Một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử Giáo Hội:

Trong một năm: 3 vị Giáo Hoàng, 2 lần triệu tập Cơ Mật Viện, 1 cái chết gây nghi vấn


Cách đây đúng 30 năm về trước, vào năm 1978 đã xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo một biến cố độc nhất vô nhị, đó là:

• ba vị Giáo Hoàng liên tiếp kế vị nhau,

• hai lần các ĐHY trên khắp thế giới đã được triệu tập về Roma tham dự Cơ Mật Viện để bầu Tân Giáo Hoàng,

• và sự kiện băng hà quá đột ngột của ĐGH Gioan Phaolô I đã tạo cơ hội cho các dư luận thế giới đặt nghi vấn.

ĐGH Phaolô VI. ĐGH Gioan Phao I. ĐGH Gioan Phaolô II


1) Đức Phaolô VI

Vào giữa tháng 7 năm 1978, khi ĐGH Phaolô VI lên đường đi nghỉ hè tại Castelgandolfo, có lẽ ngài đã biết trước được cuộc hành trình trần thế của mình đã sắp sửa kết thúc khi ngài tâm sự với bộ trưởng Nội Vụ của ngài là ĐHY Giuseppe Capriô: «Ta không biết có trở lại nữa hay không … và Ta sẽ trở lại bằng cách nào.» Ngày 2.08.1978, ngài còn xuất hiện trong cuộc yến kiến chung ngay trong sân nội của dinh Castelgandolfo. Sau đó là ngài bị lên cơn sốt dữ dội trong suốt hai ngày liên tiếp. Vì thế Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật bị bãi bỏ và dư luận càng xôn xao. Trong khi đó cơn sốt càng lên cao, còn huyết áp lại hạ xuống quá thấp, và với tuổi 80, Đức Phaolô VI không còn sức để cầm cự với cơn bệnh nữa. Và Vatican đã thông báo cho toàn thế giới: «Vào lúc 21g40 ngày Chúa Nhật, 6.08.1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã an nghỉ trong Chúa.»

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, Đức Phaolô VI được mệnh danh là vị «Giáo Hoàng của Công Đồng». Thực ra Đức Gioan XXIII đã triệu tập và khai mạc Công Đồng chung Vatican II. Nhưng chính Đức Phaolô VI mới là người điều khiển và kết thúc tốt đẹp Công Đồng quan trọng này. Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Phaolô VI vào ngày 21.6.1963, ĐHY Giovanni Battista Montini giữ chức bộ trưởng Bộ Nội Vụ của Vatican.

Đức Phaolô VI hướng dẫn hướng đi của Công Đồng là mở cửa Giáo Hội thông ra với thế giới. Là vị Giáo Hoàng đầu tiên của thời đại mới hậu Công Đồng, Đức Phaolô VI đã khởi đầu các cuộc tông du đến với các Giáo Hội Công Giáo địa phương ở khắp nơi trên thế giới. Ở Giê-ru-sa-lem, ngài đã cùng với Đức Thương Phụ Athenagoras thành Constantinople khởi động công cuộc xích lại gần nhau giữa các Giáo Hội Kitô giáo đang bị phân ly từ hàng thế kỷ qua. Chính ngài cũng tìm cách mở rộng mối quan hệ với các tôn giáo khác. Về lãnh vực chính trị, khi thế giới được chia ra làm khai khối liên kết chống đối nhau rõ rệt bằng một cuộc chiến tranh lạnh đầy đe dọa, Đức Phaolô VI đã nổ lực đưa ra một đường lối ngoại khôn khéo mềm dẽo với mục đích nhằm mang lại cho các Kitô hữu đang sống bên kia bức màn sắt dưới chế độ cộng sản vô thần một chút không khí nhẹ nhàng dễ thở hơn. Dĩ nhiên, đường lối ngoại giao mềm dẽo cần thiết như thế với các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã không tránh khỏi những phê bình chỉ trích của một số nhà chính trị phía khuynh hữu.

Còn việc áp dụng các quyết định của Công Đồng vào đời sống cụ thể của Giáo Hội, người ta có thể nói là đầy vất vả. Là người vốn có bản tính hay do dự, Đức Phaolô VI thường đã rơi vào tình trạng «tiến thoái lưỡng nan» giữa các khuynh hướng đối kháng nhau trong Giáo Hội vào lúc bấy giờ của những người chủ trương canh tân cải tổ và của những người chủ trương duy trì bảo thủ. Nhưng bầu không khí phê bình chống đối mạnh mẽ trong cũng như ngoài Giáo Hội thực sự bùng nổ vào năm 1968 khi Đức Phaolô VI cho công bố thông điệp «Humanae Vitae» đề cập đến phẩm giá đời sống con người. Trong bức thông điệp, Đức Phaolô đã minh định rằng các phương tiện hạn chế sinh sản một cách giả tạo là hoàn toàn đi ngược lại chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, một điều Người đã khắc ghi vào trong thiên nhiên như một định luật bất khả thay đổi. Và đó là sự thật.

Thi hài Đức Phaolô VI đã được di chuyển từ Castelgandolfo về quàn tại đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó sáu ngày thì ngài được an táng trong một ngôi mộ đất đơn sơ ngay dưới đền thờ Thánh Phêrô.

2) Đức Gioan Phaolô I

Mười chín ngày sau khi Đức Phaolô băng hà, 111 vị Hồng Y trên khắp thế giới đã được triệu tập về Roma tham dự Cơ Mật Viện để bầu Tân Giáo Hoàng. Các tiêu chuẩn được đưa ra để bầu vị Tân Giáo Hoàng vào thời hậu Công Đồng phải là:

• người có tinh thần hoà giải, biết can đảm bênh vực những người nghèo khổ và những người bị đàn áp trên khắp thế giới,

• người vừa biết mở rộng cửa ra với thế giới và vừa biết tôn trọng các truyền thống và quá khứ cao đẹp và thánh thiêng của Giáo Hội,

• người có uy quyền cá nhân, cụ thể và dứt khoát trong hành động cũng như có đặc sủng chuyên biệt,

• người có tinh thần hợp tác với các Giám Mục và các thành phần Dân Chúa trên phắp thế giới.

Vào lúc bấy giờ, ở bên ngoài tuy khí trời mùa hè đã hạ nhiệt, nhưng trong Cơ Mật Viện, các Đức Hồng Y hiện diện đã phải tuân thủ những điều kiện bầu cử hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc. Và cuộc họp của Cơ Mật Viện lần này là một cuộc họp ngắn nhất trong lịch sử, chỉ sau ba vòng bầu trong ngày đầu tiên các Đức Hồng Y đã dồn phiếu cho ĐHY Albino Luciani, Thượng Phụ thành Venise/Ý. ĐHY Albino Luciani đã vâng theo thánh ý Chúa chấp nhận kết quả cuộc bầu cử Giáo Hoàng và lên ngôi kế vị Đức Phaolô VI với tước hiệu Gioan Phaolô I. Đây là một tước hiệu mang ý nghĩa sâu xa: trước hết muốn nói lên ngài là vị Giáo Hoàng của Công Đồng Vatican II với tinh thần canh tân và mở cửa Giáo Hội của hai vị Tiền Nhiệm thánh thiện khả kính của ngài là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, những vị Giáo Hoàng đã triệu tập, khai mạc, điều khiển và kết thúc tốt đẹp thánh Công Đồng chung Vatican II. Đức Gioan Phaolô I đã thu phục được cảm tình của dư luận thế giới bằng những bài thuyết giảng đơn sơ, phù hợp với đại chúng và bằng thái độ cử chỉ thân thiện gần gũi của ngài. Vì thế, người ta đã đặt cho ngài biệt danh: «Vị Giáo Hoàng mỉm cười.»

Nhưng tiếc thay, Đức Gioan Phaolô I đã đi vào lịch sử Giáo Hội như là vị «Giáo Hoàng 33 ngày». Vâng, vừa lên ngôi Giáo Hoàng mới 33 ngày, chưa kịp thi hành sứ vụ của mình thì Đức Gioan Phaolô I đã đột ngột qua đời. Có lẽ bộ máy hành chánh vĩ đại và vô cùng khó khăn phức tạp của giáo triều Vatican xem ra vượt sức một vị Mục Tử với tâm hồn đơn sơ, dễ thương và nhân hậu như Đức Gioan Phaolô I; thêm vào đó cả mặc cảm bị lẻ loi lạc lõng cũng hằng ám ảnh ngài.

Đứng trước cái chết như thế, các nhà văn viết tiểu thuyết với đầu óc tưởng tượng phong phú của họ đã đưa ra những giả thuyết đầy nghi vấn về cái chết đột ngột của Đức Gioan Phaolô I, như ông David Yallup trong cuốn tiểu thuyết của ông với nhan đề là «Im Namen Gottes» - (Nhân danh Thiên Chúa), một cuốn tiểu thuyết đã bán được hàng triệu ấn bản, cho rằng cái chết của Đức Gioan Phaolô I là do bị bỏ thuốc độc. Nhưng đây chỉ là một nghi vấn thiếu kiểm chứng, vì các bác sĩ y khoa đã chứng thực một cách khoa học và khách quan rằng đó cái chết tự nhiên, hậu quả của chứng đau tim.

3) Đức Gioan Phaolô II

Sau khi Đưc Gioan Phaolô I băng hà, dư luận bắt đầu nói đến hiện tượng «trong một năm: hai cơ mật viện, ba vị giáo Hoàng» và cũng vì cái chết đột ngột của Đức Gioan Phaolô I, nên vị Giáo Hoàng kế vị phải là:

• người trẻ trung, khoẽ mạnh,

• người có khả năng nắm vững được bộ máy hành chánh vô cùng nặng nề phức tạp của giáo triều cũng như các ĐHY làm việc trong đó.

Nhưng vì vào lúc bấy giờ không một vị Hồng Y người Ý nào hội đủ được các tiêu chuẩn trên để có thể chiếm được đa số phiếu, các Đức Hồng Y đã nghĩ ngay đến ĐHY Karol Wojtyla mới 58 tuổi, Tổng Giám Mục Krakau/Ba Lan và đã dồn phiếu cho ngài. Vào ngày 16.10.1978, sau 455 năm, lần đầu tiên một vị Hồng Y không phải người Ý đã lên ngôi Giáo Hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II.

«Anh chị em đừng sợ! Hãy mở rộng, vâng, hãy tháo bỏ mọi cửa ngõ cho Đức Kitô. Anh chị em hãy dẹp bỏ mọi ranh giới phân chia giữa các quốc gia!» đó là những lời đầy xác tín của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng đầu tiên bằng tiếng Ý của ngài, và qua đó Đức Tân Giáo Hoàng đến từ Ba Lan đã chiếm được con tim của dân chúng Roma.

Mặc dù về phương diện tôn giáo và luân lý, Đức Gioan Phaolô II được đánh giá là bảo thủ, nhưng về phương diện ngoại giao, chính trị và xã hội, v.v… ngài lại được đề cao là người thức thời, cởi mở, thông thoáng, hòa đồng và bình dân. Vì thế, ngài đã trở thành «ngôi sao của các phương diện truyền thông». Ngài tổ chức các cuộc tông du trên khắp thế giới, đến với mọi thành phần Dân Chúa ở từng góc cùng ngõ hẻm sang trọng hay bần cùng của các quốc gia. Chính Đức Gioan Phaolô II đã gây nên những tác động quyết định trong sự sụp đổ và giải thể của chế độ độc tài cộng sản ở Liên Sô và các nước Đông Âu.

Vào lúc 21g37 ngày 2.4.2005, sau gần 27 năm trên ngôi Giáo Hoàng điều khiển Giáo Hội hoàn vũ một cách quả quyết và xác tín giữa một thời đại đầy thách đố khó khăn với những trào lưu tục hóa, vô thần, bạo động, khủng bố, v.v… không ngừng đe dọa, Đức Gioan Phaolô II đã ra đi vào chốn vĩnh cửu như một kẻ chiến thắng giữa sự thuơng tiếc không nguôi của tất cả mọi người thiện tâm trên khắp thế giới, bất kể tôn giáo, chính trị, màu da, chủng tộc. Và tất cả đều đã nâng cao khẩu hiệu đầy ấn tượng trong ngày an táng của ngài: «Santo sibito!» - Hãy phong thánh cho ngài ngay!