LỰA CHỌN KHÔN NGOAN TỪ THẬP GIÁ

Càng gần đến mầu nhiệm thương khó và khổ nạn của Đức Giêsu Kitô thì Đức Giêsu lại càng nói nhiều đến sự sống và giao điểm giữa sự chết với sự sống lại ở chính nơi mỗi người chúng ta. “Ai tìm mình thì sẽ mất. Ai đánh mất mạng sống mình ở đời này thì lại được trong sự sống đời đời”(Ga 12,25).

Lời tuyên bố trên của Đức Giêsu được khởi đi từ chính trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Thánh Phaolo đã diễn tả lời đó như sau: “Đức Kitô đã học vâng phục do những đau khổ Ngài phải chịu và khi hoàn tất thì Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”(Dt 5,8). Như vậy, Đức Giêsu Kitô đã lấy cái chết của chính Ngài để ban sự sống cho những ai chết, và như vậy, “hạt lúa mì rơi xuống đất” mà Đức Kitô lấy làm hình ảnh minh họa để cho chúng ta thấy sự sống lại thoát lên từ trong cái chết. Nói như thế, để thấy nơi mỗi người không phải là một sự trao đổi mà là một sự trao ban. Đức Giêsu Kitô đã trao mạng sống của Ngài cho chúng ta và Đức Giêsu Kitô đã lãnh nhận cái chết của loài người chúng ta vào thân thể của Ngài. Một sự trao ban lạ lùng này, chúng ta không thể gặp thấy ở đâu hay bất cứ một ngưỡng cửa chân lý nào. Chỉ có một chân lý duy nhất. Chỉ có một con đường duy nhất. Chỉ có một sự sống đích thực trong cùng một con người đã xưng mình là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Đấng ấy đã cho chúng ta thoát lên từ trong cái chết, gặp được sự sống và ngược lại, Ngài đã chết thay cho án phạt phải chết của tất cả loài người chúng ta.

Chính vì Ngài đã chết thay cho án phạt phải chết của tất cả loài người, mà chúng ta nhận ra giá trị của Thập Giá: “Khi nào Ta được đưa lên cao trên Thập Giá, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”(Ga 12,32). Đây không phải là một lời hiệu triệu mà đây là một lời thông báo. Đức Giêsu thông báo cho mọi người biết rằng cái chết của Ngài là giờ hiệu triệu, là giờ mà Ngài sẽ kéo mọi sự lên cùng Ngài. Cái chết của Đức Giêsu liên hệ tới sự sống của loài người chúng ta. Thông điệp mà Ngài gửi tới cho trái đất là khởi đi từ Thập Giá. Vì vậy, ai là người biết lắng nghe, biết đón nhận thì họ sẽ là người đạt tới sự sống trong Đức Kitô. Đức Giêsu kêu gọi: “Ai phụng sự Ta thì kẻ đó sẽ theo Ta và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”(Ga 12,26a).

Có phải chúng ta sẽ ở mãi trên Thập Giá với Đức Kitô không? Có phải chúng ta ở trong nấm mồ với Ngài không? Nếu Đức Giêsu Kitô kết thúc ở Thập Giá, kết thúc ở nấm mồ và đưa tất cả chúng ta cũng ở đó với Ngài – trong nấm mồ của sự chết – thì đó là một sự thất bại thảm hại và một cái kết không có hậu. Nhưng nếu Đức Giêsu Kitô đã đón nhận cái chết và Ngài trao sự sống của Ngài cho chúng ta, thì sự sống đích thực của Đức Kitô là sự sống đời đời. Ngài đón nhận cái chết trong thời gian, nhưng Ngài trao ban sự sống trong vĩnh cửu. Ngài cho chúng ta sự sống vĩnh cửu mà Ngài chấp nhận cái chết của con người xác đất phận hèn! Chúng ta không thể hiểu được điều đó được. Một mầu nhiệm tình yêu lại có thể trao đổi lạ lùng như thế. Nhưng khi nào chúng ta được đến với Chúa, ở cùng Chúa thì chúng ta sẽ hiểu điều đó. Vậy nên, những người khao khát ngay từ bây giờ, ao ước mình được đi vào trong sự trao đổi đó. Đi vào trong một mối tương quan lạ lùng đó, là đi đến “Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”. Đấy sẽ là câu trả lời, một sự cảm nghiệm và một sự thông tuệ mà Chúa cho những người phụng sự Chúa hiểu tất cả những gì mà mình đã khát khao.

Người Kitô hữu hôm nay không làm gì khác hơn là tin tưởng và bước đi theo Đức Giêsu Kitô. Nếu như họ, tự bản thân mình, đi tìm cõi sống như bao nhiêu những người danh tiếng trong lịch sử như Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), như Alexandre Đại Đế (356-323 TCN) đã cất công đi tìm thứ thuốc trường sinh bất tử thì kết quả là con số 0! Họ thuộc vào thành phần Chúa nói hôm nay: “Ai tìm mình thì sẽ mất”. Trong khi đó, người Kitô hữu không ước vọng đi tìm thuốc trường sinh bất tử, không có ước mơ để mình sống mãi thiên tuế, vạn tuế đời này. Họ chỉ là những người bước theo Đức Giêsu Kitô và dù Đức Giêsu Kitô bước vào cõi chết, bước lên thập giá thì những người phụng sự Ngài, tin tưởng ở nơi Ngài cũng bước theo. Vì họ đã nhận được ở nơi Ngài tình yêu, họ đã nhận được một sự bảo lãnh mà Đức Giêsu Kitô trao ban cho họ. Và khi họ dám bước theo Đức Kitô như vậy, thì quả thực, họ sẽ đạt tới sự sống đời đời. Bởi không phải một mình Đức Giêsu Kitô, nhưng Ngài nói tiếp: “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh người đó”(Ga 12,26b). Cha sẽ tôn vinh những người biết phụng sự, biết đi theo Đức Giêsu Kitô vì chính Đức Giêsu Kitô đã xin Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”(Ga 17,24). Và nơi ở đích thực của Đức Giêsu Kitô là sự sống đời đời. Cho nên, trong tiến trình của ơn cứu độ, Đức Giêsu đi xuyên qua cái chết để đi vào cõi sống, thì những người dám đi theo Ngài, dám chấp nhận những liều lĩnh đòi hỏi của lòng tin sẽ nhìn thấy kết quả của lòng tin đó, là sự sống, là sự tôn vinh. Đấy chính là một thách đố rất lớn.

Đứng trước ngưỡng cửa của sự chết và sự sống, người ta dám làm tất cả. Ở đây đặt ra cho chúng ta không phải một ngưỡng cửa, mà là hai ngưỡng cửa. Một ngưỡng cửa để bước vào sự sống đời đời. Còn một ngưỡng cửa để người ta chỉ tìm cõi sống ở đời này. Những người đi theo Đức Giêsu Kitô đã đi vào ngưỡng cửa của sự sống đời đời. Còn những người đi tìm mình, họ bước vào trong ngưỡng cửa của ảo mộng để mong kéo dài cuộc sống ở đời này. Cái kết thúc của nó đã được thể hiện rất rõ ràng. Và chính ở đây chúng ta mới hiểu được, tại sao Đức Giêsu muốn kéo chúng ta từ trên Thập Giá. Vì Thập Giá chính là ngưỡng cửa của cái chết, nhưng lại mở ra, đi vào cõi sống. Thập Giá đưa chúng ta về với Chúa Cha. Như vậy, lòng tin của chúng ta đứng trước thách đố của sự sống và sự chết, buộc người ta phải lựa chọn.

Những người sợ Thập Giá, những người coi Thập Giá là dại dột, là điên rồ, như thánh Phaolo đã diễn tả: “Chúng tôi rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-25).

Khôn ngoan ở đây là gì? Là họ nhìn thấy Thánh Giá là chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Họ nhìn thấy Thánh Giá là ngưỡng cửa để đi vào trong sự sống đời đời. Cho nên: “Ai phụng sự Ta thì kẻ đó sẽ theo Ta và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”. Chính ở trên Thập Giá, chúng ta mới nghe được Lời Đức Giêsu phán rằng: “Mọi sự đã hoàn tất”(Ga 19,30). Chính ở trên Thập Giá, chúng ta mới được nghe thấy rằng: “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”. Thì ra Thập Giá là con đường, con đường mà Đức Giêsu Kitô đã chọn để đi vào vinh quang của Nước Chúa. Cho nên, khôn ngoan của Thập Giá chính là một sự lựa chọn, lựa chọn sự sống thay cho cái chết. Hay nói cách khác, đi qua cái chết để vào cõi sống. Thập Giá cho chúng ta triết lý của sự khôn ngoan. Thập Giá của Đức Giêsu Kitô mở ra cho chúng ta con đường cứu độ.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu Kitô đang tiến sát đến hành trình cuối của ơn cứu độ. Ngài nói kỹ hơn về Thập Giá, Ngài nói kỹ hơn về cái chết và Ngài cũng nói rõ hơn về số phận của những người đi theo Ngài. Là Ki tô hữu, chúng ta được mời gọi là đi theo sát bước chân của Đức Giêsu Kitô. Người ta không bỏ cuộc khi mà cái chết về thể lý làm cho những người Kitô hữu trở về với bùn đất. Người ta không mất niềm hy vọng, khi mà thế gian này không thể tác động được gì hơn nữa trong cuộc sống của con người, và chính đó là lúc Thập Giá Đức Kitô hiện ra, là con đường, là sự sáng dẫn người ta về với bến bờ của niềm hy vọng, nơi có những giải đáp cho những câu hỏi ngàn đời mà nhân loại không tìm ra được đáp án.

Vâng! Lời giải đáp đó là: “Khi nào Ta bị đưa lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Hạt lúa mì rơi xuống đất,
chết đi,
vẫn trổ sinh sự sống mới.
Ai bước theo Chúa lên Thập Giá,
như sự chết cắt ngang cuộc đời,
thì lập tức tình yêu lại đi vào nơi vĩnh cửu.
Xin cho mỗi người chúng con,
là những người sống ở đời này,
đem hết lòng tin, cậy, mến phụng sự Chúa.
Xin cho chúng con được thực hiện Lời Chúa hứa:
“Ai phụng sự Ta thì kẻ đó sẽ theo Ta
và Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó,
và Cha Ta sẽ tôn vinh người đó”. Amen.