Chương IV: Làm người trẻ ngày nay

Các khía cạnh của nền văn hóa tuổi trẻ ngày nay

Tính độc đáo và chuyên biệt

45. Các thế hệ trẻ mang một cách tiếp cận thực tại với những đặc điểm chuyên biệt. Người trẻ yêu cầu được chào đón và tôn trọng trong tính độc đáo của họ. Trong số các yếu tố hiển nhiên nhất của văn hóa tuổi trẻ, người ta lưu ý việc họ thích hình ảnh hơn các ngôn ngữ truyền thông khác, thích tầm quan trọng của cảm giác và xúc cảm như những con đường tiếp cận thực tại và sự ưu tiên dành cho những điều cụ thể và cho hoạt động hơn so với việc phân tích lý thuyết. Các tương quan tình bạn và việc thuộc về các nhóm cùng trang lứa, được nuôi dưỡng một cách đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, mang một tầm quan trọng rất lớn. Giới trẻ nói chung mang một sự cởi mở tự phát đối với tính đa dạng, khiến họ chú ý đến các chủ đề hòa bình, hòa nhập và đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Nhiều kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy người trẻ biết cách trở thành những người tiên phong trong cuộc gặp gỡ và đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, trong quan điểm chung sống hòa bình.

Dấn thân và tham gia xã hội

46. Mặc dù dưới một hình thức khác so với các thế hệ trước, việc dấn thân xã hội là một tính năng chuyên biệt của giới trẻ ngày nay. Bên cạnh một số người vẫn thờ ơ, nhiều người khác sẵn có đó cho các sáng kiến thiện nguyện, hoạt động công dân tích cực và liên đới xã hội: điều quan trọng là phải đồng hành và khuyến khích họ phát huy tài năng, kỹ năng và tính sáng tạo của họ, và khuyến khích họ nhận trách nhiệm. Việc dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo vẫn là một cơ hội căn bản để khám phá và thâm hậu hóa đức tin và biện phân ơn gọi của chính mình. Độ nhạy cảm đối với các chủ đề sinh thái và phát triển bền vững khá mạnh mẽ và rất phổ biến và cần phải nhấn mạnh rằng Thông Điệp Laudato Si’ 'biết cách xúc tác nó. Sự sẵn sàng có đó để dấn thân trong lãnh vực chính trị vì lợi ích chung đã được nhắc đến, cho dù Giáo hội không phải lúc nào cũng có thể đi đôi với nó bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo và không gian biện phân. Còn về việc cổ vũ công lý, người trẻ yêu cầu nơi Giáo hội một dấn thân rõ ràng và mạch lạc, một điều sẽ loại trừ mọi thông đồng với não trạng trần tục.



Nghệ thuật, âm nhạc và thể thao

47. Thượng hội đồng công nhận và đánh giá cao tầm quan trọng mà người trẻ dành cho việc phát biểu nghệ thuật dưới mọi hình thức: trong lĩnh vực này, nhiều người trẻ sử dụng các tài năng họ đã nhận được, bằng cách phát huy vẻ đẹp, sự thật và lòng tốt, để lớn lên trong nhân tính và trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đối với nhiều người trẻ, việc phát biểu nghệ thuật cũng là một ơn gọi chuyên nghiệp đích thực. Chúng ta không thể quên rằng trong nhiều thế kỷ, "con đường của cái đẹp" vốn là một trong những cách ưu tuyển để phát biểu đức tin và việc truyền giảng Tin Mừng.

Tầm quan trọng của âm nhạc hoàn toàn đặc biệt; nó đại diện cho một môi trường chân thực trong đó người trẻ không ngừng hăng hái nhập vào, như một nền văn hóa và một ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và tạo khuôn cho một căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng đại diện cho một nguồn tài nguyên mục vụ đặc biệt thách thức phụng vụ và việc canh tân nó. Sự công nhận khiếu thưởng thức theo quan điểm thương mại đôi khi có nguy cơ làm hại sự liên kết với các hình thức cổ truyền của việc phát biểu âm nhạc và cả phát biểu phụng vụ nữa.

Tầm quan trọng của thực hành thể thao nơi giới trẻ cũng quan trọng không kém. Giáo hội không nên đánh giá thấp các tiềm năng của mình trong viễn kiến giáo dục và đào tạo, bằng cách duy trì sự hiện diện cương định trong lòng mình. Thế giới thể thao cần được giúp đỡ để vượt qua những điều nhập nhằng nước đôi vốn có, như việc huyền thoại hóa các nhà vô địch, làm nô dịch cho thứ luận lý học thương mại và ý thức hệ chủ trương phải thành công bằng mọi giá. Theo chiều hướng này, giá trị của việc đồng hành và nâng đỡ những người khuyết tật trong thực hành thể thao đã được tái khẳng định.

Linh đạo và lòng đạo

Các bối cảnh tôn giáo khác nhau

48. Kinh nghiệm tôn giáo của người trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bối cảnh xã hội và văn hóa nơi họ sống. Ở một số quốc gia, đức tin Kitô giáo là một kinh nghiệm cộng đồng mạnh mẽ và sống động mà người trẻ chia sẻ một cách hân hoan. Trong các khu vực khác của truyền thống Kitô giáo cổ xưa, đa số dân Công Giáo không sống tư cách thành viên thực sự của Giáo hội; tuy nhiên, không thiếu các nhóm thiểu số sáng tạo và các kinh nghiệm cho thấy có sự hồi sinh của việc quan tâm tới tôn giáo như một phản ứng đối với một viễn kiến giản lược và ngột ngạt. Lại có nhiều nơi khác, trong đó, người Công Giáo, cùng với các hệ phái Kitô giáo khác, là một thiểu số đôi khi bị kỳ thị và thậm chí bị bách hại. Cuối cùng, còn có những tình huống trong đó, các giáo phái hoặc hình thức lòng đạo thay thế đang gia tăng; những người theo dõi chúng thường thất vọng và trở thành đối nghịch với tất cả những gì là tôn giáo. Nếu, ở một số vùng, người trẻ không có cơ hội phát biểu công khai đức tin của mình hoặc không thấy tự do tôn giáo được thừa nhận, thì ở nhiều nơi khác, ta cảm thấy sức nặng của các chọn lựa quá khứ - nhất là các lựa chọn chính trị - làm suy mòn tính khả tín của giáo hội. Không thể nói đến lòng đạo (religiosité) của người trẻ mà không tính đến tất cả những dị biệt này.

Nghiên cứu tôn giáo

49. Nói chung, người trẻ cho biết họ đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và bày tỏ sự quan tâm của họ đối với linh đạo. Đúng hơn, sự chú ý này đôi khi mang các đặc điểm của một cuộc nghiên cứu về phúc lợi tâm lý học hơn là việc mở lòng ra đón nhận cuộc gặp gỡ với Mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống. Đặc biệt, trong một số nền văn hóa, nhiều người cho rằng tôn giáo là một vấn đề riêng tư và là việc chọn lựa, trong các truyền thống linh đạo khác nhau, các yếu tố trong đó họ tìm lại được các xác tín riêng của họ. Do đó, một thứ duy chiết trung (syncrétisme) nào đó sẽ lan truyền và phát triển dựa trên giả định duy tương đối theo đó tất cả các tôn giáo đều có giá trị ngang nhau.

Việc gắn bó với một cộng đồng đức tin không được mọi người coi như con đường ưu tuyển để đạt ý nghĩa cuộc sống, và được đi kèm với, hoặc đôi khi bị thay thế, bởi các ý thức hệ hoặc bởi việc tìm kiếm thành công trên bình diện kinh tế và chuyên nghiệp, trong luận lý học tự thể hiện mình về vật chất. Nhiều thực hành do truyền thống để lại vẫn còn tồn tại, chẳng hạn các cuộc hành hương đến các đền thánh vẫn có thể đánh động nhiều người trẻ, cũng như các biểu thức của lòng đạo bình dân thường liên quan đến việc sùng kính Đức Maria và các thánh, nhằm bảo tồn kinh nghiệm đức tin của một dân tộc.



Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu

50. Cùng một sự đa dạng được tìm thấy trong mối tương quan của người trẻ với hình ảnh Chúa Giêsu. Nhiều người nhìn nhận Người là Đấng Cứu Rỗi và là Con Thiên Chúa, và họ thường cảm thấy gần gũi Người nhờ Đức Maria, mẹ Người và họ dấn thân vào hành trình đức tin. Những người khác không có mối tương quan bản thân với Người, nhưng họ coi Người là người tốt và là điểm qui chiếu đạo đức. Lại có nhiều người khác gặp Người nhờ cảm nghiệm được Chúa Thánh Thần một cách mạnh mẽ. Đối với nhiều người khác, trái lại, đó là một hình ảnh của quá khứ, mất hết tính nhất quán hiện sinh hoặc rất xa cách đối với kinh nghiệm nhân bản.

Đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội có thể chỉ là những từ ngữ trống rỗng, nhưng họ vẫn nhạy cảm đối với hình ảnh của Chúa Giêsu, khi nó được trình bày một cách hấp dẫn và hữu hiệu. Bằng nhiều cách, người trẻ ngày nay nói với chúng ta: "Chúng tôi muốn thấy Chúa Giêsu" (Ga 12,21), do đó biểu lộ mối xao xuyến thiêng liêng đặc trưng cho tâm hồn mọi hữu thể nhân bản: "Sự xao xuyến của việc tìm kiếm tâm linh , nỗi lo lắng muốn gặp gỡ Thiên Chúa, niềm xao xuyến của tình yêu "(Đức Phanxicô, Thánh lễ khai mạc Hội Nghị Toàn Thể của Dòng thánh Augustinô, ngày 28 tháng 8 năm 2013).

Mong muốn một phụng vụ sống động

51. Trong nhiều bối cảnh khác nhau, người trẻ Công Giáo yêu cầu các đề xuất cầu nguyện và những khoảnh khắc bí tích có khả năng nắm bắt cuộc sống hàng ngày của họ trong một nền phụng vụ tươi mới, chân thực và vui tươi. Ở nhiều nơi trên thế giới, kinh nghiệm phụng vụ là yếu tố chính của bản sắc Kitô giáo và biết được một sự tham gia lớn lao được sống với xác tín. Trong đó, người trẻ nhận ra một khoảnh khắc tuyệt vời cảm nghiệm được Thiên Chúa và cộng đồng giáo hội, và một điểm khởi hành cho sứ vụ của họ. Mặt khác, trái lại, người ta chứng kiến một sự xa cách nào đó đối với các bí tích và việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật, bị coi là một giới luật luân lý hơn là một cuộc gặp gỡ hân hoan với Chúa Phục sinh và cộng đồng. Nói chung, người ta thấy: cả ở những nơi có dạy giáo lý về các bí tích, sự đồng hành có tính giáo dục để sống việc cử hành một cách sâu sắc và đi vào sự phong phú của Mầu nhiệm, các biểu tượng và nghi thức của nó vẫn còn rất yếu.

Tham gia và tính chủ động (protagonisme)

Giới trẻ muốn trở thành những người chủ động

52. Giáp mặt với các mâu thuẫn của xã hội, nhiều người trẻ muốn sử dụng tài năng, khả năng và tính sáng tạo của họ và sẵn sàng thi hành các trách nhiệm. Các chủ đề quan trọng nhất đối với họ là việc phát triển bền vững, cả về xã hội lẫn môi trường, kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Sự tham gia của người trẻ thường theo các cách tiếp cận chưa từng có, trong việc đặc biệt khai thác các tiềm năng của ngành truyền thông kỹ thuật số về việc huy động và áp lực chính trị: phổ biến các lối sống và mô hình tiêu thụ và đầu tư có phê phán, liên đới và chú ý tới môi trường; các hình thức dấn thân và tham gia mới trong xã hội và chính trị; các phương thức mới trong việc bảo đảm xã hội cho các đối tượng yếu kém nhất.

Các lý do ra xa cách

53. Thượng hội đồng ý thức rằng một số lớn người trẻ, vì các lý do rất đa dạng, không yêu cầu điều gì nơi Giáo hội vì họ cho rằng Giáo Hội không có nghĩa lý mấy đối với sự hiện hữu của họ. Một số thậm chí còn minh nhiên yêu cầu Giáo Hội để họ yên, bởi vì họ cảm thấy sự hiện diện của Giáo Hội không đáng ưa, nếu không muốn nói là khó chịu. Lời yêu cầu này phần lớn không được phát sinh từ một sự khinh bỉ phi phê phán hoặc bốc đồng, nhưng bắt nguồn từ những lý do nghiêm túc và đáng kính: các vụ tai tiếng tình dục và kinh tế, sự thiếu thích ứng của các thừa tác viên thụ phong, những người không biết cách nắm bắt một cách thích hợp sự nhạy cảm của người trẻ, thiếu sự chuẩn bị các bài giảng và trình bày Lời Chúa, vai trò thụ động được gán cho người trẻ bên trong cộng đồng Kitô giáo, các khó khăn của Giáo hội trong việc giải thích các chủ trương tín lý và đạo đức của mình trong xã hội đương thời.

Người trẻ trong Giáo hội

54. Người trẻ Công Giáo không chỉ đơn giản là người tiếp nhận hành động mục vụ, mà là thành viên sống động của Cơ Thể Giáo hội duy nhất, người được rửa tội trong đó Thần Trí của Thiên Chúa sống và hành động. Họ đóng góp vào việc làm phong phú điều Giáo hội là, chứ không chỉ điều Giáo Hội làm. Họ là hiện tại và không chỉ là tương lai của Giáo Hội mà thôi. Người trẻ là người chủ động trong nhiều sinh hoạt của giáo hội, nơi họ quảng đại cống hiến việc phục vụ của họ, đặc biệt trong việc sinh động hóa việc dạy giáo lý và phụng vụ, chú ý tới các trẻ em, tham gia đoàn thiện nguyện phục vụ người nghèo. Các phong trào, hiệp hội và hội đoàn tôn giáo cũng cung cấp cho người trẻ cơ hội dấn thân và đồng trách nhiệm. Đôi khi, sự sẵn có đó của người trẻ gặp một thứ độc đoán và ngờ vực nào đó về phía người lớn và các mục tử, những người không đủ nhận ra tính sáng tạo của họ và ngần ngại chia sẻ trách nhiệm với họ.

Phụ nữ trong Giáo Hội

55. Nơi người trẻ, người ta lại thấy xuất hiện việc cần thừa nhận phụ nữ và đánh giá họ cao hơn trong xã hội và trong Giáo hội. Nhiều phụ nữ đóng một vai trò không thể thay thế trong các cộng đồng Kitô giáo, nhưng, ở nhiều nơi, người ta ngần ngại dành cho họ một vị trí trong các diễn trình ra quyết định, ngay cả khi các diễn trình này không đòi hỏi trách nhiệm thừa tác chuyên biệt. Sự vắng mặt của tiếng nói và cái nhìn của phụ nữ làm nghèo nàn cuộc tranh luận và con đường của Giáo hội, bằng cách loại bỏ một đóng góp có giá trị để biện phân. Thượng hội đồng khuyến nghị phải làm sao để mọi người ý thức được sự cấp bách của một thay đổi không thể tránh khỏi, nhất là từ sự suy tư nhân học và thần học về sự hợp tác qua lại giữa đàn ông và đàn bà.

Nhiệm vụ của người trẻ đối với những người đồng trang lứa

56. Trong các môi trường khác nhau, có những nhóm người trẻ, thường đại diện cho các hiệp hội và phong trào giáo hội, rất tích cực trong việc truyền giảng Tin Mừng cho những người trẻ ở độ tuổi của họ nhờ chứng tá một cuộc sống trong sáng, một ngôn ngữ dễ tiếp cận và khả năng thiết lập tình bạn chân chính. Hoạt động tông đồ này giúp mang Tin Mừng đến cho những người mà sự chăm sóc mục vụ thông thường của người trẻ chỉ đạt tới một cách khó khăn; nó cũng góp phần làm chín mùi đức tin của những người miệt mài trong đó. Do đó, nó phải được đánh giá cao, được hỗ trợ, đồng hành một cách khôn ngoan và hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng.

Mong muốn một cộng đồng giáo hội chân thực và huynh đệ hơn

57. Giới trẻ đòi hỏi Giáo hội phải tỏa sáng bằng tính chân thực, gương mẫu, có khả năng, tính đồng trách nhiệm và bền vững về văn hóa. Đôi khi, yêu cầu này nghe có vẻ như một lời chỉ trích, nhưng thường mang hình thức tích cực của một cam kết bản thân đối với một cộng đồng huynh đệ, chào đón, hân hoan và dấn thân theo phương thức tiên tri vào việc đấu tranh chống bất công xã hội. Trong số những kỳ vọng của người trẻ, mong muốn Giáo hội tiếp nhận một phong cách đối thoại ít tính cha chú đi và nhiều thẳng thắn hơn đã tái xuất hiện một cách đặc biệt.

Kỳ sau: Phần II: "Mắt họ mở ra"