AI BẢO BỆNH ?

Thật tình mà nói, sống trên cõi đời này chẳng ai mong cho mình bệnh cả. Thế nhưng, dù muốn dù không con người cũng không thể nào thoát khỏi cái phận người mong manh, nhất là những bệnh tật do thể xác mang lại. Bệnh được chữa ở những nước văn minh, ở những nước coi trọng con người thì còn có cơ may chữa chạy còn nếu ở những nước đã chậm phát triển thì chớ mà còn xén trước bớt sau thì quả là chuyện chẳng đặng đừng.

Đang ngồi ngoài hành lang để chờ “gọi số” vào phòng khám thì khắc ẩn, khắc hiện của vài người cứ lấp la lấp liếm trước cửa phòng khám. Thắc mắc với những hình ảnh hết sức lạ thường ấy, người viết bèn hỏi thăm người ngồi cạnh cũng đang chờ vào khám. Sau khi hỏi thì được biết những người ấy là trình dược viên. Hỏi thêm “trình dược viên” là gì thì được biết đó là người giới thiệu những loại thuốc mới, thuốc đặc trị cho bác sĩ. Thầm nghĩ nghề “trình dược viên” ấy cũng hay đấy chứ ! Họ là những người giúp cho bác sĩ gửi những loại thuốc “công thần” giúp bệnh nhân mau qua chóng khỏi.

Đang có những hình ảnh đẹp về cái nghề gọi là “trình dược viên” thì mới tá hoả tam tinh khi nghe thông tin tạm đình chỉ 3 bác sĩ, dược sĩ của bệnh viện Đại Học Y Dược để điều tra vụ việc nhận tiền chiết khấu. Theo lời của một vị lãnh đạo khoa dược một bệnh viện lớn ở Hà Nội, hoa hồng cho bác sĩ kê đơn là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí tiền thuốc cho bệnh nhân và chi quỹ bảo hiểm y tế tăng cao một cách bất hợp lý. Cũng theo dược sĩ này, một loại thuốc cấp cứu và giải độc giá trên 1,1 triệu đồng/ống, thì tiền hoa hồng lên tới 500.000 đồng. Do thuốc đắt, đã có tình trạng trình dược viên sợ sau khi ra về, nhân viên y tế không sử dụng nên đã bẻ sẵn đầu ống thuốc, bắt buộc dù sau đó có muốn hay không cũng phải tiêm cho bệnh nhân! Một loại thuốc hỗ trợ điều trị gan khác cũng bị kê rất vô căn cứ, xem xét bệnh án của gần 100% bệnh nhân thuộc bảy nhóm bệnh tim mạch đều thấy có kê thuốc hỗ trợ điều trị gan, mặc kệ bệnh nhân có bệnh gan hay không. Dược sĩ này ước tính chỉ riêng bệnh viện của ông nếu làm chặt chẽ thì riêng nhóm thuốc hỗ trợ gan này, chi phí tiền thuốc cho bệnh nhân đã giảm 3 tỉ đồng/tháng.

Mới đây đã có trường hợp nhà thầu đặt máy xạ trị tại bệnh viện chi hoa hồng cho nhân viên y tế, nhưng chuyển vào tài khoản của nhân viên y tế tại ngân hàng, hình thức là “tiền làm thêm giờ”. Bộ Y tế chịu, không thể xử lý được. Chuyện mới nhất: thuốc tăng hồng cầu Hemax bán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và Bệnh viện Bạch Mai là 235.200 đồng/ống, nhưng tại nhà thuốc ở Láng Hạ và cổng Bệnh viện Bạch Mai, giá thuốc này chỉ còn 115.000-160.000 đồng/ống. Kết quả là nhà thuốc bán thuốc với giá rẻ đã bị thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt vì cho rằng thuốc không rõ nguồn gốc!

Khám chữa bệnh và dược phẩm đang là ngành kinh doanh béo bở hơn bất kỳ lúc nào. Và hoạt động chi hoa hồng cũng rầm rộ hơn bất kỳ lúc nào. Chính vì hoa hồng, giá thuốc đã bị đẩy cao vì nếu bán giá rẻ, không có chi phí cho hoa hồng thì không thể bán thuốc được. Nhiều năm qua, “chứng cứ” trong vấn đề hoa hồng/giá dược phẩm là vấn đề đau đầu của người dân và ngành y tế.

Đó là chuyện đăng tải trên báo giới. Còn một chuyện hết sức thật là người viết được một người làm trong ngành “trình dược viên” trần tình về chuyện thuốc men. Người ấy nói là thuốc chữa ung thư làm gì có. Có chăng là kéo cho bệnh nhân thêm vài ba tháng thôi nhưng khi đi quảng cáo thì nói là chữa được hẳn nên người ta mua ngay. Tiền thuốc cho chuyện chữa ung thư này mỗi tháng hơn ba chục triệu !!!

Ba chục triệu mà bệnh nhân phải trả thì ta cũng đủ hiểu rằng ba chục triệu đó nó nằm ở tiền thuốc là bao nhiêu ? Trong ba chục triệu ấy, số tiền chảy vào túi trình dược viên, công ty dược, các bác sĩ bao nhiêu thì chỉ có Thượng Đế mới biết được mà thôi !

Ba chục triệu với những người làm ăn chân chính và những người nghèo thì thật là số tiền quá lớn. Thế nhưng, vì thương cha thương mẹ, thương vợ thương chồng nên người ta nai lưng ra để mà mua những toa thuốc mà cả dược sĩ cũng như bác sĩ bảo là “đặc trị”. Thật sự thì có cứu được đâu ? Có chăng là tán gia bại sản bởi những thứ thuốc trên mây trên trời sau những lời ngon ngọt của dược sĩ cộng với ngòi bút “vẽ voi” của bác sĩ.

Thật bi đát nếu gia đình nào có người thân phải rơi vào những chứng bệnh nan y khó chữa như ung thư, như gan, như thận, như tim mạch …

Là người đau sẽ cảm được nỗi đau hết sức kinh hoàng sau những phán quyết của những nhân viên y tế, của những người mà người ta vẫn thường gọi là lương y như từ mẫu”.

Cũng cảm thông cho những người đã sống trên xương tuỷ của bệnh nhân. Thoạt đầu, khi ngồi trên ghế nhà trường họ cũng được đào tạo nghiêm chỉnh để thành một “ lương y như từ mẫu” cho dân cho nước được nhờ. Thế nhưng, theo ngày tháng, đồng tiền đã làm cho họ phai đi bài học ban sơ mà thầy cô đã truyền dạy. Có thể một chút chốc nào đó trong cuộc đời họ đã quên đi tiếng nói bên trong của lòng họ để họ chạy theo những lợi nhuận khổng lồ. Chỉ mong đâu đó qua những sự việc đang được phanh phui sẽ là những lời thức tỉnh lòng của những nhân viên y tế để họ bớt đi một chút phần hoa lợi để cho dân nghèo được nương nhờ.

Nhìn vào bức tranh thật của ngành y tế, người viết trộm nghĩ và trộm xin với Thượng Đế nếu được xin cho con chết ngay chứ đừng cho con bệnh rề rề để phải vào viện. Cũng như đừng cho con nhận được đơn kê toa bốc thuốc bởi các bác sĩ vì con sợ con bị bệnh tim lại cho con uống thuốc gan như bao nhiêu người đã uống và phải trả cái gía quá đắt. Và nếu bệnh thì xin cho con được gặp thầy gặp thuốc có lương tâm chứ gặp thầy gặp thuốc vô tâm thì bệnh con chẳng hết mà tiền bạc của con cũng chẳng còn.

Thanh Tâm