Giống phần lớn các tài liệu sau cùng của các châu lục khác, trong phần Dẫn nhập, Tài liệu sau cùng của Châu Phi và Madagascar cũng đề cập tới các giai đoạn của diễn trình Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị.



Phiên họp lục địa Châu Phi được khai diễn tại Addis Ababa, Ethiopia từ ngày 1 tới ngày 6 tháng 3, năm 2023, mang lại với nhau khoảng 209 người bao gồm các Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, và tín hữu giáo dân, với số lượng tín hữu giáo dân đông hơn. Đây là một dịp cho một sự lắng nghe có tính bao gồm trong đó, sử dụng Phương pháp Đàm luận Thiêng liêng, mọi người đều có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về Tính đồng nghị, được hướng dẫn bởi Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Trong năm ngày, Gia đình Giáo hội của Thiên Chúa tại Châu Phi, qua các đại diện của lục địa, đã cầu nguyện, lắng nghe và suy tư về cung cách mới để trở thành một Giáo hội ngày nay, tức là cung cách đồng nghị. Đây là một hành trình đồng nghị thiêng liêng của Gia đình Giáo hội Thiên Chúa ở Châu Phi, một cơ hội để thực hành tính đồng nghị trong thực tế. Vào cuối buổi họp, Phiên họp đã thông qua Tài liệu Cuối cùng và chính thức thông qua nó làm Tài liệu cho Giáo hội Châu Phi.

Trong tinh thần hợp đoàn, tất cả các Hồng Y và Giám mục đã ngồi lại với nhau trong một cuộc họp khác vào ngày cuối cùng của Phiên họp để đánh giá toàn bộ diễn trình Thượng Hội đồng. Các ngài bày tỏ sự hài lòng về diễn trình này, đặc biệt là về tinh thần gia đình nổi bật khắp Phiênhọp. Đồng thời, các ngài đã thông qua Tài liệu Cuối cùng và nhất trí thông qua nó làm Tài liệu Cuối cùng cho Hội đồng Thượng Hội đồng Lục địa Châu Phi.

Diễn tiến Phiên họp Lục địa Châu Phi

Khi khai mạc buổi làm việc đầu tiên tại Accra, mục đích của buổi làm việc đã được đưa ra như sau:

• Để hiểu nhau hơn, một lối sống tính đồng nghị cách cụ thể.
• Đi vào sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ trong diễn trình cầu nguyện sâu xa hơn, lắng nghe và biện phân để nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội.
• Lắng nghe những gì người dân Châu Phi nói trong năm đầu tiên của Thượng hội đồng.
• Đọc lại Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa trong bối cảnh Giáo hội ở Châu Phi.

Phương pháp được sử dụng trong công việc là Phương pháp Đàm luận thiêng liêng. Phương pháp này không quen thuộc với hầu hết những người tham gia. Do đó, nó đã được dạy cho nhóm.

Sau khi học được phương pháp, nhóm đã thực hành nó trong những ngày còn lại của buổi làm việc khởi đầu từ ngày đầu tiên. Buổi tối của ngày đầu tiên được dành cho các khía cạnh thực tế của phương pháp. Năm nhóm đã được thành lập và được yêu cầu đưa ra “những ấn tượng đích thân của họ từ các bản tóm tắt và tổng hợp của khu vực: dân Chúa từ Giáo hội ở Châu Phi đã nói gì trong năm đầu tiên của thượng hội đồng?” Phiên họp kết thúc với các báo cáo của các nhóm khác nhau về kết quả suy nghĩ của họ về câu hỏi.

Ngày thứ hai của phiên họp được dành cho việc nghiên cứu Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Điều này đã được thực hiện với hai bài trình bày về các đại cương chính và luận lý học của tài liệu. Sau phần trình bày, những người tham gia được dành thời gian để cầu nguyện, suy gẫm và đích thân nghiên cứu tài liệu. Sau đó, phiên họp buổi tối dành cho việc nghiên cứu nhóm về các tài liệu, tập trung vào:

• Các trực giác vang dội mạnh mẽ nhất với kinh nghiệm sống và thực tế của Giáo hội trên lục địa Châu Phi.
• Các câu hỏi hoặc vấn đề cần được giải quyết và xem xét trong bước tiếp theo của diễn trình.
• Các ưu tiên, các chủ đề được nhắc đi nhắc lại, và lời kêu gọi hành động có thể chia sẻ được với các Giáo hội địa phương khác trên khắp thế giới và được thảo luận trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023.

Kinh nghiệm đồng nghị ở giai đoạn lục địa

Cuộc gặp gỡ như một kinh nghiệm cụ thể của những người châu Phi về tính đồng nghị bằng cách làm việc và hành trình cùng nhau trong năm ngày đã giúp chúng tôi nhận thức được một số trực giác thường vang vọng từ quốc gia này sang quốc gia khác và nêu lên một số câu hỏi thích đáng liên quan đến tính đồng nghị.

1. Các trực giác

Lời cầu nguyện và suy gẫm của chúng tôi về Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đã làm nảy sinh những trực giác sau đây từ hậu cảnh châu Phi của chúng tôi:

1. Giáo hội tại Châu Phi đã sống tính đồng nghị từ thời Công đồng Vatican II. Thành quả của điều này được thấy trong việc hình thành Hội nghị Chuyên đề Các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM) và các Hội đồng Giám mục khu vực khác trong và ngay sau Công đồng.

Một số tài liệu quan trọng về và từ Châu Phi cũng là hoa trái của tính đồng nghị. Chúng bao gồm Ecclesia in Africa [Giáo Hội ở Châu Phi] (1995), Africae Munus [nhiệm vụ của Châu Phi] (2011) và Tài liệu Kampala (2019).

Các cộng đồng Kitô giáo Nhỏ là thành quả của tính đồng nghị ở cấp cơ sở nơi mọi người sống và hành động cùng nhau với những mối quan tâm chung về đức tin.

2. Hình ảnh cái lều như là hình ảnh chính cho Tính đồng nghị “mở rộng không gian của cái lều của bạn” (Is. 54:2) đã bị nhiều người tranh cãi kịch liệt, những người liên kết hình ảnh này với các tình huống chiến tranh, di tản và tị nạn.Phiên họp thích hình ảnh Gia đình Thiên Chúa hơn, nơi mọi người đều có vị trí và trách nhiệm của mình theo 'các giá trị gia đình' (mặc dù không có sự đồng nhất về những gì giá trị gia đình bao gồm ở tất cả các quốc gia).

3. Lắng nghe là một thái độ của Thượng hội đồng và Giáo hội phải là một Giáo hội lắng nghe nếu muốn tiếp tục có tính đồng nghị. Tuy nhiên, các thực tại được lắng nghe không phải lúc nào cũng như nhau: các vấn đề gia đình, Giáo Hội, quốc gia, các vấn đề xã hội, các vấn đề tâm linh, v.v., thường khác nhau về cách giải thích hoặc tầm quan trọng xã hội.

Lắng nghe giúp mang lại sự chữa lành cho những người bị thương tích. Việc lắng nghe mời gọi chúng ta đến với một cách khác để cử hành phụng vụ của chúng ta một cách đích thực về mặt văn hóa. Áp dụng văn hóa lắng nghe vào việc cử hành phụng vụ sẽ giúp đặt người dân lên hàng đầu, tăng cường sự tham gia tích cực của họ và khiến họ trở thành tác nhân hơn là khán giả.

Giáo hội lắng nghe tất cả mọi người, nhưng lắng nghe gây xáo trộn theo cách đôi khi Giáo hội bị choáng ngợp đến mức một số người cảm thấy Giáo hội không lắng nghe, hoặc ít nhất chỉ chọn những tiếng nói đáng kể. Nhiều người muốn Giáo hội lắng nghe mọi người và đưa ra giải pháp cho mọi vấn đề của xã hội, do đó, đã nhầm lẫn vai trò của Giáo hội với vai trò của Nhà nước và chính phủ.

Lắng nghe không chỉ là lắng nghe người ta. Nó liên quan đến việc lắng nghe văn hóa địa phương với sự các năng động tính của tinh thần đồng trách nhiệm và với ý thức rằng văn hóa luôn năng động và biến triển. Giáo hội ở Châu Phi là kết quả của những nỗ lực của các nhà truyền giáo phương Tây. Giáo hội đến với việc một nền văn hóa đi vào một nền văn hóa khác. Tính đồng nghị sẽ giúp lắng nghe những thực hành văn hóa đã bị phớt lờ, lên án hoặc đàn áp bởi nền văn hóa phương Tây, qua đó Tin Mừng đã được rao giảng cho người châu Phi. Những thực hành văn hóa này, một số bị ảnh hưởng và thay đổi sâu sắc bởi văn hóa phương Tây và Kitô giáo, tiếp tục ảnh hưởng đến cách các Kitô hữu sống Tin Mừng. Do đó, chúng nên được lắng nghe để tích hợp, thanh tẩy hoặc loại bỏ một cách tập thể dựa trên sự hiểu biết rõ ràng về những đòi hỏi cấp bách của Tin Mừng.

4. Sự cần thiết phải có sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và những người gặp khó khăn về thể chất vào đời sống của Giáo hội là một trực giác khác được thể hiện mạnh mẽ trong Tài liệu.

Phụ nữ chiếm một tỷ lệ phần trăm lớn hơn trong số các tín hữu tích cực của Giáo hội. Họ thực hiện những đóng góp có ý nghĩa cho đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Nhiều người trong số họ cảm thấy họ không được dành một vị trí thỏa đáng trong các cơ cấu đưa ra quyết định của Giáo hội. Có lời kêu gọi phải tạo ra nhiều cơ hội và cơ cấu hơn để phụ nữ làm nhiều việc hơn trong Giáo hội.

Giới trẻ cũng phàn nàn rằng họ muốn được hiển thị nhiều hơn trong đời sống của Giáo hội. Một ý tưởng được cảm nhận mạnh mẽ là ý niệm ưu tiên chọn giới trẻ. Có lời kêu gọi phải thích ứng các hoạt động và cử hành của Giáo hội với các phong cách có thể thu hút và duy trì giới trẻ trong Giáo hội.

Nhu cầu tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội cũng được nêu rõ trong Tài liệu. Giáo hội nên đề phòng cách xã hội có xu hướng gạt họ sang một bên. Họ thường bị coi là không có nhiều điều để cống hiến dựa trên quan niệm sai lầm rằng đời sống của họ kém giá trị hơn những người khác. Nếu tạo được cơ hội thích hợp, họ có thể cảm thấy như ở nhà trong Giáo hội và có thể đóng góp cho sự tiến bộ và tăng trưởng của Giáo hội. Điều này đòi hỏi phải có những sáng kiến, việc đào tạo và cơ cấu đặc biệt để giúp họ có một vị trí nổi bật trong Giáo hội.

5. Rõ ràng là có những thế lực trần tục chống lại sứ mệnh của Giáo hội. Những lực lượng như vậy bao gồm các ý thức hệ và các chính sách kinh tế hoặc chính trị có hại cho các tín lý đức tin. Một số lực lượng này ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Giáo hội và gây áp lực lên các nhà thần học với ý định làm loãng nội dung đức tin. Có lời kêu gọi Giáo hội Đồng nghị tỉnh thức trước những ảnh hưởng như vậy và tiếp tục tập trung vào Lời Chúa và truyền thống vững chắc của Giáo hội.

6. Tính đồng nghị thu hút sự chú ý của mọi người đối với nhu cầu đồng trách nhiệm – làm cho việc học cách đồng hành với nhau qua lắng nghe, biện phân và đối thoại trở nên thích hợp.

Nhiều người bày tỏ quan điểm này là: các quyết định trong Giáo hội đôi khi được đưa ra mà không có đối thoại đầy đủ, nhưng tính đồng nghị đòi hỏi mọi người đều quan trọng và có trách nhiệm. Việc công nhận giá trị của mọi người trong một cộng đồng Kitô giáo đòi hỏi phải xem xét ý kiến của họ để có sự biện phân và quyết định đúng đắn.

7. Giáo hội Đồng nghị nên tìm cách cân bằng những nỗ lực của mình trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống của người dân bằng các khía cạnh tâm linh. Ý tưởng này xuất phát từ kinh nghiệm của một số người tin rằng Giáo hội dường như tập trung vào nhu cầu tinh thần của họ nhiều hơn là nhu cầu vật chất cụ thể. Giống như Chúa Giêsu cho người đói ăn, Giáo hội Đồng nghị nên học cách cân bằng giữa việc chăm sóc các vấn đề tâm linh với việc chăm sóc các vấn đề vật chất.

8. Sự nhạy cảm hóa về tính đồng nghị gắn liền với việc truyền bá tin mừng: từ hình ảnh Giáo hội như một Gia đình của Thiên Chúa, nơi những nỗ lực cần được thực hiện để đáp ứng tất cả những ai mong muốn như vậy và ngay cả những người cố tình ở bên ngoài dẫn đến trực giác cho rằng tính bao gồm nên được hài hòa với việc hoán cải, bởi vì cùng nhau bước đi trong hiệp thông, tham gia và sứ mệnh không thể tách rời khỏi việc rao giảng Tin Mừng. Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô đến tận cùng trái đất phải dựa trên nhu cầu giúp người ta từ bỏ những nếp sống cũ không phù hợp với Lời Chúa và đón nhận chân lý của Tin Mừng.

9. Cần có sự cởi mở của tất cả người Công Giáo đối với việc đào tạo liên tục. Việc hiểu Giáo hội Đồng nghị như một Giáo hội đồng hành với mọi người đòi hỏi phải đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân về ý thức mới này. Các mục tử dẫn dắt dân Chúa phải là những người đầu tiên thấm nhuần não trạng Đồng nghị và áp dụng nó vào đời sống và sứ vụ của họ. Có nhu cầu cấp thiết đối với các chương trình giáo dục và đào tạo dành cho hàng giáo sĩ và giáo dân để bắt đầu sự hoán cải cần thiết nhằm thấm nhuần nền văn hóa mới cùng nhau bước đi như một Giáo hội Đồng nghị, đặc biệt là ở bình diện Giáo hội địa phương. Việc đào tạo này nên liên quan đến việc đào tạo nhận được trong các chủng viện, để các mục tử tương lai sẵn sàng đón nhận nền văn hóa mới là cùng nhau bước đi và có được khả năng lắng nghe Thần Khí của Thiên Chúa và lắng nghe người ta.

10. Một số người cảm thấy rằng Giáo hội Đồng nghị nên bớt bảo thủ hơn và có can đảm tự kiểm điểm xem mình đã chấp nhận những ý tưởng mới ra sao. Nền văn hóa mới của Giáo hội Đồng nghị sẽ đòi hỏi rất nhiều sự cởi mở và thái độ học hỏi từ Giáo hội, để duy trì tính liên quan trong thế giới. Tuy nhiên, một số người cảm thấy Giáo hội không nên quá cởi mở với mọi ý tưởng mới vì một số ý tưởng được tri nhận là không tốt cho việc cải thiện thế giới. Trong những trường hợp như vậy, Giáo hội thậm chí phải có can đảm để đi ngược lại một số luồng tư tưởng. Phần lớn tùy thuộc tri nhận của các Kitô hữu– một số có đầy đủ hiểu biết, số khác thì kém hơn – về các lực lượng xã hội mới và mức độ theo đó, các ý tưởng thách thức quan điểm chính thức của Giáo hội có thể có điểm hợp lệ thì cần phải được biện phân một cách cởi mở và thấu đáo hơn.

11. Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương cũng được viện dẫn như một khía cạnh không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội đồng nghị.

12. Mở cửa gia đình có nghĩa là tiếp nhận những người cảm thấy bị gạt ra bên lề, ví dụ, những người có hôn nhân đa thê, ly dị và tái hôn, và cha mẹ đơn thân. Nhiều người bày tỏ mong muốn xem xét lại lập trường của Giáo hội đối với những người coi mình chính thức bị gạt ra ngoài lề xã hội do hoàn cảnh gia đình bất thường. Làm thế nào để sự cởi mở của gia đình áp dụng cho những người như vậy trong tinh thần đồng nghị, một tinh thần vốn khuyến khích Giáo hội đồng hành với tất cả các tín hữu? Và chúng ta đã bỏ qua những sắp xếp gia hộ nào?

13. Về chủ nghĩa giáo sĩ trị, có một ý thức mới cho rằng chủ nghĩa giáo sĩ trị thậm chí hiện diện cả nơi giáo dân, những người dành tin tưởng cho hoặc chấp nhận mà không thắc mắc những gì linh mục nói. Một số linh mục có thể bị buộc tội là khép kín và hống hách thế nào, thì chủ nghĩa giáo sĩ trị nhập tâm vào giáo dân cũng được coi là thúc đẩy một nền văn hóa như vậy bằng cách không thực hiện vai trò thích hợp của họ trong Giáo hội và bằng cách nhường cho các linh mục gánh vác mọi gánh nặng lãnh đạo, giảng dạy và đưa ra mọi quyết định. Sự kính trọng này bị coi là một hình thức khác của chủ nghĩa giáo sĩ trị.

14. Cần phải đào sâu những suy tư về số 35 của Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa nói về giới trẻ liên quan đến việc đồng hành thực sự và nhu cầu giúp đỡ giới trẻ và gần gũi với họ trong thời điểm quan trọng của họ để giúp họ khám phá lại giá trị của hôn nhân. Quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ trong Giáo hội bằng cách cung cấp nhiều chương trình đào tạo hơn để đào sâu đức tin của họ, cho họ tiếng nói và tạo cơ hội (thông qua những thay đổi về cấu trúc) cho phép giới trẻ mang những ý tưởng đổi mới đến Giáo hội ngày nay. Không quan tâm đến những vấn đề mà giới trẻ phải đối diện, chúng ta không thể đồng hành với nhau. Các vấn đề của giới trẻ vượt ra ngoài tôn giáo. Chúng ta cần suy nghĩ về các hệ thống chính trị và kinh tế đương thời như chủ nghĩa tư bản mới sẽ không những dẫn đến thất nghiệp mà còn dẫn đến việc cho nghỉ vì không còn cần đến nữa [redundancy] (do thiếu việc làm vì tiến bộ công nghệ).

15. Cần duy trì tinh thần đồng nghị trong Giáo hội quá Phiên họp Lục địa ở Addis Ababa. Nhiều vấn đề mang tính địa phương ở Châu Phi đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận và như vậy các vấn đề chỉ có thể được xử lý tại địa phương. Dựa trên điều này, có lời kêu gọi mỗi Giáo hội địa phương tiếp tục đào sâu kinh nghiệm về tính đồng nghị để phát triển một Giáo hội đồng nghị năng động hơn, vượt quá Phiên họp Đồng nghị của Lục địa.

16. Cống hiến sân khấu và nỗ lực có chủ ý để khắc phục việc gạt ra ngoài lề nền văn hóa của các nhóm thiểu số, đặc biệt là người dân bản địa. Nhiều chú tâm hơn đối với các vấn đề văn hóa như trong các số 55 và 56 của Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Cần phải đọc lại lịch sử của người dân bản địa và sau đó khôi phục, cổ vũ và tích hợp các thực hành văn hóa của họ vào phụng vụ. Đây là một quá trình hội nhập văn hóa thích hợp giúp tăng cường sự đa dạng, chuyển từ đa văn hóa sang liên văn hóa ở những nơi các thực hành khác nhau bổ sung và làm phong phú lẫn nhau.

17. Thâm hậu hóa số 88ff của Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa về Phụng vụ, một điều có vẻ có tính lý thuyết nhiều hơn. Diễn trình này có thể giúp làm nó thực tế hơn và nhạy cảm hơn với các khác biệt về văn hóa. Điểm nhấn mạnh ở đây là làm cho người ta tham gia tích cực hơn vào các buổi cầu nguyện phụng vụ và cộng đồng. Điều này sẽ đòi hỏi phải tiếp xúc sâu sắc với các cách thờ phượng theo văn hóa của người dân. Có lời kêu gọi làm cho Phụng vụ phù hợp với bối cảnh hơn.

18. Về mặt phụng vụ, Giáo hội nên tìm cách thực hiện khác đi, để những người đến tham dự các cử hành Phụng vụ cảm thấy họ thực sự được quan tâm và có cơ hội phát biểu bản thân và tham gia tích cực.

19. Hợp nhất Châu Phi: Có thể đặt câu hỏi và cố gắng giải quyết vấn đề mà không làm mất khả năng suy nghĩ và đạt được những gì chính chúng ta cần. Tiến hành đánh giá sâu sắc tất cả các tài liệu, chẳng hạn như Tài liệu Kampala, để chúng ta không cần tìm kiếm câu trả lời ở bên ngoài chúng ta. Ở bình diện liên đới, chúng ta còn yếu: một vấn đề ở Uganda nên là mối quan tâm của Algeria. Một Giáo hội châu Phi Đồng nghị nên có khả năng hợp nhất người châu Phi.

20. Các thẩm quyền Giáo hội cần phải tiếp xúc giới lãnh đạo chính trị của xã hội để vận động cho có một nền Quản trị và Công lý Tốt. Điều này được coi như một phần của nhiệm vụ truyền giáo là làm cho thế giới biết đến Chúa Kitô. Do đó, một Giáo hội Đồng nghị phải là một Giáo hội liên tục truyền giáo trong mọi chiều kích của hiện sinh con người.

2. Các câu hỏi hoặc vấn đề

Việc nghiên cứu kỹ Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đặt ra một số câu hỏi và vấn đề cần được làm sáng tỏ. Chúng bao gồm:

1. Chúng ta đặt để cơ chế nào để cổ vũ việc tôn trọng các nền văn hóa đa dạng?

2. Giáo hội Đồng nghị tương cảm hơn như thế nào và đâu là các phương tiện của Giáo hội để cổ vũ tình liên đới cụ thể?

3. Có sự căng thẳng giữa sự hiểu biết sâu sắc về sự thật và nguyên tắc thương xót (đặc biệt là chấp nhận sự khác biệt, quan điểm thiểu số và bất đồng chính kiến), giữa việc thuộc về Giáo hội và không sống với tư cách là thành viên đầy đủ của Giáo hội, giữa quyền tự chủ và đồng-trách nhiệm. Chúng ta đối phó với nó thế nào?

4. Tính đồng nghị đưa chúng ta đến đâu khi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người khác nhau? Há điều này không dẫn chúng ta đến dân chủ sao? Như vậy, ranh giới giữa đối thoại, lắng nghe và ra quyết định và quy tắc của đa số chỉ là một ranh giới mong manh.

5. Mọi điều chúng ta nêu ra đều quan trọng. Giáo hội địa phương sẽ sử dụng ra sao tất cả những điểm được nêu ra trong các cuộc thảo luận của chúng ta?

6. Khi lắng nghe người khác, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, đâu là tiêu chuẩn để biện phân và phán đoán?

Kết luận

Sau khi lắng nghe các Giáo hội khác và kinh nghiệm của người Châu Phi, chúng tôi coi tám điểm sau đây là những ưu tiên cấp bách và thường xuyên mà điều quan trọng là phải tiếp tục biện phân ở bình diện Giáo hội hoàn vũ. Những điểm này liên quan trực tiếp đến cách thức sống tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ mệnh của Thượng hội đồng.

1. Đào sâu tính đồng nghị Công Giáo theo các giá trị của Giáo hội là Gia đình của Thiên Chúa, nuôi dưỡng sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, dựa trên tinh thần đồng trách nhiệm, lòng hiếu khách Kinh thánh (Eph. 2:19), phẩm giá của trẻ em, phụ nữ và nam giới, và vươn tới toàn thể gia đình nhân loại và mọi tạo vật, từ các Cộng đồng Kitô hữu nhỏ cho đến bình diện Vatican.

Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa, Thánh Truyền và Huấn Quyền. Phong cách Giáo hội Đồng nghị nên được thành lập dựa trên các Truyền thống và giáo huấn của Giáo hội mà qua đó Giáo hội đã tạo ra các giá trị từng vượt qua thử thách thời gian. Tính đồng nghị phải đứng trên những giá trị như vậy để có thể có một nền tảng vững chắc có thể dẫn Giáo hội đến sự đổi mới mong muốn, ngay cả khi chúng ta dựa trên Lý lẽ và Kinh nghiệm sống của tất cả các tín hữu.

2. Các tiếng nói và giá trị của người Châu Phi nên được xem xét khi xây dựng các tín lý và giáo huấn của Giáo Hội, các giá trị như gia đình, tình liên đới, đời sống cộng đồng, đối thoại tôn kính, lòng hiếu khách và tinh thần đồng trách nhiệm.

Người Châu Phi có trách nhiệm bình đẳng đối với các tín lý và giáo huấn của Giáo hội trong sự hợp tác với các Giáo hội địa phương khác (Êphêsô 2:19). Do đó, điều tối quan trọng là kinh nghiệm và các giá trị văn hóa không ngừng phát triển của họ được xem xét và các vấn đề của họ luôn được xem xét một cách bình đẳng. Điều này sẽ giúp họ sở hữu các giáo huấn và cam kết sống thực các giáo huấn này.

3. Cam kết của Giáo hội, Gia đình Thiên Chúa (Africae Munus, 1) đối với việc giải quyết xung đột, đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân kinh tế và việc khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên ở Châu Phi, đồng thời thúc đẩy Quản trị Tốt, Công lý và Hòa bình.

Hòa bình đã trở nên quá mong manh trong thời đại của chúng ta đến nỗi đôi khi, việc bảo đảm chấm dứt xung đột là điều khó khăn vì quyền lợi bất di bất dịch của các cường quốc can thiệp. Trong những tình huống như vậy, Giáo hội Đồng nghị cần phải tham gia vào việc vận động và đàm phán cụ thể cho hòa bình, đặc biệt là giữa các quốc gia và cộng đồng đang có chiến tranh. Giáo hội Đồng nghị nên nỗ lực hơn nữa để tạo ra các cơ chế hữu hiệu nhằm tham gia tích cực vào việc kiến tạo hòa bình ở bình diện quốc tế và địa phương theo cách của Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình (Is. 9:6).

Tôn giáo cũng là một nguyên nhân gây ra xung đột ở Châu Phi. Mong muốn cổ vũ hòa bình cũng phải khiến Giáo hội cổ vũ phong trào đại kết và đối thoại liên tôn. Giáo hội Đồng nghị cần phải làm việc cùng với các cộng đồng đức tin khác trong việc thúc đẩy hòa bình và giải quyết xung đột trong việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên trái đất.

Điều rõ ràng là một trong những nguyên nhân chính của xung đột ở Châu Phi là thái độ thao túng của những người khai thác tài nguyên thiên nhiên. Giáo hội nên sát cánh với người dân và bảo đảm rằng không có việc khai thác nào mà không có sự đồng ý tự do, trước và có hiểu biết của người dân.

Giáo hội cũng nên phát huy việc quản trị tốt ở các quốc gia châu Phi, bao gồm cả việc đồng hành mục vụ với các tín hữu tham gia vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị.

4. Diễn trình đồng nghị cũng phải liên quan đến việc hội nhập văn hóa và canh tân phụng vụ để đáp ứng nguyện vọng, sự tham gia và sự phát triển chung của các tín hữu Châu Phi.

Hội nhập văn hóa giúp đức tin bén rễ trong đời sống và thực hành của người dân. Thờ phượng ở Châu Phi là một trải nghiệm không thể thiếu liên quan đến toàn bộ con người: tâm trí, tinh thần và thể xác. Những cách cử hành phụng vụ hiện tại đôi khi khiến nhiều người châu Phi không hài lòng. Một Giáo hội đồng nghị nên xem xét bản chất của người châu Phi để có một phụng vụ có tính tham gia nhiều hơn, phù hợp với thần học và tín lý phụng vụ chân chính.

5. Tính đồng nghị là cách để trở thành Giáo hội và do đó cần thiết phải đào tạo như một phương tiện để biến mô hình đồng nghị thành một mô hình mục vụ cho đời sống và thực hành của Giáo hội.

Cách hiểu mới về Giáo hội đồng nghị sẽ dẫn đến một cách hiểu mới và thực thi thẩm quyền trong Giáo hội như Chúa Giêsu (Lc 22:27). Cách hiểu mới này nhất thiết sẽ đòi hỏi việc đào tạo hàng giáo sĩ, những người thánh hiến và giáo dân trong việc thực hành sự lãnh đạo đồng nghị. Một câu ngạn ngữ châu Phi nói rằng “cây trồng phải được trồng trọt trong khi cỏ dại tự mọc lên”. Mô hình đồng nghị cần được gieo trồng trong đời sống dân Chúa. Mỗi nhóm phải sẵn sàng chào đón việc đào tạo liên tục theo cách thức đồng nghị của Giáo hội, bao gồm các giám mục, giáo sĩ, nam nữ giáo dân, giới trẻ và những người thánh hiến.

6. Tính đồng nghị phải củng cố tính phụ trợ trên mọi bình diện của đời sống Giáo hội để cổ vũ sự hòa nhập, tham gia và hiệp thông của tất cả các thành viên, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật.

Nguyên tắc phụ trợ giúp mỗi nhóm tự chủ đóng góp hạn ngạch của mình vào việc phát triển xã hội và đối phó với những thách thức mục vụ địa phương. Điều này nên áp dụng vào các hoạt động của Giáo hội đồng nghị trong tất cả các chiều kích của nó.

Phụ nữ chiếm tỷ lệ phần trăm lớn hơn trong số các tín hữu tích cực của Giáo hội. Họ tiếp tục đóng góp to lớn cho Giáo hội ở Châu Phi. Tuy nhiên, không có đủ cơ cấu để khuyến khích và tăng cường sự tham gia của họ, đặc biệt là trong các diễn trình và diễn đàn ra quyết định của Giáo hội. Theo nguyên tắc phụ trợ, Giáo hội ở Châu Phi mong muốn rằng các diễn đàn chính thức cho sự tham gia của phụ nữ trong Giáo hội được tăng cường.

Điều trên cũng đúng với những người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ lớn hơn trong dân số châu Phi. Họ có những ý tưởng sáng tạo và mong muốn thực hiện những sáng kiến trong Giáo hội và trong xã hội. Họ thường không tìm đủ không gian để thực hiện các sáng kiến của mình trong Giáo hội. Ở Châu Phi, hầu hết những người trẻ tuổi phải đối diện với quyết định khó khăn tiếp tục làm Kitô hữu trước nhiều lựa chọn cạnh tranh.

Đối với những người khuyết tật, cần phải cho họ cơ hội để cảm thấy như ở nhà trong Giáo hội. Điều này sẽ đòi hỏi phải thiết lập các cơ cấu có liên quan đến họ ở bình diện cao nhất của Giáo hội. Giáo hội không những phải lắng nghe những thách thức của giáo dân mà còn tìm cách tạo cơ hội để họ đóng góp vào đời sống của Giáo hội, dựa trên nguyên tắc phụ trợ.

7. Gia đình là một cơ cấu quan trọng trong việc cổ vũ Giáo Hội đồng nghị và đòi hỏi một việc chăm sóc mục vụ biết tập trung vào hôn nhân và gia đình và những thách thức của họ ở châu Phi ngày nay, đặc biệt là tình trạng đa thê, những người ly dị và tái hôn, làm cha mẹ đơn thân và bảo vệ trẻ em.

Ở Châu Phi, chúng ta đang phải đối diện với những thách thức của những cuộc hôn nhân tan vỡ dựa trên các tập tục truyền thống vốn khó thay đổi bằng các giá trị Kitô giáo và các nhân tố kinh tế xã hội khác, bao gồm chế độ đa thê vẫn còn bị áp đặt bởi một số điều kiện xã hội ở các xã hội Châu Phi. Ly hôn cũng đang trở thành một biến cố phổ biến. Cũng có tình trạng làm cha mẹ đơn thân tự chọn và tùy hoàn cảnh, góa bụa và chung sống. chúng tôi cũng lưu ý sự cần thiết của việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng. Những người liên quan đến những điều này vẫn muốn tiếp tục là người Công Giáo. Cần phát triển việc chăm sóc mục vụ và dạy giáo lý cho gia đình truyền giáo để có thể giúp họ sống đức tin của mình với niềm tin tưởng và niềm vui.

8. Công bằng và quản lý sinh thái phải trở thành một lối sống của Giáo hội đồng nghị.

Thay đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện sinh đối với toàn thế giới và Giáo hội không tách rời khỏi thế giới. Châu Phi chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, mặc dù nó đóng góp ít nhất vào đó. Giáo hội phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm các giải pháp và phát triển các chiến lược đổi mới để đối phó với cuộc khủng hoảng cấp bách này như một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của mình.

Để kết luận, tính đồng nghị, được thiết lập trên tình yêu, sự hòa nhập và tôn trọng đối với mọi người, đặc biệt là những người bị gạt ra bên lề xã hội, đã tạo ra một động lực mới thông qua thượng hội đồng về tính đồng nghị. Tính năng động này cần được duy trì để tính đồng nghị trở thành căn tính Kitô giáo (Ga 13:35), một cách trở thành Giáo hội từ bình diện cơ sở đến bình diện cao nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu mọi người chân thành mở lòng ra với Tin Mừng và với Chúa Thánh Thần, Đấng đã khơi dậy tính đồng nghị này như một cách thức mới của Kitô giáo trong thời đại chúng ta.

Được nhất trí thông qua bởi Phiên họp Thượng Hội đồng Lục địa Châu Phi
Addis Ababa, Ethiopia, ngày 05 tháng 3 năm 2023

Được các Đại biểu Giám mục tại Thượng hội đồng Châu Phi nhất trí thông qua
Addis Ababa, Ethiopia, 06 Tháng Ba 2023