Chúa Nhật II TN năm A: ĐÂY LÀ CHIÊN Thiên Chúa

Is 49, 3.5-6; 1 Cr 1, 1-3; Ga 1, 29-34


Mở lại những trang sách Cựu Ước, ta thấy một số sách đã gọi Môsê, Ðavít, các ngôn sứ và nhiều người khác là Tôi tớ của Thiên Chúa. Đặc biệt, Isaia là tác giả nói nhiều về Người Tôi Tớ

Trong sách Isaia phần II (gồm các chương 40-55) có bốn đoạn đặc biệt nói về Người Tôi Tớ (42,1-7; 49,1-9; 50,4-9; 52,13-53,12). Bốn bài ca về Người Tôi tớ đó nhưng ta chỉ có thể hiểu được chỉ ta khi đọc trong bối cảnh của cả phần II của sách ấy.

Isaia đoạn 49 mà chúng ta vừa nghe:

Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.

Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang."

Phần tôi, tôi đã nói:

"Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì."

Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi,

Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng.

Người là Đấng nhào nặn ra tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người tôi trung,

đem nhà Giacóp về cho Người

và quy tụ dân Israel chung quanh Người.

Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng,

và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta

để tái lập các chi tộc Giacóp,

để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.

Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,

để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."

Tác giả không rõ ràng. Câu đầu tiên trong đoạn này Người Tôi Tớ sẽ là cả dân Israel; nhưng trong những câu sau, người ấy lại là một cá nhân đặc biệt nào đó. Ý thực của tác giả muốn gì ? Ðối với ông, Israel vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người đã chọn dân làm sở hữu, gọi họ là Dân của Người, không những để chia sẻ tình thân mật với Dân, mà còn mạc khải kế hoạch cứu độ của Người cho Dân, để họ trở thành Người Tôi Tớ tín cẩn thực hiện kế hoạch đó cho Người.

Nhưng sứ mạng giao cho toàn dân, Người lại muốn thể hiện nơi và qua một số ít, gọi là "số sót của Israel", và cuối cùng, nơi và qua Một Con Người tiêu biểu. Chỉ người này đáng gọi tên là "Người Tôi Tớ của Ðức Giavê".

Trong bài ca thứ IV, đoạn 53 về Người Tôi Tớ đã vẽ ra hình ảnh con người bị khinh khi, phế bỏ, vì đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta; người bị tra tấn, nhưng không hề mở miệng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, để nhờ các vết hằn người chịu, chúng ta được chữa lành; người đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch.

Và khi đọc lại, trong Bài ca I, Isaia đã viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người". Và đó là điều Gioan muốn gợi đến khi ông tuyên chứng đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Giêsu.

Đức Kitô xuất hiện bên dòng sông Giođan và không phải ai cũng nhận ra Ngài. Tuy nhiên, duy chỉ có Gioan Tẩy Giả là người đã nhận ra Chúa Giêsu. Từ “Con Chiên" mà thánh Gioan Tẩy Giả dùng để chỉ Chúa Giêsu, Đấng hiến mình vì nhân loại, Đấng cứu độ thế gian, con người.

Từ dòng sông Giođan ngày hôm ấy, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ của Ông : "Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1, 29).

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: "Aben làm nghề chăn chiên" (St 4, 2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, "Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng" lên Ngài (St 4, 4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (Xh 12, 2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (Xh 12, 29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29, 38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Lẽ thường, ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt và nếu như phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Với Thiên Chúa thì khác, Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 18, 23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.

Đối với dân Do Thái, Chiên Thiên Chúa mà thánh Gioan Tẩy Giả nói lên gợi lại trong tâm trí họ toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Quả thực, Chiên Thiên Chúa làm cho dân Do Thái nhớ tới máu chiên trong ngày lễ Vượt Qua được bôi trên trước cửa nhà, nhờ đó họ được Thiên Chúa cứu và giải thoát toàn thể dân lưu đầy ra khỏi đất Ai Cập và đưa họ vào đất hứa để hưởng tự do, hạnh phúc. Chúng ta nhận thấy hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do Thái tưởng nhớ và mừng lễ Vượt Qua một cách trọng thể và hết sức trân trọng bởi vì Thiên Chúa đã giải thoát cha ông và dân tộc của họ khỏi ách nô lệ.

Chúa Giêsu là Đấng vô tội, là Con Chiên tinh tuyền, vẹn sạch mới có thể đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại và chết thay cho các tội nhân. Máu của Chúa đổ ra trên thập giá tẩy xóa tội lỗi nhân loại và ban ơn thánh hóa cho con người để con người trở nên tinh tuyền, vẹn sạch. Qua lời chứng của Gioan, chúng ta hiểu được mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta được hiệp thông với cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Mình và Máu Chúa Kitô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại. Mình và Máu của Chúa Kitô là lương thực nuôi sống con người, nuôi sống loài người. Mỗi lần Linh mục đọc : "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô : "Đấng đã chết, đã sống lại, và Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang".

Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người bằng giá máu của Ngài. Chúng ta phải đáp trả lại tình yêu vô cùng cao quí của Ngài bởi vì “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13). Chúng ta đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói yêu mến Ngài mà còn phải sống bằng chính đời sống của mỗi người chúng ta.

Thánh Phaolô, một lần nữa trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe đã khẳng định : Đức Giê-su Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.

Chính Đức Giêsu Kitô là Chúa và cũng là Chiên Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ cuộc đời của mỗi người chúng ta. Với niềm tin đó, ta cùng xin với Thánh Phaolô : "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an".

Nhờ ân sủng và bình an của Chúa, ta mạnh dạn bước đi trên con đường lữ thứ trần gian đầy gian nguy thử thách này để ngày sau được Đấng Cứu Độ trần gian đưa vào hưởng nhan Thánh Chúa trên Trời.