1. Nga kêu gọi các lực lượng Ukraine tại thành phố Mariupol đầu hàng
Nga đã kêu gọi các lực lượng Ukraine tại thành phố cảng Mariupol phía đông đầu hàng, nơi Mạc Tư Khoa cho rằng “một thảm họa nhân đạo khủng khiếp” đang diễn ra.
“Hãy bỏ vũ khí xuống”, Thượng Tướng Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng Nga phát đi.
“Một thảm họa nhân đạo khủng khiếp đã nảy sinh,” Thượng Tướng Mizintsev nói.
“Tất cả những ai buông vũ khí đều được bảo đảm an toàn ra khỏi Mariupol.”
Mariupol đã phải hứng chịu một số đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai.
Nhiều người trong số 400,000 cư dân của nó vẫn bị mắc kẹt trong thành phố với rất ít thức ăn, nước uống và bị mất điện.
Các nhà chức trách thành phố cho biết gần 10% dân số thành phố đã chạy thoát trong tuần qua, mạo hiểm mạng sống của họ trong các đoàn xe.
Thượng Tướng Mizintsev cho biết các hành lang nhân đạo cho dân thường sẽ được mở từ phía đông và tây để ra khỏi Mariupol lúc 10 giờ sáng, giờ Mạc Tư Khoa, ngày thứ Hai, tức là 2 giờ chiều giờ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Ukraine nói sẽ không có chuyện đầu hàng
Thượng Tướng Mizintsev thông báo rằng Ukraine có đến 5 giờ sáng theo giờ Mạc Tư Khoa, tức là 9g sáng giờ Việt Nam, hôm nay thứ Hai 21 tháng Ba, để đáp ứng đề nghị về các hành lang nhân đạo và hạ vũ khí.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đã bác bỏ ý kiến này.
“Không thể có chuyện đầu hàng, hạ vũ khí. Chúng tôi đã thông báo cho phía Nga về việc này. Hãy mở hành lang cho dân thường.”
Các hành lang nhân đạo trước đây để cho phép người dân di tản khỏi Mariupol và các thành phố khác của Ukraine đã thất bại, hoặc chỉ thành công một phần, vì các cuộc bắn phá tiếp tục khi dân thường cố gắng chạy trốn.
Thượng Tướng Mizintsev, không cung cấp bằng chứng, nói rằng “những tên cướp”, “Đức quốc xã mới” và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã tham gia vào “vụ khủng bố hàng loạt” và giết chóc trong thành phố.
Ukraine cho biết họ đang chiến đấu vì sự tồn tại của mình và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Bảy nói rằng cuộc bao vây Mariupol là “một nỗi kinh hoàng sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ tới”.
Thượng Tướng Mizintsev nói Nga không sử dụng vũ khí hạng nặng ở Mariupol. Ông cho biết Nga đã di tản 59,304 người ra khỏi thành phố nhưng 130,000 thường dân vẫn còn mắc kẹt ở đó. Ông cho biết 330.686 người đã được Nga di tản khỏi Ukraine kể từ khi bắt đầu “chiến dịch”.
Hội đồng thành phố Mariupol cho biết trên kênh Telegram của họ vào cuối ngày thứ Bảy rằng hàng nghìn cư dân Mariupol đã bị “bắt cóc” đưa sang Nga để làm nô lệ lao động.
Chính trị gia Ukraine Inna Sovsun cho biết những công dân này đang bị bắt đi lao động cưỡng bức ở những vùng xa xôi của Nga.
“Họ đang được chuyển đến những vùng rất xa của nước Nga, nơi họ bị buộc phải ký giấy rằng họ sẽ ở lại khu vực đó trong hai hoặc ba năm và họ sẽ làm việc miễn phí ở những khu vực đó,” cô nói.
Tuyên bố của chính quyền Mariupol cũng cho rằng điện thoại di động và tài liệu của những người di tản đã được quân đội Nga kiểm tra trước khi đưa người dân Mariupol tới “các thành phố xa xôi ở Nga”.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hơn 7,000 người đã được di tản khỏi các thành phố Ukraine thông qua các hành lang nhân đạo vào ngày Chúa Nhật, hơn một nửa trong số đó đến từ Mariupol.
Bà cho biết chính phủ có kế hoạch gửi gần 50 xe buýt đến Mariupol vào thứ Hai để di tản thêm.
2. Đức Hồng Y Parolin chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine
Chiều ngày 16 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine.
Tham dự thánh lễ, có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh kể cả đại sứ Ukraine và Nga, cùng với khoảng 400 tín hữu. Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y Parolin nhận xét rằng nếu chúng ta có mặt ở đây, chính vì chúng ta tin tưởng nơi sức mạnh của lời cầu nguyện, và Đức Hồng Y nói rằng tại Ukraine hiện nay, không phải chỉ có một cuộc hành quân, nhưng là chiến tranh, chết chóc, tàn phá và nhiều nạn nhân. Số người phải tị nạn chiến tranh gia tăng hàng giờ. Chúa Giêsu đã nói: Phúc cho những người kiến tạo hòa bình: “Ai dấn thân xây dựng hòa bình thì họ là con cái Thiên Chúa”.
Dựa vào bài Tin mừng đọc trong thánh lễ, Đức Hồng Y Parolin phê bình những người chạy theo những thành công của trần thế và quyền lực. Chúa nói: “Ai muốn trở thành người cao trọng thì phải trở nên bé nhỏ, người đứng đầu phải phục vụ những người khác, như chính Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Và Đức Hồng Y cũng nói với các nhà ngoại giao rằng: “Anh chị em thân mến, phải chăng anh chị em không tin rằng mọi xung đột trên trái đất sẽ dần dần biến mất, nếu chúng ta thực sự thi hành những lời của Chúa Giêsu sao?” Việc cùng nhau cầu nguyện thay đổi thực tại theo nghĩa đó. Vấn đề ở đây là vứt bỏ trái tim chai đá và thay bằng trái tim thịt như lời ngôn sứ Ezekiel đã nói.
Trong phần lời nguyện phổ quát, có ý nguyện bằng tiếng Nga cầu cho các vị lãnh đạo thế giới, để họ nỗ lực xây dựng hòa bình. Bằng tiếng Ukraine, mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh; bằng tiếng Ba Lan, cầu cho mọi người thiện chí, dấn thân giúp đỡ những người tị nạn; bằng tiếng Rumani, cầu cho những người đã qua đời.
3. Đức Thánh Cha điện đàm với Thượng Phụ Kirill
Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, xác nhận rằng chiều ngày 16 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, đã trao đổi với nhau qua điện thoại Video về chiến tranh tại Ukraine.
Tham gia cuộc trao đổi này cạnh Đức Thánh Cha, có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, và cạnh Đức Thượng phụ Kirill, có Đức Tổng Giám Mục Hilarion của giáo phận Volokolamsk, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga.
Cuộc điện đàm xoay quanh cuộc chiến hiện nay tại Ukraine và vai trò của các tín hữu Kitô cũng như các vị mục tử trong nỗ lực làm tất cả những gì có thể để vãn hồi hòa bình.
Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Thượng phụ về cuộc gặp gỡ này, với chủ ý, trong tư cách là mục tử, chỉ dẫn một con đường hòa bình, cầu xin ơn hòa bình, và sớm có cuộc ngưng chiến. Đức Giáo Hoàng đồng ý với Đức Thượng phụ rằng: “Giáo hội không được dùng ngôn từ chính trị, nhưng dùng ngôn từ của Chúa Giêsu... Chúng ta là những mục tử của cùng Dân Thánh của Chúa, tin nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Ba Ngôi, nơi Mẹ Thánh của Thiên Chúa: vì thế chúng ta phải hiệp nhất trong nỗ lực giúp tìm kiếm hòa bình, giúp đỡ những người đau khổ, tìm kiếm những con đường hòa bình, và ngăn ngọn lửa chiến tranh”.
Cả hai vị Giáo chủ đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thương thuyết hiện nay, và Đức Thánh Cha nói: “Người phải trả giá cho chiến tranh là dân chúng, là các binh sĩ Nga và những người bị dội bom và chết. Trong tư cách là mục tử, chúng ta có nghĩa vụ gần gũi và giúp tất cả mọi người đang đau khổ vì chiến tranh. Trong các Giáo hội chúng ta, có thời người ta nói về cuộc thánh chiến hoặc cuộc chiến tranh chính đáng. Ngày nay người ta không thể nói như vậy nữa. Có sự phát triển ý thức Kitô về tầm quan trọng của hòa bình”.
Và Đức Thánh Cha cũng đồng ý với Đức Thượng phụ về điều này, là “Các Giáo hội được kêu gọi góp phần củng cố hòa bình và công lý” và ngài kết luận rằng: “Chiến tranh luôn luôn là bất chính. Vì người phải trả giá là dân của Thiên Chúa. Tâm hồn chúng ta không thể không khóc đứng trước các trẻ em, những phụ nữ bị giết, tất cả các nạn nhân chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là cách thức để thi hành. Chúa Thánh Linh liên kết chúng ta, yêu cầu chúng ta, như những mục tử, giúp đỡ dân chúng đang chịu đau khổ vì chiến tranh”.
4. Tuyên bố của Thượng phụ Kirill về buổi nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa ra thông báo sau:
Vào ngày 16 tháng 3 năm 2022, Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã có buổi nói chuyện trực tuyến với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tham gia buổi nói chuyện từ Giáo hội Chính thống Nga còn có Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ.
Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng được đại diện bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô Giáo.
Đức Thượng Phụ đã nhiệt liệt chào mừng Đức Giáo Hoàng và bày tỏ sự hài lòng về khả năng thu xếp cuộc nói chuyện.
Cuộc nói chuyện bao gồm một cuộc thảo luận chi tiết về tình hình trên đất Ukraine. Đặc biệt chú ý đến các khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng hiện nay và các hành động của Giáo hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma trong việc khắc phục hậu quả của nó. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của quá trình đàm phán đang diễn ra, bày tỏ hy vọng rằng một nền hòa bình công bằng sẽ đạt được càng sớm càng tốt.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng phụ Kirill cũng đã thảo luận về một số vấn đề hiện tại của tương tác song phương.
Source:Russian Orthodox