VI. VỀ CÁC ĐIỀU ẤY CÁC NGƯỜI LÀ CHỨNG NHÂN (Lc 24,48)

Chúng ta nói tiếp câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau. Chúng ta đọc đến câu 36: Họ đang còn nói thế thì Ngài đã đứng giữa họ. Ngài làm gì nói gì, chúng ta sẽ xét. Nhưng để theo dõi kỹ lưỡng, chúng ta hãy nghe câu kết thúc của Ngài: Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân. Họ và chúng ta phải là chứng nhân các điều ấy. Câu này là chủ đề của bài nói chuyện này, là câu kết của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau: Đức Giêsu đã gặp gỡ họ, là để họ trở thành chứng nhân về các điều ấy. Những điều nào? Chính việc Chúa đến, làm việc với họ và kết quả thế nào. Do đó, chúng ta không ngần ngại xem lại mọi sự việc.

Trước hết, Ngài đã đến với họ trong ngày Phục sinh trên đường Emmau và bây giờ giữa anh em.

Luca kể: Họ đang còn nói thế, thì Ngài đã đứng giữa họ (24,36). Kinh hoàng khiếp đảm, họ tưởng mình thấy ma, khiến Ngài phải nói vội: Hãy coi tay Ta đây, chân Ta đây…... Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có xương có thịt như các ngươi thấy Ta. Rồi để làm chứng mạnh hơn nữa, Ngài đã đòi ăn trước mặt họ.

Tôi muốn xin một giáo sư Kinh Thánh cắt nghĩa giúp. Tại sao họ còn có thể cảm nghĩ như vậy, sau khi đã nói rằng: Thực tế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon. Và hai người cũng đã thuật lại các sự việc sẩy ra ở dọc đường…Tôi nghĩ cuộc tề tựu hôm đó khá đông, có nhóm Mười một cùng các bạn. Đa số chưa được gặp Chúa. Họ chỉ nghe kể. Đó là Tin mừng nhưng chưa chắc lắm. Họ chờ thêm bằng chứng. Thì Ngài bỗng xuất hiện, Ngài không êm ái tiến lại gần bên như trên đường Emmau. Sự xuất hiện bất thần dễ gây sợ hãi, luống cuống. Có lẽ Chúa muốn dùng cách cuối cùng để phá tan mọi nghi ngờ. Có thể có những người đã nói: Hay là Simon và hai người đã thấy ma…..Đó là tiếng nói cuối cùng của kẻ chưa tin việc Chúa sống lại. Thế nên Ngài đã chìa tay chân ra, tay chân bị đóng đinh dĩ nhiên, để nói chính là Ta đó, làm vọng lại câu: Khi nào Ta được treo lên các ngươi sẽ thấy chính là Ta. Rồi Chúa lại đòi ăn để làm chứng chính Ngài chứ không phải là ma đang ở trước mặt họ. Chứng này phải coi là cần thiết để không ai còn lầm tưởng về việc sống lại. Phục sinh là việc Người đã chết và sống lại, chứ không phải là hồn thiêng còn sống.

Như vậy lần hiện ra này có vẻ như bù đắp lần hiện ra ở Emmau. Lần trước, Ngài bẻ bánh mà chưa ăn: lần này Ngài ăn. Đúng hơn lần này hiện ra với nhiều người, Ngài muốn đánh tan mọi nghi ngờ còn sót lại, nghi ngờ của quần chúng có khuynh hướng coi việc hiện ra "tựa” như là thấy ma. Do đó, cũng có thể là cách Ngài giúp môn đệ làm chứng. Mặc dù họ phải làm chứng về nhiều điều; nhưng việc sống lại và hiện ra với họ là điều đầu tiên, mà những người khác không biết. Việc làm chứng này không dễ và ở đây, Luca nói đến phản ứng chung họ đã gặp phải. Vì thế ông đã nói tỉ mỉ về việc Chúa hiện ra với đông người như ta vừa thấy. Tuy nhiên, câu trả lời có giá trị cuối cùng là chính đời sống đổi mới và sự làm chứng bằng máu của các tông đồ.

Nhưng vẫn còn việc phải giải thích vì sao Ngài đã phải chết như thế ? Và Ngài phải làm lại công tác huấn giáo cho những người chưa nghe. Cũng lại khởi từ Môsê và các tiên tri, Ngài dẫn giải toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng ở đây ta thấy Ngài mở trí trước cho họ hiểu… Các tông đồ có thể vững tâm hơn để làm chứng khi quần chúng đã được Chúa Thánh Thần chuẩn bị đón nhận lời làm chứng của họ. Họ chỉ tuyên chứng sau lễ Hiện Xuống. Thế nên họ có tâm trạng đón nhận sứ mạng.

Chúng ta thấy Chúa cưng các người được chọn. Người yêu họ hơn mọi người. Đối với các phụ nữ đã theo Ngài từ Galilê đến cây thập giá, đã nhìn xem ngôi mộ và xác Ngài được đặt làm sao, đã trở lại mồ ngay từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Ngài đã không cho xem thấy Ngài sống lại kỹ càng như thế. Nhất là Ngài sẽ không trao sứ mạng như chúng ta sẽ thấy Ngài trao cho các môn đệ. Ngài có thái độ rất đặc biệt với họ.

Chúng ta bỏ tuần tĩnh tâm phải tràn ngập lòng thương bao la của Chúa. Đồng hóa mình với các môn đệ như chúng ta thấy mấy ngày nay là an ủi lớn. Do đó chúng ta hãy nhìn lại họ một lần nữa trước khi thấy Chúa trao sứ mệnh mới cho họ.

Trước hết có lẽ chúng ta không nên coi thường họ. Như chúng ta đã thấy Phêrô đâu phải nhà nghèo. Matthêu thu thuế cũng có tiền. Gioan với Giacôbê chắc phải có tư cách mới được Mẹ ao ước cho được chổ hai bên tả hữu trong nước Người. Nathanael ngồi dưới gốc cây vả và bạn là Philipphê cũng không đần độn đâu. Những người ấy khi được gọi đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Cần nghĩ như vậy để đánh giá sự từ bỏ của họ khá một tí. Cách trình bày thông thường coi các tông đồ không có giá trị gì hết, cốt làm nổi bật sự vô giá của ơn gọi, nhưng tỏ ra hời hợt. Mục đích đạt được hơn khi bảo, trước ơn gọi, mọi sự có chỉ là không.

Rồi hơn mọi người, họ là những người được Chúa ra vào ở giữa suốtcả thời gian từ lúc Gioan thanh tẩy. Dĩ nhiên họ đã chứng kiến sự cố ở Nazareth, nhưng đồng thời cũng đã được thấy bao phép lạ, nghe không sót giáo lý uy quyền, lòng hâm mộ của quần chúng đối với Ngài. Họ không hiểu được các lời tiên báo về cuộc Tử nạn, không phải vì Cựu ước đã in sâu trong lòng trí họ hình ảnh một Đấng Thiên Sai thế lực, nhưng cụ thể vì thấy vinh quang Chúa đã tỏ hiện nơi xác phàm. Những gì ta đã thấy nói tốt cho Phêrô cho đến cuộc Tử nạn của Chúa, tùy theo mức độ cũng có thể nói chung về họ. Phiền trách họ đã bỏ Thầy mà trốn sao? Đứng trước mầu nhiệm Nước Trời, xác phàm nào có thể tự đắc được, khi mầu nhiệm ấy chưa được mạc khải ra hết. Phải nghĩ rằng, cho đến trước khi Thánh Thần hiện xuống, họ chậm tin hay có gì đi nữa cũng là lẽ đương nhiên để như Phaolô nói: Sự yếu đuối của chúng ta làm nổi hơn quyền năng của Thiên Chúa. Có chăng đáng tiếc là chúng ta đã nhận được hết mạc khải mà vẫn cư xử dường như chưa thấy đường lối của Chúa.

Có nghĩa là chúng ta không nên đánh giá quá thấp con người của các tông đồ. Tuy nhiên như Con Người phải đi qua khổ nạn đã, rồi mới vào vinh quang, các môn đệ nói chung cũng phải đi qua một quá trình như Phêrô. Phêrô, theo Luca, sau vườn cây dầu, đã đi theo Chúa xa xa. Quãng cách không gian này cần thiết để như lời Phaolô nói, dù trước đây chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương diện xác thịt, thì nay cũng không được biết Ngài như vậy nữa. Phải biết Ngài trong mầu nhiệm cứu thế. Và sự biết nào cũng phải tiệm tiến, và thường nhờ những lúc sa ngã, bởi vì không vậy làm sao thấy tỏ được ơn cứu độ. Phêrô chối một lần, rồi một chập sau lại chối (Lc 22,58). Cách chừng một giờ sau (22,59) Phêrô mới chối lần thứ ba. Và lần này Chúa quay nhìn Phêrô không khiển trách mà tha thứ và tín nhiệm: Con trở lại, đi củng cố anh em con.

Các môn đệ khác đang nói với nhau về tất cả những việc đó, những việc đã xẩy ra cho Chúa và cho Phêrô. Cay đắng xâm nhập các ông. Ý thức thân phận của mình ở trước mầu nhiệm Chúa cứu độ, tiêu diệt con người cũ ở nơi họ…. Để giờ đây, họ được chuẩn bị đón Chúa Phục sinh đến viếng thăm.

Sau khi minh chứng Người là con người mà họ thấy đã chết, nay đang sống trước mặt họ (Lc 24,44-49). Người nói với họ những lời mà Luca đúc kết gãy gọn hơn trong Cv 1,8: Các ngươi sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần…và sẽ làm chứng tá của Ta…cho đến mút cùng cõi đất.

Chúng ta hãy phân tách. Sứ mạng tông đồ được trao phó cho những con người đã chết nhưng đã sống lại. Những con người tưởng như không còn biết làm gì nữa, chỉ có chết mà thôi. Nhưng họ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa không chấp việc họ bỏ Chúa, Người đến tìm họ thân mật như xưa, nghĩa là đã tha thứ hết; hơn nữa họ đã vui mừng vì quả thực đã được hồi sinh, sự sống từ nay hoàn toàn là của Chúa Phục sinh, nên sau này bị đánh đòn, bị cấm cách, họ hân hoan mà bước ra vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu (Lc 5, 40-41).

Ơn tông đồ, do đó là Ơn để tông đồ đáp trả tình yêu của Thầy. Người ta phải đón nhận như một hồng ân do lòng Chúa thương xót, và khi gặp khổ đau còn phải lấy làm sung sướng được cơ hội để tỏ lòng cảm mến, trước khi coi như phần đóng góp vào công cuộc cứu độ của Chúa. Và như vậy, sứ mạng tông đồ là làm chứng như Phaolô đã tóm lược trong câu: “Thật là lời đáng tin, đáng nhận mọi đàng, là Đức Kitô Giêsu đã đến trong thế gian để cứu các kẻ tội lỗi, mà trong số đó, tôi là người thứ nhất. Song vì lẽ này tôi đã được thương xót, là để nơi tôi người thứ nhất Đức Kitô bày tỏ, phác sơ qua, tất cả sự đại lượng của Ngài ra cho những ai sẽ tin vào Ngài để được sống đời đời” (1Tm 2,15-16). Một lời chứng như vậy rõ ràng rất thâm tín và rất khiêm nhường dưới những hình thức khác nhau tuỳ theo ân ban cho mỗi người.

Việc tông đồ do đó rất đa dạng (xem Ep 4,7…). Cách riêng ở thời nay, nhưng chỉ có một nguồn mạch và một đích điểm (Ep 4,4-6-7), phát xuất từ một sự thông ban của Chúa Kitô Phục sinh và chỉ mặc một hình thức là làm chứng tá của Chúa, không phải chỉ kể về cuộc đời của Ngài, càng không phải chỉ nói về những quan niệm và chủ thuyết, nhưng là biểu hiện sức sống mới của Người trong mọi chân tơ kẽ tóc của con người, đặc biệt trong các quan hệ với Thiên Chúa, tha nhân và bản thân.

Công việc tông đồ cũng chỉ có thể thực hiện được sau khi đã nhận được Thánh Thần. Đó là sức mạnh không những đồng hành mà còn chủ động nơi người tông đồ. Như vậy phải cầu nguyện, phải kết hiệp với Chúa Thánh Thần. Và phải đi tới mút cùng trái đất, thấu hết mọi lãnh vực. Con đường này không bắt đầu từ hôm nay, nhưng từ ngày Chúa sống lại, liên tục qua mọi thời đại, nên người tông đồ phải ở trong luồng Tông đồ truyền, phải yêu mến và ở trong Giáo hội, mà Đức Maria là hình ảnh. Chính người cũng đã dần dần được đưa vào mầu nhiệm cứu độ, kinh qua bỏ mình và đau khổ ở dưới chân thập giá, để trở thành Mẹ của Giáo hội.

Người môn đệ Chúa yêu phải lĩnh lấy người về nhà mình (Ga 19,27) để nhờ sự quy tụ của người, cả nhóm được đầy Thánh Thần với những đặc sủng khác nhau, nhưng luôn luôn hành động như Phêrô: Tất cả chúng tôi đều làm chứng. Đẹp thay một đoàn Linh mục như thế! Và đó, những nhân tố đã khiến buổi đầu của Giáo hội thật là mùa gặt phong phú, cho dù hoàn cảnh tỏ ra bất lợi, bởi vì Đức Giêsu đã chết nhưng đang sống. Chúng tôi là các môn đệ của Người từ ngày Chúa phục sinh chứ không còn là những người Galilê nữa (Cv 2,7).

oo0oo

Trong thực tế, chúng ta tiếp nối sứ mạng tông đồ như thế nào, nếu không học hỏi kinh nghiệm của các ngài, kinh nghiệm thiêng liêng và kinh nghiệm truyền giáo xây dựng Hội thánh. Hãy khởi sự bằng những công việc cụ thể. Hồng Y Martini nói đến hai loại dịch vụ: Diaconies ex fide và diaconies fidei. Dịch vụ do niềm tin bảo chúng ta làm, như phục vụ bàn ăn ở Cv 6 và dịch vụ của niềm tin, xây dựng chính niềm tin (Cv 6,2), như chính Phêrô đã phân biệt. Có thể thu tóm mọi dịch vụ bác ái xã hội vào nố trước và các dịch vụ mục vụ vào nố sau. Phêrô bảo chúng ta phải chia sẻ công việc như thế nào. Và cần chuẩn bị việc phân công này. Không đào tạo nhân sự, sẽ giao công tác cho ai? Thực ra không phải vấn đề thăng tiến giáo dân, nhưng là sự chăm sóc để họ đóng vai trò của mình trong Giáo hội. Không thể bỏ giới già để đi với giới trẻ; nhưng sau Công đồng, Giáo hội muốn trẻ trung để thi hành sứ mạng cứu độ thế giới trẻ trung ngày nay. Quang cảnh một Thánh lễ có thể cho biết giáo xứ ấy trẻ hay già? Làm sao để mọi thành phần dân Chúa đóng vai trò của mình một cách sinh động? Do đó, một linh mục một xứ thiết tưởng không đủ sức đáp ứng, ngoại trừ đó là "Cha xứ toàn năng". Và chính nếp sống hài hoà giữa Chính – Phó không là gương mẫu cho cộng đoàn hay sao? Thiếu sự hiện diện và hài hoà giữa Chính- Phó phải coi như là một mất mát rất lớn.

Đàng khác, ngay từ đầu, các dịch vụ đức tin đã tỏ ra rất phong phú và đa dạng (Ep 4,11; Rm 12,6-8; 1Cr 12,28) nhưng lại rất hài hoà và chỉ có một phương hướng mà thôi, là xây dựng thân thể duy nhất, Hội thánh duy nhất. Thế mà hồi ấy chưa có các Dòng tu! Ngày nay, nhất là tại Việt nam và nơi người Việt chúng ta, có rất nhiều Dòng, mà hình như thừa tác vụ vừa đơn địêu, vừa độc điệu. Sự phong phú đa dạng không còn, nên thừa tác vụ dẫm chân tại chỗ. Các tông đồ không còn ra khơi thả lưới, nên có cảnh một con cá lội trăm người buông câu cũng không có gì lạ. Ít nhất cũng có thể tóm 5 phân biệt công tác trong thư Ep vào 2 là truyền giáo và mục vụ. Không thể thiếu một trong hai. Nếu muốn làm việc tông đồ thật sự. Truyền giáo thì phải đi, phải biết, phải khai hoang, phải cầm cờ đầu. Mục vụ thì phải đào sâu, hoàn chỉnh. Cả hai chiều kích đều năng động và vất vả. Một người khó diễn tả và làm tất cả hai. Phải có ít nhất là hai, nhưng hai lại phải làm bổ túc cho nhau để sứ vụ tông đồ xây dựng một thân thể đang vươn tới tầm vóc viên mãn. Do đó phải tôn trọng và chấp nhận nhau vì Nước trời, phải rộng rãi với nhau cho có bầu khí thoải mái, phải có một sự chia sẻ một sự đồng đều nào đó ở mức tối thiểu về vật chất. Điều thực tế này khá quan trọng nhưng không đến nỗi khó quá vì giáo dân Việt nam còn rộng rãi cho các tông đồ quảng đại.

Viễn tượng lý thuyết quá phải không? Nhưng đó là viễn tượng kết thúc tường thuật của Luca về hai môn đệ Emmaus, mở sang việc xây dựng Hội thánh trong sách Công Vụ. Bàn giải với anh em trong những ngày này về tâm sự của hai môn đệ, tôi cũng ao ước được kết thúc bằng hình ảnh toàn thể các môn đệ lòng đều vui mừng, chúc tụng Chúa đã biến đổi mình thành những tông đồ nhiệt thành thi hành sứ mạng đến với muôn dân. Xin anh em vì tình huynh đệ Linh mục tha thứ cho mọi vấp phạm của tôi trong những ngày này. Chân thành cám ơn và thân ái tạm biệt.

oo0oo

Chính các con lại không muốn là những chủ chăn tốt sao ? Chủ chăn tốt hiến mạng sống mình và hiến cho con chiên của mình. Thế nên cần phải khám phá ra ý nghĩa của sự hy sinh bản thân gắn liền với hy tế của Đức Kitô, và các con phải tận hiến mình cho những người khác đang chờ đợi nơi các con chứng tích này. Người ta có thể nói như vậy với tất cả mọi tín hữu, nhưng càng phải nói và nói với một tôn hiệu đặc biệt, cho các Linh mục và các Linh mục tương lai. Cha cầu mong cho việc tham dự cử hành Thánh lễ hằng ngày và những nỗ lực mà các con thực hiện để làm nảy nở trong các con lòng sùng kính Thánh Thể, giúp các con tiến tới trên con đường ấy.