NGẬM NGÙI THƯƠNG NHỚ



Tôi ngậm ngùi thương nhớ cha Phê-rô Hoàng quốc Trương. Hôm nay 10.5.2007, tôi vừa đi dự lễ an táng cha tại nhà thờ Khánh hội về. Sau khi rước lễ, tôi đang ngồi cám ơn thì tự nhiên thấy bồi hồi xúc động và nảy ra ý phải viết đôi điều về cha. Bởi vậy, khi về tới nhà là tôi vội vàng viết ngay những dòng này. Tôi thương và thương hại cha nữa, khi nhìn vào những năm tháng cuối đời của cha.

Cha sinh ở Hà nội năm 1923 trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo, thuộc loại gia thế. Cha được ơn trở lại đạo công giáo, rồi đi tu chủng viện làm linh mục. Cha thụ phong năm 1949 tại nhà thờ chánh tòa Hà nội. Sau khi thụ phong, cha được bổ nhiệm dạy các chú trong tiểu chủng viện Hoàng Nguyên Pio XII. Tiếp đó, cha được cử đi du học tại Mỹ và đỗ bằng tiến sĩ khoa học. Trở về Việt Nam, cha dạy ở trường Đại học khoa học Sài-gòn, rồi sau làm khoa trưởng. Cha cũng dạy tại mấy trường đại học khác nữa như Đà lạt, Huế, Cần thơ. Thời gian này cha làm tuyên úy sinh viên công giáo Dại học Sài gòn cùng với cha Nguyễn huy Lịch, và ở Trung Tâm Phục sinh thuộc tu viện Mai Khôi. Sau 1975 cha dạy học thêm mấy năm, rồi nghỉ hưu tại nhà người em gái số 20 đường Nguyễn văn Linh bên Khánh hội cho tới khi qua đời vào lúc 5g30 sáng ngày 7.5.2007 tại ngôi nhà này.

Điều khiến tôi ngậm ngùi và cảm thương cha là những năm cuối đời, tôi thấy cha tội nghiệp quá ! Từ khi người em gái độc thân chết đi, cha ở trong ngôi nhà này đơn độc có một mình, cửa nhà vắng vẻ, bụi bặm bám đầy không ai lau quét, nhất là từ khi cha đau bệnh, đi lại lên xuống cầu thang khó khăn. Có nhiều người đề nghị cha đi chỗ khác như tu viện Mai Khôi ở đường Tú Xương, nơi cha đã sinh sống nhiều năm khi là tuyên úy sinh viên, (cha là bạn học cũ của cha Nguyễn huy Lịch khi xưa ở Hà nội), hay nhà hưu dưỡng các cha Hà nội ở Ngã Sáu. Nhưng cha đều từ chối. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao cha từ chối. Có người cho là cha già rồi nên nhận định và chọn lựa không còn sáng suốt. Có người cho là cha không muốn làm phiền ai. Có người cho là cha muốn ở đó để giữ ngôi nhà người em gái để lại. Nhưng riêng tôi cho đến nay tôi vẫn không hiểu. Cha là nhà khoa học, khi xưa thích máy móc, thích đi chợ trời để xem đồ đạc rồi mua sắm, phòng ở gọn gàng ngăn nắp. Thế mà nay khi về già và bệnh tật thì nhà cửa tuềnh toàng, không còn một chút gì của một người đã sống nhiều năm ở một nước văn minh như nước Mỹ. Hay là cha muốn vậy, muốn chôn vùi tuổi già của mình trong cảnh trần trụi cô đơn để noi gương Chúa Giê-su trơ trọi trên thập giá ? Có lẽ một phần cũng vì tuổi già sức yếu và bệnh tật nữa.

Tôi không nghĩ là cha lú lẫn, vì chiều hôm 6.5.2007, tôi sang thăm cha cùng với thày Thái, cha còn nhận ra và nói được đúng tên của chúng tôi. Rồi sáng ngày 10.5.2007, khi nghe đọc lời di chúc của cha lúc cuối lễ viết ngày 20.4.2007, tôi thấy lời lẽ trong đó rất rõ ràng mạch lạc, chứng tỏ khi viết cha còn tỉnh táo và minh mẫn. Do đấy khó mà nói cha lẩn thẩn vì tuổi già. Vậy bởi đâu có tình trạng nói trên ? Tôi phân vân không biết nghĩ sao. Vì vậy tôi rất cảm thương cha, một người không đáng sống cảnh già bệnh tật và buồn thảm như thế ! Cha đã có thể có một tuổi già êm ả hơn ở một nơi khác, dù ốm đau. Nhưng tại sao cha lại chọn ở một mình tại ngôi nhà vắng vẻ hiu quạnh này ? Tôi đặt câu hỏi đó ra cho mình và thấy ngậm ngùi thương cha vô hạn.

Buổi lễ an táng cha diễn ra đơn sơ gọn gàng, có chừng 50 linh mục đồng tế và một số khá đông giáo dân họ Khánh hội, nơi cha đã một thời phục vụ, sau khi nghỉ dạy học. Cuối lễ chỉ thấy độc nhất hai người cháu trai đại diện cho tang quyến chung lời cảm ơn với cha sở. Các vòng hoa phúng viếng khá nhiều để đầy hai bên cầu thang lối lên nhà thờ.

Nhân tang lễ và đời sống của cha, tôi nghĩ rằng một người như cha đã một thời có danh vọng và địa vị, thế mà khi về già lại như một cái bóng tàn ẩn khuất không còn mấy ai biết đến nữa.

Thế mới hay sự đời là dâu bể. Mọi sự rồi sẽ qua đi và con người chỉ còn lại với cái đức của mình mà thôi, ngoài ra tất cả đều mai một hết.