1. Ánh sáng đức tin: đó là cách truyền thống Giáo Hội nói về hồng phúc do Chúa Giêsu mang tới. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Kitô tự nói về Người: “Ta đến như ánh sáng bước vào trần gian, để bất cứ ai tin vào Ta sẽ không còn ở trong bóng tối nữa” (Ga 12:46). Thánh Phaolô sử dụng cùng một hình ảnh: “Thiên Chúa, Đấng từng phán ‘ánh sáng hãy chiếu soi từ trong bóng tối’ đã chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2Cor 4:6). Thế giới ngoại giáo, một thế giới khao khát ánh sáng, đã nhìn thấy sự phát triển của việc tôn thờ thần mặt trời, Sol Invictus, mà họ kêu cầu mỗi ngày vào lúc bình minh. Ấy thế nhưng dù mặt trời mỗi sáng mỗi mới, rõ ràng nó vẫn không có khả năng chiếu sáng toàn bộ cuộc nhân sinh. Mặt trời không chiếu soi mọi thực tại; các tia sáng của nó không thể vào sâu trong bóng sự chết, nơi mà mắt con người không thấy ánh sáng của nó. Thánh Giustinô Tử Đạo viết rằng “Không ai sẵn sàng chết vì niềm tin của mình vào mặt trời” (1). Ý thức được chân trời mênh mông mà đức tin mở ra trước mắt họ, các Kitô hữu đã kêu cầu Chúa Giêsu như là mặt trời đích thực “với tia sáng ban sự sống” (2). Với Mácta, đang khóc thương cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu bảo: “Tôi đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa đó sao?” (Ga 11:40). Ai tin, sẽ thấy; họ thấy bằng thứ ánh sáng đang soi sáng trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh, sao mai không bao giờ lặn.

Một ánh sáng ảo?

2. Ấy thế nhưng, khi nói tới ánh sáng đức tin, ta gần như nghe được phản bác của nhiều người cùng thời với ta. Thời hiện đại, ánh sáng này bị coi chỉ đủ cho các xã hội thời xưa, nhưng vô dụng đối với thời mới, đối với một nhân loại đang thành hình, một nhân loại tự hào về tính hữu lý của mình và luôn muốn khám phá tương lai một cách mới mẻ. Do đó, đối với một số người, đức tin mang dáng dấp của một ánh sáng ảo, ngăn không cho nhân loại mạnh dạn lên đường tìm kiếm nhận thức. Nietzsche lúc còn trẻ từng khuyến khích chị mình là Elisabeth mạo hiểm, dám dẵm chân lên “những nẻo đường mới… với tất cả những điều không chắc chắn của một người phải tìm ra con đường riêng cho mình”. Ông nói thêm: “đây là nơi con đường của nhân loại bắt đầu: nếu chị muốn có bình an cho linh hồn và hạnh phúc, thì chị tin đi, nhưng nếu chị muốn theo đuổi chân lý, chị phải tìm kiếm” (3). Hình như tín ngưỡng không đi đôi với việc tìm kiếm. Từ khởi điểm này, Nietzsche sẽ khai triển việc ông phê phán Kitô Giáo đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của nhân sinh và tước bỏ khỏi đời người những mới lạ và mạo hiểm của nó. Hiểu như thế, đức tin là ảo tưởng của ánh sáng, một ảo tưởng chặn lối tiến lên tương lai của một nhân loại giải thoát.

3. Trong diễn trình ấy, đức tin bị liên kết với bóng tối. Có những người cố gắng cứu vớt đức tin bằng cách dành chỗ cho nó song song với ánh sáng lý trí. Chỗ này sẽ được mở ra bất cứ nơi nào ánh sáng lý trí không chiếu thấu, bất cứ nơi nào sự chắc chắn không thể nào có được nữa. Như thế, đức tin được hiểu như một cú nhẩy vào trong bóng tối, cần tiếp nhận lúc không có ánh sáng, bị thúc đẩy bởi xúc cảm mù quáng, hay như một ánh sáng chủ quan, có lẽ có khả năng hâm nóng tâm hồn và đem lại nguồn an ủi cho bản thân, nhưng không phải là điều có thể đề xuất cho người khác làm ánh sáng khách quan chung với khả năng dẫn đường. Tuy nhiên, từ từ nhưng chắc chắn, người ta sẽ hiểu ra rằng ánh sáng của lý trí tự lập hiển nhiên không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng, tương lai vẫn mãi là chiếc bóng và đầy sợ sệt vô minh. Thành thử, nhân loại từ bỏ cuộc đi tìm thứ ánh sáng vĩ đại, là chính Chân Lý, ngõ hầu tự bằng lòng với những ánh sáng nhỏ hơn vốn chỉ soi sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không chứng tỏ được khả năng chỉ đường. Ấy thế nhưng, vì thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; người ta không thể phân biệt thiện ra khỏi ác, hay con đường dẫn tới đích điểm của ta khỏi những con đường khác vốn làm ta lẩn quẩn trong những đường vòng bất tận, không đi tới đâu.

Một ánh sáng cần được tìm ra

4. Do đó, điều hết sức khẩn thiết là một lần nữa phải thấy rằng đức tin là ánh sáng, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin tắt đi, mọi ánh sáng khác đều bắt đầu tàn lụi. Ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi mọi khía cạnh của nhân sinh. Một ánh sáng mạnh như thế không thể phát xuất từ ta mà từ một nguồn nguyên thủy hơn: nói cho gọn, nó phải phát xuất từ Thiên Chúa. Đức tin phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi ta và mặc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào để được an toàn và xây dựng được đời ta. Khi đã được tình yêu này biến đổi, ta sẽ có được viễn kiến tươi mới, những con mắt mới để nhìn; ta sẽ hiểu ra rằng nó chứa đựng lời hứa thành tựu vĩ đại, và cả một tương lai mở ra trước mắt ta. Tiếp nhận từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, đức tin trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi, hướng dẫn cuộc hành trình của ta qua thời gian. Một đàng, nó là ánh sáng phát xuất từ quá khứ, ánh sáng ký ức nền tảng về cuộc đời Chúa Giêsu, thứ ký ức mạc khải tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, một tình yêu có khả năng chiến thắng sự chết. Ấy thế nhưng, vì Chúa Kitô đã sống lại và kéo ta ra khỏi sự chết, đức tin cũng là ánh sáng phát sinh từ tương lai và mở ra trước mắt ta những chân trời bao la dẫn ta ra khỏi những bản ngã cô lập của ta mà hướng tới cái rộng dài của hiệp thông. Ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng đức tin không nằm trong bóng râm và ảm đạm; nó là ánh sáng cho tối tăm của ta. Trong Thần Kịch, sau khi bày tỏ niềm tin của mình vào Thánh Phêrô, Dante mô tả ánh sáng này như “một đốm sáng sau đó trở nên ngọn lửa bừng bừng và như sao trời rạng sáng trong tôi” (4). Đây là thứ ánh sáng mà giờ đây tôi muốn xem sét để nó lớn lên và soi sáng hiện tại, trở thành ngôi sao rạng chiếu chân trời hành trình của ta vào một thời điểm nhân loại rất cần ánh sáng.

5. Trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Kitô bảo đảm với Thánh Phêrô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho con để đức tin của con đứng vững” (Lc 22:32). Rồi Người bảo ngài phải củng cố anh chị em mình trong cùng một đức tin ấy. Ý thức được nhiệm vụ trao phó cho Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, Đức Bênêđíctô XVI đã công bố Năm Đức Tin hiện nay, một thời gian ơn phúc giúp ta cảm nhận được niềm vui lớn của việc tin và để làm tươi mới sự bở ngỡ thán phục của ta trước các chân trời bao la được đức tin rộng mở, để rồi tuyên xưng đức tin này trong tính hợp nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với ký ức của Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện của Người và hành động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin vốn đem theo nét cao cả và thành tựu cho đời, một đức tin đặt trọng tâm vào Chúa Kitô và vào quyền năng ơn thánh của Người, vốn gợi hứng cho sứ mệnh của các Kitô hữu đầu tiên. Trong hạnh các tử đạo, ta đọc được cuộc đối thoại sau đây giữa quan tòa Rôma Rusticus và một Kitô hữu có tên Hierax: “’cha mẹ em đâu?’, quan tòa hỏi vị tử đạo. Ngài trả lời: ‘cha thật của chúng tôi là Chúa Kitô, và mẹ của chúng tôi là đức tin vào Người’” (5). Đối với các Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, hiểu như cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô, quả là “một người mẹ”, vì nó đem họ ra ánh sáng và sinh hạ họ vào sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới và một viễn kiến chói lòa về hiện sinh mà họ sẵn sàng làm chứng công khai cho tới cùng.

6. Năm Đức Tin được khai mở vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày khai mạc Công Đồng Vatican II. Tự nó đây là dấu chỉ rõ ràng: Vatican II là Công Đồng về đức tin (6), vì nó yêu cầu ta tái lập quyền tối thượng của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô làm trung tâm đời ta, cả như một Giáo Hội lẫn như những cá nhân. Giáo Hội không bao giờ coi đức tin là chuyện đương nhiên, nhưng biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần được nuôi dưỡng và tăng cường để nó có khả năng tiếp tục soi dẫn con đường lữ hành của ta. Công Đồng Vatican II giúp cho ánh sáng đức tin có khả năng chiếu soi kinh nghiệm nhân bản của ta từ bên trong, đồng hành với mọi người nam nữ của thời ta trong cuộc hành trình của họ. Công Đồng cho thấy rõ đức tin đã phong phú hóa đời sống ra sao trong mọi chiều kích của nó.

7. Trong liên tục tính với mọi điều Huấn Quyền của Giáo Hội vốn tuyên bố xưa nay về nhân đức đối thần này, các xem sét về đức tin ở đây nhằm bổ túc những điều Đức Bênêđíctô XVI từng viết trong các thông điệp của ngài về đức ái và đức cậy. Chính ngài đã gần như hoàn tất dự thảo đầu tiên của thông điệp về đức tin. Vì thế, tôi hết sức biết ơn ngài, và trong tư cách anh em của ngài trong Chúa Kitô, tôi đã tiếp nối công trình tốt đẹp của ngài và thêm một ít đóng góp của riêng tôi. Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn được mời gọi củng cố anh chị em mình trong kho tàng vô giá đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho ta làm ánh sáng dẫn đường cho nhân loại.

Trong hồng ân đức tin của Thiên Chúa, một nhân đức đầy tràn siêu nhiên, ta hiểu ra rằng một tình yêu vĩ đại đã được hiến tặng cho ta, một lời tốt đẹp đã được ngỏ với ta và khi ta chào đón lời ấy, tức Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm, Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi ta, rọi sáng con đường tương lai của ta và giúp ta hân hoan tiến bước trên đường ấy bằng đôi cánh hy vọng. Được đan kết một cách diệu kỳ như thế, đức tin, đức cậy và đức mến là lực đẩy của đời sống Kitô hữu khi nó tiến bước hướng về việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường mở rộng đức tin trước mắt ta này là con đường nào? Nguồn gốc ánh sáng mạnh mẽ vốn chiếu soi cuộc hành trình của một đời thành công và nhiều hiệu quả này là đâu?

Chương Một: Chúng ta đã tin vào tình yêu (xem 1Ga 4:16)

Ápraham, cha chúng ta trong đức tin


8. Đức tin mở đường trước mắt ta và đồng hành với ta qua thời gian. Bởi đó, muốn hiểu đức tin là gì, ta cần theo dõi đường đi của nó, con đường được các tín hữu bước đi, như đã được chứng minh đầu tiên trong Cựu Ước. Ở đây, địa vị độc đáo phải dành cho Ápraham, cha chúng ta trong đức tin. Trong đời ông, một điều gây bối rối từng đã diễn ra: Thiên Chúa lên tiếng với ông; Người tự mặc khải là Thiên Chúa, Đấng đang nói và gọi tên ông. Đức tin được nối kết với việc nghe. Ápraham không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng nghe thấy tiếng Người. Như thế, đức tin tiếp nhận khía cạnh bản vị của nó. Thiên Chúa không phải là vị thần của một nơi chốn đặc thù, hay một vị thần nối kết với một thời thánh thiêng đặc biệt nào đó, nhưng là Thiên Chúa của một con người, Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, có khả năng hành động qua lại với con người và thiết lập một giao ước với họ. Đức tin là lời đáp trả của ta đối với một lời đã đích thân nói với ta, lời đáp trả một “Ngài” (Thou) từng gọi ta đích danh.

9. Lời nói với Ápraham chứa đựng cả kêu gọi lẫn hứa hẹn. Trước nhất, đó là lời kêu gọi lìa bỏ quê hương, lời mời gọi đi tới một cuộc sống mới, khởi đầu cho một xuất hành sẽ hướng ông tới một tương lai không dự đoán được. Cái nhìn mà đức tin sẽ đem lại cho Ápraham luôn luôn được liên kết với nhu cầu phải bước cái bước đầu tiến tới này: đức tin “thấy” bao lâu nó tiến bước, bao lâu nó quyết định bước vào các chân trời do lời Thiên Chúa mở ra. Lời này cũng chứa một hứa hẹn: dòng dõi ngươi sẽ lớn lao về con số, ngươi sẽ là cha một dân tộc vĩ đại (xem St 13:16; 15:5; 22:17). Muốn đáp trả lời đã đi trước nó, đức tin của Ápraham phải luôn là một hành vi tưởng nhớ. Ấy thế nhưng việc tưởng nhớ này không cột chặt vào các biến cố quá khứ mà, vì là tưởng nhớ một lời hứa, nó phải có khả năng mở cửa tương lai, dõi ánh sáng lên con đường phải đi. Ta thấy đức tin, hiểu như việc tưởng nhớ tương lai, memoria futuri, do đó liên kết chặt chẽ với đức cậy.

10. Ápraham được yêu cầu phó thác vào lời này. Đức tin hiểu rằng điều bề ngoài xem ra phù phiếm và thoáng qua là lời nói, nhưng khi được nói ra bởi vị Thiên Chúa vốn chính là tín trung, nó trở thành tuyệt đối chắc chắn và không thể lay chuyển được, đủ bảo đảm cho tính liên tục của cuộc hành trình qua thời gian của ta. Đức tin chấp nhận lời này như tảng đá vững chắc, trên đó, ta có thể xây dựng, một đại lộ thẳng tắp trên đó ta có thể du hành. Trong Thánh Kinh, đức tin được diễn tả bằng từ Hípri ’emûnāh, do động từ ’amān có nghĩa là “duy trì” (to uphold). Hạn từ ’emûnāh chỉ cả lòng tín trung của Thiên Chúa lẫn đức tin của con người. Người có đức tin nhận được sức mạnh nhờ đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng tín trung. Vui đùa với nghĩa kép của hạn từ này, một nghĩa kép cũng tìm thấy trong hạn từ Hy Lạp pistos và hạn từ La Tinh fidelis, Thánh Cyril Thành Giêrusalem ca ngợi phẩm giá Kitô hữu, người đã nhận tên của chính Thiên Chúa: vì cả hai đều được gọi là “tín hữu” (faithful) (8). Như Thánh Augustinô từng giải thích: “con người tín trung khi họ tin vào Thiên Chúa và các lời Người hứa; Thiên Chúa tín trung khi Người ban cho con người điều Người đã hứa” (9).

11. Có một yếu tố cuối cùng trong câu truyện của Ápraham rất quan trọng để ta hiểu đức tin của ông. Dù đem lại sự mới mẻ và ngạc nhiên, lời Thiên Chúa không hề xa lạ đối với kinh nghiệm của Ápraham. Trong tiếng nói đang nói với ông, Ápraham nhận ra lời kêu gọi sâu sắc vốn luôn hiện diện tại cốt lõi hữu thể ông. Thiên Chúa cột chặt lời hứa của Người vào khía cạnh đời người luôn tỏ ra “đầy hứa hẹn” nhất, tức chức phận làm cha, sinh ra sự sống mới.: “Xara vợ ngươi sẽ mang thai cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Ixaác” (St 17:19). Thiên Chúa, Đấng yêu cầu Ápraham hoàn toàn tín thác, tự mặc khải mình là nguồn mọi sự sống. Như thế, đức tin liên kết với tình phụ tử của Thiên Chúa, một tình phụ tử phát sinh ra muôn loài; Thiên Chúa, Đấng kêu gọi Ápraham là Tạo Hóa, Đấng “kêu gọi mọi sự chưa hiện hữu bước vào hiện hữu” (Rm 4:17), Đấng “chọn ta trước khi đặt nền cho thế giới… và định cho ta được nhận làm con cái Người” (Eph. 1:4-5). Đối với Ápraham, đức tin vào Thiên Chúa dõi sáng vào nội thẳm hữu thể ông, giúp ông nhìn nhận suối nguồn sự thiện ở ngay gốc rễ mọi sự và hiểu ra rằng đời ông không phải là sản phẩm của một hư thể (non-being) hay một rủi may, mà là kết quả một lời kêu gọi có tính bản vị và một tình yêu cũng có tính bản vị. Thiên Chúa nhiệm mầu, Đấng kêu gọi ông, không phải là vị thần xa lạ, mà là Thiên Chúa, nguồn gốc và điểm tựa chính của mọi sự hiện hữu. Thử thách vĩ đại đối với đức tin của Ápraham, tức việc sát tế con trai Ixaác, cho thấy phạm vi trong đó tình yêu nguyên thủy này có khả năng đảm bảo sự sống quá bên kia sự chết. Lời từng có khả năng dựng lên một con trai cho kẻ “tệ như đã chết”, trong cảnh “cằn cỗi” của lòng dạ Xara (xem Rm 4:19), cũng có thể giữ lời hứa tương lai bất chấp mọi thử thách và nguy hiểm (xem Dt 11:19; Rm 4:21).

Đức tin của Israel

12. Lịch sử dân Israel trong Sách Xuất Hành diễn tiến theo con đường đức tin của Ápraham. Một lần nữa, đức tin phát sinh từ một ơn phúc nguyên thủy: Israel tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng hứa sẽ giải phóng dân Người khỏi cảnh khốn cùng. Đức tin trở thành lời mời gọi thực hiện cuộc hành trình lâu dài dẫn tới việc thờ phượng Chúa trên Núi Sinai và thừa hưởng đất hứa. Tình yêu Thiên Chúa được coi như tình yêu của một người cha cõng con dọc đường (xem Đnl 1:31). Việc Isarel tuyên xưng đức tin mang dáng dấp một trình thuật về những kỳ công của Thiên Chúa trong việc giải phóng dân Người và hành động như người hướng dẫn họ (xem Đnl 26:5-11), một trình thuật được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nọ. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi Israel qua việc tưởng nhớ các kỳ công đầy quyền năng của Chúa, được nhắc lại và cử hành trong thờ phượng, và được truyền tụng từ cha tới con. Ở đây, ta thấy ánh sáng đức tin đã được liên kết ra sao với những truyện sống cụ thể, với việc tưởng niệm đầy biết ơn các kỳ công đầy quyền năng của Thiên Chúa và việc từ từ nên trọn lời hứa của Người. Kiến trúc Gôtích đã nói lên điều này cách rõ ràng: tại các nhà thờ chính tòa, ánh sáng tuôn đổ từ trời xuống bằng cách xuyên qua các cửa sổ mô tả lịch sử cứu rỗi. Ánh sáng của Thiên Chúa đến với ta qua trình thuật tự tỏ mình ra của Người, và do đó trở nên có khả năng rọi sáng cho cuộc vượt qua thời gian của ta bằng việc nhắc nhớ các hồng ân của Người và việc chứng minh Người đã làm trọn các lời hứa ra sao.

13. Lịch sử Israel cũng cho ta thấy cơn cám dỗ vô tín mà dân tộc này hơn một lần sa vào. Ở đây, điều ngược với đức tin được mô tả là thờ ngẫu thần. Trong khi Môsê đang thưa chuyện cùng Thiên Chúa trên Núi Sinai, thì dân không chịu được mầu nhiệm dấu ẩn của Thiên Chúa, không chịu được thời gian chờ đợi để thấy nhan Người. Từ chính bản chất của nó, đức tin đòi người ta phải từ bỏ việc chiếm hữu tức khắc điều mà thị giác như muốn hiến dâng; nó là lời mời hướng về nguồn ánh sáng, trong khi tôn kính mầu nhiệm của một thánh nhan chỉ chịu đích thân tự tỏ lộ vào lúc thuận tiện. Martin Buber có lần đã trích dẫn câu định nghĩa do giáo sĩ Koch đề xuất về việc thờ ngẫu thần: thờ ngẫu thần là “khi một khuôn mặt ngỏ với một khuôn mặt vốn không phải là một khuôn mặt” (10). Thay vì tin vào Thiên Chúa, xem ra tốt hơn nên thờ một ngẫu thần, mà ta có thể nhìn thẳng vào mặt và biết rõ gốc gác, vì nó là sản phẩm của bàn tay ta. Đứng trước một ngẫu thần, ta không hề có nguy cơ bị kêu gọi phải từ bỏ sự an toàn của mình, vì ngẫu thần “có miệng nhưng không thể nói” (Tv 115:5). Ta bắt đầu nhận ra, ngẫu thần có đó như một cái cớ để ta tự đặt ta vào tâm điểm thực tại và thờ phượng sản phẩm của chính bàn tay ta. Một khi con người đánh mất xu hướng nền tảng vốn thống nhất hóa hiện sinh của họ, họ tự đập tan họ thành nhiều mảnh cho các thèm muốn của mình; khi từ khước không chịu chờ đợi giờ hứa hẹn, truyện đời họ đổ bể thành muôn vàn những khoảnh khắc rời rạc khác nhau. Như thế, thờ ngẫu thần luôn luôn là đa thần, vô định bước từ ông chúa này qua ông chúa nọ. Thờ ngẫu thần không đưa ra một hành trình nào mà là dư thừa những nẻo đường chẳng dẫn tới đâu và chỉ tạo nên một mê trận đồ. Những ai quyết định không đặt niềm tin nơi Thiên Chúa hẳn nghe thấy đinh tai đủ mọi thứ ngẫu thần hô hoán: “Hãy đặt tin tưởng nơi ta!”. Vốn liên kết với hồi tâm, đức tin quả đối nghịch với việc thờ ngẫu thần; nó xa lìa các ngẫu thần để hướng về Thiên Chúa hằng sống trong một gặp gỡ bản vị. Tin có nghĩa là phó thác cho một tình yêu nhân hậu luôn luôn chấp nhận và tha thứ, luôn nâng đỡ và hướng dẫn đời ta, và luôn tỏ quyền năng của mình qua khả năng làm thẳng băng mọi đường nét khúc khuỷu của lịch sử. Đức tin hệ ở việc quyết tâm để mình không ngừng được lời mời gọi của Thiên Chúa biến đổi và canh tân. Chính vì thế có sự nghịch lý này: nhờ không ngừng hướng về Thiên Chúa, ta khám phá ra con đường chắc chắn giải phóng ta khỏi cảnh tan rã mà các ngẫu thần vốn áp đặt trên ta.

14. Trong đức tin của Israel, ta cũng gặp khuôn mặt Môsê, người trung gian. Dân có thể không thấy mặt Thiên Chúa; nhưng Môsê là người nói chuyện với Giavê trên núi cao rồi nói lại cho dân biết thánh ý Chuá. Có sự hiện diện của một trung gian giữa mình, Israel học được cách cùng hành trình với nhau trong hợp nhất. Hành vi đức tin của cá nhân tìm được chỗ đứng trong cộng đoàn, trong cái “chúng tôi” chung của toàn dân, một dân mà trong đức tin giống như một con người duy nhất, “con trai đầu lòng của Ta” như Thiên Chúa từng mô tả về dân Israel (xem Xh 4:22). Ở đây, trung gian không hề là một trở ngại, nhưng là một mở đường: nhờ gặp gỡ với người khác, tầm nhìn của ta vươn tới một chân lý lớn hơn chính ta. Rousseau có lần than vãn rằng ông ta không nhìn thấy Thiên Chúa: vì “Có quá nhiều người đứng giữa Thiên Chúa và tôi” (11)… Há không đơn giản và tự nhiên hay sao nếu Thiên Chúa chịu kiếm Môsê đi nói chuyện với Jean Jacques Rousseau?"(12). Theo quan niệm cá nhân chủ nghĩa và chật hẹp về lương tâm, người ta không thể đánh giá được ý nghĩa của trung gian, đánh giá được khả năng tham dự vào viễn kiến của người khác này, cái nhận thức chung vốn là nhận thức riêng của tình yêu này. Đức tin là ơn phúc nhưng không của Thiên Chúa, một ơn đòi hỏi sự khiêm nhường và lòng can đảm để tín thác và phó thác; nó giúp ta khả năng nhìn ra con đường sáng láng dẫn tới cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và nhân loại: tức lịch sử cứu rỗi.

Sự viên mãn của Đức Tin Kitô Giáo

15. “Ápraham hân hoan được thấy ngày của Ta; ông đã thấy và đã hân hoan” (Ga 8:56). Theo những lời này của Chúa Giêsu, đức tin của Ápraham hướng về Người; theo một nghĩa nào đó, nó tiên báo mầu nhiệm của Người. Thánh Augustinô hiểu như thế khi ngài quả quyết rằng các tổ phụ đã nhờ đức tin mà được cứu rỗi, không phải đức tin vào Chúa Kitô đã đến mà vào Chúa Kitô sắp đến, một đức tin thúc đẩy hướng tới tương lai Chúa Giêsu (13). Đức tin Kitô Giáo đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô; nó là lời tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và Thiên Chúa làm Người sống lại từ cõi chết (xem Rm 10:9). Mọi sợi chỉ của Cựu Ước đều giao thoa nơi Chúa Kitô; Người trở nên lời “có” (yes) dứt khoát đối với mọi lời hứa, là căn bản tối hậu cuả lời “Amen” ta thưa với Thiên Chúa (xem 2Cor 1:20). Lịch sử của Chúa Giêsu là biểu hiện trọn vẹn của tính đáng tin nơi Thiên Chúa. Nếu Israel tiếp tục nhắc ta nhớ các hành vi yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa, những hành vi vốn tạo nên cốt lõi cho việc tuyên xưng đức tin của họ và mở rộng cái nhìn bằng đức tin của họ, thì nay, cuộc đời Chúa Giêsu là căn cứ để Thiên Chúa can thiệp dứt khoát, là biểu hiện tối cao của tình yêu Người dành cho ta. Lời mà Thiên Chúa nói với ta trong Chúa Giêsu không phải là lời trong muôn một, mà là lời trường cửu của Người (xem Dt 1:1-2). Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở ta, Thiên Chúa không thể nào ban cho ta một bảo đảm lớn hơn thế về tình yêu của Người (xem Rm 8:31-39). Như thế, đức tin Kitô Giáo là đức tin vào tình yêu hoàn hảo, vào sức mạnh có tính quyết định của tình yêu này, vào khả năng biến đổi thế giới của nó và khả năng diễn biến lịch sử của nó. “Chúng ta biết và tin tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho chúng ta” (1Ga 4:16). Trong tình yêu của Thiên Chúa, như được mạc khải nơi Giêsu, đức tin nhận ra nền tảng của mọi thực tại và số phận sau cùng của chúng.

16. Chứng cớ rõ ràng nhất cho thấy sự đáng tin của tình Chúa Kitô yêu ta tìm thấy trong việc Người chết cho ta. Nếu hy sinh mạng sống mình vì bằng hữu là chứng cớ cao cả nhất của tình yêu (xem Ga 15:13), thì Chúa Giêsu đã hiến chính mạng sống mình vì mọi người, thậm chí vì cả các kẻ thù của Người nữa, để biến đổi tâm hồn họ. Điều này giải thích tại sao các phúc âm gia coi giờ Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đỉnh cao mà mọi con mắt đức tin đều hướng lên; trong giờ ấy, chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa đã sáng lên. Chính lúc đó, Thánh Gioan đã đưa ra lời chứng long trọng của ngài, khi cùng với Mẹ Chúa Giêsu, ngài ngước nhìn lên Đấng bị đâm thâu (xem Ga 19:37): “Người thấy điều này đã làm chứng, để cả anh em nữa cũng tin. Lời chứng của người ấy chân thực, và người ấy biết mình nói sự thật” (Ga 19:35). Trong Kẻ Ngu Ngốc của Dostoevsky, ông hoàng Myskin thấy bức tranh do Hans Holbein Trẻ vẽ, diễn tả Chúa Giêsu chết trong mồ bèn nói: “Nhìn bức tranh này có thể khiến người ta mất đức tin” (14). Bức tranh này mô tả một cách khủng khiếp các hiệu quả tàn phá của cái chết trên thân xác Chúa Giêsu. Ấy thế nhưng chính nhờ chiêm ngắm cái chết của Người mà đức tin trở nên vững mạnh hơn và nhận được ánh sáng rực rỡ; rồi nó được mạc khải như là đức tin vào tình yêu bền vững của Chúa Kitô dành cho ta, một tình yêu có khả năng chấp nhận sự chết để đem cứu rỗi đến cho ta. Tình yêu này, một tình yêu không lùi bước trước sự chết ngõ hầu chứng tỏ sự sâu sắc của nó, là một điều tôi có thể tin vào; việc hoàn toàn tự hiến của Chúa Kitô vượt thắng mọi nghi ngờ và giúp tôi phó thác vào Người một cách trọn vẹn.

17. Sở dĩ cái chết của Chúa Kitô cho ta thấy tính đáng tin cậy hoàn toàn của tình yêu Thiên Chúa, trước hết, là nhờ sự phục sinh của Người. Nhờ Sống Lại, Chúa Kitô là nhân chứng đáng tin cậy, đáng được tin (xem Kh 1:5; Dt 2:17), và là sự hỗ trợ vững chắc cho đức tin của ta. “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em là vô ích” Thánh Phaolô nói như thế (1Cor 15:17). Nếu tình yêu của Chúa Cha không làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, nếu nó không có khả năng phục sinh thân xác của Người, thì nó không phải là tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, có khả năng chiếu soi cả sự u ám của cái chết. Khi Thánh Phaolô mô tả sự sống mới của ngài trong Chúa Kitô, ngài nói về “đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng yêu tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20). Rõ ràng, “Đức tin vào Con Thiên Chúa” này chỉ đức tin của Thánh Phaolô vào Chúa Giêsu, nhưng nó cũng giả thiết rằng chính Chúa Giêsu là Đấng đáng tin, dựa không những vào việc Người yêu ta cho đến chết mà còn vào tư cách Con Thiên Chúa của Người nữa. Chính vì Chúa Giêsu là Chúa Con, vì Người tuyệt đối đặt cơ sở trên Chúa Cha, nên Người có khả năng chiến thắng sự chết và làm cho tính viên mãn của sự sống sáng lên. Văn hóa của ta đã đánh mất cảm thức của nó về sự hiện diện và hoạt động có thể rờ mó được của Thiên Chúa trong thế gian. Ta nghĩ rằng phải tìm Thiên Chúa ở cõi bên kia, trên một bình diện khác của thực tại, xa rời khỏi các liên hệ hàng ngày của ta. Nhưng nếu đúng thế, nếu Thiên Chúa không hành động trong thế gian, thì tình yêu của Người không thực sự mạnh mẽ, không thực sự có thực và thậm chí không thực nữa, một tình yêu có khả năng đem lại phước hạnh như lời đã hứa. Nó sẽ không tạo được bất cứ khác biệt nào dù ta tin Người hay không. Trái lại, Kitô hữu tuyên xưng đức tin của họ vào tình yêu có thể rờ mó được và rất mạnh mẽ của Thiên Chúa, một tình yêu hành động thực sự trong lịch sử và xác định ra số phận sau cùng của lịch sử này: một tình yêu có thể được gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc khổ nạn, trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

18. Sự viên mãn mà Chúa Giêsu đem đến cho đức tin có một khía cạnh có tính quyết định nữa. Trong đức tin, Chúa Kitô không những chỉ là Đấng ta tin, là biểu hiện tối cao của tình yêu Thiên Chúa; Người còn là Đấng ta kết hợp với, chính là để tin. Đức tin không chỉ chăm chăm nhìn ngắm Chúa Giêsu, mà còn thấy sự việc như chính người thấy nữa, bằng con mắt của Người: nó là sự tham dự vào cách Người nhìn. Trong nhiều lãnh vực đời ta, ta vốn tin tưởng những người hiểu biết hơn ta. Ta tin tưởng kiến trúc sư, người xây nhà cho ta, tin tưởng dược sĩ, người cung cấp thuốc chữa bệnh cho ta, tin tưởng luật sư, người bênh vực ta trước tòa. Ta cũng cần một ai đó đáng tin cậy và nhiều hiểu biết khi liên quan tới Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng làm Thiên Chúa được ta biết đến (xem Ga 1:18). Đời sống Chúa Kitô, cách Người biết Chúa Cha và sống trong mối liên hệ hoàn toàn và thường hằng với Chúa Cha, mở ra những viễn cảnh mới và đầy mời gọi đối với kinh nghiệm nhân bản.

Đối với đức tin của ta, Thánh Gioan làm nổi bật sự quan trọng của liên hệ bản thân với Chúa Giêsu khi sử dụng nhiều hình thức khác nhau của động từ “tin”. Ngoài việc “tin rằng” điều Chúa Giêsu nói với ta là thật, Thánh Gioan còn nói tới việc “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Ta “tin” Chúa Giêsu khi ta chấp nhận lời của Người, chứng từ của Người, vì Người chân thật. Ta “tin vào” Chúa Giêsu khi ta đích thân chào đón Người vào đời ta và lên đường hướng về Người, bám lấy Người trong yêu thương và bước theo gót chân Người suốt đường dài.

Để ta có thể biết, chấp nhận và bước theo Người, Con Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm của ta. Bằng cách này, Người cũng thấy Chúa Cha theo cách nhân bản, bên trong bối cảnh một cuộc hành trình diễn tiến trong thời gian. Đức tin Kitô Giáo là đức tin vào sự nhập thể của Ngôi Lời và vào sự phục sinh thân xác của Người; nó là đức tin vào một Thiên Chúa gần gũi ta đến nỗi đã bước hẳn vào lịch sử nhân loại. Không hề ly dị ta khỏi thực tại, đức tin của ta vào Con Thiên Chúa làm người trong Chúa Giêsu Nadarét giúp ta nắm được ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại và thấy được Thiên Chúa đã yêu thương thế gian này và hằng không ngừng hướng dẫn nó về với Người xiết bao. Điều này dẫn ta, trong tư cách Kitô hữu, sống cuộc sống của ta trong thế gian này với một dấn thân và nồng nhiệt mỗi ngày một lớn hơn.

Cứu rỗi nhờ đức tin

19. Dựa trên việc tham dự vào cách Chúa Giêsu nhìn sự việc này, Thánh Phaolô để lại cho ta một mô tả về đời sống đức tin. Khi tiếp nhận hồng ân đức tin, các tín hữu trở nên tạo vật mới; họ tiếp nhận hữu thể mới; trong tư cách con cái Thiên Chúa, nay họ là “những người con trong Chúa Con”. Kiểu nói “Abba, Cha ơi” hết sức đặc thù trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu, nay trở thành cốt lõi cho kinh nghiệm Kitô hữu (xem Rm 8:15). Đời sống đức tin, hiểu như hiện sinh con thảo, là sự thừa nhận hồng ân nguyên khởi và triệt để vốn nâng đỡ đời ta. Ta thấy rõ điều này trong câu hỏi Thánh Phaolô đặt ra cho tín hữu Côrintô: “Có điều gì anh em có mà anh em đã không nhận được không?” (1Cor 4:7). Đây là điều nằm ở tâm điểm cuộc tranh luận của Thánh Phaolô với người Biệt Phái: vấn đề ta đạt được ơn cứu rỗi là nhờ đức tin hay nhờ việc làm theo luật. Thánh Phaolô bác bỏ thái độ của những người cho rằng mình nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ việc mình làm. Những người này, cho dù vâng theo các giới răn và làm nhiều việc tốt lành, chỉ đặt trọng tâm vào chính mình; họ không hiểu rằng sự thiện phát xuất từ Thiên Chúa. Những ai sống theo lối này, những ai muốn là nguồn gốc cho sự công chính của mình, sẽ thấy rằng sự công chính này chẳng bao lâu sẽ tan biến và đến cả việc tuân theo lề luật họ cũng sẽ không làm được. Họ trở nên tự đóng kín trong chính họ và tự cô lập khỏi Thiên Chúa và người khác; đời họ trở nên vô ích và việc làm của họ trở nên khô cằn, như cây xa nguồn nước. Thánh Augustinô nói với ta một cách súc tích và mạnh mẽ theo thông lệ như sau: "Ab eo qui fecit te, noli deficere nec ad te" (Đừng quay mặt khỏi Đấng tạo nên anh em, cũng như quay vào chính anh em) (15). Một khi nghĩ rằng quay mặt khỏi Thiên Chúa, tôi sẽ tìm thấy tôi, là đời tôi bắt đầu tan vỡ (xem Lc 15:11-24). Khởi đầu ơn cứu rỗi là mở lòng mình ra chào đón một điều đã có trước ta, chào đón hồng ân nguyên thủy vốn khẳng định sự sống và nâng đỡ hiện hữu của nó. Chỉ nhờ biết mở cửa chào đón và nhìn nhận hồng ân này, ta mới được biến đổi, cảm nghiệm được ơn cứu rỗi và mang lại hoa trái tốt đẹp. Cứu rỗi nhờ đức tin có nghĩa là nhìn nhận quyền tối thượng của hồng ân Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô từng nói “Bởi ơn thánh, anh em đã được cứu rỗi nhờ đức tin, chứ điều này không do việc làm của anh em; nó là hồng ân của Thiên Chúa” (Eph. 2:8).

20. Cách nhìn sự vật mới mẻ của đức tin đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô. Đức tin vào Chúa Kitô đem lại ơn cứu rỗi vì ở trong Người, đời ta hoàn toàn mở cửa đón chào một tình yêu vốn có trước ta, một tình yêu vốn biến đổi ta từ bên trong, vì nó hành động trong ta và qua ta. Điều này thấy rõ trong lối Thánh Phaolô chú giải đoạn văn của Đệ Nhị Luật, lối chú giải rất phù hợp với tâm điểm sứ điệp Cựu Ước. Môsê nói với dân rằng “Ai sẽ lên trời thay ta và mang nó về cho ta?” hay “Ai sẽ vượt biển thay ta và mang nó về cho ta?” (Đnl 30:11-14). Thánh Phaolô giải thích sự gần gũi của lời Chúa này như là sự hiện diện của Chúa Kitô trong các Kitô hữu. “Anh em đừng tự hỏi rằng ‘ai sẽ lên trời?’ ngụ ý là để đem Chúa Kitô xuống; hay ‘ai sẽ xuống vực sâu?’, ngụ ý là để đem Chúa Kitô lên từ cõi chết” (Rm 10:6-7). Chúa Kitô xuống thế và sống lại từ cõi chết; qua việc nhập thể và sống lại, Con Thiên Chúa đã ôm lấy trọn sự sống và lịch sử nhân loại, và nay đang cư ngụ trong trái tim ta qua Chúa Thánh Thần. Đức tin biết rằng Thiên Chúa tới gần ta, Chúa Kitô được ban tặng cho ta làm hồng ân biến đổi ta từ bên trong, cư ngụ trong ta và ban cho ta ánh sáng rạng soi cả nguồn gốc lẫn tận cùng đời ta.

21. Như thế, ta thấy được sự khác nhau do đức tin đem lại cho ta. Ai tin đều được biến đổi bởi tình yêu mà trái tim họ đã rộng mở chào đón bằng đức tin. Nhờ sự rộng mở chào đón tặng phẩm yêu thương nguyên thủy này, đời họ được mở rộng và được mở dài. “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). “Ước chi Chúa Kitô cư ngụ trong trái tim anh em qua đức tin” (Eph.3:17). Việc ý thức về mình của Kitô hữu nay được nới rộng nhờ sự hiện diện của một người khác; nay sống trong người khác này và do đó, đời sống tiếp nhận được cả một chiều rộng mới mẻ, trong tình yêu. Ở đây, ta thấy Chúa Thánh Thần hành động. Kitô hữu có thể thấy bằng con mắt của Chúa Giêsu và chia sẻ tâm trí Người, chia sẻ thiên hướng con thảo của Người, vì họ chia sẻ tình yêu của Người là Chúa Thánh Thần. Trong tình yêu của Chúa Giêsu, ta nhận được viễn kiến của Người cách nào đó. Không sống theo Người trong tình yêu, không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, ta không thể tuyên xưng Người là Chúa được (xem 1Cor 12:3).

Hình thức Giáo Hội của Đức Tin

22. Theo cách trên, đời sống tín hữu trở thành đời sống có tính Giáo Hội, một đời sống sống trong Giáo Hội. Khi Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma rằng mọi người tin vào Chúa Kitô làm nên một thân thể, ngài thúc giục họ đừng đánh giá quá mức việc này; đúng hơn, mọi người phải nghĩ về mình “theo mức đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho” (Rm 12:3). Người tin sẽ tiến tới chỗ nhìn mình dưới ánh sáng đức tin mà mình tuyên xưng: Chúa Kitô là tấm gương để họ thấy hình ảnh riêng của họ được thể hiện hoàn toàn. Và như Chúa Kitô đã tụ tập mọi người tin và làm họ trở nên thân thể Người thế nào, thì Kitô hữu cũng sẽ tiến tới chỗ coi mình như chi thể của thân thể này như thế, trong một mối liên hệ yếu tính với mọi tín hữu khác. Hình ảnh thân thể không hàm nghĩa rằng tín hữu chỉ là một phần của một toàn thể vô danh, chỉ là một cái răng (cog) trong cỗ máy lớn; đúng hơn, nó làm nổi sự kết hợp có tính sinh tử của Chúa Kitô với các tín hữu, và của các tín hữu với nhau (xem Rm 12:4-5). Các Kitô hữu chỉ là “một” (xem Gl 3:28), nhưng theo cách không khiến họ mất đi cá tính của họ; khi phục vụ người khác, họ đi vào mình một cách cao độ nhất. Điều này giải thích tại sao, ngoài thân thể này, ngoài sự hợp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô này, ngoài Giáo Hội mà theo lời Romano Guardini “vốn mang theo cái nhìn của Chúa Kitô về thế giới trong lòng lịch sử” (16) này, đức tin sẽ mất “mức đo” của nó; nó không còn tìm thấy thế quân bình nữa, không tìm thấy không gian cần để nâng đỡ nó nữa. Đức tin nhất thiết có tính Giáo Hội; nó được tuyên xưng trong thân thể Chúa Kitô, vốn là hiệp thông cụ thể của các tín hữu. Chính trên tấm phông Giáo Hội này, Đức Tin mở lòng từng Kitô hữu cá nhân hướng về mọi người khác. Lời Chúa Kitô, một khi đã nghe thấy, do chính sức mạnh nội tại hoạt động trong trái tim Kitô hữu của nó, sẽ trở nên lời đáp trả, một lời được nói lên, một tuyên xưng đức tin. Như chính Thánh Phaolô từng viết: “người ta tin thật trong lòng... và tuyên xưng ra ngoài miệng” (Rm 10:10). Đức tin không phải là chuyện riêng tư, một ý niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa hay một ý kiến bản thân: nó phát sinh từ việc nghe, và nó nhằm được phát biểu thành lời và được tuyên xưng. Vì “Làm sao họ tin được Đấng mà họ chưa bao giờ nghe nói tới? Và làm sao họ nghe nói nếu không có người thuyết giảng?” (Rm 10:14). Đức tin trở nên hoạt động nơi Kitô hữu là nhờ hồng ân nhận được, nhờ tình yêu lôi cuốn ta tới Chúa Kitô (xem Gl 5:6), và giúp ta tham dự vào cuộc lữ hành vĩ đại của Giáo Hội qua dòng lịch sử cho tới ngày tận thế. Đối với những ai đã được biến đổi cách này, một cách nhìn mới sẽ được mở ra, đức tin trở nên ánh sáng cho con mắt họ.



Chương Hai: Các ngươi sẽ không hiểu nếu không tin (xem Is 7:9)

Đức Tin và sự thật

23. Không tin, các ngươi sẽ không hiểu (xem Is 7:9). Bản Hy Lạp của Thánh Kinh Do Thái, tức bản dịch Bẩy Mươi, xuất bản tại Alexandria, cho rằng những lời trên được tiên tri Isaia nói với Vua Akhát. Theo cách này, vấn đề nhận thức chân lý trở nên cốt yếu đối với đức tin. Bản Hípri có hơi khác một chút; tiên tri nói với nhà vua: “không tin, ngài sẽ không lập ngôi được”. Ở đây, ta thấy có việc chơi chữ, dựa vào hai hình thức của động từ ’amān: "ngài sẽ tin" (ta’amînû) và " ngài sẽ lập được ngôi " (tē’āmēnû).

Khiếp đảm trước sức mạnh của kẻ thù, vị vua này tìm sự an toàn mà chỉ có việc liên minh với Đế Quốc hùng mạnh Assyria mới cung cấp được. Thay vào đó, tiên tri bảo ông hãy tin tưởng hoàn toàn vào tảng đá chắc chắn và bền vững là Thiên Chúa của Israel. Vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy, nên điều hữu lý là tin vào Người, bám chặt vào lời Người. Người là một với vị Thiên Chúa mà sau này Tiên Tri Isaia, hai lần trong cùng một câu, gọi là Thiên Chúa Amen, “Thiên Chúa của sự thật” (xem Is 65:16), nền tảng bền vững của lòng trung trinh giao ước. Xem ra bản Hy Lạp của Thánh Kinh, khi dịch “lập ngôi” thành “hiểu”, đã thay đổi một cách sâu xa ý nghĩa của bản văn bằng cách rời bỏ ý niệm của Thánh Kinh về sự tín thác vào Chúa để tiếp nhận ý niệm của người Hy Lạp về cái hiểu tri thức. Ấy thế nhưng, lối dịch này, tuy chắc chắn có phản ảnh cuộc đối thoại với nền văn hóa Hy Lạp, nhưng vẫn không xa lạ đối với tính tiềm ẩn trong bản văn Hípri. Vì nền tảng vững chắc mà Isaia hứa với nhà vua quả đã đặt cơ sở trên cái hiểu về hoạt động của Thiên Chúa và sự hợp nhất mà Người vốn ban cho sự sống nhân bản và lịch sử dân Người. Tiên tri thách thức nhà vua, và cả chúng ta nữa, phải hiểu đường lối Thiên Chúa, nhìn thấy kế hoạch khôn ngoan điều hướng mọi thời đại trong lòng trung trinh của Thiên Chúa. Thánh Augustinô tiếp nối việc tổng hợp các ý niệm “hiểu” và “lập ngôi" này trong cuốn Tự Thú khi ngài nói tới sự thật mà người ta có thể dựa vào để đứng vững: “Lúc đó, con sẽ được đúc và trở nên cứng cáp trong cái khuôn chân lý của Ngài” (17). Trong ngữ cảnh này, ta thấy Thánh Augustinô quan tâm tới việc chứng minh rằng sự thật đáng tin về Thiên Chúa, như Thánh Kinh chỉ rõ, chính là sự hiện diện đầy tín trung của Người qua suốt dòng lịch sử, là khả năng của Người kết hợp thời gian và mọi thời đại với nhau, và tập hợp mọi mạch tản mạn của đời ta thành một (18).

24. Đọc dưới ánh sáng này, bản văn của tiên tri dẫn ta tới một kết luận: ta cần nhận thức, ta cần sự thật, vì không có những giá trị này, ta không thể đứng vững, ta không thể tiến tới. Đức tin không có sự thật là đức tin không cứu rỗi, nó không cung cấp cho ta một thế đứng vững chắc. Nó mãi là câu truyện đẹp đẽ, một phóng chiếu các hoài mong hạnh phúc sâu xa của ta, một điều gì đó có khả năng thoả mãn ta bao lâu ta sẵn sàng tự lừa dối mình. Cả hai điều ấy, hay là bị giản lược thành một xúc cảm cao có thể đem tới ủi an và phấn khích, nhưng mãi mãi làm mồi cho những thất thường của tâm trí ta và thời tiết hay thay đổi, không hề có khả năng nâng đỡ để cuộc hành trình suốt đời bền vững. Nếu đức tin là như thế, thì Vua Akhát hẳn nhiên đúng khi không đánh cuộc đời ông và nền an ninh của vương quốc ông trên một xúc cảm. Nhưng chính vì mối liên kết nội tại của nó với sự thật, đức tin quả có khả năng đem lại ánh sáng mới, cao hơn các tính toán của nhà vua, vì ánh sáng này nhìn sâu hơn vào đường xa và biết cậy trông vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với giao ước và hứa hẹn của Người.

25. Ngày nay, hơn bao giờ hết, vì cuộc khủng hoảng sự thật trong thời đại ta, ta cần được nhắc nhớ mối liên kết giữa đức tin và sự thật. Trong nền văn hóa đương thời, ta thường có khuynh hướng chỉ coi chân lý kỹ thuật là chân lý có thực mà thôi: chân lý là điều ta thành công trong xây dựng và cân đo bằng kiến thức khoa học, chân lý là điều xuôi chẩy và làm cho cuộc sống dễ dàng và tiện nghi hơn. Ngày nay, điều này xem ra là chân lý duy nhất chắc chắn, chân lý duy nhất có thể chia sẻ, chân lý duy nhất có thể dùng làm căn bản để thảo luận hay theo đuổi các trách nhiệm chung. Ấy thế nhưng ở phía kia của cán cân, ta sẵn sàng cho phép các chân lý chủ quan của cá nhân, tức các chân lý hệ ở việc trung thành với các xác tín sâu xa nhất của họ, nhưng chỉ có giá trị cho cá nhân này mà thôi chứ không có khả năng đề xuất cho người khác, trong cố gắng phục vụ thiện ích chung. Còn chính Chân Lý, một chân lý có khả năng giải thích toàn bộ đời ta như những cá nhân hay trong xã hội, thì bị nhìn một cách ngờ vực. Đã đành, người ta bảo ta: chân lý này là thứ chân lý được các phong trào toàn trị vĩ đại của thế kỷ trước chủ trương, một chân lý chuyên áp đặt thế giới quan của nó ngõ hầu đập nát đời thực của các cá nhân. Cuối cùng, cái còn lại cho ta chỉ là chủ nghĩa duy tương đối, trong đó, vấn đề chân lý phổ quát, và tối hậu là vấn đề Thiên Chúa, sẽ chẳng còn ăn uống chi nữa. Theo quan điểm này, sẽ hợp luận lý khi ta cắt bỏ sợi dây liên kết giữa tôn giáo và chân lý, vì mối liên kết này bị nó coi là gốc rễ của chủ nghĩa cuồng tín, là chủ nghĩa tỏ ra áp chế đối với bất cứ ai không có cùng các niềm tin như mình. Tuy nhiên, về phương diện này, ta có thể nói tới một sự mất trí nhớ vĩ đại trong thế giới đương thời. Vấn đề chân lý thực sự là vấn đề trí nhớ, trí nhớ sâu sắc, vì nó bàn đến một điều gì đó có trước ta và có khả năng hợp nhất ta một cách vượt quá cả ý thức cá nhân nhỏ mọn và hữu hạn của ta. Nó là vấn đề liên quan đến nguồn gốc mọi hiện hữu mà nhờ ánh sáng của nó ta có thể hé nhìn thấy mục đích và do đó ý nghĩa con đường chung của ta.

Nhận thức chân lý và tình yêu

26. Nếu đúng như thế, thì đức tin Kitô Giáo có thể phục vụ thiện ích chung liên quan tới phương cách đúng để hiểu chân lý hay không? Để trả lời câu hỏi này, ta cần tìm hiểu: loại nhận thức nào bao hàm trong đức tin. Ở đây, câu nói của Thánh Phaolô có thể giúp ta: “ta tin bằng trái tim” (Rm 10:10). Trong Thánh Kinh, trái tim là cốt lõi của con người nhân bản, nơi mà mọi chiều kích khác nhau của họ giao thoa với nhau: thân xác và tinh thần, tính nội tâm và cởi mở với thế giới và người khác, trí hiểu, ý chí và cảm giới tính. Trái tim có khả năng giữ cho các chiều kích này hợp lại với nhau, vì nó là nơi ta mở cửa chào đón chân lý và tình yêu, nơi ta để chúng đụng đến ta và biến đổi ta cách sâu sắc. Đức tin biến đổi toàn bộ con người bao lâu họ biết mở cửa chào đón tình yêu. Nhờ sự hòa lẫn đức tin và tình yêu này, ta tiến tới chỗ nhìn ra loại nhận thức mà đức tin bao hàm, sức mạnh thuyết phúc của nhận thức này và khả năng soi sáng đường ta đi của nó. Đức tin nhận thức vì nó nối kết với tình yêu, vì tình yêu đem đến soi sáng. Cái hiểu của đức tin phát sinh khi ta nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa, một tình yêu biến đổi ta từ bên trong và giúp ta nhìn thấy thực tại bằng con mắt mới.

27. Lối giải thích của triết gia Ludwig Wittenstein về sự nối kết giữa đức tin và sự chắc chắn đáng lưu ý. Đối với Wittgenstein, đức tin có thể so sánh với cảm nghiệm si tình: nó là một điều gì có tính chủ quan không thể đề xuất thành chân lý có giá trị cho mọi người (19). Quả tình, phần lớn con người thời nay không coi tình yêu như có liên quan gì tới chân lý cả. Tình yêu bị họ coi như một kinh nghiệm có liên hệ tới thế giới cảm xúc mau qua, không còn liên hệ gì tới chân lý nữa.

Nhưng đấy có phải là mô tả thỏa đáng về tình yêu chăng? Tình yêu không thể bị giản lược thành một xúc cảm phù du. Đúng là nó mời gọi cảm xúc tính (affectivity), nhưng là để thổ lộ nó với người yêu và do đó làm sáng lên nẻo đường dẫn ta ra khỏi việc lấy mình làm trung tâm để hướng về một người khác, để xây dựng một liên hệ lâu dài; tình yêu nhằm kết hợp với người yêu. Ở đây, ta bắt đầu thấy tình yêu đòi hỏi chân lý ra sao. Chỉ bao lâu tình yêu được đặt cơ sở trên chân lý, nó mới bền vững với thời gian, nó mới vượt trên những khoảnh khắc mau qua và mới vững chắc đủ để nâng đỡ cuộc hành trình chung. Nếu tình yêu không nối kết với chân lý, nó sẽ thành mồi cho những xúc cảm phù phiếm và không thể chịu đựng được thử thách của thời gian. Một đàng, tình yêu chân thực thống nhất hóa mọi yếu tố của con người ta và trở nên ánh sáng mới chỉ đường cho ta tiến tới cuộc đời vĩ đại và thỏa đáng. Không có chân lý, tình yêu không thể thiết lập được một dây nối kết vững bền; nó không thể giải phóng cái tôi cô lập của ta hay cứu được nó khỏi những khoảnh khắc mau qua để tạo ra một sự sống và đem lại hoa trái.

Nếu tình yêu cần chân lý, thì chân lý cũng cần tình yêu. Tình yêu và chân lý không thể tách biệt nhau. Không có tình yêu, chân lý trở nên lạnh lùng, vô ngã và áp chế đối với cuộc sống hàng ngày của người ta. Chân lý được ta tìm kiếm, chân lý có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc hành trình trong đời ta, soi sáng cho ta bất cứ khi nào tình yêu đụng đến ta. Người yêu là người biết rằng tình yêu là một cảm nghiệm chân lý, nó mở mắt để ta thấy thực tại một cách mới mẻ, trong hợp nhất với người ta yêu. Theo nghĩa này, Thánh Grêgôriô Cả viết rằng "amor ipse notitia est", tình yêu chính là loại nhận thức có được nhờ chính luận lý riêng của nó (20). Nó là đường hướng tương quan trong cách nhìn thế giới, một cách nhìn sẽ trở thành một hình thức của nhận thức chung, một cách nhìn xuyên qua mắt người khác và là cách nhìn chung về mọi sự vật đang hiện hữu. Thời Trung Cổ, William of Saint-Thierry đã theo truyền thống này khi ông chú giải câu trong Sách Diễm Ca của người yêu nói với người mình yêu “mắt em là những bồ câu” (Dc 1:15) (21). William cho rằng đôi mắt đây là lý trí và tình yêu đầy đức tin, là hai điều sẽ trở nên một khi vươn tới việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa, khi cái hiểu của ta trở nên “cái hiểu của tình yêu đã thành thông sáng” (22).

28. Việc khám phá ra tình yêu như nguồn nhận thức này, vốn là thành phần của kinh nghiệm nguyên thủy nơi mọi người nam nữ, tìm được biểu thức có thế giá trong cái hiểu của Thánh Kinh về đức tin. Nhờ cảm nghiệm được tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa đã chọn họ và biến họ thành một dân tộc, Israel tiến tới chỗ hiểu được tính thống nhất toàn diện trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nhận thức của đức tin, vì phát sinh từ tình yêu giao ước của Thiên Chúa, nên là nhận thức soi sáng cho con đường lịch sử. Đó là lý do tại sao, trong Thánh Kinh, chân lý và lòng trung thành luôn đi đôi với nhau: Thiên Chúa chân thật là Thiên Chúa trung thành, Đấng luôn giữ lời hứa và làm khả hữu, với thời gian, việc hiểu biết kế hoạch của Người. Qua kinh nghiệm của các tiên tri, trong cơn đau của lưu đày và trong hy vọng một dứt khoát trở về thành thánh, Israel đã tiến tới chỗ nhìn ra rằng “chân lý” thần linh này trải rộng quá cả giới hạn của lịch sử họ, để ôm lấy trọn lịch sử thế giới, bắt đầu với sáng tạo. Nhận thức đức tin dõi sáng không những cho số phận của một dân tộc đặc thù, mà còn cả trọn lịch sử của thế giới tạo dựng, từ khởi thủy cho tới tận cùng của nó.

Đức tin như nghe và nhìn

29. Chính vì nhận thức đức tin được nối vào giao ước với Thiên Chúa tín trung, Đấng đã bước vào liên hệ yêu thương với con người và nói cho họ biết lời của Người, nên Thánh Kinh đã trình bày nhận thức này như một hình thức nghe; nó được liên kết với thính giác. Thánh Phaolô sử dụng một công thức đã thành cổ điển: fides ex auditu, "đức tin phát xuất từ việc nghe” (Rm 10:17). Nhận thức liên kết với lời nói luôn luôn là nhận thức có bản vị; nó nhận ra tiếng của người nói, tự do mở lòng ra với người này và vâng theo họ. Thánh Phaolô đã có thể nói tới việc “vâng lời của đức tin” (xem Rm 1:5; 16:26) (23). Đức tin cũng là một nhận thức nối kết với dòng thời gian, vì lời nói cần có thì giờ để nói lên, và nó là nhận thức chỉ thẩm thấu được dọc đường làm môn đệ. Do đó, kinh nghiệm nghe có thể giúp làm nổi bật một cách rõ ràng hơn sợi dây liên kết giữa nhận thức và tình yêu.

Nói về nhận thức chân lý, có những lúc nghe trở thành đối nghịch với nhìn; người ta vẫn cho rằng nhấn mạnh tới nhìn vốn là đặc điểm của văn hóa Hy Lạp. Nếu ánh sáng làm khả hữu việc chiêm ngưỡng cái toàn bộ mà con người vốn khát mong, thì nó dường như cũng không chừa một chỗ nào cho tự do, vì nó phát xuất từ trời xuống thẳng mắt ta, không đòi một đáp trả. Xem ra, nó cũng đòi một loại chiêm ngưỡng tĩnh lặng (static), cách xa thế giới của lịch sử với mọi vui buồn của nó. Từ điểm nhìn này, cái hiểu của Thánh Kinh về nhận thức xem ra có tính phản đề đối với cái hiểu của Hy Lạp, vì cái hiểu sau liên kết nhận thức vào việc nhìn trong cố gắng của nó nhằm đạt được cái hiểu toàn bộ về thực tại.

Tuy nhiên, điều được coi là phản đề trên không tương ứng với dữ kiện Thánh Kinh. Cựu Ước phối hợp cả hai loại nhận thức, vì nghe lời Thiên Chúa đi song song với ước muốn được thấy mặt Người. Như thế, cơ sở đã được thiết lập cho cuộc đối thoại với văn hóa Hy Lạp, một cuộc đối thoại hiện diện ngay tại tâm điểm của Thánh Kinh. Nghe nhấn mạnh tới ơn gọi và sự vâng lời bản thân, và sự kiện này nữa: chân lý được mặc khải trong thời gian. Nhìn cho ta một viễn kiến về toàn bộ cuộc hành trình và cho phép nó được định vị trong kế hoạch toàn diện của Thiên Chúa; không có viễn kiến này, ta chỉ còn lại những phần rời rạc của một toàn bộ không ai biết đến.

30. Mối liên kết giữa nhìn và nghe trong nhận thức đức tin được trình bày hết sức rõ ràng trong Tin Mừng Gioan. Đối với Tin Mừng Thứ Tư này, tin là cả nghe lẫn nhìn. Cái nghe của đức tin xuất hiện như một hình thức biết riêng của tình yêu: nó là cái nghe bản vị, một cái nghe biết nhận ra tiếng của Người Chăn Chiên Nhân Lành (xem Ga 10:3-5); nó là cái nghe gọi ta làm môn đệ, như trường hợp các môn đệ đầu tiên: “Nghe Người nói những điều ấy, các ông đi theo Người” (Ga 1:37). Nhưng đức tin cũng được liên kết với việc nhìn. Thấy các dấu lạ Chúa Giêsu làm đôi lúc dẫn người ta tới đức tin, như trường hợp mấy người Do Thái, nhờ theo dõi việc phục sinh Ladarô, “thấy điều Người làm, đã tin vào Người” (Ga 11:45). Ở những lúc khác, đức tin dẫn người ta tới một viễn kiến sâu sắc hơn: “nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa” (Ga 11:40). Cuối cùng, tin và nhìn giao thoa lẫn nhau: “Bất cứ ai tin tôi cũng tin vào Đấng đã sai tôi. Và bất cứ ai thấy tôi cũng sẽ thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12:44-45). Như thế, liên kết với nghe, nhìn trở thành một hình thức theo Chúa Kitô, và đức tin xuất hiện như một diễn trình chiêm ngắm, trong đó, mắt ta trở nên quen thuộc với việc nhìn vào nơi sâu thẳm. Buổi sáng Phục Sinh đã chuyển từ Gioan, người, nhờ đứng trong bóng tối ban mai trước ngôi mồ trống, “đã thấy và đã tin” (Ga 20:8) qua Maria Mađalêna, người, sau khi thấy Chúa Giêsu (xem Ga 20:14) và những muốn bám lấy Người, được yêu cầu phải chiêm ngưỡng Người vì Người lên với Chúa Cha, và cuối cùng qua việc tuyên xưng đầy đủ của bà trước các môn đệ: “tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20:18).

Làm thế nào đạt được sự tổng hợp như trên giữa nghe và nhìn? Việc ấy trở nên khả hữu qua chính con người của Chúa Kitô, Đấng ta có thể nhìn và nghe. Người là Lời thành xác phàm, mà ta được thấy vinh quang (xem Ga 1:14). Ánh sáng đức tin là ánh sáng của một gương mặt trên đó Chúa Cha được nhìn ra. Trong Tin Mừng Thứ Tư, chân lý mà đức tin đạt tới là mạc khải về Chúa Cha trong Chúa Con, trong xác phàm của Người và trong việc làm trên trần thế của Người, một chân lý có thể định nghĩa là “ánh sáng đầy sự sống” của Chúa Giêsu (24). Điều này có nghĩa: nhận thức đức tin không hướng cái nhìn chăm chăm của ta vào một sự thật chỉ có tính hướng nội. Chân lý mà đức tin tỏ lộ cho ta là một chân lý đặt trọng tâm ở cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ở việc chiêm ngắm cuộc đời của Người và ở việc ý thức được sự hiện diện của Người. Thánh Tôma Aquinô nói tới oculata fides (đức tin nhìn thấy) của các Tông Đồ khi đứng trước thân xác của Chúa Phục Sinh (25). Chính mắt các ngài nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh và các ngài đã tin; nói tóm lại, các ngài có khả năng dõi mắt vào những chỗ sâu thẳm của điều các ngài đang nhìn và tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa, đang ngự bên tay phải Thiên Chúa.

31. Chỉ bằng cách này, bằng cách mang xác phàm, chia sẻ nhân tính của ta, mà nhận thức riêng của tình yêu mới tiến tới chỗ đem lại hoa trái đầy đủ. Vì ánh sáng của tình yêu phát sinh khi trái tim ta được đánh động và ta mở lòng ra đón nhận sự hiện diện nội tại của người ta yêu mến, Đấng giúp ta có khả năng nhận ra sự mầu nhiệm của Người. Như thế, ta có thể hiểu lý do tại sao Thánh Gioan, ngoài việc nghe và nhìn, còn nói tới đức tin như là rờ mó nữa, như ngài từng viết trong Thư thứ nhất: “Điều chúng tôi từng nghe, điều chúng tôi từng nhìn tận mắt và rờ mó tận tay, đó là lời ban sự sống” (1Ga 1:1). Nhờ mang xác phàm và đến ở giữa ta, Chúa Giêsu đã đụng chạm tới ta, và nhờ các bí tích, Người tiếp tục đụng chạm tới ta cả bây giờ nữa; nhờ biến đỗi tâm hồn ta, Người không ngừng giúp ta có khả năng nhìn nhận và tung hô Người là Con Thiên Chúa. Trong đức tin, ta có thể đụng chạm Người và nhận được sức mạnh ơn thánh của Người. Thánh Augustinô, khi chú giải trình thuật về người đàn bà hoại huyết đụng tới Chúa Giêsu và được khỏi bệnh (xem Lc 8:45-46), đã viết rằng: “Đụng đến Người bằng trái tim ta: đó chính là điều chỉ đức tin” (26). Đám đông chen lấn quanh Chúa Giêsu, nhưng họ không đụng đến Người bằng cái đụng bản vị của đức tin, một cái đụng khiến ta dự cảm được mầu nhiệm Người là Chúa Con mặc khải Chúa Cha. Chỉ khi nào ta đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, ta mới nhận được đôi mắt cần có để nhìn thấy Người.

Đối thoại giữa đức tin và lý trí

32. Đức tin Kitô Giáo, nhờ công bố chân lý về tình yêu hoàn toàn của Thiên Chúa và mở lòng ta đón nhận sức mạnh của tình yêu này, là đức tin đi sâu vào cốt lõi kinh nghiệm nhân bản của ta. Mỗi người chúng ta, vì tình yêu, mà đến với ánh sáng, và mỗi người chúng ta được mời gọi yêu thương để tiếp tục ở trong ánh sáng. Vì muốn soi sáng mọi thực tại bằng tình yêu Thiên Chúa đã được tỏ hiện trong Chúa Giêsu, và tìm cách yêu thương người khác bằng cùng một tình yêu ấy, các Kitô hữu đầu tiên đã tìm thấy trong thế giới Hy Lạp, cùng với niềm khát mong chân lý của nó, còn là một đối tác lý tưởng để đối thoại nữa. Cuộc gặp gỡ của sứ điệp Tin Mừng với văn hóa triết lý của thế giới cổ thời đã chứng tỏ một bước quyết định trong việc phúc âm hóa mọi dân tộc, và kích thích cả một diễn trình hành động qua lại đầy hiệu quả giữa đức tin và lý trí, vẫn còn tiếp tục qua nhiều thế kỷ tới tận thời ta. Chân phúc Gioan Phaolô II, trong tông thư Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí), đã cho thấy đức tin và lý trí đã củng cố lẫn nhau ra sao (27). Một khi đã khám phá được ánh sáng trọn vẹn của tình yêu Chúa Kitô, ta sẽ hiểu ra rằng mỗi mối tình trong đời ta đều luôn chứa một tia sáng, và ta hiểu được đích điểm cuối cùng của nó. Sự kiện tình yêu nhân bản của ta chứa một tia sáng cũng giúp ta thấy: mọi tình yêu đều nhằm chia sẻ sự tự hiến hoàn toàn của Con Thiên Chúa vì ta ra sao. Trong chuyển động vòng cung này, ánh sáng đức tin soi chiếu mọi liên hệ nhân bản của ta, những liên hệ này sau đó được sống trong sự kết hợp mật thiết với tình yêu dịu dàng của Chúa Kitô.

33. Trong cuộc đời Thánh Augustinô, ta thấy một điển hình có ý nghĩa của diễn trình trên trong đó lý trí, với hoài mong chân lý và sự rõ ràng, đã được tích nhập vào chân trời đức tin và nhờ thế nhận được cái hiểu mới mẻ. Thánh Augustinô chấp nhận triết lý của Hy Lạp về ánh sáng, với nhấn mạnh của nó về sự quan trọng của việc nhìn. Việc ngài gặp gỡ chủ nghĩa tân Platông đã dẫn ngài vào mô hình của ánh sáng. Mô hình từ trên cao xuống để soi sáng mọi thực tại này tượng trưng cho chính Thiên Chúa. Nhờ thế, Thánh Augustinô tiến tới chỗ hiểu được tính siêu việt của Thiên Chúa và khám phá ra rằng mọi sự đều có một độ trong sáng nào đó nên chúng có thể phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa. Cái hiểu này đã giải thoát ngài khỏi thuyết Manikêan trước đó, tức thuyết khiến ngài nghĩ rằng thiện và ác luôn không ngừng tranh chấp, không ngừng lẫn lộn và đan kết với nhau. Việc hiểu Thiên Chúa là ánh sáng cung cấp cho Thánh Augustinô một định hướng mới trong đời và giúp ngài biết thừa nhận tội lệ của mình và quay về với điều thiện.

Dù sao, khoảnh khắc quyết định trên hành trình đức tin của Thánh Augustinô, như chính ngài kể trong Tự Thú, không phải là trong viễn kiến về một Thiên Chúa ở trên cao và vượt trên thế giới, mà là trong kinh nghiệm nghe. Trong một vườn kia, ngài nghe có tiếng nói với ngài: “Hãy cầm lên mà đọc”. Ngài bèn cầm quyển sách chứa các thư của Thánh Phaolô lên và bắt đầu đọc chương 13 của Thư gửi tín hữu Rôma (28). Nhờ thế, Thiên Chúa bản vị của Thánh Kinh đã tỏ hiện với ngài: một Thiên Chúa có khả năng nói với ta, xuống cư ngụ giữa ta và cùng đi cuộc hành trình qua lịch sử với ta, làm cho mình được biết đến trong diễn trình nghe và đáp trả.

Ấy thế nhưng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa biết nói không dẫn Thánh Augustinô đến chỗ từ khước ánh sáng và việc nhìn. Ngài tích nhập hai viễn tượng nghe và nhìn, không ngừng được hướng dẫn bởi mạc khải tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Nhờ thế, Thánh Augustinô khai triển được nền triết lý về ánh sáng có khả năng bao trùm cả tính hỗ tương của riêng lời và sự tự do phát sinh từ việc nhìn vào ánh sáng. Như lời đòi một đáp trả tự do thế nào, ánh sáng cũng tìm một đáp trả nơi hình ảnh nó phản chiếu như vậy. Do đó, Thánh Augustinô có thể liên kết nghe với nhìn, và nói tới “lời sáng lên từ bên trong” (29). Có thể nói, ánh sáng trở thành ánh sáng của lời, vì nó là ánh sáng của một gương mặt bản vị, một ánh sáng, trong lúc soi sáng cho ta, luôn kêu gọi ta và tìm cách được phản chiếu lên khuôn mặt ta và chiếu soi từ bên trong ta. Ấy thế nhưng lòng hoài mong được thấy toàn bộ, chứ không phải chỉ là các mảnh vụn của lịch sử, vẫn còn đó và cuối cùng sẽ được nên trọn khi, theo lời Thánh Augustinô, ta sẽ thấy và sẽ yêu (30). Không phải vì ta có khả năng chiếm hữu trọn ánh sáng, là thứ luôn bất tận, mà là vì ta trọn vẹn bước vào ánh sáng này.

34. Ánh sáng tình yêu đặc trưng của đức tin có thể chiếu sáng các vấn nạn của thời ta về chân lý. Ngày nay, chân lý thường bị giản lược vào tính chân thực (authenticity) chủ quan của cá nhân, chỉ có giá trị cho đời sống cá nhân. Chân lý chung làm ta khiếp đảm, vì ta đồng nhất nó với các đòi hỏi không khoan nhượng của các hệ thống toàn trị. Nhưng nếu chân lý là chân lý của tình yêu, nếu nó là chân lý được tỏ lộ trong cuộc gặp gỡ bản vị với Đấng Khác và những người khác, thì nó có thể được giải phóng khỏi cảnh giam hãm trong các cá nhân và trở nên thành phần của thiện ích chung. Là chân lý của tình yêu, nó không phải là loại chân lý có thể áp đặt bằng vũ lực; nó không phải là loại chân lý làm tê liệt cá nhân. Vì phát sinh từ tình yêu, nó có thể vào sâu trong trái tim, tới tận cốt lõi bản vị của mỗi người nam nữ. Như thế, rõ ràng, đức tin không bất khoan nhượng, mà lớn lên trong cuộc sống chung đầy kính trọng với người khác. Người tin không hợm hĩnh; trái lại, chân lý dẫn tới lòng khiêm nhường, vì tín hữu biết rằng chính chân lý bao trùm và chiếm hữu ta chứ ta không chiếm hữu chân lý. Không hề làm ta ra cứng ngắc, tính an toàn của đức tin đặt ta vào một cuộc hành trình; nó làm khả hữu việc làm chứng và đối thoại với mọi người. Khi đã nối kết với chân lý của tỉnh yêu, ánh sáng đức tin cũng không phải là ngoại thể đối với thế giới vật chất, vì tình yêu luôn được sống trong thân xác và tinh thần; ánh sáng đức tin là ánh sáng nhập thể tỏa ra từ cuộc đời sáng lạn của Chúa Giêsu. Ánh sáng này cũng chiếu soi thế giới vật chất, tin tưởng trật tự nội tại của nó và biết rằng nó mời gọi ta bước vào nẻo đường mỗi ngày mỗi mở rộng hơn của hòa hợp và hiểu biết. Như thế, cái nhìn của khoa học được hưởng lợi từ đức tin: đức tin khuyến khích nhà khoa học luôn cởi mở với thực tại trong mọi nét phong phú bất tận của nó. Đức tin đánh thức cảm thức phê phán qua việc ngăn cản không cho cuộc tìm kiếm của nó tự hài lòng với các công thức của riêng nó và giúp nó hiểu ra rằng thiên nhiên luôn lớn lao hơn. Nhờ kích thích lòng bỡ ngỡ trước mầu nhiệm sâu thẳm của tạo dựng, đức tin mở rộng các chân trời của lý trí để rọi một ánh sáng lớn hơn trên thế giới vốn tự bộc lộ cho cuộc tìm tòi của khoa học.

Đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa

35. Ánh sáng đức tin nơi Chúa Giêsu cũng soi sáng đường đi cho mọi người đang tìm kiếm Thiên Chúa, và thực hiện một đóng góp đặc trưng Kitô Giáo vào cuộc đối thoại với tín hữu của các tôn giáo khác. Thư Do Thái nói tới chứng tá của những người công chính, trước thời có giao ước với Ápraham, vốn đã đi tìm Thiên Chúa trong niềm tin. Về Ênốc “có lời chứng ông đã làm vui lòng Thiên Chúa” (Dt 11:5), một điều nếu không có đức tin không thể làm được, vì “bất cứ ai tới gần Thiên Chúa đều phải tin rằng Người hiện hữu và Người tưởng thưởng những ai tìm kiếm Người” (Dt 11:6). Từ điều này, ta có thể thấy: con đường của người tôn giáo đi qua việc nhìn nhận một Thiên Chúa biết quan tâm tới ta và không phải là không thể tìm ra. Đâu là phần thưởng khác mà Thiên Chúa có thể ban cho những người tìm kiếm Người nếu không phải là để Người được tìm ra? Ngay trước đó nữa, ta gặp Abel, mà đức tin được ca ngợi và cống phẩm, tức của lễ đầu mùa trong đoàn vật của ông (xem Dt 11:4), làm vui lòng Thiên Chúa. Người tôn giáo cố gắng nhìn ra các dấu chỉ của Thiên Chúa trong kinh nghiệm sống hàng ngày, trong chu kỳ bốn mùa, trong sự mầu mỡ của trái đất và trong chuyển vần của vũ trụ. Thiên Chúa là ánh sáng và những ai tìm kiếm Người bằng một tâm hồn thành thực đều có thể tìm thấy Người.

Ta có thể thấy một hình ảnh về việc tìm kiếm này nơi Ba Vua, những người đã được ngôi sao dẫn tới Bêlem (xem Mt 2:1-12). Đối với họ, ánh sáng của Thiên Chúa xuất hiện dưới dạng một hành trình phải được thực hiện, một ngôi sao dẫn họ lên đường khám phá. Ngôi sao là dấu chỉ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với đôi mắt ta; chúng cần quen dần với sự sáng láng của Người. Người tôn giáo là người đi đường xa; họ phải sẵn sàng để được hướng dẫn, để ra khỏi mình và tìm thấy vị Thiên Chúa của những ngạc nhiên trường cửu. Khía cạnh mà Thiên Chúa đóng đối với đôi mắt phàm nhân của ta này cho thấy khi tới gần Thiên Chúa, ánh sáng phàm nhân của ta không bị triệt tiêu trước tính bao la của ánh sáng Người, như vì sao bị lu mờ trước bình minh, trái lại càng gần ngọn lửa nguyên thủy này, nó càng rạng sáng hơn nữa, như gương soi phản chiếu ánh sáng vậy. Đức tin của Kitô hữu vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất, tuyên xưng rằng trọn ánh sáng của Thiên Chúa đều tập trung vào Người, vào “cuộc đời sáng lạn” của Người, một cuộc đời mạc khải cả nguồn cội lẫn cùng đích của lịch sử (31). Không một kinh nghiệm nhân bản nào, không một hành trình nào của con người hướng tới Thiên Chúa lại không thể khởi diễn, được soi sáng và thanh luyện bởi ánh sáng này. Càng dìm mình trong vòng ánh sáng của Chúa Kitô, Kitô hữu càng có khả năng hiểu biết và cùng dấn thân trên nẻo đường của mọi người nam nữ hướng về Thiên Chúa.

Vì đức tin là con đường, nó cũng liên hệ với cuộc đời mọi người nam nữ, dù chưa tin, vẫn muốn được tin và tiếp tục tìm kiếm. Bao lâu họ biết thành thật cởi mở với tình yêu và lên đường với bất cứ ánh sáng nào tìm được, họ thực sự đã ở trên con đường dẫn tới đức tin rồi, dù không biết như vậy. Họ cố gắng hành động như thể có Thiên Chúa, đôi khi vì họ hiểu tầm quan trọng của Người trong việc tìm ra chiếc la bàn chắc chắn cho cuộc sống chung hay vì họ cảm thấy một ước muốn được thấy ánh sáng trong đêm tối, nhưng cũng có thể vì nhờ nhìn thấy nét cao cả và đẹp đẽ của đời sống, họ trực giác thấy rằng sự hiện diện của Thiên Chúa đã làm mọi sự trở nên đẹp đẽ hơn. Thánh Irênê thành Lyons cho thấy Ápraham, trước khi nghe tiếng Thiên Chúa nói, đã tìm kiếm Người ra sao “bằng một ước mong bừng cháy trong lòng ông” và “đi khắp thế gian, tự hỏi mình phải tìm Thiên Chúa ở đâu”, cho đến khi “Thiên Chúa tỏ lòng xót thương ông, người đã một mình, âm thầm đi tìm Người” (32). Bất cứ ai chịu khởi hành lên đường làm điều thiện cho người khác đều đã đến gần Thiên Chúa rồi, đều đã được sự trợ giúp của Người nâng đỡ rồi, vì ánh sáng thần linh có đặc điểm làm sáng đôi mắt ta bất cứ khi nào ta chịu bước về phía tình yêu viên mãn.

Đức tin và thần học

36. Vì là ánh sáng, đức tin lôi cuốn ta hòa nhập vào nó, bằng cách mời gọi ta khám phá trọn vẹn hơn nữa chân trời được nó chiếu soi, để biết rõ hơn đối tượng của tình yêu ta. Thần học Kitô giáo phát sinh từ ước muốn này. Rõ ràng, thần học không thể khả hữu nếu không có đức tin; nó là thành phần của mọi diễn trình đức tin, là những diễn trình tìm hiểu sâu xa hơn nữa việc Thiên Chúa từ từ tự tỏ mình ra, và cao điểm là nơi Chúa Kitô. Thành thử thần học không phải chỉ là một cố gắng phân tích và tìm hiểu của lý trí phàm nhân, theo các đường hướng của khoa học thực nghiệm. Thiên Chúa không thể bị giản lược vào một đối tượng. Người là chủ thể tự làm cho mình được biết đến và được nhận diện trong một liên hệ liên bản vị. Đức tin đúng là đức tin điều hướng lý trí để nó cởi mở đối với ánh sáng phát xuất từ Thiên Chúa, để lý trí, nhờ được tình yêu của chân lý hướng dẫn, có thể đạt tới một nhận thức sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Các nhà thần học và bậc thầy vĩ đại thời Trung Cổ rất đúng khi chủ trương rằng thần học, hiểu như một khoa học về đức tin, là việc tham dự vào nhận thức Thiên Chúa về chính Người. Đây không phải là diễn từ của ta về Thiên Chúa, mà trên hết và trước hết, là chấp nhận và theo đuổi một cái hiểu sâu sắc hơn về lời Thiên Chúa từng nói với ta, lời Thiên Chúa nói về chính Người, vì Người là cuộc đối thoại trường cửu của hiệp thông, và Người cho phép ta tham dự vào cuộc đối thoại này (33). Như thế, thần học đòi phải có lòng khiêm nhường để được Thiên Chúa “đụng chạm”, bằng cách nhìn nhận các giới hạn của nó trước mầu nhiệm, trong khi vẫn tìm tòi các kho tàng bất tận của mầu nhiệm này, với một kỷ cương riêng của lý trí.

Thần học cũng tham dự vào hình thức tin của Giáo Hội; ánh sáng của nó là ánh sáng của chủ thể tin, tức Giáo Hội. Điều này, một đàng, hàm nghĩa: thần học phải phục vụ đức tin của Kitô hữu, nó phải làm việc cách khiêm nhường để bảo vệ và sâu sắc hóa đức tin của mọi người, nhất là các tín hữu bình thường. Đàng khác, vì nhận được sinh khí từ đức tin, thần học không thể coi huấn quyền của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục hiệp thông với ngài như một điều ngoại tại, một giới hạn đối với tự do của nó, mà đúng hơn phải như một trong các chiều kích nội tại và cấu thành ra nó, vì huấn quyền đảm bảo việc ta tiếp xúc được với nguồn cội nguyên thủy và do đó, sự chắc chắn sẽ đạt được lời Chúa Kitô trong mọi nét nguyên tuyền của nó.

Chương Ba: Tôi trao cho anh em điều tôi đã nhận được (xem 1 Cor 15:3)

Giáo Hội, mẹ của đức tin ta

37. Ai đã mở lòng mình cho tình yêu Thiên Chúa, nghe tiếng Người và tiếp nhận áng sáng Người, đều không thể giữ hồng ân này cho riêng mình được. Vì là nghe và nhìn, đức tin cũng đã được chuyển giao như lời và ánh sáng. Nói với tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô dùng hai hình ảnh sau đây. Một đàng, ngài nói “vì có được cùng một đức tin, như đã chép ‘tôi đã tin nên tôi mới nói’, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2Cor 4:13). Khi đã được chấp nhận, lời trở nên câu đáp trả, câu tuyên xưng đức tin, được loan truyền tới người khác và mời gọi họ tin. Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh ánh sáng: “tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh ấy” (2Cor 3:18). Đây là ánh sáng phản chiếu từ gương mặt này qua gương mặt khác, thậm chí như Môsê mang phản ảnh vinh quang Thiên Chúa sau khi được nói với Người: “Thiên Chúa cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Chúa Kitô” (2Cor 4:6). Ánh sáng Chúa Kitô chiếu sáng trên gương mặt Kitô hữu như trên một bức gương; vừa tỏa sáng, nó vừa chiếu xuống ta để cả ta nữa ta cũng tham dự vào ánh sáng này và phản chiếu nó trên gương mặt người khác, cùng một cách như trong phụng vụ Phục Sinh, ánh sáng ngọn nến phục sinh đốt sáng muôn vàn ngọn nến khác. Có thể nói: đức tin chuyền từ người này qua người nọ, y hệt ngọn nến này được thắp sáng từ ngọn nến kia. Kitô hữu trong cảnh nghèo khó của mình đã gieo được một hạt giống mầu mỡ đến nỗi lớn thành một cây vĩ đại, có khả năng làm cho thế giới đầy rẫy hoa trái của mình.

38. Việc truyền đạt đức tin không chỉ đem ánh sáng đến cho mọi người nam nữ khắp nơi; nó còn vượt qua thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ nọ. Vì phát sinh từ cuộc gặp gỡ diễn ra trong lịch sử và soi dẫn hành trình qua thời gian của ta, đức tin ở mọi thời đại cần được chuyển giao. Chính nhờ dây chuyền bất tận các chứng tá này, ta thấy được khuôn mặt của Chúa Giêsu. Nhưng chuyện ấy có thể có được như thế nào? Làm thế nào ta biết chắc mình đã gặp được “Chúa Giêsu thực” sau hàng bao thế kỷ?Nếu ta chỉ là những cá nhân cô lập, nếu khởi điểm của ta chỉ là cái tôi cá nhân của ta tự tìm trong mình căn bản cho nhận thức tuyệt đối chắc chắn, thì sự chắc chắn loại này không thể nào có được. Tôi không thể nào chứng thực cho tôi một điều đã xẩy ra rất lâu trước đây. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất để ta đạt được nhận thức. Con người luôn sống trong liên hệ. Ta phát sinh từ người khác, ta thuộc về người khác, và đời ta được mở rộng nhờ gặp gỡ với người khác. Thậm chí, nhận thức và việc tự ý thức của ta cũng có tính tương quan; chúng được liên kết với người khác vốn đã đi trước ta: trước nhất là cha mẹ ta, những người đã đem đến cho ta sự sống và tên tuổi. Chính ngôn ngữ, những ngôn từ nhờ đó ta làm cho đời ta và thế giới quanh ta có ý nghĩa, cũng đã đến với ta từ những người khác, được gìn giữ trong ký ức sống động của người khác. Việc biết mình cũng chỉ có thể có được khi ta tham dự vào một ký ức chung lớn hơn. Với đức tin cũng thế; nó đem cái hiểu nhân bản đến chỗ viên mãn. Quá khứ của đức tin, tức hành vi yêu thương của Chúa Giêsu từng đem sự sống mới cho thế gian, cũng đã đến với chúng ta qua ký ức của những người khác, các chứng nhân, và được giữ cho sống động trong chủ thể tưởng niệm duy nhất là Giáo Hội. Giáo Hội là một Bà Mẹ dạy ta nói ngôn ngữ đức tin. Thánh Gioan làm nổi bật điều này trong Tin Mừng của ngài bằng cách kết hợp chặt chẽ đức tin và ký ức và liên kết chúng với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng, theo lời Chúa Giêsu, “sẽ nhắc các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14:26). Tình yêu, vốn là Chúa Thánh Thần và đang cư ngụ trong Giáo Hội, hợp nhất mọi thời và làm chúng ta trở nên người đồng thời với Chúa Giêsu, nhờ thế luôn hướng dẫn ta dọc dài qua cuộc hành trình đức tin của ta.

39. Ta không thể tự mình tin được. Đức tin không đơn giản là quyết định cá nhân diễn ra trong thẳm sâu tâm hồn tín hữu, cũng không phải là một liên hệ hoàn toàn tư riêng giữa cái “Tôi” của tín hữu và cái “Ngài” của Thiên Chúa, giữa chủ thể tự lập và Thiên Chúa. Từ chính bản chất của nó, đức tin mở ra trước cái “Chúng Tôi” của Giáo Hội; nó luôn diễn ra trong hiệp thông Giáo Hội. Thể thức đối thoại trong kin tin kính dùng trong phụng vụ rửa tội nhắc nhớ điều này. Niềm tin của ta được phát biểu thành câu đáp trả một lời mời, một lời cần được nghe và không phải của chính tôi; nó hiện hữu như một phần của cuộc đối thoại và không thể chỉ là lời tuyên xưng phát nguyên nơi một cá nhân. Ta chỉ có thể đáp bằng chữ “tôi” số ít, “tôi tin”, vì ta là thành phần của một hiệp thông lớn hơn, vì ta cũng nói “chúng tôi tin”. Việc cởi mở đối với cái “chúng tôi” có tính Giáo Hội này phản ảnh sự cởi mở của chính tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không chỉ là liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa một “Con” và một “Ngài”, mà còn là trong Chúa Thánh Thần nữa, một cái “Chúng Ta”, tức hiệp thông các ngôi vị. Ở đây, ta thấy tại sao những người tin không bao giờ đơn độc cả, và tại sao đức tin có khuynh hướng truyền lan, vì nó mời gọi người khác chia sẻ niềm vui của nó. Những ai tiếp nhận đức tin đều khám phá ra rằng các chân trời của họ mở rộng như mới và nhiều liên hệ làm người ta phong phú được phát sinh. Tertulianô nói về điều này rất hay khi ông miêu tả người dự tòng “sau việc tẩy sạch đem lại sự sống mới” được chào đón vào nhà của mẹ họ và như một phần của gia đình mới, cùng đọc kinh Lạy Cha với các anh chị em của mình (34).

Các bí tích và việc thông truyền đức tin

40. Giống mọi gia đình, Giáo Hội truyền lại cho con cái mình trọn kho tàng ký ức của mình. Nhưng việc chuyển giao này diễn ra thế nào khiến không những không mất đi điều gì mà mọi điều trong gia tài đức tin còn được hiểu biết sâu sắc hơn nữa? Chính là nhờ Tông Truyền được gìn giữ trong Giáo Hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mà ta mới được diễm phúc tiếp xúc với ký ức nền tảng. Như Công Đồng Vatican II từng công bố, điều được các tông đồ truyền lại “bao gồm mọi sự nhằm giúp dân Chúa sống cuộc sống họ trong thánh thiện và gia tăng đức tin. Nhờ cách này, Giáo Hội, bằng tín lý, đời sống và thờ phượng của mình, lưu truyền mãi mãi cho mọi thế hệ tất cả những gì mình là, và tất cả những gì mình tin” (35).

Thực vậy, đức tin cần một khung cảnh để nó được làm chứng và thông truyền, một phương thế vừa thích đáng vừa cân xứng với điều được thông truyền. Vì để thông truyền một nội dung hoàn toàn có tính tín lý, một ý niệm có thể đã đủ, hay có lẽ một cuốn sách, hay lặp lại một sứ điệp đã nói. Nhưng điều được thông truyền trong Giáo Hội, điều được chuyển giao trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, là ánh sáng mới phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa chân thật, một ánh sáng chạm tới ta ở chính cốt lõi hữu thể ta và vận dụng được cả tâm trí, ý chí và mọi xúc cảm của ta, mở lòng ta ra đón nhận các liên hệ sống động trong hiệp thông. Nên phải có một phương thế đặc biệt để chuyển giao sự viên mãn này, một phương thế có khả năng vận dụng được toàn bộ con người ta, cả thân xác lẫn tinh thần, cả cuộc sống nội tâm lẫn các liên hệ với người khác. Phương thế ấy chính là các bí tích, được cử hành trong phụng vụ của Giáo Hội. Các bí tích thông truyền ký ức nhập thể, được nối kết với mọi thời điểm và mọi địa điểm của đời ta, với mọi giác quan của ta; trong các bí tích, trọn con người ta được vận dụng như là chi thể của một chủ thể sống động và là một phần trong hệ thống liên hệ cộng đoàn. Dù các bí tích vốn là bí tích của đức tin (36), nhưng ta cũng có thể nói rằng đức tin tự nó có một cấu trúc bí tích. Việc làm cho đức tin sống dậy được nối kết sự xuất hiện của một cảm thức mới về bí tích trong đời ta, đời làm người và đời làm Kitô hữu, trong đó các thực tại hữu hình và vật chất được coi như vượt quá chúng để hướng về mầu nhiệm trường cửu.

41. Việc thông truyền đức tin, trước nhất và trên hết, diễn ra trong Phép Rửa. Một số người có thể nghĩ rằng Phép Rửa chỉ là một cách biểu tượng hóa việc tuyên xưng đức tin, một dụng cụ sư phạm đối với những ai cần có hình ảnh và dấu hiệu, mà tự nó, xét cho cùng, không cần thiết. Thánh Phaolô từng đưa ra một nhận xét về Phép Rửa để nhắc ta nhớ: không phải như thế. Ngài viết rằng: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang Chúa Cha thế nào, chúng ta cũng được sống đời sống mới như thế” (Rm 6:4). Trong Phép Rửa, ta trở nên tạo vật mới và là con nuôi của Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ sau đó cho hay: Kitô hữu đã được phó thác cho “việc giảng dạy tiêu chuẩn” (týpos didachés) mà nay họ sẵn sàng vâng phục thật trong lòng (xem Rm 6:17). Trong Phép Rửa, ta tiếp nhận cả lời giảng cần được công bố lẫn cách sống đặc biệt đòi phải vận dụng toàn bộ con người và đặt ta vào nẻo đường sự thiện. Ai chịu Phép Rửa đều được đặt vào một bối cảnh mới, được trao phó cho một môi trường mới, một cách hành động mới, chung chia trong Giáo Hội. Như thế, Phép Rửa khiến ta thấy rằng đức tin không phải là thành tựu của các cá nhân cô lập; nó không phải là một hành vi mà ai đó có thể tự mình diễn xuất, mà đúng hơn, nó là một điều cần được tiếp nhận bằng cách đi vào hiệp thông Giáo Hội, một hiệp thông chuyển giao ơn phúc Thiên Chúa. Không ai tự rửa cho mình được, cũng như không ai tự bước vào đời được. Phép Rửa là điều ta tiếp nhận.

42. Các yếu tố trong Phép Rửa dẫn ta vào việc “giảng dạy tiêu chuẩn” mới này là những yếu tố nào? Thứ nhất, thánh danh Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được khẩn cầu trên người dự tòng. Bởi thế, ngay từ đầu, một tổng hợp của hành trình đức tin đã được cung cấp. Thiên Chúa, Đấng từng kêu gọi Ápraham và muốn được tuyên xưng là Chúa của ông, Đấng Thiên Chúa từng mạc khải tên mình cho Môsê, Đấng Thiên Chúa, khi ban Con của Người cho ta, đã mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tên Người, nay đang ban cho người chịu Phép Rửa một căn tính mới có tính con thảo. Điều này thấy rõ trong chính hành vi của Phép Rửa: dìm trong nước. Nước vừa là biểu tượng của sự chết, mời gọi ta rời khỏi cảnh tự hướng vào mình mà bước vào một căn tính mới và lớn lao hơn, vừa là biểu tượng của sự sống, của lòng dạ trong đó ta được tái sinh bằng cách theo chân Chúa Kitô bước vào sự sống mới của Người. Bằng cách này, nghĩa là bằng cách dìm mình trong nước, Phép Rửa nói cho ta thấy cấu trúc nhập thể của đức tin. Công trình của Chúa Kitô vào sâu trong thẳm sâu hữu thể ta và biến đổi ta cách triệt để, bằng cách làm ta trở nên con nuôi của Thiên Chúa và tham dự vào bản chất thần linh. Nhờ thế, nó điều chỉnh mọi liên hệ của ta, chỗ đứng của ta trong thế giới này và trong cả vũ trụ, và mở cho chúng cuộc sống hiệp thông của chính Thiên Chúa. Sự thay đổi diễn ra trong Phép Rửa này giúp ta biết đánh giá tầm quan trọng hết sức đặc biệt của đoàn dự tòng đối với việc tân phúc âm hóa, qua đó, càng ngày càng đông các người trưởng thành, ngay trong các xã hội có gốc rễ Kitô Giáo xưa kia, chịu tiếp cận bí tích Rửa Tội. Nó là con đường chuẩn bị chịu Phép Rửa để biến đổi trọn cuộc đời trong Chúa Kitô.

Để đánh giá đúng sự nối kết giữa Phép Rửa và đức tin, ta có thể nhắc đến bản văn của Tiên Tri Isaia, thường được văn chương Kitô Giáo tiên khởi liên kết với Phép Rửa: “Nơi trú ẩn của họ sẽ là thành trì bằng đá... nguồn nước của họ được bảo đảm” (Is 33:16) (37). Người chịu Phép Rửa, nhờ được cứu khỏi nước sự chết, nay được đặt vào một “thành trì bằng đá” vì họ đã tìm được một nền tảng vững chắc và đáng tin cậy. Nước sự chết, do đó, đã được biến đổi thành nước sự sống. Bản Hy Lạp, khi nói tới nguồn nước “được bảo đảm” này, đã dùng chữ pistós, "trung tín". Nước của Phép Rửa quả là trung tín và đáng tin, vì tuôn chẩy bằng sức mạnh của tình yêu Chúa Kitô, nguồn mọi bảo đảm cho cuộc hành trình trong đời.

43. Cấu trúc của Phép Rửa, hình thức tái sinh của nó, qua đó, ta nhận được một tên mới và một sự sống mới, giúp ta biết đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng của Phép Rửa trẻ sơ sinh. Trẻ em không có khả năng chấp nhận đức tin bằng hành vi tự do, cũng chưa có khả năng tự mình tuyên xưng đức tin ấy; cho nên đức tin đã được cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng nhân danh các em. Vì đức tin là một thực tại được sống trong cộng đồng Giáo Hội, một phần của cái “chúng tôi” chung, nên trẻ em được nâng đỡ bởi nhiều người khác, bởi cha mẹ và người đỡ đầu, và được chào đón vào đức tin của họ, vốn là đức tin của Giáo Hội; điều này được tượng trưng bởi cây nến mà người cha em bé đốt lên từ cây nến phục sinh. Như thế, cấu trúc của Phép Rửa chứng minh tầm quan trọng rất chủ yếu của việc hợp tác giữa Giáo Hội và gia đình trong việc chuyển giao đức tin. Như Thánh Augustinô có lần nói, cha mẹ được kêu gọi không những đem con cái vào đời mà còn đem chúng tới Thiên Chúa, để qua Phép Rửa, chúng được tái sinh làm con cái Thiên Chúa và nhận được hồng ân đức tin (38). Như thế, cùng với sự sống, trẻ em được ban tặng một xu hướng nền tảng và được bảo đảm một tương lai tốt; xu hướng này sẽ được củng cố hơn nữa trong bí tích Thêm Sức với ấn tín Chúa Thánh Thần.

44. Đặc tính bí tích của đức tin tìm được biểu thức cao nhất trong Phép Thánh Thể. Thánh Thể là của nuôi quý giá của đức tin: một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hành vi yêu thương tối cao của Người, tức việc Người tự hiến chính Người. Trong Phép Thánh Thể, ta thấy sự giao thoa của hai chiều kích đức tin. Một đàng, là chiều kích lịch sử: Phép Thánh Thể là một hành vi tưởng niệm, biến thành hiện tại một mầu nhiệm trong đó quá khứ, tức biến cố chết và phục sinh, chứng tỏ mình có khả năng mở ra một tương lai, tiên báo một thành toàn tối hậu. Phụng vụ nhắc ta nhớ điều này bằng cách lặp lại chữ hodie, “hôm nay” của mầu nhiệm cứu rỗi. Đàng khác, ta cũng tìm thấy chiều kích dẫn từ thế giới hữu hình qua thế giới vô hình. Trong Phép Thánh Thể, ta học cách biết nhìn chiều cao và chiều sâu của thực tại. Bánh và rượu được biến đổi thành mình và máu Chúa Kitô, Đấng trở nên hiện diện trong cuộc vượt qua về với Chúa Cha: chuyển động này kéo ta, cả xác lẫn hồn, vào chuyển động của tòan sáng thế hướng về sự thành toàn của nó trong Thiên Chúa.

45. Trong việc cử hành các bí tích, Giáo Hội chuyển giao ký ức của mình một cách đặc biệt qua việc tuyên xưng đức tin. Kinh tin kính không chỉ bao gồm việc đồng thuận của ta đối với một bộ các chân lý trừu tượng; đúng hơn, khi nó được đọc lên, toàn bộ cuộc sống được lôi cuốn vào cuộc hành trình hướng tới việc hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa hằng sống. Ta có thể nói rằng trong kinh tin kính, các tín hữu được mời gọi bước vào mầu nhiệm được chính họ tuyên xưng và để nó biến đổi mình. Muốn hiểu điều này có nghĩa gì, ta hãy trước nhất nhìn vào nội dung kinh tin kính. Nó có cấu trúc Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con hợp nhất trong Chúa Thánh Thần của tình yêu. Như thế, người tín hữu quả quyết rằng cốt lõi mọi hữu thể, bí mật thâm sâu nhất của mọi thực tại, là sự hiệp thông thần linh. Kinh tin kính cũng chứa lời tuyên xưng Kitô học: nó dẫn ta qua mọi mầu nhiệm của đời Chúa Kitô cho tới lúc Người chết, sống lại và lên trời trước khi trở lại lần cuối trong vinh quang. Nó kể cho ta nghe vị Thiên Chúa của hiệp thông này, của tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần này, có khả năng ôm trùm trọn lịch sử con người và lôi cuốn nó vào sự hợp nhất đầy năng động của Thiên Tính, vốn có nguồn gốc và thành toàn nơi Chúa Cha. Người tín hữu tuyên xưng đức tin dường như được thấm nhập vào chính chân lý đang được tuyên xưng vậy. Họ thực sự không thể đọc được các lời của kinh tin kính nếu không được thay đổi, không trở thành một phần của lịch sử yêu thương vốn ôm trùm lấy ta và mở rộng hữu thể ta, biến nó thành một phần của một hiệp thông vĩ đại, chủ thể tối hậu đang đọc kinh tin kính, tức Giáo Hội. Mọi chân lý được ta tin đều chỉ về mầu nhiệm sự sống mới của đức tin, hiểu như cuộc hành trình hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.

Đức tin, cầu nguyện và Mười Điều Răn

46. Hai yếu tố khác cũng rất chủ yếu trong việc thông truyền ký ức của Giáo Hội một cách trung thành. Thứ nhất, Kinh của Chúa, tức Kinh Lạy Cha. Ở đây, các Kitô hữu học cách chia sẻ chính kinh nghiệm thiêng liêng của Chúa Kitô và nhìn mọi sự bằng con mắt của Người. Khởi đi từ Người, Đấng là sánh sáng bởi ánh sáng, là Con Một Đức Chúa Cha, ta tiến tới chỗ nhận biết Thiên Chúa và nhờ thế nhóm lên nơi người khác niềm ước ao được đến gần Người.

Cũng thế, điều quan trọng là mối liên kết giữa đức tin và Mười Điều Răn. Như đã nói, Đức tin mang hình thức một hành trình, một nẻo đường phải theo, bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống. Chính trong ánh sáng đức tin, ánh sáng của niềm phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa cứu độ, mà Mười Điều Răn đã có được chân lý thẳm sâu nhất của chúng, như trong những lời dẫn khởi chúng đã chứng tỏ: “Ta là Chúa, Thiên Chúa các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 20:2). Mười Điều răn không phải là một bộ các lệnh truyền tiêu cực, mà là những chỉ dẫn cụ thể để ra khỏi sa mạc của cái tôi vị kỷ và quẩn quanh với chính mình mà bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, được lòng nhân từ của Người ôm ấp và rồi đem lòng nhân từ ấy đến cho người khác. Như thế, đức tin tuyên xưng tình yêu Thiên Chúa, nguồn gốc và là Đấng duy trì mọi loài. Nó để mình được tình yêu này hướng dẫn hầu có thể tiến bước hướng về sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa. Mười Điều Răn xuất hiện như nẻo đường biết ơn, lời đáp trả tình yêu, được làm cho khả hữu vì trong đức tin, ta dễ tiếp thu cảm nghiệm của tình yêu biến đổi mà Thiên Chúa dành cho ta. Và nẻo đường này nhận được ánh sáng mới từ giáo huấn trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu (Xem Mt 5-7).

Như thế, bốn yếu tố bao gồm trong kho ký ức được Giáo Hội chuyển giao là: tuyên xưng đức tin, cử hành các bí tích, Mười Điều Răn và cầu nguyện. Việc giảng dạy giáo lý của Giáo Hội luôn được cấu trúc quanh bốn yếu tố này; kể cả Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, vốn là trợ cụ căn bản cho hành vi thống nhất hóa được Giáo Hội sử dụng để thông truyền trọn vẹn nội dung đức tin của mình: “mọi điều Giáo Hội là, và mọi điều Giáo Hội tin” (39).

Tính hợp nhất và tính nguyên tuyền của đức tin

47. Sự hợp nhất của Giáo Hội trong thời gian và không gian được liên kết với sự hợp nhất của đức tin: “chỉ có một thân thể và một tinh thần... một đức tin duy nhất” (Eph. 4:4-5). Ngày nay ta dễ tưởng tượng một nhóm người đoàn kết với nhau vì một chính nghĩa chung, một tình âu yếm hỗ tương, cùng chia sẻ một định mệnh và một mục đích duy nhất. Nhưng ta khó mà tưởng nghĩ được một sự đoàn kết về chân lý. Ta có khuynh hướng nghĩ rằng sự đoàn kết loại này không tương hợp với tự do tư tưởng và quyền tự lập bản thân. Ấy thế nhưng kinh nghiệm yêu thương chứng minh cho ta thấy: một cách nhìn chung vẫn là điều có thể, vì nhờ tình yêu, ta học được cách nhìn thực tại qua đôi mắt người khác, không phải như một điều làm nghèo đi mà làm giầu thêm cho cách nhìn của ta. Tình yêu chân thực, theo kiểu tình yêu Thiên Chúa, cuối cùng đòi phải có sự thật, và việc cùng nhau chiêm ngắm chân lý là chính Chúa Giêsu Kitô sẽ giúp tình yêu trở nên sâu sắc và bền lâu. Đây cũng là niềm vui lớn của đức tin: sự hợp nhất của cách nhìn trong một thân thể và một tinh thần. Thánh Lêô Cả từng viết rằng: “nếu đức tin không là một, thì đó không phải là đức tin” (40).

Bí quyết của sự hợp nhất là đâu? Đức tin là “một”, trước nhất, vì có sự đơn nhất của Thiên Chúa, Đấng được biết đến và được tuyên xưng. Tất cả các điều khoản của đức tin đều nói về Thiên Chúa; chúng là những cách để biết Người và việc Người làm. Thành thử, sự hợp nhất của chúng cao hơn rất nhiều bất cứ công trình nào của lý trí con người. Chúng có được sự hợp nhất vốn làm ta ra phong phú vì sự hợp nhất này được ban cho để ta nên một.

Đức tin cũng là một vì nó được điều hướng về một Chúa duy nhất, về cuộc đời Chúa Giêsu, về lịch sử cụ thể mà Người vốn chia sẻ với ta. Thánh Irênê thành Lyons làm rõ điều này trong cuộc chiến đấu chống Phái Ngộ Đạo của ngài. Người ngộ đạo chủ trương rằng có hai loại đức tin: một loại đức tin thô kệch, bất toàn hợp với quần chúng, tức loại đức tin nằm ở bình diện thể xác Chúa Giêsu và việc chiêm ngắm các mầu nhiệm của Người; và loại đức tin sâu sắc hơn, hoàn hảo hơn dành cho một giới nhỏ những người ưu tuyển (initiates) có khả năng tri thức vươn quá bình diện thân xác Chúa Giêsu mà đạt tới các mầu nhiệm của thần tính không ai khác biết được. Ngược với chủ trương này, một chủ trương cho đến ngày nay vẫn còn một vài lôi cuốn và có nhiều người theo, Thánh Irênê nhấn mạnh rằng chỉ có một đức tin, vì nó đặt cơ sở trên biến cố nhập thể hết sức cụ thể và không bao giờ có thể vượt lên trên thân xác và lịch sử của Chúa Kitô, vì Thiên Chúa đã muốn tự mạc khải hoàn toàn trong thân xác ấy. Ngài nói, vì lý do này, không hề có sự khác biệt trong đức tin của “những người có khả năng nói về nó cách thao thao” và đức tin của “những người nói về nó chút chút”, giữa người vĩ đại hơn và người nhỏ mọn hơn: loại trước không thể gia tăng đức tin, mà loại sau cũng không thể gia giảm được nó (41).

Cuối cùng, đức tin là một vì nó được toàn thể Giáo Hội chia sẻ, mà Giáo Hội thì vốn là một thân thể và là một tinh thần. Trong hiệp thông của chủ thể duy nhất là Giáo Hội, ta nhận được tầm nhìn chung. Nhờ cùng tuyên xưng một đức tin như nhau, ta đứng vững trên cùng một tảng đá, được biến đổi bởi cùng một Thần Trí yêu thương, cùng toả một ánh sáng và có cùng cái nhìn thông suốt vào thực tại.

48. Vì đức tin là một, nó phải được tuyên xưng trong mọi nét tinh tuyền và nguyên tuyền của nó. Chính vì mọi điều khoản của đức tin đều được đan kết chặt chẽ vào nhau, nên bác bỏ một điều, dù là điều xem ra ít quan trọng nhất, cũng là làm méo mó toàn bộ. Mỗi giai đoạn lịch sử đều có thể thấy điểm này hay điểm nọ của đức tin khó có thể chấp nhận; do đó cần phải tỉnh trí để bảo đảm rằng kho tàng đức tin được chuyển giao trong tính trọn vẹn của nó (xem Tm 6:20) và mọi khía cạnh trong việc tuyên xưng đức tin phải được nhấn mạnh cách thích đáng. Thực vậy, vì sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của Giáo Hội, nên loại bỏ điều gì khỏi đức tin là loại bỏ điều gì đó khỏi tính chân thực của hiệp thông. Các Giáo Phụ mô tả đức tin như một cơ thể, cơ thể chân lý gồm nhiều chi thể khác nhau, tương tự như nhiệm thể Chúa Kitô và sự trải dài của nó trong Giáo Hội (42). Sự nguyên tuyền của đức tin cũng được nối kết với hình ảnh trinh nữ của Giáo Hội và sự trung trinh trong tình yêu của Giáo Hội đối với phu quân mình là Chúa Kitô; xâm hại đức tin có nghĩa là xâm hại sự hiệp thông với Chúa (43). Như thế, sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của một cơ thể sống động; điều này đã được Chân Phúc John Henry Newman làm rõ khi ngài liệt kê sức mạnh chuyển hóa mọi sự nó gặp ở các khung cảnh khác nhau nơi nó hiện diện và trong nhiều nền văn hóa đa dạng nó gặp gỡ (44), bằng cách thanh tẩy mọi sự và đem chúng tới những biểu thức tươi đẹp nhất của chúng, vào số những đặc điểm dùng để phân biệt tính liên tục của tín lý qua thời gian. Đức tin như thế được minh chứng là phổ quát, là Công Giáo, vì ánh sáng của nó mở rộng ra để chiếu soi toàn bộ vũ trụ và trọn bộ lịch sử.

49. Chúa ban cho Giáo Hội Người hồng ân tông truyền để phục vụ sự hợp nhất đức tin và việc thông truyền nó cách trọn vẹn. Nhờ phương thế này, tính liên tục trong ký ức Giáo Hội được bảo đảm và ta chắc chắn tới lui được nguồn suối phát sinh ra đức tin. Như thế, việc bảo đảm cho tính liên tục với nguồn suối này được những con người sống động đem lại, trong một cách thế phù hợp với đức tin sống động mà Giáo Hội có sứ mệnh thông truyền. Giáo Hội trông cậy vào lòng trung thành của các nhân chứng được Chúa chọn cho trách vụ này. Chính vì thế, huấn quyền luôn nói lời vâng phục đối với lời có trước mà đức tin vốn dựa vào; huấn quyền đáng tin cậy vì luôn tin tưởng vào lời nó nghe, duy trì và trình bày (45). Trong diễn từ Thánh Phaolô từ giã các trưởng lão Êphêsô tại Milêtô, được Thánh Luca thuật lại trong Tông Đồ Công Vụ, ngài chứng thực rằng ngài đã chu toàn trách vụ mà Chúa đã ủy thác cho ngài là “công bố toàn bộ ý định của Thiên Chúa” (Cv 20:27). Nhờ huấn quyền Giáo Hội, ý định này đã đến với chúng ta trong tính nguyên tuyền của nó, và với nó là niềm vui được theo nó cách trọn vẹn.

Chương Bốn: Thiên Chúa chuẩn bị cho các ngài một kinh thành (xem Dt 11:16)

Đức tin và thiện ích chung

50. Khi trình bày câu truyện về các tổ phụ và những người công chính nam nữ trong Cựu Ước, Thư Do Thái đã làm nổi bật khía cạnh chủ yếu trong đức tin của các ngài. Đức tin này đã được trình bày không những chỉ như một cuộc lữ hành, mà còn như một diễn trình xây dựng, diễn trình chuẩn bị một nơi chốn để những con người nhân bản có thể cùng cư ngụ với nhau. Nhà xây dựng đầu tiên chính là Nôê, người đã cứu gia đình mình bằng một chiếc tầu (Dt 11:7). Rồi đến Ápraham; về ông, có lời chép rằng nhờ đức tin, ông đã đến cư ngụ trong lều, trông chờ một thành với nền vững chắc (xem Dt 11:9-10). Với đức tin, người ta có sự tin cậy mới, sự vững chắc mới, mà chỉ Thiên Chúa mới ban được. Nếu người của đức tin tìm được nâng đỡ nơi Thiên Chúa tín trung, Đấng Thiên Chúa vốn là Amen (xem Is 65:16) và nhờ thế chính mình trở nên vững chắc, thì ta cũng có thể nói rằng sự vững chắc của đức tin chính là đặc điểm của kinh thành mà Thiên Chúa đang chuẩn bị cho loài người. Đức tin cho thấy các dây nối kết giữa con người với nhau vững chắc ra sao khi Thiên Chúa hiện diện giữa họ. Đức tin không chỉ ban phát sự vững chắc bên trong mà thôi, một xác tín không lay chuyển nơi tín hữu; nó còn rọi ánh sáng lên mọi liên hệ nhân bản vì nó vốn phát sinh từ tình yêu và phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng đáng tin cậy, ban cho ta một thành đáng tin cậy.

51. Chính nhờ liên kết với tình yêu (xem Gl 5:6), ánh sáng đức tin đã được đặt một cách chính xác vào việc phục vụ công lý, luật pháp và hòa bình. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa, nơi ý nghĩa và tính tốt lành của đời ta trở nên hiển nhiên; đời ta được soi sáng bao lâu chịu bước vào không gian do tình yêu kia mở ra, nói cách khác, bao lâu, nó trở thành con đường và lề thói hành động (praxis) dẫn tới sự viên mãn của tình yêu. Ánh sáng đức tin có khả năng tăng tiến sự phong phú của các liên hệ nhân bản, tăng tiến khả năng bền lâu, đáng tin, làm phong phú cuộc sống chung. Đức tin không kéo ta ra khỏi thế giới hay tỏ ra bất liên hệ với các quan tâm cụ thể của mọi người nam nữ thời ta. Không có tình yêu đáng tin, sẽ không có gì có thể giữ cho mọi người nam nữ hợp nhất với nhau. Lúc ấy, có lẽ sự hợp nhất của con người chỉ có thể quan niệm được trên căn bản hữu dụng, trên tính toán lợi lộc kình chống nhau hay sợ hãi nhau mà thôi, chứ không trên sự tốt lành của việc chung sống với nhau, không trên niềm vui mà chỉ nguyên sự hiện diện của người khác cũng đủ mang tới. Đức tin khiến ta biết đánh giá cấu trúc của các liên hệ nhân bản vì nó nắm được nền tảng tối hậu và định mệnh dứt khoát của chúng nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Người, và do đó rọi ánh sáng trên nghệ thuật xây dựng; hiểu như thế, nó trở thành việc phục vụ thiện ích chung. Đức tin quả là một thiện ích cho mọi người; một thiện ích chung. Ánh sáng của nó không chỉ chiếu sáng bên trong Giáo Hội, nó không chỉ nhằm xây dựng kinh thành muôn thuở của đời sau; nó giúp ta xây dựng các xã hội của ta theo hướng cùng đồng hành tiến về một tương lai hy vọng. Về phương diện này, thư Do Thái cho ta một thí dụ khi liệt kê Samuen và Đavít vào số những người nam nữ của đức tin; đức tin của các vị này giúp họ có khả năng “thực hành công lý” (Dt 11:33). Kiểu nói này chỉ lối cai trị hợp công lý của họ, chỉ sự khôn ngoan từng đem hoà bình lại cho dân (xem 1Sm 12:3-5; 2Sm 8:15). Bàn tay đức tin dơ cao lên trời, lúc chúng bắt đầu xây dựng trong yêu thương một kinh thành đặt nền tảng trên các liên hệ vốn lấy tình yêu Thiên Chúa làm nền tảng.

Đức tin và gia đình

52. Trong cuộc hành trình của Ápraham hướng về kinh thành tương lai, Thư Do Thái nhắc đến sự chúc phúc được truyền từ đời cha tới đời con (xem Dt 11:20-21). Khung cảnh đầu tiên trong đó đức tin soi sáng cho kinh thành con người là gia đình. Trước hết và trên hết, tôi nghĩ tới sự kết hợp ổn định giữa một người đàn ông và một người đàn bà trong hôn nhân. Sự kết hợp này phát sinh từ tình yêu của họ, như dấu chỉ và sự hiện diện của chính tình yêu Thiên Chúa, và từ việc nhìn nhận và chấp nhận sự tốt lành của dị biệt tính dục, nhờ đó, các người phối ngẫu trở nên một thân xác (xem St 2:24) và nhận được khả năng sinh sản sự sống mới, biểu hiện sự tốt lành, sự khôn ngoan và kế hoạch đầy yêu thương của Đấng Hóa Công. Đặt cơ sở trên tình yêu này, một người nam và một người nữ có thể đoan hứa cho nhau một tình yêu hỗ tương trong một cử chỉ vận dụng được trọn cuộc đời họ và phản ảnh được nhiều khía cạnh của đức tin. Hứa hẹn tình yêu vĩnh viễn chỉ có thể có được khi ta nhận ra một kế hoạch lớn hơn các suy nghĩ và đảm nhiệm của ta, một kế hoạch nâng đỡ ta và giúp ta có khả năng trao phó trọn tương lai ta cho người ta yêu. Đức tin cũng giúp ta hiểu rõ việc sinh sản con cái trong mọi nét sâu sắc và phong phú của nó, như là dấu chỉ tình yêu của Đấng Hóa Công muốn ủy thác cho ta mầu nhiệm một con người mới. Chính vì thế, Sara, nhờ đức tin, đã trở thành một người mẹ, vì bà tin tưởng vào tính tín trung trong lời hứa của Thiên Chúa (xem Dt 11:11).

53. Trong gia đình, đức tin đồng hành với mọi tuổi sống, bắt đầu với tuổi ấu thơ: con trẻ học biết tín thác vào tình yêu của cha mẹ. Đó là lý do tại sao điều quan trọng trong gia đình là cha mẹ phải khuyến khích việc cùng nhau phát biểu đức tin, một việc sẽ giúp con trẻ dần dần lớn lên trong chính đức tin của chúng. Kinh qua một thời kỳ phức tạp, phong phú và quan trọng trong đời đối với đức tin, người trẻ cần cảm nhận được sự gần gũi và sự nâng đỡ không ngừng của gia đình và của Giáo Hội trong hành trình đức tin của chúng. Trong Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ta từng chứng kiến niềm vui được giới trẻ biểu lộ trong đức tin và cam kết của họ muốn sống một đời sống đức tin vững chắc và đại lượng mỗi ngày mỗi hơn. Giới trẻ muốn sống cuộc sống tới mức trọn vẹn nhất của nó. Gặp gỡ Chúa Kitô, tức việc để mình được tình yêu của Người chiếm hữu và hướng dẫn, sẽ mở rộng chân trời hiện sinh và đem lại cho cuộc hiện sinh một hy vọng vững chắc không hề lừa dối. Đức tin không phải là nơi ẩn náu của những con người nhát gan, mà là một triển nở trọn cuộc sống. Nó giúp khám phá ra lời mời gọi vĩ đại, tức ơn gọi yêu thương, và bảo đảm rằng tình yêu này đáng tin cậy, đáng ta ôm lấy, vì nền tảng của nó chính là lòng tín trung của Thiên Chúa, mạnh hơn sự yếu đuối của ta.

Một ánh sáng cho cuộc sống trong xã hội

54. Được thấm nhập và thâm hậu hóa trong gia đình, đức tin trở thành một ánh sáng có khả năng chiếu soi mọi liên hệ của ta trong xã hội. Như một cảm nghiệm về lòng xót thương của Thiên Chúa Cha, nó đặt ta vào nẻo đường huynh đệ. Thời hiện đại vốn tìm cách xây dựng cho được một tình huynh đệ phổ quát đặt căn bản trên sự bình đẳng, ấy thế nhưng, ta dần dần hiểu ra rằng tình huynh đệ này, vì không qui chiếu về một vị Cha chung làm nền tảng tối hậu cho nó, nên không thể lâu bền được. Ta cần trở lại với nền tảng đích thực của tình huynh đệ. Lịch sử đức tin, ngay từ đầu, vốn là lịch sử của tình huynh đệ, dù không phải không có tranh chấp. Thiên Chúa kêu gọi Ápraham lên đường rời bỏ quê hương và hứa sẽ biến ông thành một quốc gia lớn, một dân tộc lớn được Người chúc phúc (xem St 12:1-3). Lịch sử cứu rỗi càng diễn tiến, ta càng thấy rõ Thiên Chúa muốn làm cho mọi người được chung chia sự chúc phúc này như anh chị em, một chúc phúc đạt tới viên mãn nơi Chúa Giêsu, để mọi người trở nên một. Tình yêu vô bờ của Chúa Cha cũng đến với ta, trong Chúa Giêsu, qua anh chị em ta. Đức tin dạy ta biết nhìn ra rằng mọi người nam nữ đều tượng trưng cho một chúc phúc đối với tôi, rằng ánh sáng gương mặt Chúa chiếu sáng lên tôi qua gương mặt của anh chị em tôi.

Cái nhìn của đức tin Kitô Giáo đã đem lại cho kinh thành con người biết bao phúc lợi cho cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, ta tiến tới chỗ hiểu được phẩm giá độc đáo của mỗi con người, điều mà cổ thời đã nhìn không rõ. Thế kỷ thứ hai, người ngoại giao tên Celsus đã trách mắng các Kitô hữu vì một ý niệm bị họ coi là ngu ngốc và lừa đảo: tức ý niệm cho rằng Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho con người, đặt con người lên chóp đỉnh toàn thể vũ trụ. “Tại sao chủ trương: cỏ mọc vì lợi ích của con người, hơn là vì lợi ích của những dã thú tàn bạo nhất?” (46). “Từ trời cao nhìn xuống Địa Cầu, nào có sự gì thực sự khác nhau giữa hoạt động của ta và hoạt động của loài kiến hay loài ong?” (47). Tại tâm điểm của đức tin Thánh Kinh, ta thấy quan tâm cụ thể của Người đối với mọi người, và kế hoạch cứu rỗi của Người dành cho toàn thể nhân loại và toàn thể tạo vật, mà cao điểm là việc nhập thể, cái chết và việc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Không nhìn thấu suốt vào các thực tại này, sẽ không có tiêu chuẩn nào để biện phân được điều khiến cho sự sống nhân bản thành quí giá và độc đáo. Con người đánh mất vị trí của mình trong vũ trụ, họ vật vờ trong thiên nhiên, cả do việc khước từ trách nhiệm luân lý riêng lẫn do việc đóng vai trò gần như quan tòa tối cao, có quyền lực vô hạn, muốn thao túng thế giới quanh mình ra sao tùy ý.

55. Ngoài ra, đức tin, khi mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Hóa Công, càng giúp ta biết tôn trọng thiên nhiên hơn nữa, và biện phân trong nó một thứ văn phạm do bàn tay Chúa viết ra và một nơi cư ngụ được trao cho ta để ta bảo vệ và chăm sóc. Đức tin cũng giúp ta nghĩ ra các mô thức phát triển không chỉ đặt căn bản trên hữu dụng và lợi nhuận, nhưng coi tạo vật như một hồng ân mà tất cả chúng ta đều mang ơn; nó dạy ta biết tạo ra các hình thức cai trị biết ý thức rằng quyền bính phát sinh từ Thiên Chúa và nhằm phục vụ thiện ích chung. Đức tin cũng đem lại khả thể tha thứ, là giá trị thường đòi phải có thời gian và cố gắng, kiên nhẫn và dấn thân. Tha thứ là điều có thể khi ta khám phá ra rằng thiện luôn có trước và mạnh mẽ hơn ác, và lời mà Thiên Chúa dùng để khẳng nhận sự sống của ta luôn sâu sắc hơn sự bác bỏ của ta. Đứng trên quan điểm hoàn toàn nhân học, hợp nhất luôn cao hơn tranh chấp; nhưng thay vì tránh né tranh chấp, ta cần đối diện với nó trong cố gắng giải quyết nó và vượt quá nó, biến nó thành móc xích trong sợi dây chuyền, như một phần của cuộc tiến về hợp nhất.

Khi đức tin yếu đi, các nền tảng của nhân loại cũng có nguy cơ bị yếu dần, như Thi Sĩ T.S. Eliot từng cảnh giác: “Bạn có cần được nói cho biết: ngay những thành tựu khiêm nhường này, những thành tựu bạn thường tự hào theo lối xã hội lịch duyệt, sẽ khó có thể sống lâu hơn Đức Tin là điều chúng phải dựa vào mới có ý nghĩa?” (48). Nếu ta loại bỏ đức tin ra khỏi các thị thành của ta, việc tin tưởng lẫn nhau sẽ yếu đi, ta chỉ còn đoàn kết vì sợ sệt mà thôi và chính sự ổn định của ta cũng sẽ bị đe dọa. Trong Thư Do Thái, ta đọc những lời này “Thiên Chúa không xấu hổ vì được gọi là Thiên Chúa của các ngài; thực thế, Người đang chuẩn bị cho các ngài một kinh thành” (Dt 11:16). Ở đây, kiểu nói “không xấu hổ” được liên kết với một nhìn nhận công khai. Ý này muốn nói rằng qua các hành động cụ thể, Thiên Chúa tuyên hứa công khai rằng Người hiện diện giữa chúng ta và những muốn củng cố mọi liên hệ nhân bản của ta. Phải chăng chính ta, thay vào đó, là những kẻ xấu hổ gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của ta? Phải chăng chính ta là những kẻ không tuyên xưng Người như thế trong đời sống công cộng của ta, không trình bày sự cao cả của cuộc sống chung mà Người đã làm thành khả hữu? Đức tin chiếu soi cuộc đời và chiếu soi xã hội. Nếu nó có được ánh sáng sáng tạo cho mỗi khoảnh khắc mới của lịch sử, thì chính là vì nó biết đặt mọi biến cố vào mối liên hệ thủy chung của vạn vật với Chúa Cha.

An ủi và sức mạnh trong đau khổ

56. Viết cho các Kitô hữu Côrintô về những đau khổ và thống cực của mình, Thánh Phaolô liên kết đức tin của ngài vào việc rao giảng Tin Mừng. Trong chính mình, ngài nhìn thấy ứng nghiệm đoạn Sách Thánh sau đây: “tôi tin, nên tôi mới nói” (2Cor 4:13). Ngài nhắc tới câu Thánh Vịnh 116, trong đó thánh vịnh gia kêu lên: “Tôi giữ đức tin của tôi, cả khi tôi buột miệng nói ‘tôi buồn khổ khôn cùng’” (câu 10). Nói về đức tin thường bao hàm việc nói về thử thách đớn đau, ấy thế nhưng chính trong thử thách này, Thánh Phaolô nhận ra sự công bố Tin Mừng đầy thuyết phục nhất, vì chính trong yếu đuối và đau khổ, ta khám phá ra sức mạnh của Thiên Chúa, một sức mạnh chiến thắng mọi yếu đuối và đau khổ của ta. Chính Thánh Tông Đồ đã cảm nghiệm được việc sự chết trở thành sự sống đối với Kitô hữu ra sao (xem 2Cor 4:7-12). Trong giờ phút thử thách, đức tin đem lại ánh sáng, vì đau khổ và yếu đuối làm sáng tỏ điều này “chúng tôi không tuyên xưng chúng tôi; chúng tôi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (2Cor 4:5). Chương thứ mười một của Thư Do Thái kết thúc với việc nhắc tới những ai chịu đau khổ vì đức tin của mình (xem Dt 11:35-38); nổi nhất trong số này là Môsê, người chịu nhục mạ vì Đấng Kitô (xem câu 26).

Các Kitô hữu biết rằng đau khổ không thể bị tiêu diệt,nhưng có thể có ý nghĩa và trở thành một hành vi yêu thương và phó thác trong tay Thiên Chúa, Đấng không từ bỏ ta; theo cách này, ta có thể dùng nó như những giây phút lớn lên trong đức tin và trong yêu thương. Nhờ chiêm ngắm sự kết hợp của Chúa Kitô với Chúa Cha ngay trong đỉnh cao đau khổ của Người trên Thánh Giá (xem Mc 15:34), Kitô hữu học được cách chia sẻ cái nhìn của Người. Ngay cái chết cũng được soi sáng và được cảm nghiệm như lời mời gọi tối hậu bước vào đức tin, tối hậu “tiến bước khỏi quê hương mình” (St 12:1), tối hậu “Hãy đến!” được Chúa Cha nói lên, Đấng ta phó mình trong tay, vì tin tưởng rằng Người sẽ làm ta mạnh mẽ ngay trong cuộc vượt qua dứt khoát của ta.

57. Ánh sáng đức tin cũng không làm ta quên các đau khổ của thế gian này. Biết bao con người nam nữ của đức tin đã tìm thấy môi giới ánh sáng nơi những người chịu đau khổ! Việc này đã xẩy ra với Thánh Phanxicô Assisi và người phong cùi, hay với Chân Phúc Mẹ Têrêxa Calcutta và người nghèo của Mẹ. Các ngài hiểu mầu nhiệm đang hành động trong những người này. Tuy gần đau khổ, nhưng chắc chắn các ngài không tận diệt được mọi cái đau của họ hay giải thích được mọi cái ác. Đức tin không phải là thứ ánh sáng phá tan mọi bóng tối của ta, mà là ngọn đèn hướng dẫn các bước đi của ta giữa đêm khuya và đủ cho cuộc hành trình. Với những ai đau khổ, Thiên Chúa không cung cấp các luận điểm để giải thích mọi điều; mà đúng hơn, đáp ứng của Người mang hình thức một hiện diện đồng hành, một câu truyện tốt lành liên kết với mọi câu truyện đau khổ và hé mở một tia sáng. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa muốn chia sẻ con đường đó với ta và dành cho ta một cái nhìn giúp ta nhìn ra ánh sáng ở trong đó. Chúa Kitô là Đấng vì đã từng chịu đau khổ nên là “người tiên phong và hoàn hảo hóa đức tin của ta” (Dt 12:2).

Đau khổ nhắc ta nhớ rằng phục vụ thiện ích chung của đức tin luôn là một phục vụ hy vọng, một hy vọng luôn nhìn lên phía trước vì biết rằng chỉ từ Thiên Chúa, chỉ từ một tương lai phát xuất từ Chúa Kitô, xã hội ta mới tìm được các nền tảng vững chắc và lâu bền của nó. Theo chiều hướng này, đức tin được liên kết với hy vọng, vì dù nơi ở của ta dưới thế này có tan mất đi, ta đã có nơi ở trường cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ta trong Chúa Kitô, trong thân xác Người (xem 2Cor 4:16-5:5). Như thế, động năng của tin, cậy, mến (xem 1Tx 1:3; 1Cor 13:13) sẽ dẫn ta tới chỗ biết ôm lấy quan tâm của mọi người nam nữ trên hành trình tiến về kinh thành “mà kiến trúc sư và người xây dựng là chính Thiên Chúa” (Dt 11:10), vì “đức cậy không làm ta thất vọng” (Rm 5:5).

Hợp nhất với tin và mến, đức cậy thúc đẩy ta hướng tới một tương lai chắc chắn, đối diện với một chân trời khác, ngược với các rù quyến đầy ảo tưởng của ngẫu thần thế gian và đem lại cho ta một cái đà và một sức mạnh mới cho cuộc sống hàng ngày của ta. Ta hãy khước từ, đừng để mình bị tước mất hy vọng, tước mất đức cậy, hay để cho lòng hy vọng của ta bị lu mờ bởi các giải đáp và các giải pháp dễ dãi chỉ ngăn cản các tiến bộ của ta, làm thời gian tan thành mảnh vụn và biến nó thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian. Không gian biến các diễn trình thành khô cứng, trong khi thời gian thúc đẩy ta hướng về tương lai và khuyến khích ta tiến bước trong hy vọng.

Phúc cho chị vì chị đã tin (Lc 1:45)

58. Trong dụ ngôn người gieo giống, Thánh Luca để lại cho ta các lời sau đây về “đất tốt”: “Đó là những người khi nghe lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết trái” (Lc 8:15). Trong ngữ cảnh của Tin Mừng Luca, nhắc tới tấm lòng cao thượng và quảng đại biết lắng nghe và nắm giữ lời là một cách mặc nhiên mô tả đức tin của Trinh Nữ Maria. Chính soạn giả Tin Mừng này từng nói về ký ức của Đức Maria, về cách ngài đã trân giữ trong lòng mọi điều đã nghe và đã nhìn ra sao, để những lời ấy sinh hoa trái trong đời ngài. Mẹ Chúa là mẫu mực hoàn hảo của đức tin; như chính Thánh Nữ Êlisabét đã nói: “phúc cho chị vì chị đã tin” (Lc 1:45).

Nơi Đức Maria, Nữ Tử Sion, lịch sử lâu dài của đức tin trong Cựu Ước đã ứng nghiệm, với câu truyện của rất nhiều phụ nữ tín trung, bắt đầu với Sara, những phụ nữ, song song với các tổ phụ, đã là những người mà nơi họ lời hứa của Thiên Chúa đã nên trọn và sự sống mới đã đơm bông. Đến lúc thời gian viên mãn, lời Thiên Chúa đã được ngỏ với Đức Maria và ngài đã tiếp nhận lời ấy vào trong lòng, vào trọn con người ngài, đến nỗi trong dạ ngài lời ấy mang lấy xác phàm và sinh ra như ánh sáng cho nhân loại. Thánh Giustinô Tử Đạo, trong cuộc đối thoại với Trypho, đã sử dụng một biểu thức đáng lưu ý; ngài nói rằng Đức Maria, khi tiếp nhận sứ điệp của thiên thần, đã thụ thai “đức tin và niềm vui” (49). Nơi Mẹ Chúa Giêsu, đức tin đã minh chứng được tính mang hoa trái của nó; khi đời sống thiêng liêng của ta mang hoa trái, ta trở nên tràn ngập niềm vui, một dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy nét cao cả của đức tin. Trong cuộc sống của ngài, Đức Maria đã hoàn tất hành trình đức tin, bằng cách theo chân Con Trai ngài (50). Như thế, ở nơi ngài, cuộc hành trình đức tin của Cựu Ước đã được tháp nối vào việc theo chân Chúa Kitô, được Người biến đổi để bước vào tầm nhìn của Con Thiên Chúa nhập thể.

59. Ta có thể nói rằng nơi Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, ta tìm được điều tôi đã nhắc trên đây, tức điều cho rằng tín hữu được hoàn toàn thấm nhập vào việc họ tuyên xưng đức tin. Vì sợi dây liên kết gần gũi của ngài với Chúa Giêsu, Đức Maria có liên hệ chặt chẽ với những điều ta tin. Là Trinh Nữ và là Mẹ, Đức Maria hiến cho ta một dấu chỉ rõ ràng về tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Kitô. Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Kitô là nơi Chúa Cha. Người là Chúa Con theo nghĩa hoàn toàn và độc đáo, và do đó, Người sinh vào thời gian mà không cần có sự can thiệp của một người đàn ông. Là Chúa Con, Chúa Giêsu mang đến cho thế gian một khởi đầu mới và một ánh sáng mới, sự viên mãn trong tình yêu tín trung của Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại. Nhưng chức phận làm mẹ thực sự của Đức Maria cũng bảo đảm cho Con Thiên Chúa một lịch sử nhân bản chân chính, một thân xác thực trong đó Người sẽ chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết. Đức Maria sẽ đồng hành với Chúa Giêsu tới tận thập giá (xem Ga 19:25), do đó, chức phận làm mẹ của ngài còn được nới rộng tới tận mỗi môn đệ của Người (xem Ga 19:26-27). Ngài cũng sẽ có mặt tại phòng trên lầu sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, tham gia với các tông đồ trong lời cầu khẩn ơn Chúa Thánh Thần (xem Cv 1:14). Chuyển động yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần diễn biến qua suốt lịch sử ta, và Chúa Kitô lôi kéo ta tới với Người hòng cứu vớt ta (xem Ga 12:32). Tại tâm điểm đức tin ta là lời tuyên xưng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi một phụ nữ, Đấng, qua ơn Chúa Thánh Thần, đem ta tới việc được nhận làm con trai, con gái (Xem Gl 4:4).

60. Ta hãy hướng về Đức Maria, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ đức tin ta, với lời cầu nguyện.

Lạy Mẹ, xin Mẹ giúp đỡ đức tin chúng con!
Xin Mẹ mở rộng tai chúng con để nghe lời Thiên Chúa và nhận ra tiếng và lời gọi của Người.
Xin Mẹ làm sống dậy trong chúng con ước muốn bước chân theo Người, lên đường rời bỏ quê hương và chấp nhận lời hứa của Người.
Xin Mẹ giúp chúng con được tình yêu Người chạm tới, được chạm đến Người bằng đức tin.
Xin Mẹ giúp chúng con tín thác trọn vẹn vào Người và tin vào tình yêu của Người, nhất là trong lúc bị thử thách, dưới bóng thập giá, khi đức tin của chúng con được mời gọi trưởng thành hơn.
Xin Mẹ gieo vào đức tin chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.
Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng người tin không bao giờ đơn độc.
Xin Mẹ dạy chúng con biết nhìn mọi sự bằng con mắt của Chúa Giêsu, để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi. Và ánh sáng đức tin này luôn gia tăng nơi chúng con, cho tới hừng đông của ngày bất tận là chính Chúa Kitô, Con Mẹ, Chúa chúng con!

Ban hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma, ngày 29 tháng Sáu, Ngày Kính Trọng Thể Hai Thánh Phêrô và Phaolô, trong năm 2013, năm thứ nhất triều giáo hoàng của tôi.

+ PHANXICÔ
________________________________________
(1) Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 121, 2: PG 6, 758.
(2) Clement of Alexandria, Protrepticus, IX: PG 8, 195.
(3) Brief an Elisabeth Nietzsche (11 tháng Sáu,1865), trong: Werke in drei Bänden, München, 1954, 953ff.
(4) Paradiso XXIV, 145-147.
(5) Acta Sanctorum, Junii, I, 21.
(6) "Dù không minh nhiên bàn đến đức tin, Công Đồng vẫn nói về nó ở mỗi trang, nhìn nhận đặc tính sống động và siêu nhiên của nó, cho rằng nó đầy đủ và mạnh mẽ, và đặt nền tảng giáo huấn của mình trên nó. Chỉ cần nhắc lại các tuyên bố của Công Đồng... cũng đủ thấy tầm quan trọng chủ yếu mà Công Đồng, phù hợp với truyền thống tín lý của Giáo Hội, vốn gán cho đức tin, đức tin chân thật, đức tin bắt nguồn nơi Chúa Kitô, và huấn quyền Giáo Hội làm máng chuyên chở nó” (Phaolô VI, triều yết chung, 8 tháng 3, 1967: Insegnamenti V [1967], 705).
(7) Thí dụ, xem Công Đồng Vatican I, Hiến Chế Tín Lý về Đức Tin Công Giáo Dei Filius, Ch. 3: DS 3008-3020; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 5; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo các số 153-165.
(8) Xem Catechesis V, 1: PG 33, 505A.
(9) In Psal. 32, II, s. I, 9: PL 36, 284.
(10) M. Buber, Die Erzählungen der Chassidim, Zürich, 1949, 793.
(11) Émile, Paris, 1966, 387.
(12) Lettre à Christophe de Beaumont, Lausanne, 1993, 110.
(13) Xem In Ioh. Evang., 45, 9: PL 35, 1722-1723.
(14) Phần II, IV.
(15) De Continentia, 4, 11: PL 40, 356.
(16) "Vom Wesen katholischer Weltanschauung" (1923), trong Unterscheidung des Christlichen. Gesammelte Studien 1923-1963, Mainz, 1963, 24.
(17) XI, 30, 40: PL 32, 825.
(18) Xem ibid., 825-826.
(19) Xem Vermischte Bemerkungen / Culture and Value, ed. G.H. von Wright, Oxford, 1991, 32-33; 61-64.
(20) Homiliae in Evangelia, II, 27, 4: PL 76, 1207.
(21) Xem Expositio super Cantica Canticorum, XVIII, 88: CCL, Continuatio Mediaevalis 87, 67.
(22) Ibid., XIX, 90: CCL, Continuatio Mediaevalis 87, 69.
(23) "Vâng phục đức tin (Rm 16:26; so sánh với Rm 1:5, 2Cor 10:5-6) phải là đáp trả của ta với Đấng Thiên Chúa mạc khải. Qua đức tin, ta tự ý phó mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, hoàn toàn thuần phục cả trong tri thức lẫn ý chí Đấng Thiên Chúa mạc khải, và sẵn sàng đồng thuận mạc khải của Người. Muốn được ban đức tin này, ta cần ơn thánh của Thiên Chúa để dự ứng và trợ giúp nó, cũng như sự trợ lực bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng đánh động trái tim ta và hồi hướng nó về Thiên Chúa, và mở con mắt tâm trí và giúp mọi người dễ dàng chấp nhận và tin chân lý. Cũng một Chúa Thánh Thần này không ngừng hoàn thiện đức tin bằng ơn của Người, để mạc khải mỗi ngày mỗi được hiểu biết hơn” (Dei Verbum, số 5)
(24) Xem H. Schlier, Meditationen über den Johanneischen Begriff der Wahrheit, trong Besinnung auf das Neue Testament. Exegetische Aufsätze und Vorträge 2, Freiburg, Basel, Wien, 1959, 272.
(25) Xem S. Th. III, q. 55, a. 2, ad 1.
(26) Sermo 229/L (Guelf. 14), 2 (Miscellanea Augustiniana 1, 487/488): "Tangere autem corde, hoc est credere".
(27) Xem Tông Thư Fides et Ratio (14 tháng 9, 1998), 73: AAS (1999), 61-62.
(28) Xem Confessiones, VIII, 12, 29: PL 32, 762.
(29) De Trinitate, XV, 11, 20: PL 42, 1071: "verbum quod intus lucet ".
(30) Xem De Civitate Dei, XXII, 30, 5: PL 41, 804.
(31) Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus Iesus (6 tháng Tám, 2000), 15: AAS 92 (2000), 756.
(32) Demonstratio Apostolicae Predicationis, 24: SC 406, 117.
(33) Xem Bonaventure, Breviloquium, prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, 201; In I Sent., proem, q. 1, resp.: Opera Omnia, I, Quaracchi 1891, 7; Thomas Aquinas, S. Th I, q.1.
(34) Xem De Baptismo, 20, 5: CCL 1, 295.
(35) Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.
(36) Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 59.
(37) Xem Epistula Barnabae, 11, 5: SC 172, 162.
(38) Xem De Nuptiis et Concupiscentia I, 4, 5: PL 44, 413: "Habent quippe intentionem generandi regenerandos, ut qui ex eis saeculi filii nascuntur in Dei filios renascantur".
(39) Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Dei Verbum, 8.
(40) In Nativitate Domini Sermo, 4, 6: SC 22, 110.
(41) Xem Irenaeus, Adversus Haereses, I, 10, 2: SC 264, 160.
(42) Xem ibid., II, 27, 1: SC 294, 264.
(43) Xem Augustine, De Sancta Virginitate, 48, 48: PL 40, 424-425: "Servatur et in fide inviolata quaedam castitas virginalis, qua Ecclesia uni viro virgo casta coaptatur".
(44) Xem An Essay on the Development of Christian Doctrine (Uniform Edition: Longmans, Green and Company, London, 1868-1881), 185-189.
(45) Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Dei Verbum, 10.
(46) Origen, Contra Celsum, IV, 75: SC 136, 372.
(47) Ibid., 85: SC 136, 394.
(48) "Choruses from The Rock", trong The Collected Poems and Plays 1909-1950, New York, 1980, 106.
(49) Xem Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 100, 5: PG 6, 710.

(50) Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 58