Đối Thoại Liên Tôn, Cơ Nguy hay Cơ May?

London, 28 Tháng Năm, 2008 (Zenit.org).- Sau đây là bài diễn văn của Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, đọc vào ngày Thứ Ba vừa qua tại Trường Heythrop thuộc Viện Đại Học London, tựa là “Đối Thoại Liên Tôn, Cơ Nguy hay Cơ May?”

Ta đang phát triển trong các xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo. Nói như thế chỉ là nói một điều hiển nhiên. Vì hiện không có một xã hội nào đồng nhất về tôn giáo cả. Tại Âu Châu, từ lớp mẫu giáo trở lên, trẻ em đã chen vai sát cánh với các bạn cùng lớp thuộc đủ nguồn gốc và thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Ta sẽ không ngạc nhiên chút nào về hiện tượng ấy nếu chịu nhớ lại điều Paul Tillich từng viết: “Tôn giáo là bản thể của văn hóa” (trong Thần Học Văn Hóa, nhà xuất bản Placet, 1978, tr.92). Lịch sử không hề biết các nền văn hóa vô tôn giáo!

Con Người Đã Đủ

Ấy thế mà, tại Âu Châu từ thế kỷ 18 trở đi, người ta lại bắt đầu xác tín rằng đức tin không thể đi đôi với lý trí được. Dù vốn là một tín hữu, Descartes vẫn cứ áp dụng phương pháp hoài nghi của ông vào cả các vấn đề đức tin nữa. Cái dòng tư duy ấy sẽ hạ sinh ra nền triết lý Đại Ánh Sáng: lý trí tự mình nắm được chân lý. Các tiêu chuẩn luân lý tự nhiên, lòng khoan dung, chủ nghĩa duy thần và đối với một số người, cả chủ nghĩa vô thần nữa, sẽ dẫn người ta tới niềm tin cho rằng một mình con người đã đủ rồi. Sau tiến bộ vượt bực của khoa học (Newton qua đời năm 1727), sau việc phát triển du lịch (và cả truyền giáo nữa) cùng các khủng hoảng xã hội không được giải quyết, xem ra nhiều người cho rằng Kitô giáo, với các tín điều và giáo huấn luân lý, đã không góp phần chi vào các tiến bộ trên.

Người ta cho rằng mọi người đều thuộc cùng một gia đình nhân loại và vì có lý trí, nên họ dễ dàng nhận ra có một tôn giáo tự nhiên ở trên đời, một thứ tôn giáo bất cần tín điều và cuồng tín. Cá nhân đã đủ cho chính họ. Chẳng cần chi phải cậy nhờ vào tôn giáo để giải thích nguồn gốc con người, cũng chả cần chi chờ mong cái hạnh phúc ở cõi bên kia trái đất. Thế là họ đặt con người vào tâm điểm thế giới và siêu nhiên thể được họ loại trừ. Trên bình diện ý niệm, cái nhìn về sự vật như thế tất nhiên sẽ dẫn tới Chủ Nghĩa Duy Khoa Học (những gì lý trí nhân bản không biện minh được thẩy đếu không hiện hữu) và trên bình diện hành động, sẽ dẫn tới Cách Mạng Pháp (tổ chức xã hội không cần Thiên Chúa), vươn tới đỉnh cao trong thế kỷ 20 dưới hai hình thức toàn trị (Chủ Nghĩa Mác-xít Lê-ni-nít và ý thức hệ Đức Quốc Xã).

Hiển nhiên là Giáo Hội thách thức cái nhìn ấy và chủ trương rằng loại bỏ tôn giáo ra khỏi lý trí là chặt chân chặt tay con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Thông Điệp Fides et Ratio của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả điều ấy rất hay rằng: “Nguồn gốc mọi sự nằm nơi Thiên Chúa, trong Người, ta tìm thấy sự tròn đầy của mầu nhiệm, và trong sự tròn đầy ấy là vinh quang của Người; (mọi người chúng ta) đàn ông cũng như đàn bà đều có trách nhiệm phải dùng lý trí mà dò tìm chân lý, sự cao qúy của họ hệ ở chỗ ấy” (số 17).

Thiên Chúa Tái Xuất Hiện

Nhưng chính đấng Thiên Chúa mà ta xua đuổi trước đây ấy, nay đang tái xuất hiện trong các nói năng công cộng ngày nay. Các sạp báo đầy các sách vở và tập san nói tới các chủ đề tôn giáo, chủ nghĩa bí truyền (esotericism) và các tôn giáo mới. Có người, như Gilles Képel, nói tới “cuộc trả thù của Thiên Chúa”. Ngày nay, người không thể hiểu được thế giới mà lại không có tôn giáo. Và, đây quả là một nghịch lý vĩ đại trong hoàn cảnh hiện nay, sở dĩ như thế vì các tôn giáo bị người ta coi như một nguy cơ: cuồng tín, bảo thủ cực đoan và khủng bố nữa vốn từng và hiện vẫn còn được liên kết với một hình thức thoái hóa của Hồi Giáo. Dĩ nhiên, đại đa số tín hữu Hồi Giáo đang thực hành một tôn giáo chân thực, không ai hoài nghi chuyện đó. Nhưng trên thực tế, có người vẫn giết người vì các lý do tôn giáo (việc sát hại Tổng Giám Mục Can-đê của Mosul chẳng hạn). Tôi đọc được việc 123 Kitô hữu đã bị giết trong năm 2007 tại Iraq, Ấn Độ và Nigeria chỉ vì họ là Kitô hữu. Lý do là các tôn giáo có khả năng thực hiện những điều tốt nhất nhưng cũng không thiếu khả năng thực hiện những điều tồi tệ nhất: họ vừa phục vụ thánh thiện vừa phục vụ tha hóa. Họ giảng cả hòa bình lẫn chiến tranh. Ấy thế nhưng, luôn cần phải giải thích rằng không phải chính các tôn giáo gây chiến mà chỉ là các tín hữu của họ! Bởi thế mà một lần nữa, ta cần phải liên hợp đức tin với lý trí. Vì hành động ngược với lý trí, trên thực tế, là hành động ngược với Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói tại Viện Đại Học Regensburg ngày 12 tháng Chín năm 2006: “Lúc khởi thủy đã có Lời. […] Lời có nghĩa cả lý trí lẫn lời nói, một lý trí có tính sáng tạo và có khả năng tự thông đạt, trong tư cách lý trí. […] Một lý trí không nghe được thể thần thiêng và đẩy tôn giáo xuống hàng văn hóa phụ (subcultures) không bao giờ có khả năng bước vào cuộc đối thoại văn hóa”.

Như thế, ta đang hiện diện trong một thế giới trong đó, vì sự bất ổn vật chất và nhân bản của nó, vì các nguy cơ chiến tranh và các đe dọa của môi trường, vì sự thất bại của các hệ thống chính trị lớn trong thế kỷ vừa qua, con người của thế hệ này một lần nữa đang tự hỏi mình nhiều câu hỏi chủ yếu liên quan đến ý nghĩa của sống và chết, ý nghĩa của lịch sử và của các hậu quả do các khám phá kỳ diệu của khoa học kia đem lại. Người ta từng quên khuấy rằng con người là tạo vật duy nhất biết hỏi các câu hỏi và biết tự hỏi chính mình. Quả đáng lưu ý khi Nostra Aetate, tức Bản Tuyên Bố Của Công Đồng Vatican II về Các Tôn Giáo không phải là Kitô Giáo, đã nhấn mạnh đến khía cạnh trên trong phần dẫn nhập như sau: “Con người đang hướng về các tôn giáo khác nhau của mình để tìm ra giải đáp cho những điều khó hiểu chưa được giải quyết liên quan đến cuộc nhân sinh. Các vấn đề đang đè nặng lên trái tim con người hiện nay cũng y hệt như ngày qua. Con người là gì? Ý nghĩa và mục đích của đời người là chi?Tác phong nào đúng đắn, tác phong nào tội lỗi? Đau khổ do đâu mà có và nó nhằm mục đích chi? Hạnh phúc chân thực tìm đâu mà có?” (số 1).

Nostra Aetate

Thành ra, tất cả chúng ta đều buộc phải đối thoại. Nhưng đối thoại là gì? Đối thoại là đi tìm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai cá nhân nhằm đạt được một giải thích chung cho các thỏa hiệp hay bất đồng của họ. Nó hàm nghĩa phải có một ngôn ngữ chung, phải trung thực trong lúc trình bầy quan điểm của mình và phải có ý muốn sẽ làm hết sức để hiểu quan điểm của người kia.

Áp dụng vào cuộc đối thoại liên tôn, các giả thiết bao hàm trên làm ta dễ hiểu hơn rằng trong bối cảnh tôn giáo, đối thoại không phải là vấn đề phải “tốt bụng” để làm vui lòng người khác! Cũng không phải là vấn đề thương lượng: Tôi đã tìm được giải pháp cho vấn đề rồi và mình nên chấm dứt ở đây. Trong cuộc đối thoại liên tôn, vấn đề là phải chấp nhận rủi ro, không chấp nhận từ bỏ các xác tín của tôi nhưng để mình bị chất vấn bởi các xác tín của người khác, chấp nhận xem sét các luận điểm khác với các luận điểm của tôi hay luận điểm của cộng đồng tôi. Mọi tôn giáo, theo cách thức riêng của mình, đều cố gắng giải đáp các điều bí ẩn trong thân phận làm người. Mỗi tôn giáo đều có bản sắc riêng nhưng bản sắc này giúp tôi có khả năng biết xem sét tôn giáo của người khác. Chính từ thái độ ấy mà có đối thoại. Bản sắc, khác biệt và đối thoại luôn cùng nhịp bước.

Đức tin Kitô giáo của tôi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, “ánh sáng thật nhằm soi dẫn mọi người đã bước vào trần gian” (Ga 1:9). Nghĩa là trong mỗi một con người, ai cũng có ánh sáng Chúa Kitô. Thành thử, tất cả những gì có tính tích cực trong các tôn giáo đều không thể không có bóng. Tất cả những gì tích cực đều dự phần vào Ánh Sáng vĩ đại đang rực rỡ chiếu trên mọi thứ ánh sáng kia. Như thế, người ta hiểu rõ hơn lời nói đầu của Nostra Aetate và tài liệu “Đối Thoại Và Tuyên Xưng”: Mọi điều chân thực và thánh thiện trong mỗi tôn giáo đều được nhìn nhận, củng cố và đem đến chỗ hoàn bị trong Chúa Kitô. Luận lý của Nhập Thể là thế này: Ngôi Lời mặc lấy, thanh tẩy và vinh quang bản tính con người! Nhưng nên thận trọng: ta không nói: mọi tôn giáo đều giá trị như nhau. Mà nói: Mọi người đi tìm Thiên Chúa đều có phẩm giá như nhau!

Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn

Mục đích của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, do Đức Phaolô VI thiết lập vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1964, là để áp dụng cái nhìn trên đây, vốn phát sinh từ Bản Tuyên Bố Nostra Aetate (bản tuyên bố ngắn nhất của Công Đồng Vatican II). Hội đồng này có ba mục tiêu:

* đẩy mạnh sự hiểu biết, kính trọng và hợp tác lẫn nhau giữa người Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô Giáo;

* khuyến khích và phối hợp việc học hỏi các tôn giáo này;

* cổ vũ việc huấn luyện các nhân viên phục vụ cuộc đối thoại liên tôn.

Cần phải nhấn mạnh rằng người thủ diễn cuộc đối thoại liên tôn không phải là các chức sắc làm việc tại Hội Đồng này mà là các tín hữu giáo dân và các mục tử trong các Giáo Hội địa phương. Chúng tôi chỉ can thiệp để giúp họ ngõ hầu khuyến khích, một cách đúng đắn hợp học thuyết, các hiểu biết và hợp tác giữa các tín hữu được mời gọi đem người ta trở lại, tiến lại gần Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Người. Loại đối thoại này, trong yếu tính, vốn là một sinh hoạt tôn giáo.

Hội Đồng chúng tôi được tổ chức như sau:

* một nhóm thành viên gồm các vị hồng y và giám mục từ một số quốc gia sẽ gặp nhau trong một Hội Nghị Khoáng Đại cứ hai/ba năm họp một lần;

* một nhóm tham vấn: khoảng 30 chuyên viên đại diện nhiều miền khác nhau;

* các viên chức của Hội Đồng.

Cùng với nhau, chúng tôi cố gắng bước theo con đường đã được Đức Bênêđíctô XVI vạch ra: “khảo sát mầu nhiệm của Thiên Chúa dưới ánh sáng các truyền thống tôn giáo và khôn ngoan của mỗi chúng ta để nhận ra các giá trị có thể soi sáng cho mọi người thuộc mọi dân tộc trên thế giới, bất kể họ thuộc nền văn hóa và tôn giáo nào… Mọi truyền thống tôn giáo riêng của chúng ta đều nhấn mạnh tới tính thánh thiêng của sự sống và phẩm giá của nhân vị… Cùng với mọi người thiện tâm, ta khát vọng hòa bình. Chính vì thế tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: việc tìm tòi và đối thoại liên tôn và liên văn hóa không phải là điều muốn làm hay không tùy ý nhưng là một nhu cầu sinh tử đốivới thời đại ta” (Diễn Văn đọc trước các thành viên của Qũy Tìm Tòi và Đối Thoại Liên Tôn và Liên Văn Hóa, ngày 1 tháng Hai năm 2007).

Liên Hệ Với Hồi Giáo và Do Thái Giáo

Ta luôn luôn cần phải trở lại với Nostra Aetate nhất là các đoạn 2 và 3: “Giáo Hội Công Giáo không bác bỏ bất cứ điều gì chân thực và thánh thiện trong các tôn giáo này. Giáo hội rất kính trọng lối sống và cách hành xử, các giới luật và học thuyết, những thứ, tuy khác nhau nhiều cách so với giáo huấn riêng của mình, tuy nhiên thông thường vẫn phản ảnh một tia sự thật có thể soi dẫn mọi người. Ấy thế nhưng, Giáo Hội luôn tuyên xưng và có bổn phận buộc phải tuyên xưng một cách không sai lầm rằng Chúa Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 1:6). Nơi Người, nghĩa là nơi Thiên Chúa giao hòa mọi sự với chính Người, con người tìm được sự viên mãn cho cuộc sống tôn giáo của mình” (số 2). Và ở đây ta cần phải nhắc đến các mối liên hệ đặc biệt từng liên kết các Kitô hữu với người Hồi Giáo là những người “thờ phượng Thiên Chúa, Đấng độc nhất, hàng sống và hằng hữu, nhân từ và toàn năng… tnừg lên tiếng với con người” (số 3), cũng như các dây liên kết hiện có với người Do Thái, mà từ họ, “Giáo Hội… đã tiếp nhận được mạc khải của Cựu Ước” và Chúa Kitô cũng như các Tông Đồ xét “theo xác thịt” vốn thuộc dòng dõi họ (xem số 4).

Nhờ thế, như Thông Điệp Redemptoris Missio (ngày 7 tháng Mười Hai năm 1990) đã nói, ta sẽ hiểu rõ hơn rằng cuộc đối thoại liên tôn “không bắt nguồn từ các quan tâm có tính chiến thuật hay tư lợi” mà “được đòi hỏi bởi một lòng kính trọng sâu xa đối với mọi điều được Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu tùy Người, đã đem vào lòng mỗi một con người nhân bản”. Như thế, “nhờ đối thoại, Giáo Hội tìm cách đào xới được ‘các hạt giống Lời Chúa’, một ‘tia sáng sự thật soi dẫn mọi người’, vốn có sẵn nơi các cá nhân và các truyền thống tôn giáo của nhân loại”. Thành thử ra, “các tôn giáo tạo thành một thách thức tích cực đối với Giáo Hội: các tôn giáo này kích thích Giáo Hội vừa khám phá ra vừa thừa nhận các dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, cũng như khảo sát cách sâu sắc hơn chính bản sắc của mình và làm chứng tá cho sự viên mãn của Mạc Khải mà Giáo Hội vốn tiếp nhận cho lợi ích của mọi người” (số 56).

Từ Khoan Dung Qua Gặp Gỡ, Đối Thoại

Người ta có thể nói rằng từ lúc kết thúc Công Đồng Vatican II đến nay, người Công Giáo đã chuyển dịch từ khoan dung qua gặp gỡ để bước vào đối thoại:

* đối thoại trong cuộc sống: liên hệ láng giềng tốt với người ngoài Kitô giáo để khuyến khích việc chia sẻ vui buồn;

* đối thoại trong công ăn việc làm: hợp tác nhằm phúc lợi chung cho hai bên, nhất là những người cô đơn, nghèo khó hay đau yếu;

* đối thoại trong các trao đổi thần học giúp các nhà chuyên môn hiểu sâu sắc hơn các gia tài tôn giáo của nhau;

* Đối thoại trong linh đạo giúp đem lại các phong phú trong đời sống cầu nguyện của cả đôi bên đem lại lợi ích cho mọi người;

Bởi thế, cuộc đối thoại liên tôn động viên được mọi người đang trên đường hướng về Thiên Chúa, về Đấng Tuyệt Đối.

Các tín hữu đang thực hành cuộc đối thoại này được nhiều người biết đến. Họ là vốn qúy của xã hội. Vì các công dân gắn bó với một tôn giáo bao giờ cũng chiếm đa số, nên có cả một ‘sự kiện tôn giáo” làm chủ yếu, đến độ niềm tin tôn giáo nào cũng được thực hành ngay trong lòng xã hội. Các tín hữu hiện diện và được nhận dạng nhờ số đông, bề dầy lịch sử truyền thống, sự hiện diện hữu hình trong các định chế và nghi thức của họ. Họ được đánh giá hay bị chống đối, nhưng họ không để ai nhửng nhưng. Tất cả những điều ấy giúp các nhà lãnh đạo của họ có thể giao tiếp với tín hữu của cộng đồng khác mà không đánh mất bản sắc của họ cũng như gặp gỡ nhau mà không kình chống nhau. Các thẩm quyền dân sự chỉ cần lưu ý đến sự kiện tôn giáo, canh chừng để người ta tôn trọng cách hữu hiệu quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và chỉ can thiệp khi quyền tự do đó gây hại tới quyền tự do của những người không tin hay làm rối loạn trật tự và y tế công cộng.

Sự Đóng Góp Của Các Tôn Giáo

Nhưng một cách tích cực hơn, các nhà lãnh đạo xã hội luôn tỏ ra quan tâm đến việc khuyến khích đối thoại liên tôn và rút tỉa được từ các gia tài thiêng liêng và tinh thần của các tôn giáo các giá trị có thể góp phần vào sự hoà hợp tinh thần, vào các gặp gỡ văn hóa và vào việc củng cố ích chung. Hơn nữa, theo cách thế riêng, mọi tôn giáo đều thúc đẩy các tín hữu của mình hợp tác với tất cả những ai cố gắng:

* đảm bảo việc kính trọng nhân phẩm và các quyền căn bản của con người;

* khai triển một cảm thức huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau;

* rút tỉa cảm hứng từ cách hành xử của các cộng đồng tín hữu là những người ít nhất mỗi tuần một lần tụ họp cùng với hàng triệu những con người hết sức khác nhau nhưng cùng chung một bối cảnh thờ phượng trong một hiệp thông thiêngliêng đích thực;

* giúp con người thời nay không trở thành nô lệ cho thời trang, cho tiêu thụ và cho lợi nhuận mà thôi.

Như thế, để trả lời dứt khoát cho câu hỏi “Đối thoại tôn giáo, cơ nguy hay cơ may?”, tôi xin trả lời là cả hai!

Nếu thế, chắc các bạn sẽ hỏi tôi: “Nhưng tại sao các tôn giáo lại làm người ta sợ?”

Tôi xin thưa rằng ta không nên sợ các tôn giáo: Các tôn giáo thường chỉ rao giảng tình huynh đệ! Ta chỉ nên sợ các tín hữu của họ mà thôi. Vì chính các tín hữu này đã hủ hóa tôn giáo bằng cách bắt nó phục vụ các toan tính xấu xa. Thí dụ chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo chẳng hạn, nó quả là một hình thức hủ hóa của tôn giáo, cũng như việc biện minh cho khủng bố nhân danh các giá trị tôn giáo vậy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần có can đảm để lên án và cắt bỏ các “ung nhọt” này đi.

Các Yếu Tố Tiêu Cực

Tuy nhiên, bất hạnh thay, nhiều yếu tố khác đã góp phần khích lệ người ta sợ các tôn giáo:

* sự kiện chúng ta hay dốt nát không biết rõ nội dung các tôn giáo khác;

* sự kiện chúng ta chưa gặp gỡ tín hữu các tôn giáo khác;

* sự dè dặt của chúng ta không chịu giáp mặt với tín hữu các tôn giáo khác chỉ vì lý do đơn giản là mình không hiểu rõ chính tôn giáo của mình!

* và rồi, lẽ dĩ nhiên, các hành động bạo lực hay khủng bố nhân danh tôn giáo.

Cộng vào đó còn có các khó khăn gặp phải lúc thực hành đức tin nơi các tín hữu thuộc một nhóm thiểu số trong các quốc gia mà tôn giáo của đa số được hưởng quy chế ưu đãi do lịch sử hay luật pháp đem lại.

Để chữa trị trạng huống trên, điều cần thiết là phải:

* có một bản sắc thiêng liêng rõ rệt: biết mình tin ai và tin gì;

* coi người khác không như địch thủ mà như người đi tìm kiếm Thiên Chúa;

* đồng ý đề cập đến những điều phân rẽ ta và các giá trị liên kết ta;

Hồi Giáo Và Kitô Giáo

Ta hãy lấy trường hợp Hồi Giáo. Điều phân rẽ ta quả không thể ngụy trang được:

* mối liên hệ với Thánh Kinh của mỗi bên: đối với người Hồi Giáo, Kinh Kô-răng là “Lời Siêu Nhiên Đọc” cho tiên tri chép lại, trong khi đối với Kitô hữu, Mạc Khải không phải là một cuốn sách, mà là một Ngôi Vị;

* Ngôi Vị Chúa Giêsu được người Hồi Giáo coi chỉ như một tiên tri ngoại hạng mà thôi;

* Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi khiến người Hồi Giáo bảo rằng ta theo thuyết đa thần.

Nhưng cũng có nhiều thực tại cho thấy chúng ta liên kết với nhau và đôi khi còn hợp tác với nhau trong việc phổ biến cùng một chính nghĩa:

* niềm tin vào tính duy nhất của Thiên Chúa, Đấng dựng nên sự sống và thế giới vật chất;

* đặc tính thánh thiêng của nhân vị, từng giúp làm dễ sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các xứ Hồi Giáo với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc để ngăn cản các nghị quyết có hại cho gia đình;

* canh chừng không để các biểu tượng được coi là thánh thiêng trở thành đối tượng chế riễu nơi công cộng.

Tôi cũng xin thưa rằng một số phạm vi sinh hoạt cụ thể trong đó các Kitô hữu và người Hồi Giáo từng hợp tác cách hữu hiệu nhằm ích chung là:

* Trước hết, nhờ chứng tá bằng đời sống cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, ta nhắc nhớ cho mọi nguời thấy “con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi”. Trong thế giới của chúng ta ngày nay, điều bắt buộc là phải nhấn mạnh và chứng tỏ được sự cần thiết của cuộc sống nội tâm.

* Thứ hai, các Kitô hữu và người Hồi Giáo biết trung thành với các cam kết thiêng liêng của mình có thể giúp người ta hiểu tốt hơn rằng tự do tôn giáo không phải chỉ có nghĩa là có nhà thờ hay đền thờ riêng để sử dụng (điều này đương nhiên là phải có và tối thiểu phải có) nhưng còn là có khả năng để dự phần vào các đối thoại công cộng qua sinh hoạt văn hóa (trường học và đại học) và qua cả các trách nhiệm chính trị và xã hội nữa trong đó các tín hữu phải là những người mẫu mực.

* Cùng với nhau, Kitô hữu và người Hồi Giáo không được do dự trong việc bảo vệ tính cách thánh thiêng của sự sống con người và phẩm giá gia đình, như họ từng làm trong khuôn khổ các cuộc họp gần đây của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc.

* Họ không nên hạn chế việc kết hiệp các cố gắng chung nhằm chống lại nạn mù chữ và bệnh tật.

* Họ có trách nhiệm chung trong việc cung cấp việc huấn luyện đạo đức cho giới trẻ.

* Cuối cùng, họ phải là những người kiến tạo hòa bình và truyền dạy sư phạm hòa bình ngay trong gia đình, trong nhà thờ và đền thờ, trong trường học và trong đại học.

Trong “Thư Ngỏ” của 138 nhà lãnh đạo Hồi Giáo ngỏ cùng các nhà lãnh đạo Kitô giáo, người ta đã đúng lúc nhấn mạnh rằng Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo chiếm 55% tổng số dân số thế giới và do đó, nếu họ trung thành với tôn giáo riêng của họ, họ có thể làm được rất nhiều cho ích chung, cho hòa bình và hòa hợp trong xã hội mà họ là các thành viên.

Một bối cảnh như thế quả là thuận lợi cho việc giải quyết các “chủ đề” cổ xưa và đầy gai góc như: vấn đề nhân quyền; nguyên tắc tự do lương tâm và tôn giáo; tính cách có qua có lại liên quan đến nơi thờ phượng.

Một Gia Đình Duy Nhất

Sau cùng, điều phát sinh sợ hãi trước hết vì người ta thiếu hiểu biết người khác. Việc đầu tiên cần làm là ta phải trở nên quen thuộc lẫn nhau thì mới yêu thương nhau được! Đó lá thánh ý Thiên Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng ta được kêu gọi làm việc chung với nhau để giúp xã hội mở lòng ra đón nhận cõi siêu việt, đem lại cho Đấng Toàn Năng chỗ đứng đúng đắn của Người…” (Gặp Mặt Ông Chủ Tịch Văn Phòng Tôn Giáo Vụ, Phòng Hội Họp tại Điện Diyanet, Ankara, 28 tháng Mười Một, năm 2006).

Cuối hết, cho phép tôi nói rằng các Kitô hữu và người Hồi Giáo là sứ giả của sứ điệp hai mặt sau đây:

1. Chỉ một mình Thiên Chúa đáng được tôn thờ. Cho nên mọi ngẫu tượng do con người tạo ra (giầu có, quyền lực, dáng bề ngoài, chủ nghĩa khóai lạc) chỉ tạo nên nguy cơ cho phẩm giá con người, vốn là tạo vật của Thiên Chúa.

2. Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều chỉ thuộc một nòi giống, một gia đình duy nhất mà thôi. Tất cả mọi người đều được kêu gọi hưởng tự do và gặp gỡ Người sau khi chết.

Nếu tôi được phép nói như thế, thì các tín hữu quả là các nhà tiên tri của lòng hy vọng. Họ không tin mệnh số. Họ biết họ được Thiên Chúa ban tặng một trái tim và một trí khôn, nên, với sự giúp đỡ của Người, họ có thể thay đổi dòng lịch sử để quy hướng đời họ theo dự án của Đấng Hóa Công: nghĩa là làm cho nhân loại trở thành một gia đình đúng nghĩa trong đó mỗi người chúng ta đều là một thành viên. Dù sao, đối với Kitô hữu chúng ta, chúng ta luôn ghi nhớ lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma: “Như thế ta hãy theo đuổi điều dẫn tới hòa bình và xây dựng lẫn nhau” (14:19). Quả là một bản đồ chỉ đường tuyệt đẹp, phải không qúy bạn!

Nhưng nói thế rồi, ta phải khiêm cung một chút. Ta không giải thích Thiên Chúa! Ta phải dừng lại trước ngưỡng cửa mầu nhiệm, “Mầu nhiệm Thiên Chúa nơi con người bị nắm bắt chứ không nắm bắt, nơi họ thờ phượng chứ không lý luận, nơi họ bị chinh phục chứ không chinh phục” (Karl Rahner).