WASHINGTON, DC.- Trong buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam tổ chức tại Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Tư vừa qua, Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Ed Royce cho rằng người Mỹ gốc Việt phải đề nghị lộ trình dân chủ hóa cho Việt Nam.

Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình, ông Ðỗ Hoàng Ðiềm và cô Tammy Trần (Hình: rfa.org)
Theo lời Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ Gốc Việt, người có mặt tại buổi điều trần từ đầu đến cuối, thì ông Ed Royce đã nói: “Cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải ngồi lại với nhau rồi soạn thảo một lộ trình dân chủ cho Việt Nam. Từ đó, chúng tôi sẽ xem xét và dựa theo đó mà vận động giúp đỡ.”

Buổi điều trần được tổ chức vào một thời điểm rất thích hợp vì Hoa Kỳ và Việt Nam sắp sửa có một buổi nói chuyện về vấn đề nhân quyền.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch đảng Việt Tân, một trong bốn nhân chứng ra điều trần, nói: “Tôi nghĩ rằng thời điểm của cuộc điều trần rất thích hợp vì trong ngày 29 Tháng Năm tới đây, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có một cuộc nói chuyện tại Washington DC về vấn đề nhân quyền trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng chính quyền Hoa Kỳ sẽ lắng nghe những gì chúng tôi nêu ra hôm nay để có chính sách thích hợp với Việt Nam.”

“Tôi thấy buổi điều trần hôm nay rất tốt, vì Quốc Hội Hoa Kỳ muốn biết quan điểm của người Mỹ gốc Việt về vấn đề nhân quyền. Hơn nữa, tôi tin rằng những gì được nói hôm nay sẽ có thể giúp Tổng Thống Bush ra một khuyến cáo với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông sang thăm Hoa Kỳ trong thời gian tới,” Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích nhận xét.

Ngoài ông Ðỗ Hoàng Ðiềm còn có ba nhân chứng khác tham gia buổi điều trần. Ðó là ông Leonard A. Leo, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ; bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đồng chủ tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản; và cô Tammy Trần, chủ tịch Liên Minh Chống Buôn Người (VietACT).

Buổi điều trần còn có sự hiện diện của ba đồng viện của Dân Biểu Ed Royce là các Dân Biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren và Chris Smith.

Cả bốn dân biểu này đều thuộc nhóm Vietnam Caucus tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

Người điều trần đầu tiên là ông Leonard A. Leo. Ông cho biết trong buổi điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ trước đây ủy ban của ông không được mời. Ông luôn chủ trương yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Nước Cần Quan Tâm Ðặc Biệt (Countries of Particular Concern - CPC).

Ông Leo cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót trong những cam kết với ủy ban về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo mà ông đã đề nghị sau chuyến đi thăm Việt Nam hồi năm 2004.

Ông chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ cũng cho rằng mặc dù có đề nghị của ủy ban, nhưng chính quyền Tổng Thống Bush vẫn gạt ra và để Việt Nam trở thành thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi Tháng Mười, 2007, ủy ban của ông Leo đã gặp một số nhà bất đồng chính kiến và cho rằng tình hình hiện nay tại Việt Nam chưa đủ để đưa quốc gia này ra khỏi danh sách CPC.

Kết thúc phần phát biểu của mình, ông Leo đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC này.

Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình, người điều trần kế tiếp, đã đưa ra một danh sách khá đầy đủ về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong những tháng qua. Bác Sĩ Bình cũng khuyến cáo Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC và yêu cầu phải cho người Mỹ gốc Việt có tiếng nói trong các cuộc thảo luận nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Ðỗ Hoàng Ðiềm đã nhắc lại phiên tòa hôm 13 Tháng Năm vừa qua xử ba người của đảng Việt Tân tội “khủng bố.”

Ông nói rằng “những cáo buộc và luận tội của chính quyền Việt Nam đối với Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Somsak Khunmi và ông Nguyễn Thế Vũ là không có căn bản. Những người này đấu tranh ôn hòa, không bạo động. Chính quyền Việt Nam không thể chụp mũ những người này.”

Dân Biểu Loretta Sanchez cũng đồng tình. Bà nói: “Chỉ trong tuần này, ba nhà dân chủ ôn hòa - trong số đó có một công dân Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, đã bị vu cáo tội 'khủng bố' tại Việt Nam sau sáu tháng bị giam giữ vì đã phổ biến tài liệu đấu tranh dân chủ bất bạo động. Ðây là hành vi không thể chấp nhận được. Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã càng ngày càng trầm trọng từ khi Việt Nam được Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR), được xóa tên trên trong danh sách CPC, được làm thành viên của WTO và được trở thành thành viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An.”

“Theo tôi thấy, các chính sách đó đều được chính quyền Bush tán thành - đã cho nhà cầm quyền Việt Nam những món quà mà không thể bào chữa được mặc dù không có những sự cố gắng nào để cải thiện tình trạng nhân quyền,” dân biểu này nói tiếp.

Ông Ðiềm cũng khuyến cáo Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam cải tiến luật pháp để có thể bảo đảm tự do chính trị và nhân quyền như xóa bỏ những điều khoản lờ mờ trong luật pháp Việt Nam mà các cơ quan an ninh thường dựa vào để bắt bất cứ ai. Ông mong Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam thiết lập một nền báo chí độc lập, cho phép người dân được quyền lập hội, thả hết tù chính trị và chấm dứt bắt bớ, hành hạ các nhà đấu tranh dân chủ.

Người điều trần cuối cùng là cô Tammy Trần. Cô đã nêu lên tệ nạn buôn người qua việc xuất khẩu lao động và môi giới đám cưới tại Việt Nam. Cô cũng nêu lên tình trạng tham nhũng của các giới chức trong khi không lo che chở cho công nhân Việt Nam làm việc tại nước ngoài.

Cô Tammy hy vọng Quốc Hội Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam mở rộng tự do thông tin và cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động để giúp đỡ những người lao động này. Ðại diện của VietACT còn đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia cần được theo dõi kỹ lưỡng về tình trạng buôn người.

Về đề nghị của Dân Biểu Ed Royce, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích nói: “Trong những ngày tới, Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ Gốc Việt sẽ cùng một số tổ chức đấu tranh cho tự do và nhân quyền Việt Nam ngồi lại với nhau để soạn thảo ra một lộ trình dân chủ hóa Việt Nam. Từ đó, Hoa Kỳ mới có cơ sở nói chuyện với Hà Nội.”

(Nguồn: Đỗ Dũng, Người Việt, ngày 15/5/2008)