Ngài nói: "Chúng tôi muốn mở lại cánh cửa đối thoại và hòa bình"

Seoul – Đức Tổng Giám mục Iginus Kim Hee-jong, Tổng giáo phận Quang Du (Kwanju), sẽ viếng thăm Bắc Triều Tiên ngày 21-9, và sẽ cầm đầu phái đoàn gồm bảy nhà lãnh đạo tôn giáo, thành viên của "Hội đồng tôn giáo Hàn Quốc vì hòa bình" (KCRP), mà Đức Tổng Giám Mục là Chủ tịch.

Ngài giải thích với hãng tin Fides trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, chuyến thăm này “nhằm mở lại cánh cửa đối thoại và hòa bình, một mối quan hệ mà tất cả chúng ta đều hy vọng, từ Bắc đến Nam", trong một giai đoạn rất khó khăn trong các hiệp định quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó "mọi kênh đều bị đóng".

Trên thực tế, các mối quan hệ đã ở mức thấp lịch sử gần một năm, sau tai nạn tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc (bị đánh chìm bởi ngư lôi Bắc Triều Tiên hồi tháng 4-2010), sự cố này gây ra cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự, và hệ quả là vụ ném bom vào đảo Yeonpyeong của Bắc Triều Tiên (Tháng 11-2010).

Đức Tổng Giám Mục, cũng là Chủ tịch của Ủy ban Đối Thoại Liên Tôn thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, nói rằng Ngài "hy vọng cho chuyến đi sắp tới", vốn cho thấy một Đức Giám mục đặt chân trên đất Bắc Triều Tiên "sau hơn 5 năm".

Đức Tổng Giám Mục nhận định: "Là các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Hàn Quốc, chúng tôi tin rằng chúng tôi phải đóng một vai trò, trong nỗ lực xây dựng đối thoại và hòa bình với các anh em của chúng tôi ở miền Bắc. Chúng tôi sẽ cố gắng làm mới mối quan hệ với miền Bắc: Mục đích chính của chuyến thăm này là để cung cấp sự trợ gúp nhân đạo, và sự gần gũi của chúng tôi với anh chị em miền Bắc Triều Tiên".

Đức Tổng Giám mục Iginus nói tiếp: "Đây là một dấu hiệu rất tích cực: các nhà chức trách Bắc Triều Tiên đã mời chúng tôi, và chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý việc này. Chúng tôi sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ giúp mở lại một cuộc đối thoại chính thức giữa hai nước".

Ngài nói: “Tháng trước, một nhóm các nhân viên cứu trợ đã đi thăm Bắc Triều Tiên, mang theo viện trợ nhân đạo, thuốc men và thực phẩm. Đã có các dấu hiệu của sự cởi mở. Thậm chí Bắc Triều Tiên cần một mối quan hệ. Chúng ta biết rằng chúng ta có nguy cơ bị khai thác, nhưng điều quan trọng bây giờ là... giúp mở lại một kênh liên lạc".

Theo nguồn tin của Fides, Bình Nhưỡng, trong khi mạnh mẽ trừng phạt sự tự do tôn giáo trong cả nước, có ý định sử dụng kênh đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo, để có được hỗ trợ tài chính mới. Ngày 3-9, một phái đoàn Phật giáo gồm 37 người, trong đó có cả tu sĩ và tín hữu, bắt đầu một chuyến thăm năm ngày tới Bắc Triều Tiên, tham gia một ngày lễ Phật giáo. Chuyến đi đã được Bộ Thống nhất tại Seoul phê duyệt.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Seoul cho phép chuyển hàng cứu trợ, do các tổ chức từ thiện Hàn Quốc chuẩn bị, đến người dân suy dinh dưỡng ở Bắc Triều Tiên, mặc dù có cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước. Một liên minh gồm 54 tổ chức phi chính phủ đề nghị chính phủ Hàn Quốc hãy mở ra “một hành lang nhân đạo thường xuyên". (Agenzia Fides 2-9-2011)