Phiên họp cấp lục địa về tính đồng nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 2 năm 2023.

Theo trang mạng chính thức của nó, https://bangkok.synod2023.org, Phiên họp đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan (Nhà Gieo Trồng) của Tổng giáo phận Bangkok. Các đại biểu phát xuất từ 29 quốc gia thống thuộc Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu.



Họ được chia thành ba nhóm chính: Nhóm thứ nhất bao gồm 3 đại diện của từng Hội đồng Giám Mục (chủ tịch và 2 đại biểu được đề cử). Nhóm thứ hai gồm các chủ tịch của các phân ban của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu. Nhóm thứ ba bao gồm thành viên của Ủy ban Đồng nghị Châu lục. Bởi thế, trong số các đại biểu, có 6 Hồng Y, 5 Tổng Giám Mục, 18 Giám Mục, 28 linh mục, 4 nữ tu vá 19 giáo dân.

Các tham dự viên tại phiên họp ở Bangkok có nhiệm vụ đào sâu và tiếp tục biện phân những điều đã xuất hiện trong các giai đoạn trước, tức giai đoạn giáo phận và quốc gia, nhằm mục đích phát biểu có hệ thống các câu hỏi mở một cách chính xác hơn và chứng minh cũng như lên xương thịt cho các tầm nhìn thông sáng phát xuất từ các Giáo Hội địa phương, nhưng nay trong viễn ảnh châu lục.

Cũng như các phiên họp châu lục khác, Phiên họp kết thúc bằng việc soạn thảo Tài liệu Sau cùng của Giai đoạn Châu lục. Tài liệu này phải là thành quả của con đường đồng nghị chân chính, tôn trọng diễn trình đồng nghị đã được thực sự thi hành, nhờ thế phản ảnh được tiếng nói của dân Chúa ở Châu lục.

Trong thánh lễ khai mạc, Đức Hồng Y Oswald Gracias cho hay: “trong ba ngày sắp tới, chúng ta sẽ cùng đi với Chúa Giêsu lên Núi Tabor, lắng nghe Người, bước đi với Người để thấy Chúa hiển linh”.

Ngày họp thứ nhất, 24 tháng 2, 2023

Thánh lễ Chúa Thánh Thần sáng nay đặt dưới sự chủ tọa của Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi SVD, Tổng Giám mục Tokyo và là Tổng Thư ký của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu.

Trong bài giảng, ngài kể lại những kinh nghiệm của mình trong tư cách một nhà truyền giáo, nơi ngài chứng kiến những tình huống tuyệt vọng và thờ ơ hủy hoại tinh thần và linh hồn, cũng như những tình huống hy vọng và tình yêu mang lại sự sống và niềm vui trong tinh thần liên đới. Thánh lễ kết thúc với việc làm phép Nến, tượng trưng cho Ánh sáng của Chúa Kitô, là ánh sáng truyền cảm hứng và thúc đẩy người ta phản ảnh hành trình của Thượng hội đồng.

Trong phiên định hướng, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Mario Grech, đã nhắc nhở các đại biểu rằng “tất cả chúng ta đều là những người học hỏi Tính đồng nghị”. Ngài nói, “một Giáo hội Đồng nghị là một Giáo hội biết lắng nghe,” nhấn mạnh rằng sự thành công của tiến trình phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của dân Chúa và mục tử. Ngài lưu ý rằng tính đồng nghị hữu hiệu không bao giờ đặt người dân và các mục tử vào thế cạnh tranh, nhưng giữ cho họ liên lạc với nhau liên tục. Đức Hồng Y Grech kết luận bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe; lắng nghe Chúa Thánh Thần và trong tư cách một Giáo hội lắng nghe, Giáo hội không được giới hạn vào một thuật ngữ hoa mỹ nhưng đúng hơn là truyền đạt thực tại.

Bà Christina Kheng, từ Ủy ban Phương pháp Thượng Hội đồng, đã chia sẻ quan điểm của bà về hành trình của Thượng Hội đồng. Bà nói rằng tất cả những người có mặt ở đây đều là người tham gia, không phải người ngoài cuộc. Mục đích của Thượng hội đồng không phải là để tạo ra các tài liệu, mà là để gieo những giấc mơ, vẽ ra những tầm nhìn, khơi dậy niềm tin, băng bó những vết thương, dệt nên những mối liên hệ, đánh thức một bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một tinh thần tháo vát tươi sáng. Bà cũng nói rằng những người tham gia không bị buộc phải đưa ra một tuyên bố, mà là gặp gỡ nhau như một cộng đồng biện phân, và trải nghiệm việc cùng nhau bước đi trong Chúa Thánh Thần trong tư cách dân Chúa ở Châu Á.

Là một phần trong tiến trình suy gẫm của Thượng Hội đồng, các đại biểu đã được giới thiệu về linh đạo của việc biện phân, qua bài thuyết trình của Cha Anthony James Corcoran SJ, Giám quản Tông tòa tại Kyrgyzstan. Ngài nói rằng sự biện phân là một hành trình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, một việc chết đi theo sau là việc trỗi dậy, nghĩa là trong việc từ bỏ các kế hoạch, các chắc mẩm và nghị trình của mình, đồng thời để bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào cuộc sống mới.

Cha Clarence Devadass nhấn mạnh rằng Khung Dự thảo là một tài liệu làm việc được thiết kế để cho phép các đại biểu cùng nhau hành trình trong lời cầu nguyện ngõ hầu biện phân, thảo luận và suy tư và ngài cũng nhấn mạnh rằng Dự thảo nhằm bắt đầu quá trình biện phân, ngõ hầu kết luận của nó đại diện cho giấc mơ, các ước mơ, hoài bão và nỗi buồn của lục địa.

Đức cha Stephen Chow SJ, Giám mục Hồng Kông, Bà Susan Pascoe, Thành viên của Ủy ban Đặc trách Thượng Hội đồng về Giai đoạn Lục địa, và bà Joy Candelario, Thành viên tham gia Hội nghị Lục địa Châu Á về Tính đồng nghị từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi luật tân, là các điều hợp viên hôm nay.

Những người tham gia nói gì

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng hội đồng, giải thích rằng “Sứ mệnh của chúng ta là cố gắng đưa Thánh ý Chúa vào thực hành. Tiến đến chỗ biết được Ý Muốn của Thiên Chúa là một nhiệm vụ. Người ta có thể tự mình đi đến kết luận thông qua sự biện phân bản thân. Nhưng sẽ an toàn hơn nếu việc biện phân này được thực hiện như một giáo hội, như một cộng đoàn giáo hội. Đó là Giáo hội Đồng nghị, một Giáo Hội cam kết thực hiện Thánh ý Thiên Chúa. Và để chắc chắn rằng chúng ta đang thi hành thánh ý Thiên Chúa, chúng ta mời tất cả những người đã được rửa tội đến gặp nhau, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau biện phân với các vị mục tử của họ vì dù sao, chúng ta có hồng ân này trong Giáo hội, đó là thừa tác vụ của các giám mục. Các giám mục có đó để hướng dẫn cộng đồng, để giúp cộng đồng chắc chắn hơn rằng chúng ta đang thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Và chúng ta, trong tư cách một Giáo Hội, sẽ thành công trong việc thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Nó sẽ đem lại một đóng góp to lớn cho nhân loại. Nó sẽ mang đến một sự khác biệt bởi vì Thiên Chúa yêu thế giới. Thiên Chúa yêu thương con người. Tất cả những gì chúng ta cần là tìm cách nhận ra Tình Yêu của Người và thực thi, đưa vào thực hành Tình Yêu của Thiên Chúa. Dù sao, đây là hoạt động mục vụ của tất cả các Kitô hữu”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian trong lều của chúng ta, ngài trả lời “À, ý tưởng này phát xuất từ cuộc họp Frascati vì tài liệu được viết tại Frascati sau khi nhận định về sự đóng góp của các hội đồng giám mục khác nhau. Ý tưởng là Giáo hội phải mở cửa. Đó là một Giáo Hội liên tục thi hành sứ mệnh. Và khi chúng ta thực hiện sứ mệnh, không ai bị loại trừ. Không ai bị loại trừ khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa. Và một lần nữa, để có thể tiếp cận và tương tác với mọi người, đó không phải là điều mà chúng ta đã hoàn thành, được thực hiện bởi một cá nhân hay một nhóm nhỏ. Tất cả những người có thiện chí đều được mời tham gia vào sứ mệnh cao đẹp này.”

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay được phỏng vấn về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, ngài nói “Giáo hội Đồng nghị là Giáo hội đồng hành với nhau. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi tất cả mọi người, những người Công Giáo trên toàn thế giới hãy thực sự suy tư về Thượng Hội đồng. Điều này có nghĩa là không có ai bị bỏ rơi. Nó quay trở lại Công đồng Vatican II vốn nhấn mạnh rằng việc thánh hiến phép rửa tội của chúng ta khiến chúng ta trở thành thành viên của gia đình này và không ai bị loại ra khỏi gia đình. Những người yếu đuối, bệnh tật, họ là một phần của gia đình.

"Tôi đã có một Thượng Hội Đồng trong tổng giáo phận của tôi và chúng tôi đã cố gắng hết sức để nhìn, để tiếp cận với mọi người. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể mời được một số người đã lâu không đi nhà thờ.

"Chúng tôi cũng có thể mời những người chuyển giới, những người thực sự cảm thấy rất xấu hổ về bản thân nhưng họ đã đến buổi gặp mặt của chúng tôi. Chúng tôi cũng có những người đã kết hôn bên ngoài Giáo Hội. Vì vậy, mọi người, có những khó khăn, chúng tôi hiểu. Nhưng mọi người đều thuộc về Giáo hội. Ý tưởng là để bày tỏ lòng cảm thương của Chúa Kitô đối với mọi người, bao gồm tất cả mọi người và khiến mọi thành viên của Giáo hội cảm thấy rằng họ quan hệ. Họ rất quan trọng. Họ tham gia.

Và họ thực hiện sứ mệnh của Giáo hội mà chúng ta đang ở đây cho Thượng hội đồng lục địa, trong đó, cả Châu Á cùng nhau suy tư. Đây vẫn là một phần của diễn trình.

Diễn trình sẽ tiếp tục. Chúng ta suy nghĩ ở bình diện thế giới và sau đó một lần nữa sau một số suy nghĩ, chúng ta sẽ lại gặp nhau. Chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Giáo hội đối với mọi tín hữu của Giáo hội, đặc biệt là những người yếu đuối. Xin Thiên Chúa phù hộ anh chị em và cảm ơn anh chị em đã tham gia vào cuộc cùng nhau bước đi của chúng ta này".

Cha Anthony James Corcoran, SJ., Giám quản Tông tòa tại Kyrgyzstan được yêu cầu chia sẻ ý tưởng về tính đồng nghị, ngài nói rằng “Thượng hội đồng không có gì hoàn toàn mới trong Giáo hội. Ngược lại, ngay từ thế kỷ thứ 4, Thánh Gioan Kim Khẩu, giáo phụ vĩ đại của Giáo hội, đã nói rằng Thượng hội đồng và Giáo hội đồng nghĩa với nhau. Vì vậy, tôi đoán nó đòi hỏi hai điều. Đầu tiên, đó là sự tín thác, và tín thác Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Đây là Giáo Hội của Chúa Giêsu. Người hứa sẽ ở bên Giáo Hội cho đến tận thế. Người hứa không những cứu chúng ta mà còn thánh hóa chúng ta. Vì vậy, Thượng hội đồng thực sự là một cách để nói xin vâng.

Cần có sự tín thác, sự mạnh dạn, vốn thực sự là niềm tín thác và một thực hành.

Thứ hai, tôi nghĩ Thượng Hội Đồng, một việc luôn luôn cùng đi với nhau, hành trình với nhau có nghĩa là chúng ta sẽ biết rất rõ chúng ta là ai. Khi chúng ta không chỉ cùng nhau hành trình dựa trên chính bản thân mình, chúng ta hành trình với đức tin của chúng ta, phép rửa của chúng ta và đức tin lớn lao của gia đình chúng ta. Và chúng ta đang hành trình tiến tới cõi vĩnh hằng ngay trong cuộc đời này. Thượng hội đồng và làm việc với nhau không bao giờ tách biệt khỏi việc chúng ta là ai trong tư cách người Công Giáo, chúng ta ở trong Giáo hội, chúng ta có truyền thống tông đồ.

Không có Thượng hội đồng, không có việc làm việc với nhau bên ngoài bối cảnh đó. Và sau đó, chúng ta thực sự có thể tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ chúc lành cho chúng ta trong những gì chúng ta đang làm.”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian cho lều của chúng ta, ngài trả lời “Mở rộng không gian cho lều của chúng ta! Tôi thực sự thích kiểu nói đó. Bởi vì nó đúng như thế bất cứ khi nào chúng ta tin cậy Chúa Thánh Thần và để Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Giống như Người mở rộng trái tim và linh hồn của chúng ta.

Từ chúng ta, Người tạo ra hơn tổng số những con người của chúng ta và việc nối dài này luôn là một thao tác đòi hỏi một điều mới mẻ, một điều gì đó chúng ta chưa quen thuộc. Nhưng đó là cách hoạt động của Chúa Thánh Thần luôn gia tăng, luôn mở rộng. Để chúng ta trở thành hơn những con người mà chúng ta được kêu gọi trở thành.”

Ngày họp thứ hai: Chúa Thánh Thần như Đấng Trung Gian

Ngày thứ hai của đại hội mở đầu bằng một lời cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt và khuyến khích tất cả những người tham gia vào cuộc hành trình của Thượng hội đồng này. Lời cầu nguyện Thượng hội đồng, vốn có một quá khứ lịch sử phong phú, hạn từ đầu tiên trong tiếng Latinh, có nghĩa là “Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước mặt Chúa,” đã được sử dụng hàng trăm năm tại nhiều Công đồng, Thượng hội đồng và các cuộc họp khác của Giáo hội.

Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ, Phó thư ký của Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng, đưa ra định hướng cho ngày làm việc, nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là kết quả của Thượng hội đồng về giới trẻ. “Nếu chúng ta tin rằng tính đồng nghị là phương tiện để trở thành Giáo hội theo Thánh ý Thiên Chúa, trong động lực biện phân và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể chắc chắn rằng mình sẽ có ân sủng để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành một Giáo hội Đồng nghị”.

Nữ tu nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là một món quà, và biện phân nằm ở tâm điểm của nó.

Nữ tu mô tả trình thuật về Đường Emmau như một cuộc hành hương đồng nghị. Tất cả chúng ta được mời gọi bắt chước phong cách đồng nghị của Chúa Giêsu.

Các đại biểu được yêu cầu trải qua tiến trình Thượng hội đồng bằng cách sử dụng kỹ thuật ‘Đàm thoại thiêng liêng’. Giai đoạn đầu tiên, “trình bầy”, là thời điểm trong đó mỗi người nói về kinh nghiệm của mình với tiến trình đồng nghị; không có bình luận hoặc can thiệp, sau đó là hai phút im lặng để cho phép lời chia sẻ thẩm thấu. Giai đoạn thứ hai, “Dành chỗ cho người khác” là giai đoạn mỗi thành viên nói về điều có âm hưởng nhất từ những gì người kia đã nói; không khuyến khích thảo luận, và im lặng được tuân theo như bước trước. Chúng ta được mời gọi bắt chước phong cách đồng nghị của Chúa Giêsu. Giai đoạn thứ ba, “cùng nhau xây dựng” là một cơ hội tham gia để nhận ra thành quả của bài góp ý, ghi nhận những điểm gặp nhau, các câu hỏi chung, các xung đột và các tiếng nói tiên tri. Chiến lược này cho phép các khoảng thời gian ân sủng, giúp nhóm hỏi câu hỏi quan trọng nhất: Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta đi đâu?

Các nhóm suy niệm và cầu nguyện về các vấn đề sau đây: có bất cứ vấn nạn hoặc vấn đề nào chưa được giải quyết thỏa đáng trong phần nói về “Khoảng trống” của bản thảo không? Liệu có thể thêm hoặc cải thiện bất cứ thực tại, kinh nghiệm hoặc lo lắng nào của người châu Á trong “Khoảng trống” không?

Trong phiên họp thứ hai vào buổi sáng, các nhóm đã xem xét và cân nhắc về năm mối quan tâm cấp bách nhất mà lục địa châu Á phải đối đầu.

Các phối trí viên ngày hôm đó là Đức Cha Anil Joseph Thomas Couto, Tổng Giám mục Delhi, bà Christina Kheng, Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng về Phương pháp luận, và bà Momoko Nishimura, thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Thượng Hội đồng của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu. Các phối trí viên đã nhắc nhở các đại biểu rằng chính trách nhiệm chứ không phải khả năng riêng của họ, phải lên tiếng trong tư cách tiếng nói của châu Á.

Các phiên họp buổi sáng kết thúc với lời cầu nguyện trước Bí tích Thánh Thể, là động lực cho cuộc hành hương này.

Phiên thứ ba trong ngày cho phép các nhóm xem xét Khung Dự thảo của Tài liệu Làm việc.

Ngày kết thúc với Thánh Lễ, có chủ đề là Thánh Lễ cho Châu Á, do Đức Hồng Y Joseph Coutts, Tổng Giám Mục Hưu trí của Karachi và là Thành Viên của Hội Đồng Thượng Hội Đồng, chủ tế.

Giống người môn đệ trên đường Emmau, cuộc hành trình này có tính liên tục, vang vọng lời lẽ trong Kinh thánh: “Lòng chúng ta há chẳng nóng lên khi Người nói chuyện với chúng ta dọc đường và khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” - Lc 24:32



Những người tham gia nói gì

Khi được hỏi về thành quả chính của giai đoạn tham vấn trước đây, Đức cha Joseph Chusak Sirisuth, Giám mục Nakhon Ratchasima, Thái Lan, cho biết: “Ở Thái Lan, sau khi chúng tôi có một Thượng hội đồng với các cuộc đối thoại ở cấp giáo xứ, giáo phận và quốc gia, một thái độ mới đã mở ra, rất có ý nghĩa và quan trọng. Trước đây, Giáo hội có cấu trúc theo kiểu kim tự tháp, trong đó cấp trên truyền lệnh cho cấp dưới hoặc tín hữu, những người chỉ lắng nghe và làm theo.

Nhưng trong thời đại của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho chúng ta cơ hội thực hiện công nghị ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ.

Chúng tôi có nhiều thành quả từ việc đi ra ngoài để lắng nghe và khám phá, không những chỉ để tìm nội dung, mà còn để lắng nghe, một tiến trình quan trọng nhất trong việc thực hiện một thượng hội đồng. Chúng tôi được yêu cầu cùng bước đi với nhau, đó là một điều mới mẻ. Không phải chỉ đi nghe rồi bỏ đi, mà là lắng nghe nhau nhiều hơn. Chúng tôi đã lắng nghe cả những anh chị em tín hữu của tất cả các nhóm kể cả những người thường xuyên đi nhà thờ, những người hiếm khi đến nhà thờ hoặc xa nhà thờ, và những người thậm chí đã rời bỏ Giáo Hội. Ngoài ra, chúng tôi đã tiếp cận để lắng nghe các anh chị em Kitô hữu ngoài Công Giáo. Chúng tôi cũng đã tiếp cận để lắng nghe những người ngoại đạo vì chúng tôi sống với nhau trong xã hội. Khi lắng nghe nhau, chúng tôi cởi mở thái độ và tâm trí, đó là cách chữa trị cho việc chúng ta không đối thoại với nhau, chỉ biết sống cuộc sống của chính mình và có những ý tưởng của riêng mình, nếu những điều này thái quá đến mức có thể dẫn đến tranh cãi.”

Đức cha Pablo Virgilio S. David, D.D., Giám mục Giáo phận Kalookan, Phi luật tân được hỏi về ý nghĩa của kiểu nói là một Giáo hội Đồng nghị, ngài giải thích rằng “Tính đồng nghị và việc là Giáo hội được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt ngang với nhau trên thực tế. Và ba yếu tố quan trọng trong việc phát triển thành một Giáo hội đồng nghị hơn là: hiệp thông, tham gia và truyền giáo. Hiệp thông là Phép Rửa chung mà chúng ta đã cùng nhau lãnh nhận với tư cách môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể tham gia vào đời sống của Giáo hội, cũng như sứ mệnh của Giáo hội nếu chúng ta không gắn bó với Giáo hội trong mối dây ràng buộc hoặc hiệp thông thiêng liêng.”

Khi được hỏi về việc mở rộng không gian lều của chúng ta, ngài trả lời như sau “Mở rộng lều của chúng ta có nghĩa là chúng ta phải cổ vũ sự hiệp thông, tham gia và truyền giáo. Chúng ta phải học cách bao gồm và đồng nghị hơn, không chỉ với những người Công Giáo đã được rửa tội, mà còn với những người đồng đạo khác không theo Công Giáo Rôma, hoặc thậm chí với những tín đồ khác không nhất thiết phải là Kitô hữu. Có nghĩa đừng để sót ai vì trong Tin Mừng Gioan chương 14, Chúa nói trong nhà Cha Ta có nhiều phòng, nghĩa là lều của Chúa Cha rất rộng. Chúa có thể tiếp nhận tất cả chúng ta".

Cô Christina Kheng, thành viên của Ủy ban Phương pháp của Thượng Hội đồng được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, cô suy nghĩ rằng “Tính đồng nghị đối với tôi liên quan nhiều đến cuộc hành trình hơn là điểm đến. Đó là về việc trở thành bạn đồng hành với nhau, đối thoại với nhau. Mặc dù chúng ta có thể có những khác biệt, nhưng điều thực sự quan trọng là cởi mở để lắng nghe nhau, cố gắng hiểu nhau và cùng nhau tìm ra giải pháp. Điều quan trọng không phải là mọi người đều đồng ý, có cùng quan điểm, hay mọi người đều giống nhau, mà là cố gắng lắng nghe đối phương, kiên nhẫn, chờ đợi nhau và biết rằng đây là một diễn trình đang diễn ra mà chúng ta đang ở trên cùng một con đường với nhau như một gia đình của Thiên Chúa. Tạo không gian cho tất cả chúng ta. Và cũng như vậy, chúng ta cũng phải sẵn sàng tiếp nhận nhau như anh chị em".

Cô Teresa Wu, một đại biểu của Đài Loan, chia sẻ suy nghĩ của cô rằng "tính đồng nghị không chỉ có trên giấy tờ, trong các tài liệu, hay trên bàn và trong các cuộc thảo luận.

"Được ở đây, gặp gỡ nhiều người, cùng đối thoại, chia sẻ, thảo luận, điều này truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Đó mới thực sự là Giáo hội. Nó ở dưới chiếc Lều lớn.

"Mọi người đều chia sẻ tự do và có niềm vui. Tôi nghĩ rằng đây là tinh thần của Giáo hội mà chúng ta cần phải mang theo.

"Tôi rất vui khi được ở đây, và chắc chắn, tôi sẽ chia sẻ điều này khi tôi trở về.

"Trên thực tế, đó là điều tôi đã và đang làm, bởi vì phiên dịch một phần tin tức tiếng Anh sang tiếng Trung hoa qua chia sẻ trực tuyến hoặc hàng ngày với đất nước của tôi. Đó là một cơ hội tuyệt vời, một niềm vui và một món quà.”

Và trong tư cách một nữ giáo dân đại diện trong phiên họp này, cô được yêu cầu nói vài lời với các nữ giáo dân châu Á, và cô đã trả lời rằng “Tôi thực sự muốn khuyến khích tất cả các nữ giáo dân khác rằng các chị em có nhiều điều để chia sẻ. Mọi người đều có các thiên phú và tài năng để đóng góp cho Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng cần học cách làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trong Giáo hội, cách nói chuyện, cách tương tác với người khác, cách chia sẻ và kể câu chuyện của mình. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang tiếp tục hành trình đào sâu tâm linh của chính mình, phát triển đức tin của chính mình và trưởng thành đức tin cùng với những người khác. Và đó là cách tất cả chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng mới với nhau trong Giáo hội Đồng nghị, nơi mọi người đều đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh. Mọi người đều có một vai trò. Mọi người đều có tiếng nói.”

Ngày thứ ba và cuối cùng: Tiếng nói của sự IM LẶNG

Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của Phiên họp Đồng nghị Lục địa Châu Á bắt đầu với lời cầu nguyện ‘Adsumus Sancte Spiritus’ [Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con có mặt tại đây] với Chúa Thánh Thần, tiếp theo là phần chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của các đại biểu trong nhóm của họ với sự giúp đỡ của những người điều hành trong ngày.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich SJ, Tổng Giám Mục Luxembourg, và Tổng Tường Trình Viên của Đại Hội Đồng Thường Lệ Lần Thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã phát biểu trước các đại biểu, nhấn mạnh ba điểm; thứ nhất, mỗi đại biểu là một nhạc cụ, hoạt động thống nhất với nhau, tạo nên một bản giao hưởng, phải được thực hiện lặp đi lặp lại, có kỷ luật và đồng điệu với những người khác. Thứ hai, tính đồng nghị đòi hỏi sự khiêm nhường. Và cuối cùng, một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội được Chúa Kitô truyền sứ mệnh loan báo Tin Mừng và phục vụ quên mình mọi người của Thiên Chúa.

Cha Clarence Devadass, một thành viên của Nhóm Sáng kiến và Soạn thảo, đã trình bày một số điểm nổi bật của Khung Dự thảo sửa đổi của Tài liệu Cuối cùng, cũng như các quy trình liên quan đến việc kết hợp các sửa đổi do các đại biểu đề xuất với sự suy nghĩ trong im lặng để chuẩn bị cho cuộc đối thoại tâm linh trong các nhóm.

Sau những suy tư về những thay đổi trong cấu trúc giáo hội để tăng cường tính đồng nghị của Giáo hội ở châu Á và những gì mong muốn được thấy trong các phiên họp tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, các đại biểu đã chia sẻ những suy nghĩ cuối cùng của họ về khuôn khổ cuối cùng của Phiên chung kết. Tài liệu theo sau là một lời cầu nguyện im lặng.

Trong phần phát biểu kết luận, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã chia sẻ quan điểm của ngài về Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á Lục địa kéo dài ba ngày, đồng thời bảo đảm với các đại biểu rằng hành trình của họ tại Thượng Hội đồng này sẽ có nhiều hoa trái và những đóng góp của họ sẽ không bị lãng quên bởi Thượng hội đồng Giám mục của Giáo hội phổ quát.

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi, Tổng thư ký của Liên hội đồng Giám mục Á Châu, đã đưa ra lời cảm ơn cuối cùng, ghi lại lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia vào việc bảo đảm rằng Thượng Hội đồng Châu Á đã thành công.

Thánh lễ kết thúc được chủ sự bởi Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch của Liên hội đồng Giám mục Á Châu. Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Bo nói rằng hành trình đồng nghị tương đối giống như hành trình của Chúa Giêsu trong hoang địa – đầy thử thách nhưng cần thiết, thông qua một quá trình lắng nghe, gặp gỡ và biện phân.

Đức Hồng Y Bo tuyên bố rằng cần phải thay đổi thái độ trong cách tiếp cận của chúng ta đối với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Ngài đưa ra từ L.E.N.T như một từ viết tắt cho sự thay đổi thái độ này:

L = [Letting go] Buông Tay. Chúng ta cần học cách buông bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta trở thành một Giáo hội Đồng nghị.

E = [Encounter] Gặp gỡ. Hành trình trên con đường làm môn đệ có một mục tiêu cụ thể - gặp gỡ Chúa Kitô và được nhắc nhở về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hướng tới một ‘nền văn hóa gặp gỡ’.

N = [Neighbourliness] Tình Láng giềng. ‘Ai là người thân cận của tôi?’ (x. Lc 10:29). Bất chấp những căng thẳng khác nhau, chúng ta được mời gọi để giúp đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn.

T = [Transformation] Biến đổi. Trong cuộc hành trình đồng nghị này, ngài nói rằng chúng ta được mời gọi để lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta và giúp chúng ta với những ân sủng biến đổi của Thiên Chúa khi chúng ta cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình đồng nghị này ‘để phục vụ một mình Người’.

Vào cuối Bí tích Thánh Thể, mười hai đại diện của các nhóm trong Thượng hội đồng, đặt trước vị chủ tế, những ngọn nến mà họ mang theo trong Lễ khai mạc Thánh Thể như một lễ vật tượng trưng cho những tương tác của họ trong ba ngày này.

Những người tham gia nói gì?

Đức Hồng Y Charles Cardinal Muang Bo, chủ tịch Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar khi được hỏi về việc mở rộng không gian của lều chúng ta, ngài trả lời “thí dụ như việc mở rộng không gian và mở rộng lều, hôm qua chúng ta đã nói chuyện và thảo luận về sự căng thẳng trong Giáo Hội Á Châu.

Căng thẳng, với một số người như giám mục và linh mục, căng thẳng với người trẻ, căng thẳng với vai trò của phụ nữ, căng thẳng với người nghèo, v.v. Nhưng căng thẳng tự nó có vẻ như là những trở ngại hay khó khăn nhưng thực ra căng thẳng là ân sủng thúc đẩy của Thần khí mà chúng ta nhận được.

Bằng cách xem xét các vấn đề, không gian của chúng ta, lều của chúng ta tự động được mở rộng. Bằng cách lắng nghe những căng thẳng, chúng ta cung cấp cho một số người như những người trẻ hoặc phụ nữ. Chúng ta dành phần lớn không gian cho Giáo hội của chúng ta. Nhưng không chỉ có vậy, sự căng thẳng tôn giáo và liên tôn giáo, chúng ta dành chỗ cho các tôn giáo khác và các nền văn hóa khác.

Vì vậy, theo nghĩa toàn bộ tiến trình của Thượng hội đồng, chúng ta càng tiến tới, chúng ta càng mở rộng lều của mình về phía những người khác. Thay vì hướng nội, chúng ta cũng đi ra ngoài, hướng ngoại và ôm lấy nhau và chúng ta không loại trừ bất cứ ai mà bao gồm tất cả mọi người. Vì vậy, chúng ta cố gắng lắng nghe bằng trái tim, bằng cách lắng nghe bằng tình yêu, chúng ta luôn mở rộng lều và không gian của mình cho người khác.”

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một Giáo hội Đồng nghị, Fr. Qaiser Feroz, Thư ký Ủy ban Quốc gia về Truyền thông Xã hội của Pakistan trả lời “Đối với tôi, Tính đồng nghị là một linh đạo và một kinh nghiệm sống động của Giáo hội. Ở đây tại Thái Lan, chúng ta tụ họp với nhau và có đại diện từ khắp các quốc gia châu Á và cũng có đại diện từ Vatican. Tất cả chúng ta cùng nhau, chúng ta đang cầu nguyện, chúng ta đang suy tư và đây là một kiểu tĩnh tâm đồng nghị mà chúng ta đang trải qua.

Phiên họp Đồng nghị này là một lời kêu gọi từ Thiên Chúa mà chúng ta quy tụ lại với nhau, để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và để xem những mối quan tâm ở cấp độ châu Á là gì. Vì vậy, chúng ta ở đây để chia sẻ mối quan tâm của chúng ta và lắng nghe nhau.

Hầu hết các mối quan tâm đã được nêu bật trong bài chia sẻ và tôi muốn chia sẻ với anh chị em rằng có những mối quan tâm như việc đào tạo, nghĩa là việc đào tạo linh mục và giáo dân của chúng ta, phải có tính đồng nghị. Và sự lãnh đạo của chúng ta cũng phải có tính đồng nghị, nghĩa là cùng nhau hành trình.

Vì vậy, đồng hành cùng nhau có nghĩa là lắng nghe nhau và giúp đỡ nhau. Và cũng có mối quan tâm về sinh thái, môi trường, chăm sóc ngôi nhà chung và cũng có những lo ngại về tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng"

Ông Joshua Eka Pramudya, một đại biểu của Indonesia chia sẻ ý kiến về Giáo hội Đồng nghị: “Tôi là một đại biểu của tuổi trẻ trong Thượng hội đồng này. Thật vinh dự cho tôi khi được tham gia vào một quá trình tuyệt vời trong Phiên họp đồng nghị.

Chúng ta nói với nhau về việc lắng nghe và chúng ta cũng học hỏi việc truyền thông một điều gì đó. Lắng nghe là một trong những phần quan trọng của Thượng hội đồng. Chúng ta cũng học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần và cách lắng nghe người khác vì lắng nghe là để hiểu nhau và hiểu thêm những gì người khác đang nghĩ về chúng ta. Hy vọng rằng Thượng Hội đồng có thể mang lại một tương lai tốt đẹp cho Giáo hội và cho tất cả những ai tham gia vào Thượng Hội đồng này”.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc trở thành Giáo hội Đồng nghị, bà Momoko Nishimura, đại diện từ Nhật Bản nói rằng “Tính đồng nghị là bản chất của Giáo hội.

"Không những chỉ cho Giáo hội, mà cho tất cả nhân loại. Chúng ta muốn được đồng nghị. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn trở thành anh chị em, được lắng nghe, mọi người đều quan trọng. Theo cách đó, không những chỉ Giáo hội cần phải đồng nghị, mà tôi nghĩ rằng toàn thể nhân loại cần phải đồng nghị. Vì vậy, đối với tôi, tính đồng nghị giống như bản chất của một hữu thể nhân bản".