Đức Phanxicô bắt đầu ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của ngài ở Budapest bằng việc cử hành Thánh lễ với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Kossuth Lajos ở trung tâm Budapest.
Đức Giáo Hoàng dựa bài giảng của ngài vào bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật thư tư Mùa Phục sinh, tập chú vào hình ảnh Chúa Chiên Lành. Ngài nói, người chăn chiên nhân lành “hiến mạng sống mình vì đòan chiên của mình. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến
Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe tóm tắt ý nghĩa sứ vụ của Người: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Đó là điều người mục tử nhân lành làm: hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình. Chúa Giêsu, như một mục tử đi tìm đàn chiên của mình, đã đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối. Giống như một người chăn chiên, Người đến để dựt chúng ta ra khỏi cái chết. Giống như một mục tử biết rõ từng con chiên của mình và yêu thương chúng với sự dịu dàng vô hạn, Người đã đưa chúng ta trở lại đàn chiên của Chúa Cha và coi chúng ta là con cái của Người.
Vậy chúng ta hãy suy tư về hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành và về hai điều chuyên biệt mà, theo Tin Mừng, Người làm cho đoàn chiên. Người gọi tên chúng, và rồi Người dẫn chúng ra ngoài.
Đầu tiên, “Người gọi tên từng con chiên của mình” (c. 3). Lịch sử cứu độ không bắt đầu với chúng ta, với công lao, khả năng và cơ cấu của chúng ta. Nó bắt đầu với tiếng gọi của Thiên Chúa, với ước muốn của Người đến với chúng ta, với sự quan tâm của Người đối với mỗi người chúng ta, với lòng thương xót dồi dào của Người. Chúa muốn cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, để ban cho chúng ta sự sống dồi dào và niềm vui bất tận. Chúa Giêsu đến trong tư cách Mục Tử Nhân Lành của nhân loại, để gọi chúng ta và đưa chúng ta về nhà. Với lòng biết ơn, tất cả chúng ta có thể nhớ lại tình yêu mà Người đã dành cho chúng ta khi chúng ta lưu lạc xa Người. Khi, giống như những con chiên, chúng ta “lạc lối” và mỗi người chúng ta “đi theo đường của mình” (Is 53:6). Chúa Giêsu đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta và mang lấy tội lỗi của chúng ta, dẫn đưa chúng ta về với trái tim của Chúa Cha. Đây là điều mà chúng ta đã nghe từ thánh tông đồ Phêrô trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Anh em như đàn chiên lầm lạc, nhưng nay anh em đã trở về với mục tử và người gìn giữ linh hồn anh em” (1 Pr 2:25). Ngày nay cũng vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc khi chúng ta cảm thấy bối rối và sợ hãi, bị choáng ngợp và nặng trĩu bởi buồn phiền và tủi thân. Người đến với chúng ta trong tư cách Mục Tử Nhân Lành, Người gọi đích danh chúng ta và cho chúng ta biết chúng ta quý giá biết bao trong mắt Người. Người chữa lành những vết thương của chúng ta, mang lấy những yếu đuối của chúng ta và quy tụ chúng ta vào sự hiệp nhất của đàn chiên Người, trong tư cách con cái của Chúa Cha và là anh chị em của nhau.
Và như vậy, thưa anh chị em, sáng nay, tại nơi này, chúng ta cảm nhận được niềm vui được làm dân thánh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta được sinh ra từ ơn gọi của Người. Người đã kêu gọi chúng ta lại với nhau, và vì vậy chúng ta là dân của Người, đoàn chiên của Người, Giáo hội của Người. Dù chúng ta đa dạng và đến từ những cộng đồng khác nhau, nhưng Chúa đã quy tụ chúng ta lại với nhau, để tình yêu bao la của Người có thể bao bọc chúng ta trong một vòng tay. Thật tốt cho chúng ta được ở bên nhau: giám mục và linh mục, tu sĩ và giáo dân. Và thật tuyệt vời khi được chia sẻ niềm vui này của chúng ta với các phái đoàn đại kết, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, các đại diện của các tổ chức dân sự và đoàn ngoại giao. Đây là ý nghĩa của tính Công Giáo: tất cả chúng ta, được Vị Mục Tử Nhân Lành gọi đích danh, được triệu tập để đón nhận và truyền bá tình yêu của Người, để làm cho đoàn chiên của Người bao gồm tất cả mọi người và không bao giờ loại trừ người khác. Theo đó, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng các mối liên hệ huynh đệ và hợp tác, tránh chia rẽ, không rút lui vào cộng đồng của mình, không quan tâm đến việc giành lấy lãnh thổ cá nhân của mình, nhưng thay vào đó mở rộng trái tim của chúng ta để yêu thương nhau.
Sau khi gọi chiên của mình, Vị Mục Tử “dẫn chúng ra ngoài” (Ga 10:3). Đầu tiên, Người đưa họ vào đàn, gọi tên họ; bây giờ Người sai họ đi ra ngoài. Chúng ta cũng lần đầu tiên được quy tụ vào gia đình của Thiên Chúa để trở thành dân của Người; rồi chúng ta cũng được sai đi vào thế giới để một cách can đảm và không sợ hãi, chúng ta có thể trở thành những người loan báo Tin Mừng, những chứng nhân của tình yêu đã tái sinh chúng ta. Chúng ta có thể đánh giá cao diễn trình “vào” và “ra” này từ một hình ảnh khác từng được Chúa Giêsu sử dụng. Người nói, “Tôi là cánh cửa; ai qua tôi mà vào thì được cứu, được ra vào và gặp được đồng cỏ” (c. 9). Chúng ta hãy nghe lại những từ đó: “họ được ra vào”. Một mặt, Chúa Giêsu là cánh cửa rộng mở giúp chúng ta bước vào mối tương giao với Chúa Cha và cảm nghiệm lòng thương xót của Người. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cửa mở không chỉ để vào mà còn để ra. Sau khi đưa chúng ta trở lại vòng tay của Thiên Chúa và gia nhập Giáo hội, Chúa Giêsu là cánh cửa dẫn chúng ta trở lại thế giới. Người thúc giục chúng ta ra đi để gặp gỡ anh chị em mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều được kêu gọi làm điều này; chúng ta được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm được can đảm để vươn tới tất cả những vùng ngoại biên cần ánh sáng Tin Mừng (x. Evangelii Gaudium, 20).
Thưa anh chị em, “ra đi” có nghĩa là, giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải trở thành những cánh cửa rộng mở. Thật buồn và đau đớn biết bao khi nhìn thấy những cánh cửa đóng kín. Những cánh cửa đóng kín của sự ích kỷ của chúng ta đối với người khác; những cánh cửa đóng kín của chủ nghĩa cá nhân của chúng ta giữa một xã hội ngày càng cô lập; những cánh cửa đóng kín của sự thờ ơ của chúng ta đối với những người kém may mắn và những người đau khổ; những cánh cửa mà chúng ta đóng lại đối với những người xa lạ hoặc không giống chúng ta, đối với những người di cư hoặc người nghèo. Những cánh cửa cũng đóng lại trong các cộng đồng giáo hội của chúng ta: những cánh cửa đóng lại với những người khác, đóng cửa với thế giới, đóng cửa với những người “bất thường”, đóng cửa với những ai khao khát sự tha thứ của Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, xin vui lòng để chúng ta mở những cánh cửa đó! Trong lời nói, việc làm và hoạt động hàng ngày, giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng là cánh cửa rộng mở: một cánh cửa không bao giờ đóng trước mặt bất cứ ai, một cánh cửa cho phép mọi người bước vào và cảm nghiệm vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
Tôi đặc biệt lặp lại điều này với bản thân tôi và với các anh em giám mục và linh mục của tôi: với những người trong chúng tôi là các mục tử. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng mục tử nhân lành không phải là một tên trộm cũng không phải là một tên cướp (x. Ga 10:8). Nói cách khác, họ không lợi dụng vai trò của mình; họ không thống trị đàn chiên được giao cho họ chăm sóc; họ không chiếm chỗ của các anh chị em giáo dân của họ; họ không thực thi quyền lực cứng ngắc. Thưa anh chị em, chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa ngày càng rộng mở: “những người tạo điều kiện” cho ân sủng của Thiên Chúa, những bậc thầy của sự gần gũi; chúng ta hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình, như Chúa Kitô, Chúa chúng ta và là tất cả của chúng ta, đang dang rộng vòng tay dạy dỗ chúng ta từ ngai thánh giá và hằng ngày tỏ cho chúng ta thấy Bánh Hằng Sống bẻ ra cho chúng ta trên bàn thờ. Tôi cũng nói điều này với các anh chị em tu sĩ của chúng ta, với các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, với những người có trách nhiệm chính trị và xã hội, và với những người chỉ đơn giản là tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ, những điều đôi khi không dễ dàng. Hãy là những cánh cửa mở rộng! Hãy để Chúa của sự sống bước vào tâm hồn chúng ta, với những lời an ủi và chữa lành của Người, để sau đó chúng ta có thể tiến ra như những cánh cửa rộng mở trong xã hội. Vì vậy, anh chị em hãy cởi mở và hòa nhập, và bằng cách này, hãy giúp Hung Gia Lợi phát triển trong tình huynh đệ, vốn là con đường hòa bình.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành gọi đích danh chúng ta và chăm sóc chúng ta bằng tình yêu vô cùng dịu dàng. Người là cánh cửa, ai vào qua Người thì được sự sống đời đời. Người là tương lai của chúng ta, một tương lai của “sự sống dư dật” (Ga 10:10). Chúng ta đừng bao giờ nản lòng. Đừng bao giờ để chúng ta bị cướp đi niềm vui và sự bình an mà Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ rút lui vào những vấn đề của riêng mình hoặc quay lưng lại với những người khác trong sự thờ ơ. Xin Vị Mục Tử Nhân Lành luôn đồng hành với chúng ta: cùng với Người, cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta và toàn thể đất nước Hung Gia Lợi sẽ triển nở với sự sống mới và dồi dào!