1. Trung Quốc tìm cách ve vãn Tòa Thánh trong bối cảnh vụ khinh khí cầu bay lạc

Mới đây thôi, trong một tuyên bố ngày 26 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi biết về việc Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), được Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Giang tây, một giáo phận mà Tòa Thánh khẳng định là giáo phận ma “không được Tòa Thánh công nhận”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lặng lẽ tấn phong Giám Mục cho hai linh mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) mà hoàn toàn không thông báo cho Tòa Thánh.

Quan hệ Vatican - Trung Quốc căng thẳng như vậy, nhưng trong bối cảnh khinh khí cầu vừa bị bắn hạ Trung Quốc đã tìm cách ve vãn Tòa Thánh. Tờ Crux vừa có bài tường trình nhan đề “Digital gift a small reminder of big thaw in China-Vatican relations”, nghĩa là “Món quà kỹ thuật số nhắc nhở nhỏ về sự tan băng lớn trong quan hệ Trung Quốc-Vatican”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngay khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc một lần nữa sa lầy trong những lời buộc tội, lần này là do một quả khinh khí cầu bị phá hủy mà Hoa Kỳ mô tả là một thiết bị gián điệp mà Trung Quốc tiếp tục cãi bướng rằng đó chỉ là một công cụ khí tượng, có một lời nhắc nhở nhỏ khác về mối quan hệ giữa Rôma và Bắc Kinh dường như đang nóng lên.

Thứ Tư vừa qua, khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Tiểu Vũ Nam (Xiao Wunan, 萧武男) một doanh nhân Trung Quốc được coi là thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là phái viên thường xuyên thay mặt Bắc Kinh tại Ý.

Mục đích bề ngoài của cuộc gặp gỡ được dàn xếp chớp nhoáng là để Tiểu Vũ Nam tặng Đức Thánh Cha tác phẩm đầu tiên trong số 12.000 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số mô tả chiếc áo choàng được mặc bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nay là Thánh Gioan Phaolô, khi ngài khai mạc Năm Thánh vào chiều Vọng Lễ Giáng Sinh năm 2000.

Được thiết kế bằng hình ảnh do máy tính tạo ra, tác phẩm nghệ thuật được coi là NFT hoặc “mã thông báo không thể thay thế”, nghĩa là một phần tài sản kỹ thuật số độc nhất vô nhị. Nó dựa trên thiết kế của Stefano Zannella của X Regio, một công ty may đã sản xuất lễ phục cho các vị giáo hoàng từ năm 1997.

Hai mươi ba năm trước, màu sắc ấn tượng và thiết kế tương lai của chiếc áo choàng đã để lại ấn tượng sâu sắc. Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, lúc đó là Chưởng Nghi của Đức Giáo Hoàng, đã từng khôi hài rằng “không ai nhớ ngài đã nói gì vào đêm hôm đó, nhưng mọi người đều nhớ ngài đã ăn mặc như thế nào.”

Tiểu Vũ Nam đã thêm một lá thư vào món quà kỹ thuật số.

“Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời, và Công Giáo có một lịch sử lâu đời ở Trung Quốc,” Tiểu Vũ Nam viết.

“Tôi có nhiều bạn bè tin vào đạo Công Giáo, và mặc dù tôi là một Phật tử, tôi vẫn thường đến các nhà thờ Công Giáo Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chúng tôi biết rõ rằng dưới sự hướng dẫn của ngài, quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican đã được cải thiện.”

Tiểu Vũ Nam, một giám đốc điều hành của Tổ chức Hợp tác Á Châu Thái Bình Dương, cũng ca ngợi vai trò của Đức Phanxicô như một người kiến tạo hòa bình.

“Chúng tôi vô cùng hy vọng có thể đóng góp vào việc giải quyết xung đột,” ông nói, đồng thời bày tỏ “lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với sự hỗ trợ mạnh mẽ và phước lành của Đức Thánh Cha trong công việc vì hòa bình thế giới này.”

Tiểu Vũ Nam, 59 tuổi, là một cựu quan chức của chính phủ Trung Quốc, người đã đóng một vai trò quan trọng như một trung gian không chính thức giữa Trung Quốc và Ý. Ông đã đóng một vai trò trong việc quảng bá “Milan World Expo” năm 2015 tại Trung Quốc, đồng thời giúp môi giới các thỏa thuận kinh tế giữa Ý và Trung Quốc.

Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở nước này, về cơ bản trao cho chính phủ một vai trò chính thức trong việc lựa chọn các ứng cử viên. Ban đầu được hình thành như một thỏa thuận hai năm, thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Phát ngôn nhân của Vatican đã ca ngợi thỏa thuận này là điều cần thiết để khắc phục sự rạn nứt lịch sử giữa một Giáo Hội Công Giáo chính thức ở Trung Quốc được nhà nước công nhận và một Giáo Hội thầm lặng từ chối chấp nhận sự kiểm soát của Cộng sản. Những người chỉ trích phàn nàn rằng thỏa thuận này dẫn đến sự đầu hàng trước chính phủ, và cũng khẳng định rằng sau khi nó được ký kết, sự đàn áp những người theo đạo Kitô ở Trung Quốc thực sự trở nên dữ dội hơn.

Vào tháng 11 năm 2022, Vatican cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm một giám mục vào một giáo phận không được Rôma công nhận. Một tuyên bố vào thời điểm đó khẳng định rằng việc bổ nhiệm Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu làm Giám Mục Giang Tây không “phù hợp với tinh thần đối thoại” của thỏa thuận năm 2018.

Bất chấp những trục trặc như vậy, hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng quan hệ Vatican-Trung Quốc dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn mạnh mẽ và đang được cải thiện, vượt qua xu hướng thù địch chung giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây.

2. Tiến sĩ George Weigel: Tòa Thánh và các chế độ côn đồ trên thế giới

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đối với các chế độ côn đồ như Trung Quốc và Belarus. “The Holy See and Thug Regimes” nghĩa là “Tòa Thánh và các Chế độ côn đồ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Danh sách các vấn đề nghiêm trọng phải được đề cập đến trong khoảng thời gian trống ngôi giáo hoàng trong tương lai, và bởi các Hồng Y cử tri trong cơ mật viện sắp tới, tiếp tục kéo dài ra.

Tài chính của Tòa thánh được cho là đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời kỳ trống ngôi giáo hoàng năm 1922; lúc đó, Tòa Thánh phải vay tiền để trả cho cơ mật viện vì Đức Bênêđíctô XV hầu như đã phá sản Vatican trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn và tù binh trong Thế chiến thứ nhất. Bất chấp những cải cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện, Tòa thánh hiện đang phải đối mặt với trách nhiệm về quỹ hưu trí rất lớn không được tài trợ; việc quản lý đầu tư thiếu hiệu năng (và còn tệ hơn) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bảng cân đối của Vatican; và những đóng góp, đặc biệt là cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, đang giảm đáng kể.

Sau đó là Giáo Hội ở Đức, nơi nhiều nhà lãnh đạo của họ dường như muốn biến Công Giáo Đức thành một hình thức của đạo Tin lành cấp tiến. Tất cả các vấn đề tranh cãi, mà đại đa số các giám mục Đức, và các nhà lãnh đạo giáo dân trong “Tiến Trình Công Nghị Đức” đưa ra, đều đón nhận nền văn hóa thế tục với những lối sống tháo thứ, thay vì cố gắng hoán cải nó. Phải chăng hàng lãnh đạo của Giáo Hội Đức đã hoàn toàn từ bỏ lời dạy của Công đồng Vatican II rằng người Công Giáo phải sống trong những ranh giới giáo lý và đạo đức nhất định?

Ngoài ra còn có vết thương đang mưng mủ do nạn lạm dụng tình dục giáo sĩ, càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự lãnh đạo của các giám mục kém hiệu quả trong việc phản ứng lại những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng này. Nhiều năm qua đã chứng minh rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ đó, cũng có thể thấy rõ rằng có quá ít Hội Đồng Giám Mục các quốc gia đã áp dụng các thực hành về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, mặc dù có những giới hạn và khiếm khuyết, hiện nay đang đặc trưng cho phản ứng của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với bệnh dịch xã hội này.

Và sau đó là “chính sách đối ngoại” của Tòa thánh và những giả định được dùng để định hướng cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh.

Có bao nhiêu người Công Giáo hiểu biết và hàng giáo sĩ cao cấp sẵn sàng bảo vệ chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Tòa thánh, vốn đã trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò hàng đầu trong việc lựa chọn giám mục? Tôi dám đánh cuộc là rất ít. Giờ đây, những tiếng nói chỉ trích từ các giám mục và Hồng Y có thể chưa được nghe thấy vì lòng trung thành (hoặc sợ hãi). Nhưng những tiếng nói ấy vẫn còn đó, và sẽ được nghe thấy khi thời gian trống ngôi giáo hoàng cho phép thẳng thắn nói ra. Và những tiếng nói đó có lẽ (và hầu chắc) sẽ cho rằng chính sách hiện tại là một thảm họa đối với sứ vụ truyền giáo. Bất kể tuyên bố của các nhà ngoại giao Vatican cho rằng “cần phải làm những điều gì đó”, thực tế vẫn là những gì đã và đang được thực hiện vi phạm giáo luật của chính Giáo Hội, đã làm cho những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với Rôma mất tinh thần, đã thất bại trong việc thuyết phục những kẻ chống đối Kitô Giáo trong chế độ Trung Quốc, và đã tạo cơ hội mới cho chế độ đó thâm nhập và kiểm soát Công Giáo Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho việc truyền giáo của Công Giáo ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong bối cảnh các cộng đồng Tin lành Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Sau đó là tình hình gần đây ở Belarus. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mogilev, đến thăm gia đình ở nước láng giềng Ba Lan, đã bị chế độ côn đồ của Tổng thống Alexander Lukashenko ngăn cản không cho trở về Belarus (quê hương của ngài). Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã ủng hộ nhiều người Belarus đang phản đối một cách ôn hòa điều mà mọi quan sát viên khách quan đều biết là một cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào đầu tháng 8, 2020. Lukashenko và chế độ côn đồ của hắn ta rõ ràng đã cảm thấy tức tối trước sự can đảm mục tử này và thêu dệt các lý do để trừng phạt Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bằng cách ngăn không cho ngài trở về Tòa Giám Mục của mình.

Tình hình dường như đã được giải quyết khi vị tổng giám mục được phép trở lại Belarus để cử hành lễ Giáng Sinh với người dân của mình, những người đã tiếp đón ngài quay về với sự nhiệt tình và tôn kính. Nhưng sau đó vào ngày 3 tháng Giêng, 2021, ngay đúng ngày ngài tròn 75 tuổi, lá thư từ chức theo luật định của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã được chấp nhận ngay lập tức và một vị giám quản tông tòa đã được đưa lên để thay ngài. Phải chăng hai nhà ngoại giao của Vatican, không nổi tiếng về khả năng chống lại các hành vi côn đồ, khi được cử đến Minsk để đàm phán cho Đức Tổng Giám Mục trở lại Belarus, đã đồng ý với một thỏa thuận trong đó Vatican sẽ loại bỏ một người khó chịu với chế độ Lukashenko, nếu chế độ này chịu chấp thuận một lễ Giáng Sinh cuối cùng ở Minsk cho vị tổng giám mục? Có vẻ như nhiều khả năng như thế; thực sự, rất có khả năng là điều đó đã xảy ra.

Hành động hiện tại của Vatican nhằm ve vãn các chế độ côn đồ nhân danh đối thoại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người ủng hộ và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Quan trọng hơn nữa, nó đang làm tổn hại đến sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một Giáo Hội không dám nói sự thật trước quyền lực không phải là một Giáo Hội có thể công bố một cách thuyết phục về Chúa Giêsu Kitô, “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6). Thái độ ve vãn không bao giờ có tác dụng với bọn côn đồ, về mặt chính trị. Nó cũng chẳng có hiệu quả về mặt truyền giáo.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12 tháng Hai

Chúa Nhật 12 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha ri sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

“Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê ru sa lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật hay lời tiên tri. Thầy đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5:17). Để nên trọn: đây là từ khóa để hiểu Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Nhưng sự hoàn thành này có nghĩa là gì? Để giải thích, Chúa bắt đầu bằng cách nói về những gì chưa hoàn thành. Kinh thánh nói “Chớ giết người”, nhưng đối với Chúa Giêsu điều này là chưa đủ nếu sau đó anh em bị tổn thương bằng lời nói; Kinh thánh nói “Chớ ngoại tình”, nhưng điều này vẫn chưa đủ nếu một người sau đó sống một tình yêu bị vấy bẩn bởi sự hai lòng và giả dối; Kinh thánh nói “chớ làm chứng gian”, nhưng thề long trọng thì chưa đủ nếu một người sau đó hành động giả hình (x. Mt 5:21-37). Đây không phải là sự hoàn thành.

Để đưa ra một ví dụ cụ thể, Chúa Giêsu tập trung vào “nghi thức dâng lễ vật”. Việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa là để đáp lại những ơn huệ của Ngài. Đó là một nghi thức rất quan trọng - dâng lễ vật là để đáp lại một cách tượng trưng, sự nhưng không trong những ân sủng mà Ngài ban cho chúng ta - quan trọng đến mức việc làm gián đoạn buổi lễ bị cấm trừ khi có những lý do hết sức nghiêm trọng. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng buổi lễ phải bị gián đoạn nếu một người anh em có điều gì đó chống lại chúng ta, hãy để của lễ ở đó và đi làm hòa với anh ta trước (x. cc. 23-24): chỉ bằng cách này thì nghi thức mới được hoàn thành. Thông điệp rất rõ ràng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước hết, một cách nhưng không, bước những bước đầu tiên về phía chúng ta cho dù chúng ta có xứng đáng hay không; và vì vậy chúng ta không thể ca tụng tình yêu của Người mà không đến lượt chúng ta thực hiện bước đầu tiên là hòa giải với những người đã làm tổn thương chúng ta. Bằng cách này, có sự hoàn thành trước mắt Thiên Chúa, nếu không thì việc tuân giữ bề ngoài, thuần túy theo nghi thức là vô nghĩa, nó trở thành một sự giả vờ. Nói cách khác, Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng các quy tắc tôn giáo là cần thiết, là tốt đẹp, nhưng chúng mới chỉ là khởi đầu: để thực hiện chúng, cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ chữ nghĩa và sống theo ý nghĩa của chúng. Các điều răn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không được nhốt trong các hầm kín của việc tuân thủ hình thức; nếu không, chúng ta bị giới hạn vào một thứ tôn giáo bên ngoài, tách biệt, là tôi tớ của “Chúa là Chủ” hơn là con cái của “Chúa Cha”. Chúa Giêsu muốn điều này: không có ý tưởng phục vụ một Thiên Chúa là Chủ, nhưng là Chúa Cha; và đây là lý do tại sao cần phải vượt ra ngoài chữ nghĩa.

Thưa anh chị em, vấn đề này không chỉ hiện diện vào thời Chúa Giêsu; nó cũng xuất hiện ngày hôm nay. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta nghe nói: “Cha ơi, con không giết người, con không trộm cắp, con không làm hại ai cả…”, như muốn nói: “Con không sao cả”. Đây là sự tuân thủ theo nghi thức, tức là hài lòng với mức tối thiểu trần trụi, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khao khát mức tối đa có thể. Đó là: Chúa không lý luận bằng những phép tính và bảng biểu; Người yêu chúng ta say mê: không ở mức tối thiểu, nhưng đến mức tối đa! Ngài không nói, “Ta yêu mến con đến một mức nào đó”. Không, tình yêu đích thực không bao giờ đạt đến một điểm nào đó, và không bao giờ thỏa mãn; tình yêu luôn vượt lên trên, vô giới hạn. Chúa đã cho chúng ta thấy điều này bằng cách hiến mạng sống trên thập giá và tha thứ cho những kẻ giết mình (x. Lc 23:34). Và Người đã ủy thác cho chúng ta điều răn mà Người yêu quý nhất: chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15:12). Đây là tình yêu làm nên trọn Lề luật, đức tin, sự sống đích thực!

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để tôi sống đức tin? Đó có phải là vấn đề tính toán, chủ nghĩa hình thức hay một câu chuyện tình yêu với Chúa? Tôi chỉ hài lòng với việc không làm hại, giữ “mặt tiền” cho tốt, hay tôi cố gắng lớn lên trong tình yêu thương đối với Thiên Chúa và những người khác? Và thỉnh thoảng, tôi có xét mình về điều răn lớn nhất của Chúa Giêsu không, tôi có tự hỏi mình có yêu người thân cận như Chúa yêu tôi không? Vì có lẽ chúng ta thiếu linh hoạt trong việc xét đoán người khác mà quên sống xót thương, như Chúa ở cùng chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Đấng đã tuân giữ Lời Chúa một cách hoàn hảo, giúp chúng ta làm cho đức tin và đức ái của chúng ta được viên mãn.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Chúng ta hãy tiếp tục gần gũi, bằng lời cầu nguyện và sự hỗ trợ cụ thể, cho các nạn nhân trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đã xem trên chương trình truyền hình “A Sua Immagine” những hình ảnh về thảm họa này, nỗi đau của những người dân đang phải gánh chịu hậu quả của trận động đất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, đừng quên họ, hãy cầu nguyện và suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm cho họ. Và chúng ta đừng quên đất nước Ukraine đang bị dày vò: xin Chúa mở ra những con đường hòa bình và ban cho những người có trách nhiệm can đảm bước theo những con đường đó.

Tin tức từ Nicaragua đã làm tôi rất buồn, và tôi không thể không nhớ đến Đức Giám Mục Rolando Álvarez của Matagalpa, người mà tôi vô cùng quan tâm, đã bị kết án 26 năm tù, và cả những người đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ. Tôi cầu nguyện cho họ và cho tất cả những người đang đau khổ trong quốc gia thân yêu đó, và tôi xin anh chị em cầu nguyện. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, mở rộng tâm hồn của các nhà lãnh đạo chính trị và mọi công dân để thành tâm tìm kiếm hòa bình, một hòa bình phát sinh từ sự thật, công lý, tự do và tình yêu, và đạt được nhờ bệnh nhân theo đuổi đối thoại. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Đức Mẹ.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ Ý và các nước khác. Tôi chào các nhóm đến từ Ba Lan, Cộng hòa Tiệp và Peru. Tôi chào các công dân Congo đang hiện diện ở đây. Đất nước của anh chị em rất đẹp, rất là đẹp! Hãy cầu nguyện cho đất nước! Tôi chào các sinh viên đến từ Badajoz, Tây Ban Nha, và các sinh viên của Học Viện Giáo Hoàng Grêgoriô của Lisbon.

Tôi chào các bạn trẻ của Amendolara-Cozenza và nhóm AVIS từ Villa Estense-Padua.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.