Theo tin Tòa Thánh, ngày thứ ba trong chuyến tông du Cộng hòa Dân chủ Congo, nhằm Ngày Lễ Đức Mẹ dâng Con vào Đền thờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có buổi gặp gỡ cầu nguyện với các linh mục, phó tế, người thánh hiến và chủng sinh Congo tại nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Congo ở Thủ đô Kinshaha. Sau đây là toàn văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em linh mục, phó tế và chủng sinh thân mến,
Các tu sĩ nam nữ thân mến, chào anh chị em buổi tối và chúc anh chị em một ngày lễ vui vẻ!


Cha vui mừng được hiện diện với anh chị em hôm nay, vào ngày lễ Dâng Chúa vào Đền thờ, một ngày mà chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho đời sống thánh hiến. Giống như Simêon, tất cả chúng ta đều chờ đợi ánh sáng của Chúa để soi sáng bóng tối của cuộc đời chúng ta. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều mong muốn có được cùng một cảm nghiệm mà ông Simêon đã có trong Đền Thờ Giêrusalem: ôm Chúa Giêsu trong vòng tay của chúng ta. Để ôm Người trong vòng tay, để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Người và ôm Người vào lòng. Khi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc đời mình, thì cách nhìn của chúng ta thay đổi, và bất chấp mọi nỗ lực và khó khăn, chúng ta cảm thấy được ánh sáng của Người bao bọc, được Thần Khí của Người an ủi, được khích lệ bởi lời của Người và được nâng đỡ bởi tình yêu của Người.

Khi nói điều này, cha nghĩ đến những lời chào mừng của Đức Hồng Y Ambongo, và cha cảm ơn ngài về điều đó. Ngài chỉ ra “những thách thức to lớn” mà những người sống cam kết với chức linh mục và đời sống thánh hiến ở vùng đất được đánh dấu bởi “những điều kiện khó khăn và thường nguy hiểm” và nhiều đau khổ phải đối đầu này. Tuy nhiên, như ngài lưu ý, cũng có niềm vui lớn lao trong việc phục vụ Tin Mừng, và ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến thì dồi dào. Điều này là do ân sủng dồi dào của Thiên Chúa, hoạt động chính xác trong sự yếu đuối (x. 2 Cr 12:9), và làm cho anh chị em, cùng với giáo dân, có khả năng khơi dậy niềm hy vọng trong những hoàn cảnh thường đau khổ mà dân tộc anh chị em đang sống.

Sự chắc chắn này của chúng ta, ngay cả giữa những khó khăn, là một hồng phúc phát sinh từ lòng trung thành của Thiên Chúa. Qua tiên tri Isaia, Người nói: “Ta sẽ làm một xa lộ trong hoang địa và làm những dòng sông trong sa mạc” (43:19). Cha nghĩ cha sẽ cống hiến cho các con một số suy tư bắt đầu từ chính những lời của ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa mở ra những con đường mới giữa sa mạc của chúng ta, và chúng ta, với tư cách là những thừa tác viên được thụ phong và những người được thánh hiến, được kêu gọi trở thành dấu chỉ của lời hứa này và giúp đem nó đến chỗ nên trọn vẹn trong lịch sử của Dân thánh Thiên Chúa. Tuy nhiên, một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi để làm gì, nếu không phải là phục vụ giáo dân với tư cách là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa? Isaia giúp chúng ta hiểu phải làm ra sao.

Qua những lời của vị ngôn sứ, Chúa nói với dân Người vào thời điểm đầy bi kịch, vì dân Israel đã bị lưu đày sang Babylon và bị biến thành nô lệ. Động lòng cảm thương, Chúa tìm cách an ủi họ. Thật vậy, đoạn này của ngôn sứ Isaia được gọi là “Sách An Ủi”, bởi vì Chúa nói với dân Người những lời hy vọng và những lời hứa cứu độ. Đầu tiên, Người nhắc lại mối dây yêu thương ràng buộc Người với dân tộc của Người: “Đừng sợ, vì Ta đã cứu chuộc các ngươi; Ta đã gọi các ngươi bằng tên, các ngươi là của Ta. Khi các ngươi vượt qua vùng nước, ta sẽ ở bên các ngươi; và qua các con sông, chúng sẽ không tràn ngập các ngươi; khi các ngươi bước qua lửa, các ngươi sẽ không bị thiêu đốt, và ngọn lửa sẽ không thiêu đốt các ngươi” (43:1-2). Chúa tỏ mình ra là Thiên Chúa của lòng cảm thương, và Người bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở bên chúng ta, là nơi nương tựa, là sức mạnh trong khó khăn. Chúa giàu lòng thương xót. Ba danh xưng của Thiên Chúa, ba nét đặc trưng của Người là lòng thương xót, cảm thương và dịu dàng, vì chúng cho thấy sự gần gũi của Thiên Chúa: một Thiên Chúa gần gũi, cảm thương và dịu dàng.

Các linh mục và phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh thân mến: qua các con, Chúa cũng muốn xức dầu cho dân Người hôm nay bằng dầu an ủi và hy vọng. Các con được mời gọi để lặp lại lời hứa này của Thiên Chúa, để nhắc nhở người khác rằng Người đã tạo dựng chúng ta và chúng ta thuộc về Người, đồng thời khuyến khích và đồng hành với hành trình đức tin của cộng đoàn hướng về Đấng luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa không để nước tràn ngập chúng ta, Lửa cũng không thiêu đốt chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra rằng chúng ta đã được mời gọi để loan báo sứ điệp này giữa những đau khổ của con người. Đó là ý nghĩa của việc trở thành tôi tớ của dân chúng: trở thành linh mục, nữ tu và nhà truyền giáo, những người đã biết niềm vui của cuộc gặp gỡ giải thoát với Chúa Giêsu và bây giờ mang lại niềm vui đó cho người khác. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chức linh mục và đời sống thánh hiến trở nên khô khan nếu chúng ta bắt đầu nghĩ rằng người ta ở đó để phục vụ chúng ta, hơn là chúng ta ở đây để phục vụ họ. Mục tiêu của chúng ta không phải là một nghề nghiệp, một địa vị xã hội, hay một phương tiện chu cấp cho gia đình chúng ta ở quê nhà. Thay vào đó, đó là một sứ mệnh hành động như những dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, tình yêu vô điều kiện, sự hòa giải và tha thứ của Người, và mối quan tâm đầy cảm thương của Người đối với nhu cầu của người nghèo. Chúng ta đã được kêu gọi hiến mạng sống mình cho anh chị em mình, và mang đến cho họ Chúa Giêsu, Đấng duy nhất chữa lành vết thương của mọi trái tim.

Nếu chúng ta cảm nghiệm ơn gọi của mình theo cách này, chúng ta sẽ luôn có những thách thức phải đối đầu và những cám dỗ phải vượt qua. Cha muốn tập trung ngắn gọn vào ba trong số này: sự tầm thường tâm linh, sự thoải mái của thế gian và sự hời hợt.

Trước hết, chúng ta cần vượt qua sự tầm thường tâm linh. Bằng cách nào? Việc Dâng Chúa vào Đền thờ, mà Kitô giáo Đông phương gọi là “lễ gặp gỡ”, nhắc nhở chúng ta rằng ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta phải là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa, đặc biệt là trong lời cầu nguyện bản thân, bởi vì mối quan hệ của chúng ta với Người là nền tảng của mọi sự chúng ta làm. Đừng bao giờ quên rằng bí quyết của mọi sự là cầu nguyện, vì thừa tác vụ và hoạt động tông đồ chủ yếu không phải là công việc của chúng ta và không chỉ phụ thuộc vào các phương tiện của con người. Các con sẽ nói với cha: vâng, đúng như vậy, nhưng những cam kết, ưu tiên mục vụ, lao động tông đồ, mệt mỏi, v.v. có nguy cơ khiến chúng con không còn nhiều thời gian và sức lực để cầu nguyện. Đó là lý do tại sao cha muốn chia sẻ một vài lời khuyên. Trước hết, chúng ta hãy trung thành với một số nhịp cầu nguyện phụng vụ đánh dấu ngày này, từ Thánh lễ đến kinh nhật tụng. Việc cử hành Thánh Thể hàng ngày là nhịp đập của đời sống linh mục và tu sĩ. Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho phép chúng ta cầu nguyện với Giáo Hội và đều đặn: Ước mong sao chúng ta đừng bao giờ lơ là việc này! Vì vậy, chúng ta cũng đừng bỏ bê việc Xưng tội. Chúng ta luôn cần được tha thứ, để sau đó ban tặng lòng thương xót cho người khác.

Bây giờ, lời khuyên thứ hai. Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta không thể giới hạn mình trong việc đọc thuộc lòng những lời cầu nguyện, nhưng phải dành ra một thời gian để cầu nguyện sốt sắng mỗi ngày, để luôn “tâm đầu ý hợp” với Chúa. Đó có thể là một thời gian dài để thờ lạy, suy niệm Lời Chúa, hoặc lần hạt Mân Côi, nhưng là thời gian gần gũi với Đấng mà chúng ta yêu mến hơn hết mọi sự. Ngoài ra, ngay cả khi đang hoạt động, chúng ta luôn có thể nhờ đến lời cầu nguyện của trái tim, những “ước nguyện” ngắn gọn – vốn là một kho tàng thực sự – những lời chúc tụng, tạ ơn và khẩn cầu, để lặp lại với Chúa ở bất cứ nơi nào chúng ta sống. Cầu nguyện giúp chúng ta không còn tập trung vào bản thân, nó mở lòng chúng ta với Thiên Chúa, và nó giúp chúng ta đứng vững vì nó đặt chúng ta trong tay Người. Nó tạo ra trong chúng ta không gian để có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa, để lời của Người trở nên quen thuộc với chúng ta và qua chúng ta, với tất cả những người chúng ta gặp gỡ. Không cầu nguyện, chúng ta sẽ không tiến xa được. Cuối cùng, để vượt qua sự tầm thường tâm linh, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi kêu cầu Đức Mẹ, Mẹ của chúng ta, học nơi Mẹ để chiêm ngắm và bước theo Chúa Giêsu.

Thách thức thứ hai là vượt qua cám dỗ của tiện nghi trần tục, của cuộc sống dễ dãi, trong đó chúng ta ít nhiều sắp xếp mọi thứ và lùi lại, tìm kiếm sự thoải mái cho riêng mình, bị lôi cuốn không chút nhiệt tình. Theo cách này, chúng ta đánh mất trọng tâm sứ mệnh của mình, đó là bỏ cái tôi của mình lại phía sau và hướng về anh chị em mình, thực hành “nghệ thuật của sự gần gũi” nhân danh Chúa. Thông thường, trong những hoàn cảnh nghèo khó và đau khổ, có nguy cơ lớn về tính thế gian: mong muốn lợi dụng địa vị của mình để thỏa mãn những nhu cầu và tiện nghi của chính mình. Thật đáng buồn khi chúng ta thu mình lại và trở thành những quan chức lạnh lùng trong tinh thần. Thay vì phục vụ Tin Mừng, chúng ta lại quan tâm đến việc quản lý tài chính và theo đuổi một số công việc kinh doanh sinh lời cho chính mình. Thưa anh chị em, thật tai tiếng khi điều này xảy ra trong đời sống của một linh mục hay tu sĩ, vì thay vào đó, họ nên là những mẫu mực về sự điều độ và tự do nội tâm. Mặt khác, thật đẹp biết bao khi minh bạch trong các ý định của chúng ta và không thỏa hiệp với tiền bạc, vui vẻ đón nhận sự khó nghèo của Tin Mừng và sát cánh với người nghèo! Và thật đẹp biết bao khi được rạng ngời trong cuộc sống độc thân như một dấu hiệu của sự sẵn sàng hoàn toàn cho vương quốc của Thiên Chúa! Xin đừng để chính những tật xấu mà chúng ta muốn nhổ bỏ nơi người khác, và trong toàn thể xã hội, cuối cùng lại bén rễ trong chúng ta. Làm ơn, chúng ta hãy coi chừng những tiện nghi trần tục.

Cuối cùng, thử thách thứ ba là vượt qua cám dỗ hời hợt. dân Chúa đang chờ đợi để được nghe và tìm thấy niềm an ủi nơi lời Chúa. Do đó, họ cần các linh mục và tu sĩ được giáo dục, đào tạo đàng hoàng và đam mê Tin Mừng. Một hồng phúc đã được trao vào tay chúng ta, và chúng ta sẽ tự phụ khi nghĩ rằng mình có thể thực hiện sứ mệnh mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta mà không cần phải tự rèn luyện bản thân mỗi ngày và không được đào tạo thần học và thiêng liêng đầy đủ. Người ta không cần những “thánh chức”, có học vị nhưng tách biệt với những người nam nữ bình thường. Chắc chắn, chúng ta buộc phải đi vào trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo, đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về giáo huấn của Giáo hội, nghiên cứu và suy niệm lời Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta phải tiếp tục cởi mở với những vấn đề của thời đại chúng ta và những câu hỏi ngày càng phức tạp của thời đại chúng ta, để hiểu cuộc sống và nhu cầu của mọi người, đồng thời nhận ra cách tốt nhất để nắm lấy tay họ và đồng hành với họ. Hệ luận là, việc đào tạo hàng giáo sĩ không phải là một sự bổ sung tuỳ ý. Tôi nói điều này với các chủng sinh, nhưng nó áp dụng cho tất cả mọi người. Việc đào tạo phải được tiếp tục; nó phải tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta. Nó được gọi là sự đào tạo liên tục: một sự đào tạo liên tục, suốt đời.

Chúng ta phải đương đầu với những thách thức này nếu chúng ta muốn phục vụ người ta trong tư cách nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa, vì việc phục vụ chỉ có hiệu quả nếu nó đến qua nhân chứng. Đừng bao giờ quên hạn từ này: nhân chứng. Sau khi công bố những lời an ủi, Chúa nói qua ngôn sứ Isaia: “Ai trong họ đã tuyên bố điều này và báo trước cho chúng ta những điều trước đây? Các ngươi là nhân chứng của Ta” (43:9, 10). Nhân chứng. Để trở thành những linh mục, phó tế và những người thánh hiến tốt lành, lời nói và ý định là chưa đủ: chính cuộc sống của các con phải nói lớn hơn lời nói của các con. Anh chị em thân mến, khi nhìn anh chị em, tôi tạ ơn Chúa, vì anh chị em là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đi trên đường phố của đất nước này, Đấng chạm đến cuộc sống của mọi người và băng bó những vết thương của họ. Tuy nhiên, cần có thêm những người trẻ có thể thưa “xin vâng” với Chúa, cần thêm nhiều linh mục và tu sĩ có thể chiếu tỏa vẻ đẹp của Người bằng cuộc sống của họ.

Trong các chứng từ của mình, các con đã nhắc nhở cha rằng thật khó khăn biết bao khi thi hành sứ mệnh của mình ở một vùng đất giàu vẻ đẹp thiên nhiên và tài nguyên, nhưng lại bị tổn thương bởi nạn bóc lột, tham nhũng, bạo lực và bất công. Tuy nhiên, các con cũng đã nói về dụ ngôn Người Samari nhân hậu, và cách Chúa Giêsu đi trên đường phố của chúng ta và, đặc biệt là qua Giáo hội của Người, dừng lại và chăm sóc vết thương của những người bị áp bức. Thưa anh chị em, mục vụ mà anh chị em được kêu gọi chính là điều này: mang đến sự gần gũi và an ủi, giống như ánh sáng không ngừng chiếu sáng giữa bóng tối bao trùm. Chúng ta hãy học nơi Chúa, Đấng luôn gần gũi. Và trở thành anh chị em với mọi người, đặc biệt với nhau: chứng nhân của tình huynh đệ, không bao giờ có chiến tranh; nhân chứng của hòa bình, học cách chung sống với sự khác biệt giữa các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau. Vì, như Đức Bênêđictô XVI đã lưu ý, khi nói chuyện với các linh mục ở Châu Phi, “chứng tá của anh chị em về việc chung sống hòa bình, bất chấp sắc tộc và chủng tộc, có thể đánh động các trái tim” (Africae Munus, 108).

Như một câu ngạn ngữ cổ đã nói: “Gió không làm gãy bất cứ thứ gì có thể uốn cong được.” Đáng buồn thay, lịch sử của nhiều dân tộc trên lục địa này đã phải uốn cong trước sức mạnh của đau khổ và bạo lực. Nếu trong lòng mỗi người đều có một ước muốn, thì đó là không bao giờ phải làm như vậy nữa, không bao giờ phải cúi mình trước sự kiêu ngạo của kẻ quyền thế, không bao giờ phải khuất phục trước ách bất công. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu câu tục ngữ chủ yếu theo nghĩa tích cực: có một kiểu uốn cong không đồng nghĩa với yếu đuối hay hèn nhát mà đồng nghĩa với sức mạnh. Do đó, uốn cong có thể là dấu hiệu của khả năng mềm dẻo, vượt qua sự cứng ngắc, và vun trồng một tinh thần ngoan ngoãn không khuất phục trước cay đắng và oán giận. Đó là dấu hiệu của khả năng thay đổi và không cố thủ trong ý tưởng và chủ trương của chính mình. Nếu chúng ta cúi đầu khiêm nhường trước Thiên Chúa, Người sẽ khiến chúng ta trở nên giống như Người, là những tác nhân của lòng thương xót. Nếu chúng ta mãi ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, thì Người uốn nắn chúng ta trở thành một dân tộc hòa giải, có khả năng cởi mở và đối thoại, chấp nhận và tha thứ, những người làm cho những dòng sông hòa bình chảy qua những vùng đồng bằng khô cằn đầy bạo lực. Do đó, khi những cơn gió bão của sự xung đột và chia rẽ thổi qua, chúng ta không bị tan vỡ, vì chúng ta tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Mong sao các con luôn ngoan ngoãn với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không bao giờ bị sóng gió chia rẽ làm tan vỡ.

Thưa anh chị em, tôi chân thành cảm ơn anh chị em về con người của anh chị em và những gì anh chị em làm; Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá của anh chị em cho Giáo hội và thế giới. Đừng nản lòng, vì chúng tôi cần anh chị em! Anh chị em là quý giá và quan trọng. Tôi nói điều này nhân danh toàn thể Giáo hội. Xin cho anh chị em luôn là những máng chuyển sự hiện diện đầy an ủi của Chúa, những chứng nhân vui tươi của Tin Mừng, những ngôn sứ của hòa bình giữa những cơn bão bạo lực, những môn đệ của tình yêu, luôn sẵn sàng chăm sóc những vết thương của người nghèo và người đau khổ. Tôi xin cám ơn anh chị một lần nữa; cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ và lòng nhiệt thành mục vụ của anh chị em. Tôi ban phước cho anh chị em và mang anh chị em trong trái tim của tôi. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi! Cảm ơn anh chị em!