Ngày Việt Nam tại Geneva

Vietnam UPR - Trong lúc mọi người ở Việt Nam đang chuẩn bị đón giao thừa, phái đoàn đã vừa tổ chức thành công sự kiện Ngày Việt Nam tại Phòng họp XXIV trong khuôn viên trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Hình ảnh

Sự kiện này được các nhóm hội dân sự độc lập trong nước (VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam) phối hợp cùng Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch,International Service for Human Rights và CIVICUS đứng ra tổ chức.

Đến dự sự kiện có Phái bộ các nước Hoa Kỳ, Na Uy, Thụy Sĩ, Liên Hiệp Châu Âu cùng đại diện các tổ chức quốc tế về nhân quyền có trụ sở tại Geneva như Văn bút Quốc tế (PEN International), HRW, ISHR...

Ngay sau sự kiện Ngày Việt Nam, phái đoàn đã chia thành hai nhóm. Một nhóm tiếp xúc với Phái bộ Hoa Kỳ, Hungary và Costa Rica (là một trong ba nước troika trong phiên UPR của Việt Nam). Nhóm còn lại làm việc với Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và văn phòng các Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền của tổ chức này.

(Nguồn: https://www.facebook.com/vietnamUPR)

Theo Human Rights Watch ngày 31/01/2014, các thành viên Liên Hiệp Quốc cần gây áp lực đối với Việt Nam để nước này cam kết cải thiện tình trạng nhân quyền đang rất ảm đạm, tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ ngày 5/2 tới. Đây là tiến trình kiểm điểm bốn năm một lần để đánh giá tình hình nhân quyền của từng quốc gia.

Các báo cáo của Human Rights Watch về thực tế tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đã trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 20/06/2013, cũng như báo cáo thường niên của tổ chức phi chính phủ này về Việt Nam công bố hôm 21/01/2014, đều kết luận rằng chính phủ Hà Nội tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất và quyền được xét xử một cách công bằng.

Chính quyền bắt giam những người chỉ trích chính sách Nhà nước và các nhà hoạt động dân chủ, kể cả thành viên các tổ chức xã hội dân sự mới được thành lập.

Bà Juliette de Rivero, một nhân vật có trách nhiệm của HRW tuyên bố: « Chính phủ Việt Nam hứa hẹn rất nhiều về nhân quyền, nhưng thực hiện thì rất ít. Bây giờ là lúc để các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nói rõ rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được, và gây áp lực để Hà Nội phải cải thiện đáng kể cách xử sự với người dân ».

Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/11/2013, và đã chấp nhận nghĩa vụ « duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền », theo như quy định trong nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

HRW nhắc lại, trong chiến dịch ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã cam kết tôn trọng các quyền con người thông qua việc thực hiện cụ thể Hiến pháp và các bộ luật đã có. Hôm 07/11/2013, Việt Nam đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn nhưng chưa phê chuẩn.

Theo HRW, các công dân Việt Nam kêu gọi cải cách đã bị trù dập thẳng thừng. Nhiều nhóm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền mới được thành lập như nhóm Kiến nghị 72, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã công khai tố cáo việc leo thang trấn áp trong những năm qua.

Vào đầu tháng 12/2013, lực lượng an ninh đã giải tán thô bạo các cuộc tập họp ôn hòa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, trong lúc các nhà hoạt động cố gắng phân phát các bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước chống tra tấn. Tiếp theo là một loạt tấn công vào các blogger, các nhà hoạt động dân chủ và dân oan khiếu kiện đất, đôi khi ngay tại nhà của họ. Chính phủ cũng ngăn trở các thành viên xã hội dân sự rời Việt Nam để đến Genève tham dự cuộc điều trần UPR.

Bà Juliette de Rivero khuyến cáo: « Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cần đứng bên cạnh các nhà hoạt động dũng cảm, dám thách thức chính quyền độc đảng để chấm dứt các vụ lạm dụng. Các chính phủ cũng nên công khai gây áp lực đối với Việt Nam để cùng với xã hội dân sự thực hiện những nghĩa vụ về nhân quyền, và cho phép người dân Việt đòi hỏi những thay đổi căn bản một cách ôn hòa ».