KHÁI NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ TRONG CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM



Thân chào các bạn sinh viên!

Nói về vấn đề Thương Đế trong các tôn giáo là một vấn đề rất tế nhị và phức tạp, không chỉ vì bối cảnh xã hội chính trị hiện thời, nhưng còn vì bản chất của vấn đề tự nó không phải là đơn giản. Càng không đơn giản chút nào vì nhiều khi nó cũng biến hoá theo dòng chảy của thời gian và hoàn cảnh xã hội chính trị cũng nhiều khi thêm bớt vào căn nhà nguyên thủy cho phù hợp với thời đại.

Vì những lý do ấy, tôi xin giới hạn buổi nói chuyện này vào trong một khung cảnh nhỏ hẹp hơn các tôn giáo ở Việt Nam và dưới góc độ thần học về các tôn giáo mà tôi đang đảm trách trong các môi trường đào tạo giáo dục.

Để các bạn có một cái nhìn tổng quát và tiện bề theo dõi, xin các bạn hãy ần lượt xem qua bối cảnh văn hoá ở trong đó ý niệm Thương Đế hay ông Trời được diễn tả một cách bộc phát, rồi chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý niệm ấy từ đâu mà đến và đi tới một thái độ mà Giáo Hội Công Giáo bày tỏ đối với các tôn giáo chung trên thế giới.

1. Khái niệm Thương Đế trong các nền văn hoá và đời sống của người Việt Nam.

Nói đến các tôn giáo mà không đề cập đến nền văn hoá mà từ đó tôn giáo đó phát xuất ra là một thiếu sót quan trọng. Điều ấy đồng nghĩa với việc cho rằng tôn giáo là một yếu tố căn bản trong văn hoá. Nếu văn hoá là phong cách sống đẹp của một nhóm người thuộc một không gian và thời gian nhất định, thì tôn giáo là yếu tố góp phần thể hiện phong cách ấy.

Người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp trí thức hay bình dân không kể thuộc tôn giáo nào đều gần gủi với Trời như với Đấng Tối Cao và linh thiêng. Có thể nói: Ý niệm Tôn giáo truyền thống sâu rộng nhất của dân tộc chúng ta là Thờ Trời. TrờiThương Đế. Người nước ngoài khi đến Việt Nam đều có chung nhận xét ấy.

Linh mục Léopold Cadiere, một học giả chuyên nghiên cứu về các tín ngưỡng và lễ bái của người Việt Nam đã nhận định: “ Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ "Trời" thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn của nhân dân Việt Nam. Trời được coi như là nguyên lý của các hiện tượng thời tiết và được nhân cách hoá. Trời được coi như là đấng Toàn Năng có ảnh hưởng vào vận mệnh loài người… Người ta có thể thừa nhận như tôi tưởng, là cái ý nghĩa một đấng toàn năng đã được trau dồi phát triển với ảnh hưởng các tư tưởng Trung Hoa, nhưng ngay từ khởi thuỷ, trong ý thức người Việt đã sẵn có mầm móng của ý niệm ấy rồi. Bằng chứng như tôi đã nói, là cái ý niệm ấy đã thấm sâu và tâm hồn người Việt Nam, và đã biểu hiện qua phổ thông trong ngôn ngữ bình dân để cho người ta có thể nhìn thấy ở đây chỉ là cống hiến ngoại lai. Những ý tưởng Phật Giáo, những ý tưởng Nho Giáo, theo quan điểm lịch sử chắc chắn du nhập từ Trung Hoa, đã không thấm nhuần vào đời sống tâm hồn, vào ngôn ngữ bình dân đến mức độ ấy được”. (Croyances et pratiques Religicuses des Vietnamiens, t.3)

1.1 Ý niệm Trời trong ngôn ngữ bình dân:

Có một cái gì đó chung cho các miền của đất nước – đó là ý niệm Trời. Khi ngạc nhiên do vui mừng hay sợ hãi người ta kêu : “Trời ơi!” Khi đau buồn chán nản thất vọng thì thêm : “Trời ơi là Trời!”. Khi được chữa lành hay trúng tuyển thi cử thì : “Nhờ Trời, con tôi đã được…”.

Ngay trong đồng dao của nông dân, người ta cũng nghe được trẻ em ngây thơ cầu Trời cho đồng ruộng :

“Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”


Gặp chuyện đau thương người ta cũng giải bày với ông Trời Trời ơi, có thấu chăng Trời, công ta vun xới cho người hái hoa” . Trong cách viết chữ Trời bằng tiếng Hán Nôm, người xưa đã ngụ ý tôn vinh Trời :
- Bằng chữ Hán - Việt : Trời là Thiên, chữ Thiên là chữ Nhất trên chữ Đại có ý nói Ngài vĩ đại nhất.

- Bằng chữ Nôm : Trời ghép bởi chữ Thiên ở trên chữ Thượng có ý nói : Ngài còn cao cả hơn Trời đất muôn vật, từ đó người ta tâm niệm rằng :

“Đi đâu cho khỏi lưới Trời, Ở đâu cho hạp mệnh Trời thì êm”.

Từ thuở thơ ấu, con người được dạy cho biết vũ trụ do Trời tạo dựng trực tiếp cũng như các thần, rồi các thần này mới tạo dựng nên muôn loài, muôn vật :

“Ông đếm cát,
Ông tác bể
Ông kể sao,
Ông đào sông,
Ông trồng cây,
Ông xây núi,
Ông tới Trời,
Ông cời cua…”


Chân lý này người để tâm suy nghĩ phải nghiệm thấy:

“Non kia ai đắp mà cao,
Sông kia ai bới, ai đào mà sâu”.


Ngài hiện hữu – không cần chứng minh. Nhưng đừng hỏi Ngài như thế nào, Ngài sáng tạo làm sao. Người xưa chưa có quan niệm : ‘Tự hữu, hằng hữu” nhưng vẫn cảm thấy vô lý khi hỏi về nguồn gốc Ông Trời. Hỏi như thế là không lượng sức con người, là vô lễ xúc phạm :

“Thấy anh hay chữ
Em hỏi thử đôi lời
Thuở tạo thiên lập địa
Ông Trời tròn ai xây.”


Ngay cả công trình thụ tạo của Trời, con người dễ gì biết được:

“Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc,
Biết mây mấy từng?
Huống chi là nói đến lẽ biến hoá muôn vật
Nước non là nước non Trời
Ai cắt được nước, ai dời được non.”


- Trời cao cả lại đáng tin và quan tâm đến mọi sự :
Trời sinh Trời dưỡng
Trăm sự nhờ Trời,
Trời sinh voi Trời sinh cỏ
Không có vấn đề hạn chế sinh sản vì có Trời lo.”

- Trời cao cả cho mỗi người một số phận

Trời cho ai nấy hưởng
Trời kêu ai nấy dạ.”

- Trời có những quy luật cho đời sống con người :

“Ở hiền gặp lành
Trời đánh tránh bữa ăn.”

Trời không độ trì kẻ tham lam gian ác – (Chuyện cổ: Ăn khế trả vàng, khỉ đỏ đít…).

- Đừng trách Trời nhưng hãy tự kiểm, tự phê :

“Bắc thang lên hỏi Ông Trời
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng
Ông Trời ngoảnh mặt lại trông
Mày hay kén chọn Ông không cho mày”.


- Biết thế nhưng khi đệnh mệnh do Trời xếp đặt trở nên quá khắc khe cay nghiệt, con người khó lòng giữ được sự bình thản để khỏi bộc lộ những tâm tình buồn chán thất vọng và còn phẩn nộ nữa. Vì thế, mà có những lời trách móc phạm thượng đối với Trời.
- Vì ban phát của cải không đồng đều :

Trời sao Trời ở chẳng cân
Người ăn không hết, người lần không ra”.


- Vì giặc giả làm cho vợ chồng phải xa lìa nhau :

Trời ơi, sinh giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường”.

- Vì để các cô gái lỡ duyên lỡ phận :
“Gào rằng: Đất hỡi! Trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?”


- Các chàng trai “Quá đát” cũng than :

Trời sao Trời ở chẳng công
Người ba bốn vợ, người không vợ nào”.


- Nhưng rồi người ta cũng thấy trách Trời là không đúng, phải tự trách mình và cố gắng ăn ở sao cho hợp đạo Trời.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!
Trách than chẳng dám giận Trời
Trách thân lắm lắm, giận Trời bao nhiêu.”


1.2 Trời trong đời sống chính trị quốc gia.

Lịch sử đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam, cũng như dân tộc Trung Hoa, đã có một quan niệm rất cao đẹp về Trời. Trong điều này chắc chắn người Việt Nam đã chịu ảnh hưởng người Tàu, những ảnh hưởng không có nghĩa là vay mượn, và hơn nữa ảnh hưởng ấy không làm mất mảng may vẻ độc đáo của quan niệm Việt Nam về Trời. Chúng ta sẽ đề cập sơ lược tới vấn đề này khi nói về Trời Siêu Việt. Người Việt Nam vẫn thâm tín rằng Trời là Chủ Tế tối cao, toàn năng tạo dựng và cai quản vũ trụ. Mọi loài thụ tinh đều phải khâm phục và tôn thờ Ngài. Chính Ngài thi ân và giáng hoạ. Ai làm theo ý Trời thì được hạnh phúc, trái lại ai làm nghịch với ý Trời, mệnh Trời thì sẽ bị Trời giáng hoạ. Hai tiếng ý Trời, rất thông dụng trong ngôn ngữ Việt Nam.

Trời là chủ tế tối cao nên người Việt Nam dưới chế độ Quân Chủ, vẫn coi Vua là vị đại diện của Trời để cai trị dân, cũng vì thế mà khi Quốc gia gặp nguy hiểm hay tai biến, Vua quan và thứ dân lập đàn dâng lễ tế cộng đồng và chính thức khấn vái xin Trời xá tội thi ân.
Dưới triều nhà Nguyễn, hằng năm, hoặc cứ 3 năm một lần việc thờ Trời được tổ chức với tất cả vẻ huy hoàng lộng lẩy trong việc Tế Nam Giao. Đây là việc thờ phượng chính thức quan trọng nhất, trong đó Nhà Vua với tư cách là Thiên Tử thay mặt cho toàn dân, chủ toạ buổi lễ tế. Với vai trò chánh tế Ngài đứng làm môi giới giữa Trời và thần dân để dâng lễ tế cầu nguyện cho quốc thái dân an. Tế Nam Giao đã mặc một tính cách đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam đến nổi người ta có thể nói rằng tất cả đời sống quốc gia chính trị đều quy tụ về đó và tuỳ thuộc ở đó.

Ngoài ra vì tin tưởng vào mệnh Trời, nên mọi mưu đồ chính trị cũng như việc trị nước an dân, phò vua dẹp giặc, lo liệu cho nhân dân được an cư lạc nghiệp….tất cả những sự việc đó, tiền nhân chúng ta ngày xưa vốn cho là do Trời quy định.

2. Khái niệm Thương Đế trong các tôn giáo chính ở Việt Nam.

Nói đến các tôn giáo lớn ở Việt Nam, thì chắc chắn phải nói đến Tam Giáo : Khổng Giáo - Lão Giáo - Phật Giáo.

2.1 Khái niệm Thương Đế trong Nho Giáo.

Thương Đế trong Nho học và theo Đức Khổng Tử không phải là một ý tưởng trừu tượng, một khái niệm do bộ óc con người sáng tạo ra, nhưng là một hữu thể, có nhiều ưu phẩm và đặc tính siêu việt. Đây là vị Thương Đế sáng tạo và cai quản vũ trụ bằng quyền lực và sự quan phòng của Ngài.

Bản tính Thương Đế là tự hữu, tự tại, thiêng liêng, phổ diện và vĩnh cửu. Sách Trung Dung nói: “ Thành giả tự thành giả, nhi đạo tự đạo giả ”. Thành tự mình mà có và Thành là đường của chính mình. “ Vô thuỷ về chung, cố vô thời gian vi chi định trí ”. Không có khởi đầu không có cùng tận, nghĩa là không có thời gian làm cho có vị trí nhất định.

* Tư thức của Thương Đế : Là toàn tri

  • - Kinh Thi viết: Hoàng Hỷ Thương Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương. Thương Đế rất lớn, soi xuống rỏ rang, xem xét bốn phương.( phần III, quyển thứ I, chương 7, câu 1.)
  • - Kinh Thư cũng đồng quan điểm: “ Trời biết rỏ mọi hành vi tật xấu, biết rõ ràng như đếm, như cân, như ghi, như chép. Trời biết rõ những điều ẩn và thầm kín.
  • - Sách Trung Dung: Đối với Trời : “ Không gì hiện ra rõ ràng bằng chổ tối ẩn, không gì rõ rệt bằng cái nhỏ nhặt.
* Ý chí Thương Đế.

  • - Ý chí siêu việt và bất di dịch: Trần Trọng Kim viết: “ Nho giáo tin có Trời làm chủ tể cả vũ trụ thì tức là nhận có cái ý chí rất mạnh điều khiển cả sự biến hoá trong thế giới cho hợp lẽ điều hoà. Cái ý chí gọi là Thiên mệnh hay Đế mệnh ”.
  • - Kinh Thi chủ trương : Mọi sự đều do Trời định đoạt : Giàu nghèo đều là ý Trời. Trời cho mỗi người mỗi số phận khác nhau, như vầng sao có ngôi lớn ngôi nhỏ
  • - Ý chí công bình lân ái : Đức Khổng Tử dạy: Thương Đế không hề thiên tư đối với một ai, kẻ nào có đức là Ngài thương. Ngài còn minh chính ở chỗ thưởng công phạt tội.
  • - Không những công bình, Ngài còn lân ái: Theo Kinh Thi, nếu con người có lòng nhân từ, thì đó chỉ là phản ảnh của lòng Trời: Lòng mẹ ví như Trời.
  • - Ý chí toàn năng: Kinh thi và Kinh dịch đều đồng quan điểm: “ Nếu Trời giúp cho thì không có gì là bất lợi. sở nhĩ có những điều Trời không làm không phải là Ngài bất lực, nhưng bởi Ngài không muốn giúp đấy thôi.
* Thương Đế là tiêu chuẩn Luân lý.

Vì tin tưởng Thương Đế là Đấng cao siêu tuyệt đối đã tác tạo nên Trời Đất và con người, nên Khổng Tử cũng như Nho giáo đã lấy Thương Đế làm tiêu chuẩn tối cao để sinh sống, con người phải ăn ở làm sao cho xứng hợp với Ý Trời hay Mệnh Trời.

Sách Trung Dung còn dạy : Mệnh Trời làm nên bản tính sự vật, sống theo bản tính do Trời phú thác tức là Đạo, tu bổ cho Đạo tức là Giáo. Không biết mệnh Trời thì không phải là người quân tử. Không những phải biết Ý Trời, người quân tử còn sống Ý Trời nữa. Con người phải biết tôn kính và tìm hiểu ý Trời để làm theo - Lòng tôn kính ấy không hệ tại ở lời cầu khẩn và lễ bái bên ngoài chỉ bằng việc tu sửa tính nết và thực hành nhân đức - đó là lời cầu nguyện bền bỉ và chân thành nhất.

Tóm lại Khổng Tử tin có có TrờiTrời làm chủ muôn vật nên ta phải thờ và làm theo đạo Trời mà ăn ở để làm sáng cái minh đức mà Trời đã phú cho ta. ( Trần Trọng Kim, Nho giáo trang 89 ).

2.2 Khái niệm Thương Đế trong Phật Giáo và Lão Giáo.

Khái niệm Thương Đế không được đề cập đến trong Phật Giáo và Lão Giáo, ít nữa là trong thời điểm nguyên thuỷ, còn về sau thì có, do ảnh hưởng hổ tương của Tam Giáo mà được hiểu khác nhiều ít - còn Phật Giáo Hoà Hảo chỉ là sự biến thiên của Phật Giáo với mục đích phổ cập hoá, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ( Cao Đài) là sự tổng hợp các tôn giáo.

3. Góc độ Thần học.

Từ sự kiện văn hoá và tôn giáo trên, Thần học Công giáo có tiếng nói nào ?. Đứng trước bối cảnh văn hoá và Tôn giáo có tầm mức phổ quát như khái niệm Thương Đế, trong các Tôn giáo trên khắp hoàn cầu các Thánh Giáo Phụ đã suy tư sâu sắc và đã để lại cho Thần học Công giáo những viên ngọc quý làm nên chất liệu cho khoa Thần học về các tôn giáo.

3.1. Thánh Justinô: ( những hạt giống Ngôi Lời )

Trước khi nhập thể làm người, Ngôi Lời hằng hữu đã gieo những hạt giống của Ngài vào trong các nền văn hoá và tôn giáo của con người ( les semences du verbe ). Những hạt giống ấy đã đâm chồi nẩy lộc và đợi chờ hoa trái. Đó chính là khái niệm về Thương Đế trong các tôn giáo, một trong những hoa trái quý báu tạo nên chiều kích siêu việt cho đời sống con người. Với đà vươn lên với Đấng Tuyệt Đối, Đấng Tối Hậu, Thương Đế, Trời, Đấng Tạo Hoá, những danh xưng mà các tôn giáo dùng để chỉ thực tại siêu việt tối cao, toàn năng, hằng hữu, con người tách ra khỏi các loài thụ tạo khác để tham dự vào đời sống của Ngài - tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi dò dẫm trong đêm tối - bài diễn từ của Thánh Phaolo trước Hội Đồng Aérôpago ở Athena mà sách ( Vtd ch.17 câu 23-28 ) đã nói lên điều ấy.

Điều này đồng nghĩa với việc phải đợi cho đến khi Ngôi Lời nhập thể là sự mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa thì con người mới có thể lảnh hội đầy đủ ý định của Ngài chính mạc khải Kitô Giáo mới có thể đưa những cố gắng vươn lên Thương Đế của con người đến đích điểm của chúng.

3.2: Thánh Irênê:

Khai triển chủ đề 4 Giao Ước được ban cho con người : Giao ước Adam trước đại hồng thuỷ, giao ước Noe sau đại hông thuỷ, giao ước thời Môise ban hồng ân lề luật và sau cùng là giao ước trong Đ.K, nảy con người lên và chấp cánh cho nó bay lên Vương Quốc Thiên Đường. Hai giao ước đầu đã mang chiều kích phổ quát : Tất cả mọi người, ngay từ các thế hệ cổ xưa nhất, đều được hưởng sự hiện diện của TC. - Điều này có ý nghĩa là mọi người thuộc mọi thời đại lịch sử đều được TC chân thật soi sáng để họ có thể tiếp cận Ngài theo khả năng của họ.

Cái giao ước là dấu chỉ sự can thiệp của TC vào lịch sử nhân loại, từ đó dấy lên những sự đáp trả, tuy nhiều khi còn vụng về non nớt, nhưng củng nói lên khát vọng thâm sâu của con người là khát vọng tìm kiếm TC. Con người là hình ảnh của TC, luôn đi tìm hình mẫu của mình.

3.3 Thánh Clêmente thành Alexandua:

Thì cho rằng Ngôi Lời của TC luôn hoạt động qua những cách diễn đạt sự khôn ngoan tiền - Kitô giáo. Ngài có khuynh hưóng nhìn thấy nơi triết lý Hy lạp, một điều tương tự như lề luật được ban cho những người Do Thái và Ngài hiểu triết lý không phải đơn thuần chỉ là các hệ tư tưởng, nhưng còn là những Giáo Thuyết. Hiểu theo ý nghĩa rộng ấy, thì triết lý tất nhiên không chỉ giới hạn nơi thế giới Hy lạp nhưng còn đựơc diễn tả nơi các miền xa xôi hơn như Ba Tư, nơi các nhà đạo sĩ đã biết tiên báo sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế và được một ngôi sao dẫn đường đến đất nước Do Thái, hay còn là Ấn Độ, mà một số dân cư đã vâng theo lời dạy của Đức Phật như vị thần của mình vì đời sống thánh thiện của Ngài. Thánh Clemente là một trong các vị Giáo Phụ rất thích thú các sự khôn ngoan của nhân loại. Ngài cố gắng góp những nẻo đường khác nhau của điều mà sau này ở thế kỷ thứ 4, Cusibe thành Cesaree sẽ gọi là sự chuẩn bị cho Tin Mừng.

Các Giáo phụ đại diện cho Thánh truyền cũng nhất trí với Thánh kinh để thông truyền cho chúng ta những chân lý trên. Theo Tin Mừng của Thánh Gioan thì “ Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người ”. (Ga 1,9 ). Thánh Phaolo trong thư gởi cho Timothe cũng khẳng định: “ Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết được chân lý ”. ( 1 Tm 2,4 ).

Như thế là một dây liên hệ mật thiết giữa ánh sáng mạc khải và ánh sáng cứu độ - con người được cứu độ là con người đón nhận ánh sáng của Ngôi Lời và bước đi trong ánh sang ấy dù họ thuộc về nền văn hoá hay thuộc tôn giáo nào.

4. Cái nhìn Đức tin của Giáo Hội Công Giáo về các tôn giáo.

Xuất phát từ những suy tư thần học trên và dựa vào Thánh kinh cũng như Thánh truyền, CĐ Vanticang trong tuyên ngôn Nostra Actate về mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác đã minh định lập trường của mình như sau:

“ Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó, với lòng kính trọng chân thành Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những Huấn giới và Giáo thuyết kia tuy rằng có những điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô. Đấng là “Đường sự thật và sự sống ”. ( Ga 14,3 ). Nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo suy mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình. ( số 2)

Chưa bao giờ trong Giáo hội lại có một lập trường và một thái độ cởi mở với các tôn giáo như thế. Cộng đồng cũng khuyến khích con cái trong Giáo hội hãy đối thoại với các Tín đồ các Tôn giáo khác trong niềm tin rằng mọi dân tộc đều cùng chung một mụch đích tối hậu là Thiên Chúa.
Cộng đồng VAT.II nhìn nhận có những yếu tố sự thật và ân sủng trong các tôn giáo. Đây là kết luận của những suy tư thần học đã khai triễn trong phần 3.

Tuy nhiên, cộng đồng cũng khẳng định nhiệm vụ cốt yếu của Giáo hội là phải không ngừng rao giảng Đức Kitô là Đường là sự thật và sự sống, nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn. Cách nói khôn ngoan cẩn trọng này cũng muốn nhắc nhở chúng ta là thành phần của tôn giáo nên hiểu rằng song song những yếu tố là sự thật và ân sủng nơi các tôn giáo khác, thì đồng thời cũng xen lẫn những yếu tố bất toàn.

Như thế Giáo hội tự khẳng định lập trường của mình đối vói các tôn giáo khác là bao dung cởi mở đối thoại hợp tác nhưng đồng thời cũng loại trừ mọi chủ trương của tương đối thuyết: Cho rằng “Đạo nào cũng như Đạo nào ”.

Kết:

Chúng ta có thể đúc kết bài nói chuyện này với biểu đồ sau đây.












Tất cả những Giao ước trước Đ.K là những can thiệp của TC vào trong lịch sử nhân loại đều chuẩn bị cho mặc khải trọn ven của TC trong Đ.K, rồi cùng với Đ.K Giáo hội đồng hành tiến bước về Ω là đích điểm của tạo thành - Đ.K là A và Ω : Nguồn gốc và cùng đích của mọi sự.
Xin chân thành cám ơn các bạn đã chịu khó lắng nghe.

Thân ái
Lm. Giuse Đặng Thanh Minh

Gợi ý hội thảo:
  • 1. Đứng trước hiện tượng Tôn giáo, trong dòng lịch sử đã có nhiều cách giải thích khác nhau: Do yếu tố tâm lý, do yếu tố xã hội, …..bạn nghĩ sao ? Hãy tìm những lý lẽ để bỏ các nguyên nhân trên.
  • 2. Lý do nào buộc chúng ta phải kính trọng các Tôn giáo ngoài Kitô giáo ?