Trò chuyện với Đức cha Thái Bình

Nhân dịp giáo phận Thái Bình kết thúc 3 Năm thánh và khai mạc Năm thánh Hồng Đào của giáo phận, chúng tôi có dịp về đây chung vui với giáo dân của miền quê lúa và trò chuyện với Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang:

*HT: Xin chúc mừng Đức cha và giáo phận Thái Bình vừa gặt hái được một vụ mùa bội thu sau 3 Năm thánh nhân các sự kiện lịch sử của giáo phận. Đức cha có thể cho biết vắn tắt những kết quả đó?

*Đức cha Nguyễn Văn Sang (ĐC NVS): Nhân 70 năm thành lập giáo phận (1936-2006), 100 năm nhà thờ chính tòa Thái Bình (1906-2006), tôi đã xin với Tòa thánh cho mở 3 năm thánh liên tiếp. Năm 2005 với chủ đề Sám hối và Hòa giải. Năm 2006 là Kiến thiết và Xây dựng. Năm 2007 là Tạ ơn. Đây thật là một đặc ân hiếm có vì ít đâu có được. Thu hoạch lớn nhất là cả giáo phận đều trưởng thành cả về chất và lượng qua ba Năm thánh. Đời sống đức tin của giáo dân được vun đắp. Bầu khí hòa giải, đoàn kết được lan tỏa từ gia đình, xứ họ đến cộng đồng. Một loạt nhà thờ, nhà xứ mới được xây dựng như Đông Phú, Trung Đồng, Cao Mại, Bác Trạch…đặc biệt ngôi nhà thờ chính tòa to đẹp được cung hiến vào ngày13-10-2007 với sự hiện diện của nhiều Hồng y, Giám mục trong cả nước. Giáo phận có thêm 20 xứ mới nâng số giáo xứ trong giáo phận thành 90. Nhiều dòng tu, hội đoàn dược lập mới hoặc tái lập. Bệnh xá Phan Sinh cũng được khánh thành và đi vào hoạt độngj có hiệu quả. Giáo phận có thêm 17 tân linh mục và hiện còn 27 đại chủng sinh đang theo học.

Trong thời gian này, tôi cũng có một ngày lễ đáng nhớ. Đó là lễ Ngân khánh Giám mục và Kim khánh linh mục được tổ chức trọng thể vào ngày 22-4-2006. Trong dịp này, tôi đã nhận được điện văn chúc mừng của Đức Hồng y C. Sepe- Bộ trưởng Bộ Truyền giáo và Đức TGM Hà Nội về giảng thuyết.

Ba Năm thánh của giáo phận đã kết thúc nhưng chúng tôi không muốn dừng lại và phải tiến bước theo tinh thần của Olimpic là “ nhanh hơn, mạnh hơn và xa hơn”. Vì vậy, tôi đã phát động Năm thánh Hồng Đào, khai mạc vào đúng Lễ nến vừa qua.

*HT: Con đã may mắn được tham dự ngày khai mạc đó. Thật là một khung cảnh tuyệt vời. Cả rừng người tay cầm cành đào rước quanh nhà thờ. Khuôn viên Tòa giám mục rực sáng như công viên hoa và cây đào cuối nhà thờ to cao đáng ghi vào guinet. Thưa Đức cha, tinh thần của Năm thánh Hồng Đào là gì?

*ĐC NVS: Chúng tôi bước vào Năm thánh với 4 quyết tâm lớn là Tôn sùng Thánh thể; Kính mến Đức mẹ La Vang; Học tập và thực thi Kinh thánh, giáo lý và làm việc bác ái xã hội. Chúng tôi coi đây là 4 cỗ đại xa của Năm thánh. Ngày mùng 3 Tết vừa qua, tôi và các linh mục cùng đông đảo tu sĩ, giáo dân đã về dự lễ đầu xuân với bà con ở trại phong Vân Môn. Giáo phận cũng đã quyết định thành lập ủy ban bác ái xã hội do tôi làm Trưởng ban. Việc đầu tiên chúng tôi triển khai là mở một Trung tâm chăm sóc trẻ em bị chất độc màu da cam ở Thái Bình. Tôi cũng đã gửi đơn tới chính quyền các cấp xin được sử dụng một số diện tích vốn trước đây là của giáo hội nhưng hiện do địa phương đang sử dụng. Bước đầu, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền các cấp. Ông Bí thư Tỉnh ủy còn nói: Làm từ thiện thì Cụ không có đất, chúng tôi sẽ cấp đất.

*HT: Vấn đề đất đai, tài sản của giáo hội đang là vấn đề nóng ở một số nơi nhất là khu vực Hà Nội. Đức cha có sáng kiến gì để gỡ ra vấn đề nhạy cảm này?

ĐC. NVS: Đất đai là vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội thời kinh tế thị trường. Trước đây, người ta cho nhau cả ngàn mét vuông. Còn bây giờ, bố con đưa nhau ra tòa vì vài thước đất. Không chỉ tại “ tấc đất, tấc vàng” mà còn tại cả vấn đề luật pháp, đạo đức, công bằng xã hội. ở Hà Nội, từ dịp lễ Giáng sinh đến nay nổi lên một số nơi như khu vực Tòa Khâm sứ, nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Hà Đông. Tôi cũng đã có dịp trao đổi với nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương cũng như Đức TGM Hà Nội, dòng Chúa cứu thế và đề nghị một giải pháp “ rút củi để hạ nhiệt”. Rất tiếc đề nghị của tôi không được thực thi nên đã xảy ra những căng thẳng mà lẽ ra tránh được. Ví dụ, nếu mở cửa Tòa Khâm sứ cho giáo dân vào đọc kinh thì đâu có cảnh trèo tường, xô cổng ngày 25-1. Rất may, Tòa thánh đã có hướng dẫn qua văn thư của Đức Hồng y Bertone- Quốc vụ khanh ngày 30-1 và Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng có quyết định sáng suốt, lại thêm hàng giáo sĩ và giáo dân đã vâng lời, nên tình hình đã dịu lại. Bây giờ chỉ chờ Nhà nước giải quyết như thế nào thôi.

Song để tránh lặp lại các vụ việc như Tòa Khâm sứ cần có một ủy ban gồm cả đại diện Nhà nước, các Giám mục và các giáo phận như tôi đã đề nghị 6 năm trước đây để cùng đi khảo sát thực tế và cho hướng giải quyết có lý, có tình.

*HT: Xin hỏi Đức cha câu hỏi cuối, vấn đề nhân sự kế vị Đức cha ở Thái Bình đã có kết quả chưa ạ?

ĐC. NVS: Theo Giáo luật, tháng 1-2007, khi tròn 75 tuổi tôi đã đệ đơn xin nghỉ hưu và Tòa thánh đã chấp nhận với điều kiện khi nào có Giám mục kế vị xứng đáng. Tôi cũng đã gửi cho Tòa thánh danh sách các ứng viên. Đó là những linh mục đang làm mục vụ ở Thái Bình. Tòa thánh đã chấp thuận. Bây giờ phải chờ quyết định của Tòa thánh. Sớm muộn gì năm nay cũng có kết quả thôi.

*HT: Xin cảm ơn Đức cha về cuộc trò chuyện này. Chúc Đức cha và giáo phận Thái Bình tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả trong Năm thánh Hồng Đào này.

Huy Thông (thực hiện)