dĩ nhiên chúng ta ao ước điều này vì chúng ta thâm tín, không có ơn Thánh Thần kèm theo, việc làm tông đồ của chúng ta nào ích lợi gì?

Nhưng sao chúng ta lại ao ước điều ấy, đang khi Chúa đã thổi Thánh Thần vào môn đệ trước khi sai họ đi (Ga 20,22) và khẳng định họ sẽ làm việc với sức mạnh của Thánh Thần (Cv 1,4)? Có thể là chúng ta đã không thi hành Lời Chúa căn dặn và không làm việc theo tông truyền? Chúa bảo các tông đồ: Đừng khởi sự khi chưa nhận được Ân ban của Thiên Chúa. Theo chỉ thị của Ngài, chúng ta không được bắt tay vào mục vụ khi chưa cầu nguyện để lãnh nhận được Thánh Thần. Linh mục tiếp nối công cuộc cứu thế của Đức Giêsu, cũng là công cuộc thánh hoá trần gian. Thế mà chính Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá và là Đấng ban sự sống. Ngài đã được sai đến sau khi Đức Giêsu đã về trời, để đồng hành với Hội Thánh. Giáo Hội có truyền thống: Trước khi làm gì cũng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta có nhớ điều này không, đặc biệt trong những hoàn cảnh tế nhị hoặc khó khăn? Đời sống mục vụ phải nằm trong bầu khí cầu nguyện xin ơn Thánh Thần. Và Chúa Cha không bao giờ từ chối ban Thánh Thần cho kẻ cầu xin (Lc 11,13). Chúng ta phải quan tâm cổ vũ và nâng cao đời sống cầu nguyện của các giáo xứ, hướng việc cầu nguyện vào mục tiêu truyền giáo và mục vụ. Đừng coi thường các Hội cầu nguyện trong giáo xứ và lời cầu xin của các em nhỏ. Cần tham gia cầu nguyện chung với giáo dân. Không nên kéo dài cảnh giáo dân lần hạt, Cụ đọc sách nguyện; cộng đoàn hát kinh chiều, Cụ đọc giờ kinh sách. Giáo hội cầu nguyện như thế, thì không duy nhất tí nào. Sách Công vụ viết về Giáo Hội ban đầu không cầu nguyện như vậy. Ngược lại, thuở ấy, luôn luôn "tất cả đồng tâm kiên trì câu nguyện" (Cv 2,42). Vì vậy sinh hoạt của Giáo Hội hồi ấy rất mạnh mẽ.

Tác động của Thánh Thần đi kèm lời dẫn giải, như ta thấy trong câu truyện trên đường Emmau. Tác động ấy còn cần hơn biết bao khi chúng ta - chứ không phải là Chúa - làm công việc rao giảng. Chính Thánh Thần phải đến dạy dỗ chúng ta mọi sự thật về Chúa và của Chúa Giêsu để chúng ta truyền đạt được chính Chúa (Ga 16,13). Ngài là Đấng đã dùng miệng các Ngôn sứ mà phán dạy, nên chính Ngài có thể mở lòng mở trí chúng ta lãnh nhận được Lời hằng sống. Hai người trên đường Emmau đã làm chứng và nhắc nhở chúng ta về hoạt động của Thánh Thần trong mục vụ của Hội Thánh để chúng ta không bao giờ làm việc một mình mà không cậy dựa vào sức mạnh của Ngài.

Hai người cũng nói với chúng ta là họ đã nhận ra Chúa Giêsu khi ngồi bàn với Ngài và thấy Ngài cầm lấy bánh, làm phép, bẻ ra, trao cho họ. Không chắc sự thật đã y như vậy. Nói đúng hơn, không chắc Chúa Giêsu hôm đó đã có ý cử hành Thánh Thể trước mặt môn đệ. Người đang hiện diện; và chỉ cần làm một cử chỉ quen thuộc để họ nhận ra Ngài. Chứ cử hành Thánh Thể trong trường hợp này để làm gì? Nhưng rõ ràng Luca có ý nói với chúng ta - không có hạnh phúc được Chúa Giêsu hiện diện ở trước mặt - phải nhờ Thánh Thể mà nhận biết Chúa. Thánh Thể cho chúng ta được phúc như hai môn đệ: Có Chúa Giêsu đã chết nhưng đã sống lại ở trước mặt. Thật vậy, hai người nhận ra Chúa là nhận ra Đức Giêsu mà họ thấy đã chết, nay đang sống ở trước mặt mình. Và đây là khám phá mới. Trước kia, họ mới thấy Ngài là vị tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói. Rồi họ thấy Ngài bị nộp, bị xử, bị giết, và được an táng trong mồ. Giờ đây họ thấy Ngài đã đến đi với họ, nói với họ, ngồi bàn với họ, tức là Ngài đã sống lại và đang sống.

Hãy khoan nói đến niềm vui sướng của họ khi nhận ra Ngài. Đó là điều tất nhiên. Hãy nói thêm về chính sự nhận biết này. Trong nháy mắt, họ nhận ra con người đích thật của Chúa, mà trước đây, khi ở với Ngài, họ không bao giờ hiểu. họ cứ tưởng Ngài là vị tiên tri xuất chúng, là Đấng đến để tái thiết nước Israel và sẽ cho họ được là quần thần của Ngài. nay họ thấy Ngài là Đấng chịu đóng đinh trong vinh quang, và cuộc khổ nạn và sự chết của Ngài, chỉ là cái cửa mở ra cho họ bây giờ được thấy Ngài đang sống trong Nước Thiên Chúa. Đúng như lời các tiên tri đã nói về Đấng Kitô. Càng đúng hơn nữa như chính Ngài đã nói trước: Khi treo Ta lên, các người sẽ thấy Ta là Ta (Ga 8,28), nghĩa là chân tính của Ta chỉ hiển hiện trên thập giá. Ngài là Đấng duy nhất như vậy.

Khám phá này cho hai người thấy ngay: Trước đây họ chỉ thấy Ngài theo xác thịt, dựa vào giác quan xác thịt. Thật có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Không phải vì Ngài che dấu họ, hoặc không nói với họ; nhưng vì chính lòng trí họ đã điều khiển giác quan, bắt chúng cung cấp những điều họ chờ đợi. Họ muốn có một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế gian, nên đã không nhận ra Con Người thật của Ngài. Từ nay, như Phaolô nói, họ không còn nhìn Ngài theo xác thịt nữa, thì rõ ràng Ngài Chúa Cứu Thế như lời Thánh Kinh nói. Ngài là Đấng vinh hiển trên thập giá. Tác giả các sách Tin Mừng sẽ viết về Ngài trong nhãn quan mới này; nên Luca khi tường thuật việc Ngài giáng sinh chẳng hạn, đã để ngòi bút họa Ngài theo mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Ngài là "Đấng vinh hiển trên thập giá" nằm trong máng cỏ hang lừa. Và ngày nay khi chúng ta khi đọc các bản văn viết về cuộc đời của Ngài, cũng phải dùng nhãn quan đó, mới hiểu đúng được. Chính Ngài trên con đường Emmau đã dạy chúng ta làm như vậy; vì Ngài đã dẫn giải cho hai người các điều đã viết về Ngài trong Thánh Kinh để làm chứng Đấng Kitô đích thực phải chịu đau khổ mới được hiển vinh. Nghĩa là muốn biết Đức Kitô, phải đến với Thập giá của Ngài.

Chúng ta có muốn làm công việc này không? Hay là chỉ muốn rao giảng một Đức Kitô dễ thương ở trong máng cỏ, một Đức Kitô khôn ngoan khi đi lễ Đền thờ, một Đức Kitô rao giảng quyền uy, một Đức Kitô quyền phép làm nhiều dấu lạ v..v... Một Đức Kitô như thế chỉ là một nhân vật lịch sử, đối với tôi cùng lắm chỉ là một gương sáng các nhân đức, kêu gọi tôi thán phục và bắt chước, nhưng không phải là Đấng Cứu chuộc tôi, vì Ngài làm được gì cho tôi, nếu bây giờ Ngài không đang sống để kéo tôi ra khỏi tối tăm tội lỗi? Không, Đức Kitô mà hai người trên đường Emmau đã nhận ra là con người đang cầm bánh và trao cho họ để họ nhận lấy mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Nhìn Ngài trên Thánh giá người ta mới thấy Ngài là Con Chiên gánh tội thiên hạ (Ga 1,46), là Người Tôi Tớ bị treo lên để ai ngắm nhìn thì được cứu độ. Chính Gioan đã làm chứng, trên thập giá Ngài không bị đánh giập xương vào lúc trên đền thờ Giêrusalem đang sát tế các con chiên vượt qua mà không để gãy một cái xương nào. Và khi người lính đâm cạnh sườn Ngài, Máu và Nước đã chảy ra. Máu hy tế rửa sạch tội lỗi và Nước ban sự sống của Thánh Thần. Gioan nhìn xem và nhận ra Ngài là Đấng Kitô (Ga 19,31-37). Còn Luca muốn cho chúng ta nhận ra Ngài trong hành vi bẻ bánh tức là cũng trong mầu nhiệm Ngài tự nộp để bị đóng đinh. Luca còn lưu ý chúng ta, chính khi Ngài ở trên thập giá, mà một tội nhân đã nhận ra sự công chính của Ngài mà được khỏi tội.

Như vậy, sự nhận ra Ngài trong câu truyện Emmau, có ý nghĩa sâu xa hơn lúc đầu chúng ta có thể nghĩ. Không phải hai môn đệ chỉ nhận ra Thầy, mà còn nhận ra Ngài là Đấng Kitô mà Thánh Kinh đã loan báo phải đi qua đau khổ để được vinh quang. Và đây là điều mới đối với họ, vì trước đây họ vẫn không thể hiểu vì sao Ngài lại có thể bị bắt, bị giết v.v... đang khi Ngài vẫn không ngớt nói cho họ hay những việc này. Bây giờ nhìn lại cuộc đời của Ngài, họ mới thấy thật đúng như vậy.

Luca kể ở chương 4,14-30: Hôm ấy, Ngài đến Nadarét... Vào hội đường... Người ta trao cho Ngài sách Isaia, gặp đoạn viết về Người tôi tớ Đức Yavê được Thần trí Chúa ngự đến để sai đi rao giảng năm hồng ân của Thiên Chúa... Gấp sách lại, Ngài ngồi xuống. Mắt mọi người đăm đăm nhìn Ngài. Và Ngài lên tiếng nói cùng họ... Mọi người thán phục các lời về ân sủng xuất bởi miệng Ngài.

Luca có thể chấm dứt ở đó, để người ta chiêm ngưỡng một Đức Giêsu vinh hiển. Nhưng ông đã chân thật kể tiếp, qua giây phút thán phục, người ta quay ra hỏi nhau: Ngài có phải là con ông Giuse không nhỉ? Ngài không làm gì cho quê hương của Ngài ở đây sao? Thấy lòng ham hố vụ lợi của người ta, Đức Giêsu nói thẳng cho họ biết không nên chờ đợi những sự như vậy ở Ngài. Thế là họ sùng lên, kéo Ngài ra, dẫn đến triền núi, định đẩy Ngài xuống sâu. Nhưng Ngài đã "ngang qua họ mà đi".

Ngày trước, hai môn đệ của câu truyện Emmau chắc chắn đã tiếc vì sự việc đã xảy ra như vậy. Vì sao Ngài không lợi dụng lúc thiên hạ thán phục. Nhưng bây giờ nhìn lại họ mới hiểu: Trước sau Ngài vẫn là Ngài. Ngay lúc mới vào đời. Ngài cũng đã tỏ ra Ngài phải đi vào con đường bị la ó và đẩy đi cho chết; Ngài ngang qua lòng tham, dục vọng, ích kỷ của người ta mà đi, vạch ra con đường mới cho ngững ai chấp nhận vác thập giá mà đi theo.

oo0oo

Chúng ta là môn đệ của Ngài. Hơn nữa còn là tông đồ của Ngài. Chúng ta có đời sống đồng hình dạng với Đấng vác thập giá đi trước không? Và chúng ta có nỗ lực làm người ta nhận ra Ngài trong mầu nhiệm Thập giá cứu độ không, để nếu họ có bằng lòng chết với Ngài thì mới được hy vọng sống với Ngài?

Chắc chắn cuộc đời linh mục có nhiều thập giá và đau thương. Khi ấy linh mục có chấp nhận với tâm tình cứu thế của Chúa Giêsu không? Chúng ta có để ý đến những anh em linh mục ở trong những hoàn cảnh như vậy không? Những anh em già yếu, những anh em gặp hoạn nạn, những anh em khổ sở vì thất bại, vì thiếu tài, vì hiểu lầm, đều là những nạn nhân trên đường đi Jericho. Các Tư tế đạo cũ đã lách sang bên mà đi. Các Tư tế đạo mới thế nào, cho dù Phúc âm nói đây là hiện thân của Đức Giêsu bị đóng đinh đó? Dầu thuốc nào công hiệu đối với những người anh em, bằng sự săn sóc của anh em linh mục. Chỉ Linh mục mới an ủi đắc lực được linh mục. Chúng ta cứ nghĩ mà xem.

Nhưng cho được có thái độ bác ái huynh đệ quý hoá đó, linh mục phải có một mục vụ trong quan điểm này. Chứ làm mục vụ mà muốn hái ngay được những tràng pháo tay và lời tán tụng, thì không thể giống Đức Giêsu người thành Nadarét. Làm mục vụ mà cứ để cho mấy con chiên ngoan quấn quýt, thì chẳng bao giờ tìm được con chiên lạc. Huống nữa làm mục vụ mà lại tranh giành ảnh hưởng, thì quả thật không phải là để tìm thấy ơn cứu độ nơi Thánh giá Chúa Giêsu. Người mục vụ đích thực phải dâng mạng sống mình vì chiên, phải sẵn sàng băng bó những con chiên bị thương và săn sóc những con chiên đau yếu. Một linh mục như thế mới là Sacerdos et victima và mới sống các mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ.

Mọi người đều đồng ý gắn liền chức linh mục với công việc dâng lễ. Hầu như hằng ngày linh mục là những môn đệ trên đường Emmau. Họ cũng cầm bánh Chúa Giêsu Tử nạn - Phục sinh trao cho họ. Họ có biết nhận ra Ngài không? Họ có loan báo Ngài trong cuộc khổ nạn cứu độ không? Và khi loan báo như thế, đời sống linh mục có phải mang dấu vết Thánh giá không? Và mục vụ của ngài phải dành bao nhiêu phần cho những người đau khổ và bé mọn? Chính đời sống linh mục chứ không phải lời nói khiến người ta công nhận, quả thật vinh quang của ta là Thánh giá Chúa Kitô và Hội thánh đã lựa chọn đi với người nghèo.