Phát biểu với tờ National Catholic Register, Đức Giám Mục András Veres, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hung Gia Lợi, đã thảo luận về chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha tới Budapest và các vấn đề hiện tại khác, bao gồm các cuộc thảo luận gần đây của Thượng Hội đồng Châu Âu tại Prague và tiếng tăm gây tranh cãi của Hung Gia Lợi ở phương Tây.



Chuyến viếng thăm rất được chờ đợi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi sẽ được tổ chức vào cuối tháng này, từ ngày 28 đến 30 tháng Tư.

Đối với nhiều người Hung Gia Lợi, đây sẽ là cơ hội để tạo ra một cái nhìn quốc tế khác về đất nước của họ, vốn thường xuyên bị giới tinh hoa châu Âu chỉ trích vì các chính sách được cho là quá bảo thủ và bị chỉ trích là quá trung lập trong bối cảnh nhạy cảm của cuộc chiến ở Ukraine.

Trình bày một bức tranh chính xác hơn cho thế giới cũng là niềm hy vọng của chủ tịch Hội đồng Giám mục Hung Gia Lợi, Đức cha András Veres, người lấy làm tiếc về sự thiếu hiểu biết phổ biến về đất nước của mình ở phần còn lại của châu Âu đã góp phần vào định kiến chống Hung Gia Lợi này.

Sinh ra ở Pócspetri vào năm 1959, Đức Giám Mục Veres đã từng là chủ tịch của hội nghị từ năm 2015 và được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Győr vào năm 2016. Ngài cũng là viện trưởng của Đại học Công Giáo Pázmány Péter lịch sử ở Budapest.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 27 tháng 3 này với tờ Register, Đức Giám Mục Veres cũng thảo luận về lý do tại sao Đức Thánh Cha quyết định thực hiện chuyến thăm mục vụ tới Budapest chỉ 18 tháng sau khi tham dự Đại hội Thánh Thể năm 2021 được tổ chức ở đó, những thách thức chính mà Giáo hội địa phương hiện đang phải đối diện, và những thách đố gần đây và các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng châu Âu về tính đồng nghị ở Prague.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn của Solène Tadié:

Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ điều gì đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở lại Hung Gia Lợi, chỉ một năm rưỡi sau Đại hội Thánh Thể?

Có lẽ chúng tôi có thể nói rằng có một chút thất vọng khi ngài chỉ ở với chúng tôi trong một thời gian ngắn. Trong hai lần viếng thăm Hung Gia Lợi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ở lại lâu hơn. Vì vậy, rõ ràng là sau chuyến viếng thăm ngắn ngày của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Hung Gia Lợi vào năm 2021, các tín hữu Hung Gia Lợi đã thực sự chờ đợi ngài. Thật vậy, khi nói lời tạm biệt, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài rất muốn quay trở lại trong một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước. Tất cả chúng tôi đều vui mừng khi nghe điều đó.

Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm đáng nhớ của ngài với đám đông tín hữu nhiệt thành trong Đại hội Thánh Thể đã ảnh hưởng đến quyết định trở lại của ngài. Chúng tôi có thể nói rằng ngài rất vui khi được ở đây. Và ngài cũng thân thiết với các nữ tu người Hung Gia Lợi ở Buenos Aires, những người đã giúp ngài thực hiện sứ mệnh của mình. Cách nào đó, ngài có một mối quan hệ đặc biệt với đất nước của chúng tôi.

Đức Hồng Y Péter Erdő, giáo chủ của Hung Gia Lợi, gần đây cho biết ngài hy vọng rằng chuyến viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại động lực mới cho Giáo hội ở Hung Gia Lợi. Hy vọng và mong đợi bản thân của Đức Cha là gì?

Đại hội Thánh Thể đã góp phần làm cho đất nước Hung Gia Lợi được thế giới biết đến nhiều hơn. Chuyến tông du này của Đức Giáo Hoàng cũng sẽ làm cho Giáo hội của đất nước chúng tôi được phần còn lại của thế giới biết đến nhiều hơn.

Chuyến thăm này sẽ bao gồm một loạt các cuộc gặp gỡ, trong đó toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hung Gia Lợi sẽ giới thiệu mình với Đức Thánh Cha. Bản thân ngài đã yêu cầu được biết hầu hết các bộ phận của Giáo hội đất nước.

Bản thân tôi muốn tập trung nhiều hơn vào giới trẻ — cũng nhân dịp kỷ niệm 30 năm phục hồi Đại học Công Giáo Pázmány Péter, một định chế có tuổi đời hàng thế kỷ bị chế độ cộng sản tiếp quản vào năm 1950. Nó sẽ mang lại cho giới trẻ thêm sức mạnh để tuyên xưng đức tin của mình và ủng hộ Giáo hội trong bối cảnh văn hóa hoàn cầu khó khăn. Khi chúng tôi thảo luận chi tiết về cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với giới trẻ tại Nhà thi đấu thể thao László, chúng tôi thực sự muốn đảm bảo rằng họ có thể đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha về việc họ có thể tuyên xưng đức tin tốt hơn và sống đức tin Công Giáo của mình một cách xác thực hơn ra sao.

Đối với tôi, nó cũng sẽ tóm tắt mối quan hệ của chúng tôi với Tòa thánh, một mối quan hệ, trong hơn 1,000 năm qua, rất quan trọng và tuyệt vời. Đó cũng là những gì chúng tôi muốn thể hiện thông qua khẩu hiệu của mình. Chúng tôi muốn bày tỏ rằng lòng tín trung và trung thành của chúng tôi đối với Tòa thánh không hề thay đổi.



Khẩu hiệu này được thiết kế bởi hội đồng giám mục. Ý nghĩa tượng trưng của nó là gì?

Trong Đại hội Thánh Thể, Đức Thánh Cha nói với chúng tôi rằng Giáo Hội Công Giáo có nghĩa là một cây cầu nối kết toàn thể nhân loại và Hung Gia Lợi cũng nên là một cây cầu giữa Đông và Tây ở châu Âu, giống như Cầu Xích nổi tiếng nối liền Buda và Pest.

Màu sắc của Vatican và Hung Gia Lợi cũng xuất hiện. Ngoài ra còn có quả địa cầu, có thể ám chỉ toàn thế giới nhưng cũng có nghĩa là Bí tích Thánh Thể, cũng là một lời nhắc nhở về chuyến viếng thăm Hung Gia Lợi trước đây của Đức Thánh Cha. Và, tất nhiên, thập tự giá ở đó để tượng trưng cho Chúa Kitô, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới, Đấng mà chúng tôi trông đợi như Đấng Cứu Chuộc thế giới, Đấng gìn giữ đức tin của chúng tôi.

Từ góc độ tôn giáo, những nơi đã được chọn không nhất thiết phải là những nơi mang tính biểu tượng nhất ở Hung Gia Lợi. Đức Giáo Hoàng sẽ không viếng thăm những nơi như Đền thờ Đức Mẹ quốc gia Máriapócs nổi tiếng hay nhà thờ giáo xứ lâu đời nhất của Budapest, Nhà thờ Giáo xứ Nội Thành, đang kỷ niệm 975 năm hiện hữu. Đức Cha chọn các địa điểm theo tiêu chuẩn nào?

Cách đây một năm rưỡi, khi thảo luận về khả thể thực hiện một chuyến thăm mục vụ, chúng tôi đã nghĩ đến một chuyến thăm toàn bộ đất nước. Vào tháng 11 năm ngoái, khi chúng tôi biết rằng điều đó có thể sẽ xảy ra, chúng tôi vẫn nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm nhiều nơi hơn bên ngoài Budapest, nhưng vấn đề sức khỏe của ngài khiến điều đó không thể thực hiện được.

Nhưng chúng tôi đang cố gắng tổ chức sao cho mọi người từ mọi miền đất nước có thể gặp gỡ ngài. Các địa điểm trong chương trình đã được chọn cho mục đích đó. Đức Thánh Cha sẽ thăm Vương cung thánh đường Thánh Stephen và Nhà thờ Thánh Elizabeth, hai địa điểm mang tính biểu tượng. Thánh Elizabeth là một nhân vật rất nổi tiếng của Hung Gia Lợi, nổi tiếng vì cả đời đã giúp đỡ người nghèo.

Nhà thi đấu thể thao được chọn cho giới trẻ. Chúng tôi cũng chọn Quảng trường Kossuth vì chúng tôi muốn một nơi có thể tụ tập đông người, nhưng chúng tôi muốn nó khác với Quảng trường Anh hùng, nơi diễn ra các nghi thức chính của Đại hội Thánh Thể. Và Nghị viện đứng phía sau, gợi nhớ cả quốc gia. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những nơi này sẽ có một phạm vi biểu tượng, một tính biểu tượng sẽ truyền đạt bản chất chúng tôi và sự nhiệt tình của chúng tôi trong việc đón nhận chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Còn tình trạng của Giáo Hội Công Giáo ở Hung Gia Lợi thì sao? Đất nước này dường như cũng đang phải chịu đựng tình trạng phi Kitô giáo tương tự đang ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Âu. Tuy nhiên, Hung Gia Lợi đang cố gắng bảo tồn truyền thống Kitô giáo của mình thông qua các sáng kiến đặc biệt, chẳng hạn như chương trình “Hung Gia Lợi Giúp đỡ” và sự tồn tại của một nhóm cầu nguyện chính thức tại Nghị viện. Đức Cha có nhận định gì về tình huống này?

Chúng ta phải thừa nhận rằng Giáo hội cũng đang trải qua một thời kỳ khó khăn ở Hung Gia Lợi. Đối với tôi, rõ ràng là cách nuôi dạy trẻ em từ mẫu giáo đến đại học theo chủ nghĩa vô thần ngày nay đã gây ra sự giáo dục phi Kitô giáo này.

Dưới chế độ cộng sản, các gia đình ít nhất có thể giáo dục con cái tại nhà và nuôi dạy chúng trong đức tin Công Giáo. Bên cạnh ý thức hệ nhà nước, Kitô giáo vẫn có khả năng tồn tại.

Nhưng giờ đây, chúng ta đang phải đối diện với nhiều thế hệ chưa từng được giáo dục theo Kitô giáo, có nền tảng gia đình theo Kitô giáo và họ được nuôi dạy như những người vô thần. Lối sống theo chủ nghĩa khoái lạc đó cũng đến từ phương Tây, điều này đã củng cố sự vô tín trong nước.

Trong bối cảnh áp lực hai mặt này, Giáo Hội Công Giáo Hung Gia Lợi đang cố gắng hết sức để tiếp tục loan báo Tin Mừng. Bây giờ chúng tôi có ít tín hữu hơn vì có ít gia đình Kitô hữu cam kết hơn. Kết quả là chúng ta cũng có ít ơn gọi linh mục và tu sĩ hơn. Với một nhóm nhỏ hơn, việc rao giảng Tin Mừng hàng ngày trở nên khó khăn hơn.

Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng có thể nói rằng có những dấu hiệu nhỏ nhưng quan trọng về việc củng cố đức tin Kitô giáo ở Hung Gia Lợi. Gần đây tôi đã nói về điều đó với một giám mục vốn là bạn cũ của tôi, người đã nói với tôi: “Đừng nghĩ rằng nhiều thập niên trước có nhiều Kitô hữu tận tụy hơn ngày nay.” Cộng đồng Kitô hữu nhỏ hơn, nhiều người trong số họ được đưa đến với đức tin không phải thông qua gia đình của họ mà thông qua các phong trào và cộng đồng tâm linh khác nhau, là những người đang mang lại ánh sáng. Chúng tôi thấy rằng có những kết quả nhất định đến từ nó.

Chúng tôi có thể đặc biệt thấy điều này bất cứ khi nào chúng tôi gặp gỡ giới trẻ và tổ chức các biến cố như Forráspont, một biến cố hàng năm của giới trẻ Công Giáo liên quan đến Đại hội Thánh Thể. Điều này cho thấy rằng nhiều người trẻ không được giáo dục về tôn giáo đã bắt đầu quan tâm đến đức tin thông qua trường học hoặc nhóm bạn của họ, và họ có thể cởi mở với đạo Công Giáo.

Đức Cha đã tham dự cuộc họp cấp lục địa của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Prague vào tháng 2 vừa qua. Có một số chia rẽ, như được nhấn mạnh bởi một số giám mục và Hồng Y từng đề cập đến việc thúc đẩy một số người tham gia các cuộc thảo luận của thượng hội đồng nhằm thay đổi tín lý của Giáo hội, bao gồm cả giáo huấn về luân lý tính dục; nhưng dường như cũng có một yêu cầu tổng thể cho sự hợp nhất. Ấn tượng bản thân của Đức Cha là gì?

Là một giám mục và là chủ tịch hội đồng giám mục, tôi phải thường xuyên tham dự các cuộc họp như thế. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều giám mục và giáo dân quy tụ lại với nhau như vậy. Tất cả các giám mục ở đó đều muốn đảm bảo rằng ý kiến của các Giáo hội Châu Âu sẽ được đại diện tại biến cố đó. Nhiều ý kiến đã được bày tỏ, từ các quốc gia khác nhau, và quả thực, một số người đã thực sự lớn tiếng về ý kiến của họ và đưa ra các yêu cầu chỉ đại diện cho ý kiến thiểu số. Ngay cả trong các nhóm nhỏ, chúng tôi thực sự đã có những cuộc trò chuyện xây dựng về những chủ đề này.

Các yêu cầu về sự phát triển tín lý này có rõ ràng ở Hung Gia Lợi trong giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng về tính đồng nghị không? Có nhiều bạn trẻ tham gia cuộc tham khảo không?

Chắc chắn không có những căng thẳng và yêu cầu giống như đã được báo cáo tại các nước khác. Nó thiên về việc tìm cách làm cho Giáo hội có tính đồng nghị hơn và những điều có thể được thực hiện ở bình diện địa phương. Tôi thường giải thích với những người tham gia rằng tính đồng nghị không thực sự là một điều mới, vì kể từ buổi đầu của Giáo hội, các cách thức đồng nghị đã luôn hiện hữu; và nếu một giáo xứ hoạt động tốt, thì kiểu đối thoại này sẽ diễn ra liên tục - nó luôn ở đó.

Và, vâng, giới trẻ, những người ở độ tuổi 20 và 30, chiếm một phần đáng kể trong số những người tham gia. Trong những cuộc họp này, chúng tôi đã hiểu rõ sự kiện này: chúng tôi muốn cho thấy thực tại của lĩnh vực này chứ không phải vẽ một bức tranh không phản ảnh đúng thực tại của sự việc. Xung quanh thượng hội đồng, không có sự phấn khích lớn như một số người có lẽ đã mong đợi.

Phần lớn,nó thực sự phụ thuộc vào các linh mục giáo xứ địa phương. Nếu các linh mục giáo xứ thực sự tham gia và tổ chức các cuộc họp mặt địa phương để mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình, thì kết quả thực sự rất khả quan.

Đức Cha tri nhận ra sao vai trò của Hung Gia Lợi trong bối cảnh châu Âu hiện tại? Đất nước này vừa bị coi là quá bảo thủ — và bị chỉ trích mạnh mẽ vì điều đó — vừa được ca ngợi là nguồn cảm hứng cho nhiều người sẵn sàng bảo tồn truyền thống địa phương và cội nguồn Kitô giáo của họ.

Đi du lịch khắp châu Âu, tôi cũng trải nghiệm sự kiện này là, do báo chí, nhiều người có xu hướng có cái nhìn tiêu cực về Hung Gia Lợi. Tôi có nhiều bạn là linh mục và giám mục trong thế giới nói tiếng Đức, những người mà tôi đã từng học ở Rôma, họ hỏi tôi: “Chuyện gì đang xảy ra ở Hung Gia Lợi vậy?” Tôi nói với họ, “Hãy đến Hung Gia Lợi, và bạn sẽ tự mình thấy.” Khi những người bạn này đến thăm tôi, họ nhận ra rằng có rất nhiều thông tin sai lệch được loan truyền trên báo chí về Hung Gia Lợi.

Đối với việc Giáo hội hay chính phủ bị dán nhãn là “bảo thủ”, đối với tôi, đó là một lời khen hơn là một lời xúc phạm. Nếu bạn nhìn vào những điều chúng tôi bị chỉ trích, những điều cơ bản nhất, chẳng hạn như việc chính phủ Hung Gia Lợi từ chối tư tưởng giới tính trong trường học, các tín hữu thực sự đồng ý với điều này.

Vấn đề không phải là khuynh hướng tình dục của một cá nhân. Vấn đề là khi chúng ta muốn [với tư cách là một xã hội hiện đại] tạo ra một không gian để có thể áp đặt một ý thức hệ lên trẻ em nhằm cố gắng tác động đến chúng. Tôi cũng nghĩ rằng Chúa đã tạo ra đàn ông và đàn bà, và đó là chuẩn mực. Nói khác đi là sai.

Nếu chúng ta xem xét vấn đề nhập cư, thì việc cho rằng Hung Gia Lợi không chào đón người di cư là không đúng. Nhưng từ năm 2015, chúng tôi từ chối cho người nhập cư bất hợp pháp vào nước này. Có rất nhiều người di cư ở Hung Gia Lợi. Hôm qua, tôi đã gặp một cặp vợ chồng đến từ Syria đang mong đợi đứa con đầu lòng của họ. Và họ đã nhờ giúp đỡ để tìm một chỗ ở. Chính phủ Hung Gia Lợi, đặc biệt thông qua chương trình Hung Gia Lợi Giúp đỡ, cố gắng giúp đỡ các Kitô hữu ở Trung Đông.

Từ Ukraine, chúng tôi đã chấp nhận hơn 1 triệu người tị nạn. Một số lớn trong số họ đã đi đến các quốc gia khác nhau sau đó, nhưng một phần đáng kể khác ở lại Hung Gia Lợi và chúng tôi đã giúp đỡ họ.

Những chủ đề này là những chủ đề nhận được sự chỉ trích mạnh mẽ nhất từ Liên minh châu Âu và một số chính trị gia. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ thực sự khá bình thường và hợp lý như hiện nay ở nước chúng tôi.

Đức Cha có nghĩ rằng bằng cách nào đó Hung Gia Lợi có thể trở thành một hình mẫu cho tương lai của châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, văn hóa và tâm linh?

Tôi nghĩ vậy. Tôi đi rất nhiều nơi và nói chuyện với nhiều người khác nhau, không chỉ các giám mục, mà cả những người dân thường. Rất hiếm khi tôi gặp những người có quan điểm quá khác với quan điểm được đa số người dân Hung Gia Lợi bảo vệ. Hầu hết các cuộc tấn công đến từ các nhóm nhỏ được hỗ trợ bởi các phong trào chính trị. Nhưng tôi tin rằng, nhìn chung, ý kiến của đa số người phương Tây gần với ý kiến của chúng tôi.