Thay lời bạt: Kho Báu Chúng Ta Có: Truyền Thống Trí Thức Công Giáo
Robert Royal, Ngày 1 tháng 8 năm 2023

Truyền thống trí thức Công Giáo là truyền thống phong phú nhất, rộng rãi nhất, sâu sắc nhất và lâu đời nhất trên toàn thế giới và có lẽ trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Nó đề cập đến tất cả các lĩnh vực mà chúng ta coi là “trí thức”: thần học, triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử, chính trị, nhân chủng học, tâm lý học, thiên văn học, v.v. - ngay cả khi nó vẫn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những người bình thường. Nếu chúng ta quan tâm (nên là như vậy) với những gì chúng ta cần bây giờ, thì tôi sẵn sàng nói rằng điều chúng ta cần hơn bất cứ điều gì là tập hợp các chân lý và thực hành đầy đủ, cân bằng và lành mạnh của truyền thống.

Ở Mỹ, đạo Công Giáo đôi khi được xếp cùng loại với phái duy Phúc âm (evangelicalism) như một loại chủ nghĩa chính thống cực đoan (fundamentalism). Đặc điểm đó không thể phù hợp với sự thân quen đơn giản nhất với những gì Giáo hội đã tiếp thu và nuôi dưỡng trong hơn hai thiên niên kỷ, trong khi vẫn tồn tại những thay đổi lớn về văn hóa và chính trị cũng như sự thăng trầm của toàn bộ nền văn minh. Sức sống bền vững của truyền thống được thể hiện rõ ràng qua các ghi chép lịch sử, nơi nó được kiểm tra một cách công bằng. Nó rộng lớn và sống động đến mức không ai có thể biết hết hay mô tả nó một cách trọn vẹn. Cuốn sách của tôi về truyền thống trí thức Công Giáo, A Deeper Vision [Tầm nhìn sâu sắc hơn], dài hơn 600 trang chỉ nói về thế kỷ 20 và thậm chí ngay thời này, cũng đã phải lược bỏ rất nhiều.

Vì vậy, mặc dù theo một cách nào đó, việc nói một cách toàn diện về “truyền thống” là một nhiệm vụ bất khả, chúng ta hãy cố gắng giúp bạn hiểu được hình dạng chung của nó bằng cách bàn tới một số điểm chính, bắt đầu bằng một chiều kích thường bị bỏ qua. Bởi vì ngay cả khi Giáo hội đang giao tiếp với thế giới ở bình diện văn hóa cao nhất, chúng ta vẫn biết rằng nó chạm đến cuộc sống của những người bình thường, những người sẽ không bao giờ được gọi là trí thức, và một cách khá sâu sắc bởi vì sự lành mạnh về đạo đức và tâm linh của Giáo hội có một sức mạnh đối với mọi người - “lời kêu gọi nên thánh phổ quát”, như Vatican II đã trình bày. Và điều đó đã thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống xã hội phương Tây.

Chẳng hạn, một nhân vật vĩ đại như Socrates có thể sẵn sàng chết vì sự thật và truyền cảm hứng cho những triết gia họa hiếm nhất làm điều tương tự. (Aristốt được cho là đã có lúc chạy trốn kẻo Athens phạm tội hai lần chống lại triết học.) Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, các Ki-tô hữu không những sẵn lòng bị gạt ra ngoài lề xã hội và đau khổ, mà còn sẵn lòng chết vì sự thật—và điều đó bao gồm cả các vị giám mục vĩ đại tiên khởi và những nhà tư tưởng nổi bật như Polycarp hay Justin Tử Đạo, cũng như những phụ nữ giản dị như Felicity và Perpetua. Người La Mã nghĩ – và nhiều người cùng thời với chúng ta cũng nghĩ – việc sẵn lòng chịu đau khổ và chết vì sự thật là chủ nghĩa cuồng tín. Nhưng những nhân chứng tiên khởi đó - và thậm chí còn rất nhiều người mới bị giết mỗi ngày hiện nay - đã nâng cao cả vị thế của sự thật trong xã hội cũng như vị thế của mỗi chúng ta như những hữu thể có lý trí, được tạo ra và dành cho Sự thật. Socrates chọn cái chết cho sự thật; các Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa - Đấng vốn là Sự thật - yêu cầu điều đó khi cần thiết.

Nhưng thậm chí còn có nhiều hơn nữa trong xu hướng này. Những câu nói thường đơn giản của Chúa Ki-tô có quy mô lớn đến mức phải mất hàng thiên niên kỷ các nhà thần học, triết gia, các vị thánh, nhà thần bí, các vị tử đạo, linh mục, giám mục và giáo hoàng mới bắt đầu hiểu được những gì Người nói. Tuy nhiên, đồng thời, lời của Người đã chạm đến trái tim của những người bình thường, định hình cuộc sống và hành động của họ, không chỉ trong thời đại của Người, mà còn qua nhiều thời đại, trong các nền văn hóa “đa dạng”, bất chấp những trở ngại dường như không thể xảy ra. Thánh Tôma Aquinô nghĩ rằng có lẽ phép lạ vĩ đại nhất của Ki-tô giáo là làm thế nào một số ngư dân và những người đàn ông khiêm tốn khác phát xuất từ một vùng văn hóa lạc hậu đã có thể biến đổi đế quốc vĩ đại nhất (Rome) đang hiện hữu. Đó hoàn toàn là sự kiện lịch sử—và ngài đã sống trước khi Đức tin lan rộng khắp Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á và toàn thế giới.

Việc tất cả những điều này hiện nay xem ra đang bị đe dọa, và trên mọi mặt trận, điều này khiến chúng ta yên tâm một cách nào đó; nó gợi ý rằng dù mọi thứ dường như đen tối như hiện tại, trong cả Giáo hội lẫn thế giới, Tin Mừng đã cho thấy nó có một sức mạnh không thể nghi ngờ, không thể đoán trước được. Nó luôn vượt quá những gì chúng ta có thể mong đợi một cách “hợp lý”. Và có thể làm như vậy bất cứ lúc nào, kể cả hôm nay.

Vì vậy, thật đáng để quay lại với những sự thật cơ bản nhất về truyền thống. Những dòng đầu tiên của sách Giáo lý Baltimore cũ là:

1.Hỏi: Ai đã tạo ra thế giới?
Trả lời: Chúa tạo ra thế giới.


Và xa hơn một chút:

6. Hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại tạo ra bạn?
Trả lời: Thiên Chúa tạo ra tôi để biết Người, yêu mến Người, phục vụ Người ở đời này và hạnh phúc với Người mãi mãi ở đời sau.


Nói một cách đơn giản, có hai câu hỏi lớn ở đây: thứ nhất, chúng ta suy nghĩ và hành động như thế nào trong thế giới này, và thứ hai, cái gì—ai?—chúng ta phải tìm kiếm ở thế giới tiếp theo?

Tất nhiên, hai lĩnh vực này có mối liên hệ với nhau. Bạn không thể lên Thiên đàng nếu không biết, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trên Trái đất. Trong truyền thống trí thức của chúng ta, sự hiểu biết này đã dẫn tới sự tương tác vô tận và hiệu quả giữa đức tin và lý trí. Cảm thức của chúng ta về những điều tối thượng giúp ổn định lý trí, như Hegel đã nói, và như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nhiều lần nhắc nhở chúng ta, lý trí có chiếc “mũi bằng sáp” và có thể xoay theo bất cứ hướng nào. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều lập luận có vẻ “hợp lý” được đưa ra để ủng hộ đủ loại điều điên rồ, đặc biệt là cơn sốt Trans [chuyển đổi] vào thời điểm hiện tại.

Giáo hội đã sử dụng hai truyền thống thế tục làm phương tiện suy nghĩ về sự mặc khải theo Do Thái và Kitô giáo, những truyền thống này đã phục vụ khá tốt cho Giáo hội và tất cả chúng ta trong các nền văn minh phương Tây. Ý tôi muốn nói các nền triết lý được chúng ta liên kết với Platông và Aristốt. Hãy đồng ý với tôi về điều mà thoạt đầu có vẻ như là một vấn đề phụ. Cả hai người Hy Lạp vĩ đại này đều không tin vào câu trả lời đầu tiên trong Sách Giáo lý Baltimore, rằng Thiên Chúa đã tạo ra thế giới. Nhưng họ đã có thể lý luận theo cách của họ một cách đủ tỉnh táo, đến mức nó cung cấp một luận lý vững chắc trong suốt hai thiên niên kỷ.

Mặc dù trong vài thế kỷ đầu tiên, Platông là hiện diện triết học chính trong Giáo hội, trước tiên tôi muốn nói một chút về Aristốt, người đã giúp đỡ, đặc biệt sau này ông được Thánh Tôma Aquinô và các nhà tư tưởng kinh viện vĩ đại sử dụng.

Làm sao vậy? Bởi vì ông là người kiên định trong việc làm sáng tỏ những điều được hầu hết chúng ta tiếp thu (bây giờ chỉ ít hơn so với trước đây) khi sống trong một gia đình hoặc ít nhất một cộng đồng ổn định đã hình thành nên chúng ta. Như Đức Hồng Y Newman, không phải là người theo phái Aristốt hay Tôma, từng đã viết:

Mặc dù chúng ta là những con người, nhưng ở một mức độ lớn hơn, chúng ta không thể không trở thành những người theo Aristốt, vì bậc Thầy vĩ đại chỉ phân tích những suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm và ý kiến của loài người. Ông đã cho chúng ta biết ý nghĩa của lời nói và ý tưởng của chúng ta trước khi chúng ta được sinh ra. Trong nhiều chủ đề, suy nghĩ đúng đắn là suy nghĩ giống như Aristốt, và chúng ta vẫn là đệ tử của ông dù muốn hay không, mặc dù chúng ta có thể không biết điều đó. (The Idea of a University [Ý tưởng về một đại học).

Đằng sau những kỹ thuật, sự tinh tế và phức tạp của Aristốt và Aquinô là điều được Chesterton gọi là “sự lành mạnh [sanity]”, bắt nguồn sâu xa từ thực tế, không phải “được xây dựng về mặt xã hội” như những người ngụy biện trong mọi thời đại chủ trương, mà là những hiểu biết sâu sắc thiết yếu về bản chất của thế giới trong đó chúng ta sống và bản chất của chúng ta là những tạo vật có lý trí.

Ảnh hưởng của Aristốt không nổi lên mạnh mẽ trong Giáo Hội Công Giáo La Mã cho đến khi nhiều tác phẩm của Hy Lạp được khám phá lại vào thời Trung Cổ, ngoại trừ một ngoại lệ. Các bản dịch của Boethius về tác phẩm luận lý của Aristốt vẫn sống còn—có nghĩa là có rất nhiều bản sao được lưu hành—trong khi nhiều tác phẩm khác của ông thì không. Ở Trung Đông, các học giả người Syria đã dịch Aristốt sang tiếng Ả Rập, điều này đã dẫn đến một sự bùng nổ trí thức ngắn ngủi ngay ở đó, và khi các tác phẩm lớn của Aristốt cuối cùng đã đi vào tư tưởng phương Tây vào thế kỷ 12, ngay từ ban đầu đã nhờ các bản dịch từ các phiên bản tiếng Ả Rập.

Trong khi chúng ta coi Aristốt là người đề xướng sự lành mạnh — trong Inferno, Dante gọi ông là Il maestro di color che sanno (“Bậc thầy của những người biết”)—khi ông lần đầu tiên được phát hiện lại, nó giống như thuốc nổ trí thức. Tôma Aquinô, người sử dụng các phạm trù mà Aristốt đã phát triển trong các tác phẩm luận lý của mình và cũng viết bình luận về các văn bản lớn hơn của Aristốt như Chính trị Đạo đức, được cho là mang tính cách mạng trong việc tiếp thu kiến thức mới. Trên thực tế, một số phần trong tác phẩm của ngài đã bị Stephen Tempier, tổng giám mục Paris, coi như dị giáo trong thời gian ngắn vì những dẫn đầu trí thức táo bạo của ngài, mặc dù người ta nhanh chóng nhận ra rằng ngài không hề dị giáo chút nào.

Thánh Augustinô và Aristốt là hai người có ảnh hưởng chính đến Thánh Tôma, và ngài đã cân bằng truyền thống Platông lâu đời hơn được ngài tìm thấy nơi Thánh Augustinô, Dionysius the Areopagite, và nhiều nhà văn huyền nhiệm thời Trung cổ đi trước ngài với những nghiên cứu mới hơn về Aristốt ở mức độ tuyệt vời đến độ khi Hồng Y Cajetan, bản thân vốn là một triết gia và nhà thần học đáng gờm, muốn ca ngợi Thánh Tôma, đã nói về ngài rằng ngài “dường như đã thừa hưởng trí tuệ của tất cả mọi người”. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, người đã khai mạc cuộc phục hưng vĩ đại của học thuyết Tôma cũng như tư tưởng xã hội Công Giáo hiện đại, đã trích dẫn câu nói đó của Cajetan khi ngài đề xuất học thuyết Tôma như phương thuốc vĩ đại cho xã hội hiện đại trong thông điệp Aeterni Patris của ngài.

Vì vậy, sự rõ ràng và tính hợp lý nhất quán của Aristốt/Tôma là một xu hướng lớn trong truyền thống. Nhưng còn chủ nghĩa Platông thì sao? Chủ nghĩa Platông cũng có một lịch sử phức tạp cả bên trong lẫn bên ngoài Công Giáo. Trên thực tế, vào khoảng thời gian Chúa Giêsu còn sống trên trái đất, Philo—một triết gia Do Thái ở Alexandria—làm việc dựa trên bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp và chủ nghĩa Platông, vốn phổ biến trong thế giới theo văn hóa Hy Lạp cổ thời, đã tạo ra một sự tổng hợp đáng lưu ý giữa hai phương thức tư duy này. Đó là một sự kết hợp khôn khéo được thực hiện dễ dàng hơn phần nào bởi sự kiện có khía cạnh tâm linh đầy nhiệt huyết của Platông trong các cuộc đối thoại. Và không giống như những người phủ nhận thế giới bên kia trong cả truyền thống Hy Lạp lẫn Do Thái, người anh hùng vĩ đại Socrates của Platông bình tĩnh uống thuốc độc bởi vì, như ông nói với bạn bè, ông sẽ ở bên các vị thần. Và có sự nhấn mạnh vào tình yêu theo nghĩa vũ trụ trong một số cuộc đối thoại theo trường phái Platông, đặc biệt là trong Phaedrus. Thật đáng để đọc cuốn sách nhỏ về cuộc đối thoại đó của Joseph Pieper (một trong những người theo chủ nghĩa Tôma Platông vĩ đại của thế kỷ 20) để hiểu cách có thể hiểu trạng thái xuất thần huyền nhiệm trong bối cảnh đó.

Các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội và thậm chí nhiều nhân vật thời Trung cổ—Dante đặc biệt dựa vào Bernard xứ Clairvaux trên đỉnh Paradiso—dành sức lực của họ để tìm kiếm “Tình yêu làm dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Chủ nghĩa Tân Platông, xuất hiện vào khoảng một thế kỷ trước Thánh Augustinô, thậm chí còn khai triển chi tiết Ba Ngôi của riêng mình—Đấng Duy Nhất, Trí tuệ và Linh hồn—điều này khiến công việc của các nhà tư tưởng Ki-tô giáo tiên khởi trở nên dễ dàng hơn. Không lâu trước khi những người theo chủ nghĩa Platông nói rằng các vị thần trong thần thoại nên được coi là thiên thần chứ không phải ác quỷ, như một cách để giải quyết thách thức ngày càng tăng từ những lập luận hợp lý của Ki-tô giáo chống lại các vị thần cổ điển và thậm chí chống lại chính thuyết đa thần.

Tuy nhiên, Ki-tô giáo đã mang đến một điều gì đó mới mẻ cho tư tưởng triết học. Nó thừa nhận một Thiên Chúa Tạo Dựng, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Y-sa-ác và Gia-cóp, những người thực sự yêu thích Sự sáng tạo của Người và duy trì nó trong hiện hữu vào mọi thời điểm. Đó đã là một sự thay đổi lớn lao so với Đấng Duy Nhất thờ ơ trong các triết gia vĩ đại và các nhà huyền nhiệm Platông như Plotinus và Porphyry. Đấng Duy Nhất không biết gì về thế giới vốn bằng cách nào đó phát sinh từ Bản thể Tinh khiết của ngài—và không quan tâm đến việc biết về nó—hoặc bất cứ điều gì khác. Thiên Chúa của các triết gia có thể được chứng minh một cách hợp lý là hiện hữu, nhưng ngoài nỗ lực huyền nhiệm để thấy ngài vượt qua những thay đổi không ngừng của thế giới, đó không phải là một tầm nhìn gây cảm hứng về thế giới đối với bất cứ điều gì ngoại trừ rất hiếm triết gia.

Tuy nhiên, nó vẫn có sức mạnh đối với họ. Trong cuốn Tự Thú của mình, khi Thánh Augustinô cuối cùng đến Milan và gặp gỡ nhóm các triết gia tân Platông xung quanh vị tổng giám mục vĩ đại St. Ambrose, họ đã giúp đỡ ngài rất nhiều. Nhưng một trong những phản bác của ngài là chủ nghĩa Platông có những giới hạn của nó. Trong Tự Thú VII, ngài đưa ra lời cầu nguyện này:

Chúa đã cung cấp cho con, bằng phương tiện của một người hài lòng với niềm kiêu hãnh hết sức tự nhiên, một số cuốn sách của những người theo chủ nghĩa Platông, được dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Và trong đó con đọc, thực sự không phải bằng lời nói, mà với cùng một mục đích, được củng cố bởi nhiều lý do khác nhau, rằng Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Một lần nữa con đọc ở đó, rằng Lời Thiên Chúa được sinh ra không phải bởi thịt hay máu, cũng không phải do ý muốn của người đàn ông, cũng không phải do ý muốn của xác thịt, mà là của Thiên Chúa. Nhưng con không đọc được rằng Lời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta.

Nền văn hóa của chúng ta, vốn đã tồn tại hàng thế kỷ với quan niệm Kitô giáo về Thiên Chúa, không thể cảm nhận được sức mạnh của sự khác biệt này, tôi nghĩ, rõ ràng như Thánh Augustinô đã cảm nhận. Nhưng đối với nhiều người ở nhiều nền văn hóa khác nhau, đây là một cú sốc hữu ích. Khi Thánh Juan Diego gặp Đức Mẹ Guadalupe, ngài có phần nào ở cùng quan điểm với những người theo chủ nghĩa Platông thời xưa. Nền văn hóa ban đầu của ngài, Chichimecs, tin vào một vị thần tối cao trong số nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng vị thần tối cao đó quá cao và xa vời nên ngài chưa bao giờ dính dáng gì đến những việc thấp kém của trần gian. Tuy nhiên, khi Thánh Juan Diego nhìn thấy Đức Trinh Nữ đang mang thai, trên váy của ngài, trên cái bụng căng phồng của ngài, là bông hoa gắn liền với vị thần cao cả đó. Nói cách khác, nó tượng trưng cho việc vị thần xa xôi đã đến gần với con người, trong trường hợp này là thông qua một người phụ nữ mang hai dòng máu châu Âu và bản địa da trắng. Điều này khác xa với Thánh Augustinô của những người theo chủ nghĩa Tân Platông, nhưng vẫn là một ví dụ cụ thể về cách được Ki-tô giáo hợp nhất giữa người cao và người thấp - và trong trường hợp này, đã tạo ra sự biến đổi của cả một lục địa, một sức mạnh tâm linh chưa từng có.

Tất nhiên, có rất nhiều điều mà những thế kỷ gần đây dựa trên những điểm nhấn khác nhau trong truyền thống đã mang đến cho chúng ta, nhất là cuộc điều tra hợp lý về một Sự sáng tạo được hình thành bởi logos. Nhưng những điều này có quan trọng với chúng ta ngày nay không? Đây chỉ là cách đọc của cá nhân tôi trong 150 năm qua - kể từ khi Đức Lêô XIII kêu gọi một thuyết Tôma mới, sáng tạo làm nền tảng cho sự đổi mới các quan niệm của chúng ta về con người và xã hội loài người. Như ngài đã nói trong thông điệp đó:

Vì những lời dạy của Thánh Tôma về ý nghĩa thực sự của tự do, mà vào thời điểm này đang được cho phép, về nguồn gốc thiêng liêng của mọi quyền lực, về luật pháp và sức mạnh của chúng, về sự cai trị của người cha và công bằng của các hoàng tử, về sự vâng phục các quyền lực cao hơn, dựa trên lòng bác ái lẫn nhau, đối với tất cả những đối tượng này và cùng loại - có sức mạnh rất lớn và bất khả chiến bại để lật đổ những nguyên tắc của trật tự mới vốn được biết đến là nguy hiểm đối với trật tự hòa bình và an toàn công cộng.

Chúng ta, những người đã chứng kiến sự trỗi dậy tàn khốc của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa phát xít, và thậm chí cả “những con quỷ trong nền dân chủ” sẽ ghi nhớ những lời của Đức Lêô.

Nửa đầu thế kỷ 20 đã tạo ra một làn sóng đáng kinh ngạc các tác phẩm tân kinh viện. Khoảng nửa sau của thế kỷ này, mặc dù bắt đầu sớm hơn một chút với cuốn sách Catholicism [Đạo Công Giáo] năm 1938 của Henri de Lubac—một cuốn sách mà cả Karol Wojtyla và Joseph Ratzinger đều cho là không thể thiếu—là sự hồi phục của các Giáo phụ thời kỳ đầu và cách đọc Kinh thánh mang tính Platông hơn của họ—một cách tiếp cận mang tính tinh thần hơn, theo chủ nghĩa nhân vị, dựa vào cộng đồng, thậm chí thần bí hơn mà sau này được gọi là ressourcement [trở về nguồn] tại Vatican II.

Chúng ta thật may mắn, tuy nhiên hiện nay có nhiều tình trạng hỗn loạn đang hiện hữu trong Giáo Hội và thế giới, ngay phía sau chúng ta, một vài thế hệ theo chủ nghĩa Aristốt/Tôma được đổi mới cũng như chủ nghĩa nhân vị và chủ nghĩa cộng đồng theo kiểu Platông/Augustinô hơn. Đây là những đóng góp rất nhiều và to lớn cho Giáo hội và thế giới chỉ từ vài thập niên trước, đáng được nghiên cứu trong những ngày đầy khó khăn của chúng ta. Nền móng cũ không thể mất mãi mãi vì không thể mất được. Chắc chắn chúng chỉ đang chờ chúng ta hồi sinh chúng bằng những sự thích ứng sáng tạo phù hợp với thời điểm của chúng ta.

Và bây giờ chúng ta có thách thức chính rõ ràng trước mắt. Chesterton đã nhìn thấy nó cách đây một thế kỷ:

Khi một kế hoạch tôn giáo bị tan vỡ (như Kitô giáo đã bị tan vỡ trong cuộc Cải cách), thì đó không chỉ là những thói xấu được thả lỏng. Quả thực, những thói xấu được thả lỏng, chúng lang thang và gây thiệt hại. Nhưng đức hạnh cũng bị buông lỏng; và những đức tính lang thang một cách hoang dã hơn, và những đức tính gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn. Thế giới hiện đại chứa đầy những đức tính Kitô giáo cũ đã trở nên điên rồ. Các đức tính đã phát điên vì bị cô lập và lang thang một mình. Vì vậy một số nhà khoa học quan tâm đến sự thật; và sự thật của họ là tàn nhẫn. Vì vậy một số nhà nhân đạo chỉ quan tâm đến lòng thương hại; và lòng thương hại của họ (tôi rất tiếc phải nói) thường không thành thật.

Điều này giải thích phần lớn những gì chúng ta đang phải chịu đựng. Từ lâu, nó đã trở thành một phần trong sự hiểu biết của chúng ta về các vấn đề đạo đức, chẳng hạn, như Thánh Augustinô từng nói, cái ác là sự thiếu vắng một số điều tốt, hoặc là thứ lẽ ra phải có nhưng lại không có, hoặc nó ở một mức độ quá lớn hoặc quá ít. Nói cách khác, vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của tất cả những gì hiện hữu và mọi thứ Người tạo ra đều tốt, nên điều bị chúng ta gọi là cái ác, theo một cách nào đó, là một sự chệch hướng khỏi trật tự đầy đủ của vũ trụ của chúng ta. Giáo hội là “Công Giáo” chính xác bởi vì nó “phổ quát”, kata-holos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “theo tổng thể”.

Cơn sốt “chuyển giới” là một ví dụ phản bác hoàn hảo. Đầu tiên, việc tin rằng phẫu thuật biến dạng hoặc dùng thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì có thể biến nam thành nữ hoặc ngược lại đi ngược lại với nhận thức đơn giản về thực tại. Ngay những trang đầu tiên của Sách Sáng Thế đã nói, “Người đã tạo ra họ có nam và nữ,” và đó là sự hiểu biết về cơ bản của toàn bộ loài người cho đến vài năm gần đây ở một số quốc gia siêu phát triển. Đạo Công Giáo, giống như bản chất con người, có tính nhị phân.

Nhưng còn nhiều điều đang diễn ra hơn là các nhóm và cá nhân cực đoan thúc đẩy việc cắt xẻo trẻ em dưới chiêu bài “chăm sóc khẳng định giới tính”. Một đức tính – lòng trắc ẩn đối với những người trẻ phân biệt giới tính – đã phình to đến mức nó làm lu mờ mọi thứ, từ những sự thật đơn giản về sinh học cho đến hàng ngàn năm kinh nghiệm của con người. Hãy thử nghĩ xem ý nghĩa của việc các nhân viên y tế được đào tạo nói về “giới tính được gán cho khi sinh ra” [gender assigned at birth], như thể quan sát thông thường rằng một đứa trẻ sơ sinh là con trai hay con gái chỉ là quy ước của một người ấn định vô danh, và có lẽ thiên vị nào đó.

Lòng trắc ẩn quá mức này, hoàn toàn thờ ơ với thực tại và sự thật, tạo cơ hội cho truyền thống trí thức Công Giáo, bởi vì với sự tôn trọng toàn bộ thực tại, truyền thống của chúng ta có vị trí đặc biệt tốt để trả lời những câu hỏi cấp tiến mà nền văn hóa nói chung không thể, và kết quả, đang ở trong một nguy cơ nghiêm trọng. Ngay cả Rome ngày nay cũng ít cam kết về sự rõ ràng và tỉnh táo hơn mức cần thiết. Đó sẽ là một thách thức trong Giáo hội trong tương lai gần. Nhưng con đường khắc phục vấn đề đó đã rõ ràng từ lịch sử lâu đời của chúng ta.

Tôi nghĩ chúng ta cũng phải thêm vào những đức tính đã thành điên rồ của Chesterton rằng có yếu tố ma quỷ ngày càng rõ ràng trong tất cả những điều này. Có thể nói, Ác quỷ không có hàng hóa để bán. Nó chỉ có thể sử dụng hàng hóa do Tạo hóa tạo ra để cố gắng làm cho chúng ta mất trật tự, nói dối hoặc che giấu sự thật bằng cách báng bổ những sự thật khác. Một trong những nhiệm vụ khó khăn được giao cho các Kitô hữu trong thế hệ hiện nay là chống lại những sự thật phiến diện, gọi tên những nhân đức hỗn loạn, nhắc nhở toàn thế giới về trật tự hiện hữu và sự thật mà hàng thế kỷ suy nghĩ cẩn thận và quảng đại đã đưa ra ánh sáng. Và chống lại những lời gièm pha về thành kiến và thù ghét, bằng cách khẳng định sự thật trọn vẹn—và tình yêu. Không có nhiệm vụ nhỏ hoặc dễ dàng. Nhưng chúng ta được kêu gọi đến nơi mà Chúa Quan Phòng đã chỉ định.

Tôi đau đớn nhận ra mình thậm chí còn chưa đụng tới được bao nhiêu. Linh đạo của các giáo phụ sa mạc, những đóng góp to lớn của Thánh Phanxicô Assisi và phong trào Phanxicô, Hildegard thành Bingen, Inhaxiô Loyola, Erasmus, Blaise Pascal, Chateaubriand, Thánh Edith Stein, và nghệ thuật Công Giáo, các nhà khoa học và nhạc sĩ vĩ đại, các nhà thơ và tiểu thuyết gia, những phân tích quan trọng về văn hóa của Christopher Dawson, và nhiều hơn thế nữa. Nhưng đó là điều không thể tránh khỏi trong bất cứ cách xử lý nào về “kho báu mà chúng ta có, truyền thống trí thức Công Giáo”.

Tôi sẽ kết thúc bằng lời của một nhân vật vĩ đại khác trong truyền thống, Hilaire Belloc, mà tôi thường nhắc đến khi mọi người hỏi tôi tại sao tôi lại là biên tập viên của một trang web với cái tên vô duyên, đối với một số người, The Catholic Thing: “Giáo Hội Công Giáo là người ủng hộ Thực tại. Đúng thế. Giáo lý của nó ở những điều lớn và nhỏ là những phát biểu về điều gì là. Đây là điều mà hành động cuối cùng của trí thông minh chấp nhận.... Kết luận của tôi – và của tất cả những người đã từng nhìn thấy nó – là Đức tin. Một giáo huấn hợp đoàn, có tổ chức, một nhân cách. Một điều, không phải một lý thuyết. ."

________________________________________________________________________________________________________________________

Robert Royal là tổng biên tập tờ The Catholic Thing và là chủ tịch Viện Đức tin & Lý trí ở Washington, D.C. Những cuốn sách gần đây nhất của ông là Columbus and the Crisis of the West A Deeper Vision: The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century [Columbus và Cuộc khủng hoảng của phương Tây và Tầm nhìn sâu sắc hơn: Truyền thống trí tuệ Công Giáo trong thế kỷ 20]. Tiểu luận này được phỏng theo Khóa giảng khai mạc MacFarlane tại Viện Thomas More (Fort Worth, Texas) vào tháng 5 năm 2023, có thể tìm thấy ở địa chỉ: https://whatweneednow.substack.com/p/this-treasure-we-have-the-catholic?