SỰ THẬT ĐÃ RÕ Ở VIỆT NAM

Năm mới 2014 vừa bắt đầu tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa với hai sự kiện đáng chú ý: đảng viên cộng sản tố cáo nhau bán tin ‘mật’ và biển đảo để lấy tiền đế quốc, rồi đàn áp đồng bào yêu nước. Chúng ta nghĩ thế nào ?

I.- NGƯỜI Công Giáo TỐT LÀ CÔNG DÂN TỐT.

A.- Công dân tốt là người thực hiện, trong cuộc sống hàng ngày, những điều gì mình, nhờ lý trí, nhận thức đó là điều tốt cho Đất Nước và Đồng Bào. Nhờ tự do Chúa ban, trong mọi tình cảnh cuộc sống, tình bác ái, sự chân thật và tình tinh phục vụ cho thiện ích chung của xã hội bằng cách tích cực học tập, hoạt động cho một xã hội văn minh, một xã hội biết tôn trọng phẩm giá và can đảm bênh vực sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Trong những ngày đầu Năm Mới 2014, đảng viên cộng sản Dương Chí Dũng vừa bị tuyên án tử hình, tố cáo một đồng chí khác, tướng công an Phạm Quý Ngọ, bán mật tin là ông bị truy tố và đang sắp bị bắt giam để ông kịp thời trốn đi Mỹ với sự trợ giúp của những đồng chí công an khác. Giá phải trả 1,5 triệu mỹ kim trong một nước mà cả triệu người dân không có một mỹ kim để sống qua ngày.

Kế đến, ngày 19.01.2014, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung cộng cưởng đoạt, với sự im lặng của Hà nội. Đêm thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa vào tối 18.01.2014 ở Công viên Biển Đông Đà nẵng bị hủy bỏ bởi Ban Tuyên giáo Trung ương. Thế mà, thông báo của Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa do chủ tịch Đặng Công Ngữ ký nại lý do là do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo. Nếu là người công dân tốt, suy nghĩ một tí, chúng ta thấy chế độ này vâng lệnh ai và phục vụ giới nào. Do lời kêu gọi của nhóm No-U (‘No’ tiếng Anh là ‘không’, U có hình lưỡi bò, biểu hiệu tham vọng Trung cộng muốn chiếm Biển Đông), ngày 19.01.2014, lúc 8 giờ 30, đông đảo người dân, tay cầm những bông hồng trắng, những bông cúc vàng, tập trung trước tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà nội, để dâng hương tưởng niệm những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến chống Trung cộng xâm lược, với quyết tâm ‘Xóa đường lưỡi bò – Bảo vệ Tổ quốc’. Trước giờ tưởng niệm, được vô số an ninh mặc thường phục bảo vệ, ban quản lý khu vực tượng đài đã cho một số thợ xẻ đá ra cắt đá khiến bụi đá mù mịt một góc tượng đài. Vài người tham dự đã nói chuyện ôn hòa, chỉ cần khoảng 30 phút để dâng hương tưởng niệm cho các tử sĩ, nhưng chúng không đồng tình và chĩa loa vào đoàn yêu cầu rời khu vực tượng đài vì đang tu sửa. Rất căm phẫn trước hành động đó một cựu chiến binh quân đội nhân dân đã đã khóc và nói: “Những người này xứng đáng được tôn vinh dù dưới chế độ nào, họ đều xứng đáng được nhắc nhớ, bởi họ là những người hi sinh vì chủ quyền đất nước”. Một thành viên nhóm No-U cho biết: chị cảm thấy nhục nhã thay cho chính quyền, chỉ là một buổi tưởng niệm đơn giản mà họ không dám để tổ chức, quá hèn hạ cho cả một hệ thống.

Cũng dịp này, các cơ quan truyền thông đề cao 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận trong nỗ lực bảo vệ đất nước chống quân xâm lược. Nhờ đó, nhiều đồng bào sống ở Miền Bắc, điển hình là nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, cho biết đã từng dùng từ ‘ngụy’ mà không rõ ý nghĩa, nay mới hiểu nên cảm thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình và từ đó, bà không bao giờ dám dùng nữa. Có người khác còn cho rằng, qua cuộc hải chiến Hoàng Sa, mới biết ai là ‘ngụy’ (bán nước cho Trung cộng) và ai là ‘thật’.

Bộ ngoại giao Trung cộâng năm 1980 cho biết vào ngày 15.06.1956, ‘tên’ Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố với họ: « theo tư liệu Việt Nam, hai quần đảo Tây sa và Nam sa về mặt lịch sử thuộc về lãnh thổ Trung quốc ». Thông tin này bị đảng cộng sản Việt Nam ém nhẹm để che dấu tội ác bán nước. Nhưng, trong quyển ‘Cuộc tranh chấp Việt–Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’ do Nhà Xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội ấn hành năm 1995, Lưu Văn Lợi, một nhà ngoại giao đảng cộng sản, tại trang 51 có ghi: «. ..Việc nói Tây sa là của Trung quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây sa là có thật, nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường sa... ».

Người cộng sản lợi dụng châm ngôn này để giải thích sai là công dân tốt phải tuân theo những áp đặt của nhà nước độc tài và còn lưu manh hơn khi tuyên truyền với đồng bào không Công Giáo là ‘người Công Giáo không tuân lời Đức Thánh Cha’. Chúng ta cần biết cách trả lời theo Giáo lý xã hội Công Giáo dạy.

a. Nền tảng của quyền hành chính trị. Thiên Chúa tạo dựng con người có tính xã hội và một xã hội chỉ có thể đứng vững khi có ai ở trên hướng dẫn mọi người xây dựng công ích, tức một quyền hành lãnh đạo, không thua kém gì chính xã hội, và do Chúa là tác giả. Quyền hành chính trị rất cần thiết bởi những trọng trách được giao và là một nhân tố tích cực không thể thay thế vì làm nên đời sống dân sự (số 393). Nó phải bảo đảm để có một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước bỏ sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng điều tiết và định hướng sự tự do ấy bằng tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được công ích. Đó là một công cụ để điều phối và điều khiển, nhờ đó nhiều cá nhân và đoàn thể trung gian sẽ tiến tới một trật tự, trong đó mọi mối quan hệ, mọi định chế và mọi tiến trình làm việc đều nhằm giúp con người phát triển toàn diện. Thật vậy, quyền hành chính trị, ‘bất kể trong cộng đồng hay trong các cơ quan đại diện Nhà Nước, đều phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích, theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành’ (số 394). Chủ thể quyền hành chính trị là nhân dân, những người nắm chủ quyền. Nhân dân trao việc thi hành chủ quyền này cho những người được họ tự do bầu chọn làm đại biểu, nhưng vẫn giữ đặc quyền bày tỏ chủ quyền mỗi khi đánh giá trách nhiệm cai trị của họ và, nếu cần, thay thế khi họ không thi hành thoả đáng vai trò. Đây là quyền đang được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị, nhưng quyền ấy sẽ được thi hành một cách bảo đảm và đầy đủ nhất bởi một chính phủ theo một hình thức dân chủù, nhờ vào các thủ tục kiểm tra của thể chế dân chủ này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sự ưng thuận nhân dân mà thôi thì chưa đủ để đánh giá các phương cách thực thi quyền hành chính trị là ‘công bằng’ (số 395).

b. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý. Quyền hành phải được hướng dẫn bởi luật luân lý, chỉ có giá trị khi được thi hành trong khuôn khổ trật tự luân lý, ‘trật tự này chọn Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng’. Trật tự luân lý ‘không thể có ngoài Thiên Chúa; cắt đứt khỏi Thiên Chúa, trật tự này chắc chắn sẽ tan rã. Khi dựa vào trật tự này, nhà cầm quyền mới có uy lực để ấn định các bổn phận có tính hợp luân lý, chứ không nhờ vào một ý muốn tùy tiện của ai hay từ lòng khao khát quyền lực, và bổn phận nhà cầm quyền là diễn dịch trật tự luân lý ấy thành những hành vi cụ thể để đem lại công ích. Mục tiêu của quyền hành là vì nhân dân mà nó hướng tới, nên không thể hiểu là một sức mạnh được đánh giá theo những tiêu chuẩn mang tính xã hội hay lịch sử (số 396). Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu. Những giá trị bẩm sinh, phát xuất từ chính sự thật con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người, là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay hủy bỏ. Các giá trị này làm nên luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm hồn con người (x. Rm 2,15) và được coi là điểm tham chiếu chuẩn mực cho các luật lệ dân sự (số 397).

Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức phù hợp với phẩm giá con người và với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. Do đó, luật ấy được tạo ra từ luật vĩnh cửu. Nhưng đi ngược lại lý trí, luật được xem là bất công; nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực. Nhà cầm quyền cai trị theo lý trí sẽ đặt công dân vào một mối quan hệ giữa mọi người tùng phục trật tự luân lý, tức tùng phục Thiên Chúa. Ai không vâng phục những nhà cầm quyền biết cư xử phù hợp với trật tự luân lý là ‘chống lại những gì Thiên Chúa đã đặt định’ (Rm 13,2). Tương tự, khi chính quyền, có nền tảng nơi bản tính con người và thuộc về một trật tự do Thiên Chúa quy định trước, không theo đuổi công ích, đã bỏ qua mục tiêu riêng mình, và vô tình biến mình thành bất hợp pháp (số 398).

c. Quyền phản đối theo lương tâm. Công dân không bị buộc phải tuân theo những chỉ thị chính quyền dân sự nếu chúng trái với những đòi hỏi của trật tự luân lý, ngược với những quyền căn bản con người hay với giáo huấn Tin Mừng. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối. Sự từ chối này là một nghĩa vụ luân lý, vừa là một quyền căn bản, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy. Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Chúng ta không thể biện minh về những sự cộng tác này, dù điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12) (số 399).

d. Quyền phản kháng. Luật tự nhiên là nền tảng và giới hạn cho luật thiết định, có nghĩa là chấp nhận: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết ‘người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy’. Do đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng. Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể khác nhau; theo nhiều mục tiêu khác nhau. Phản kháng nhà cầm quyền tức là chứng nhận mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó (số 400).

Những tiêu chuẩn được đưa ra để thi hành quyền phản kháng: Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền là điều không chính đáng, trừ khi hội đủ các điều kiện sau:

1. có sự xâm phạm các quyền căn bản con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;
2. đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;
3. phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;
4. có hy vọng thành công với những lý do vững chắc;
5. theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn.

Sử dụng vũ khí là biện pháp sau cùng để chấm dứt ‘một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung đất nước’. Ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự thụ động hơn, vì đây là ‘phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng có nhiều cơ may thành công’ (số 401).

e. Chế tài. Để bảo vệ công ích, chính quyền hợp pháp thi hành quyền và nghĩa vụ chế tài theo mức nghiêm trọng của tội ác gây ra. Nhà Nước có hai trách nhiệm, một là làm thoái chí những người có hành vi gây hại cho quyền con người và các chuẩn mực căn bản của đời sống dân sự, hai là trừng trị thiệt hại do hành vi tội phạm gây ra, bằng hình phạt. Tại quốc gia pháp trị, quyền tuyên các biện pháp chế tài được trao cho toà án trong chế độ tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp các quốc gia dân chủ bảo đảm cho quyền tư pháp được độc lập trong lĩnh vực xét xử (số 402).

Chế tài không chỉ để bảo vệ trật tự chung và bảo đảm an toàn cho con người mà còn là một công cụ dùng để sửa trị người phạm lỗi mang giá trị luân lý là đền tội nếu tự nguyện chấp nhận hình phạt ấy. Do đó, việc chế tài nhằm hai mục đích: khuyến khích việc đưa người bị kết án tái hội nhập xã hội và cổ vũ một nền công lý mang tính hoà giải, có khả năng khôi phục sự hoà hợp trong các quan hệ xã hội đã bị hành vi tội ác phá vỡ. Về điểm này, hoạt động của các vị tuyên uý trại giam thật là quan trọng, trong khía cạnh tôn giáo mà còn để bảo vệ phẩm giá người bị giam. Đáng tiếc hiện nay điều kiện sống của các tù nhân thụ án không phải lúc nào cũng giúp tôn trọng phẩm giá; và nhiều khi, nhà tù trở thành nơi các tội ác mới diễn ra. Tuy nhiên, môi trường các định chế trừng phạt phạm nhân tạo nên một diễn đàn đặc biệt cho người Kitô hữu một lần nữa minh chứng sự quan tâm của mình tới các vấn đề xã hội: ‘Ta… bị bắt ngồi tù, các ngươi đã đến thăm Ta’ (Mt 25,35-36) (số 403).

Các cơ quan có nhiệm vụ xác định trách nhiệm tội phạm, mang tính riêng tư, cần cố gắng tìm kiếm sự thật một cách kỹ lưỡng và tiến hành công việc với sự tôn trọng tối đa phẩm giá và quyền lợi người bị điều tra, phải bảo đảm các quyền lợi họ như người vô tội. Phải luôn nhớ nguyên tắc pháp lý: không bắt chịu hình phạt khi tội ác chưa được chứng minh. Khi điều tra, phải tuân thủ thật nghiêm ngặt quy luật: cấm sử dụng việc tra tấn dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp phạm tội trọng, không thể biện minh được và, qua đó, cho thấy nhân phẩm người tra tấn lẫn kẻ bị tra tấn đều bị hạ thấp. Các cơ quan tư pháp quốc tế bảo vệ nhân quyền đã đúng đắn khi đưa ra lệnh cấm tra tấn, coi đó như một nguyên tắc không được vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cũng không được ‘giam giữ chỉ vì mục đích muốn tìm ra thông tin có giá trị cho việc xét xử’. Cần bảo đảm ‘tiến hành xét xử nhanh chóng; kéo dài thời gian xét xử thái quá sẽ làm cho người dân không thể chịu đựng nổi và kết cục trở thành một bất công thực sự’. Nhân viên toà án phải giữ bí mật của bị cáo khi điều tra, để không làm phương hại tới nguyên tắc phải luôn giả định là vô tội cho đến khi bị kết án. Vì thẩm phán cũng có thể lầm lẫn, nên luật trù liệu những sự bồi thường phù hợp cho các nạn nhân do những sai lầm của toà án gây ra (số 404).

{Các số ghi trên đây theo sách ‘Tóm lược Học thuyết xã hội Giáo Hội Công Giáo, Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình}

Khi giảng trong Thánh Lễ ngày 16.09.2013, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ ý kiến cho rằng: « Một người Công Giáo tốt không can thiệp vào các vấn đề chính trị. Đó không phải là con đường tốt. Một người Công Giáo tốt cần tham dự vào các vấn đề chính trị, cống hiến tất cả những gì tốt nhất có thể, nhờ đó những ai đang cai trị biết cách cai trị. Không ai trong chúng ta có thể nói ‘Tôi không có gì để làm với chuyện này, để họ cai trị’. Thay vào đó, các công dân có trách nhiệm tham gia vào chính trị theo khả năng mình. Chính trị, theo Học thuyết xã hội Giáo Hội, là một trong những hình thức đức ái cao nhất, bởi nó phục vụ lợi ích chung. Tôi không thể phủi tay, tất cả chúng ta cần phải cho đi một điều gì đó! Thay vì chỉ than phiền ‘những điều không đúng’, chúng ta cần phải cống hiến ý tưởng, đề nghị và nhất là lời cầu nguyện của mình. Cầu nguyện là ‘phương thế tốt nhất chúng ta có thể làm cho các nhà lãnh đạo’ như lời thánh Phaolô gởi Timôthê mời gọi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo biết thay đổi và lãnh đạo vững vàng ».

B.- Người Công Giáo tốt là người được nhận Bí tích Thánh tẩy, biết vác Thánh giá theo chân Chúa, biết kính Chúa và yêu Tha nhân.

II.- KÍNH CHÚA VÀ THƯƠNG NGƯỜI.

Để trung thành với Thiên Chúa, Hội thánh, Tổ tiên và Tổ quốc, Tôi tớ Chúa Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận dạy chúng ta:

« Nhìn lên, tôi sống mối tương quan với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, và cao hơn cả là Đấng Tối cao - Thiên Chúa, Tổ của tổ tiên, người Cha chung của nhân loại.

Với Thiên Chúa tôi trung thành:

‘Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi’ (Mc 12, 30).

Tôi tôn vinh những người được Thiên Chúa gửi đến để chuyển nguồn sống của Ngài đến cho tôi, cho tôi được làm người Việt Nam Công Giáo hôm nay: họ là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, và Giáo Hội tôi. »

Thánh Phaolô khuyên giáo dân đừng sống như những người không hy vọng. Ngài phân tích cho thấy những hạng người Công Giáo khác nhau, và chọn cho mình hướng đi đúng:

Có hạng ‘Công Giáo đợi chờ’, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến.

Có hạng người ‘Công Giáo thụ động’, ‘trốn tránh, vô trách nhiệm’.

Họ chỉ biết ‘nhìn lên’ đi kêu cứu, mà không biết ‘nhìn tới’ để tiến, ‘nhìn quanh’ để chia sẽ, gánh vác.

Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay! (Đường Hy Vọng (ĐHY). 966)

Làm một cuộc cách mạng: Đừng đem đời người Công Giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh cái việc thiêng liêng. Đẩy người Công Giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường (ĐHV. 966).

- Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới (ĐHV. 972).

Ánh sáng ấy sẽ chiếu soi giúp ta vượt những thử thách,

- Con hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nôi bộ, ngay trong việc tông đồ.

Thánh Gandhi đã phát biểu thành thật rằng: « Tôi yêu Đức Kitô, nhưng không thích Kitô hữu ». Thật vậy, Kitô hữu chân thực phải biết Đức Kitô là ai bằng học hỏi Phúc âm, sống hăng say với Giáo Hội là thân thể sống động của Ngài, bằng lời nói, việc làm để rao truyền Nước Thiên Chúa ở giữa mọi người.

(Trích ‘Niềm vui sống đạo).

Khi khởi đầu Sứ vụ Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: ‘Giáo Hội nghèo của người nghèo’. Thật vậy, Thầy Chí Thánh, Chúa Giêsu sinh trong máng cỏ hang bò lừa và chết trần trụi trên thập giá.

THƯƠNG NGƯỜI có 14 mối:

- Thương xác 7 mối: Cho kẻ đói ăn, Cho kẻ khát uống, Cho kẻ rách rưới ăn mặc, Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, Cho khách đỗ nhà, Chuộc kẻ làm tôi,

Chôn xác kẻ chết;

- Thương linh hồn 7 mối: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dậy kẻ mê muội, Yên ủi kẻ âu lo, Răn bảo kẻ có tội, Tha kẻ dể ta, Nhịn kẻ mất lòng ta, Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Chúng ta đã làm được những gì cho những hướng dẫn thương người đó, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam dưới chế độ cộng sản dã man? Chúng ta có hiệp thông với những đồng bào can đảm sử dụng Quyền phản đối theo lương tâm hay phản kháng nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm các nguyên tắc thiết yếu luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Những người này chỉ hành động theo lòng yêu nước và thương tha nhân, trong khi đó chính là giáo huấn xã hội Giáo Hội Công Giáo mà chúng ta không biết mà thôi. Họ phải trả giá rất đắt trải qua nhiều năm tù ‘vô’ tội. Tôi tớ Chúa Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng đã bị 13 năm tù ‘vô’ tội, không bản án, mà chỉ vì ‘âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc’ hay ‘cháu ông Ngô Đình Diệm’. Luật sư Lê Quốc Quân, ngày 27.05.2011, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài gòn, Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam ra mắt Ban Điều hành, đã thuyết trình về ‘Công lý Và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam’.

Chị Đỗ Thị Minh Hạnh, lúc bị bắt, mẹ đã dựa vào lý do gia đình có công với cách mạng để xin giảm án, chị khẳng khái từ chối: “ Má lấy thành tích cách mạng gia đình để hưởng quyền lợi, để được giảm án, là điều làm sỉ nhục đối với con, vô tình làm nhục con”. Năm 20 tuổi, chị bị bắt giam ở Hà nội vì giúp đỡ dân oan kêu cứu. Năm 22 tuổi, chị tham gia giúp đỡ và hướng dẫn phong trào công nhân đình công tranh đấu với giới chủ ở nhiều xí nghiệp. Cùng hai anh Đoàn huy Chương và Nguyễn Hoàng quốc Hùng, chị nhận được lời kêu cứu của công nhân, vào công ty giày Mỹ Phong (Trà vinh) để trợ lực họ đình công phản đối chủ ăn chận tiền lương và tiền thưởng tết vào tháng 1/2010. Cuộc đình công kéo dài một tuần và kết thúc thành công đạt điều quan trọng: ‘Công đoàn công ty phải do công nhân bầu ra và được trả lương bằng công đoàn phí đóng hằng tháng. Công đoàn phí phải do công nhân quản ly'ù. Ngày 18.03.2011, Toà án Nhân dân Trà vinh xử án phúc thẩm: Quốc Hùng 9, Minh Hạnh và Huy Chương 7 năm tù với tội danh ‘Phá rối an ninh trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân’, y án sơ thẩm dù luật sư chứng minh cả 3 đã không hề phạm tội như trong bản cáo trạng cáo buộc. Minh Hạnh, 25 tuổi, đã thanh thản chấp nhận vì thể hiện lòng yêu nước, thương đồng bào, nói với mẹ: « Má hãy nhìn thân thể con nè. Má ơi, con rất đau buồn, con không buồn thân thể con, ở tù bao nhiêu năm cũng được… Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi… để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi một con người, nhất là người lãnh đạo đất nước phải biết rằng ‘Đặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân của mình chứ…’. (thân thể Hạnh mang đầy xẹo do bị đánh đập để tra khảo… Ngày 23.01.2009, Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, Hạnh bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt….). Lần khác, cô nói: « Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự dân tộc… họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được,… mà tại sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ??? để cho họ có quyền đi chà đạp, bắt giam cầm những người công nhân đó… Không thể chấp nhận để người Trung quốc xúc phạm đến danh dự của mình ».

Trên đây chỉ là vài trường hợp trong cả ngàn thảm cảnh khác. Những cuộc đàn áp dân tại Miến điện, thế giới biết vì người Miến ‘biết’ Liên đới và Bổ trợ với nhau (hai nguyên tắc đề nghị bởi ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ các số 192… 194 và 185… 187), các vụ sát sinh đồng bào chúng ta bởi nhà cầm quyền cộng sản, người Việt ‘vô cảm’, không lên tiếng thì làm sao thế giới biết tới để bênh vực, đòi Công lý cho mình? « Công dân có nhiệm vụ cùng với các nhà cầm quyền dân sự góp phần vào thiện ích của xã hội, bằng một tinh thần chân thật, công bằng, đoàn kết và tự do… » (số 2239 Giáo lý Hội thánh Công Giáo). Đồng thời cũng minh định rõ bổn phận người dân: «. .. Việc trung thành hợp tác bao gồm quyền lợi, đôi khi cả bổn phận, phải lên tiếng phản đối một cách chính đáng những gì có vẻ làm tổn hại đến phẩm vị của con người cũng như đến thiện ích của cộng đồng ». (số 2238 GLHTCG).

Ngày 16.01.2014, Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ chị Đỗ Thị Minh Hạnh, đã đến điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ về người con gái Út của bà, một tù nhân lương tâm 28 tuổi tại Việt Nam, chỉ vì giúp đỡ những công nhân khốn khổ, những nông dân bị cộng sản Việt Nam cướp đất, cướp nhà mà nhà nước cộng sản bắt con bà giam vào lao tù, làm mủi lòng và khâm phục toàn thể cử tọa: « Con tôi bị bắt vào ngày 23/02/2010 tại Di linh-Lâm đồng, Tại đây, tôi đã chứng kiến công an bắt và đánh con tôi bể miệng, chảy máu đầy mặt. Sau đó đưa đi biệt giam 8 tháng tại bộ công an rồi mới đem ra xét xử. Phiên tòa ngày 26.10.2010 tại Trà Vinh, con tôi cùng hai bạn không có luật sư bào chữa và công an đánh đập tàn nhẫn con tôi trước sân tòa. Tháng 3/2011, công an trại giam Trà Vinh đã cho tù nhân hình sự đánh đập con tôi tại phòng giam. Tháng 4/2011, khi chuyển trại giam về Long An, con tôi đã bị còng tay, xích chân, bịt miệng và bị đánh đập trong thùng xe chở tù. Ngày 06.05.2011, con tôi bị chuyển về Bình Thuận. Tháng 4/2013, chuyển đến trại giam Đồng Nai, … con tôi bị công an cho nhiều tù nhân hình sự đánh con tôi cùng một lúc, trong đó một lần bị đánh khi đang tắm không mảnh vải che thân. Hậu quả là con tôi đã bị đau thần kinh đầu. Con tôi bị teo và đau nhức và có khối u ở trong một ngực trái nhưng nhà tù không cho đến bệnh viện để điều trị chuyên khoa ». Bà nói một Sự Thật: « Tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy chua chát khi nghe các phát biểu của nhiều chính khách, các bản điều trần của một số chính phủ, một số tổ chức ca ngợi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang có tiến bộ về nhân quyền, về chính sách tôn giáo, về chế độ lao động ». (Xem Bài điều trần tại http://caodailhbts.org/?p=1469).

Ngày 05.02.2014, chính phủ Việt Nam phải trả lời tại buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review, tiếng Anh và Examen Périodique Universel, tiếng Pháp) về hoạt động nhân quyền trong nước ở trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ), Genève (Thụy sĩ). Phái đoàn Việt Nam sẽ có khoảng 30 người, nhưng vai trò có khác hơn lần đầu năm 2009 vì Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền và đó có thể là một yếu tố thuận lợi cho đồng bào sang vận động nhân quyền. Đây là thủ tục áp dụng với tất cả các quốc gia thành viên LHQ, được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 15.03.2006. Hiện nay, hoạt động UPR đã được thực hiện sang vòng thứ hai từ năm 2012 đến 2016. Một quốc gia, khi tới phiên mình, phải báo cáo trước LHQ về tình hình nhân quyền nước mình, những gì chính phủ đã làm để cải thiện nhân quyền cho người dân và đã tuân thủ các nghĩa vụ của mình về nhân quyền như thế nào, trong ba tiếng đồng hồ.

Nhóm Làm Việc UPR LHQ có quyền kiểm điểm, đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam, căn cứ từ ba nguồn tài liệu sau:

1. Báo cáo quốc gia của Chính phủ Việt Nam;

2. Báo cáo của LHQ gồm:


- Thông tin từ các chuyên gia và nhóm nghiên cứu độc lập về nhân quyền (‘Báo cáo viên Đặc biệt LHQ’ (UN Special Rapporteur), hiện có 37 chuyên gia trong những lĩnh vực liên quan. Ví dụ, ông Frank William La Rue - Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về tự do ngôn luận và phát biểu là một luật sư và nhà báo nổi tiếng người Guatemala. Chính phủ Việt Nam đã từ chối nhiều Báo cáo viên Đặc biệt này đến ‘kiểm tra’ tình hình nhân quyền trong lĩnh vực chuyên môn liên quan,

- Thông tin từ 10 định chế nhân quyền LHQ khác (như Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, v.v...),

3. Báo cáo của các bên liên quan (stakeholders), trong đó có cả xã hội dân sự, tức các tổ chức phi chính phủ.

Dựa vào ba nguồn thông tin trên, Nhóm Làm Việc UPR sẽ tiến hành đánh giá, xét duyệt, kiểm điểm (review) tình hình nhân quyền quốc gia chịu sự kiểm điểm định kỳ.

Nhân dịp này, ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự tại Genève và Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã rời đảng cộng sản và xin tị nạn, cho ông Mặc Lâm (Đài Á chân Tự do) biết những điểm chính sau:

a- Việt Nam bốc thăm ba nước Keyna, Kazakhstan và Costa Rica (Troika) làm như trọng tài và dùng đại sứ để o bế, mặc cả các nước này bằng cách mời cơm rồi trao đổi rằng các ông dễ dãi cho Việt Nam thì về sau này, tới phiên nước các ông kiểm điểm nhân quyền thì Việt Nam sẽ làm tương tự trở lại, tức có sự mặc cả. Đó là việc chúng ta cần tác động bằng gặp các phái đoàn này để nói họ đừng chấp nhận những gợi ý nhỏ nhen của đoàn Việt Nam. Với vai trò trọng tài, họ cần hết sức vô tư vì thời gian rất hạn chế nếu họ dành sự trình bày của phái đoàn nhà nước thì thời gian dành cho phái đoàn bên ngoài không đủ thời gian để lên tiếng trình bày sự đàn áp nhân quyền của Việt Nam.

b- Nhân tố các nước có thể làm thay đổi được tình hình nhân quyền và dân chủ Việt Nam là nhân tố nước lớn. Bản tin Âu châu nói chung rất ít nói tình hình Việt Nam như việc thông qua hiến pháp và những gì xảy ra tại đó. Tất nhiên không phải ta là người Việt mà lại tô vẽ Việt Nam không có nhân quyền nhưng đó là do sự thiếu thông tin về Việt Nam và hiện họ còn rất nhiều những quan tâm nào là căng thẳng Trung Nhật, rồi Bắc Triều tiên, Syria hay Iran, Ukraine…

- Trong đoàn có rất nhiều người tôi kính trọng và khâm phục. Tôi phân tích cho họ thay đổi thái độ vì rất quan trọng cho họ hiểu rằng tại sao Quốc tế bắt các nước phải kiểm điểm nhân quyền trong những kỳ như hiện nay đối với Việt Nam. Bởi vì con người và quyền của con người là quan trọng nhất đối với thế giới văn minh. Họ không chỉ đưa Việt Nam ra để kiểm điểm và tạo sức ép để Việt Nam thay đổi mà đây là cái chung. Nếu họ cứ tiếp tục theo lối cũ là soạn ra một bài đọc và cố chống đỡ để giảm nhẹ những việc đàn áp nhân quyền là không thể được. Về nước, họ luôn báo cáo là thành công, các nước phương Tây không thể áp đặt giá trị nhân quyền phương Tây cho Việt Nam bởi vì dân trí Việt Nam vẫn còn thấp. Rồi làm bản báo cáo lên trên thì trên lại tiếp tục đàn áp.

Trong những giờ thiêng liêng ngày Đầu Xuân, viết những dòng chữ này, chúng tôi không khỏi buồn chán giới lãnh đạo nhà nước. Quốc hội của dân hay của đảng mà thông qua Hiến pháp theo đảng chỉ thị ? Người dân oan và đau khổ chỉ có thể kêu cầu giới lập pháp Hoa kỳ hay cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc. Ước gì đảng và nhà nước sớm nhận thức và thực thi ‘Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại’ hay ‘Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản’ như lời phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.