Đàn áp tôn giáo

Theo tường trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhiều người vẫn còn đang bị bách hại về tôn giáo. Ngày 19 tháng 9 vừa qua, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Mỹ là Bà Condoleezza Rice đã cho công bố “Phúc Trình Hàng Năm Năm 2008 về Tự Do Tôn Giáo”. Phúc trình này báo cáo tình hình tự do tôn giáo trong 12 tháng qua, chấm dứt vào ngày 30 tháng 6 năm 2008.

Trong phần nhập đề, Phúc Trình này lưu ý năm nay là năm thứ 60 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền. Đối với Hoa Kỳ, năm nay là năm thứ 10 kỷ niệm Đạo Luật về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một đạo luật qua đó chính phủ Mỹ hết sức chú tâm tới vấn đề tự do tôn giáo.

Việc công bố bản Phúc Trình này trùng hợp với việc nhiều quốc gia vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo của người dân nước họ. Trung Hoa là một trong các quốc gia ấy. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc biệt lưu tâm tới những vi phạm mới đây xẩy ra tại Tây Tạng và Vùng Tự Trị Xinjiang Uighur. Bản Phúc Trình cũng ghi nhận rằng nhiều nhóm tín hữu Thệ Phản "hầm trú" ở Bắc Kinh đã bị nhà cầm quyền gia tăng xách nhiễu trong những ngày gần kề Thế Vận Hội Bắc Kinh. Hàng giáo sĩ và giáo phẩm “hầm trú” của Công Giáo cũng bị đàn áp thẳng tay, chỉ vì lòng trung thành của họ đối với Tòa Thánh Vatican. Đàng khác, nhà cầm quyền Thượng Hải còn đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa không cho người Công Giáo hành hương tại Đền Đức Mẹ ở Sheshan trong tháng 5 vừa qua.

Hội Công Giáo Yêu Nước cho rằng có tất cả 5.3 triệu người Công Giáo tới thờ phượng trong các nhà thờ của họ. Nhưng theo bản Phúc Trình này, ngoài số người ấy ra còn có tới 12 triệu người nữa thờ phượng tại các nhà thờ Công Giáo “không đăng ký” nghĩa là các nhà thờ không cùng ‘xếp hàng’ với hội yêu nước kia.

Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng

Bản Phúc Trình cũng ghi nhận rằng tuy giữa chính phủ Trung Hoa và Vatican vẫn còn nhiều tranh chấp, nhất là trong vấn đề đề cử các giám mục, nhưng sự phân biệt giữa Hội Công Giáo Yêu Nước và Giáo Hội Hầm Trú, theo thời gian, đã không còn rõ rệt như trước. Tại một số nhà thờ Công Giáo ‘yêu nước’, các giáo sĩ đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và ảnh của Ngài đã được trưng bầy tại đó.

Tuy nhiên, Bản Phúc Trình cho hay: các nhà cầm quyền Trung Hoa vẫn hạn chế tôn giáo bằng cách hạn chế việc gây qũy và đào tạo giáo sĩ. Dù chính phủ đã cho phép gây qũy để xây dựng nhiều nơi thờ phượng mới, nhưng con số những nơi ấy vẫn chưa đủ để đáp ứng con số người thờ phượng gia tăng. Thêm vào đó, xét chung, con số các giáo sĩ được đào tạo vẫn thiếu một cách trầm trọng cho cả hai giáo hội chính thức và hầm trú.

Ấn Độ là quốc gia thứ hai tại đó các bách hại tôn giáo trong mấy tuần qua đã trở thành hàng tít lớn trên báo chí thế giới và được Phúc Trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp nhiều tín liệu quan trọng. Nhiều chính phủ tiểu bang tại Ấn Độ đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật “chống việc trở lại đạo”. Ngoài ra, cảnh sát và các cơ quan chấp pháp thường không chịu can thiệp ngay để chống lại những vụ tấn công nhiều khi nhằm cả một cộng đoàn kể cả các cộng đoàn tôn giáo thiểu số.

Những người quá khích

Bản Phúc Trình nhấn mạnh: đại đa số các nhóm tốn giáo tại Ấn Độ là những người chung sống hòa bình. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn xẩy ra những đụng độ nghiêm trọng. Và dù xét tổng quát, hệ thống luật pháp có dự liệu các biện pháp sửa trị đối với các vi phạm tự do tôn giáo, nhưng các dự liệu ấy ít khi được áp dụng một cách mạnh mẽ hay hữu hiệu. Thành thử ra, dù chính phủ có cố gắng trong việc cổ vũ sự hòa hợp trong cộng đồng, nhưng những người quá khích vẫn tiếp tục coi các vụ điều tra và truy tố lơ tơ mơ đối với các cuộc tấn công các nhóm thiểu số tôn giáo, đặc biệt trên bình diện tiểu bang và địa phương, là dấu hiệu họ được phép phạm các hành vi bạo động ấy mà không hề hấn gì.

Những người quá khích Ấn Giáo từng tấn công dân làng và các nhà thờ Kitô giáo tại vùng Kandhamal trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua. Khoảng 100 nhà thờ và cơ sở Kitô Giáo đã bị hư hại, 700 căn nhà của Kitô hữu đã bị phá hủy khiến dân làng phải trốn chạy vào những cánh rừng chung quanh, và 22 cơ sở kinh doanh của Kitô giáo bị phá phách.

Bản Phúc Trình cũng nhận xét rằng theo các cơ quan phi chính phủ, bạo động có tính cộng đoàn chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo vốn là một phần trong nghị trình lớn hơn có tính duy quốc gia tại Ấn Độ và trùng hợp với các cuộc vận động tranh cử chính trị cấp tiểu bang tại đó. Theo thống kê năm 2001 của chính phủ, người Ấn Giáo chiếm 80.5% dân số, người Hồi Giáo chiếm 13.4%, người Kitô giáo chiếm 2.3%, người đạo Sikhs chiếm 1.8% và những người khác như Phật Giáo, Jain, Parsi (Zoroastrians), Do Thái giáo, và Baha’is chiếm 1.1%.

Bản Phúc Trình nhận định rằng các nhà cầm quyền địa phương bắt giữ nhiều Kitô hữu căn cứ vào các đạo luật “chống trở lại đạo” vì những người này bị tố cáo đã dùng vũ lực, rù quyến hay gian xảo để dụ khị người ta vào đạo của mình. Các tổ chức duy quốc gia thuộc Ấn Giáo thường tố cáo các nhà truyền giáo Kitô giáo là đã rù quyến các người Ấn Giáo thuộc đẳng cấp thấp bằng cách hứa hẹn cho học và chăm sóc y tế miễn phí; Họ coi những việc đó là các hành động cưỡng bức người ta vào đạo.

Theo bản Phúc Trình này, các Kitô hữu trả lời cho các luận điệu ấy bằng cách nhấn mạnh rằng những người Ấn Giáo thuộc đẳng cấp thấp đã tự ý trở lại chứ không bị ép buộc; vả lại các cố gắng của các nhóm Ấn Giáo nhằm khiến những người đó quay trở về với Ấn Giáo mới là các các cố gắng đi kèm theo đủ thứ phần thưởng, cái đó mới là gian lận.

Có cải tiến

Việt Nam là quốc gia thứ ba được báo chí thế giới tố cáo thiếu tự do tôn giáo. Tuy nhiên, theo Phúc Trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, việc tôn trọng tự do và thực hành tôn giáo tiếp tục được cải tiến trong năm qua. Theo Phúc Trình này, Giáo Hội Công Giáo, nhiều cộng đồng Thệ Phản, và các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cho hay khả năng tụ tập và thờ phượng của họ đã được cải thiện. Giáo Hội Công Giáo cũng thông báo: chính phủ đã cho phép thiết lập thêm một đại chủng viện nữa.

Bản Phúc Trình trích dẫn các phỏng đoán cho rằng hơn một nửa dân số theo Phật Giáo, ít nhất cũng là chiểu danh. Giáo Hội Công Giáo chiếm 8 tới 10% dân số. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, người ta ước lượng có khoảng 8 triệu người Công Giáo tại Việt Nam, nhưng theo thống kê của chính phủ Việt Nam, con số ấy chỉ là 5.9 triệu.

Giáo Hội Công Giáo đang điều hành 7 đại chủng viện với hơn 1,000 sinh viên theo học. Đồng thời còn có những chương trình đào tạo đặc biệt cho các ứng viên ‘lớn tuổi hơn’. Tuy nhiên, Bản Phúc Trình nhấn mạnh tới sự kiện: ai muốn vào học tại đại chủng viện hay ai muốn được thụ phong linh mục, đều phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Đàng khác, theo Bản Phúc Trình này, Giáo Hội cho rằng con số các ứng viên được thụ phong vẫn chưa đủ để đáp ứng với đà gia tăng dân số Công Giáo mỗi ngày một đông hơn và cho thấy ước muốn được mở nhiều đại chủng viện nữa cũng như gia tăng con số sinh viên nhập học và nhập học thường xuyên hơn.

Hạn chế vẫn nguyên đó

Thực ra, các cải tiến trên chỉ là những biện pháp xoa dịu trong khi chủ trương hạn chế tôn giáo, nhất là Công Giáo thì vẫn nguyên vẹn. Trong mấy ngày qua, man vàn các phúc trình cho thấy sự căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo và chính phủ Việt Nam liên quan đến vấn đề đất đai thuộc Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà. Nội trên Vietcatholic.net mà thôi, con số các phúc trình ấy đã lên đến cả hàng trăm rồi. Chính sự kiện ấy đã khiến Ủy Ban Hoa Kỳ về Tư Do Tôn Giáo Quốc Tế (United States Commission on International Religious Freedom) phải can thiệp. Trong công bố báo chí ngày 24 tháng 9 vừa qua, Ủy Ban này nói rằng Ủy Ban “kính cẩn không đồng ý với quyết định năm 2006 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong việc bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách ‘Các Nước Phải Quan Tâm Đặc Biệt’… Việt Nam tiếp tục cho thấy thái độ coi thường một cách đáng lo ngại các nhân quyền căn bản, qua việc cảnh sát dùng bạo lực với các người phản đối tại các cuộc canh thức hòa bình tại các tài sản trước đây vốn thuộc chủ quyền của Giáo Hội Công Giáo Việt-Nam, thẳng tay tống giam và giam giữ nhiều nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo”.

Công bố báo chí trên tiếp tục mô tả các cuộc canh thức trong hòa bình của người Công Giáo để phản đối việc tịch thu các tài sản của Giáo Hội, đưa tới việc nhiều người phản đối bị bắt giam và cảnh sát dùng bạo lực thể lý. Bản công bố này kết luận:

“Ủy Ban kêu gọi phải tái liệt kê Việt Nam là một trong các quốc gia vi phạm tồi tệ nhất trên thế giới quyền tự do tôn giáo vì các vi phạm liên tục có hệ thống và thái quá của họ đối với quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác”.

Như Đức Hồng Y Oswald Gracias của Ấn Độ vừa nhắc lại trong tuần qua, “tự do tôn giáo là tự do đầu hết trong các quyền tực do”. Các điển hình bách hại tôn giáo như trên buộc người ta phải tiếp tục gây áp lực để các chính phủ tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo.

Theo Cha John Flynn L.C., hãng tin Zenit ngày 24 tháng 9.