Geneva - Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, sứ thần Tòa Thánh và cũng là Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới chiều thứ Ba 30/1/2007 vừa qua. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói với những người tham dự rằng cố gắng đem lại hòa bình cho một thế giới phức tạp và bạo lực hơn bao giờ cần phải bắt đầu với sự hoán cải nội tâm của mỗi cá nhân.

ĐTGM Silvano Tomasi
Trước sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các nước và các nhà lãnh đạo các tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục khẳng định rằng bất chấp những dị biệt về tôn giáo và văn hóa, họ có thể tự tin rằng hòa bình là một mục tiêu có thể đạt được, điều “ăn rễ sâu xa trong các giá trị nòng cốt và trong những nhận thức được chia sẻ bởi mọi truyền thống tôn giáo đó là Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng chúng ta đã ban cho mỗi người một phẩm giá bất khả nhượng và vì thế cho chúng ta sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ; cũng như đã thiết lập một tình liên đới không thể bẻ gãy giữa con người với nhau”.

Dù Liên Hiệp Quốc hoạt động ngày đêm cho một thế giới tốt hơn, Đức Tổng Giám Mục nhắc nhở rằng: “Chúng ta không được ngây thơ. Hiện tượng bạo lực đã trở nên phức tạp hơn bao giờ trong thế kỷ 21 và nó đang đưa ra những thách đố chưa từng có cho cộng đồng nhân loại”.

“Hoạt động cho hòa bình ngày nay phải bao gồm việc khép dần cách biệt giàu nghèo; chấm dứt các cuộc nội chiến; ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang; từ khước việc tuyên dương bạo lực trên các phương tiện truyền thông”.

“Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng ta biết rằng có một luận lý đạo đức được xây dựng trong đời sống con người và làm cho việc đối thoại giữa các cá nhân và các dân tộc trở thành điều có thể”

“Công cuộc tìm kiếm hòa bình phải được bắt đầu từ con tim mỗi cá nhân và hướng ra các quốc gia và cộng đồng thế giới, một quá trình nhịp nhàng tìm thấy nơi sự tôn trọng con người, tôn trọng quyền được sống và quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hành xử các nhân quyền căn bản, và sự loại trừ những sự bất bình đẳng bất công”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh thêm rằng hòa bình phải đi xa hơn là lòng khoan dung. Lòng khoan dung chỉ là “một thái độ chấp nhận thụ động người khác bị áp đặt bởi luật pháp”. Nó chỉ là bước đầu nhằm bảo đảm hòa bình nhưng “không có sự dự phần của cá nhân”, và vì thế hòa bình trở nên mong manh.

Thay vào đó, cần phải xây dựng một nền văn hóa kính trọng nhau, tôn trọng công lý và yêu thương để có thể “nhìn tha nhân như những đối tác trong cùng một nhân loại, cùng là con cái Thiên Chúa, cùng có một ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc và an bình, dù là bằng những đường lối khác nhau”.

“Tiến trình đi từ khoan dung đến sự tôn trọng nhau và tôn trọng công lý đạt đến sự viên mãn của nó khi con người khám phá ra rằng ơn gọi cao nhất của mỗi con người là yêu thương tha nhân”