SƠN LA - Tết này, chúng tôi đi Tây Bắc.

Mùa xuân Tây Bắc thật đẹp. Những cánh rừng bạt ngàn mầu trắng của hoa mận, hoa mơ. Những khóm đào trước hiên nhà bung nở những đoá hoa tạo nên một mầu hồng quyến rũ. Cả một khung trời bừng sáng với muôn sắc hoa.

Chúng tôi đi Tây Bắc trong phong thái nhẹ nhàng của những lữ khách du xuân, lòng háo hức chờ đợi được sống những giây phút hạnh phúc bên những con người chân chất thật thà nơi vùng cao nhiều biến động.

Sáng ba mươi tết, chúng tôi tới Sông Mon, một bản làng H’Mông thuộc xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, cách thành phố Sơn La khoảng 40Km. Đường vào Sông Mon dễ đi nhưng không dễ tới. Những ngày này, Sông Mon chìm trong sương mù nên đường trơn và lạnh cóng. Những cánh rừng nguyên sinh phả ra cái lạnh tái tê. Đoạn đường từ quốc lộ vào bản chỉ dài 8km, nhưng lại là đoạn đường thử thách cho những khách bộ hành. Đèo cao, đường hẹp, trơn, chiếc xe máy chở chúng tôi cứ chốc chốc lại tự quay đầu, làm một vòng như muốn đưa người xuống núi.

Chúng tôi tới chân bản cũng là lúc ánh nắng bắt đầu xuyên được qua những tán cây rừng. Bên bìa rừng anh công an bản Sông Mon - Vàng A Pủa, như từ trời rơi xuống chặn đường chúng tôi, dò xét. Sau khi nắn sờ những thứ hàng cồng kềnh chúng tôi mang theo mình, anh hỏi chúng tôi lên bản làm gì? Chúng tôi thật thà nêu lý do lên bản thăm người thân dịp tết và được anh cặn kẽ chỉ đường. Anh còn bảo chúng tôi anh sẽ đi gọi người mà chúng tôi cần gặp.

Chúng tôi theo anh lên bản. Anh đi trước, chúng tôi theo sau. Mọi người ai cũng háo hức bước theo anh với lòng biết ơn Thượng đế đã gửi đến cho mình một người dẫn đường.

Bản Sông Mon nằm tận đỉnh của một ngọn núi cao bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh. Những năm qua, chúng tôi đã đi nhiều bản làng, nhưng đây là lần đầu chúng tôi tới một bản làng như vậy: lạnh, ẩm và đầy mùi tử khí. Những đứa trẻ áo quần rách rưới, những ngôi nhà tồi tàn, những ánh mắt dò xét làm chúng tôi chột dạ.

Cả bản chỉ gồm 24 hộ gia đình nhưng có gần ba trăm nhân khẩu. Trước đây, Sông Mon là một bản công giáo toàn tòng. Hiện nay, cả bản chỉ còn hai gia đình giữ đạo. Đây là hai gia đình nghèo nhất trong bản. Ngôi nhà họ ở tuềnh toàng, rách nát, với những tấm liếp mà người ta có thể quan sát được sinh hoạt của gia đình từ bên ngoài.

Khi chúng tôi vừa bước vào nhà thăm họ, thì cũng là lúc anh công an xã Vàng A Pủa dẫn theo khoảng hơn chục dân quân bao vây ngôi nhà. Anh ngồi bên bếp lửa nghe chuyện, với vẻ đĩnh đạc của một quan chức vùng cao. Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã trịnh trọng thông báo quyết định của công an huyện Mai Sơn rằng “vào dịp Noel và tết, bất cứ người lạ mặt nào vào bản thì phải kiểm tra giấy tờ bởi vì dịp này có nhiều kẻ xấu lợi dụng truyền bá đạo trái phép”. Sau khi bị chúng tôi phản ứng dữ dội về việc anh đang vi phạm quyền tự do đi lại của người dân, thì anh cho biết: “Ở đây, nó là vậy. Tao có quyền. Công an huyện chỉ thị như thế nên phải thi hành. Nếu không cho kiểm tra giấy tờ thì xã có trách nhiệm giữ lại chuyển về công an huyện”. Chúng tôi bảo anh: “Chúng tao đâu có muốn lên bản. Lúc nãy, chúng tao gặp mày ở bìa rừng, chúng tao không muốn lên, chính mày mời chúng tao lên chơi. Bây giờ mày lại bắt chúng tao là thế nào. Chúng tao không phải người xấu”. Biết gặp phải chuyện dữ, chúng tôi đánh bài chuồn, bằng cách để lại bản một người anh em có hộ khẩu Sơn La làm con tin.

Chúng tôi xuống núi cùng một người công giáo theo sau. Trên đường đi, anh kể nhiều cho chúng tôi về đời sống đức tin của người công giáo tại đây. Trước đây, cả bản đều có đạo. Nhưng, những năm qua, trong chiến dịch đàn áp những người công giáo, chính quyền huyện Mai Sơn đã tìm mọi cách để triệt tiêu họ. Anh kể, vào lúc cao điểm của cuộc trấn áp, chính quyền Mai Sơn đã mang lại vào bản và đưa tới từng nhà những “bàn thờ ma”, treo lên và gỡ bàn thờ Chúa xuống đốt đi. Trước đây, khi còn theo đạo, cuộc sống của bản làng thật an vui, nhưng từ ngày chính quyền Mai Sơn thành công trong việc đưa những hủ tục về lại bản làng thì đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn. Tệ nạn cúng ma khi có người chết trong nhà khiến cuộc sống đã nghèo lại càng thêm nghèo khổ. Riêng đối với hai gia đình nhất quyết không chịu bỏ đạo, chính quyền Mai Sơn tiếp tục đàn áp bằng cách cắt hết mọi khoản trợ cấp theo diện chính sách và bị mọi người cô lập ngay trên chính mảnh đất của mình. Nhiều lần họ chuyển nhà ra khỏi bản nhưng đều bị chính quyền ngăn chặn. Theo người giáo dân này cho biết, họ không thể chuyển nhà đi, bởi chủ trương của chính quyền là chỉ muốn xoá sạch dấu vết của người có đạo. Chúng tôi hỏi anh theo đạo khổ thế sao không bỏ đạo? Anh trả lời chúng tôi bằng một câu hỏi và một sự giãi bày: “Theo đạo là tốt tại sao phải bỏ? Vì khổ mà bỏ một điều tốt thì còn khổ hơn. Tao khổ quen rồi”.

Nhìn dáng anh mạnh mẽ quay ngược về bản sau khi tiễn chúng tôi tới bìa rừng, khiến chúng tôi trào nước mắt. Câu nói đanh thép “vì khổ mà bỏ một điều tốt thì còn khổ hơn” tiếp tục theo chúng tôi về nhà.

Trên đường về lớp lớp câu hỏi cứ xoắn lấy chúng tôi:

Phải chăng nơi anh, sự thiện đã thắng được sự ác?

Phải chăng nơi núi rừng Tây Bắc tiếng vọng kinh nguyện của những con người bị bách hại không đến được tai Chúa và Hội thánh của Người?

Những con người này họ có tội gì? Tội dám bỏ đi những hủ tục, lạc hậu, tốn kém? Tội dám công khai bày tỏ đức tin trong khi nhà nước Sơn La chủ trương chỉ được “tu tại gia” và trong khi các đảng viên cộng sản chủ chốt từ trung ương tới địa phương chỉ dám “dấm dúi với thần thánh” và khi bị phát hiện thì la toáng lên rằng chúng tôi là người theo chủ thuyết vô thần?

Câu nói “Độc lập (trừ) Tự do (trừ) Hạnh phúc” thật đúng với Sông Mon. Ở đây, nơi vùng đất này, người ta được tự do áp đặt mọi thứ luật lệ nhắm bách hại người tín hữu. Ở đây, chính quyền địa phương đang thực hiện một cách xuất sắc chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Sơn La, nhưng ở đây cũng có một “số sót” đang âm thầm, chấp nhận chịu bách hại để giữ lại một chút gì là đức tin, là lòng thành kính với Chúa Trời.

Chúng tôi thoát khỏi Sông Mon vừa lúc mặt trời bị một đám mây che khuất. Từ đỉnh đèo ngắm con đường ngoằn ngoèo trước mặt tự hỏi sứ mạng truyền giáo Chúa giao tại vùng đất này sẽ đi đâu?

Ngày 01/02/2009