V. NGAY GIỜ ĐÓ, HỌ CHỖI DẬY (Lc 24,33)



Mắt họ vừa mở ra nhận biết Ngài, thì đã không còn thấy Ngài nữa. (Đó là thói quen của Ngài, và là một nét của Ngài: Không ưa vinh quang. Còn chúng ta thích dừng lại nơi vinh dự). Ngài biến đi không phải để đến một nơi nào khác, nhưng để ẩn vào thế giới của Ngài, thế giới vô hình đang bao bọc họ. Họ yên tâm không ngó tìm xem Ngài đi về phía nào, vì họ biết Ngài đã sống lại và đang sống, không đâu xa, ngay trong chính con người của họ đang bừng bừng yêu mến. Mắt phàm không nhìn được vinh quang Thiên Chúa, (Cf. Cựu ước, biến hình...) do đó, thật khó lòng tạc tượng Chúa Phục sinh. Thông thường, không có hào quang trong cuộc đời Linh mục. Và như vậy, tại sao không chấp nhận một cuộc đời Linh mục đau khổ? (bệnh bật, yếu kém.v..v..., không muốn là hình ảnh Chúa chịu nạn sao?) Ơn cứu độ thật là mãnh liệt. Luca viết: Ngay giờ đó, giờ mọi người đã ăn tối và sắp sửa đi ngủ, họ chỗi dậy - như Chúa Phục sinh ở trong mình - họ trở về Giêrusalem, không phải chỉ gặp lại các bạn, mà có thể nói gặp lại tất cả các Giáo hội, tất cả những người được Chúa kêu gọi và quy tụ...

Tại đây chúng ta lại thấy Ơn Chúa Cứu độ càng trở nên phong phú. Ơn ấy như một hạt cải nhỏ có sức sống mãnh liệt đã nhoi lên khỏi mặt đất. Hai môn đệ đã đi vào bóng đêm, nhưng thật sự có mầu nhiệm phục sinh ở trong mình, thì đúng hơn phải nói như đã ra khỏi tăm tối của tâm hồn để đi vào thế giới đầy ánh sáng. (Đó là ánh sáng chiếu trong đêm tối). Họ có sức mạnh chan chứa trong tâm hồn, nhưng như sức sống của hạt cải, nhoi lên khỏi đất, nhận thêm ánh sáng mặt trời và dưỡng khí của không gian. Thật vậy, họ đã chỗi dậy lập tức và trở về ngay để loan báo, nhưng như họ vừa mới nói: Chúa sống lại hiện ra với chúng tôi, thì những người khác đã chêm ngay: Thực tế, Chúa đã sống lại và hiện ra cho Simon. Như vậy câu chuyện của họ trở thành thứ yếu, và họ sẽ kể lại trong bầu khí của giáo hội đã tập trung quanh con người của Simon. Chính vì vậy tự nhiên tôi nghĩ đến 2 chữ rất quen thuộc: Ecclesia supplet, làm chủ đề cho câu chuyện hôm nay. Niềm tin và hành động chúng ta không chỉ được bổ sung, nhưng thật sự được củng cố và gia cố nhờ Giáo hội, vì chính Chúa đã trao cho Simon sứ vụ củng cố anh em. (Bài học cho những mạc khải tư, những sáng tạo). Và hôm nay chúng ta thấy chính miệng của anh em quy tụ vào con người của Simon, dường như Luca cũng muốn chúng ta suy nghĩ về con người này.

Luca coi ông là người đầu tiên được Chúa gọi làm môn đệ (5,1-11). Tác giả này rất chú trọng đến việc truyền giáo và có thể nói 2 tác phẩm của người là những đúc kết kinh nghiệm của người về truyền giáo, khởi đầu với Đức Giêsu và kết thúc với nỗ lực truyền giáo của các tông đồ, tức là của Hội thánh. Đức Giêsu đã bắt đầu truyền giáo từ hội đường Nazareth rồi đến Capharnaum. Ở đây không hiểu sao ra khỏi hội đường, Người đã vào nhà của Simon. Tại sao? Không rõ. Có thể nhà ông nổi tiếng ở vùng đó. Hôm ấy Simon có ở nhà hay không, cũng không biết. Chỉ nói Chúa chữa bà nhạc của ông và bà đã trỗi dậy hầu hạ các ngài (Lc 4,38-39).

Thôi thì cứ coi như bài tường thuật Ga 1,35 -42 đúng đi, nghĩa là ngay từ đầu Anrê đã được Gioan tẩy giả chỉ cho thấy Con Chiên Thiên Chúa, ông đã đến lưu lại với Chúa một ngày, rồi về nhà rủ Simon là anh tới. Tôi không chắc lần đó Chúa đã cải tên ngay cho Simon là Kêpha, tức là đá. Có điều chắc, họ chưa ở mãi với Ngài. Chính thức họ chỉ bỏ mọi sự đi theo bước đường truyền giáo từ ngày...

Hôm ấy, dẫn chúng chen sát vào Ngài để nghe lời Thiên Chúa... Ngài xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu ở ven bờ hồ, và đó là thuyền của Simon. Đang giặt lưới, ông này nhảy ngay lên thuyền, chèo ra xa một chút theo lệnh của Đức Giêsu. Người ngồi xuống đó mà giảng. Simon giữ thuyền, quá sức nở mày nở mặt theo đúng tâm lý dân chài. Luca không cho chúng ta nghe Chúa giảng gì cả. Có lẽ Simon tìm lời thèm trong mắt thính giả hơn là để tai nghe lời Thiên Chúa. Ông giật mình khi Chúa bảo: Ra khơi mà thả lưới đánh cá. Thì ra Chúa giảng xong rồi, Người không nói lời từ giã để mình theo xuống, nhập vào đám đông, nhận lấy những lời khen vinh dự. Người lại bảo mình làm tiếp, việc mà phản ứng tự nhiên coi là kỳ quái: Ra khơi thả lưới vào giờ này, sau một đêm vất vả chẳng bắt được gì. "Nhưng thể theo lời Thầy, tôi xin thả lưới". một sự lựa chọn ngược với tất cả kinh nghiệm của quá khứ và bất chấp mọi rủi ro bị coi là khờ dại của mọi người. Đây là chiến thắng đầu tiên của Phêrô trong đời sống đức tin. Không dấn thân như vậy, không thể đi xa trên con đường sự nghiệp.

Nhưng thành quả đã đến quá sức tưởng tượng. Có thể nói, chỉ trong giây lát đã có hơn hai thuyền cá đầy. Rõ ràng đây là một hiển linh, khiến Simon đầy lòng đạo đức của Cựu ước đã vội quỳ xuống: Xin hãy xa tôi, lạy Ngài vì tôi là kẻ tội lỗi! Đó là tiếng kêu của người tục đối với thiêng thánh, của kẻ dơ đối với người sạch. Quãng cách bỗng nhiên được xoá bỏ qua hai tiếng: Đừng sợ. Simon đã được cứu chuộc, được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Những lời sau chỉ xác định thêm vai trò ở trong thế giới này: Simon sẽ đi chài người, truyền giáo cứu lấy các linh hồn. Và Simon không ngần ngại bỏ mọi sự mà đi.

Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu. Simon còn phải học và tập. Ba năm sau chẳng khác những năm ở Chủng viện của chúng ta. Và Simon tỏ ra trổi vượt chúng ta, ít nhất là tôi. Điều quan trọng nhất ở Chủng viện, Simon đã nắm được: Đời sống thân mật với Chúa và được Chúa tín nhiệm trao cho tất cả sự việc của Người. Phêrô luôn đứng đầu sổ những người thân cận với Chúa (Lc 9,28- 36; Mc 14,33) Phê rô được những đặc ân hơn các môn đệ (đi trên nước Mt 14,28-29; trở nên đá xây Hội Thánh Mt 16,18). Phêrô được Chúa liên kết với mình (nộp thuế cho Thầy và Con Mt 17,26) và được Ngài cầu nguyện riêng cho (Lc 22,31-32). Đến nỗi Phêrô dám có thái độ xếp đặt các việc Nước Trời, khi dựng 3 lều cho Chúa, cho Maisen và Elia (Lc 9,33). Đồng thời Simon cũng làm trách nhiệm đối với anh em đến nỗi bao trùm được tất cả cảm nghĩ của anh em dù chưa thật rõ rệt, như khi khẳng định thay mặt anh em: Chúng con đã bỏ hết để theo Thầy (Mc 10, 28). Chúng con không đi đâu nữa, chúng con biết Thầy là Con Thiên Chúa có lời hằng sống (Ga 6,68-69), chúng con sống chết với thầy (Lc 22,33). Nếu Chủng viện chúng ta đào tạo được những con người như thế đối với Chúa, đối với anh em, đối với tiền đồ của Chúa và của Giáo hội...!

Dù vậy, tôi cũng xin phép nói ngay, trong thời gian tập tu đó, Simon cũng có những nghi vấn mà không dám nói ra. Đặc biệt, sao Thầy lại chửi mình là Satan, khi can Thầy bi quan về tương lai: Con Người sẽ bị nộp và bị giết! (Mc 8, 33). Hơn nữa, sao Thầy lại nghĩ mình có thể chối Người? (Ga 13,36-38). Những chấm hỏi chưa được lý giải, và là những nghi vấn, trăn trở hiện sinh, nằm trong cốt lõi của cuộc sống, vì có hệ đến tương quan thầy trò và do đó đến tất cả lựa chọn của cuộc đời.

Chưa lý giải được thì sự cố đã đến. Quân dữ ập tới bắt Thầy. Phản ứng tự nhiên của con người tôi rất mực trung thành, tuốt gươm chém địch để cứu Chúa, (Ga 18,10) một cách liều lĩnh không kịp tính toán. Chỉ cần một câu thong thả của Thầy thôi: "Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?", thanh gươm của Phêrô đã rụng rời rơi xuống (Ga 18,11). Gioan đã nói vắn tắt. Trong Matthêu, trước đó, Chúa nói một câu thực tế hơn nhưng cũng thấm thía lắm: Hay ngươi tưởng là Ta không thể xin cùng Cha Ta cấp ngay cho Ta hơn 12 cơ binh thiên thần ư" (26, 53).

Simon thấy rõ Chúa có đường lối khác, không như mình nghĩ. Ông không bỏ Chúa được, nhưng chỉ có thể theo xa xa (Lc 22,54), để quan sát, để tìm hiểu. Có thể nói, ông mải xem quá, nên đột nhiên vấp 3 lần, 3 lần chối Chúa, rồi ngửng lên tiếp tục nhìn. Chúa quay lại nhìn Phêrô, cái nhìn của người quên tất cả hoàn cảnh thảm thương của mình để chứng tỏ tình yêu sâu đậm, sắt son. Phêrô chịu thua, ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Cứ tưởng mình cứu Chúa, nhưng quả thật Chúa cứu mình, cứ nghĩ mình bỏ mạng sống vì Thầy, nhưng rõ ràng Chúa đang bỏ mạng sống vì mình.

Nhất là như anh em nói hôm nay Chúa đã hiện ra với Simon. Lúc nào? Thế nào? Việc cả người trên mà điều cốt yếu là Ngài đã hiện ra với Simon. Đây là tiếng hiệu tập họp. Câu nói này tôi nghe như là một lời tuyên xưng đầy phấn khởi. Chúa đã hiện ra với Simon, có nghĩa là Ngài đã tha thứ cho ông và như vậy Ngài cũng tha thứ cho mình, vì mình cũng đã bỏ Ngài và đã không hiểu Ngài. Mọi người có thể an tâm vì Chúa đã hiện ra với Phêrô như để nói rằng Ngài đã tha thứ cho tất cả và cho mọi người. Sự trở lại của Phêrô củng cố niềm tin của anh em như Chúa đã nói trước. Và vì thế, anh em phải nhìn vào con đường thiêng liêng của Phêrô như là hình ảnh của đời mình.

Quả thật, Thầy đã dẫn dắt tất cả anh em qua mầu nhiệm Tử nạn. Thầy đã làm gương dạy anh em phải chết đi theo con đường cũ. Đó là con người theo Thầy cứ tưởng sẽ được lợi lộc trần gian và cứ nghĩ là chỉ cần phát huy các tư cách hiện có. Hạt giống mẩy đến đâu cũng phải rơi xuống đất và biến hoá đi. Anh em có sứ mệnh lớn, chài lưới cả loài người. Anh em đừng làm gì cả khi chưa nhận được sức mạnh từ bên trên. Thánh Thần chỉ được ban cho anh em khi anh em đã cùng kinh qua sự chết của Thầy, để chứng tỏ Nước Trời không giống như nước thế gian, không xây dựng bằng các vật liệu trần gian. Anh em sẽ là nền móng của Giáo hội tại thế và của Yêrusalem trên trời. Nền móng phải chôn sâu và khắng khít với nhau làm sao! Các tông đồ đã hiểu như vậy và đã để gương sáng lại cho các thế hệ đi sau.

Câu chuyện hai môn đệ trở về gặp gỡ anh em còn nhiều khía cạnh nói với chúng ta về tình huynh đệ khiêm nhường duy nhất, cần thiết cho việc xây dựng Giáo phận và Giáo hội. Chúng ta cần giờ để suy nghĩ thêm.

oo0oo

Hôm nay chúng ta hãy tạm kết luận:

- Việc Đức Kitô đi vào cuộc khổ nạn đã phân tán các môn đệ, và họ thấy rõ hơn đường lối của Chúa không giống như loài người nghĩ.

- Nhưng việc Đức Kitô sống lại đã quy tụ họ trở về với não trạng khác hẳn. Họ đã lột xác và đóng đinh xác thịt trong cuộc khổ nạn của Chúa.

- Chính lòng thương xót cứu độ của Chúa đã quy tụ họ lại, nên từ nay họ nguyên nhờ lòng thương xót này. Họ không còn vênh vang nữa.

- Đồng thời họ thấy rõ nhóm của họ từ nay được hiệp thông do lòng thương xót cứu độ, không còn nhìn nhau theo kiểu xác thịt nữa. Họ bình đẳng trong lòng thương xót.

- Họ hết tranh chấp và sung sướng đón nhận vai trò của Phêrô như một nhân tố củng cố niềm tin của mình.

- Họ sẽ nhờ ơn trên và sẽ hoạt động trong hiệp thông.

Hàng linh mục có được tâm tình ấy sẽ không ai vênh vang, không ai tranh chấp vì bản chất người nào cũng là thân phận được cứu độ. Và làm được gì cũng là do ơn Trên chia sẻ cho công ích.

Hoặc có thể kết luận đơn sơ hơn:

Với việc hai người trở về Giêrusalem, Luca muốn cho chúng ta có một bức hoạ về Giáo hội sau Phục sinh. Đó không phải là một xã hội phẩm trật, nhưng là cộng đoàn quy tụ mà điểm tụ không phải là chức tước, uy quyền. Chúng ta không thấy Phêrô, không biết câu chuyện Chúa hiện ra với ông. Nhưng ai cũng biết lòng thương xót của Chúa đã xuống trên ông. Chính lòng thương xót này quy tụ những con người biết mình cần được ơn tha thứ. Và như vậy Giáo hội là cộng đoàn những con người được cứu chuộc và xót thương. Xót thương là lẽ sống của Giáo hội.