Bỏ mình để đi theo Chúa Giêsu cách trọn vẹn
(Chúa Nhật XII Thường Niên, năm C)
Trong đời sống thường ngày, có nhiều tiếng gọi. Có những tiếng gọi xuất phát từ người khác, cũng có những tiếng gọi khởi đi từ chính ta. Khi nghe và gọi người khác như thế, hẳn giữa người lên tiếng và người lắng nghe đều muốn đi vào sự hiện hữu của nhau qua tiếng gọi và lời đáp trả.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng cất tiếng gọi các môn đệ. Ngài gọi các ông không phải để nhờ các ông làm một việc gì đó cho mình, cũng không phải để thông tri với các ông một sự kiện, biến cố nào đó. Nhưng Ngài gọi các ông đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đang đi; đồng thời trao phó cho các ông sứ vụ đến với muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Con đường đó là “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đáp lại lời mời gọi và đi theo Đức Giêsu là đi vào mối tương quan của sự hiện hữu với Ngài trong nhiệm cục cứu độ.
Lời mời gọi đi theo và từ bỏ mình là hai yếu tố đặc trưng của Đức Giêsu khi gọi bất cứ ai đi theo Ngài.
1. Căn tính của Đức Giêsu
Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thường thấy những câu hỏi về danh tính của Đức Giêsu. Những câu hỏi ấy khởi đi từ Gioan Tẩy Giả (x. Lc 7,19); những người Pharisêu; dân chúng (x. Lc 7,49); và ngay cả với các môn đệ (x. Lc 8,25); cuối cùng là chính vua Hêrôđê: ông cũng muốn gặp Đức Giêsu để thoả tính hiếu tri của mình khi nghe người ta nói về Con Người lạ lùng này. Những câu hỏi của mọi người về Đức Giêsu đôi khi đã được gián tiếp trả lời.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu đã đích thân hỏi các môn đệ về những lời bàn tán của dân chúng về Ngài: “Dân chúng bảo Thầy là ai?” Khi các ông nói cho Ngài biết những nhận định của dân chúng về Ngài, nào là: một vị tiên tri vĩ đại; là Gioan Tẩy Giả; Tiên tri Êlia hoặc một tiên tri ngày xưa sống lại!
Khi nghe các môn đệ thuật lại như thế, Đức Giêsu đi đến một bước tiếp theo và trực tiếp nhắm vào các môn đệ, Ngài hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Phêrô đã nhanh nhảu thay mặt cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Như vậy, căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Một hiện thân của Thiên Chúa giữa dân của Người. Khi các môn đệ đã xác định căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, lúc đó Ngài bắt đầu lên tiếng mời gọi các ông đi theo Ngài.
2. Đức Giêsu gọi các môn đệ để làm gì và đi đâu?
Ngài gọi họ để Ngài huấn luyện họ thành những người thừa kế và trao cho họ sứ vụ là quy tụ muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng có lẽ, trước mắt các ông và trong tâm tưởng, các ông vẫn nghĩ Đức Giêsu sẽ là vua, một vị vua đánh đông dẹp bắc, một vị vua đem lại hoà bình cho dân tộc, đánh đổ chế độ đô hộ của đế quốc Rôma. Khi đã thành công, các ông chắc chắn sẽ nắm được những vị thế cao trọng trong triều đình. Nhưng chớ trêu thay, Đức Giêsu lại là một vị vua quá đỗi lạ lùng. Quả thật, hôm nay Ngài làm cho các ông ngỡ ngàng khi loan báo về một cuộc thương khó mà chính Ngài sẽ trải qua: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Khi mạc khải cho các ông như thế, Đức Giêsu âm thầm nhắc cho các môn đệ của mình biết được rằng: con đường giải thoát của Ngài là con đường tình yêu chứ không phải con đường bạo lực; con đường của tha thứ chứ không phải con đường của hận thù; con đường của từ bỏ chứ không phải con đường theo ý riêng; con đường của thương khó, tử nạn và phục sinh; con đường của bất bạo động chứ không phải con đường của quyền lực hay bạo tàn.
Tắt một lời, con đường đó chính là con đường của mầu nhiệm tự huỷ, chết cho người khác được sống và sống dồi dào. Khi Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết con đường mà Ngài sẽ đi như thế, Ngài cũng mời gọi họ bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã, đang và sẽ đi. Tuy nhiên, muốn bước đi theo Đức Giêsu trên hành trình đó, đòi hỏi người môn đệ phải có những điều kiện căn bản phù hợp với đặc tính của lời mời gọi này.
3. Điều kiện cần để đi theo Đức Giêsu
Khi mặt giáp mặt, lòng hiểu lòng, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Ai muốn theo Ta?” Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề; tự do chứ không phải ép buộc. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống theo tinh thần Tin Mừng. Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai. Con đường đó là con đường của từ bỏ: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình.” (Lc 16,24). Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do. Ai sinh ra trên trần gian này đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi. Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ta. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Nếu theo Đức Giêsu, từ bỏ nhiều thứ mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả. Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời.
Tuy nhiên, nếu chỉ có từ bỏ mình thôi thì chưa đủ. Nếu một người chỉ lo việc Chúa mà không lo chu toàn bổn phận hằng ngày của mình thì theo Chúa cách chưa trọn vẹn. Theo Chúa cách trung thành và trọn vẹn là phải bỏ ý riêng, phải chu toàn bổn phận, phải vác thập giá của mình hằng ngày mà theo nữa. Chính Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (x. Lc 9,22-23).
4. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu
Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi. Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí nhưng thứ cồng kềnh được. Những thứ đó là: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành. Cũng thế, khi chúng ta trở thành những kẻ kiêu ngạo, chúng ta dễ rơi vào sự ngộ nhận mình là “cái rốn của vũ trụ”, khi ấy Lời Chúa sẽ bị chết nghẹt vì không thể bén rễ sâu trong tâm hồn ta được.
Vì thế, khi mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.
Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý.
Trong thực tế, có rất nhiều người làm nhiều việc cho công ích xã hội và Giáo Hội. Ở đâu cần là họ sẵn sàng xả thân giúp đỡ người anh em, bất luận trời nắng hay mưa. Thế nhưng, trớ trêu thay, cũng chính những người đó, khi lo cho mọi người thì rất tốt và chu đáo, nhưng việc gia đình, bổn phận của mình thì lại là một người cẩu thả, bê bối. Có những người chỉ thích vác thánh giá cho cả làng, còn thánh giá của mình thì đặt lên vai lên cổ người khác và bắt họ vác thay. Thiết nghĩ, những người như thế, Chúa sẽ không vui, và những ai phải ở với những người đó thì thật là một khổ hình.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài. Con đường của Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp; con đường của hy sinh; con đường của khổ giá. Nhưng con đường đó đã đem lại cho Đức Giêsu một vinh dự lớn lao, để “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’” (Pl 2,5-11).
Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn bổn phận cách trung thành để chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa. Như thế, chúng ta chính là quà tặng dâng cho Thiên Chúa và trao cho mọi người.
Thiết tưởng lời nói của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi xưa cũng chính là tâm tình của mỗi chúng ta: “Trong Giáo Hội, con sẽ là tình yêu.”
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa, và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi, biết chu toàn bổn phận theo đấng bậc và vai trò của mình. Biết làm mọi việc tầm thường cách phi thường bằng con đường “tình yêu”. Amen.
(Chúa Nhật XII Thường Niên, năm C)
Trong đời sống thường ngày, có nhiều tiếng gọi. Có những tiếng gọi xuất phát từ người khác, cũng có những tiếng gọi khởi đi từ chính ta. Khi nghe và gọi người khác như thế, hẳn giữa người lên tiếng và người lắng nghe đều muốn đi vào sự hiện hữu của nhau qua tiếng gọi và lời đáp trả.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng cất tiếng gọi các môn đệ. Ngài gọi các ông không phải để nhờ các ông làm một việc gì đó cho mình, cũng không phải để thông tri với các ông một sự kiện, biến cố nào đó. Nhưng Ngài gọi các ông đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đang đi; đồng thời trao phó cho các ông sứ vụ đến với muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Con đường đó là “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đáp lại lời mời gọi và đi theo Đức Giêsu là đi vào mối tương quan của sự hiện hữu với Ngài trong nhiệm cục cứu độ.
Lời mời gọi đi theo và từ bỏ mình là hai yếu tố đặc trưng của Đức Giêsu khi gọi bất cứ ai đi theo Ngài.
1. Căn tính của Đức Giêsu
Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thường thấy những câu hỏi về danh tính của Đức Giêsu. Những câu hỏi ấy khởi đi từ Gioan Tẩy Giả (x. Lc 7,19); những người Pharisêu; dân chúng (x. Lc 7,49); và ngay cả với các môn đệ (x. Lc 8,25); cuối cùng là chính vua Hêrôđê: ông cũng muốn gặp Đức Giêsu để thoả tính hiếu tri của mình khi nghe người ta nói về Con Người lạ lùng này. Những câu hỏi của mọi người về Đức Giêsu đôi khi đã được gián tiếp trả lời.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu đã đích thân hỏi các môn đệ về những lời bàn tán của dân chúng về Ngài: “Dân chúng bảo Thầy là ai?” Khi các ông nói cho Ngài biết những nhận định của dân chúng về Ngài, nào là: một vị tiên tri vĩ đại; là Gioan Tẩy Giả; Tiên tri Êlia hoặc một tiên tri ngày xưa sống lại!
Khi nghe các môn đệ thuật lại như thế, Đức Giêsu đi đến một bước tiếp theo và trực tiếp nhắm vào các môn đệ, Ngài hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, Phêrô đã nhanh nhảu thay mặt cho anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Như vậy, căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Một hiện thân của Thiên Chúa giữa dân của Người. Khi các môn đệ đã xác định căn tính của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, lúc đó Ngài bắt đầu lên tiếng mời gọi các ông đi theo Ngài.
2. Đức Giêsu gọi các môn đệ để làm gì và đi đâu?
Ngài gọi họ để Ngài huấn luyện họ thành những người thừa kế và trao cho họ sứ vụ là quy tụ muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng có lẽ, trước mắt các ông và trong tâm tưởng, các ông vẫn nghĩ Đức Giêsu sẽ là vua, một vị vua đánh đông dẹp bắc, một vị vua đem lại hoà bình cho dân tộc, đánh đổ chế độ đô hộ của đế quốc Rôma. Khi đã thành công, các ông chắc chắn sẽ nắm được những vị thế cao trọng trong triều đình. Nhưng chớ trêu thay, Đức Giêsu lại là một vị vua quá đỗi lạ lùng. Quả thật, hôm nay Ngài làm cho các ông ngỡ ngàng khi loan báo về một cuộc thương khó mà chính Ngài sẽ trải qua: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Khi mạc khải cho các ông như thế, Đức Giêsu âm thầm nhắc cho các môn đệ của mình biết được rằng: con đường giải thoát của Ngài là con đường tình yêu chứ không phải con đường bạo lực; con đường của tha thứ chứ không phải con đường của hận thù; con đường của từ bỏ chứ không phải con đường theo ý riêng; con đường của thương khó, tử nạn và phục sinh; con đường của bất bạo động chứ không phải con đường của quyền lực hay bạo tàn.
Tắt một lời, con đường đó chính là con đường của mầu nhiệm tự huỷ, chết cho người khác được sống và sống dồi dào. Khi Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết con đường mà Ngài sẽ đi như thế, Ngài cũng mời gọi họ bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã, đang và sẽ đi. Tuy nhiên, muốn bước đi theo Đức Giêsu trên hành trình đó, đòi hỏi người môn đệ phải có những điều kiện căn bản phù hợp với đặc tính của lời mời gọi này.
3. Điều kiện cần để đi theo Đức Giêsu
Khi mặt giáp mặt, lòng hiểu lòng, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Ai muốn theo Ta?” Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề; tự do chứ không phải ép buộc. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống theo tinh thần Tin Mừng. Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai. Con đường đó là con đường của từ bỏ: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình.” (Lc 16,24). Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do. Ai sinh ra trên trần gian này đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi. Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ta. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Nếu theo Đức Giêsu, từ bỏ nhiều thứ mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả. Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời.
Tuy nhiên, nếu chỉ có từ bỏ mình thôi thì chưa đủ. Nếu một người chỉ lo việc Chúa mà không lo chu toàn bổn phận hằng ngày của mình thì theo Chúa cách chưa trọn vẹn. Theo Chúa cách trung thành và trọn vẹn là phải bỏ ý riêng, phải chu toàn bổn phận, phải vác thập giá của mình hằng ngày mà theo nữa. Chính Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (x. Lc 9,22-23).
4. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu
Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi. Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí nhưng thứ cồng kềnh được. Những thứ đó là: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành. Cũng thế, khi chúng ta trở thành những kẻ kiêu ngạo, chúng ta dễ rơi vào sự ngộ nhận mình là “cái rốn của vũ trụ”, khi ấy Lời Chúa sẽ bị chết nghẹt vì không thể bén rễ sâu trong tâm hồn ta được.
Vì thế, khi mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.
Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý.
Trong thực tế, có rất nhiều người làm nhiều việc cho công ích xã hội và Giáo Hội. Ở đâu cần là họ sẵn sàng xả thân giúp đỡ người anh em, bất luận trời nắng hay mưa. Thế nhưng, trớ trêu thay, cũng chính những người đó, khi lo cho mọi người thì rất tốt và chu đáo, nhưng việc gia đình, bổn phận của mình thì lại là một người cẩu thả, bê bối. Có những người chỉ thích vác thánh giá cho cả làng, còn thánh giá của mình thì đặt lên vai lên cổ người khác và bắt họ vác thay. Thiết nghĩ, những người như thế, Chúa sẽ không vui, và những ai phải ở với những người đó thì thật là một khổ hình.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài. Con đường của Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp; con đường của hy sinh; con đường của khổ giá. Nhưng con đường đó đã đem lại cho Đức Giêsu một vinh dự lớn lao, để “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’” (Pl 2,5-11).
Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn bổn phận cách trung thành để chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa. Như thế, chúng ta chính là quà tặng dâng cho Thiên Chúa và trao cho mọi người.
Thiết tưởng lời nói của Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu khi xưa cũng chính là tâm tình của mỗi chúng ta: “Trong Giáo Hội, con sẽ là tình yêu.”
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa, và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi, biết chu toàn bổn phận theo đấng bậc và vai trò của mình. Biết làm mọi việc tầm thường cách phi thường bằng con đường “tình yêu”. Amen.