1. Tờ Jerusalem Post: Mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng đã bị Do Thái ngăn chặn

Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

Công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia, The Jerusalem Post có thể đưa tin một cách độc quyền.

Vụ việc rất nhạy cảm, do D-Fend quản lý và giải quyết, đã xảy ra vào ngày 15 tháng 9, nhưng lệnh cấm vận không cho tiết lộ tin này ra công chúng chỉ mới được dỡ bỏ.

Ngoài ra còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

D-Fend cho biết họ đã làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia để bảo vệ Đức Giáo Hoàng, đoàn tùy tùng của ngài và những người tham dự khỏi mối đe dọa từ các máy bay không người lái quỷ quyệt trong suốt nhiều sự kiện ở Slovakia từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, đỉnh điểm là Thánh lễ ngoài trời ở Šaštín, nơi có đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia.

Sản phẩm EnforceAir do D-Fend phát triển đã được triển khai cùng với bộ công cụ chiến thuật được điều hành dưới đất để cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.

D-Fend cho biết: Ngoài số người tham dự quá đông, còn có một số thách thức an ninh đối với việc phòng chống máy bay không người lái như trong khu vực có quá nhiều ăng-ten và hệ thống liên lạc, trong một môi trường nhiễu tần số vô tuyến rất cao.

Tiếp theo, D-Fend cho biết một số máy bay không người lái đã được xác định gần sự kiện, nhưng cảnh sát địa phương ngay lập tức xác định chúng là được cho phép và là “phe ta”.

Công nghệ của EnforceAir nhận biết và cho phép các máy bay không người lái đã được cấp phép có thể hoạt động trong vùng trời, và tập trung khả năng phòng thủ của nó vào việc giảm thiểu các máy bay không người lái giả mạo.

Một máy bay không người lái tự chế chưa từng thấy trước đây đã được EnforceAir phát hiện trong thời gian diễn ra thánh lễ.

Ban đầu, khi cảnh sát quyết định giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng, họ đã tính đến việc sử dụng giải pháp dựa trên các thiết bị gây nhiễu.

Tuy nhiên, họ nhanh chóng thay đổi phương pháp, nhận ra rằng những thiết bị gây nhiễu như vậy có khả năng làm gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc đang hoạt động trong khu vực. Họ cũng lo ngại cách làm đó sẽ khiến các phương tiện truyền thông xung quanh không thể truyền đi bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ, cũng như làm gián đoạn các trạm cơ sở an ninh, điều này có thể tạo ra một nguy cơ an ninh khác.

“EnforceAir đã chống lại chiếc máy bay không người lái giả mạo, đưa nó trở lại vị trí cất cánh ban đầu, cách xa đám đông,” D-Fend nói.

Đại diện văn phòng chịu trách nhiệm bảo vệ giáo hoàng cho biết: “Bảo vệ một sự kiện nổi tiếng như vậy là điều quan trọng hàng đầu, vì vậy chúng tôi muốn sử dụng công nghệ chống máy bay không người lái phù hợp nhất cho các sự kiện đông người và các tình huống nhạy cảm” tại Slovakia. “Giải pháp sáng tạo của EnforceAir đã kiểm soát máy bay không người lái giả mạo đe dọa sự an toàn của Đức Giáo Hoàng, đám đông và các nhân vật quan trọng có mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của D-Fend, Zohar Halachmi cho biết, “Thật vinh dự khi được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện quan trọng như vậy; cũng như hỗ trợ việc thực thi pháp luật và an ninh trên quê hương của chúng ta. Các phương pháp hay nhất mà chúng tôi học được từ những khách hàng sử dụng công nghệ của chúng tôi để bảo vệ các yếu nhân tại các sự kiện lớn trên toàn thế giới đã được tích hợp vào EnforceAir, tạo điều kiện cho một sự phát triển liên tục khả năng chống các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.”

Công ty cho biết, “Vụ này phản ánh mối nguy hiểm ngày càng tăng do máy bay không người lái gây ra cho các quan chức trên toàn thế giới và các sự kiện lớn. Vụ việc đã kết thúc một cách an toàn nhờ công nghệ chống máy bay không người lái đã được D-Fend triển khai tại hiện trường. Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng đã tận dụng công nghệ của D-Fend để bảo vệ các nhà lãnh đạo thế giới vào mùa hè này”.

Theo D-Fend, “Máy bay không người lái đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia trên toàn thế giới - đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, dân thường và bây giờ là đối với các nhà lãnh đạo.”

Công ty chống máy bay không người lái ghi nhận những nỗ lực gần đây nhằm ám sát Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bằng cách sử dụng máy bay không người lái.
Source:Jerusalem Post

2. Người Công Giáo Pháp bị tấn công trong đoàn rước kiệu lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Tuần trước, một nhóm người Công Giáo Pháp tham gia lễ rước Đức Mẹ hàng năm ở ngoại ô Paris đã bị những người biểu tình tấn công và đe dọa bằng lời nói.

Tờ Le Figaro đưa tin, khoảng 30 giáo dân và giáo sĩ đến từ Nanterre, Pháp, những người thực hiện cuộc rước đuốc hàng năm vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thứ Tư, ngày 8 tháng 12, đã phải chạm trán với một nhóm mười người.

Tờ báo mô tả đây là một “cuộc xung đột rất nóng”, trong đó 10 người Hồi Giáo đã lăng mạ những người Công Giáo rước đuốc, đe dọa tấn công họ, và gọi họ là “những kẻ ngoại đạo”. Tờ Le Figaro đưa tin rằng Jean-Marc Sertillange, một phó tế tham gia cuộc rước đuốc, đã công bố một bản tường trình về vụ tấn công:

“Cuộc rước của chúng tôi, diễn ra hàng năm vào ngày 8 tháng 12 nhân ngày lễ của giáo xứ, bắt đầu từ nhà thờ Thánh Giuse để đến nhà thờ Đức Bà, ở quận Pablo Picasso. Tuyến đường dài chưa đầy một km đã được Hội Đồng tỉnh cho phép sau khi tôi làm đơn”.

“Nhưng ngay sau 7 giờ tối, và khi chúng tôi chỉ mới tiến được vài trăm thước, một đám người lạ trên đường đã tấn công chúng tôi ngay tại điểm cầu nguyện đầu tiên.”

Theo vị phó tế này, những người biểu tình đã gọi người Công Giáo là “kouffars” (“những kẻ không tin”) và đe dọa rằng “Theo kinh Koran, chúng tôi sẽ cắt cổ các ngươi.”

“Sau đó, họ tạt nước vào chúng tôi, giật lấy một ngọn đuốc và ném về phía chúng tôi”

Chính phủ Pháp lên án vụ tấn công

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã lên án các cuộc tấn công trên Twitter, gọi chúng là sự vi phạm tự do tôn giáo.

“Những hành vi như thế là không thể chấp nhận được. Quyền tự do thờ phượng phải có thể được thực hiện trong tất cả sự thanh thản ở đất nước chúng tôi. Hãy hỗ trợ cho những người Công Giáo ở Pháp”.

Giáo phận mô tả các mối đe dọa bạo lực

Cuộc đối đầu diễn ra bên ngoài nhà thờ Thánh Giuse ở Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre.

Giáo phận đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11 tháng 12, được National Catholic Register công bố như sau:

“Một cuộc rước Đức Mẹ - đã trình báo với Quận Hauts-de-Seine - đã được tổ chức giữa các nhà thờ Thánh Giuse và nhà thờ Đức Bà tại Fontenelles thuộc giáo phận Nanterre vào ngày 8 tháng 12 năm 2021”.

“Trong cuộc rước kiệu này, hai điểm dừng đã được hoạch định. Trong chặng dừng thứ nhất, đoàn rước đã bị tấn công bởi một số người buông lời lăng mạ và đe dọa bạo lực thô bạo. Ngọn đuốc của một tín hữu đã bị giật đi và ném vào những người tham gia”.

“Cuộc rước bắt đầu lại và tiếp tục, với sự tham gia của cảnh sát, đến nhà thờ Đức Bà ở Fontenelles. Một đơn khiếu nại sắp được nộp”.

“Giáo phận đã liên hệ với các cơ quan công quyền để bảo đảm rằng sự an toàn của các tín hữu, những người phải được quan tâm một cách hợp pháp, được bảo đảm đầy đủ ngay bây giờ và trong tương lai,” tuyên bố viết.

Cảnh sát phản ứng với các cuộc tấn công

Hôm thứ Bảy, sở cảnh sát Haut-de-Sein đã đăng trên Twitter rằng họ “lên án mạnh mẽ những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực được thốt ra trong cuộc rước kiệu và bày tỏ tình đoàn kết với những người Công Giáo ở Nanterre. Những hành vi như thế này là không thể dung thứ được”.

Trong những năm gần đây, các hành vi phá hoại chống lại các nhà thờ ở Pháp đã gia tăng đáng kể. Một nghiên cứu gần đây của Đài quan sát về sự không khoan dung chống lại các tín hữu Kitô ở Âu Châu đã chỉ ra rằng Pháp là một trong 5 nước Âu Châu chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về bạo lực và phân biệt đối xử chống Kitô Giáo.

Nhiều người e ngại rằng: Nước Pháp, vốn được coi là Trưởng Nữ của Giáo Hội Công Giáo Toàn Cầu, giờ đây là mảnh đất vàng cho Hồi Giáo và những kẻ vô thần
Source:Aleteia