Đức Thánh Cha bắt tay các bạn trẻ
Các bạn trẻ New York cùng hát
Các thầy tại Đại Chủng Viện New York cùng hát
Những đôi mắt đẫm lệ theo dõi bài thuyết giảng của ĐTC
Rừng người hoan hô ĐTC
Một bạn trẻ hát chào mừng ĐTC
New York - Lúc 4:30 chiều thứ Bẩy 19/4, trước một cộng đoàn 25,000 người tập trung tại sân thể thao của Đại Chủng Viện Thánh Giuse tại New York, Đức Thánh Cha đã nói về hy vọng và tự do, trong khi nhấn mạnh đến “hành trình hy vọng” thể hiện nơi đời sống của các vị thánh. Ngài đã gọi Giáo Hội là một cộng đoàn của hy vọng.

Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến ‘những bóng tối” xem con người chỉ như “những đồ vật”, lèo lái, xuyên tạc và làm lu mờ sự thật, làm biến dạng cảm nhận về thực tại, về những hình ảnh và khát vọng của tuổi trẻ. Đức Thánh Cha cũng đã trình bày những suy tư về bản chất thực sự và những cảm nhận sai lạc về tự do.

Đức Thánh Cha đã mở đầu bài thuyết giảng của ngài bằng câu đầu tiên trong thư Thánh Phêrô: “Hãy công bố Chúa Giêsu Kitô.. và hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi về lý do niềm hy vọng trong anh em”.

Đức Thánh Cha đã nêu ra với cộng đoàn 6 bức tranh lớn về các thánh: Elizabeth Ann Seton, Frances Xavier Cabrini, John Neumann, Chân phước Kateri Tekakwitha, và hai vị Tôi Tớ Chúa là Pierre Toussaint, và Padre Felix Varela. Đức Thánh Cha nói: “Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở nên một người trong số họ. Hãy can đảm và hãy hướng mắt nhìn về các thánh”.

Theo Đức Thánh Cha, các thánh tuy có những hoàn cảnh khác nhau nhưng các ngài “đều bùng cháy lửa yêu mến Chúa Giêsu.” Họ thực hiện “những hành vi từ bỏ chính mình” để dâng hiến cho Chúa.

Đức Thánh Cha cảnh cáo về “những hành vi và những não trạng đang bóp nghẹt hy vọng” qua những niềm hạnh phúc hời hợt và những thỏa mãn mà “chung cuộc chỉ kết thúc trong hoang mang và sợ hãi”.

Đức Thánh Cha cũng cho biết qua tuổi thơ của ngài dưới một chế độ Quốc Xã: “Thời niên thiếu của chính cha đã bị che phủ bởi một chế độ đe dọa. Nó tưởng rằng nó có mọi câu trả lời; ảnh hưởng của nó gia tăng – xâm nhập vào trường học và các cơ chế dân sự, cũng như chính trị và ngay cả trong phạm vi tôn giáo – trước khi người ta nhận thức đầy đủ về nó chỉ là một con quái vật. Nó loại bỏ Thiên Chúa và vì thế trở thành rào cản cho bất cứ điều gì là đúng đắn và tốt lành”.

Đức Thánh Cha cám ơn Thiên Chúa vì ngày nay thế hệ trẻ được hưởng nhiều quyền tự do “qua sự mở rộng dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền”.

Tuy nhiên, “những thế lực hủy diệt vẫn còn”. Đức Thánh Cha cảnh cáo: “Làm bộ như nó không còn chỉ là tự lừa mình. Tuy thế, nó không chiến thắng. Nó bị đánh bại. Đó là yếu tính của niềm hy vọng định nghĩa chúng ta như những người Kitô hữu; và Giáo Hội nhắc lại điều này một cách ngoạn mục nhất trong Tam Nhật Phục sinh và cử hành với đầy tràn niềm vui trong mùa Phục sinh. Đấng chỉ cho chúng ta thấy con đường sau cái chết cũng là Đấng chỉ cho chúng ta thấy cách thế vượt qua hủy diệt và sợ hãi: vì thế chính Chúa Giêsu là thầy dạy chân thật về sự sống”.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến những hiểm họa về “những giấc mơ và những trông đợi” của tuổi trẻ ngày nay như ma tuý, vô gia cư, bần cùng, phân biệt chủng tộc, bạo lực, sự hạ giá con người đặc biệt nơi phụ nữ.

“Trong khi nguồn gốc của những vấn đề này là phức hợp. Chúng có cùng một thái độ bị đầu độc trong đó con người bị đối xử chỉ như đồ vật”

Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo một khía cạnh thứ hai thường ít ai để ý đến và vì thế “nó đáng sợ”. Đó là “sự lèo lái sự thật, xuyên tạc cảm nhận của chúng ta về thực tại, làm lu mờ trí tưởng tượng và khát vọng của chúng ta”.

Đức Thánh Cha sau đó đã đề cập đến gia đình như cái nôi của ơn gọi.

Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho 50 trẻ em khuyết tật và những người chăm sóc cho chúng. Các trẻ em này đã vui mừng được mặc áo đẹp và được Đức Thánh Cha đặt tay ban phép lành cho chúng. Tờ New York Thời Báo đã kể câu chuyện về một bé gái tên Lauren. “Em chỉ có thể nói được từ 20 đến 30 từ, nhưng nay em nói thêm được một từ mới”. Bà Beatrice Kurtz, mẹ của Lauren cho biết: “Giờ đây em nói được từ pope”.

Đại Chủng Viện Thánh Giuse tại New York đã được Đức Tổng Giám Mục Michael Corrigan của tổng giáo phận New York xây vào năm 1891 với hy vọng là do vị trí gần gũi Tổng Giám Mục ngài có thể chăm sóc chu đáo Đại Chủng Viện này. Năm năm sau đó, vào năm 1896, niên khóa đầu tiên đã được khai giảng với 96 thầy.

Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Đại Chủng Viện Thánh Giuse tại New York là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã đến thăm nơi này vào năm 1995. Đức Thánh Cha đương kim không phải người xa lạ với Đại Chủng Viện này vì trong thập niên 1990 ngài đã từng giảng dạy tại đây.