Luke Coppen, trên tạp chí The Pillar ngày 5 tháng 9 năm 2023, nhận định rằng Linh mục Dòng Tên người Pháp Pierre Teilhard de Chardin đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau kể từ khi ngài qua đời ở New York năm 1955.
Thực vậy, đối với một số người, ngài là nhà tư tưởng sáng tạo “ngang hàng với Einstein”. Đối với những người khác, ngài là “kẻ dị giáo có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20”.
Nhà thần học, triết gia, nhà khoa học và giáo sư - được mệnh danh là “Darwin Công Giáo” - cũng gây nhiều tranh cãi trong cuộc đời của ngài. Ngài đã kích thích những đánh giá rõ ràng pha trộn trong cả Giáo Hội Công Giáo lẫn cơ sở khoa học.
Nhưng ngài có ý nghĩa gì với vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trên thế giới? Đức Phanxicô đã đưa ra một số manh mối vào Chúa nhật 3 tháng 9, 2023, khi ngài đánh dấu kỷ niệm 100 năm một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Teilhard: Tiểu luận “Thánh lễ trên thế giới”.
Bản văn huyền nhiệm này được hình thành từ một kinh nghiệm vào năm 1923, khi Teilhard đang băng qua sa mạc Ordus ở tây bắc Trung Quốc và không thể cử hành Thánh lễ vì thiếu bánh, rượu và bàn thờ.
Bản văn, được xuất bản sau khi qua đời trong cuốn sách “Bài thánh ca của vũ trụ” năm 1961, đã có tác động văn hóa đáng kể, truyền cảm hứng cho mọi thứ, từ một album nhạc jazz đến những lời cầu nguyện bản thân trong đại dịch coronavirus.
Phát biểu sau khi cử hành Thánh lễ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Mông Cổ vào ngày 3 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Thánh lễ tự nó là một cách tạ ơn: ‘Thánh lễ tạ ơn’. Khi cử hành Thánh lễ tại vùng đất này, tôi nhớ đến lời cầu nguyện mà Cha Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin đã dâng lên Thiên Chúa đúng một trăm năm trước, trong sa mạc Ordos, cách đây không xa. Ngài cầu nguyện: ‘Lạy Thiên Chúa của con, con phủ phục trước sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ mà giờ đây đã trở thành ngọn lửa sống: bên dưới nét mặt của tất cả những ai con sẽ gặp ngày nay, tất cả những gì xảy ra với con, tất cả những gì con đạt được, chính là Chúa con khao khát, chính là Chúa con chờ đợi’. Cha Teilhard de Chardin tham gia nghiên cứu địa chất. Ngài tha thiết muốn cử hành Thánh Lễ, nhưng lại thiếu bánh và rượu. Vì vậy, ngài đã sáng tác ‘Thánh lễ trên thế giới’, bày tỏ sự dâng hiến của mình bằng những lời này: ‘Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy bánh bao trùm này, mà toàn thể tạo vật của Chúa, được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn của Chúa, dâng lên Chúa vào buổi bình minh của ngày mới này’.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Một lời cầu nguyện tương tự đã hình thành trong khi ngài làm người khiêng cáng cứu thương ở tiền tuyến trong Thế chiến thứ nhất. Vị linh mục này, thường bị hiểu lầm, đã trực giác được rằng “Bí tích Thánh Thể luôn được cử hành một cách nào đó trên bàn thờ thế giới” và là “trung tâm sống động của vũ trụ, cốt lõi tràn ngập tình yêu và sự sống vô tận” (Laudato Sì, 236 ), ngay cả trong thời đại như thời đại của chúng ta, được đánh dấu bằng xung đột và chiến tranh. Vậy thì, hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện theo lời của Cha Teilhard de Chardin: ‘Lời rạng ngời, Quyền năng rực sáng, Chúa, Đấng đã nhào nặn nên sự đa dạng để thổi sự sống vào đó, con cầu xin Chúa, hãy đặt trên chúng con đôi bàn tay Chúa – quyền năng, ân cần, có mặt khắp nơi’”.
Việc Đức Thánh Cha trích dẫn rộng rãi công việc của người bạn Dòng Tên của ngài đã đặt ra một số câu hỏi.
Teilhard de Chardin là ai? Tại sao ngài lại phân cực như vậy? Và ngài có đang được phục hồi trong Giáo hội hay không?
Ngài là ai?
Cuộc đời của Teilhard được đánh dấu bằng những căng thẳng và biến động của thế kỷ 20.
Ngài sinh ra tại một lâu đài ở miền trung nước Pháp vào năm 1881, là con thứ tư trong gia đình có 11 người con. Cha ngài là một thủ thư viện và mẹ ngài là chắt gái của nhà văn Voltaire, một nhà phê bình gay gắt đối với Giáo Hội Công Giáo. Phần “de Chardin” trong tên của gia đình là phần còn lại của một tước hiệu quý tộc, vì vậy con trai của họ được biết đến chính thức với cái tên Pierre Teilhard.
Quá trình đào tạo Dòng Tên ban đầu của ngài đã bị gián đoạn bởi các chính sách chống giáo sĩ của Thủ tướng Pháp Émile Combes, một cựu chủng sinh đã trở thành hội viên hội Tam điểm. Ngài chuyển đến Anh để tiếp tục việc học và trở thành một độc giả say mê của Đức Hồng Y John Henry Newman.
Sau khi thụ phong linh mục năm 1911, ngài tập trung vào cổ sinh vật học, nghiên cứu về sự sống cổ xưa trên Trái đất. Nhưng sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ngài được động viên và làm người khiêng cáng. Tại Paissy, miền bắc nước Pháp, ngài đã cử hành Thánh lễ cho binh lính trong một hang động mà ngày nay có tấm biển tôn vinh ngài.
Sau chiến tranh, ngài hoàn thành việc học và bắt đầu thực hiện các chuyến nghiên cứu tới Trung Quốc. Ngài là thành viên của nhóm đã phát hiện ra Người Bắc Kinh, một điển hình về loài Homo erectus [người đứng thẳng]đã tuyệt chủng.
Nhưng các tác phẩm của ngài bắt đầu vấp phải sự phản đối. Năm 1927, Dòng Tên cấm xuất bản tác phẩm “The Divine Milieu” [Lãnh vực Thần linh]của ngài, tác phẩm này chỉ được phát hành sau khi ngài qua đời.
Được yêu cầu tóm tắt cương lĩnh cá nhân của mình vào năm 1934, ngài viết: “Tôi tin rằng vũ trụ là một cuộc biến hóa; Tôi tin rằng sự biến hóa tiến tới tinh thần; Tôi tin rằng tinh thần, nơi con người, tự hoàn thiện ở bản vị; Tôi tin rằng bản vị tối cao là Chúa Kitô vũ trụ”.
Bản tóm tắt súc tích này về các xác tín của ngài đã làm nổi bật sự khác biệt trong các ý tưởng thần học của ngài. Nó nhấn mạnh rằng biến hóa là một yếu tố nền tảng trong thần học của ngài và ngài tin rằng nó đang tiến tới một mục tiêu xác định - một ý tưởng được ghi lại trong câu nói nổi tiếng của ngài “mọi sự lên cao đều phải hội tụ” (mà nhà văn người Mỹ Flannery O'Connor đã chọn làm tiêu đề của tuyển tập truyện ngắn).
Teilhard cho rằng Trái đất đã trải qua ba giai đoạn phát triển: địa quyển (vật chất vô tri), sinh quyển (sự sống sinh học) và tri quyển (noosphere=suy nghĩ/lý trí). Ngài tin rằng noosphere sẽ lên đến tuyệt đỉnh trong điều được ngài gọi là Điểm Omega, điểm mà ngài đồng nhất với Chúa Kitô, Đấng tự mô tả mình là “Alpha và Omega” trong Sách Khải Huyền của Tân Ước.
Sau chuyến đi đến Mỹ năm 1937, danh tiếng của ngài ngày càng lan rộng bên kia Đại Tây Dương.
Nhưng vào năm 1944, ngài được biết rằng Rôma đã từ chối cho phép ngài xuất bản tác phẩm “Hiện tượng con người”, tác phẩm này cũng chỉ được xuất bản sau khi ngài qua đời.
Sau vài năm ở Mỹ, ngài qua đời vào Chúa nhật Phục sinh năm 1955 và được chôn cất tại nghĩa trang Dòng Tên Thánh Andrew-on-Hudson, gần Poughkeepsie, bang New York, địa điểm hiện thuộc về Viện Ẩm thực Hoa Kỳ.
Khi những cuốn di cảo bắt đầu thu hút trí tưởng tượng của người Công Giáo, Văn phòng Thánh của Vatican đã đưa ra một cảnh cáo chính thức vào năm 1962. Văn phòng này tuyên bố rằng các tác phẩm này “có rất nhiều điều mơ hồ và thậm chí còn có những sai sót nghiêm trọng, đến mức xúc phạm đến tín lý Công Giáo”.
Bản cảnh cáo viết, “Vì lý do này, các nghị phụ nổi tiếng và đáng kính nhất của Văn phòng Thánh đã khuyến khích tất cả các Bản quyền cũng như bề trên các tu viện, viện trưởng các chủng viện và viện trưởng các viện đại học hãy bảo vệ tâm trí một cách hữu hiệu, đặc biệt là giới trẻ, chống lại những nguy hiểm do tác phẩm của Cha Teilhard de Chardin và những người theo ngài gây ra”.
Trong khi đó, Teilhard đã tạo ra một cái bóng râm văn hóa lâu dài. Ngài đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ từ Salvador Dalí, người nổi tiếng đã dựa trên lý thuyết của ngài cho bức tranh hoành tráng “Công đồng chung” năm 1960, cho đến nhà văn Hoa Kỳ Don DeLillo, người đã trích dẫn ý tưởng của ngài trong cuốn tiểu thuyết Point Omega năm 2010. Ngài cũng được cho là nguồn cảm hứng cho Cha Lankester Merrin, nhà khảo cổ học do Max von Sydow thủ vai trong bộ phim kinh dị “The Exorcist” năm 1973.
Tại sao ngài lại phân cực như vậy?
Tại sao Teilhard lại chia rẽ công luận một cách gay gắt như vậy?
Có nhiều manh mối trong tiểu sử của ngài.
Vào thời ngài, có những người Công Giáo tin rằng ngài là thiên tài đã mạnh dạn mở rộng phạm vi thần học, trong khi những người khác lại kết luận rằng ngài là một kẻ dị giáo có tư tưởng gần như phiếm thần.
Nhà thần học Dòng Tên Henri de Lubac, người đã dành nhiều cuốn sách cho nhà cổ sinh vật học, đã từng viết: “Chúng ta không cần quan tâm đến một số người gièm pha Teilhard, những người mà cảm xúc đã làm cùn mòn trí thông minh”.
Ngược lại, triết gia Công Giáo Dietrich von Hildebrand đã ngỡ ngàng khi nghe Teilhard chỉ trích Thánh Augustinô thành Hippo khi ông gặp vị tu sĩ Dòng Tên này vào năm 1949. Ông viết rằng lời chỉ trích đó truyền tải “việc Teilhard thiếu cảm nhận thực sự về sự vĩ đại trí thức và thiêng liêng”.
Hildebrand viết, “Tuy nhiên, chỉ sau khi đọc một số tác phẩm của Teilhard, tôi mới nhận ra đầy đủ những tác động tai hại trong các ý tưởng triết học của ngài và sự không tương thích tuyệt đối giữa hư cấu thần học của ngài (như Étienne Gilson gọi nó) với sự mặc khải Kitô giáo và học thuyết của Giáo hội”.
Những quan điểm phân cực này về Teilhard vẫn còn tồn tại trong thế giới Công Giáo ngày nay, với điểm khác biệt là kể từ khi xuất bản một tiểu luận năm 2017 của nhà đạo đức học John P. Slattery, sự chú ý của giới phê bình đã tập trung vào thái độ của vị tu sĩ Dòng Tên đối với thuyết ưu sinh.
Bài tiểu luận lập luận rằng “từ những năm 1920 cho đến khi qua đời vào năm 1955, Teilhard de Chardin đã dứt khoát ủng hộ các thực hành ưu sinh phân biệt chủng tộc, ca ngợi khả năng thực hiện các thí nghiệm của Đức Quốc xã và coi thường những người mà ngài cho là con người ‘không hoàn hảo’”.
Slattery cho rằng những ý tưởng này không phải ngẫu nhiên mà là nền tảng cho “thần học vũ trụ” nổi tiếng của ngài. Ông nói thêm rằng điều này sẽ thúc đẩy việc xem xét lại vị trí của Teilhard trong thần học thế kỷ 21.
Những người bảo vệ vị tu sĩ Dòng Tên này đã phản ứng bằng cách lưu ý rằng Teilhard tỏ ra gần gũi với người em gái khuyết tật của mình, Marguerite-Marie, và lập luận rằng ngài ủng hộ sự cải thiện tinh thần của nhân loại hơn là thuyết ưu sinh sinh học.
Danh tiếng của ngài có được ‘phục hồi’ không?
Vatican từ lâu đã phải đối diện với áp lực phải dỡ bỏ lời cảnh cáo năm 1962 liên quan đến các tác phẩm của Teilhard.
Năm 1981, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài, Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Ngoại trưởng Vatican lúc bấy giờ, đã công bố một bài báo trên tờ L’Osservatore Romano ca ngợi “chứng từ về cuộc sống mạch lạc của một người được Chúa Kitô chiếm hữu trong sâu thẳm tâm hồn”.
Giữa sự suy đoán cho rằng điều này báo hiệu việc phục hồi vị tu sĩ Dòng Tên này, văn phòng tín lý của Vatican đã đưa ra một tuyên bố làm rõ rằng cảnh cáo vẫn còn hiệu lực.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, cựu lãnh đạo văn phòng tín lý của Vatican, đã làm nhiều người nhướn lông mày vào năm 2009 khi ngài trích dẫn Teilhard một cách tích cực trong khi suy tư về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma.
“Bản thân chúng ta, với toàn bộ con người mình, phải tôn thờ và hy sinh, và bằng cách biến đổi thế giới của chúng ta, hãy dâng nó lại cho Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng tại Nhà thờ Aosta ở tây bắc nước Ý.
“Vai trò của chức linh mục là thánh hiến thế giới để nó có thể trở thành một bánh thánh sống động, một phụng vụ: để phụng vụ không phải là một điều song song với thực tại của thế giới, nhưng chính thế giới sẽ trở thành một bánh thánh sống động, một phụng vụ.”
“Đây cũng là tầm nhìn tuyệt vời của Teilhard de Chardin: cuối cùng chúng ta sẽ đạt được một phụng vụ vũ trụ thực sự, nơi vũ trụ trở thành bánh thánh sống động.”
Các nhà bình luận đã bị chia rẽ về mức độ quan trọng của những nhận xét đó. Nhưng người phát ngôn của Vatican lúc đó là Cha Federico Lombardi, một tu sĩ Dòng Tên, nói: “Cho đến nay, không ai dám nói rằng [Teilhard] là một tác giả không chính thống và không nên nghiên cứu”.
Sau cuộc bầu cử của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2013 và việc xuất bản thông điệp sinh thái Laudato si’ năm 2015 của ngài (đã trích dẫn Teilhard trong phần chú thích ở cuối trang), các thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã bỏ phiếu đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô loại bỏ lời cảnh cáo.
Các thành viên cho biết trong một tuyên bố năm 2017: “Chúng tôi nhất trí đồng ý, mặc dù một số bài viết của ngài có thể mở ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng, nhưng tầm nhìn tiên tri của ngài đã và đang truyền cảm hứng cho các nhà thần học và nhà khoa học”.
Vào khoảng thời gian đó, một bản kiến nghị kêu gọi phong Teilhard làm Tiến sĩ Giáo hội bắt đầu thu thập được hàng nghìn chữ ký.
Vào tháng 5 năm nay, Dòng Tên đã khai trương Trung tâm Teilhard de Chardin ở ngoại ô Paris được gọi là Thung lũng Silicon của Pháp để phục vụ như “nơi đối thoại giữa khoa học, triết học và tâm linh”.
Những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ đã không trực tiếp đề cập đến bài phát biểu hay những tranh cãi xoay quanh Teilhard. Nhưng bằng cách trích dẫn một đoạn dài đáng kể tiểu luận của nhà cổ sinh vật học, chắc chắn ngài đang khuyến khích người Công Giáo đọc “Thánh lễ trên thế giới”, có thể là cửa ngõ dẫn đến các tác phẩm khác của tu sĩ Dòng Tên “thường bị hiểu lầm” này.
Vì vậy, hiện tại, chúng ta vẫn chưa có sự phục hồi chính thức. Thay vào đó, có lẽ những gì chúng ta có là điều mà một số người gọi là “một quá trình phục hồi lâu dài”: Một quá trình lộn xộn trong đó những người có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội đưa ra những đề cập tích cực đến các khía cạnh trong công trình của Teilhard mà không cam kết đánh giá lại toàn diện.