Nhà nước phản pháo

Trước khi đại lễ Vesak được tổ chức tại Hà Nội, báo Thanh Niên đã mở cuộc phỏng vấn Thiền Sư Lê Mạnh Thát, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế (IOC) đồng thời là Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Phối Quốc Gia Đại Lễ Phật Đản LHQ, để thổi ông lên như một lá bài mới của Đảng CSVN. Nhưng những câu trả lời của ông về lịch sử Việt Nam và thuyết Phật Giáo là dân tộc được đăng trên 7 số báo Thanh Niên đã gây khá nhiều phản ứng gay gắt ở trong nước. Các báo Nhà Nước đã lên tiếng phản bác.

Trước khi trình bày biến cố này, chúng tôi xin nói qua việc nhà cầm quyền đứng ra đăng cai tổ chức lể Vesak 2008 để độc giả dễ theo dõi hơn.

NHÀ NƯỚC BAO SÂN TẤT CẢ

Vào ngày 10.11.2008, Nhà Nước CSVN đã chính thức tuyên bố đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak LHQ và Hội Thảo Phật Giáo Quốc Tế lần thứ 5 từ ngày 13 đến ngày 17.5.2008 tại thủ đô Hà Nội với chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nơi tổ chức là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Như chúng tôi đã trình bày, VESAK là tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ. Người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng vì theo truyền thuyết, vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện quan trọng gắn với thân thế và sự nghiệp Đức Phật: Phật đản sinh, Phật thành Đạo và Phật nhập Niết bàn. Theo đề nghĩ của 34 quốc gia, ngày 15.12.1999 Đại Hội Đồng LHQ đã chính thức công nhận lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ.

Một câu hỏi được đặt ra: Nhà cầm quyền CSVN đăng cai tổ chức lể Vesak để làm gì? Trong cuộc họp báo vào chiều 28.11.2007 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ và là Trưởng Ban Điều Phối Quốc Gia Tổ Chức Đại Lễ Vesak 2008 khẳng định rằng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (tức Giáo Hội Nhà Nước), Uỷ Ban Tổ Chức Quốc Tế (IOC) tổ chức thành công đại lễ này tại Việt Nam. Ông nói:

"Sự kiện này góp phần thể hiện đường lối đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".

Nói cách khác, việc nhà cầm quyền CSVN đăng cai tổ chức lễ Vesak là nhắm mục tiêu chính trị chứ không phải văn hóa và tôn giáo như LHQ muốn. Mục tiêu của chính quyền là tuyên truyền cho chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà Nước, một chính sách thường bị lên án là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Như vậy, lễ Vesak, đã bị Đảng CSVN biến thành một công cụ tuyên truyền chính trị.

Tuy nói chính phủ chỉ “hơp tác và hổ trợ”, nhưng ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ được Nhà Nước cử đứng ra làm Trưởng Ban Điều Phối Quốc Gia Tổ Chức Đại Lễ Vesak. Đây là nhân vật có thẩm quyền cao nhất.

Mặc dầu trong Giáo Hội Nhà Nước có rất nhiều cao tăng có khả năng và kiến thức như Hòa Thượng Thích Trí Quảng, một đảng viên Đảng CSVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Sài Gòn chẳng hạn, nhưng Nhà Nước không chọn họ mà chọn Thiền Sư Lê Mạnh Thát làm Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế đồng thời là Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Phối. Nói cách khác, sau ông Nguyễn Thế Doanh là Thiền Sư Lê Mạnh Thát!

Để chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2008, Ban Điều Phối Quốc Gia đã hình thành các tiểu ban giúp việc và phân công công việc cụ thể như sau:

- Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước và Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế phụ trách: Lễ tân - Giao tế; Khánh tiết - Trang trí; Nội dung; Nghi lễ - Văn hóa.

- Các cơ quan Nhà Nước nắm giữ các công tác: Tuyên truyền, An ninh, Tài chính - Hậu cần.

ĐÃ ĐỂ LỘ CON TẨY QUÁ SỚM!

Như chúng ta đã biết, Thiền Sư Thích Mạnh Thát đã bị bắt giam và bị tuyên án tử hình vào tháng 10 năm 1988. Nhưng đến tháng 9 năm 1998, ông được ân xá và phóng thích cùng với Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Tuy nhiên, ông là người “trá hàng VC để làm văn hóa, hoằng pháp...” (nói theo nhóm Thân Hữu Già Lam được Thượng Tọa Không Tánh lặp lại) rất sớm và hiện nay đang được Nhà Nước trọng dụng.

1.- Thay thế Nhất Hạnh?

Nhiều người tin rằng Đảng CSVN đang “thổi” Thiến Sư Lê Mạnh Thát lên để dụ các thành phần trí thức khác của Giáo Hội Ấn Quang quay lại “hợp tác” với Giáo Hội Nhà Nước, đồng thời dùng ông để thay thế vai trò của Thiền Sư Nhất Hạnh không còn ăn khách nữa,

Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, Thiền Sư Nhất Hạnh đã được giao sứ mạng về Việt Nam hai lần để kết hợp Giáo Hội Ấn Quang với Giáo Hội Nhà Nước nhưng thất bại. Đầu năm 2005 ông đã về Việt Nam dưới dạng một “Đoàn Múa Lân” . Ông muốn gặp các cao tăng của Giáo Hội Ấn Quang nhưng không được tiếp. Ông liền đến Huế dàn xếp để hai phe ngồi lại với nhau. Hai bên đã đồng ý một cách gượng gạo sẽ “Bồ Tát chung vĩnh viễn” tại tổ đình Linh Quang. Nhưng khi Thiền Sư đi rồi, ai ở nhà nấy. Năm 2007 Thiền Sư lại trở về Việt Nam trong nữa năm đầu dưới chiêu bài tổ chức “Trai Đàn Chẩn Tế” để cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự. Ông hy vọng lễ cầu siêu được tổ chức dưới dạng thức “lên đồng” này sẽ thu hút hai bền cùng đến tham gia và ông sẽ cột lại với nhau. Nhưng bên Giáo Hội Ấn Quang cũng không đến.

Vì lá bài Nhất Hạnh không còn hiệu nghiệm, Đẳng CSVN cố gắng biến Thiến Sư Lê Mạnh Thát thành một huyền thoại để thay thế, coi ông như là một học giả, một siêu nhân của Phật Giáo.

2.- Bắt đầu lớn lối và để lộ ra hậu ý

Nằm trong mục tiêu đó, báo Thanh Niên của Nhà Nước đã mở cuộc phỏng vấn Thiền Sư Lê Mạnh Thát và đăng trên 7 số báo từ 26/2 đến 6.5.2008 dưới một đầu đề rất hấp dẫn: “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” . Vì được thổi lên quá cao, ông bắt đầu lớn lối và để lộ thâm ý của mình nên bị Nhà Nước nhận diện và phản ứng.

Qua cuộc phỏng vấn của Hoàng Hải Vân, ông đưa ra một số dẫn chứng đề cho rằng có nhiều điều ghi trong cổ sử là sai như truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ; Triệu Đà chưa từng xâm lược nước Việt cổ, v.v. Ông đưa ra “Lục Độ Tập Kinh” , được nói là xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, và nói lịch sử dân tộc được bảo tồn trong kinh Phật. Ông khẳng định rằng tập kinh này là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn. Tăng Khương Hội là người đã dịch bản kinh đó. Theo ông, “Lục Độ Tập Kinh” chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Truyền thuyết đó được ghi vào sử bắt đầu từ bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên.

Bây giờ chúng ta chưa tranh luận về các thuyết mà Thiền Sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra để đòi sửa lại lịch sử. Chúng ta chỉ thử tìm hiểu ông muốn gì khi đưa ra các thuyết đầy tranh luận này.

Qua các bài phát biểu trên báo Thanh Niên, Đảng CSVN và nhiều người đã nhận ra rằng Thiền Sư Lê Mạnh Thát đang cố gắng chứng minh thuyết “Phật Giáo là siêu việt và Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo” . Đây là chủ thuyết mà nhóm Phật Giáo cực đoan và hoạt đầu chính trị đã đưa ra từ năm 1963 với chủ trương Phật Giáo phải nắm chính quyền. Chủ thuyết này cũng đã được ghi lại trong “Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI” ngày 21.2.2001 của Giáo Hội Ấn Quang. Thông điệp này đã nhắc lại một câu trong Lục Độ Tập Kinh, một bửu bối do Thiền Sư Lê Mạnh Thát dịch, để chứng minh theo kinh Phật, các tăng sĩ phải đứng ra lãnh đạo quốc gia. Câu đó như sau: "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than". Đây cũng là chủ trương của nhóm Thân Hữu Già Lam hiện nay.

Tuy nhiên, nước Việt Nước có đến 4 ngàn năm văn hiến. Phật Giáo mới du nhập vào Việt Nam khoảng 2 ngàn năm. Vậy 2 ngàn năm trước ai dựng nước và giữ nước? Trong 2 ngàn năm có mặt Phật Giáo, đã có đến 1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày, 33 năm dưới gông cùm Cộng Sản... Những lúc đó Phật Giáo đi đâu? Ông chưa có câu trả lời!

Thật ra, không phải chỉ với loạt bài nói trên chúng ta mới thấy ý đồ của Thiền Sư Lê Mạnh Thát. Năm 1999, khi hay tin ông sắp xuất bản bộ “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam” , chúng tôi rất vui mừng vì tin rằng có thể tìm thấy trong đó những sự kiện lịch sử mới và chính xác về Phật Giáo. Nhưng chúng tôi đã thất vọng khi đọc Tập I. Chúng tôi có cảm tưởng ông đã viết sử theo đường lối của Đảng CSVN: chỉ đưa ra các sự kiện để chứng minh “Đảng ta” luôn anh minh, sáng suốt và thắng lợi..., còn các phần sai lầm, thất bại, hay “không có lợi” đều bỏ đi hết. Thiền Sư Lê Mậnh Thát đã viết sử Phật Giáo Việt Nam cũng gióng hệt như vậy. Ông chỉ đi tìm những tài liệu để chứng minh Phật Giáo là siêu việt và Phật Giáo là dân tộc. Ông cho rằng Phật Giáo đã truyền vào nước ta từ đời Hùng Vương. Nhưng các đời Hùng Vương thường được ước lượng kéo dài khoảng từ năm 696 đến 258 trước công nguyên. Do đó, ông tìm cách kéo dài đời Hùng Vương ra đến năm 43 sau công nguyên! Phần thực sử nói về Phật Giáo trong cổ sử bị coi là “không có lợi” cho Phật Giáo, ông đều gạt ra ngoài, không ghi lại một chữ nào. Giáo Sư Trương Thái Du đã phải phê phán: “Thứ gì có lợi cho thuyết của ông, thì ông xem như chân lý và không nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ...”

NHÀ NƯỚC PHẢN PHÁO

Trước hết, hai tờ báo lớn nhất trong nước là báo Nhân Dân và báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng hai bài chống lại những quan điểm về lịch sử của Thiền Sư Lê Mạnh Thát dựa vào Kinh Phật. Những báo khác cũng đăng nhiều bài góp ý thêm hay đăng lại hai bài nói trên.

Vì hai bài báo đăng trên báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng quá dài, nên trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ ghi lại những điểm chính.

I.- Phản ứng trên báo Nhân Dân

Dưới đầu đề “Về cái gọi là... những phát hiện lịch sử chấn động” báo Nhân Dân ngày 10.3.2008 đã giới thiệu bài của ông Trương Thái Du như sau:

“Từ ngày 27-2 đến ngày 6-3, một tờ báo đã đăng bài viết nhan đề "Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động". Một số điều trong bài viết đã gây phản ứng gay gắt trong bạn đọc, nhất là những người nghiên cứu khoa học lịch sử. Vì thế, đã có rất nhiều thư và ý kiến phản ứng gửi tới báo Nhân Dân.

“Chúng tôi xin đăng bài viết của tác giả TRƯƠNG THÁI DU... để góp phần chia sẻ thông tin cùng bạn đọc.”


Ông Trương Thái Du, nhà nghiên cứu cổ sử ở Sài Gòn, đã mở đầu bài báo bằng câu sau đây:

“Vì yêu thích cổ sử và ít nhiều đã có một số công trình biên khảo nhỏ, tôi đặc biệt chú ý và theo dõi rất kỹ vấn đề ông Lê Mạnh Thát theo đuổi. Từ việc đọc bài báo "Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động" đăng trên một tờ báo, kết hợp với tìm hiểu quyển Lục Độ Tập Kinh (LĐTK) và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2006) của tác giả Lê Mạnh Thát, tôi xin trình bày một số ý kiến...”

Sau đó, ông Du đã tóm lược một số điểm nổi bật mà Thiền Sư Lê Mạnh Thát đã nêu ra:

1. Truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con có nguồn gốc từ nước Phật.

2. Truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ.

3. Triệu Đà chưa từng xâm lược nước Việt cổ.

4. Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước thời Hai Bà Trưng là những quận mà triều đình Hán "đoạt khống", tức đặt tên trên bản đồ nhưng không chiếm đóng trực tiếp.

Ông Du nói rằng kết hợp với việc giải mã lịch sử ẩn trong kinh Phật, ông Thát chứng minh từ Vua Hùng đến Hai Bà Trưng, nước ta hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chữ viết, luật tục, thi thơ, lễ nhạc. Quan điểm của ông Lê Mạnh Thát thiên về tính bản địa của văn minh Việt Nam, tương đồng với các nghiên cứu của nhiều sử gia lớn như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn... Truyền thuyết An Dương Vương có cái vỏ Mahãbhãrata. Tuy vậy, ông Thát đã bỏ qua những chi tiết rất quan trọng, góp phần tạo dựng truyền thuyết An Dương Vương: Tích Trương Nghi theo đường rùa bò xây thành tại nước Thục (thế kỷ thứ 4 trước công nguyên). Theo sách Đông Kinh Hoa Mộng Lục, thời Hậu Chu (951 - 959), tại Trung Quốc có xây dựng Loa thành hình xoáy trôn ốc, có ba vòng là Thành ngoại, Thành nội và Hoàng thành. Thành này hiện vẫn còn di tích tại thành cổ Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đó là chưa kể, truyện dân gian Thần cung bảo kiếm của người Choang ở Quảng Tây có mô-tip rất giống "An Dương Vương".

Bằng việc rút mắt xích An Dương Vương và Triệu Đà khỏi chuỗi Vua Hùng - An Dương Vương - Triệu Đà - Hai Bà Trưng, ông Thát bẻ cong sử liệu để nối Vua Hùng trực tiếp với Hai Bà Trưng.

Tiếp đến ông Du bàn đến chuyện Tàu chỉ “đoạt khống” đất Việt Nam chứ không có chiếm thực. Ông Du viết:

“Gút mắc lớn nhất và "chấn động" lớn nhất, theo tôi, là việc ông Lê Mạnh Thát khẳng định ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là "... "đoạt khống" đất đai nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng của nhà Hán mà thôi". Lập luận trong bài báo là: Tượng Quận nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Bài báo nói trên viết: "Một số tài liệu Trung Quốc có chép một cách lầm lạc rằng nó là Nhật Nam (nước ta) sau này, nhưng đối chiếu với những tài liệu tin cậy cũng của chính Trung Quốc, từ rất sớm người ta đã biết Tượng Quận nằm giữa hai quận Uất Lâm và Tường Kha của Trung Quốc chứ không phải nước ta".

Nhưng ông Du nói rằng Tượng Quận mà ông Thát nêu lên là Tượng Quận của đời Hán chứ không phải của đời Tần. Quyển Lính Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi có đoạn nói Hán Vũ Đế chiếm Nam Hải đã tách Tượng Quận của Tần làm ba Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, lại cắt một ít Nam Hải và Tượng Quận để thành Hợp Phố.

Về sử liệu mà ông Lê Mạnh Thát xử dụng, ông Du có nhận xét như sau:

“Sử liệu về cổ sử Việt Nam thật ít ỏi, phần lớn là sách Trung Quốc và truyền thuyết dân gian. Đến thời đại văn minh mạng máy tính hôm nay, chúng ta không những có nhiều công trình biên khảo của người Việt xuất bản liên tục, mà còn có thể truy đến nguyên văn Hoa ngữ khá đầy đủ, hệ thống và khoa học trên các trang web của Trung Quốc, trong đó có của Đài Loan. Tiếc là, phần lớn nội dung Lục Độ Tập Kinh của ông Thát viết cách đây đã 40 năm, sử liệu Trung Hoa ông dùng thiếu độ liền mạch, thiếu đầy đủ cũng như không được cập nhật.”

Về phương diện lựa chọn sử liệu để xử dụng, ông Du đã phê phán Thiền Sư Lê Mạnh Thát khá nặng. Ông nói “ông Lê Mạnh Thát đã khai thác một chiều sử liệu Trung Hoa. Trong Lục Độ Tập Kinh ông sử dụng khá nhiều văn bản Trung Quốc, nhưng đáng tiếc phương pháp của ông rất cảm tính. Thứ gì có lợi cho thuyết của ông, thì ông xem như chân lý và không nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ...”

Trong phần tạm kết, ông Du nói “có thể việc tiến hành nhiều cày xới, đưa ra nhiều suy biện thì người đọc càng có cơ hội tiếp cận gần nhất sự thật lịch sử. Song, sự cày xới phải được tiến hành trên cơ sở của luận chứng khoa học, và hiển nhiên, khoa học không phải là nơi dung chứa các suy biện cảm tính, làm nhiễu loạn nhận thức chung của xã hội và công chúng về vấn đề lịch sử được đặt ra. Đáng nói hơn, những suy biện cảm tính đó lại được đưa ra trước công luận với những lời lẽ tùy tiện trong bài báo, xúc phạm các nhà sử học tiền bối đáng kính trọng của dân tộc.”

II.- Phản ứng trên báo Sài Gòn Giải Phóng

Với đầu đề: “Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”- Kết luận quá vội vàng, chưa đủ chứng cứ khoa học và thiếu sức thuyết phục” , báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng bài phỏng vấn Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam của Trần Lưu. Trong cuộc phỏng vấn này, Giáo Sư Lê đã nêu lên nhiều điểm sai lầm hay nhận xét quá đáng của Thiền Sư Lê Mạnh Thát. Ông nói:

“Thiền sư Lê Mạnh Thát là người mà đã gần như dành toàn bộ thời gian và công sức để đi sâu vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam và theo tôi đó là một việc làm rất có ý nghĩa. Với những công trình nghiên cứu về các bộ kinh Phật, về lịch sử và văn học Phật giáo Việt Nam, Thiền sư là một người chuyên sâu nhất về lĩnh vực này và rất đáng trân trọng.

“Tuy nhiên từ nghiên cứu Phật giáo chuyển sang nghiên cứu lịch sử dân tộc, thì có nhiều vấn đề cần phải bàn thêm. Đây là hai đối tượng nghiên cứu quan hệ rất mật thiết với nhau, nhưng không phải là một. Phật giáo đã sớm gắn bó với dân tộc và đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm, và Phật giáo đã có những cống hiến rất lớn cho lịch sử dân tộc.

“Tuy nhiên văn hóa Phật giáo là một dòng, một bộ phận của văn hóa dân tộc, chứ không thể coi là toàn bộ văn hóa dân tộc...”

Tiếp theo, ông nói đến một số vấn đề được Thiền Sư Lê Mạnh Thát nêu ra: “Khẳng định thời kỳ An Dương Vương là không có, không có cuộc xâm lược của Triệu Đà cũng như không có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất kể từ cuộc xâm lược của Triệu Đà cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và vì thế cuộc khởi nghĩa này được coi là một cuộc kháng chiến. Như thế nước Văn Lang của các vua Hùng kéo dài cho đến năm 43 sau Công nguyên!?”

Ông đã phê phán những khẳng định nói trên của Thiền Sư Lê Mạnh Thát như sau:

“Khẳng định không có Thục Phán, không có thời kỳ An Dương Vương, thì Thiền sư giải thích như thế nào về sự ghi chép tương đối thống nhất về sự tồn tại của An Dương Vương trong thư tịch Trung Quốc và Việt Nam? Tất nhiên, xung quanh vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc có những vấn đề cần nghiên cứu và xác minh thêm như nguồn gốc của Thục Phán, niên đại của nước Âu Lạc...

“Thiền sư phủ nhận tất cả những tư liệu trên mà không chứng minh được những bộ sử đó chép sai như thế nào. Đặc biệt luận điểm đó khó đứng vững trước một nguồn tư liệu mà theo tôi giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nghiên cứu cổ sử, đó là khảo cổ học. Tôi có cảm giác, Thiền sư đã bỏ qua, không khai thác và không cập nhật nguồn tư liệu khảo cổ học, nhất là những kết quả khai quật và nghiên cứu gần đây...”

“Bằng những phương pháp khoa học, từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học có thể xác định được niên đại tương đối và tuyệt đối của các di tích với những sai số chấp nhận được, có thể góp phần phục dựng trên một số phương diện nào đó diện mạo của nền văn hóa, cuộc sống của cư dân và một số công trình xây dựng đã sụp đổ...

“Phủ nhận nước Âu Lạc và An Dương Vương thì tác giả giải thích như thế nào về thành Cổ Loa? Thiền sư cho rằng đó chỉ là tòa “Kiển thành” do Mã Viện xây mà trước đây đã từng có người đề xuất, nhưng những kết quả khảo cổ học gần đây đã cho phép xác định tòa thành này được xây dựng trước hết từ thời An Dương Vương rồi sau đó, được tiếp tục sử dụng và có thể có những bồi trúc nhất định.

“Hơn nữa chúng ta còn tìm ra được ở Cổ Loa hàng vạn mũi tên đồng ba ngạnh được coi là “mũi tên đồng Cổ Loa”, rồi tìm thấy trống đồng, gần 100 lưỡi cày đồng cùng hàng loạt di vật của nền văn hóa Đông Sơn.

“Các nhà khảo cổ học còn cắt một đoạn thành để nghiên cứu và khai quật một số hố trong khu Thành Nội gần đền thờ An Dương Vương. Tại đây đã phát hiện một hệ thống những lò nung và khuôn đúc mũi tên đồng gồm ba mang bằng đá rất khớp với “mũi tên đồng Cổ Loa”, khuôn đúc mũi giáo...

“Đáng lưu ý nhất là An Dương Vương đã dùng một phần Thành Nội để sản xuất vũ khí, chứng tỏ đây là loại vũ khí cực kỳ quan trọng cần được bảo vệ chặt chẽ...”

Về phần nghiên cứu lịch sử của Thiền Sư Lê Mạnh Thát, Giáo Sư Phan Huy Lê đã đi đến kết luận:

“Từ vài dẫn chứng trên, tôi nghĩ rằng, một số kết luận của Thiền sư Lê Mạnh Thát là chưa đủ chứng cứ khoa học, chưa đủ sức thuyết phục. Ở đây, có vấn đề khai thác và sử dụng tư liệu, có vấn đề phương pháp luận sử học chưa được sử dụng một cách nghiêm túc.”

RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Ngày xưa Việt Vương Câu tiển sang làm con tin cho Ngô Phù Sai, đã chấp nhận “nằm gai nến mật”, kể cả nếm phân của Ngô Phù Sai, để nhà Ngô tin rằng ông là người tầm thường, không nuôi ý chí lớn. Nhờ vậy ông đã sống sót và tìm cách phục thù. Còn Thiền Sư Lê Mạnh Thát “trá hàng để làm văn hóa” , xây dựng thuyết “Phật Giáo siêu việt và Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo” mà lại thích huênh hoang để chủ nhân nhận ra mưu đồ của mình, làm sao hoàn thành sứ mạng được? Nhiều người tin rằng sau lễ Vesak, Đảng CSVN sẽ để cho hình bóng của Thiền Sư Lê Mạnh Thát lu mờ dần và kiếm một con gà khác thay thế.

Dù không có biến cố nói trên, nhiều người đồng ý Thiền Sư Lê Mạnh Thát, dù có được thổi lên và huyền thoại hóa, cũng không thể thay thế Thiền Sư Nhất Hạnh được. Thiền Sư Nhất Hạnh làm việc và viết lách có phương pháp, nhưng chỉ vì lãnh các “missions impossibles” mà tan tành sự nhiệp. Còn Thiền Sư Lê Mạnh Thát làm việc thiếu khoa học, viết và nói lung tung, lại quá tự phụ, nên không thể thay thế Thiền Sư Nhất Hạnh được.

Theo con đường của Lê Mạnh Thát, liệu Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ và nhóm trí thức Phật Giáo như Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, Cao Huy Thuần, Trần Chung Ngọc, Hồng Quang... có thể “trá hàng để làm văn hóa” rồi xâm nhập vào Giáo Hội Nhà Nước, chiếm dần giáo hội này và thống lãnh Phật Giáo Việt Nam không?

Có lẽ ai cũng có thể trả lời câu hỏi này.