Thời giờ trong đời sống

Ngày tháng năm cũ qua đi. Nhưng dòng sông đời sống vẫn tiếp tục chảy trôi trong thời gian năm mới đang tới.

Năm hết, tháng ngày thời gian năm cũ dần đi vào qúa khứ. Nhưng không vì thế mà lịch sử nếp sống văn hóa, gía trị cùng kinh nghiệm đời sống của con người bị chìm trôi vào quên lãng.

Giờ phút ngày tháng năm cũ theo quy trình của vòng luân chuyển trong vũ trụ đi lui vào đàng sau, nhường chỗ cho thời gian ngày tháng năm mới xuất hiện, tương lai mới mở ra. Nhưng không vì thế mà con người không còn trách nhiệm gì về đời sống đã qua của mình.

Vào những ngày cuối tháng Chạp năm cũ sắp hết, theo phong tục tập quán nền văn hóa âm lịch bên Á Đông, mọi người dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn đón mừng năm mới khởi đầu từ ngày Mồng Một Tết nguyên đán.

Phong tục tập quán văn hóa này trải rộng đến nhiều khía cạnh đời sống con người.

1. Nhớ đến người đã qúa vãng

Tập tục văn hóa đón mừng năm mới không chỉ chú ý đến sinh hoạt cho người còn đang sống, nhưng còn cho cả người đã qua đời. Vì thế, ở những vùng nơi thuận tiện, con cháu đến viếng phần mộ Ông Bà, Cha Mẹ, người thân đã qua đời.

Sự thăm viếng không chỉ dừng lại ở dọn dẹp quyét lá cây cho sạch sẽ, cũng không chỉ đốt lên cây nến, thắp nén nhang hương hay cắm bông hoa nơi phần mộ. Nhưng còn hơn thế nữa.

Trứơc nấm mồ nhớ ôn nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa đã cùng chung sống trải qua với người đã qua đời và đọc kinh cầu nguyện cho họ. Đây là việc tốt lành thánh đức, cùng biểu lộ tinh thần nếp sống lòng hiếu thảo biết ơn nhau. Dù người đã qua đời chôn nằm sâu kín trong lòng đất hay đã thiêu đốt ra tro bụi, người còn đang sống và người đã qua đời vẫn hằng cùng liên kết với nhau.

Theo tục lệ trong dân gian có ca vè quy định: Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy. Tập tục tốt lành thánh đức này thể hiện tấm chân tình lòng hiếu thảo biết ơn con cái với cha mẹ đã sinh thành nuôi dậy ta nên người, với thầy cô đã khai tâm dậy dỗ ta biết đọc, biết viết.

Từ khi đạo đức tin đạo Công giáo được loan truyền vào đời sống xã hội Việt Nam cách đây hơn 350 năm, Giáo Hội đã khuyến khích người tín hữu Công giáo Việt Nam dành ngày Mồng Hai Tết kính nhớ cầu nguyện cho Tổ Tiên, cho những người thân yêu đã qua đời.

Ăn Tết vui mừng đón Xuân mới, nhưng không quên người đã khuất núi trong gia đình.

Những ngày cuối năm cũ bước sang năm mới cũng là thời gian thuận tiện nhìn lại qúa khứ và nhìn hướng về tương lai đang tới, và đó cũng là nếp sống tập quán văn hóa của con người.

Có nhiều cách lối nhìn lại ngày xưa và nhìn hướng về ngày mai. Một trong những cách lối đó là tìm trong lịch sử đời sống những mẫu cách thế sống của con người. Và từ đó rút ra kinh nghiệm bài học cho tương lai.

2. Những mẫu đời sống trong dòng lịch sử qúa khứ

Đời sống con người đi đôi gắn liền với lịch sử phát triển trong xã hội.

Ở Thời thượng cổ (Antique), mẫu homo ludens – người ham sống vui chơi lấy cơm bánh cùng sự giải trí vui thích làm chính yếu - nếp sống này được ưa chuộng phổ biến rộng rãi trong dân gian. Có lẽ những tập tục lễ hội mừng ở đình làng, thi đấu tranh giải của người thời thượng cổ ngày xưa thể hiện mẫu sống này.

Sang thời Trung cổ ( Mittelalter), mẫu Homo viator - người hầu như luôn luôn di chuyển đi đó đây - nếp sống này rất thịnh hành. Có lẽ vì thế, vào thời Trung cổ có nhiều nơi chốn hành hương thăm viếng hầu đáp ứng nhu cầu cho con người!

Đến thời Phục hưng ( Renaissance) xuất hiện nếp sống mẫu lý tưởng Homo eruditus - mẫu người học hành cao thông thái, có nhiều phát minh sáng tạo. Nếp sống phát triển sáng tạo trong đời sống đóng vai trò chủ yếu được cổ võ.

Sau khi phát minh máy chạy bằng hơi nước ra đời cùng những phương tiện kỹ thuật cơ khí được tìm tòi sáng chế phát triển giúp đời sống tiến triển, xuất hiện mẫu Homo faber – mẫu người hành nghề kỹ thuật cơ khí tay chân phù hợp với phát minh sáng tạo. Và từ đó nảy sinh Homo oeconomicus - người sản xuất buôn bán làm kinh tế - đứng vào hàng trọng yếu hàng đầu.

Thời chiến tranh loạn lạc biểu hiện qua hai trận chiến tranh thế giới là thời kỳ đen tối của thế giới, mẫu Homo lupus - người hung dữ bạo tàn như chó sói – làm bá chủ đe dọa tàn phá đời sống nhân loại. Mẫu sống này bị nhân loại xưa nay lên án lọai bỏ.

3. Những mẫu đời sống trong dòng lịch sử hiện tại

Dòng sông lịch sử đời sống có nhiều biến chuyển nhanh lẹ, vì thế chưa có thể có câu trả lời chính xác đầy đủ được về mẫu đời sống như thời qúa khứ đã qua.

Dẫu vậy, người ta có thể dựa trên những ảnh hưởng của truyền thông nơi con người, tìm đặt tên cho con người thời đại mới là Homo medialis. Phương tiện truyền thông ngày càng có nhiều phát minh mới cũng phổ thông phổ cập khắp nơi từng giờ phút. Màn ảnh truyền hình, màn ảnh máy vi tính chuyển tải làm nổi bật hiển thị vùng làng thành thị cùng những biến cố khắp nơi trên thế giới luôn thời sự đến từng phòng làm việc, phòng khách mọi tư gia và cả lúc đi dọc đường nữa.

Giáo Hội Công giáo cũng khuyến khích dùng phương tiện truyền thông hiện đại chuyển tải loan truyền sứ điệp Lời Chúa đến cho mọi người ở khắp nơi.

Mẫu Homo consumptor là mẫu nếp sống tiêu thụ trong thời xã hội ngày hôm nay đang được khuyến khích cho việc phát triển nền kinh tế đời sống phúc lợi xã hội, và cùng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lẫn nhu cầu tâm lý con người.

Nhu cầu cuộc sống ngày càng có nhiều thay đổi nhanh lẹ, nên xuất hiện mẫu Homo festinans - mẫu người sống vội vàng hấp tấp – đó đây chúng ta thường nghe nói than thở: bận lắm, không có thời giờ, hầu như lúc nào họ cũng phải xem đồng hồ.

Phát minh phương tiện kỹ thuật mới giúp gỉam bớt sức lực cùng thời giờ cho con người, nhưng trái lại Homo contemporalis - người thời hiện đại - lại luôn phải sống vội vã như luôn thiếu thời giờ.

Phải chăng là điều trái ngược nhau? Vì một bên con người thời hiện tại ngày nay vui mừng vì tiến bộ kỹ thuật mới giúp đời sống nhẹ nhàng dễ chịu thanh thản hơn, nhưng đàng khác họ lại luôn luôn than phiền về thiếu thời giờ trong đời sống.

4. Mẫu đời sống tinh thần tôn giáo

So với mẫu sống thời hiện tại, trong Kinh Thánh hầu như không tìm thấy mẫu đời sống vội vàng hấp tấp.

Mẫu Homo biblicus - người trong Kinh Thánh - không vội vàng hấp tấp. Đời sống của họ tỏa ra nét thanh thản có đủ thời giờ, như trong Phúc âm diễn tả con ngưòi tôn giáo có thời giờ đến gặp nghe Chúa Giêsu giảng dậy. Họ đến với Chúa Giêsu từ nơi miền vùng xa cùng lưu lại với Chúa Giêsu nhiều ngày, đến nỗi chính Chúa Giêsu phải lo cho họ ăn uống để khỏi bị đói ( Mt 4,25; Mc 8,1-3).

Thời giờ là qùa tặng qúy gía của Trời cao ban cho con người trải qua mọi dòng thời gian lịch sử đời sống. Mỗi mẫu cách thế sống xưa nay của con người thời đại đều thể hiện gắn liền với thời giờ. Dùng thời giờ cho đúng sẽ giúp đời sống phát triển trọn vẹn đầy đủ nhân cách cùng gía trị đời sống.

Trong chiều hướng đó, Thánh Phaolo đã nhắn nhủ con người: Anh em hãy thận trọng xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng như người khôn ngoan biết dùng thời giờ cho đúng. ( Epheso 5,15).

************

Năm mới chúng ta cầu chúc nhau sức khoẻ, thành công, cùng Phúc lành của Thiên Chúa, Đấng là chủ đời sống và thời giờ năm mới.

Ngoài ra, còn xin kính chúc mọi người như Homo Biblicus, dùng thời giờ phát triển đời sống tâm linh cho mình, cho người khác và cho Thiên Chúa.

Chúc mừng Năm Mới Tân Mão