Cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại can đảm làm chứng cho Lời Chúa

Cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa” (Ý chỉ truyền giáo tháng 3/2008)

Trong tháng 3 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới "cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp, tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa”.

Như đã biết, trên thế giới hiện nay Kitô hữu vẫn tiếp tục bị bách hại bằng nhiều cách, tại nhiều vùng trong đó có Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam, là những nước còn đang phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần, cũng như tại nhiều bang bên Ấn Độ, nơi có các nhóm ấn giáo cuống tín hoạt động, hay tại Irak, Pakistan và nhiều nước Arập, có đa số dân theo Hồi giáo. Bên Ấn Độ, đặc biệt trong hai bang Gujarat và Orissa, các lực lượng Ấn giáo cuồng tín liên tục tấn công các tín hữu Kitô, đốt phá thờ thờ, nhà xứ trường học và các cơ sở của Giáo Hội. Trong khi tại nhiều quốc gia A rập các nhóm hồi cuồng tín liên tục sách nhiễu, bách hại và ức hiếp các Kitô hữu. Điển hình là tại Arập Sauđi, nơi hằng trăm ngàn Kitô hữu công nhân không có quyền có nơi thờ tự, cũng không được quyền tụ tập nhau cầu nguyện hay chia sẻ Lời Chúa.

Nhưng không cần phải nói đâu xa, ngay tại vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên Trung Phần tại Việt Nam, từ nhiều năm nay các tín hữu dân tộc thiểu số gặp rất nhiều bắt bớ, sách nhiễu, khó khăn trong việc sống lòng tin của họ. Điển hình như tín hữu công giáo H'Mong tỉnh Sơn La bị tra khảo, giam giữ vu oan là thổ phỉ và bị ép buộc bỏ đạo. Nhà nước thường xuyên cho cán bộ đến để thuyết phục họ bỏ đạo. Không bỏ đạo thì con cái không có tương lai, không được đi học, không được trợ giúp. Không bỏ đạo thì nhà nước không đầu tư, không cho vay tiền, không có các chương trình phát triển an sinh. Để có thể giữ đạo nhiều gia đình phải bỏ bản, bỏ làng, trốn vào rừng sâu, xa xôi, hẻo lánh. Tỉnh Sơn La có 10 huyện và có 12 bộ tộc sinh sống: người Thái chiếm 55% dân số, người Kinh chiếm 18%, người H'Mong chiếm 12% và người Mường chiếm 8%.

Sơn La thuộc giáo phận Hưng Hóa, nhưng vì các cuộc bắt đạo gắt gao từ 50 năm qua không còn một giáo xứ hay linh mục nào và số tín hữu chỉ còn khoảng 3000 người, trong đó có 2000 người Kinh và 1000 người H'Mong. Một số tín hữu đã tạm ngưng giữ đạo, số khác không dám xưng mình là người có đạo.

Cuối năm 2007 tuy có thông tư của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được ngăn cản việc cử hành các lễ nghi tôn giáo, chiều ngày 24-12-2007, chính quyền địa phương đã mở các cuộc hành quân vũ trang bố ráp khắp nơi và ngăn chận giáo dân tổ chức mừng lễ Giáng Sinh.

Tại Mộc Châu và Hát Lót công an chặn tất cả mọi nẻo đường và bao vây nhà của một giáo dân từ trước tới nay vẫn là nơi tụ họp cầu nguyện, để không cho giáo dân tụ họp nhau để đọc kinh hay tham dự thánh lễ. Suốt ngày 24 tháng 12 nhiều giáo dân đã phải đi làm việc tại Ủy ban nhân dân xã, và nhà nước bắt họ cam kết không tụ tập đọc kinh.

Dựa trên Pháp lệnh về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo được ban hành ngày 24 tháng 6 năm 2004 và dựa trên Hiến Pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, nhiều cộng đoàn nhỏ đã thành hình và yêu cầu chính quyền địa phương cho họ sinh hoạt. Cuối năm 2005 các cộng đoàn công giáo tại Sơn La đã đệ đơn đến các cấp chính quyền xin đăng ký các sinh hoạt tôn giáo như Pháp Lệnh quy định. Tòa Giám Mục Hưng Hóa cũng đã gửi văn thư cho chính quyền Sơn La yêu cầu cho các linh mục đến Sơn La làm việc mục vụ, nhưng chính quyền địa phương trả lời là ”Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Tại Tây Nguyên Trung Phần tín hữu sắc dân thuộc các Giáo Hội Tin Lành, trong đó có Giáo Hội Tin Lành Menonít, thường xuyên bị đàn áp và sách nhiễu. Nhà thờ của họ bị giật sập, các mục sư và truyền đạo bị bắt nhốt.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương ngày 26-3-2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc lại Mật Nghị Hồng Y triệu tập ngày 24 trước đó, là ngày tưởng niệm các thừa sai đã bỏ mình vì Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo năm châu. Đức Thánh Cha nói: ”Như thế, Mật Nghị Hồng Y cũng là một dịp để cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết với các tín hữu Kitô đang chịu khổ đau vì bị bách hại vì lòng tin. Chứng tá của họ mà chúng ta nhận được tin tức mỗi ngay, và nhất là sự hy sinh của các người đã bị giết, củng cố và khích lệ chúng ta dấn thân cho Tin Mừng một cách chận thành và quảng đại hơn. Tôi đặc biệt nghĩ tới các cộng đoàn sống trong các quốc gia nơi tự do tôn giáo vắng bóng hay chịu nhiều hạn chế, mặc dù có các bản tuyên ngôn khẳng định tôn trọng tự do tôn giáo. Tôi nhiệt liệt khích lệ các cộng đoàn đó kiên trì trong kiên nhẫn và tình bác ái của Chúa Kitô, là hạt giống Nước Thiên Chúa đến và đã hiện diện trong thế giới. Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi muốn bầy tỏ tình liên đới sống động nhất với các người đang làm việc phục vụ Tin Mừng trong các tình trạng khó khăn này và bảo đảm nhớ tới họ trong lời cầu nguyện mỗi ngày của tôi... Chúng ta hãy xin Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta trên đường đời mỗi ngày và xin Mẹ đặc biệt yêu thương che chở các cộng đoàn Kitô đang sống trong các hoàn cảnh rất khó khăn và khổ đau”.

Với các tâm tình trên đây, trong tháng 3 tới này, hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta ”cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa”.