WHĐ (2.11.2009) – Ngày 31-10-2009, lúc 10:49:31, báo Vĩnh Long online (báo điện tử), tại địa chỉ http://www.baovinhlong.com.vn/newsdetails.aspx?id=226&newsid=4510 đã phát bản tin: “TP Vĩnh Long: Xây dựng quảng trường phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và lễ hội của nhân dân”.

Trước đó, báo Vĩnh Long (báo in), số 2213, phát hành ngày Chúa nhật 25-10-2009, tại trang 1 và trang 2, đưa tin: “Cuối tháng 10/2009: Khởi công Quảng trường TP Vĩnh Long”.

Ngay sau khi báo Vĩnh Long số 2213 phát hành, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, giám mục giáo phận Vĩnh Long, đã viết Thư mục vụ gửi các linh mục, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận.

Trong Thư mục vụ được Trang tin điện tử Giáo phận Vĩnh Long đăng tại địa chỉ http://www.giaophanvinhlong.net, Đức cha Tôma cho biết: “Xây dựng quảng trường thành phố Vĩnh Long tại số 3 đường Tô Thị Huỳnh, phường 1” là xây dựng trên “phần đất trước kia là cơ sở của Dòng Thánh Phaolô, vẫn còn trong vòng tranh chấp” và “Thế là tu viện của các nữ tu thật sự biến thành chỗ giải trí, nơi vui chơi”.

Nhằm cung cấp cho quý độc giả những thông tin xác thực về sự kiện “Tu viện dòng thánh Phaolô trở thành quảng trường”, WHĐ đã tiếp xúc và phỏng vấn Nữ tu Patrick de la Croix Huỳnh Thị Bích Ngọc, Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.

WHĐ: Thưa Sr Giám tỉnh, tu viện Dòng Thánh Phaolô tại thành phố Vĩnh Long tọa lạc tại địa chỉ nào?

– Giám tỉnh: Tu viện Dòng Thánh Phaolô của chúng tôi tại thành phố Vĩnh Long có địa chỉ chính thức là số 3, đường Tô Thị Huỳnh, phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Các nữ tu đã có mặt tại số 3, đường Tô Thị Huỳnh từ bao giờ?

– Năm 1860, theo yêu cầu của Đức Cha D. Lefèbre, hai nữ tu dòng Thánh Phaolô đặt chân lên đất Việt Nam với nhiệm vụ săn sóc trẻ em mồ côi tại Viện Thánh Nhi ở Sài Gòn. Năm 1861, nữ tu Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên miền Viễn Đông. Ngay trong năm 1861, dòng đến phục vụ tai Bệnh viện Biên Hòa và Mỹ Tho. Các nữ tu Phaolô ở Mỹ Tho nhanh chóng tỏa đi khắp miền Lục tỉnh với nhiệm vụ giáo dục trẻ em, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt những người bị lãng quên.

Các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã đến Vĩnh Long năm 1871.

Tại Vĩnh Long, Dòng thánh Phaolô đã hiện diện qua những hoạt động bác ái theo tôn chỉ của Hội Dòng. Năm 1874, các nữ tu đã mua được một miếng đất làm tu viện. Cơ sở này tọa lạc ở số 3 Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long (nay là số 3 Tô Thị Huỳnh, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), đến 1977 diện tích thuộc sở hữu của Dòng là 10.235m2.

Như vậy đến nay các nữ tu đã có mặt tại Vĩnh Long gần 140 năm. Trong ngần ấy thời gian, tình hình đất đai và cơ sở của tu viện được công nhận về mặt pháp lý như thế nào, thưa Sr Giám tỉnh?

– Như tôi vừa trình bày, đất của tu viện được mua vào năm 1874, sau đó các nữ tu đã nhờ một nhà thầu đảm trách. Việc thi công do một công ty xây dựng của Pháp thực hiện. Hiện chúng tôi vẫn còn giữ tài liệu về việc mua đất và xây tu viện. Tất cả đều hợp pháp.

Lý do nào chính quyền tỉnh Vĩnh Long quyết định xây dựng Quảng trường Thành phố Vĩnh Long trên đất và nhà của tu viện?

– Đây là một câu chuyện dài. Tôi xin tóm tắt:

Từ 1871 đến 1977, đúng 100 năm có mặt tại miền Lục tỉnh nói chung và tại Vĩnh Long nói riêng, Dòng Thánh Phaolô xác định hoạt động bác ái hướng vào các nhiệm vụ: giáo dục trẻ em, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt những người bị lãng quên.

Vì thế, trong nhiều thập niên trước 1975, Tu viện của chúng tôi tại Vĩnh Long đã mở cửa đón nhận và nuôi dạy các cô nhi. Hoạt động bác ái xã hội này diễn ra bình thường và gây được thiện cảm đối với xã hội.

Nhưng sau biến cố 1975, vào ngày 7-9-1977, Công an thị xã Vĩnh Long, tỉnh Cửu Long (tên hành chánh lúc đó của tỉnh Vĩnh Long ngày nay) đã bao vây và kiểm soát tu viện của chúng tôi (số 3 Nguyễn Trường Tộ - nay là số 3 Tô Thị Huỳnh, phường 1, thị xã Vĩnh Long).

Sau đó, họ tuyên bố kiểm kê tài sản, giải tán các em cô nhi – khuyết tật, tịch thu toàn bộ tài sản của tu viện, bắt tất cả các nữ tu, giam mỗi nữ tu biệt lập trong một phòng học của trường Thánh Bảo Lộc!

Một tháng sau (tháng 10-1977), Công an thả 17 nữ tu, buộc về nguyên quán. Nữ tu phụ trách tu viện, Lê Thị Trạch, bị đưa về đồn Công an, bị giam giữ trong 2 tháng. Sau đó buộc chị phải về cư trú tại nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô, số 14 Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chúng tôi không hề nhận được một văn bản pháp luật nào cho biết các nữ tu đã vi phạm điều nào trong Bộ Luật hình sự pháp luật để chịu sự “trừng trị” là xóa sổ tu viện.

Như vậy đến nay Dòng Thánh Phaolô vẫn chưa biết phán quyết của chính quyền, vào năm 1977, đối với tu viện dựa trên điều nào của Luật hình sự?

– Ngay lúc đó, thời điểm 1977, thì không. Phải đợi 28 năm sau chúng tôi mới biết lý do. Đó là vào ngày 27-8-2005, chúng tôi mới nhận được Quyết định 1958/QĐ.UBT ngày 06/07/1977 của UBND tỉnh Cửu Long về việc tịch thu Tu viện.

Quyết định này đưa lý do cụ thể nào về việc tịch thu tu viện?

– Tôi xin đọc nguyên văn: “Xét vì cô nhi viện đường Nguyễn Trường Tộ là một cơ sở xã hội của 1 giòng tu ngoại quốc và xây cất nên do nguồn viện trợ ngoại bang, là nơi đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”.

(PV WHĐ tận mắt xem Quyết định này và ghi lại nguyên văn, kể cả lỗi chính tả).

Trong 28 năm quản lý cơ sở của tu viện, tỉnh Vĩnh Long đã sử dụng vào mục đích gì?

– Tỉnh Cửu Long (bây giờ là Vĩnh Long) đã dùng làm Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Từ tu viện thành bệnh viện, rồi từ bệnh viện thành quảng trường?

– Không đơn giản như vậy. Vì trước khi quyết định xây dựng quảng trường, tỉnh đã cho Công ty Du lịch Sài Gòn – Vĩnh Long xây khách sạn. Theo dự kiến sẽ là khách sạn 4 sao.

Vì sao lại chuyển đổi mục đích sử dụng?

– Lý do việc chuyển đổi được nêu rõ trên báo chí Vĩnh Long. Xin trích lại bài báo đăng trên Báo điện tử của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Long:

http://www.skhdt.vinhlong.gov.vn/web/View.aspx?CID=1001&ID=15600 :

Hôm qua (12/12/2008), Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu đã chủ trì buổi họp báo công bố việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất tọa lạc tại số 3, đường Tô Thị Huỳnh, Phường 1, TX Vĩnh Long. Dự họp có các ngành tỉnh và TX Vĩnh Long, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, đại diện nữ tu Dòng Thánh Phao Lô và các cơ quan báo chỉ tỉnh.

Phần đất tại số 3, Tô Thị Huỳnh trước đây thuộc khu vực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Long cũ. Để phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh của nhân dân trong tỉnh trong điều kiện bệnh viện cũ đã xuống cấp trầm trọng phải tháo dỡ, BVĐK được xây dựng mới tại vị trí khác. Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà và đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng lên thành phố Vĩnh Long trong tương lai, phần đất nói trên đã được quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ- khách sạn (4 sao). Song, do ảnh hưởng biến động giá cả vật tư thời gian qua, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn- Vĩnh Long đã đề nghị tỉnh cho chuyển đổi sang vị trí khác phù hợp với điều kiện của công ty và yêu cầu này đã được tỉnh chấp thuận.

Đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn báo cáo xin ý kiến Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng đất tại số 3 Tô Thị Huỳnh, Phường 1 sang xây dựng quảng trường, công viên, với tên gọi dự kiến: Quảng trường thành phố Vĩnh Long. Đề nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Dự kiến Quảng trường thành phố Vĩnh Long sẽ được xây dựng đẹp, ngoài một phần diện tích trồng cây xanh tạo mỹ quan, phần còn lại phục vụ các hoạt động lễ hội của tỉnh và nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân. Hiện tỉnh đang tiến hành các bước chuẩn bị để công trình được triển khai thực hiện
”.

Xin được trở lại với mục đích chính của cuộc tiếp xúc hôm nay: Dòng Thánh Phaolô đã có những động thái nào để phát biểu ý kiến của mình đối với chính quyền?

– Suốt 7 năm tròn, từ tháng 11/2002 đến nay (11/2009), chúng tôi làm đơn gửi các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương, từ Vĩnh Long đến Hà Nội, từ cấp tỉnh (UBND tỉnh) đến cấp chính phủ (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng).

Chúng tôi cũng đã chạy đến các đoàn thể quần chúng được Nhà Nước thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nước CHXHCN Việt Nam, như Mặt trận Tổ Quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo…

Chúng tôi cũng đã nhờ báo chí trong nước hỗ trợ.

Chúng tôi cũng xin nhiều vị lên tiếng nói, như Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, giám mục Vĩnh Long, các linh mục Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm, luật sư Nguyễn Văn Phương, các nhà báo Nguyễn Thanh Long, Khổng Thành Ngọc… đã lên tiếng, viết bài trình bày các lý lẽ, với thiện chí mong các cấp chính quyền trả lại tu viện cho Dòng.

Các nữ tu đã kiến nghị trong khuôn khổ được pháp luật cho phép?

– Đúng vậy.

Kết quả?

– Chúng tôi đã nhận được Quyết định số 88 của Bộ Xây Dựng ngày 18/01/2007, trả lời không trả lại tài sản cho Dòng Thánh Phaolô. Quyết định viết: “Việc đòi lại nhà đất của Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho là không thể thực hiện” (Trích QĐ 88 của Bộ Xây Dựng ngày 18/01/2007).

Về phía Vĩnh Long, năm 2006 Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị hỗ trợ 1 tỉ rưỡi và 3 công đất (khoảng 3000m2) ở vùng ven thị xã Vĩnh Long, còn gần đây, tỉnh yêu cầu chúng tôi, nếu thấy sự hỗ trợ không đáp ứng được nhu cầu của Dòng, thì làm dự án xây dựng cụ thể để tỉnh cứu xét.

Ý kiến của Dòng như thế nào trước đề nghị trên?

– Chúng tôi không đồng ý.

Dù sao giải pháp đổi đất cũng khả thi, thưa Sr Giám tỉnh?

– Chúng tôi muốn mọi giải pháp đều phải dựa trên sự thật. Bất kỳ giải pháp nào, nếu không bảo đảm cho sự thật được khôi phục, thì cũng không thể coi là giải pháp đúng đắn.

Xin Sr Giám tỉnh giải thích…

– Chúng tôi muốn được thực thi sự công bằng và lẽ phải. Nghĩa là phải trở lại với sự kiện 1977. Vào thời điểm đó chúng tôi không phạm pháp. Nay mọi cách giải quyết đều dựa trên sự mặc định chúng tôi phạm pháp, nghĩa là thuộc diện “đất cải tạo”. Vì thế chấp nhận đổi đất là thừa nhận mình đã phạm pháp và nay được khoan hồng. Chúng tôi không phạm pháp. Chúng tôi cần phải được trở về tu viện của mình tại số 3 Tô Thị Huỳnh. Bởi sự thật là chúng tôi đã tu hành tại đó qua nhiều thế hệ tu sĩ, suốt hơn một thế kỷ.

Bây giờ đất tu viện đang được xây dựng thành quảng trường…

– Chúng tôi vẫn tiếp tục nói lên kiến nghị của mình.

Trong khuôn khổ được pháp luật cho phép?

– Vâng, chúng tôi luôn tôn trọng pháp luật và tin vào sự công minh của tiếng nói lương tri trong xã hội.

Cảm ơn Sr Giám tỉnh đã dành thời giờ cho WHĐ thực hiện cuộc phỏng vấn này.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)