Phép lạ Việt Nam



Con em di dân Việt Nam nổi bật vì kết quả xuất sắc ở học đường. Thành quả này phản bác lối phán đoán rập khuôn cho rằng việc hội nhập là khó khăn..

Mới đây ông hiệu trưởng Detlef Schmidt-Ihnen nhận được kết quả bán kết cuộc tranh giải toán học của học sinh trường ông. Với kết quả này ông có thể thỏa mãn rồi. Sáu học sinh đạt điểm tham gia cuộc tranh tài trên bình diện tiểu bang. Hiện tượng này thực ra không lạ gì đối với trường trung học cấp cao (Gymnasium)Barnim tại Đông Bá Linh, vì trường vốn đặt trọng tâm vào những môn khoa học thiên nhiên. Nhưng lần này có điều hơi lạ, vì biết đọc sao cho đúng tên những học sinh xuất sắc. Học sinh lớp 7 đoạt giải tên là Trần Phương Duyên hay Duyên Trần Phương? Và cái tên Đức Đạo Minh của học sinh lớp 10 thì sao?

Ông hiệu trưởng Schmidt-Ihnen đã nhiều lần gặp thách đố: 17% học sinh trường trung học cấp cao tại quận Lichtenberg thuộc diện di dân Việt Nam. Ở những lớp dưới con số lên tới 30%. Ông cho biết: „Nhiều học sinh của nhóm dân này xuất sắc trong các môn khoa học thiên nhiên và toán“. Đứng đầu môn toán là một học sinh gốc Việt.

Không nhóm di dân nào ở Đức có con em đạt kết quả học hành tốt hơn học sinh gốc Việt: 50% các em được nhận vào trường trung học cấp cao. Như thế tỷ số học sinh gốc Việt cố học lấy bằng tú tài cao hơn tỷ số học sinh Đức. Nếu so với nhóm dân gốc Ý hay Thổ thì tỷ lệ cao gấp 5 lần. Bà Karin Weiss, đặc trách ngoại kiều tại Brandenburg cho biết: „Thành quả học đường của con em gốc Việt đảo ngược cái nhìn của chúng tôi về học sinh gốc di dân“.

20 năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ con em của những người hợp tác lao động thời Đông Đức trước kia đã viết lên trang sử thành công ít ai biết đến. Vào khoảng giữa thập niên tám mươi nhóm người từ nước xã hội chủ nghĩa anh em được đưa sang Đông Đức lao động. Sau khi lịch sử Đông Đức xoay chiều, họ bị sa thải và rơi vào cảnh bần cùng, cô lập và trở thành nạn nhân của những đầu óc bài ngoại. Nhưng ngày nay con cái họ đang chinh phục xã hội Đức qua sự chăm chỉ và hăng say học tập. Bởi vì cố đạt cho được điểm cao ở học đường vốn là sức ép mãnh liệt trong các gia đình Việt Nam.

Thành quả học tập của học sinh gốc Việt làm lung lay một loạt những gì cứ tưởng là chân lý trong vấn đề hội nhập. Ý kiến cho rằng kết quả học tập kém là do nguồn gốc xã hội đã bị trường hợp học sinh Việt Nam bẻ gẫy. Cả luận điểm cho rằng thế hệ phụ huynh phải hội nhập tốt thì con cái họ mới hội nhập tốt cũng không đúng trong trường hợp những di dân Đông Nam Á. Đã đành phụ huynh Việt Nam thường có trình độ học vấn cao hơn phụ huynh gốc Ý và Thổ. Nhưng họ cũng chỉ bặp bẹ dăm ba tiếng Đức, sống co cụm trong những nhóm nhỏ và đã tạo nên một xã hội song song bên lề.

Nhưng con cái họ trở thành những học sinh gương mẫu là chứng từ nói lên sức mạnh của nền văn hóa đề cao sự cần cù, giúp con cái vươn lên cả trong những hoàn cảnh nghiệt ngã. Đó là hiện tượng đã xẩy ra từ nhiều năm ở Mỹ. Ở đó tỷ lệ sinh viên từ các quốc gia Á Châu – nói rõ ra là các quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng giáo - học tại các đại học danh tiếng cao vượt bậc. Ngày nay phép lạ này lặp lại trên nước Đức.

Nguyễn Văn Dung và gia đình em đã từng tá túc nhiều năm trong một trại tiếp cư. Em không mang những hoài niệm xấu về thời đó, vì em luôn có bạn để vui chơi. Trái lại cha mẹ em ghét cay ghét đắng khu trại này, vì cái bếp chung chạ, vì những cãi cọ giữa mấy nhóm dân tạp chủng và nhất là vì chỗ ở chen chúc đến nghẹt thở. Chỉ có một cái không bao giờ thiếu: đó là một góc để đứa con có chỗ ngồi học. Ngoài ra còn một điểm cha mẹ em Dung hành xử đúng, khác hẳn những người khác. Họ đã sớm đưa con vào nhà giữ trẻ. Nhờ thế em bé đã học nói tiếng Đức thành thạo.

Hiện nay em Dung học tại một trường trung học cấp cao ở Postdam và là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong lớp với điểm 1,5 (ở Đức dùng hệ thống điểm từ 1 tới 6 theo thứ tự tốt xấu. Người dịch). Hè năm ngoái Start-Stiftung, một tổ chức nâng đỡ học sinh gốc di dân, đã cho em bé 14 tuổi này một học bổng. Khoảng 30% học sinh được học bổng tại Đông Đức là người Việt. Nhưng Dung không phải là đứa con ngoại lệ trong gia đình. Cả đứa em gái và thằng em trai cũng theo học trung học cấp cao và đạt điểm 1 phảy mấy.

Các em không được ai giúp làm bài ở nhà. Trong phòng không thấy la liệt sách vở, cũng chẳng thấy những đồ chơi giúp học hỏi. Trước cái bàn thờ nhỏ với vài cây nhang để kính nhớ tổ tiên là chiếc máy truyền hình dẹp thật lớn. Căn hộ chật hẹp nằm ở rìa khu Postdam. Dọc hành lang chồng chất cả mớ thùng giấy đựng đồ dùng cho chiếc xe bán đồ ăn của cha mẹ.

Bây giờ vào khoảng chiều, gia đình quây quần quanh chén trà và ông Nguyễn tâm sự. Ông cố rặn ra mấy câu tiếng Đức nghe rất khó hiểu. Thế là mấy cô con gái đóng vai thông dịch. Nào là truyện ông bố trước đây hợp tác lao động tại Liên Sô và đã xin tỵ nạn tại Đức, sau khi đế quốc cộng sản tan rã. Nào là vụ gia đình, sau nhiều năm thấp thỏm, được phép định cư với điều kiện chứng minh có mức thu nhập đủ sống. Cha mẹ em Dung lao động cật lực. Từ sáng đến 10 giờ tối họ bám lấy chiếc xe bán đồ ăn và tiếp khách với những món „canh nước dừa cay“ hoặc „ mì ăn với gà chiên dòn“.

Hầu hết người Việt đều xoay xở sống qua ngày. Họ không tìm ra việc ổn định, vì không nói được tiếng Đức. Mỗi tuần họ nai lưng kiếm sống tới 60 giờ với quầy bán đồ lặt vặt hay mấy bó hoa, trong tiệm làm móng tay hay ở khu chợ phiên. Đã thế nhiều người còn nặng gánh gửi tiền đều đặn giúp thân nhân tại quê nhà.

Nhiều khi con cái phải phụ một tay với cha mẹ. Dung phải cáng việc coi sóc 2 đứa em. Suốt nhiều năm dòng các em ít khi thấy mặt cha mẹ. Chỉ vào buổi chiều mẹ tạt về dọn bữa ăn. Ngoài ra các em chỉ thui thủi với nhau. Thế nhưng các em đã cặm cụi học hành suốt buổi chiều và đạt kết quả vẻ vang.

Này ông Nguyễn, những thành quả này do đâu? Tại sao học sinh Việt xuất sắc như thế? Nãy giờ bộ mặt ông bố căng thẳng, bây giờ mới thấy tươi lên. Ông thích đề tài này hơn là moi lại dĩ vãng. Câu trả lời của ông đơn sơ tới độ sửng sốt: “Bởi vì tất cả cha mẹ Việt Nam đều muốn con mình đạt thành quả tốt ở trường học“. Câu nói có thể diễn ý thế này: Con cái được sớm dậy biết bổn phận đạt kết quả tốt cho bõ công ơn cha mẹ và muốn được thế thì phải cố mà học.

Chỉ có con đường đi lên – Mong ước của nhiều bậc cha mẹ thật vô bờ.

Bà Karin Weiss, đặc trách ngoại kiều tại Brandenburg, giải thích: „Việc học là ưu tư hàng đầu của những gia đình Việt Nam“. Dù bận làm ăn thế nào đi nữa họ vẫn để tâm nhắc nhở con cái học bài và kiểm soát bài vở. Nếu cần họ bỏ tiền cho con cái học thêm để đạt điểm cao. Bà Weiss cho hay bà biết có những gia đình sống lây lất bằng tiền trợ cấp xã hội, nhưng cố dè sẻn từng xu để trả tiền cho con học thêm. Dung và hai đứa em không cần sự giúp đỡ này. Tuy nhiên các em được chăm sóc chu đáo. Ai tinh ý sẽ thấy chiếc máy vi tính trong phòng các em. Lúc Dung muốn học dương cầm, cha mẹ đã mua cho em chiếc đàn điện.

Siêng năng học tập là của quí nhất di dân Đông Nam Á mang theo. Chỉ có học tập mới là lối thoát khỏi chốn bùn lầy nước đọng, đó là lời dậy của thánh hiền. Tương tự như ở Tầu, Nhật hay Đại Hàn nhiều học sinh Việt Nam, ngoài lớp học chính thức, còn tìm thầy học thêm ban chiều hay cuối tuần. Ở những quốc gia này lượng thời giờ đầu tư vào bài vở vượt xa ở Đức. Sau những năm học căn bản con em Việt Nam học cả ngàn giờ hơn học sinh Đức.

Đó là một trong những kết quả cuả cuộc nghiên cứu do nhà tâm lý học Andreas Helmke thực hiện và trình bầy cách đây vài năm. Ông ra cùng một đề tài toán cho học sinh lớp tư ở Hà Nội và München. Ở thủ đô Việt Nam nhiều trường học được trang bị kém, 50 học sinh ngồi chung một phòng. Thế mà những em bé 10 tuổi ở nước kém mở mang này vượt xa những em cùng lứa tuổi ở tiểu bang Bayern. Vị giáo sư dậy ở đại học Koblenz-Landau nhận xét: “Học sinh Việt đạt điểm cao hơn, cả ở những bài toán hóc búa “. Kết quả này phù hợp với kết quả của những cuộc nghiên cứu Pisa về học sinh toàn cầu. Ở đó học sinh Á Châu dẫn đầu đã từ nhiều năm.

Luôn vươn lên cũng là tâm trạng của di dân Á Châu tại Đức. Ai có dịp trao đổi với phụ huynh người Việt sẽ nghe họ nói những câu làm liên tưởng tới những lời khuyến khích thăng tiến ở Đức vào thập niên 50: „Lười biếng thì trắng tay“ hay „Phải tạo cho con cái tương lai đẹp hơn“. Có lẽ vì thế mà người Việt được gọi là người Phổ của Á Châu. Trong khi phụ huynh những nhóm di dân khác lúng túng với hệ thống trường ốc cầu kỳ ở Đức (xem ghi chú), thì phụ huynh người Việt nhận ra ngay: chỉ học ở trường trung học cấp cao hay cùng lắm trường trung học tổng hợp (Integrierte Gesamtschule) mới có thể lấy bằng tú tài, họ bỏ qua những loại trường khác.

Con cái đạt điểm 3 đã là báo động đỏ đối với nhiều phụ huynh. Nếu sau tiểu học học sinh chỉ đủ điểm để thầy cô khuyên nên vào trường trung học cấp trung (Realschule) thì cha mẹ cảm thấy mất mặt trong cộng đồng. Sau khi suy nghĩ nhiều về đồng hương tại Đức, Nguyễn Long Minh, một thanh niên 20 tuổi, đã nói tới sự cạnh tranh giữa phụ huynh Việt Nam. Hễ hai ông bố hay bà mẹ gặp nhau là buột miệng ngay: Sao, các cháu học hành thế nào? Tuỳ theo kết quả học hành chứ không tuỳ theo nguyện ước mà chế tài: quát mắng, nhốt trong phòng hay có khi cho cái bạt tai. Long Minh tâm sự: „Cha mẹ tôi cứ nhai nhải rằng con nhà người ta được điểm cao hơn tôi“. Mặc dầu Minh không đạt điểm tốt và thầy cô khuyên không nên vào trường trung học cấp cao, nhưng cha mẹ làm ngơ. Thế rồi với rất nhiều cố gắng Minh đã giật được mảnh bằng tú tài với điểm cao vào muà hè năm ngoái. Nhiều phụ huynh người Việt cho rằng học sinh không chênh lệch về tài nằng, chỉ khác nhau về sự cần cù. Không mấy khi họ đầu hàng, để mặc con em. Đồng thời họ cũng ít khi tha thứ cho con em học kém.

Thầy cô trường Barmin tại Bá Linh vui vì phụ huynh có cao vọng lớn, nhưng niềm vui pha trộn với một nỗi lo. Lần đầu tiên họ phải để ý tới những học sinh Việt làm giả giấy bác sĩ chứng nhận bị bệnh để tránh cuộc thi, vì sợ bị điểm xấu. Có lần ông hiệu trưởng cho một học sinh biết ông sẽ thông báo cho cha mẹ em về những lỗi phạm của em. Em này liền quì xuống lậy van ông. Trong suốt ba năm tại chức ông hiệu trưởng Schmidt-Ihnen chưa hề gặp trường hợp nào như thế.

Nhà trường có phản ứng ngay: thuê một chuyên viên sư phạm xã hội tới trường làm việc mỗi thứ sáu và lần đầu tiên tổ chức họp phụ huynh với sự giúp đỡ của thông dịch viên. Buổi họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ, phụ huynh có dịp đặt nhiều câu hỏi. Mối lo lắng lớn nhất của họ là nửa năm thử nghiệm. Bởi vì trong thời gian vừa qua không phải số điểm của học sinh Việt Nam nào cũng tốt. Rất có thể đây là lần đầu một số trong các em không lọt thời gian học thử tại trường trung học cấp cao Barnim. Cô giáo phụ trách lớp học giải thích chiều hướng thay đổi này: „Học sinh Việt Nam đang thay đổi ngang bằng học sinh bản xứ“.

Nhưng cái bình thường đối với các gia đình bản xứ lại trở thành một khủng hoảng thực sự trong cộng đồng người Việt. Lý do là vì các em hội nhập quá mau, trở thành xa lạ đối với cha mẹ, nhất là khi các em tới tuổi dậy thì. Theo quan sát của bà Tamara Hentschel thuộc tổ chức Cái trống cơm, chuyên giúp đỡ người Việt tại Bá Linh từ ngày lịch sử đổi chiều, thì “lớp thanh thiếu niên sống với hai nền văn hoá“. Giữa hai thế hệ „không có tiếng nói trao đổi“. Bà muốn câu nói được hiểu theo nghĩa đen. Bởi vì nhiều em bé được gửi vào nhà trẻ rất sớm, lớn lên các em thành thạo tiếng Đức, nhưng chỉ bập bẹ được vài câu nói thông thường bằng tiếng mẹ đẻ. Khi phải đả động tới đề tài tình cảm, nghĩa là đề tài lắt léo, chẳng hạn điểm xấu trong lớp hay cặp bạn lần đầu, thì nói năng luống cuống hay la lối om xòm. Thế là lưỡng tương đấu khẩu bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Nếu cuộc xô xát đi tới đổ vỡ thê thảm, các em sẽ quay lưng với văn hóa gốc, từ chối ăn cơm Việt hoặc bỏ nhà ra đi.

Nhưng đây (hãy còn) là vài trường hợp lẻ tẻ. Hầu hết các gia đình Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ hãy còn bao la như quyết tâm vươn cao của các em. „Chúng tôi muốn học và vươn lên để có ngày trở thành lớp người ưu tú trong xã hội này“, đó là lời em Long, một đầu óc biết cân nhắc, phê phán.

_________________________________________

Ghi chú của người dịch: Các loại trường trung học tại Đức:

.Hauptschule: trường trung học cấp thấp, có các lớp 5 tới 9.

.Realschule: trường trung học cấp trung, có các lớp 5 tới 10.

.Gymnasium: trường trung học cấp cao, có các lớp 5 tới 12/13. Kết thúc với bằng tú tài.

.Integrierte Gesamtschule và trường tư Waldorf: trường trung học tổng hợp, có đủ các cấp

thấp, trung và cao.

Phụ bản

Thế hệ thứ hai


Hiện có khoảng 85.000 người Việt sinh sống ở Đức. Ở vùng cựu Đông Đức họ là nhóm di dân đông thứ hai sau nhóm người Đức đến từ cựu Liên Sô. Ở vùng Tây Đức thành phần thuyền nhân tỵ nạn chiếm đại đa số. Họ đến từ Nam Việt Nam vào cuối thập niên 70, sau cuộc chiến thắng của người cộng sản miền Bắc. Người tỵ nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em, được tiếp đón niềm nở, được giúp đỡ nhiều mặt, hội nhập mau chóng và thường được nhập tịch. Một trong những người này, xét theo nghĩa rộng, là ông Philipp Rösler, tân bộ trưởng kinh tế tiểu bang Niedersachsen. Nhà chính trị thuộc đảng Dân chủ tự do sinh tại Việt Nam và được một gia đình Đức nhận làm con nuôi, khi mới đuợc chín tháng. Ông là người đầu tiên có lịch sử nhập cư nắm chức vụ trong một nội các Đức.

Những người do Đông Đức nhập vào từ giữa thập niên 80 có hoàn cảnh khác hẳn. Những người gọi là hợp tác lao động được nhập vào nước xã hội anh em với mục đích hỗ trợ nền kinh tế. Hầu hết họ sống cách ly với dân Đông Đức, không nghĩ tới truyện định cư. Các cô mang thai buộc phải phá thai hay bị gửi về Việt Nam. Vì thế hầu hết họ chỉ lập gia đình sau khi hoàn cảnh chính trị đổi chiều. Một loạt trẻ em chào đời. Những em này hiện đang ở tuổi học sinh.

Đông Đức tan rã đã gây khốn khổ cho lớp người hợp tác lao động. Họ là những người đầu tiên mất việc, sống dưới diện luật pháp lơ lửng và bị nhóm người bài ngoại tấn công, đặc biệt nơi tá túc của họ ở vùng Lichtenhagen thuộc thành phố Rostock bị phóng hỏa. „Đập bọn Fidschi“ là câu nói thô lỗ bọn cực hữu xử dụng cho họ.

Trong số 60.000 người hợp tác lao động có khoảng một phần ba ở lại Đông Đức. Thêm vào đó là số người từ các nươc Đông Âu khác, họ trốn sang Tây Đức thay vì trở về cố hương. Sau này lớp người nhập cư bất hợp pháp lẻn vào qua đường giây buôn người. Vì không được hưởng trợ cấp, họ loay hoay kiếm sống. Họ chỉ thành công bằng cách tự lập, lúc đầu thường bằng cách bán rong. Vào thập niên 90 nhóm người Việt bán thuốc lá lậu nhan nhản ở các góc phố Đông Đức. Về sau nhiều người mở được cửa hàng. Thế hệ thứ nhất sống âm thầm trong khu người Việt, không va chạm nhiều với người Đức. Hoàn cảnh này sẽ biến đổi ở thế hệ thứ hai.

Martin Spiewak

Người dịch: Lý Thương Anh

Dịch nguyên văn từ tuần báo Die Zeit, số 5, ngày 22.1.2009, trang 31- 32,

với sự đồng ý của tác gỉa và toà soạn.