Từ chuyện "Tu viện dòng Thánh Phaolô " nghĩ về thông tin trong giáo hội

Kính thưa Qúi Cha,

Bây giờ đã quá nửa đêm. Vào giờ này mọi ngày con đã đi ngủ. Nhưng tối nay sau khi đọc bản tin "Tu viện dòng Thánh Phaolô bị nhà nước chiếm làm khách sạn" bỗng dưng con thấy người 'tỉnh như sáo sậu' đành nán lại cùng VietCatholic để xin 'trút bầu tâm sự' vậy…

Thật là tội cho các Soeurs ở Tu viện Thánh Phaolô. Những người đã dâng hiến trọn đời mình làm việc thiện góp phần giúp đỡ tha nhân, những người bất hạnh trong xã hội, mà lẽ ra trách nhiệm là của chính quyền. Thế mà không hiểu sao người ta lại nỡ đối xử với các Soeurs tàn nhẫn đến thế? Nhìn những tấm hình kèm theo bài viết chụp từ một dòng tu bình dị biến thành đống đổ nát như vậy, chắn chắn không ai không cảm thấy bất mãn với việc làm của họ.

Những kẻ làm điều bất nhân, phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ đã đành. Tuy nhiên, sự việc khiến con cũng không khỏi thắc mắc vì sao những chuyện 'động trời' như thế (cùng bao trường hợp tương tự khác) xảy ra cho giáo hội, mà những giáo dân như con, hằng ngày hay theo dõi tin tức (tất nhiên không chỉ đọc mỗi báo quốc doanh), ngày Chúa Nhật cũng thường đi lễ nhà thờ mà chẳng bao giờ được chia sẻ, dù chỉ bằng một thông báo nhỏ từ các cha?

Thắc mắc là vì con nghĩ, thông tin nội bộ của bất cứ tổ chức nào, dù lớn hay bé cũng cần phải có và là nhu cầu chính đáng mà chẳng ai có quyền ngăn cấm. Hình thức thông tin có thể cũng khác với việc xuất bản một tờ báo, tạp chí mang tính chất truyền thông rộng rãi đến nhiều đối tượng hơn. Thông tin trong đạo mình có khi chỉ là những thông báo miệng sau mỗi thánh lễ ngày CN như các nhà thờ hay làm trước nay cho giáo dân biết việc này việc nọ.

Phần giáo dân chúng con cũng rất mong được chia sẻ cùng quí cha những chuyện buồn vui của giáo hội. Nhất là những việc càng khó, càng nhiều người biết các cha cũng đỡ phần lo lắng hơn. Như nhiều vụ giáo xứ khắp nơi bị chèn ép một cách mà mãi sau này nhờ có thêm phương tiện internet giáo dân chúng con mới rõ đầu đuôi ngọn ngành.

Cũng giống như trong một gia đình, việc hỏi han, thăm hỏi nhau xưa nay là luôn được xem bổn phận. Giáo hội tuy qui mô lớn hơn nhiều, nhưng con nghĩ không vì thế mà trở nên quá khó đến mức không thể làm được.

Về việc thông tin trong giáo hội. Cũng chính vì đánh giá tầm vóc quan trọng của nó, mà nhà nước sau 1975 đã sớm dựng lên tờ 'Công Giáo và Dân tộc'.

Thật ra cũng là điều tốt vì chúng ta được nhà nước 'tặng' cho một tờ báo mang tên đạo mình như vậy. Các các linh mục, tu sĩ 'bất đắc dĩ' phải tham gia vào cũng chẳng có gì đáng chê trách nếu như những vị ấy khôn khéo biết tận dụng sự hỗ trợ này vào mục đích truyền đạo thuần tuý.

Nếu những loại tin tức bị cho là loại 'nhạy cảm' trong quan hệ nhà nước - giáo hội, họ không đồng ý cho đăng tải, thì ngược lại những gì gây bất lợi cho giáo hội, các vị ấy cũng nên dùng 'gậy ông đập lưng ông', dựa vào chính sự can thiệp, ngăn cấm ấy để có cớ xin thoái thác mới là công bằng, sao lại nhắm mắt 'hại đạo' như những bài bênh đảng như trong vụ Tòa Khâm Sứ vừa qua?

Có một tờ báo mang danh nghĩa công giáo chào bán khắp các họ đạo, mà giáo dân vẫn mù tịt mọi chuyện giáo hội bị người ta chèn ép. Như vậy phải chăng từ trước đến nay việc giữ thông tin nội bộ trong giáo hội chưa được các đấng bề trên quan tâm đúng mức?

Bất công thì xưa nay thời nào cũng có. Nhưng kể từ 1975 đến nay, con thấy bất công mới ngày càng lộng hành dữ dội và công khai hơn.

Thời học thuyết Mácxít còn được nhà nước xem là lý tưởng, thì đối tượng 'chẳng ưa' của họ là những người có dính dáng đến chế độ cũ và các tôn giáo bị cho là 'thuộc phiện ru ngủ nhân dân'. Đến khi lý tưởng hão huyền này bị thực tế 'vả vào mặt' làm họ phải sáng mắt ra, thì lập tức họ quay sang đeo bám chặt lấy của cải, vật chất (duy vật biện chứng mà!) lúc này thì những người có tài sản, ruộng vườn lại trở thành nạn nhân. Giáo hội mình hiện diện khắp cả nước, cơ sở cũng nhiều. Vì vậy giai đoạn nào cũng là 'giáo oan' cả!

Những gì đọc được từ lịch sử cho con thấy, quyền lực càng trong tay người kém hiểu biết lớn chừng nào, thì tai họa càng dễ dàng ập xuống đầu người lương thiện càng nhiều chừng nấy và xảy ra bất cứ lúc nào họ muốn. Nhưng cũng từ sử sách, còn cho biết thêm trong những tình huống như vậy, những người bị bách hại nếu biết đoàn kết lại với nhau, dù chỉ ở mức độ chia sẻ tin tức cho nhau, số phận họ vẫn tốt hơn là im lặng theo kiểu 'hồn ai nấy giữ'.

Nói đến việc này, con chợt nhớ lại lá 'tối hậu thư' của bà Phó chủ tịch Quận Hoàn Kiếm trong vụ 'Tòa Khâm Sứ'. Sở dĩ đã không có chuyện đàn áp xảy ra hôm ấy, con nghĩ chẳng phải vì gần đến giờ G có thêm hàng trăm, hàng ngàn giáo dân khắp Hà-Nội đổ về khiến chính quyền thấy đông mà họ bối rối.

Lý lẽ này thật ra mới chỉ là bề nổi vì dễ cảm nhận nhưng thực tế chưa thật thuyết phục lắm. Bởi trong quá khứ đã từng có những vụ người biểu tình phản đối còn đông hơn thế nhiều lần, những 4-5 ngàn người như ở Thái Bình (4/1997) chẳng được mấy hôm đã bị hàng ngàn công an điều về dọn dẹp sạch sẽ.

Vụ 'Tòa Khâm Sứ' tuy có những đặc thù riêng của sự việc, tầm vóc cũng khác. Nhưng lý do khiến chính quyền không dám ra tay không phải vì con số 2 ngàn giáo dân có mặt vào 'giờ G'. Nhưng con nghĩ vì họ chưa giải được 'bài toán' ai, bằng cách nào kêu gọi giáo dân đến và liệu còn thêm chuyện gì xảy ra nếu tiếp tục đàn áp? Vì vậy mà họ đã chẳng dám ra tay 'dọn dẹp'. Tóm lại, vì chính quyền biết chắc mình làm sai nên họ rất sợ dư luận.

Ngày xưa, muốn bày tỏ sự đoàn kết đúng là chẳng dễ chút nào. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây internet trở thành thứ vũ khí hữu hiệu mà thời đại văn minh đã tặng không cho những người thấp cổ bé họng đang bị chèn ép khắp nơi. Ai bị đàn áp muốn lên tiếng xin cứ tự nhiên và chính nó đang làm 'đau đầu' các chính thể bất minh hiện nay, trong đó tất nhiên có cả VN mình.

Tuy nhiên, với súng đạn, nhà tù sẵn trong tay, họ sẵn sàng bỏ tù bất cứ người nào công khai chống đối những điều sai trái do chính họ gây ra mà chẳng cần biết lắng nghe ý kiến là gì. Điều này khiến ai nấy đều phải lo sợ, dù rất nhiều người bất mãn nhưng chẳng mấy ai có đủ can đảm như một số trí thức trẻ hiện đang bị giam cầm, và cả cha Tadéo Nguyễn Văn Lý nên hầu hết vẫn phải chọn giải pháp 'im lặng là…chì'.

Sống trong sự bế tắc như vậy, đôi khi ngẫm nghĩ 'cái sự biết' của mình nó có vẻ 'vô duyên' làm sao! Biết mà chẳng làm được tích sự gì, thôi chi bằng chẳng thà đừng biết, cứ làm ngơ cho qua, chỉ lo việc đọc kinh cầu nguyện cho yên chuyện. (mà cũng chưa chắc vậy đã được yên ổn?)

Thật chẳng may cho một đất nước, trong hoàn cảnh như vậy mà ai nấy cũng chọn giải pháp né tránh, chịu đựng chẳng dám cùng nhau lên tiếng thì không biết bao giờ xã hội mình mới chấm hết chuyện bất công? Mà chuyện bác ái - công bằng, cũng còn là mục tiêu sống đạo của những ai tin vào Chúa Jésus, bởi chính Thầy của mình vì nó mà phải chịu bao khổ nhục.

Vả lại, cuộc sống cũng còn những lý lẽ luôn ủng hộ cho hiểu biết ấy. Chẳng những thế đôi khi nó còn yêu cầu phải biết đúng nữa là đằng khác. Như những khi nhìn người thân trên giường bệnh trong giây phút lâm chung, mọi người ai nấy cũng chỉ còn biết khóc. Nếu có ai tỉnh táo hơn thì lo chạy 'cầu cứu' Cha sở, lâm râm kinh nguyện v.v…

Cũng là sự bất lực đấy! Nhưng nếu vì trục trặc thông tin sao đó mà họ đã không thể gặp được người thân yêu của mình trước lúc ra đi, thì cái sự 'không biết' ấy còn khiến họ phải ray rứt mãi sau này.

Ở một nhà thờ nhỏ ở Quận Bình Thạnh nơi con hay dự lễ. Những năm gần đây con thấy sau thánh lễ ngày Chúa Nhật, Hội đồng Giáo xứ hay phát cho mỗi người một tờ giấy nhỏ cỡ khổ A5 in hai mặt. Trên đó ngoài phần dành cho lịch phụng vụ, suy niệm phúc âm trong tuần, còn có cả một số tin tức đó đây liên quan đến giáo hội.

Với cách làm như vậy, chứng tỏ Cha sở ở đó Ngài không những quan tâm đến thông tin mà còn khá tâm lý giáo dân. Bởi với tỷ lệ người trẻ cao như ở VN hiện nay, (trong độ tuổi làm việc là gần 60%, số liệu 2006), quan sát giáo dân một buổi lễ cũng thấy điều này đúng, mà giới trẻ bây giờ họ rất năng động, nhu cầu hiểu biết cũng hơn thế hệ trung niên chúng con rất nhiều.

Tuy nhiên, con nghĩ thông tin cũng nên gần guĩ với thực tế hơn nữa vi cũng vẫn tại nhà thờ này, ngay hôm vụ 'Tòa Khâm Sứ' đang đến đỉnh điểm vào đúng vào chiều Chúa Nhật cuối tháng Giêng vừa qua, con hy vọng sẽ đọc được ở tờ thông tin nội bộ ấy chút tin tức liên quan nhưng rất tiếc chẳng thấy dòng chữ nào. Mà thay vào đó lại là tin về giáo hội một nước Châu Phi xa xôi và một tin khác về vị giám mục là tù nhân của Trung Quốc mới từ trần, trong khi chuyện lớn nhà anh láng giềng mình kế bên đang 'bốc lửa' thì chẳng thấy nhắc đến?

Con nghĩ chẳng phải Cha Sở không biết sự kiện đang diễn ra ở Tòa Khâm Sứ khi ấy nhưng có thể ngài còn ngại nên chưa dám chi in cho mọi người biết.

Tóm lại, trong hoàn cảnh mình bị áp bức thì càng là những chiếc đũa lẻ càng dễ bị họ mạnh tay bẻ gãy. Chân lý này cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Có khác chăng là quan niệm của mỗi thời đại về sự đoàn kết. Bây giờ là kỷ nguyên thông tin, ai quan tâm đến điều gì, chẳng cần phải lặn lội đến tận nơi như ngày xưa để tìm hiểu, rồi mới 'tham gia biểu quyết' được.

Việc tạo nên dư luận thời nay cũng chẳng cần phải tốn kém và nguy hiểm như phải in ấn, đi rải truyền đơn… mà chỉ cần chiếc máy tính đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cũng chẳng thua kém chút nào.

Tuy nhiên, ở xứ mình hiện nay quan trọng hơn cả vẫn chính bằng những sinh hoạt trong các nhà thờ.

Vài ý xin gởi đến các Quí Cha, nếu có gì không đúng con mong được chỉ bảo thêm.

(Một giáo dân Sàigòn)