Thu phục ở góc độ xã hội và nhân văn là làm cho người ta cảm phục điều hay lẽ phải mình đang có mà theo về với mình. Thu phục có sự chủ động từ phía người đi thu phục với động cơ rất trong sáng. Nhưng để có thể thu phục được, còn phải có sự hợp tác một cách tự nguyện từ phía người được thu phục. Đối với một ác nhân, là kẻ đang mang trong mình tội lỗi, việc thu phục còn đòi hỏi kẻ này phải nhận ra chân lý, nhận biết lỗi lầm, phải sám hối tội lỗi, phải cải tà qui chính. Thu phục sẽ không có kết quả nếu chỉ đến từ một phía.

Thu phục ở góc độ trong sáng nhất, nhân bản nhất, thường gắn với các tôn giáo. Giáo sử của tôn giáo nào cũng có ghi nhận về sự thu phục nhân tâm của các vị giáo tổ đối với con người, và cả đối với ác nhân. Nhưng qui luật muốn thu phục thành công, phải có sự cộng tác từ hai phía không thay đổi.

Phật giáo ghi nhận Phật Tổ thu phục được cả nghiệt chủng, nghiệt súc… Nhưng có khi Phật Tổ cũng phải bó tay với một đạo sĩ cả đời chẳng làm hại đến ai: Chuyện kể lại rằng một lần đi giảng đạo, Phật Tổ cùng với hai học trò Anam và Cadiếc, lúc đó theo thầy mà chưa phục lắm, có lẽ thấy hay hay và được nuôi ăn mà theo. Đến một bờ sông. Trong khi chờ đò thì gặp một đạo sĩ ngồi thiền ở gốc cây đa. Phật Tổ hỏi chuyện vị đạo sĩ và đàm đạo về lẽ sống ở đời ý muốn thu phục… Nhưng vị đạo sĩ có vẻ không hiểu ý và luôn lái câu chuyện về việc tu luyện của mình. Vị đạo sĩ này kể về cuộc đời tu luyện 40 năm qua, không làm chết một ngon cỏ, không làm đau một con kiến… Phật tổ mới hỏi: 40 năm tu luyện ngài làm được những gì? Vị đạo sĩ trả lời: Tôi có thể đi trên mặt nước – Nói đoạn liền bay người chạy lướt trên sông sang bờ bên và trở lại trong phút chốc. Hai học trò của Phật Tổ lấy làm khâm phục lắm. Phật Tổ không nói gì vừa lúc đò ngang cập bến, Ngài cùng hai học trò xuống đò qua sông. Lên bờ bên Ngài hỏi người chèo đò hết bao nhiêu tiền? người lái đò xin 3 xu cho ba thầy trò. Phật Tổ trả tiền rồi nói với hai thầy Anam - Cadiếc rằng: Tu 40 năm mà chỉ làm được cái việc đáng 1 xu 1 lần. Hai thầy bỗng ngộ ra và bị thu phục hoàn toàn bởi những gì Phật Tổ truyền dạy… Còn vị đạo sĩ vẫn ngồi đó dưới gốc cây đa, không làm đau con kiến, không làm chết ngon cỏ… Nhưng chẳng theo Phật vì Ngài không thể thu phục được một người chẳng hại đến ai, chẳng nghe ai nói, việc mình-mình làm, ý mình-mình phải…

Cuộc đời giảng đạo của Chúa Giê Su thì rất sống động với không biết bao nhiêu phép lạ khiến ai dù có cứng lòng mà không thể không tin. Mỗi bước chân Ngài là một câu chuyện ẩn chứa nhiều nghĩa mà con người ngày nay còn chưa khám phá hết. Vậy mà có lúc Ngài cũng bó tay với ngay cả một người ngay lành giữ sạch các điều răn mà Chúa Cha khi xưa truyền xuống. Đó là anh nhà giầu nhưng sống ngay lành, giữ nghiêm luật Chúa mà vẫn chưa yên tâm, đến gặp Thầy Giêsu mà hỏi rằng: Thưa thầy tôi đã giữ hết các giới luật, tôi còn phải làm gì để vào nước Chúa? Chúa Giê Su nhìn anh rất yêu thương và thân thiện mà trả lời: Anh hãy về bán hết của lả, chia cho người nghèo rồi đi theo ta – Anh nhà giầu ngay lành buồn bã bỏ đi và không thể làm như Chúa phán.

Một người ngay lành giữ đủ giới luật, một vị đạo sĩ chẳng hại đến ngọn cỏ con kiến mà chân lý vĩnh cửu không thể thu phục được nếu họ không muốn. Phương chi ác nhân đang mang trên mình đủ thứ tỗi lỗi, lại đang nắm giữ tiền bạc quyền lực sinh sát, đang hưởng thụ sa hoa… Mà thu phục được họ thì khó đến nhường nào??? Đương nhiên việc khó khăn này không thể là nguyên cớ để loại trừ chân lý thu phục với bất cứ ai… Ai cũng có quyền nhận được tiếng gọi đi theo chân lý, cải tà qui chính… Chỉ cần họ nghe theo tiếng gọi lương tâm để hướng thiện, phục thiện là Thượng Đế sẽ tha thứ lỗi lầm đón nhận họ như một lương dân của Ngài. Dân lành cũng vui mừng khôn xiết bởi bớt đi tai hoạ và có thêm người anh em…

Nói về lý luận và những việc làm của người cộng sản có lẽ không ai có thể bưng bít hay biện minh được tính chất phi lý cùng với những tội ác của cộng sản mà lịch sử đã lưu giữ… Nếu có chính nghĩa sáng ngời, mà csvn lại phải cải tổ cải cách theo “tà nghĩa tối tăm” thì thật là vô lý và ngu xuẩn. Những câu nói như thế trong xã hội văn minh ngày nay như là tự vạch mặt, tự tố cáo mình mà thôi. Không còn lừa dối được ai nữa, nhưng nó làm tổn thương đến nhiều người, nhất là những nạn nhân của chế độ cộng sản Việt Nam. Phát ngôn câu nói đó, csvn dập tắt mọi hy vọng của người ngay lành về khả năng phục thiện của người cộng sản Việt Nam.

Chưa có tôn giáo nào lại đặt người anh em dù là lạc lối là kẻ thù của mình cả. Với Công Giáo lại càng ngặt nghèo chuyện này. Luân lý Công Giáo buộc giáo dân tu sĩ phải yêu thương người anh em cộng sản của mình cho dù họ đã, đang xuống tay đàn áp bạo ngược… Lúc đầu người cộng sản lấy làm ngạc nhiên lúc sau họ nghi ngờ cho rằng đây là một thủ đoạn gì chăng? Nhưng sau hết họ sẽ phải thừa nhận chân lý. Nếu cuộc đời ngắn ngủi của một cá nhân chưa đủ để ngộ ra chân lý, thế hệ kế tiếp, thừa kế… sẽ nhận ra chân lý, không có con đường nào khác, cũng không có ngoại lệ.

Đức nhẫn nhịn, đức hy sinh, đức khoan dung Kitô Giáo chưa bao giờ có điểm gới hạn cả. Nhưng nó luôn song hành với nghĩa vụ trách nhiệm mở dậy ngu muội, bảo vệ công lý của tu sĩ giáo dân Công Giáo. Nghĩa vụ này có trường hợp gắn với sinh mạng của tu sĩ giáo dân Công Giáo chứ không chỉ là công việc nên làm. Giáo luật Công Giáo đối với các tu sĩ, giáo dân là bất khả xâm phạm. Nếu có xung đột giữa Luật Đời và Luật Đạo, người Công Giáo sẽ chọn Luật Đạo cho các hành vi của mình, chứ không phải như ông thủ tướng Nguyên Tấn Dũng hăm he đe doạ Luật Đạo không được trên Luật nhà nước csvn đâu. Chính vì thế mà Công Giáo Việt Nam đã có hàng vạn thánh tử đạo… Không chỉ Công Giáo, mà bất cứ tôn giáo nào đều hành xử như thế, ông Nguyễn Tấn Dũng hãy đọc lại sử.

Ngày 27/06/2009 Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có lời phát biểu trước hàng Giám Mục Việt Nam gây xúc động cho nhiều người, trong đó có cả đảng viên cộng sản Việt Nam:

"Sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là có thể thực hiện được… Giáo hội không tìm bất cứ cách nào để thay thế những người có trách nhiệm cai trị mà chỉ mong muốn, trên tinh thần đối thoại, hợp tác và tôn trọng để có được vai trò chính đáng trong đời sống quốc gia nhằm phục vụ mọi người... Tôi thấy cần nhấn mạnh rằng các tôn giáo không phải là một nguy hiểm cho tình đoàn kết quốc gia, vì các tôn giáo nhắm giúp mỗi người tự thánh hóa, và qua các tổ chức của mình, các tôn giáo mong muốn quảng đại phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi” - Đức Giáo hoàng cũng nói: Giáo hội và các con chiên có thể làm việc một cách trung thành để tạo ra một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng.

Niềm hy vọng lớn lao về đối thoại giữa các tôn giáo và csvn cho một nền hoà bình, công lý được thực thi trên quê hương Việt Nam lại được mở ra. Người ta hy vọng cuộc đối thoại này sẽ kết thúc trong hoà bình và công lý. Vì công lý chỉ được viên mãn trong môi trường hoà bình. Hoà bình chỉ bền vững và có thật khi công lý được thực thi.

Chỉ có Thượng Đế mới biết hết được csvn nghĩ gì trước lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng. Tu sĩ giáo dân các tôn giáo ở Việt Nam đã quá mệt mỏi với những suy đoán về phản ứng của người cộng sản trước các tình huống… Quá mệt mỏi với sự lật lọng phản trắc của người cộng sản từ các cuộc đàm phán trong quá khứ… Nhưng người cộng sản chẳng qua cũng là con người của thụ tạo. Họ không thể tự có, họ cũng không thể muôn năm trong cái vũ trụ tồn tại hữu năm này được. Không biết được điều này đã là một bất hạnh. Biết được điều này mà không có hành xử, thì còn bất hạnh hơn. Chỉ có người cộng sản mới làm cho việc chân lý thu phục họ đến được thành công mà thôi. Nhân loại hãy chờ xem những việc cộng sản làm.