(The Washington Post, 7/7/02)
Giới chức Hoa Kỳ đã kết luận rằng 10 tháng sau khi phát động cuộc chiến tranh, công tác quân sự của lực lượng chính quy Mỹ tại A Phú Hãn phần lớn đã kết thúc và những giao tranh còn lại hầu như đang được những toán nhỏ của lực lượng đặc biệt và các toán nhân viên tình báo CIA đảm trách.

Giai đoạn mới của cuộc chiến này tượng trưng cho một thay đổi chiến lược rõ rệt so với những hành xử quân sự của quân lực Mỹ chỉ mới hồi mùa xuân vừa qua, khi hàng ngàn quân chính quy bộ binh Mỹ tấn công những vị trí của al-Qaeda tại vùng thung lũng Shahikot và sau đó thực hiện những cuộc hành quân càn quét tiến sâu vào miền đông dọc theo biên giới với Pakistan.

Một sĩ quan cao cấp tham dự trong những giao tranh này nói rằng “Cuộc chiến quân sự nay xem như đã kết thúc”. Viên sĩ quan này nói tiếp rằng cuộc chiến tranh A Phú Hãn nay đang được tái áp dụng những phương pháp đã được sử dụng hồi tháng Mười, tháng Mười Một năm ngoái, khi những toán nhỏ của Lực Lượng Ðặc Biệt phát hiện mục tiêu cho phi cơ oanh kích và làm việc với quân A Phú Hãn. Những đơn vị này đã được huấn luyện đặc biệt để cùng hoạt động trong những công tác bí mật và làm việc sát cánh với tình báo CIA và quân bạn của nước ngoài, họ nhắm chủ yếu vào những công tác nhỏ để truy lùng các lãnh tụ Taliban tại miền nam A Phú Hãn và quân al- Qaeda đã từng lẩn trốn sang biên giới với Pakistan.

Một chuyên gia quân sự Mỹ về những hành quân này nói rằng “Hiện nay hầu như chỉ còn là một cuộc chiến trong bóng tối như tình thế bắt buộc phải như vậy.”

Tình Hình Không Thể Tiên Ðoán Ðược

Những nguồn tin này nhấn mạnh rằng tình hình tại A Phú Hãn hiện nay rất lõng lẻo và không thể tiên đoán gì được và rằng quân đội chính quy có thể sẽ trở lại vai trò quan yếu nếu chính quyền mới tại Kabul không thể thiết lập được sự kiểm soát toàn diện tại A Phú Hãn. Tình trạng bấp bênh của Tân Tổng Thống Hamid Karzai càng thêm rõ rệt ngày hôm qua với vụ ám sát ông Abdul Qadir, một trong ba phó tổng thống của ông ta, ngay giữa ban ngày.

Nhưng ý định hiện nay là hầu hết 7000 quân Mỹ tại nước này sẽ phải tiết giảm vai trò quân sự và đặt nặng vào vai trò chính trị, trên thực tế sẽ đóng vai trò một sự hiện diện trấn an để làm nao núng những ý đồ thử thách chính quyền Karzai và lực lượng quốc tế bảo vệ hòa bình đang có mặt tại Kabul.

Lực lượng chính quy sẽ không được rút lui trong thời gian ngắn sắp tới, theo lời các giới chức quân sự. Thay vào đó, các đơn vị của Sư Ðoàn 82 Nhảy Dù đang được điều động đến A Phú Hãn để thay cho những đơn vị của Sư Ðoàn 10 Miền Núi và Sư Ðòan 101 Nhảy Dù, và những đơn vị này có thể sẽ còn cần đến trong nhiều năm tới.

Một viên chức quốc phòng cao cấp nói “Ðây là một lực lượng phản công và có vai trò dằn mặt. Quân bảo an quốc tế sẽ không thể có mặt ở đây nếu không có các lực lượng này.”

Việc chuyển đổi chiến lược này không có nghĩa là Ngũ Giác Ðài nghĩ rằng nỗ lực chống khủng bố của họ tại A Phú Hãn đã chấm dứt, hoặc đã trở nên dễ dàng hành sử hơn xưa. Nhiều chuyên viên quốc phòng, kể cả những người từng tham vấn với Ngũ Giác Ðài trong việc điều hành cuộc chiến, nói rằng việc gia giảm giao tranh đã cho họ có cơ hội duyệt xét lại chiến lược của Hoa Kỳ và thực hiện những sửa đổi quan trọng trong chiến thuật và chính sách.

Milton Bearden, cựu trưởng cơ quan CIA tại Pakistan, một người có liên hệ trực tiếp trong cuộc kháng chiến của người A Phú Hãn chống lại quân xâm lược Nga Sô Viết trong thập niên 1980, nói rằng “Ðây là thời điểm để ngồi xuống, cởi bỏ áo giáp, và duyệt xét lại vị thế hiện tại của chúng ta.” Ông nói, trong số những việc cần xét lại, chính quyền Bush nên chấm dứt oanh kích A Phú Hãn, nơi có một vụ đánh bom lầm tại tỉnh Uruzgan tuần vừa qua.

Giới chức Hoa Kỳ đã được nhắc nhở về những khó khăn họ phải đối đầu trong những ngày vừa qua khi có vẻ như các nhóm sắc tộc Uzbeks và Tajik trong Liên Minh Phương Bắc đang sửa soạn đánh nhau tại thành phố phía bắc Mazar-e-Sharif. Một cuộc nội chiến địa phương này sắp bùng nổ chỉ tránh được sau những can thiệp trực tiếp và quyết liệt của các sĩ quan CIA, Lực Lượng Ðặc Biệt và chính quyền Karzai, theo tin của các giới chức Mỹ.

Một vài chuyên viên quân sự tiên đoán rằng giai đoạn chính trị mới này của cuộc chiến có thể trở nên đáng lo hơn những cuộc oanh kích đường trú quân của Taliban và đánh đuổi al-Qaeda ra khỏi nước hồi mùa đông vừa qua.

Andrew Krepincvich, một chiến lược gia về phòng thủ của cơ quan độc lập Center for Strategic and Budgetary Assessments và là một chuyên gia tham vấn thường xuyên cho Ngũ Giác Ðài, nói rằng “Tôi hơi bi quan, chúng ta đã thắng Giai Ðoạn Một của cuộc chiến, nhưng Giai Ðoạn Hai, trợ lực cho một chính quyền chuyển tiếp, là một loại hoạt động quân sự rất khó khăn.”

Quan điểm của đa số các chuyên viên quân sự và giới chức Hoa Kỳ rằng chính sách của Mỹ tại đây vẫn còn thích hợp. Nhưng hiện có một quan điểm thiểu số rất mạnh cho rằng Hoa Kỳ có thể đối diện với những sự cố thực sự tại A Phú Hãn, đặc biệt nếu họ thất bại trong chiến thuật một khi tình thế thay đổi.

Ðại Tá Hải Quân hồi hưu Larry Seaquist, một chuyên viên về chiến lược an ninh nói “Chúng ta có thể rơi dần vào tình thế bại trận, hiện không thấy có những dữ kiện tích cực nào rõ rệt”. Bằng chứng của một sự lõng lẻo trong chiến lược của Hoa Kỳ tại A Phú Hãn, ông ta và một vài người khác nhắc đến sự việc tuần vừa qua khi hơn 100 thường dân A Phú Hãn, theo lời giới chức A Phú Hãn, bị thương hoặc bị thiệt mạng do một vụ oanh kích của máy bay Mỹ nhắm vào nơi ẩn náu của Taliban. Ông nói “Quân chúng ta dường như đuổi theo từ nhiều hướng và dính vào nhiều vụ bắn lầm khác nhau,”

Những kẻ bi quan như Seaquist lo ngại về ba chiều hướng mà theo họ đều liên hệ đến vấn đề người Pashtuns, nhóm sắc tộc chính tại A Phú Hãn. Họ sợ rằng những chiều hướng này họp cùng nhau có thể trở nên rắc rối lớn cho Hoa Kỳ và các đồng minh tại A Phú Hãn và Pakistan.

Mullah Omar Ðang Ở Ðâu

Vấn đề thứ nhất là những ý kiến chống đối cảm nhận được do cuộc truy lùng đã nhiều tháng qua tại miền nam A Phú Hãn để tìm cho được Mohammed Omar và các lãnh tụ Taliban khác, vụ bắn lầm tại Uruzgan nhấn mạnh về những kết quả đang tan biến của nỗ lực này. John Warden, một chuyên gia Không Quân hồi hưu, người đã từng đóng vai trò quan trọng phác thảo kế hoạch không tập trong trận chiến vùng Vịnh năm 1991, nói rằng “Chúng ta dường như hiện đang làm những điều mang lại kết quả ít so với những phí tổn rất cao,”

Những người khác quan ngại rằng việc truy lùng các lãnh tụ Taliban tiếp tục chỉ vì có sự thay đổi chiến lược. Ðại Tá hồi hưu Robert Killebrew, một chuyên viên về chiến lược chiến thuật, cảnh cáo rằng “Chúng ta đang vướng vào những hiểm họa để cho cuộc tham chiến của chúng ta tan biến dần thành những xung đột chiến thuật liên tục mà không có một hành động quyết liệt nào,”

Chiều hường thứ hai là người Pashtuns vẫn nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đang tiếp tục hỗ trợ các chỉ huy Tajik và Uzbek, những thành phần nồng cốt của Liên Minh Phương Bắc, khiến cho những tham vọng đóng vai trò quan yếu trong chính quyền mới của người Pashtun nay gần như tan biến. Thật thế, qua cuộc họp của Ðại Nghị Viện loya jirga tháng vừa qua để chọn lựa một chính phủ mới cho A Phú Hãn, người Pashtun phàn nàn rằng người Tajik đã chiếm giữ quá nhiều chức bộ trưởng qua mặt họ.

Robert Templer, một giam đốc Á Châu của cơ quan International Crisis Group, một tổ chức ngăn chận xung đột, nói rằng “Hiện đang có nhiều mức độ chống đối khác thường trong số người Pashtun. Rất khó thấy được một nền hòa bình lâu dài dựa trên những dàn xếp chính trị đang diễn ra tại Kabul.” Những dàn xếp này càng bị đặt câu hỏi với vụ ám sát ông Abdul Qadir ngày hôm qua, ông ta là một trong số rất ít lãnh tụ Pashtun trong Liên Minh Phương Bắc và là người đã phản đối hồi tháng trước một việc mà ông ta cho rằng đại hội loya jirga đã kỳ thị nhóm sắc tộc của ông.

Templer tin rằng chính phủ Mỹ nên chấm dứt truy lùng quân al-Qaeda và Taliban và nhắm giải quyết những vấn đề khác. Ông ta nói “Tôi không nghĩ rằng Taliban và al-Qaeda sẽ còn là một vấn đề trong tương lai, nhưng những người khác tại A Phú Hãn sẽ là một sự cố,”

Bearden cảnh cáo rằng Hoa Kỳ vẫn có thể sẽ thua trận tại A Phú Hãn “nếu người Pashtun cả quyết rằng chúng ta là kẻ thù của họ, hoặc là một lực lượng thống trị.”

Hoa Kỳ Quan Tâm

Giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ quan tâm với những lo âu của người Pashtun. Thứ Trưởng Ngoại Giao Richard L. Armitage thú nhận trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viên gần đầy rằng “Hiện đang có nhiều người trong cộng đồng Pashtun nghĩ rằng họ đã mất ảnh hưởng, hoặc là họ đã không chiếm giữ được nhiều chức vụ trong chính phủ như họ hằng hy vọng”

Ðằng sau hậu trường, giới chức Mỹ nói, chính quyền Hoa Kỳ đã áp lực để hạn chế con số ghế bộ trưởng trong chính phủ mới dành cho người Tajik thuộc Liên Minh Phương Bắc.

Chiều hướng thứ ba liên quan đến người Pashtun là việc lan rộng cuộc chiến sang Pakistan mới đây, một chiến tuyến hiện đang được bàn luận cho là quan trọng hơn cuộc chiến tại A Phú Hãn. Những người sắc tộc ở dọc theo hai bên biên giới phần lớn là người Pashtun. Ở đây, cuộc chiến ở đây rất khó theo dõi hơn tại A Phú Hãn vì cả hai chính quyền Pakistan cũng như Mỹ không tiết lộ gì nhiều về những hoạt động quân sự của họ.

Nếu cuộc truy lùng đánh quân al-Qaeda của Pakistan mới đây rơi vào thất bại, thì nỗ lực của Mỹ trong vùng sẽ hoàn toàn tan vỡ, các chuyên viên đã cảnh cáo như vậy. Nhưng hỗ trợ nỗ lực của Pakistan như thế nào, vẫn còn là điều đang tranh cãi. Giới chức Pakistan tiết lộ tuần qua rằng quân đội Hoa Kỳ mới đây đã tức tốc tiếp viện những dụng cụ thám báo, kể cả năm trực thăng do thám tối tân, để giúp truy lùng các thành phần al-Qaeda. Một số quân Lực Lượng Ðặc Biệt và nhân viên CIA hiện đang làm việc với quân đội Pakistan tại vùng biên giới.

Sẽ còn cần thêm nhiều tiếp viện để tiến công, theo lời một vài chuyên viên. Ðại Tá hồi hưu Stephen Robinette khuyến cáo rằng, để ngăn chận việc các thành viên al-Qaeda chạy qua chạy lại vượt biên giới, Hoa Kỳ nên dời cuộc chiến sang Pakistan và khởi sự những đợt tấn kích bằng quân lính chính quy và trực thăng.

Nhiều người khác cho rằng một việc tham chiến công khai như vậy sẽ gây chống đối rất mạnh tại Pakistan và có thể sẽ làm suy sụp chế độ của tướng Pervez Musharraf. Ngay cả nếu không có sự leo thang can thiệp của Mỹ, các chuyên viên đã tiên đoán rằng Pakistan đang đối diện với những tấn công khủng bố, phần lớn nhắm vào ngoại kiều. Templer phỏng đoán rằng, những chiến dịch khủng bốâ này nếu không phaỉ do chính các thành phần al-Qaeda thực hiện thì cũng do họ tài trợ.

Ít người nghi ngờ rằng sự bất ổn của Pakistan sẽ tượng trưng cho một thất bại nghiêm trọng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến này. Nhà ngoại giao E. Wayne Merry nhấn mạnh rằng “Nếu Pakistan tan vỡ, khả năng của chúng ta truy lùng al-Qaeda trong vùng này sẽ tan vỡ theo.”

Ðể tránh điều này, ông Armitage mới đây nói với Quốc Hội rằng điều cần thiết là chúng ta cần phải thành công chống lại al-Qaeda tại APhú Hãn và Pakistan. Ông nói “Tôi không tin rằng chúng ta sẽ thật sự thành công nếu chúng ta không thành công tại cả hai nước này.”