Cảm xúc từ một Lời Kinh



Chúa Nhật hôm nay 28/09/08 các giáo đoàn tại Sydney đã đồng loạt cùng nhau bày tỏ sự hiệp thông và cầu nguyện cho hàng giáo phẩm Việt Nam, đặc biệt cách riêng, cầu nguyện cho Đức Tổng G iám Mục giáo phận Hà nội, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt cùng tất cả các giáo sĩ và giáo dân Hà nội, những người đang trong cơn sóng gió ba đào, chỉ vì muốn bày tỏ cái khát vọng đòi hỏi Công lý và Sự thật trên chính mảnh đất của cha ông mình.

Lời thánh vịnh 24 của Chúa nhật hôm nay: “ Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý. Vì Chúa là đấng cứu độ con, là đấng ngày đêm con cậy trông…”. Là ca trưởng của môt trong những giáo đoàn, tôi đã chọn bài Thánh vịnh của Hùng Lân với những ý tưởng đặc thù rất thích hợp khi nghĩ về tình hình hiện tại ở quê nhà, để cùng với cộng đoàn cầu nguyện cho Hội đồng Giám mục Việt Nam được sáng suốt và can đảm trong vai trò là những chủ chăn của một cộng đồng Dân Chúa đang trong cơn bách hại; cầu nguyện cho Đức Tổng Hà Nội cùng các giáo sĩ, giáo dân biết nhận ra được “con đường và nước bước” mà Chúa đã chỉ ra trong giai đoạn vô vàn khó khăn này.

Và cũng thật bất ngờ, trong phiên khúc 3 của bài Thánh vịnh hôm nay, đã nảy bật ra cái hình ảnh lồ lộ nơi những kẻ đã coi thường Công Lý, Sự Thật và lòng Tín Trung, rõ là một lời cảnh báo rất nghiêm khắc từ Đấng Toàn năng: “Xin đừng để kẻ hại con, ngày nào reo mừng chiến thắng. Thẹn thay, khốn thay cho bọn thất tín, làm sao thoát tay Thiên Chúa Toàn năng.”

Giây phút lắng đọng sau phần hiệp lễ chính là đỉnh điểm của sự hiệp thông và cầu nguyện, cha Paul Văn Chi đã mời gọi mọi người cùng quỳ xuống, cùng hướng lòng về quê Mẹ, nơi mà Công Lý và Sự Thật đang bị nhà cầm quyền CS chà đạp một cách trắng trợn đầy thô bạo; nơi mà Niềm tin đang bị thách đố trước những bạo lực và sự giả dối của những kẻ vô thần. Tiếng nhạc an bình được trổi lên nhè nhẹ, trầm buồn, lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxico được mọi người hoà nối một cách trang trọng và đầy xúc động. Lời Kinh chan hoà tính nhân bản, đầy ắp những ý tưởng vị tha; Lời Kinh cổ xúy cho Hòa bình và Công Lý khắp mọi nơi; Lời Kinh nêu cao lòng yêu thương và sự tha thứ; Lời Kinh mở ra một hạnh phúc muôn đời cho những kẻ tuẫn đạo.

Qua biến cố này, Lời Kinh Hòa Bình vang rền từ Bắc chí Nam và lan ra khắp toàn thế giới, nơi có những hội tụ của Niềm Tin và Niềm Hy vọng cho một tương lai tươi sáng của Dân tộc và của Giáo hội. Lòi Kinh đang làm lung lay tận gốc rễ cái ý thức hệ vô thần của người cộng sản, một ý thức hệ được xây dựng trên nền tảng của sự giả dối, của đấu tranh giai cấp và của bạo lực. Người cộng sản đã bối rối trước sức mạnh vô hình của Lời Kinh, bởi lẽ trong tư duy của họ hoàn toàn vắng bóng những ý niệm đầy tính cao thượng và vị tha ấy. Họ đã có những biểu hiện thật điên cuồng, rồ dại;

đã có những động thái tàn độc đi ngược lại cách suy nghĩ của một con người có lương tâm chính trực. Họ đã trả giá quá đắt cho những ngu xuẩn nhất thời ấy, bởi vì, mặt nạ của kẻ cướp đang nhè nhẹ được bóc trần từng giây từng phút một.

Lời Kinh cũng đã lay động tâm thức của những kẻ thờ ơ, cầu an, tự tại trước nỗi thống khổ của tha nhân. Những khuôn mặt đầy xúc động của tất cả mọi người khi phải đối diện với Chân Lý của Lời Kinh đã nói lên điều ấy. Sự thôi thúc của Thánh Linh trong giây phút trang trọng này đang len lỏi và làm dậy sóng nơi những tâm hồn nguội lạnh khô khan ấy. Mỗi người phải tự vấn lương tâm của mình và sắn tay áo lên để trở thành khí cụ bình an của Ngài. Phúc thay!

Để kết thúc, cha Văn Chi đã mời gọi mọi người cùng tiếp tục hiêp thông bằng một bài thánh ca “vượt thời gian”, đó là bài “Lời nguyện cho quê hương”. Đây là nhạc phẩm nói lên rõ nhất hiện tình của người Công giáo trên quê hương Việt nam suốt mấy chục năm qua, một bài hát cầu nguyện rất phổ thông trước năm 75, vì hoàn cảnh chính trị của đất nước, nó đã trở nên nhậy cảm và cấm kỵ, bài hát đã trôi nổi theo những thăng trầm của người giáo dân Việt suốt từ đó đến nay. Chính bài hát này, hôm nay, tự nó đã khép lại nỗi sợ hãi đăng đẳng những 33 năm của người giáo dân nơi quê nhà. Lần đầu tiên, bài hát lại được người tín hữu can đảm cất cao cho những khát vọng ngàn đời. Họ đã để lại sau lưng một trang sử đầy máu, nước mắt và sự sợ hãi, nơi cái đất nước mà Công Lý, Tự Do và Sự Thật chỉ là những cái “bánh vẽ” không hơn không kém!

Một cảm xúc dạt dào chạy lướt theo sóng lưng của tôi khi bài hát được đồng vang cất cao: “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn…” Lời lẽ bài hát thật đơn giản, giai điệu thật sơ sài, nhưng nó lại ẩn chứa một tấm lòng tha thiết van xin một cách mãnh liệt, khẩn cầu nơi Mẹ Maria, Nữ Vương của sự Hòa Bình. Xin Mẹ đơái hoài trước những gian nan khốn khó mà con dân Việt đang cầu nguyện trong an bình để mong Công Lý được thực thi, để mong Sự Thật được tỏa sáng trên chính mảnh đất mà cha ông đã dầy công tạo dựng và họ phải có trách nhiệm để bảo tồn, gìn giữ.

Sau thánh lễ, trở về cái không gian lắng đọng của phòng làm việc, những cảm xúc từ Lời Kinh và những suy tư về biến cố đã giúp tôi viết lên những dòng này. Tôi tin chắc, Công Lý và Sự Thật là vĩnh cửu, không có một điều gì dấu được dưới ánh mặt trời này. Đêm đen rồi cũng sẽ qua đi để bình minh được ló dạng.

“Xin Chúa cho con trở nên khí cụ bình an của Chúa,

Xin thương ban cho những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”


Sydney 28/09/08