THÀI BÌNH - Thứ Ba (16/11/2010), Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ đã đến viếng thăm đoàn chiên giáo xứ Ninh Cù, với tư cách chủ chăn giáo phận. Đây là chuyến viếng thăm cuối cùng trong tổng số 102 giáo xứ thuộc 6 giáo hạt, giáo phận Thái Bình. Như vậy, từ ngày về coi sóc giáo phận Thái Bình (09/09/2009) đến ngày hôm nay 16/11/2010, Đức cha Phê rô đã thực hiện hết hành trình mục vụ của năm 2010 là đến viếng thăm từng đoàn chiên, từng giáo xứ toàn giáo phận. Dự định những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2011 ngài sẽ viếng thăm các họ lẻ thuộc 102 giáo xứ trong toàn giáo phận.

Đôi dòng lược sử giáo xứ Ninh Cù

Giáo xứ Ninh Cù cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 40km về hướng đông bắc, tọa lạc bên dòng sông Hóa, ranh giới giữa giáo phận Thái Bình và Hải Phòng, thuộc xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Căn cứ vào lịch sử lập xứ Kẻ Bái (nay là giáo xứ Bồ Ngọc) thì Ninh Cù cũng gọi là Kẻ Hệ, đã được đón nhận Đức Tin đạo Chúa từ đời vua Lê Thần Tông, đầu thế kỷ thứ XVIII (1704). Lúc đầu Ninh Cù là một họ lẻ thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ hồn xác lên trời làm quan thày giáo xứ. Có lẽ Ninh Cù trở thành giáo xứ vào đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1721 cha chính Bá (Bartolomeo Sabuquillo) đã coi sóc xứ Kẻ Hệ. Khoảng giữa thế kỷ thứ 19 (1852-1857), Đức cha thánh An (J.M. Diaz Sanjujo) đã lập một nữ tu viện dòng Đaminh tại Ninh Cù. Đầu thế kỷ thứ 20, Ninh Cù có một nhà thương do các nữ tu chăm sóc cho những người già lão bệnh tật cô đơn, không có người thân thuộc, không phân biệt lương giáo. Thời bách đạo, tín hữu Ninh Cù rất trung kiên giữ vững Đức Tin, đã đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình 18 vị hiền phúc tử đạo.

Trước kia, Ninh Cù có tới 10 họ lẻ. Sau đó được cắt bớt để thành lập các xứ mới. Ngày nay Ninh Cù còn 2 họ lẻ là họ Minh Đức và họ An Bài. Trước năm 1954, Ninh Cù là một xứ đạo đông giáo dân, sầm uất một thời. Cũng chính vì thế nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều hạt giống ơn gọi cho cánh đồng truyền giáo của Chúa. Gần hai chục linh mục, tu sĩ gốc Ninh Cù đang phục vụ các nơi trong nước cũng như nước ngoài. Giáo xứ Ninh Cù hiện nay có khoảng hơn 700 nhân danh; họ nhà xứ khoảng 30 nhân danh, họ Minh Đức khoảng 600 nhân danh và họ An Bài khoảng 80 nhân danh, dưới sự quản nhiệm của cha Phê rô Đinh Văn Hùng. Ngôi thánh đường kiến trúc kiểu Á-Đông bằng gỗ, lợp ngói, tường xây gạch rất cao to và thoáng mát được xây dựng từ năm 1938, với tổng diện tích 490m2, bàn tòa sơn son thếp vàng. Ngôi thánh đường ngâm mình trong mưa nắng và chịu đựng trong chiến tranh nên đã bị xuống cấp, giáo xứ đã trùng tu lại, đến nay ngôi thánh đường vẫn hiên ngang đứng vững. Hai tháp chuông cao đối xứng nhau làm cho toàn cảnh tạo nên một công trình Đức Tin nổi lên giữa làng của miền quê lúa, sớm tối vẫn vang vọng lời kinh nguyện cầu.

Ninh Cù đón chủ chăn giáo phận

Sau hơn một năm về coi sóc giáo phận Thái Bình, Đức cha đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc đoàn chiên các giáo xứ. Hôm nay là giáo xứ cuối cùng của 102 giáo xứ trong chương trình mục vụ của Đức cha trong năm 2010. Mặc dù giáo xứ ít người, hẻo lánh, xa Tòa giám mục, đường xá đi lại rất khó khăn, nhưng ngày hôm nay Ninh Cù vẫn dành cho Đức cha giáo phận một tình cảm thật đơn sơ, chất phác. Cha quản xứ Phê rô Đinh Văn Hùng và đoàn tây nhạc của giáo họ Minh Đức, ca đoàn họ Minh Đức và một vài đoàn hội của giáo xứ ra đón Đức cha tại cổng vào nhà thờ. Sau khi viếng Chúa Thánh Thể xong, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn nơi đây về các hoạt động của giáo phận trong thời gian qua, cũng như đường hướng cho năm tới và nhất là các lễ lớn cấp giáo phận sắp được diễn ra.

Sau khi gặp gỡ và chia sẻ với đoàn chiên Ninh Cù về tình hình chung của giáo phận, 17 giờ 30 Đức cha chủ sự thánh lễ đồng tế. Lời Chúa cũng như những tâm tình của vị chủ chăn giáo phận, được Đức cha quảng diễn xoay quanh chủ đề những thế hệ trẻ, là hậu duệ của các tiền nhân, kế thừa một gia tài Đức Tin quý giá và cả một ngôi thánh đường nguy nga, rộng rãi, thoáng mát vẫn còn in đậm dấu ấn của biết bao mồ hôi, nước mắt và những hi sinh xương máu của các đấng bậc, các tiền nhân. Các ngài đã chấp nhận tất cả để đổi lại một kho tàng Đức Tin lưu truyền cho con cháu, đồng thời giữ gìn được ngôi thánh đường tồn tại đến hôm nay.

Trước khi Đức giám mục ban phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện giáo dân xú Ninh Cù cám ơn Đức cha và quý cha đã tới thăm và làm mục vụ cho đoàn chiên nơi đây. Thật cảm động khi lời cám ơn đó chất chứa cả một nỗi lo của một giáo xứ vùng sâu vùng xa, nhất là họ nhà xứ còn quá ít người. Hy vọng với sức mạnh của các chứng nhân anh dũng đã đổ máu mình ra để xây dựng nên quê hương giáo xứ Ninh Cù, các ngài sẽ luôn cầu thay nguyện giúp trước tòa Thiên Chúa, chắc chắn Ninh Cù sẽ vững bước tiến lên cả về đời sống thiêng liêng lẫn đời sống hằng ngày, để tình yêu của Chúa được lan tỏa đến nhiều người chung quanh.