Một giám mục Công Giáo Thụy Sĩ đã thông báo rằng ngài sẽ bổ nhiệm anh chị em giáo dân làm đại diện cho ngài trong giáo phận của mình.

Đức Cha Charles Morerod, thuộc dòng Đa Minh, đã lãnh đạo Giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg kể từ năm 2011, đã tiết lộ quyết định này trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5 với trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch.

Ngài nói rằng ngài đã chọn hai giáo dân và một phó tế trong vai trò “giáo dân đại diện”, thay thế ba “linh mục đại diện” cho ngài.

“Nhờ phép rửa, giáo dân có một vai trò tích cực trong đời sống của Giáo Hội và không nên chỉ được giao phó cho việc chăm sóc các vấn đề hành chính, mà còn phải được trao các nhiệm vụ tích cực trong vấn đề chăm sóc mục vụ”, ngài nói.

“Sự hợp tác này là một điều tích cực. Nó đã tồn tại, nhưng chúng ta có thể phát triển nó một cách tích cực hơn nữa”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng ba vị đại diện này giờ đây sẽ được gọi là “các đại diện giáo phận”.

Theo vị giám mục, các đại diện của ngài sẽ giải quyết “các vấn đề chuyên biệt” và thảo luận với ngài ở cấp giáo phận.

Bộ Giáo luật Giáo hội Latinh cho biết “Trong mỗi giáo phận, giám mục bản quyền phải bổ nhiệm một tổng đại diện để giúp ngài quản trị toàn giáo phận”.

Thay vì bổ nhiệm một tổng đại diện, vị Giám mục cũng có thể bổ nhiệm nhiều đại diện giám mục, mỗi người có thẩm quyền “được giới hạn trong một phần xác định của giáo phận, hoặc một loại hoạt động cụ thể, hoặc dành cho các tín hữu của một nghi lễ cụ thể, hoặc cho một số nhóm người nhất định”.

Đức Cha Morerod từng là hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma và tổng thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế. Ngài nói với kath.ch rằng ngài đã tham khảo ý kiến với Bộ Giáo sĩ của Vatican về những thay đổi này.

Ngài nói: “ Tôi đã nói chuyện với Bộ Giáo Sĩ chủ yếu về các vấn đề thuật ngữ. Chúng ta hãy cẩn thận để tránh ấn tượng rằng chúng ta chỉ đơn giản là thay thế một linh mục đại diện cho giám mục bằng một giáo dân đại diện”.

“Điều quan trọng là không gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào có thể ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của Hội Thánh”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 5 với kath.ch, vị giám mục 59 tuổi đã bác bỏ những gợi ý rằng những thay đổi nhằm tập trung quyền lực vào tay ngài, làm suy yếu nguyên tắc tản quyền được ưa chuộng trong Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ.

“Bất cứ ai nói theo cách này có những giả định sai về giáo dân ở các vị trí lãnh đạo,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency